Lý Nghiêm

Lý Nghiêm
Tự Chính Phương (正方)
Thông tin chung
Sinh (unknown)
Mất 234

Lý Nghiêm (chữ Hán: 李厳, ? – 234) hay Lý Bình (李平) là quan viên nhà Thục Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc.

Khởi nghiệp

Nghiêm tự Chánh Phương, người quận Nam Dương, Kinh Châu [1]. Thiếu thời Nghiêm làm lại ở quận, nhờ tài cán mà nổi tiếng. Kinh Châu mục Lưu Biểu khiến Nghiêm làm việc ở các quận, huyện khác. Khi Tào Tháo tiến vào Kinh Châu, Nghiêm đang giữ chức Tỷ Quy huyện lệnh, bèn bỏ sang Thục, được Lưu Chương dùng làm Thành Đô huyện lệnh, lại nổi tiếng là có tài năng. [Tam quốc 1]

Năm Kiến An thứ 18 (213), Nghiêm được thự làm Hộ quân, kháng cự Lưu Bị ở Miên Trúc. Nghiêm đưa quân ra hàng Lưu Bị, được bái làm Tì tướng quân. Lưu Bị chiếm Thành Đô, lấy Nghiêm làm Kiền Vi thái thú, Hưng nghiệp tướng quân. Năm thứ 23 (218), bọn Mã Tần, Cao Thắng nổi dậy ở huyện Thê, tập hợp mấy vạn người, kéo đến huyện Tư Trung. Bấy giờ Lưu Bị đang giằng co với Tào Tháo ở Hán Trung, Nghiêm không thể lấy thêm binh, bèn soái binh sĩ bản quận được 5000 người đi dẹp, chém đầu bọn Tần, Thắng. Đồng đảng của bọn Tần, Thắng tan rã, đều được Nghiêm cho về làm dân. Lại có thủ lãnh người thiểu số ở Việt Huề đem quân vây huyện Tân Đạo, Nghiêm vội đi cứu, phản quân thua chạy. Nghiêm được gia hiệu Phụ Hán tướng quân, lĩnh quận như cũ. [Tam quốc 2]

Năm thứ 24 (219), Lưu Bị giành được Hán Trung, sai Nghiêm theo bọn Lưu Phong, Mạnh Đạt đánh quận Thượng Dung, thái thú Thân Đam bèn ra hàng. [Tam quốc 3] [Tam quốc 4]

Phục vụ Thục Hán

Năm Chương Vũ thứ 2 (222), Hán Chiêu Liệt đế Lưu Bị vời Nghiêm đến cung Vĩnh An, bái làm Thượng thư lệnh. Năm thứ 3 (223), Chiêu Liệt đế bệnh nặng, Nghiêm cùng Gia Cát Lượng nhận di chiếu giúp thiếu chủ, được làm Trung đô hộ, Thống nội ngoại quân sự, lưu trấn Vĩnh An. Năm Kiến Hưng đầu tiên (223), Nghiêm được phong Đô hương hầu, Giả tiết, gia Quang lộc huân. Năm thứ 4 (226), Nghiêm được chuyển làm Tiền tướng quân. Bởi Gia Cát Lượng đem quân ra Hán Trung nhằm chuẩn bị Bắc phạt, muốn lấy Nghiêm coi hậu phương, nên dời ông đồn trú Giang Châu, lưu Hộ quân Trần Đáo ở lại Vĩnh An, vẫn ở dưới quyền của ông. Lúc này Nghiêm và Lượng thay nhau gởi thư lôi kéo Mạnh Đạt (đã hàng Tào Ngụy từ năm 220), nội dung thư cho thấy quan hệ của hai người tương đối hòa hợp: Nghiêm mong muốn sẽ cùng Lượng làm nên việc lớn, còn Lượng đánh giá cao năng lực của Nghiêm. [Tam quốc 5]

Dù vậy, Trần Thọ ghi nhận Nghiêm đã gởi thư khuyên Lượng nhận Cửu tích, tiến tước xưng vương (tương tự hành vi của Tào Tháo đối với nhà Hán). Lượng đã đáp thư thẳng thắn bác bỏ. [Tam quốc 6]

Năm Kiến Hưng thứ 8 (230), Nghiêm được thăng làm Phiếu kị tướng quân. Bởi tướng Ngụy là Tào Chân phát 3 đạo binh đánh Thục, Lượng lệnh cho Nghiêm đem 2 vạn người đi Hán Trung, lại dâng biểu lấy con của ông là Lý Phong làm Giang Châu đô đốc để nắm quân đội, thay ông coi việc ở Giang Châu. Bởi Lượng dự định năm sau tiến hành lần nữa Bắc phạt, bèn lệnh cho Nghiêm làm Trung đô hộ thự phủ sự. Sau đó Nghiêm đổi tên là Lý Bình. [Tam quốc 7]

Mùa xuân năm thứ 9 (231), Lượng đóng quân ở Kỳ Sơn, lấy Bình đốc thúc việc vận tải quân nhu. Gặp lúc giao mùa thu – hè, trời đổ mưa dầm, vận lương không kịp, Bình sai Tham quân Hồ Trung, Đốc quân Thành Phiên tuyên dụ chỉ, gọi Lượng quay về. Lượng đã vâng mệnh lui quân, Bình vờ kinh ngạc: “Quân lương đầy đủ, sao lại quay về!” nhằm thoái thác trách nhiệm của mình, tỏ ra chẳng có tội trong việc Lương không thể tiến quân. Bình còn dâng biểu nói: “Quân ta vờ lui, là muốn dụ địch để đánh.” Lượng bày ra bản thảo viết tay trước sau của Bình, sáng tỏ việc Bình làm giả chỉ dụ. Bình hết đường chối cãi, cúi đầu nhận tội. [Tam quốc 8]

Thường Cừ kể rằng Lượng lo lương thực không kịp, thông báo với Bình 3 kế sách: Thượng, đánh úp hậu quân của Tư Mã Ý; Trung, giằng co với quân Ngụy; Hạ, rút quân. Bấy giờ quân lương của đôi bên đều cạn, nhưng Bình thấy trời mưa, sợ vận tải đường thủy ách tắc, bèn chủ động đề nghị Lượng rút quân. [Sử liệu khác 1]

Lượng dâng biểu kể tội Bình: “Từ sau khi Tiên đế băng, Bình coi việc giữ nhà, chuộng gây ơn huệ nhỏ, để an thân và cầu danh, không chăm lo việc nước. Thần sắp ra bắc, muốn để Bình đem binh giữ Hán Trung, Bình gặp lúc khó khăn liền gây khó dễ, không có ý lên đường, còn đòi lấy 5 quận làm Ba Châu thứ sử. Năm ngoái thần muốn tây chinh, muốn lệnh Bình coi việc binh Hán Trung, Bình nói bọn Tư Mã Ý được Khai phủ để vời gọi nhân tài. Thần biết tính Bình hẹp hòi, muốn nhân lúc có việc để ép thần hòng kiếm lợi, ấy thế đã dâng biểu cho con Bình là Phong coi việc binh Giang Châu, đãi ngộ cao dày, nhằm được việc nhất thời. Bình cho đến hôm nay, đã được gởi gắm nhiều việc, quần thần trên dưới đều lấy làm lạ sao thần lại đối đãi với Bình hậu vậy. Chính bởi việc lớn chưa định, nhà Hán nguy nan, phạt lỗi nhỏ của Bình, chẳng bằng bao dung ông ta. Vẫn cho rằng tính Bình chỉ quan tâm vinh lợi mà thôi, ngờ đâu lòng Bình đảo điên đến thế. Mọi việc trì trệ, gây ra thất bại, là thần chẳng sáng suốt, nói ra thêm xấu hổ.” [Tam quốc 9] Tiếp đó Lượng tập hợp các đại thần, liên danh dâng thư đòi trị tội Bình, gọi là Công văn thượng thượng thư (公文上尚书曰). [Tam quốc 10] Vì thế Hậu chủ phế Bình làm dân, đày ra quận Tử Đồng. [Tam quốc 11] Lượng gởi thư vỗ về Lý Phong, cho phép anh ta giữ lại nô tỳ và tân khách trăm vài mươi người của Bình. [Tam quốc 12]

Năm thứ 12 (234), Bình nghe tin Lượng mất, cũng phát bệnh mà chết. Bình luôn mong đợi Lượng sẽ khôi phục cho mình, còn người kế nhiệm Lượng sẽ không thể làm vậy, nên phẫn chí. [Tam quốc 13]

Lý Phong được làm đến Chu Đề thái thú. [Tam quốc 14]

Tính cách

Bình tính hà khắc lạnh lùng, chỉ muốn tìm lợi cho mình, người ở quê nhà đặt câu ngạn ngữ chễ giễu ông: “Khó gần gũi, Lý lân giáp”. (ý nói Bình giống như loài động vật có giáp vảy cá, khó tiếp cận) [Sử liệu khác 2] Năm Kiến Hưng thứ 5 (225), người cùng quận với Bình là Trần Chấn đi sứ Đông Ngô, trước khi lên đường đã nói với Gia Cát Lượng việc này, nhưng Lượng gạt đi. Đến năm thứ 9 thì Bình bị phế, Lượng khen Chấn hiểu biết. [Tam quốc 15]

Những thành tựu khác

Ngoài những công trạng đánh dẹp các lực lượng nổi dậy ở trên, Gia Cát Lượng có nói Bình “chuộng gây ơn huệ nhỏ, để an thân và cầu danh”. Đúng là Bình đã làm được vài việc cho đất Thục:

  • Năm Kiến An thứ 21 (216), Bình đang ở chức Kiền Vi thái thú, đã đục núi Thiên Xã, làm đường lớn men sông, kiểm tra cầu xá, bến bãi, quân dân vui vẻ. Bình còn xây dựng phủ quan, có lầu lớn tráng lệ, trở thành thắng cảnh ở châu. [Sử liệu khác 3]
  • Năm Kiến Hưng thứ 4 (226), Bình được nhận chức Giang Châu đô đốc, mở rộng thành Giang Châu, đạt đến chu vi 16 dặm. Bình cho đục núi phía sau thành, nối liền sông Vấn với sông Ba, khiến thành trở thành cù lao. Bình dựa trên cơ sở này để đề nghị cắt 5 quận đặt ra Ba Châu, lấy thành Giang Châu làm trị sở, Gia Cát Lượng không đồng ý. [Sử liệu khác 4]

Hình tượng văn học

Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, Lý Nghiêm là bộ hạ của Lưu Chương, kết nghĩa với Mạnh Đạt. Vào lúc Lưu Bị tấn công Miên Trúc, Nghiêm nhận lệnh giữ ải, cùng Hoàng Trung giao chiến hơn 40 hợp, bị Gia Cát Lượng khiến Trung trá bại để bao vây, đành chịu đầu hàng. Sau trận Di Lăng, Lưu Bị triệu Lượng và Nghiêm nghe di mệnh, sau đó Lượng về Thành Đô, còn Nghiêm ở lại cung Vĩnh An. Không lâu sau, Tào Phi nghe kế Tư Mã Ý, điều 5 lộ đại quân đánh Thục, Lượng sai Nghiêm gởi thư cho Mạnh Đạt, khiến Đạt thác bệnh để lui quân.

Khi Lượng ra Kỳ Sơn lần thứ 5, Nghiêm vận lương không xong, nói dối Đông Ngô xâm phạm, khiến Lượng vội vàng lui quân. Trong khi đó, Nghiêm nói với Hậu chủ rằng lương thực đầy đủ, không rõ vì sao Lượng lui quân. Lương biết việc thì nổi giận, dâng biểu đòi biếm Nghiêm làm thứ nhân, lấy Lý Phong thay thế chức vụ của cha. Ban đầu Hậu chủ chưa chấp thuận, nhưng được Phí Y thuyết phục, nên Hậu chủ nghe theo.

Đến khi nghe tin Lượng mất, Nghiêm cho rằng không còn cơ hội khôi phục, khóc lớn mà bệnh mất. Nhìn chung, hình tượng của Lý Nghiêm được miêu tả sát với sử sách.

Tham khảo

  • Trần chí, Bùi chú
  1. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí quyển 40, Thục chí 10, Lưu Bành Liêu Lý Lưu Ngụy Dương truyện, Lý Nghiêm: Lý Nghiêm tự Chánh Phương, Nam Dương nhân dã. Thiếu vi quận chức lại, dĩ tài cán xưng. Kinh Châu mục Lưu Biểu sử lịch chư quận huyện. Tào công nhập Kinh Châu thì, Nghiêm tể Tỷ Quy, toại tây nghệ Thục, Lưu Chương dĩ vi Thành Đô lệnh, phục hữu năng danh.
  2. ^ Tam quốc chí, Lưu Bành Liêu Lý Lưu Ngụy Dương truyện – Lý Nghiêm: Kiến An thập bát niên, thự Nghiêm vi Hộ quân, cự Tiên chủ vu Miên Trúc. Nghiêm soái chúng hàng Tiên chủ, Tiên chủ bái Nghiêm Tì tướng quân. Thành Đô kí định, vi Kiền Vi thái thú, Hưng nghiệp tướng quân. Nhị thập tam niên, đạo tặc Mã Tần, Cao Thắng đẳng khởi sự vu Thê, hợp tụ bộ ngũ sổ vạn nhân, đáo Tư Trung huyện. Thì Tiên chủ tại Hán Trung, Nghiêm bất canh phát binh, đãn soái tương quận sĩ ngũ thiên nhân thảo chi, trảm Tần, Thắng đẳng thủ. Chi đảng tinh tán, tất phục dân tịch. Hựu Việt Huề Di soái Cao Định khiển quân vi Tân Đạo huyện, Nghiêm trì vãng phó cứu, tặc giai phá tẩu. Gia Phụ Hán tướng quân, lĩnh quận như cố.
  3. ^ Tam quốc chí, quyển 32, Thục chí 2, Tiên chủ truyện: Nhị thập tứ niên,... Hạ, Tào công quả dẫn quân hoàn, Tiên chủ toại hữu Hán Trung. Khiển Lưu Phong, Mạnh Đạt, Lý Bình đẳng công Thân Đam vu Thượng Dung.
  4. ^ Tam quốc chí quyển 40, Thục chí 10, Lưu Bành Liêu Lý Lưu Ngụy Dương truyện, Lưu Phong: Đạt tương tiến công Thượng Dung, Tiên chủ âm khủng Đạt nan độc nhiệm, nãi khiển Phong tự Hán Trung thừa Miện Thủy hạ thống Đạt quân, dữ Đạt hội Thượng Dung. Thượng Dung thái thú Thân Đam cử chúng hàng, khiển thê tử cập tông tộc nghệ Thành Đô.
  5. ^ Tam quốc chí, Lưu Bành Liêu Lý Lưu Ngụy Dương truyện – Lý Nghiêm: Chương Vũ nhị niên, Tiên chủ trưng Nghiêm nghệ Vĩnh An cung, bái Thượng thư lệnh. Tam niên, Tiên chủ tật bệnh, Nghiêm dữ Gia Cát Lượng tịnh thụ di chiếu phụ thiếu chủ; dĩ Nghiêm vi Trung đô hộ, Thống nội ngoại quân sự, lưu trấn Vĩnh An. Kiến Hưng nguyên niên, phong Đô hương hầu, Giả tiết, gia Quang lộc huân. Tứ niên, chuyển vi Tiền tướng quân. Dĩ Gia Cát Lượng dục xuất quân Hán Trung, Nghiêm đương tri hậu sự, di đồn Giang Châu, lưu Hộ quân Trần Đáo trú Vĩnh An, giai thống thuộc Nghiêm. Nghiêm dữ Mạnh Đạt thư viết: “Ngô dữ Khổng Minh câu thụ kí thác, ưu thâm trách trọng, tư đắc lương bạn.” Lượng diệc dữ Đạt thư viết: “Bộ phân như lưu, xu xá võng trệ, Chánh Phương tính dã.” Kì kiến quý trọng như thử.
  6. ^ Bùi Tùng Chi chú Tam quốc chí, dẫn Trần Thọ, Gia Cát Lượng tập: Gia Cát Lượng tập hữu Nghiêm dữ Lượng thư, khuyến Lượng nghi thụ cửu tích, tiến tước xưng vương. Lượng đáp thư viết: “Ngô dữ túc hạ tương tri cửu hĩ, khả bất phục tương giải! Túc hạ phương hối dĩ quang quốc, giới chi dĩ vật câu chi đạo, thị dĩ vị đắc mặc dĩ. Ngô bổn đông phương hạ sĩ, ngộ dụng vu tiên đế, vị cực nhân thần, lộc tứ bách ức, kim thảo tặc vị hiệu, tri kỷ vị đáp, nhi phương sủng Tề, Tấn, tọa tự quý đại, phi kì nghĩa dã. nhược diệt Ngụy trảm Duệ, đế hoàn cố cư, dữ chư tử tinh thăng, tuy thập mệnh khả thụ, huống vu cửu tà!”
  7. ^ Tam quốc chí, Lưu Bành Liêu Lý Lưu Ngụy Dương truyện – Lý Nghiêm: Bát niên, thiên Phiếu kị tướng quân. Dĩ Tào Chân dục tam đạo hướng Hán Xuyên, Lượng mệnh Nghiêm tương nhị vạn nhân phó Hán Trung. Lượng biểu Nghiêm tử Phong vi Giang Châu đô đốc đốc quân, điển Nghiêm hậu sự. Lượng dĩ minh niên đương xuất quân, mệnh Nghiêm dĩ Trung đô hộ thự phủ sự. Nghiêm cải danh vi Bình.
  8. ^ Tam quốc chí, Lưu Bành Liêu Lý Lưu Ngụy Dương truyện – Lý Nghiêm: Cửu niên xuân, Lượng quân Kì Sơn, Bình Thôi đốc vận sự. Thu hạ chi tế, trị thiên lâm vũ, vận lương bất kế, Bình khiển Tham quân Hồ Trung, Đốc quân Thành Phiên dụ chỉ, hô Lượng lai hoàn; Lượng thừa dĩ thối quân. Bình văn quân thối, nãi canh dương kinh, thuyết “quân lương nhiêu túc, hà dĩ tiện quy”! Dục dĩ giải kỷ bất bạn chi trách, hiển Lượng bất tiến chi khiên dã. Hựu biểu Hậu chủ, thuyết “quân Ngụy thối, dục dĩ dụ tặc dữ chiến”. Lượng cụ xuất kì tiền hậu thủ bút thư sơ bổn mạt, Bình vi thác chương chước. Bình từ cùng tình kiệt, thủ tạ tội phụ.
  9. ^ Tam quốc chí, Lưu Bành Liêu Lý Lưu Ngụy Dương truyện – Lý Nghiêm: Vu thị Lượng biểu Bình viết: “Tự tiên đế băng hậu, Bình sở tại trì gia, thượng vi tiểu huệ, an thân cầu danh, vô ưu quốc chi sự. Thần đương bắc xuất, dục đắc Bình binh dĩ trấn Hán Trung, Bình cùng nan túng hoành, vô hữu lai ý, nhi cầu dĩ ngũ quận vi Ba Châu thứ sử. Khứ niên thần dục tây chinh, dục lệnh Bình chủ đốc Hán Trung, Bình thuyết Tư Mã Ý đẳng khai phủ tịch triệu. Thần tri Bình bỉ tình, dục nhân hành chi tế bức thần thủ lợi dã, thị dĩ biểu Bình tử Phong đốc chủ Giang Châu, long sùng kì ngộ, dĩ thủ nhất thì chi vụ. Bình chí chi nhật, đô ủy chư sự, quần thần thượng hạ giai quái thần đãi Bình chi hậu dã. Chánh dĩ đại sự vị định, Hán thất khuynh nguy, phạt Bình chi đoản, mạc nhược bao chi. Nhiên vị Bình tình tại vu vinh lợi nhi dĩ, bất ý Bình tâm điên đảo nãi nhĩ. Nhược sự kê lưu, tương trí họa bại, thị thần bất mẫn, ngôn đa tăng cữu.”
  10. ^ Bùi Tùng Chi chú Tam quốc chí, dẫn Gia Cát Lượng, Công văn thượng thượng thư: Lượng công văn thượng thượng thư viết: “Bình vi đại thần, thụ ân quá lượng, bất tư trung báo, hoành tạo vô đoan, nguy sỉ bất bạn, mê võng thượng hạ, luận ngục khí khoa, đạo nhân vi gian, tình hiệp chí cuồng, nhược vô thiên địa. tự độ gian lộ, hiềm tâm toại sanh, văn quân lâm chí, Tây Hương thác tật hoàn Tự, Chương, quân lâm chí Tự, phục hoàn Giang Dương, Bình Tham quân Hồ Trung cần gián nãi chỉ. Kim soán tặc vị diệt, xã tắc đa nạn, quốc sự duy hòa, khả dĩ khắc tiệp, bất khả bao hàm, dĩ nguy đại nghiệp. Triếp dữ Hành Trung quân sư Xa kị tướng quân Đô hương hầu thần Lưu Diễm, Sứ trì tiết Tiền quân sư Chinh tây đại tướng quân lĩnh Lương Châu thứ sử Nam Trịnh hầu thần Ngụy Duyên, Tiền tướng quân Đô đình hầu thần Viên Lâm, Tả tướng quân lĩnh Kinh Châu thứ sử Cao Dương hương hầu thần Ngô Nhất, Đốc tiền bộ Hữu tướng quân Huyền hương hầu thần Cao Tường, Đốc hậu bộ Hậu tướng quân An Nhạc đình hầu thần Ngô Ban, lĩnh Trưởng sử Tuy quân tướng quân thần Dương Nghi, Đốc tả bộ Hành Trung giám quân Dương Vũ tướng quân thần Đặng Chi, Hành Tiền giám quân Chinh nam tướng quân thần Lưu Ba, Hành Trung hộ quân Thiên tướng quân thần Phí Y, Hành Tiền hộ quân Thiên tướng quân Hán Thành đình hầu thần Hứa Doãn, Hành Tả hộ quân Đốc tín trung lang tướng thần Đinh Hàm, Hành Hữu hộ quân Thiên tướng quân thần Lưu Mẫn, Hành Hộ quân Chinh nam tướng quân Đương Dương đình hầu thần Khương Duy, Hành Trung điển quân Thảo lỗ tướng quân thần Thượng Quan Ung, Hành Trung tham quân Chiêu vũ trung lang tướng thần Hồ Tế, Hành Tham quân Kiến nghĩa tướng quân thần Diêm Yến, Hành Tham quân Thiên tướng quân thần Thoán Tập, Hành Tham quân Tì tướng quân thần Đỗ Nghĩa, Hành Tham quân Vũ lược trung lang tướng thần Đỗ Kỳ, Hành Tham quân Tuy Nhung đô úy Thịnh Bột, lĩnh Tòng sự trung lang Vũ lược trung lang tướng thần Phàn Kỳ đẳng nghị, triếp giải Bình nhiệm, miễn quan lộc, tiết truyền, ấn thụ, phù sách, tước kì tước thổ.”
  11. ^ Tam quốc chí, Lưu Bành Liêu Lý Lưu Ngụy Dương truyện – Lý Nghiêm: Nãi phế Bình vi dân, tỉ Tử Đồng quận.
  12. ^ Bùi Tùng Chi chú Tam quốc chí: Gia Cát Lượng hựu dữ Bình tử Phong giáo viết: “Ngô dữ quân phụ tử lục lực dĩ tưởng Hán thất, thử thần minh sở văn, phi đãn nhân tri chi dã. Biểu đô hộ điển Hán Trung, ủy quân vu Đông quan giả, bất dữ nhân nghị dã. Vị chí tâm cảm động, chung thủy khả bảo, hà đồ trung quai hồ! Tích sở khanh lũ truất, diệc nãi khắc phục, tư đạo tắc phúc, ứng tự nhiên chi sổ dã. Nguyên khoan úy đô hộ, cần truy tiền khuyết. Kim tuy giải nhiệm, hình nghiệp thất cố, nô tì tân khách bách sổ thập nhân, quân dĩ Trung lang tham quân cư phủ, phương chi khí loại, do vi thượng gia. Nhược đô hộ tư phụ nhất ý, quân dữ công Diễm thôi tâm tòng sự giả, phủ khả phức thông, thệ khả phức hoàn dã. Tường tư tư giới, minh ngô dụng tâm, lâm thư trường thán, thế khấp nhi dĩ.”
  13. ^ Tam quốc chí, Lưu Bành Liêu Lý Lưu Ngụy Dương truyện – Lý Nghiêm: Thập nhị niên, Bình văn Lượng tốt, phát bệnh tử. Bình thường kí Lượng đương tự bổ phục, sách hậu nhân bất năng, cố dĩ kích phẫn dã.
  14. ^ Tam quốc chí, Lưu Bành Liêu Lý Lưu Ngụy Dương truyện – Lý Nghiêm: Phong quan chí Chu Đề thái thú.
  15. ^ Tam quốc chí quyển 39, Thục chí 9, Đổng Lưu Mã Trần Đổng Lữ truyện, Trần Chấn: Cửu niên, đô hộ Lý Bình tọa vu võng phế; Gia Cát Lượng dữ trưởng sử Tương Uyển, thị trung Đổng Doãn thư viết: “Hiếu Khởi tiền lâm chí Ngô, vi ngô thuyết Chánh Phương phúc trung hữu lân giáp, hương đảng dĩ vi bất khả cận. Ngô dĩ vi lân giáp giả đãn bất đương phạm chi nhĩ, bất đồ phục hữu , Trương chi sự xuất vu bất ý. Khả sử Hiếu Khởi tri chi.”
  • Một số sử liệu khác
  1. ^ Thường Cừ, Hoa dương quốc chí quyển 7, Lưu Hậu Chủ chí: Cửu niên xuân, thừa tướng Lượng phục xuất vi Kì Sơn. Thủy dĩ mộc ngưu vận. Tham quân Vương Bình thủ Nam Vi. Tư Mã Tuyên vương cự Lượng, Trương Cáp cự Bình. Lượng lự lương vận bất kế, thiết tam sách cáo đô hộ Lý Bình viết: “Thượng kế đoạn kì hậu đạo. Trung kế dữ chi trì cửu. Hạ kế hoàn trụ hoàng thổ.” Thì Tuyên vương đẳng lương diệc tận, thịnh hạ vũ thủy. Bình khủng tào vận bất cấp, thư bạch Lượng nghi chấn lữ. Hạ lục nguyệt, Lượng thừa Bình chỉ dẫn thối.
  2. ^ Thái Bình ngự lãm quyển 496, Nhân sự bộ, Ngạn hạ dẫn Giang biểu truyện: Nghiêm thiếu vi quận chức lại, dụng tính thâm khắc, cẩu lợi kì thân, hương lí vi Nghiêm ngạn viết: “Nan khả hiệp, Lý lân giáp.”
  3. ^ Hoa dương quốc chí quyển 3, Thục chí: Kiến An nhị thập nhất niên, thái thủ Nam Dương Lý Nghiêm nãi tạc Thiên Xã sơn, tầm giang thông xa đạo, tỉnh kiều lương, độ tam tân, lại dân duyệt chi. Nghiêm nhân canh tạo khởi phủ tự, quan lâu tráng lệ, vi nhất châu thắng vũ.
  4. ^ Hoa dương quốc chí quyển 1, Ba chí: Hán thế, quận trị Giang Châu Ba Thủy bắc, hữu Cam Quất quan, kim Bắc Phủ thành thị dã. Hậu nãi thiên Hoàn Nam thành. Lưu Tiên chủ sơ dĩ Giang Hạ Phí Quan vi thái thú, lĩnh Giang Châu đô đốc. Hậu đô hộ Lý Nghiêm canh thành đại thành, chu hồi thập lục lí. Dục xuyên thành hậu sơn, tự Vấn giang thông thủy nhập Ba giang, sử thành vi châu. Cầu dĩ ngũ quận trí Ba Châu. Thừa tướng Gia Cát Lượng bất hứa.

Chú thích

  1. ^ Nay là địa cấp thị Nam Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.