Năm 214, Lưu Bị bình định Tây Xuyên, Trương Dực được bổ nhiệm làm thư tá. Đến khoảng cuối niên hiệu Kiến An (196 - 220), Trương Dực được cử hiếu liêm, giữ chức Giang Dương (huyện) trưởng, rồi lần lượt chuyển làm thái thú quận Tử Đồng, Quảng Hán, Thục.[2]
Năm 217, Trương Dực theo Lưu Bị ra Hán Trung chống lại quân Tào Tháo. Dực làm phó tướng của Triệu Vân, canh giữ doanh trại. Sau Triệu Vân giải cứu Hoàng Trung, Trương Trứ, lui về doanh trại, bị quân Tào Ngụy truy kích. Dực cho mở cửa trại, khiến địch tưởng có mai phục, khi rút lui thì Vân, Dực đem quân nỏ bắn tên ra, giết được vô số.[3]
Năm 231, Lai Hàng đô đốc Lý Khôi bị bệnh trở về Thành Đô, Trương Dực được phong làm Lai Hàng đô đốc, Tuy nam trung lang tướng, trấn thủ Nam Trung. Trương Dực chấp pháp nghiêm khắc, không màng tập quán, nên không được lòng người dân tộc thiểu số ở địa phương.[2]
Năm 233, hào soái nam di là Lưu Trụ nổi loạn, Trương Dực cho quân đi trấn áp không được. Triều đình bèn bổ nhiệm Mã Trung thay thế Dực, triệu Dực về triều. Thủ hạ đều khuyên Trương Dực mau chóng về Thành Đô tạ tội, Dực nói: Không được! Bởi vì ta mà man di phản loạn, không xứng giữ chức vụ mà bị triệu về. Song người kế nhiệm chưa tới, ta đang ở nơi chiến trường, phải gánh trách nhiệm tổ chức vận chuyển, tích trữ lương thảo, làm vật tư để tiêu diệt phản tặc, sao có thể vì việc bị miễn chức mà làm hỏng chính sự của quốc gia? Liền ở lại thống lĩnh quân đội, không hề lơi lỏng. Khi Mã Trung đến nhậm chức thì Dực mới xuất phát. Mã Trung nhờ Trương Dực chuẩn bị đầy đủ mà có thể nhanh chóng bình định Lưu Trụ. Thừa tướng Gia Cát Lượng biết chuyện, rất tán thưởng.[2]
Tham gia Bắc phạt
Năm 234, Gia Cát Lượng tiến hành bắc phạt, Trương Dực theo quân. Quân Hán đến Vũ Công, Dực được phong làm Tiền quân đô đốc, lĩnh thái thú Phù Phong. Tháng 8 cùng năm, thừa tướng Gia Cát Lượng qua đời, Trương Dực theo đại quân rút về. Triều đình sau đó xét công của Dực khi dẹp Lưu Trụ, phong tước Quan nội hầu.[2]
Năm 238, Trương Dực vào triều, phong chức Thượng thư, tham dự thảo luận các quyết sách của triều đình. Đến khoảng năm 237, Hán Trung đô đốc Ngô Ý qua đời, Vương Bình thay chức. Trương Dực được phong làm Chinh tây đại tướng quân, đốc Kiến Uy[4] phụ trợ Bình, tặng tiết phù, phong tước Đô đình hầu.[2]
Năm 255, Trương Dực cùng Vệ tướng quân Khương Duy đồng thời trở về Thành Đô. Khương Duy đề nghị một lần nữa xuất quân bắc phạt, cả triều đình chỉ có Dực phản đối. Trương Dực cho rằng nước nhỏ dân mệt, không nên lạm dụng vũ lực.[5] Duy không đồng tình, vẫn quyết tâm xuất quân. Khi ấy Trương Ngực không may tử trận, Khương Duy tiến cử Trương Dực làm Trấn nam đại tướng quân, theo quân bắc phạt.[2]
Khương Duy đại phá quân Ngụy ở Địch Đạo, tiêu diệt mấy vạn. Thứ sử Ung Châu của Ngụy là Vương Kinh phải rút vào thành cố thủ. Trương Dực kiến nghị: Nên dừng lại ở đây, không nên đánh tiếp, nếu tiến thêm có thể đánh mất công lớn vừa lập.[2] Duy không nghe, tiếp tục bao vây, nhiều ngày không hạ được thành. Sau tướng Ngụy là Trần Thái đi đường vòng tập kích, Khương Duy phải rút lui đến Chung Đế.[6]
Trương Dực cùng Khương Duy thường hay bất hòa. Duy không lòng không thích Dực, nhưng vẫn mang Dực cùng nhau xuất binh. Trương Dực dù không muốn nhưng không thể không đồng hành.[2]
Năm 259, Trương Dực được phong làm Tả Xa kỵ tướng quân, lĩnh thứ sử Ký Châu[2], quan chức cùng Hữu Xa kỵ tướng quân Liêu Hóa ngang hàng. Người đương thời ca tụng: Trước có Vương, Câu, sau có Trương, Liêu.[7]
Mùa đông năm 263, Hậu chủ đầu hàng, Trương Dực theo Khương Duy trá hàng Chung Hội, mưu đồ phục quốc. Năm 264, Trương Dực theo Khương Duy, Chung Hội đến Thành Đô. Sự việc thất bại, Khương Duy, Trương Dực, Tưởng Bân, Tưởng Hiển, Vệ Kế cùng thái tử Lưu Tuyền đều bị loạn quân giết chết.[2][6]
Gia đình
Con cái:
Trương Vi (張微), quan đến thái thú Quảng Hán thời Tấn.[2]
Trương Khải (張啟), quan đến thái thú Giang Dương thời Tấn.
Trong văn hóa
Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Trương Dực xuất hiện từ hồi 64, là tướng dưới quyền Lưu Hội, tướng trấn thủ Lạc Thành. Năm 214, sau khi Gia Cát Lượng đánh bại Trương Nhiệm, Trương Dực chém chết Lưu Hội, mở thành đầu hàng, được Lưu Bị ban thưởng, cử Dực cùng Ngô Ý đi chiêu hàng các thành trì vùng Ngoại Thủy.[8] Năm 219, khi Lưu Bị cùng Tào Tháotranh đoạt Hán Trung, Trương Dực làm phó tướng của Triệu Vân, canh phòng doanh trại, để Triệu Vân đi cứu viện Hoàng Trung, đến khi Vân về, dùng nỏ bắn tên khiến quân Ngụy dẫm đạp nhau chết vô số.[9] Năm 221, Lưu Bị muốn báo thù cho Quan Vũ, phong Dực làm Trung quân hiệu úy, xuất chinh đánh Ngô.[10]
Năm 226, thừa tướng Gia Cát Lượng nam chinh, phong Trương Dực làm phó tướng.[11] Trong chiến dịch này, Trương Dực từng cùng Vương Bình, Ngụy Diên bắt sống Ngạc Hoán, giúp bình định bốn quận Nam Trung, lại nhiều lần cùng Trương Ngực dẫn quân đánh bại Mạnh Hoạch.[12]
Năm 227, Gia Cát Lượng xuất quân bắc phạt, phong Trương Dực làm tiền quân đô đốc.[13] Khi đánh Thiên Thủy, mưu kế của Khổng Minh bị Khương Duy đoán được, khiến Triệu Vân bị bao vây, Trương Dực, Cao Tường phải ra quân cứu viện.[14] Sau Dực lại tham gia đánh bại quân Khương,[15] rồi được sai sửa lại đường Kiếm Các để cho đại quân rút lui.[16]
Năm 229, Trương Dực lại theo bắc phạt. Dực theo kế, chờ các tướng khác bao vây Trương Cáp, Đới Lăng, để Tư Mã Ý đến cứu viện. Khi Ý đến, Trương Dực hô to rằng: Thừa tướng thực là thần, mẹo mực đã định đâu đấy cả rồi, chúng ta cứ việc cố chết mà đánh đi thôi. Quân Ngụy đại bại, nhưng Cáp, Lăng, Ý vẫn chạy thoát.[17] Khi Tào Chân dẫn quân đến, Dực cùng ba tướng khác dẫn quân ra Tào Cốc, bao vây đánh tan quân Ngụy, khiến Tào Chân vì thế sinh bệnh, sau đó đọc thư của Khổng Minh xong phẫn uất mà chết.[18]
Năm 231, Khổng Minh bắc phạt, sai Trương Dực, Mã Trung trấn thủ Lỗ Thành, tự thân bày trận đánh bại Tư Mã Ý.[19] Năm 234, Khổng Minh dẫn quân đánh Bắc Nguyên, cho Liêu Hóa, Trương Dực làm hậu đội, sau đó lại phái hai người cản đường quân Ngụy ở Vị Nam.[20] Quân Ngụy bị Trương Dực, Liêu Hóa đánh tan, Tư Mã Ý chỉ còn một mình một ngựa trốn vào trong rừng.[21] Trước khi chết, Khổng Minh để lại di ngồn cho Dương Nghi, có câu: Mã Đại, Vương Bình, Liêu Hóa, Trương Dực, Trương Ngực đều là bầy tôi trung nghĩa, xông pha trận mạc đã nhiều, khó nhọc đã lắm, nên ủy dụng các người ấy.[22]
Năm 255, Khương Duy muốn thừa dịp Tư Mã Sư chết, tiến quân bắc phạt. Trương Dực phản đối: Đất Thục nhỏ hẹp, tiền lương ít ỏi, không nên đi đánh xa mãi. Chi bằng yên phận giữ nơi hiểm yếu thương quân yêu dân, đó là kế giữ nước đấy. Khương Duy phản bác: Không phải lẽ thế! Ngày xưa thừa tướng chưa ra khỏi lều tranh, đã biết thiên hạ chia ba rồi, thế mà còn sáu lần ra Kỳ Sơn để đồ lấy Trung Nguyên; chẳng may nửa đường ngài mất sớm, đến nỗi công nghiệp không thành. Nay ta chịu di mệnh của thừa tướng, nên phải hết lòng báo nước, để nối cái chí của ngài, dù chết cũng không oán hận gì. Nay nước Ngụy có chỗ sơ hở, không nhân dịp này mà đánh, còn đợi bao giờ? Dực liền đổi ý, góp lời rằng: Trước kia đánh không được phải trở về, là bởi ra quân chậm quá. Binh pháp có nói: Đánh nơi không phòng bị, ra chỗ bất tình cờ. Nay bằng hỏa tốc tiến binh, khiến cho quân Ngụy không kịp đề phòng, thì mới có thể thắng được. Khương Duy nghe theo, dùng Hạ Hầu Bá, Trương Dực đánh Vương Kinh ở Thao Thủy, khiến quân Ngụy chết vô số, lui về Địch Đạo. Trương Dực lúc này khuyên can: Công trạng tướng quân đã thành rồi, uy danh lừng lẫy, cũng nên thôi đi. Nay bằng lại tiến binh, phỏng có điều gì như bất ý, thì lại hóa ra vẽ rắn thêm chân mất. Khương Duy không nghe, Dực khuyên hai ba lần không được. Trần Thái theo kế Đặng Ngải, đi vòng ra Hạng Lĩnh. Khương Duy mắc mưu, để Trương Dực ở lại vây thành, đến khi phát hiện trúng kế đành cho rút quân.[23]
Năm 258, Khương Duy lấy Liêu Hóa, Trương Dực làm tiên phong, tiến đánh Kỳ Sơn, theo kế đánh bại Đặng Ngải, đẩy lui Tư Mã Vọng. Quân Ngụy bị vây, bèn đút lót Hoàng Hạo, lừa Hậu chủ ra chiếu bắt Khương Duy rút quân. Duy chần chừ, Dực liền nói: Tướng quân luôn động binh mấy năm, nên người Thục đều có lòng oán cả, không bằng chấp nhận dịp này vừa được trận, thu quân mã về cả, để yên bụng dân. Sau sẽ liệu kế khác. Duy nghe theo, để Liêu Hóa, Trương Dực đoạn hậu, khiến Đặng Ngải không có biện pháp đánh lén.[24] Sang năm 260, Khương Duy lại tiến đánh Kỳ Sơn, vẫn lấy Liêu Hóa, Trương Dực làm tiên phong, chia quân ba đường, trong đó Trương Dực dẫn quân theo đường Lạc Cốc.[25]
Năm 262, Khương Duy dẫn quân ra đánh Diêu Dương, không may trúng kế, khiến Hạ Hầu Bá tử trận. Trương Dực bèn bàn: Quân Ngụy ở hết cả đây. Kỳ Sơn tất nhiên bỏ trống, tướng quân nên chỉnh đốn quân mã chống nhau với Đặng Ngải, đánh mặt Diêu Dương, Hầu Hà, tôi xin dẫn quân đến lấy Kỳ Sơn. Nếu lấy xong chín trại Kỳ Sơn, thì kéo tràn vào lấy Trường An, đó là kế hay hơn cả. Duy nghe theo, sai Trương Dực dẫn hậu quân đến đánh trại Kỳ Sơn còn bản thân dẫn quân đến Hầu Hà để nghi binh Đặng Ngải. Trương Dực đánh Sư Toản sắp thắng thì viện quân của Đặng Ngải tới, thành ra thua to. Khi ấy thì Phó Thiêm đến cứu viện Dực, hai tướng hội quân đánh bại Đặng Ngải, đẩy quân Ngụy cố thủ trong trại. Khi ấy Hoàng Hạo chuyên quyền, muốn thay Khương Duy bằng Diêm Vũ, khiến Khương Duy sắp phá được trại lại phải rút quân.[26]
Năm 263, quân Ngụy đánh vào đất Thục, Khương Duy dâng biểu cho Trương Dực trấn thủ ải Dương Bình, Liêu Hóa giữ Âm Bình, nhưng bị Hoàng Hạo lừa Hậu chủ bỏ mặc. Quân Ngụy phá Hán Trung, Khương Duy cho người truyền tin cho Liêu Hóa, Trương Dực, Đổng Quyết đến phòng ngự các nơi. Sau đó Khương Duy rút lui khỏi Đạp Trung, gặp Trương Dực mới để thất thủ ải Dương An về, bèn theo ý Liêu Hóa, lui về cố thủ Kiếm Các.[27][28] Đặng Ngải lén đi lối Âm Bình, áp sát Thành Đô, Hậu chủ đầu hàng, sai Tưởng Hiển đến khuyên bọn Khương Duy đầu hàng. Các tướng biết tin, đều đổ lệ, tiếng khóc vang xa hơn mười dặm. Sau đó, Khương Duy bàn với các tướng bày kế trá hàng, Trương Dực theo Khương Duy hàng Chung Hội, ly gián Hội với Ngải.[29] Cuối cùng mưu không thành, Trương Dực bị loạn quân giết chết ở Thành Đô.[30]