Thái Diễm (chữ Hán: 蔡琰), cũng đọc là Sái Diễm, tựChiêu Cơ (昭姬), nhưng sau trùng huý với Tư Mã Chiêu nên người đời sau đổi thành Văn Cơ (文姬)[1]. Bà là một trong những nữ văn nhân đầu tiên của Trung Hoa và là nữ thi nhân duy nhất trong những văn sĩ trứ danh thời kì Kiến An, Hán Hiến Đế Lưu Hiệp.
Một nữ sĩ tài hoa mà bạc phận, bà là tác giả của Bi phẫn thi (悲憤詩), một thi phẩm được coi là một kiệt tác thể loại thơ tự sự của văn học Kiến An và của thơ ca cổ điển Trung Quốc[2]. Ngoài ra, bà còn giỏi lý số, thơ phú, hùng biện và âm luật.
Cuộc đời
Thái Diễm là người Trần Lưu (nay thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Cha bà là Thái Ung, một nhà văn, nhà sử học và làm quan cuối thời Đông Hán, nổi tiếng tài hoa và vô cùng bác học. Theo học giả Nguyễn Hiến Lê, Thái Ung còn tinh thông thiên văn, số học, biện luận và âm luật. Tương truyền ông đã nói với một người chụm củi, rằng: "Tôi nghe tiếng củi nổ, biết là củi tốt, chớ nên chụm". Ngay sau đó, ông xin khúc củi cháy dở đem về, làm thành một cây đàn, tiếng rất trong[3]. Nhờ có người cha như vậy, nên khi 8 tuổi, Thái Diễm đã giỏi văn thơ, cũng rất thông thạo âm luật.
Năm 16 tuổi, Thái Diễm lấy chồng là Vệ Trọng Đạo (衛仲道), một danh sĩ khá nổi danh, thuộc một gia tộc lớn ở Hà Đông. Nhưng chẳng bao lâu thì chồng bị bệnh chết. Nhà chồng cho là bà khắc mệnh, lại chưa có con, nên cho về nhà mẹ đẻ[4]. Sau đó trong loạn lạc thời Hưng Bình, bà bị quân Đổng Trác bắt đi rồi lưu lạc tới Nam Hung Nô (nay thuộc vùng Nội Mông), bị nạp làm thiếp của Tả Hiền Vương (左賢王), bà sống ở đó 12 năm và sinh được hai con trai. Căn cứ theo sử liệu Hậu Hán thư, vào tháng 11 năm Hưng Bình thứ 2 thời Hán Hiến Đế (194-195), Lý Thôi và Quách Dĩ bị Tả Hiền vương của Nam Hung Nô đánh bại, rất có thể Thái Diễm bị quân Hồ bắt nộp cho Tả Hiền vương trong khoảng thời gian này. Sau nhờ có Tào Tháo vốn là bạn thân của cha bà, vì thương xót bà nên cho sứ giả đem vàng ngọc tới chuộc về (nhưng hai con bà bị giữ lại) và tái giá với người cùng quận là Đổng Tự (董祀)[5]. Câu chuyện về sau được gọi là [Văn Cơ quy Hán; 文姬歸漢], trở thành một đề tài của Kinh Kịch và hội họa. Thời nhà Tống, một họa sĩ cung đình tên Trần Cư Trung thời Tống Ninh Tông tương truyền đã vẽ nên bức họa nổi tiếng ["Văn Cơ quy Hán"], hiện vẫn còn trưng bày tại Bảo tàng Cố cung.
Sau đó, Đổng Tự làm quan bị tội, Thái Diễm đích thân đi tìm Tào Tháo xin cầu tình. Lúc ấy Tào Tháo đang mở tiệc chiêu đãi công khanh danh sĩ, bèn nói với khách khứa rằng:"Con gái của Thái Ung đương ở bên ngoài, hôm nay cho mọi người gặp một lần!". Thái Diễm rối tung tóc bỏ giày ra dập đầu thỉnh tội, nói chuyện trật tự rõ ràng, tình cảm chua xót bi thương, khách khứa trong chính đường cũng vì thế mà bi thương bồi hồi. Nhưng Tào Tháo lại nói: "Công văn giáng tội đã phát đi, làm sao bây giờ?", Thái Diễm nói:"Minh công có hơn hàng vạn binh mã, sĩ tốt cả trăm, há tiếc một người một ngựa đốc thúc cứu vớt một sinh mệnh hấp hối sao?!". Tào Tháo rốt cuộc bị Thái Diễm cảm động, đặc xá Đổng Tự.
Đương khi ấy Tào Tháo trông thấy Thái Diễm trời đông lạnh mà còn tháo giày bới tóc, bèn cấp cho bà một chiếc giày và vớ giữ tạm ấm. Nhân khi xưa Thái Ung chứa rất nhiều sách trong nhà, Tào Tháo nhớ lại bèn hỏi:"Nghe nói nhà của nàng khi trước có rất nhiều sách cổ, hiện tại còn có thể nhớ không?", Thái Diễm đáp:"Lúc trước phụ thân để lại cho tôi có 4000 cuốn, nhưng bởi vì chiến loạn trôi giạt khắp nơi, bảo tồn kém cỏi, hiện tại tôi có thể ghi nhớ chỉ có 400 thiên". Tào Tháo lại nói:"Ta phái 10 người bồi hầu phu nhân viết, có thể chứ?", thì Thái Diễm khước từ nói:"Nam nữ thụ thụ bất thân, cứ cho tôi giấy bút, tự tay tôi viết cho Minh công". Vì thế Thái Diễm tự tay viết 400 thiên sách mà mình còn nhớ đưa cho Tào Tháo, không có một chút sai lầm[6].
Tác phẩm của Thái Diễm nay còn lại hai bài Bi phẫn thi (悲憤詩, "Thơ bi phẫn"), trong đó một bài theo thể ngũ ngôn cổ phong, một bài theo thể ["Tao"; 騷][7]; và một thiên Hồ già thập bát phách (胡笳十八拍, nghĩa là "Mười tám điệu phách của người Hồ").
Bi phẫn thi
Tiểu dẫn
Bi phẫn thi là một trong những bài thơ tự sự nổi tiếng nhất của văn học Kiến An cũng như thơ ca cổ điển Trung Quốc. Bi phẫn thi gồm hai bài. Bài thứ nhất, dài tổng cộng 108 câu ngũ ngôn, gồm ba đoạn, là tác phẩm hay nhất và chắc chắn là của Thái Diễm. Bài thứ hai dài 38 câu, cũng thuật về việc nàng bị bắt đi đến cảnh chia tay với con trở về, nhưng viết theo thể "Tao".
Ở Bi phẫn thi (ngũ ngôn), với bút pháp tự sự kết hợp nhuần nhuyễn với trữ tình, tác giả lần lượt kể lại những nỗi đau khổ dằn vặt của mình từ lúc bị quân Đổng Trác bắt, rồi lưu lạc sang đất Hung Nô, cho đến lúc đành cắt đứt tình mẫu tử để trở về cố quốc. Giới thiệu bài thơ này, GS. Nguyễn Khắc Phi viết: Thời Kiến An, bài có quy mô phản ánh rộng hơn cả và cũng làm xúc động lòng người hơn cả là Bi phẫn thi. Và học giả Nguyễn Hiến Lê cũng đã viết: Khi về nước rồi, nàng làm bài Bi phẫn thi dài 540 chữ, tả nỗi long đong của nàng, lời cực thống thiết, tựa như mỗi chữ là một giọt lệ.[8]
Tóm lược tác phẩm:
Đoạn thứ nhất (40 câu đầu) tả một cách khái quát cảnh rối loạn của Triều đình nhà Hán, nỗi khổ sở của Thái Diễm và của nhiều người dân khác khi bị quân Đổng Trác bắt đi.
Đoạn thứ hai (40 câu tiếp theo) tả cảnh sắc nơi chốn biên thùy xa lạ và cuộc sống của Thái Diễm ở đất Hung Nô, sự day dứt khi bà phải vĩnh biệt hai con để trở về nước.
Đoạn cuối (28 câu) tả những thảm cảnh mà bà đã chứng kiến sau khi đã trở về, và hé lộ nỗi lo sợ bị ruồng bỏ khi buộc phải lấy người chồng thứ ba.
Nhận xét
Theo GS Nguyễn Khắc Phi, tuy nội dung chính của Bi phẫn thi đó là tường thuật lại cuộc đời bất hạnh của cá nhân (Thái Diễm), song vận mệnh của cá nhân đã gắn chặt với những biến cố lớn của xã hội, do đó nó vẫn có tính chất điển hình rõ nét.
Và qua đó, Tác giả cũng đã cho thấy tài nắm bắt rất giỏi những hiện tượng và sự kiện có tính chất đặc trưng để miêu tả, khắc họa.
Như để làm nổi bật âm mưu chính trị của Đổng Trác, chỉ cần phác vài nét:
Chí mưu việc thoát nghịch,
Giết bao người hiền lương.
Dời đô sang đất khác...
Tả tội ác của quân Đổng Trác, cũng chỉ cần:
Săn người, bao vây thành
Đến đâu là tan tành.
Giết người như cắt rạ.
Đầu trai treo lưng ngựa,
Gái đẹp xâu từng dây...
Và cũng chỉ cần viết ngắn gọn, mà vẫn diễn tả được một cách đầy đủ, sinh động biết bao tình cảm phức tạp lúc chia tay ở đất Hung Nô:
Thái Diễm thường xuất hiện trong các tác phẩm tiểu thuyết, truyện tranh, phim ảnh, trò chơi điện tử có chủ đề Tam Quốc nói chung và Tào Tháo nói riêng.
^Theo nhận định của Nguyễn Hiến Lê, Đại cương Văn học sử Trung Quốc (Nhà xuất bản Trẻ, 1997, 167-168) và Nguyễn Khắc Phi, Từ điển Văn học (bộ mới. Nhà xuất bản Thế giới, 2004, tr. 1626)
^GS Nguyễn Khắc Phi giải thích: Tao là một dạng đặc biệt của Sở từ, cũng do Khuất Nguyên sáng tạo, gồm từng cặp hai câu 6 chữ được nối liền bằng tiếng đệm "Hề" (兮) (Từ điển Văn học, bộ mới, tr. 1562)
^Nguyễn Khắc Phi, Từ điển Văn học (bộ mới, sách đã dẫn, tr. 1957) & Nguyễn Hiến Lê, Đại cương Văn học sử Trung Quốc (Nhà xuất bản Trẻ, 1997, tr. 167-168)
^Bản dịch của Trương Chính. Theo Từ điển Văn học (bộ mới), tr. 1626