Nhà Nguyễn (chữ Nôm: 茹阮, chữ Hán: 阮朝; Hán-Việt: Nguyễn triều) là triều đạiquân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Nhà Nguyễn được thành lập sau khi Nguyễn Ánh (Gia Long) lên ngôi hoàng đế năm 1802 và kết thúc khi Bảo Đại thoái vị vào năm 1945, tổng cộng là 143 năm. Triều Nguyễn là một triều đại đánh dấu nhiều thăng trầm trong lịch sử Việt Nam, đặc biệt là cuộc xâm lược của người Pháp giữa thế kỷ 19.
Từ năm 1802–1884, các vua nhà Nguyễn nắm toàn quyền quản lý đất nước, trải qua 4 đời vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.[9] Gia Long và sau đó là Minh Mạng đã cố gắng xây dựng Việt Nam trên cơ sở nền tảng Nho giáo. Trong thời kỳ này, nội bộ đất nước không ổn định, triều Nguyễn ít được lòng dân, chỉ trong 60 năm đã xảy ra hơn 400 cuộc nổi dậy của người dân.[10] Gia Long tăng thuế khóa và lao dịch quá nặng khiến người dân bất bình, đến thời Minh Mạng thì lại diễn ra nhiều cuộc chiến tranh giành lãnh thổ ở Campuchia nên đã khiến ngân khố cạn kiệt, đến thời Tự Đức thì mọi mặt của đất nước đều sút kém. Từ thập niên 1850, một nhóm trí thức Việt Nam, tiêu biểu là Nguyễn Trường Tộ, đã nhận ra sự trì trệ của đất nước và yêu cầu học hỏi phương Tây để phát triển công nghiệp – thương mại, cải cách quân sự – ngoại giao, nhưng họ chỉ là thiểu số, còn đa số quan chức triều Nguyễn và giới sĩ phu không ý thức được sự cần thiết của việc cải cách và mở cửa đất nước nên Tự Đức không quyết tâm thực hiện những đề xuất này.[11] Nước Đại Nam dần trở nên trì trệ, lạc hậu và đứng trước nguy cơ bị thực dân châu Âu xâm chiếm.
Từ năm 1884–1945, Đại Nam bị Pháp xâm lược và đô hộ, kể từ khi quân Pháp đánh Đà Nẵng và kết thúc sau khi Hoàng đế Bảo Đại thoái vị. Tháng 8 năm 1858, Hải quân Pháp đổ bộ tấn công vào cảng Đà Nẵng và sau đó rút vào xâm chiếm Gia Định. Tháng 6 năm 1862, vua Tự Đức ký hiệp ước cắt nhượng ba tỉnh miền Đông cho Pháp. Năm 1867, Pháp chiếm nốt ba tỉnh miền Tây kế tiếp để tạo thành một lãnh thổ thuộc địa Cochinchine (Nam Kỳ). Sau khi củng cố vị trí vững chắc ở Nam Kỳ, từ năm 1873 đến năm 1886, Pháp xâm chiếm nốt những phần còn lại của Việt Nam qua những cuộc chiến ở Bắc Kỳ. Đến năm 1884 thì nhà Nguyễn chính thức công nhận quyền cai trị của Pháp trên toàn Việt Nam. Pháp có thực quyền cai trị, còn các vua nhà Nguyễn tuy vẫn giữ ngôi vua nhưng chỉ còn là bù nhìn, quân Pháp có thể tùy ý phế lập vua nhà Nguyễn sau đó. Giai đoạn này kết thúc khi Nhật đảo chính Pháp nhưng thua khối Đồng Minh do Mỹ dẫn đầu trong Thế chiến 2 rồi Bảo Đại tuyên bố thoái vị ngay sau đó vào ngày 30 tháng 8 năm 1945 sau khi Nhật Bản đầu hàng quân đội đồng minh.[11]
Năm 1778, Nguyễn Ánh quay lại và tập hợp lực lượng chiếm được Gia Định và đến năm 1780, ông xưng vương. Trong mùa hè năm 1781, quân đội của Nguyễn Ánh lên đến khoảng 3 vạn người với 80 chiến thuyền đi biển, 3 thuyền lớn[12] và 2 tàu Bồ Đào Nha do giám mục Bá Đa Lộc giúp Nguyễn Ánh mời được.[13][14] Ông tổ chức tấn công Tây Sơn đánh tới tận đất Phú Yên nhưng sau cùng phải rút chạy vì gặp bộ binh rất mạnh của Tây Sơn.[14] Tức giận vì tốn kém nhưng không thu được kết quả, quan lại Gia Định để cho một người phụ việc của Bá Đa Lộc là cai cơ Manuel (Mạn Hòe)[a] lập mưu giết chết các tay lính đánh thuê Bồ Đào Nha và cướp tàu của họ.[14]
Tháng 3 năm 1782, Nguyễn Huệ cùng vua Thái Đức mang quân thủy bộ Nam tiến. Tây Sơn đụng trận dữ dội ở sông Ngã Bảy, cửa Cần Giờ với quân đội nhà Nguyễn do chính Nguyễn Ánh chỉ huy. Dù lực lượng thuyền của Quân đội Tây Sơn yếu hơn, nhưng họ đã phá tan quân Nguyễn, buộc Manuel tự sát, tuy vậy cũng thiệt hại khá nhiều binh lực.[15] Nguyễn Ánh bỏ chạy về Ba Giồng, rồi có khi trốn sang tận rừng Romdoul, Chân Lạp.[16] Vua Thái Đức khi tấn công Nam Bộ tại Cù lao Phố đã gặp phải sự chống đối mạnh của người Hoa ủng hộ Nguyễn Ánh tại đây khiến cho một thân tướng là Đô đốc Phạm Ngạn tử trận, binh lính thương vong nhiều, nên ông rất đau đớn rồi nổi giận ra lệnh tàn sát người Hoa ở Gia Định để trả thù.[17][18] Việc này đã cản chân quân đội nhà Tây Sơn trong việc truy bắt Nguyễn Ánh, khiến cho Nguyễn Ánh có cơ hội quay trở về Giồng Lữ, một đô đốc Tây Sơn là Nguyễn Học đem quân đuổi theo Ánh bị quân đội nhà Nguyễn bắt giết khiến cho Nguyễn Ánh có được 80 thuyền của quân đội nhà Tây Sơn. Nguyễn Ánh thấy vậy định kéo về chiếm lại Gia Định nhưng đụng Nguyễn Huệ dàn binh quay lưng ra sông đánh bại khiến Nguyễn Ánh phải chạy về Hậu Giang, Rạch Giá, Hà Tiên rồi theo thuyền nhỏ trốn ra Phú Quốc.[19]
Sau khi chiến thắng quân Bát kỳ của nhà Thanh, vua Quang Trung đang chuẩn bị phối hợp với Nguyễn Nhạc đem quân vào Nam đánh Gia Định thì đột ngột qua đời (1792), con là Nguyễn Quang Toản còn nhỏ tuổi lên nối ngôi, hiệu là Cảnh Thịnh. Loạn lạc liền nổ ra ở Bắc Hà, sĩ phu trung thành với nhà Lê nổi lên tôn Lê Duy Cận làm minh chủ. Duy Cận liên lạc với Nguyễn Ánh để cùng đánh Tây Sơn,[20] việc này góp phần làm cho nhà Tây Sơn nhanh chóng suy yếu. Nội bộ Nhà Tây Sơn xảy ra tranh chấp, quyền hành rơi vào tay ngoại thích Bùi Đắc Tuyên.[21] Từ đó, Nguyễn Ánh ra sức mở các đợt tấn công ra Quy Nhơn theo nguyên tắc đã định trước đó: "Gặp nồm thuận thì tiến, vãn thì về, khi phát thì quân lính đủ mặt, về thì tản ra đồng ruộng".[22] Ngoài ra, Nguyễn Ánh còn định cho sứ đi ngoại giao với nhà Thanh, lợi dụng mâu thuẫn và thù hằn của quốc gia này với Tây Sơn, và cả sự có mặt của Lê Chiêu Thống bên đó để khiến nhà Thanh giúp mình, nhưng việc không thành do khi sứ của Nguyễn Ánh là Ngô Nhơn Tĩnh và Phạm Thận sang đến nơi thì Lê Chiêu Thống đã mất.[23]
Năm 1793, Nguyễn Ánh cùng các tướng Võ Di Nguy, Nguyễn Văn Trương, Võ Tánh, Nguyễn Huỳnh Đức, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Phước Hội, Philippe Vannier, Nguyễn Văn Hòa, Chưởng cơ Cố[24] đem quân đánh Nha Trang, Diên Khánh, Phú Yên rồi tranh thủ đánh tới tận thành Quy Nhơn của Nguyễn Nhạc. Nguyễn Nhạc cầu cứu quân ở Phú Xuân. Vua Cảnh Thịnh sai Ngô Văn Sở, Phạm Công Hưng, đô đốc Hố và Chưởng cơ Thiêm đem 17.000 quân, 80 thớt voi,và 30 chiếc thuyền chia nhiều đường tiến vào cứu, quân Nguyễn Ánh rút lui,[25][26] trên đường về ông sai quân đắp thành Diên Khánh để lợi dụng địa thế nơi này làm bàn đạp chống Tây Sơn. Cùng thời gian, quân Phú Xuân của Tây Sơn nhân dịp đánh chiếm luôn thành Bình Định và kho tàng của Nguyễn Nhạc. Lúc đó Nguyễn Nhạc đang bệnh trên giường, nghe tin gia sản mà ông để lại cho con mình là Quang Bảo bị chiếm mất, uất quá thổ huyết mà qua đời.[27][28] Quang Toản cho an trí Quang Bảo ra huyện Phù Ly và cai quản toàn bộ đất đai của Nguyễn Nhạc.[27]
Từ năm 1794 đến năm 1795, Tây Sơn phản công, họ cho quân nhiều lần vào đánh Phú Yên, vây thành Diên Khánh,[21] quân Nguyễn cũng ra sức chống cự, nhiều lần kìm hãm, thậm chí là đánh lại được quân Tây Sơn.[29] Tuy nhiên nội bộ Tây Sơn lại mâu thuẫn, các tướng tranh quyền. Vũ Văn Dũng giết Bùi Đắc Tuyên và Ngô Văn Sở, Quang Toản nhỏ tuổi không làm gì được. Trần Quang Diệu đang đi đánh Nguyễn Ánh, nghe tin đành rút quân về, suýt giao tranh với Vũ Văn Dũng may nhờ có Quang Toản sai quan ra khuyên giải Trần Quang Diệu mới đồng ý hòa. Nhưng sau đó Quang Toản lại nghe lời gièm pha tước mất binh quyền của Trần Quang Diệu, Tây Sơn từ đó cứ lục đục mãi, các quan nghi kị giết hại lẫn nhau tạo điều kiện thuận lợi cho Nguyễn Ánh.[30][31] Năm 1797, Nguyễn Ánh cho quân ra đánh Phú Yên, riêng ông thì cùng Nguyễn Phúc Cảnh chỉ huy thủy quân ra tận Quy Nhơn giao chiến với tướng Tây Sơn là Lê Trung tại Thị Nại thu được nhiều khí giới,[32] nhưng khi tới Quy Nhơn thấy thế lực Tây Sơn thủ mạnh quá đành vòng lên đánh Quảng Nam nhưng được mấy tháng lại rút về[33] vì thuyền chở quân lương từ Gia Định bị ngược gió không lên kịp.[32]
Nguyễn Ánh chiêu dụ Nguyễn Quang Bảo nhưng việc chưa thành vì Quang Toản ra tay trước, bắt và giết được Quang Bảo.[32] Nhưng Tây Sơn lại rơi vào lục đục, Quang Toản nghi ngờ giết hại nhiều triều thần, võ tướng, khiến cho sức chiến đấu suy giảm, thêm nhiều người sang hàng Nguyễn Ánh.[34][35] Năm 1799, Nguyễn Ánh cho sứ yêu cầu vua Xiêm La cho một đạo quân Chân Lạp và Vạn Tượng đi đến sát biên giới Nghệ An để nghi binh và vua Xiêm đồng ý làm theo.[36] Cũng trong năm 1799, Nguyễn Ánh tự cầm quân đi đánh thành Quy Nhơn,[35] tướng giữ thành của Tây Sơn là Vũ Tuấn đầu hàng dù trước đó Quang Toản đã sai Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng đem quân vào cứu.[37] Sau đó, Nguyễn Ánh đổi tên Quy Nhơn thành Bình Định,[38] rồi cho quân tới trấn giữ thành. Tây Sơn ngay lập tức tìm cách chiếm lại; tháng 1 năm 1800, hai danh tướng Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng kéo đến vây thành Quy Nhơn. Nguyễn Ánh cho quân ra cứu nhưng bị bộ binh Tây Sơn chặn lại, ông chia quân đi đánh các nơi và thắng nhiều trận, trong đó có một trận lớn ở Thị Nại.[39] Thấy thế Tây Sơn vây Quy Nhơn còn mạnh, Nguyễn Ánh cho người lẻn mang thư đến bảo tướng quân Nguyễn giữ thành là Võ Tánh mở đường máu mà trốn ra nhưng Võ Tánh quyết tử thủ để tạo điều kiện cho Nguyễn Ánh đánh Phú Xuân,[39] việc này khiến thời gian hai danh tướng Tây Sơn bị cầm chân lên hơn một năm.[40] Năm 1801, Nguyễn Ánh nhận thấy tinh binh Tây Sơn đều tập trung cả ở chiến trường Quy Nhơn nên mang quân chủ lực vượt biển ra đánh Phú Xuân. Tháng 5 năm 1801, Nguyễn Ánh kéo quân giao chiến dữ dội với Tây Sơn ở cửa Tư Dung;[39] rồi đụng Quang Toản ở cửa Eo,[39] Quang Toản thua trận bỏ chạy ra Bắc[41] và đến ngày 3 tháng 5, Nguyễn Ánh giành được Phú Xuân.[39]
Cùng thời gian nghe tin Phú Xuân bị tấn công, Trần Quang Diệu đang vây Quy Nhơn sai binh về cứu nhưng bị quân Nguyễn chặn đánh nên quân không về được, ông chỉ còn cách cố gắng đốc binh chiếm thành.[41] Đầu năm 1802, Tây Sơn mới chiếm lại thành Quy Nhơn, Võ Tánh tự vẫn để xin tha mạng cho binh sĩ[42]. Trần Quang Diệu tha cho binh lính Nguyễn, an táng Võ Tánh và thuộc tướng[42] rồi bỏ thành Quy Nhơn; cùng Vũ Văn Dũng mang quân cứu viện ra Nghệ An, bị quân Nguyễn chặn đường, phải vòng qua đường Vạn Tượng.[43] Lúc tới Nghệ An thì thấy thành đã mất, quân sĩ bỏ chạy gần hết, vợ chồng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân bị bắt,[44] Vũ Văn Dũng không rõ số phận.[b] Cũng trong thời gian này, sau khi chiến thắng quân Tây Sơn, hoàn toàn chiếm được Phú Xuân, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế ngày 1 tháng 6 (âm lịch) năm Nhâm Tuất (1802).[38][45] Để tượng trưng sự thống nhất Nam–Bắc lần đầu tiên sau nhiều năm, Nguyễn Ánh chọn niên hiệu là Gia Long, chữ Gia lấy từ Gia Định và Long lấy từ Thăng Long.[46] Sau đó ông cho người đem toàn bộ ấn sách nhà Thanh trao cho Tây Sơn trả lại và xin phong, rồi sai Lê Văn Duyệt kéo quân tiếp ra Bắc Hà diệt hoàn toàn nhà Tây Sơn.[44]
Ngay từ sớm, Nguyễn Ánh đã phong tước, đặt quan lại cho những người theo phò tá mình. Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn và trở thành hoàng đế Gia Long, ông lại tiếp tục kiện toàn lại hệ thống hành chính và quan chế của chính quyền mới. Nhà Nguyễn về cơ bản vẫn giữ nguyên hệ thống quan chế và cơ cấu chính quyền trung ương giống như các triều đại nhà Lê trước đó. Đứng đầu nhà nước là hoàng đế, nắm mọi quyền hành trong tay. Giúp hoàng đế giải quyết giấy tờ, văn thư và ghi chép có Văn thư phòng (năm 1829 đổi là Nội các). Về việc quân quốc trọng sự thì có 4 vị Điện Đại học sĩ gọi là Tứ trụ Đại thần, đến năm 1834 trở thành viện Cơ mật. Ngoài ra còn có Tông nhân phủ phụ trách các công việc của Hoàng gia.[47]
Bên dưới, triều đình lập ra 6 Bộ, đứng đầu mỗi bộ là quan Thượng thư chịu trách nhiệm chỉ đạo các công việc chung của Nhà nước, các bộ gồm: Bộ Lại, Bộ Hộ, Bộ Lễ, Bộ Binh, Bộ Hình và Bộ Công.[48] Bên cạnh 6 Bộ còn có Đô sát viện (tức là Ngự sử đài bao gồm 6 khoa) chịu trách nhiệm thanh tra quan lại, Hàn lâm viện phụ trách các sắc dụ, công văn, 5 Tự phụ trách một số sự vụ, phủ Nội vụ coi sóc các kho tàng, Quốc tử giám phụ trách giáo dục, Thái y viện chịu trách nhiệm về việc chữa bệnh và thuốc thang,... cùng với một số Ti và Cục khác.
Theo Trần Trọng Kim, người ta "thường hiểu mấy chữ quân chủ chuyên chế theo nghĩa của các nước Tây Âu ngày nay, chứ không biết mấy chữ ấy theo cái học Nho giáo có nhiều chỗ khác nhau..." [9] Theo tổ chức của nhà Nguyễn, khi có việc gì quan trọng, thì vua giao cho đình thần các quan cùng nhau bàn xét. Quan lại bất kỳ lớn bé đều được đem ý kiến của mình mà trình bày. Việc gì đã quyết định, đem dâng lên để vua chuẩn y, rồi mới thi hành. Hoàng đế tuy có quyền lớn nhưng lại không được làm điều gì trái phép thường. Khi vua có làm điều gì sai thì các quan Giám Sát Ngự Sử có quyền can ngăn vua và thường là vua phải nghe lời can ngăn của những người này.[49] Quan chức của triều đình chỉ phân ra tới phủhuyện, từ tổng trở xuống thuộc về quyền tự trị của dân. Người dân tự lựa chọn lấy người của mình mà cử ra quản trị mọi việc tại địa phương. Tổng gồm có vài làng hay xã, có một cai tổng và một phó tổng do Hội đồng Kỳ dịch của các làng cử ra quản lý thuế khóa, đê điều và trị an trong tổng.
Ngạch quan lại chia làm 2 ban văn và võ. Kể từ thời vua Minh Mạng được xác định rõ rệt giai chế phẩm trật từ cửu phẩm tới nhất phẩm, mỗi phẩm chia ra chánh và tòng 2 bậc. Trừ khi chiến tranh loạn lạc còn bình thường quan võ phải dưới quan văn cùng phẩm với mình. Quan Tổng đốc (văn) vừa cai trị tỉnh vừa chỉ huy quân lính của tỉnh nhà.[50] Lương bổng của các quan tương đối ít nhưng quan lại được hưởng nhiều quyền lợi, cha họ được khỏi đi lính, làm sưu và miễn thuế tùy theo quan văn hay võ, hàm cao hay thấp. Ngoài ra con cái các quan còn được hưởng lệ tập ấm. Tuy bộ máy không thật sự cồng kềnh, nhưng tệ tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề lớn. Trong bộ luật triều Nguyễn có những hình phạt rất nghiêm khắc đối với tội này.[51]
Năm 1802, trong khi đã quyết định Phú Xuân là quốc đô, Nguyễn Ánh vẫn tạm đặt 11 trấn phía Bắc (tương đương khu vực Bắc Bộ ngày nay) thành một Tổng trấn với tên cũ Bắc Thành, do một Tổng trấn đứng đầu.
Đến thời Minh Mạng, để nhất thể hóa các đơn vị hành chính trong cả nước, năm 1831–1832, nhà vua thực hiện một cuộc cải cách hành chính lớn, theo đó bỏ các tổng trấn, đổi các dinh, trấn thành tỉnh. Đây là lần đầu tiên, đơn vị hành chính tỉnh xuất hiện ở Việt Nam. Năm 1831, Minh Mạng đổi các trấn từ Quảng Trị trở ra thành 18 tỉnh, và vùng còn lại ở phía Nam được chia làm 12 tỉnh. Thừa Thiên, nơi tọa lạc của kinh đô Phú Xuân, là phủ trực thuộc Trung ương. Cả nước được chia làm 30 tỉnh và phủ Thừa Thiên.[47]
Đứng đầu tỉnh là Tổng đốc (mỗi người phụ trách 2–3 tỉnh và chuyên trách 1 tỉnh) và Tuần phủ (dưới Tổng đốc, phụ trách chỉ 1 tỉnh). Giúp việc có Bố chánh sứ ti lo về thuế khóa, hộ khẩu, hành chính; Án sát sứ ti lo về an ninh, luật pháp. Phụ trách về quân sự có chức lãnh binh. Các quan chức đứng đầu tỉnh đều do chính quyền trung ương trực tiếp bổ nhiệm, và thường là võ quan cao cấp, về sau mới bổ dụng thêm các quan văn.[47] Hệ thống chính quyền được phân biệt rõ rệt giữa Trung ương và địa phương, và trong hệ thống này nhà vua, người đứng đầu đất nước, nắm nhiều quyền lực hơn hẳn so với các thời kỳ trước.[47]
Dưới tỉnh là phủ, huyện, châu, tổng và xã. Quan chức của triều đình chỉ phân ra tới phủ huyện, từ tổng trở xuống do người dân tự lựa chọn cử ra quản trị. Tổng gồm có vài làng hay xã, có một cai tổng và một phó tổng do Hội đồng Kỳ dịch của các làng cử ra quản lý thuế khóa, đê điều và trị an trong tổng.[53] Nhìn chung, cơ cấu hành chính của các tổng, xã được tổ chức khá chặt chẽ để triều đình dễ dàng quản lý và phản ứng mau lẹ khi có sự biến xảy ra.[47]
Đối với vùng thượng du và với các khu vực sinh sống của các dân tộc thiểu số, Minh Mạng thực hiện nhất thể hóa về mặt hành chính cùng với các vùng miền xuôi. Năm 1829, ông bãi bỏ chế độ thế tập của các Thổ ti (các tù trưởng của dân tộc thiểu số) mà cho quan lại lựa chọn những thổ hào ở địa phương làm Thổ tri các châu huyện. Sau đó, Minh Mạng còn đặt thêm một chức lưu quan do người Kinh nắm giữ để khống chế các vùng này tốt hơn và tiến hành thu thuế như ở miền xuôi. Tuy nhiên, do phản ứng của người dân địa phương, vua Tự Đức sau đó đã bãi bỏ chế độ lưu quan.[47] Tính đến cuối thế kỷ 19, Việt Nam có 98 phủ bao gồm 342 huyện và châu.[54]
Đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vua Gia Long từ năm 1816 đã chính thức ra lệnh tiếp thu Hoàng Sa, cắm cờ trên đảo và đo thủy trình. Sang triều Minh Mạng, nhà Nguyễn cho xây đền, đặt bia đá, đóng cọc và trồng cây. Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải được trao nhiều nhiệm vụ hơn: khai thác, tuần tiễu, thu thuế dân trên đảo và nhiệm vụ biên phòng bảo vệ hai quần đảo. Hai đội này tiếp tục hoạt động cho đến khi người Pháp vào Đông Dương. Từ thập niên 1890, chính quyền Bảo hộ nhân danh triều đình Huế của nhà Nguyễn cũng có dự định dựng ngọn hải đăng để khẳng định chủ quyền của Pháp trên quần đảo Hoàng Sa nhưng đồ án không thực hiện được và mãi đến năm 1938 mới có lực lượng chính thức chiếm đóng quần đảo này.[55] Dù vậy, khi nhà Thanh gửi thuyền xâm phạm quần đảo Hoàng Sa vào những năm đầu thế kỷ 20 thì Bộ Ngoại giao Pháp đã có công văn phản đối. Cuộc tranh chấp này kéo dài cho đến khi người Pháp mất chủ quyền ở Đông Dương và vẫn chưa kết thúc.[56]
Một trong những thành quả Gia Long đạt được sau nhiều năm nội chiến với Tây Sơn là quân đội mạnh với trang bị và tổ chức kiểu phương Tây. Sau khi làm chủ toàn bộ quốc gia, nhà Nguyễn xây dựng quân đội hoàn thiện hơn, chính quy hơn. Để sung binh ngạch mới, vua Gia Long cho thực hiện phép giản binh, theo hộ tịch tùy nơi mà định, lấy 3, 5 hay 7 suất đinh tuyển 1 người lính.[57] Quân chính quy đóng tại kinh thành và những nơi xung yếu; các địa phương đều có lực lượng vũ trang tại chỗ làm nhiệm vụ trị an. Quân chính quy có 14 vạn người,[58] ngoài ra còn có quân trừ bị. Quân đội còn được tổ chức thành 4 binh chủng: bộ binh, tượng binh, thủy binh và pháo binh, trong đó bộ binh và thủy binh được chú trọng xây dựng để tác chiến độc lập. Trình độ chính quy thống nhất cao. Ngoài vũ khí cổ truyền, quân chính quy được trang bị hỏa khí mua của phương Tây như đại bác, súng trường, thuyền máy, thuốc nổ... Các loại súng thần công, đại bác được đúc với kích thước, trọng lượng thống nhất; thành lũy, đồn to nhỏ cũng được quy định cho từng cấp với số lượng quân nhất định.
Sự quan tâm tới khoa học quân sự phương Tây của Gia Long được xem là do tình thế bắt buộc thì với Minh Mạng lại hoàn toàn tự nguyện. Minh Mạng lấy phương Tây làm kiểu mẫu cho việc tổ chức quân đội, hướng đến việc quân cần tinh nhuệ, không cần nhiều, bỏ bớt số lượng người cầm cờ từ 40 người xuống 2 người trong đội ngũ đơn vị 1 vệ (500 người).[59] Phương thức tác chiến được các học giả Mãn Thanh ghi nhận là giống hệt kiểu Pháp, do trong quân đội Minh Mạng có thuê các sĩ quan huấn luyện đến từ phương Tây.[59] Có thể nói, quân đội nhà Nguyễn thời Minh Mạng là lực lượng quân sự tân tiến hiện đại nhất ở khu vực Đông Á, vượt trội các nước láng giềng như Trung Hoa, Thái Lan, Campuchia.[60]
Sang thời Tự Đức, công tác quốc phòng của nhà Nguyễn bị sa sút và có sự tương phản rõ rệt với các triều vua trước. Một trong các lý do khiến tình hình quân đội suy sút là vấn đề tài chính. Vũ khí và trang thiết bị làm mới gần như không có. Trang bị bộ binh rất lạc hậu: 50 người mới có 5 súng, mỗi năm chỉ tập bắn 1 lần 6 viên đạn. Vũ khí được bảo trì cũng kém. Về thủy binh, không tàu hơi nước nào được đóng mới, thủy quân thậm chí không đủ khả năng bảo vệ bờ biển chống hải tặc. Việc giảng dạy binh pháp không chú trọng tới sách vở phương Tây nữa mà quay trở lại với Binh thư yếu lược của Trần Hưng Đạo. Đời sống quân lính không được quan tâm thỏa đáng, lương thực lại bị ăn bớt. Do đó tinh thần chiến đấu của quân sĩ không cao.[59] Quan điểm khoa học quân sự của vua quan nhà Nguyễn không hề vượt quá khuôn khổ của khoa học quân sự phong kiến. Việc không bắt kịp với thành tựu mới của khoa học phương Tây thời Tự Đức khiến quân sự Việt Nam bị lạc hậu nhiều. Do đó, khi người Pháp vào xâm lược Việt Nam (1858), khoảng cách về trang thiết bị giữa quân đội nhà Nguyễn và quân Pháp đã khá xa.[59]
Thuế khóa và lao dịch
Việc sinh hoạt quốc gia đòi hỏi phải có đủ tài chính để duy trì bộ máy triều đình nên sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã tổ chức lại vấn đề đăng tịch, bắt buộc mỗi làng xã phải ghi vào sổ đinh trong làng số đàn ông từ 18–60 tuổi.[61] Các đinh bộ không bao giờ kê khai hết tất cả số đàn ông trong làng vì ngoài dân đinh còn có một số người là dân ngoại tịch, dân lậu, những người bần cùng, vô sản, không thể đánh thuế cũng như những người mới tới làng định cư[62].
Do tổ chức xã hội Việt Nam căn bản dựa trên xã, thôn nên triều đình không đòi hỏi người dân phải trả thuế trực tiếp mà giao cho làng lo việc thuế má và sưu dịch, không cần biết làng sẽ phân chia trách nhiệm giữa các dân làng ra sao. Mỗi làng hưởng quyền tự trị rất lớn, tự họ cai trị theo những tục lệ riêng ghi trong hương ước của làng. Hội đồng Kỳ mục trông coi tất cả công sản (tài sản công) và thuế khóa, đê điều, trị an. Họ cũng phải lo phân phối công điền (ruộng công) giữa các dân đinh mỗi kỳ quân cấp và chỉ định thanh niên đi lính.
Về thuế nhân đinh và thuế ruộng, nhà Nguyễn xoá bỏ tất cả chế độ thuế khóa cũ của Tây Sơn để đặt lại thuế khóa mới nặng hơn thời trước. Vua Gia Long cho sửa lại hộ tịch và điền tịch đã hư hỏng qua thời nội chiến. Hộ tịch phân ra 9 hạng, tùy từng hạng mà nộp thuế toàn bộ hay được miễn giảm một nửa hoặc miễn trừ cả sưu thuế lẫn sai dịch. Thuế đinh nhà Nguyễn đặc biệt đánh nặng lên dân Thanh – Nghệ và Bắc Hà. Dân công nghệ thì nộp thuế sản vật. Thời Minh Mạng thì định lại thuế điền, chia cả nước ra 3 khu vực để đánh thuế. Thuế điền thì dân Thanh Nghệ và Bắc Hà cũng bị nặng hơn ở các miền khác. Theo thống kê của bộ Hộ thì số đinh năm đầu đời Gia Long là 992.559 người, cuối đời Thiệu Trị là 1.024.380 người. Về điền thổ thì đầu đời Tự Đức có 3.398.584 mẫu ruộng và 502.672 mẫu đất.[63]
Mỗi người dân đinh phải chịu 60 ngày lao dịch cho triều đình. Lao dịch thường là để làm các mục đích, xây sửa hệ thống đê điều, kênh rạch, sông ngòi; xây đắp các thành lũy; xây dựng các cung điện cho hoàng gia. Trên thực tế, người dân phải lao dịch khá nặng trong thời gian vương triều Nguyễn xây dựng các cung điện, lăng tẩm, dinh thự,... Ví dụ năm 1807, ngay khi kinh thành Huế vừa được xây xong, vua Gia Long lại huy động hàng nghìn dân đinh và binh lính tiếp tục sửa chữa và tu bổ thêm trong một thời gian dài. Vua Minh Mạng cũng tiếp tục công việc xây dựng kinh đô. Vua Thiệu Trị thì không tập trung xây dựng kinh đô nữa, nhưng, trong một cuộc tuần du lớn ra Bắc Kỳ năm 1842, người dân đã phải xây 44 hành cung cho một phái đoàn đông đến 17.500 người, 44 con voi và 172 con ngựa của nhà vua.[64] Theo nhận xét của giáo sĩ Pháp Guérard: "Vua Gia Long bóp nặn dân chúng bằng đủ mọi cách, sự bất công và lộng hành làm người ta rên xiết hơn cả thời Tây Sơn: thuế khóa và lao dịch đã tăng lên gấp ba"[64].
Việc xây thành Phú Xuân và đào kênh Vĩnh Tế phải huy động hàng vạn dân phu đi lao dịch. Một người Pháp là Borel viết năm 1818 mô tả việc xây thành Phú Xuân (Huế): "Nhà vua sử dụng tất cả nhân lực vào việc xây tòa thành và các công trình công cộng khác. Khi tôi đến Huế, đã có đến 8 vạn người được điều động từ các nơi trong cả nước đang khẩn trương xây dựng một tòa thành rộng lớn bằng gạch... Riêng việc xây bờ thành đã tốn kém những khoản tiền khổng lồ và làm thiệt hàng ngàn nhân mạng vì phải khổ dịch liên tục... Nhà vua [Gia Long] đã vung ra những món tiền lớn và hy sinh tính mạng của hàng ngàn dân chúng vì họ phải làm việc không nghỉ tay trên các tường lũy của kinh thành. Đây quả là một công trình kỳ diệu. Mười vạn người được thường xuyên huy động"[64].
Trong dân gian đã xuất hiện các bài vè, bài ca miêu tả sự nặng nề của chế độ lao dịch, ví dụ bài "Tố khuất khúc" của dân Sơn Nam Hạ có câu:
Lúc đầu, nhà Nguyễn chưa có một bộ luật rõ ràng, chi tiết. Vua Gia Long chỉ mới lệnh cho các quan tham khảo bộ luật Hồng Đức để rồi từ đó tạm đặt ra 15 điều luật quan trọng nhất.[65] Năm 1811, theo lệnh của Gia Long, tổng trấn Bắc Thành là Nguyễn Văn Thành đã chủ trì biên soạn một bộ luật mới và đến năm 1815 thì nó đã được vua Gia Long ban hành với tên Hoàng Việt luật lệ hay còn gọi là luật Gia Long. Bộ luật Gia Long gồm 398 điều chia làm 7 chương và chép trong một bộ sách gồm 22 cuốn, được in phát ra khắp mọi nơi. Theo lời tựa, bộ luật ấy hình thành do tham khảo luật Hồng Đức và luật nhà Thanh, nhưng kỳ thực là chép lại gần như nguyên vẹn luật của nhà Thanh và chỉ thay đổi ít nhiều. Chương "Hình luật" chiếm tỉ lệ lớn, đến 166 điều trong khi những chương khác như "Hộ luật" chỉ có 66 điều còn "Công luật" chỉ có 10 điều. Trong bộ luật có một số điều luật khá nghiêm khắc, nhất là về các tội phản nghịch, tội tuyên truyền "yêu ngôn, yêu thư".[65] Tuy nhiên, bộ luật cũng đề cao việc chống tham nhũng và đặt ra nhiều điều luật nghiêm khắc để trừng trị tham quan. Tất nhiên, đến các đời vua sau Gia Long, bộ luật này cũng được chỉnh sửa và cải tiến nhiều, nhất là dưới thời Minh Mạng.[65]
Cũng như các triều đại trước, nước đầu tiên mà Gia Long tiến hành ngoại giao là Trung Quốc. Tháng 5 năm 1802, sau khi lên ngôi vua, Gia Long cho một đoàn sứ giả đem đồ cống sang Quảng Đông cầu phong triều đình Trung quốc. Dẫn đầu đoàn sứ giả là Trịnh Hoài Đức chánh sứ, Ngô Nhân Tĩnh và Hoàng Ngọc Uẩn là phó sứ. Đoàn sứ giả sang Quảng Tây, quan lại nhà Thanh ở đây nhận chuyển đồ cống lên Bắc Kinh, còn giữ đoàn sứ ở lại Quảng Tây chờ lệnh triều đình có cho sứ giả lên Bắc Kinh triều yết hay không. Sứ đoàn này chưa hồi hương thì cuối năm đó vua Gia Long tiếp tục cử Binh bộ Thượng thư là Lê Quang Định sang cầu phong vua Gia Khánh nhà Thanh đổi quốc hiệu là Nam Việt.[66] Sau những tranh luận về tên gọi, vì nhà Thanh ngại nhầm lẫn với nước Nam Việt xưa nằm ở Lưỡng Quảng và cuối cùng đồng ý đảo ngược lại thành Việt Nam, vua Thanh cho Tổng đốc Quảng Tây là Tề Bố Sâm sang làm lễ tấn phong cho Gia Long là Việt Nam quốc vương, ấn định thể lệ tiến cống hai năm một lần và cứ bốn năm một lần Việt Nam sẽ phái sứ bộ sang làm lễ triều kính.[67]
Ngoài Trung Quốc, nhà Nguyễn còn qua lại với Xiêm La. Dù có xung đột từ thời kỳ chúa Nguyễn trước đó, nhưng đến khi Gia Long tị nạn ở Xiêm cho đến lúc lên ngôi, việc giao thiệp giữa triều Gia Long và Xiêm La vẫn giữ được sự hòa hảo. Từ năm 1802 trở đi hai bên vẫn có sứ bộ qua lại trao đổi thân thiện và tặng phẩm.
Tại Ai Lao, Việt và Xiêm cùng đặt ảnh hưởng, Quốc vương Ai Lao xin thần phục cả Việt lẫn Xiêm. Dân vùng Cam Lộ, dân ở các vùng cao nguyên hai tỉnh Thanh–Nghệ, người Thượng (tức người Rhadé) ở các nước Thủy Xá và Hỏa Xá cũng có cống phẩm đến để tỏ lòng tuân theo chính quyền của triều Nguyễn.[68] Thời vua Minh Mạng, nhiều xứ ở Ai Lao xin thuộc quyền bảo hộ của Việt Nam. Các vùng nay là Sầm Nứa, Trấn Ninh, Cam Môn và Savannakhet giáp với các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, đều xin làm nội thuộc và trở thành các châu, phủ của Việt Nam.[69]
Còn với Chân Lạp, khi vua Gia Long lên ngôi, nước Cao Miên tuy mất Thủy Chân Lạp cho người Việt nhưng vẫn phải chịu thần phục. Thời Minh Mạng, sau khi phá được quân Xiêm, tướng Trương Minh Giảng và tham tán Lê Đại Cương lập đồn đóng quân ở gần Nam Vang để bảo hộ Chân Lạp.[69]
Với phương Tây
Năm 1803, Anh Quốc sai sứ là Robert sang xin cho mở cửa hàng buôn bán ở Trà Sơn, thuộc Quảng Nam. Vua Gia Long không nhận đồ, và cũng không cho mở cửa hàng. Sau người Anh còn đưa thư sang hai ba lần nữa, nhưng vẫn bị từ chối. Khi chiến tranh kết thúc, các ông Chaigneau, Vannier và Despiau làm quan tại triều, Gia Long cho mỗi người 50 lính hầu và khi chầu thì không cần lạy Hoàng đế. Năm 1817, chính phủ Pháp phái tới Việt Nam chiếc tàu Cybèle để thăm dò bang giao. Thuyền trưởng là Achille De Kergariou nói rằng vua Louis XVIII sai sang xin thi hành những điều ước do Bá Đa Lộc ký năm 1787 về việc nhường cửa Đà Nẵng và đảo Côn Lôn. Vua Gia Long sai quan ra trả lời rằng những điều ước ấy nước Pháp trước đã không thi hành thì nay bỏ, không nói đến nữa.[70]
Tuy nhiên, sự bành trướng của Châu Âu ở Đông Nam Á khiến Gia Long e ngại, nhất là sau khi nước Anh chiếm được Singapore. Nhà vua thấy rằng cần phải giao hảo với người Tây phương nhưng không thể biệt đãi một quốc gia đặc biệt nào. Năm 1819, John White, một thương gia Hoa Kỳ tới Gia Định và được hứa hẹn sẽ dành cho mọi sự dễ dàng khi buôn bán ở Việt Nam. Vua Minh Mạng không có cảm tình với người Pháp như thái độ chung của người Á Đông lúc đó, coi người Âu Châu là bọn man di, là quân xâm lược.[71] Ngoài ra ông cũng không thích cả Công giáo của châu Âu. Trong thời kỳ Minh Mạng nắm quyền, tín đồ Công giáo bị đàn áp quyết liệt và các giáo sĩ nước ngoài đã so sánh ông với hoàng đế Nero của Đế quốc La Mã – một hoàng đế từng tàn sát hàng loạt giáo dân Công giáo. Với những người Pháp đã từng giúp vua Gia Long, Minh Mạng tỏ thái độ lạnh nhạt nên khi Chaigneau trở lại Việt Nam không được trọng dụng nữa. Minh Mạng cho Chaigneau hay rằng không cần phải ký thương ước giữa hai chính phủ, người Việt Nam vẫn đối xử tốt đẹp với người Pháp là đủ, ông chỉ thỏa thuận mua bán với người Pháp nhưng không chấp nhận xây dựng đặt quan hệ ngoại giao chính thức với nước Pháp, quốc thư của Pháp xin cho ông Chaigneau làm Lãnh sự Pháp ở Việt Nam không được nhà vua đếm xỉa đến. Cũng theo đường lối của hai triều Minh Mạng và Thiệu Trị, vua Tự Đức khước từ mọi việc giao thiệp với các nước ngoài, dầu việc giao thiệp chỉ nhằm phục vụ thương mại. Năm 1850 có tàu của nước Mỹ vào cửa Hàn có quốc thư xin thông thương nhưng không được tiếp nhận.[72]
Từ năm 1855 các nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha nhiều lần có tàu vào cửa Hàn, cửa Thị Nại và Quảng Yên xin thông thương cũng không được. Sau khi Gia Định bị người Pháp chiếm, việc ngoại giao giữa triều đình với các nước phương Tây khó khăn, Tự Đức mới thay đổi chính sách, đặt ra Bình Chuẩn Ty để lo buôn bán và Thương Bạc Viện để giao dịch với người nước ngoài nhưng không có kết quả vì những người được ủy thác vào các việc này không được học gì về ngoại giao.[71][73]
Thương mại Việt Nam sau khi đất nước được thống nhất vẫn không phát triển lắm,[74] tổ chức thương mại của người Việt sơ sài, trong phạm vi gia đình. Nếu có những hội buôn lớn thì cũng chỉ là những phường họp vài thương gia hùn vốn với nhau để kinh doanh rồi chia tiền ngay, không liên kết lại thành những hội buôn làm ăn lâu dài. Nhiều người Việt Nam dùng tiền của để mua ruộng đất chứ không đầu tư kinh doanh, khuếch trương thương mại hay công nghệ.[74] Việc buôn bán ở các chợ quy mô lớn do thương nhân Hoa kiều chi phối, dù những người này chỉ là thiểu số.[74] Các mặt hàng tiêu dùng họ kinh doanh gồm có: mua thổ sản như gạo, lúa, bắp, đường, hạt tiêu... và bán và nhập cảng trà, thuốc Bắc, vải, đồ đồng, giấy. Trong vùng nông thôn, hoạt động thương mại cũng chỉ nhằm trao đổi nông sản và hàng tiểu thủ công ở các chợ. Ở đó, ngoài những cửa hàng tạp hóa quy mô nhỏ hay các cửa tiệm bán thuốc Bắc, còn có những nông dân bán thổ sản và nông sản địa phương và một số thương nhân nhỏ bán vải vóc, hàng xén, cau thuốc, đi rong từ chợ này sang chợ khác. Theo sử gia Trần Trọng Kim, người Việt Nam chỉ quanh quẩn trong nước, buôn bán những hàng hóa lặt vặt, nên bao nhiêu mối lợi lớn về tay người ngoài mất.[75]
Nhìn chung, Gia Long không quan tâm đến thương mại.[76] Ông đã nhiều lần từ chối người Anh khi họ đến xin được mua bán, ngay cả người Pháp khi đến mua bán cũng không được thuận lợi mấy,[77] ông không cho phép người phương Tây lập phố buôn trên lãnh thổ Việt Nam, triều Nguyễn dưới thời ông không khuyến khích cũng như không chào mời các thuyền buôn phương Tây.[78] Triều đình bấy giờ không có ý đóng cửa với phương Tây nhưng theo cách nhìn của hàng ngũ Nho sĩ ở Việt Nam, việc giao thương với phương Tây là không đáng tin cậy; cũng đồng thời với đó là sự lo ngại sự xâm lược bằng quân sự và truyền giáo của họ[79] đã dẫn đến chính sách như trên.
Ngoài một số trung tâm thương mại thành thị được phát triển ở các thành phố và cảng biển chính, phần lớn hoạt động mua bán vẫn diễn ra trên các con sông. Triều đình nắm giữ độc quyền thương mại ở các mặt hàng có giá trị cao như ngà voi, sừng nai, bạch đậu khấu, vàng...[80] Mức thuế mua bán cao, việc cấp giấy phép khó khăn trong việc xuất khẩu gạo, muối và kim loại cũng gây kìm hãm sự phát triển của thương mại.[81] Ngoại thương bị hạn chế, dân chúng bị cấm giao thương bằng đường biển, triều đình cấm xuất khẩu các loại gỗ quý và đánh thuế cảng, thuế xuất khẩu cao; quan hệ thương mại quan trọng với Trung Quốc nằm trong tay các thương gia người Hoa và quan lại, trong khi các thương gia người Việt thì bị hạn chế ở mảng buôn bán trong nước.[80]
Triều đình đã tổ chức nhiều chuyến đi công cán đến các nước trong khu vực để thực hiện giao dịch buôn bán. Năm 1824, Minh Mạng đã sai người đi công cán ở Hạ Châu (Singapore) và Giang Lưu Ba (Indonesia). Năm 1825, vua Minh Mạng phái người sang Hạ Châu mua vải và đồ thủy tinh. Sau đó, mỗi năm đều có quan viên được phái đi tới các trung tâm mậu dịch của người Âu ở khắp Đông Nam Á. Từ 1831–1832 trở đi, các chuyến công cán càng lúc càng nhiều, điểm đến cũng khá đa dạng: Hạ Châu, Lữ Tống (Luzon, Philippines), đảo Borneo, Quảng Đông, Giang Lưu Ba,... Trong khoảng 1835–1840 đã có 21 chiếc được cử đi.[74] Hàng bán ra chủ yếu là gạo, đường, lâm thổ sản quý, hàng mua về là len dạ và vũ khí, đạn dược. Các hoạt động này gần như là độc quyền của triều đình dù tư nhân không bị cấm. Dù vậy, nhiều thương nhân cũng lợi dụng các chuyến buôn bán này để buôn lậu gạo và thổ sản sang Hạ Châu hay Quảng Châu.[82]
Hàng năm, thuyền buôn Trung Hoa thường đi lại giữa Việt Nam và Singapore. Thương nhân người Hoa thường lén chở gạo đi và đem thuốc phiện về. Trong những năm 1820–1830, giao dịch với Singapore rất hạn chế. Nguyên nhân do hàng hóa của Việt Nam phù hợp với thị trường Trung Hoa hơn.[74] Khi người Pháp sắp chiếm hết Nam Kỳ, các bản lược kê tài chính cho thấy quan thuế hàng năm tương đương 3.000.000 france vàng trên tổng ngân sách 40.000.000 mà các quan viên đã giữ lại gấp đôi số tiền thuế kia, như vậy số tiền thu được vượt quá số tiền chuyển về triều đình rất nhiều. Từ thời Thiệu Trị, do xung đột với phương Tây từ nguyên nhân tôn giáo, quan hệ buôn bán với các nước này bị tổn hại. Năm 1850, Tự Đức không phái thuyền đi buôn ở Hạ Châu nữa. Triều đình cũng tìm cách cản trở dân thường buôn bán với người Tây nên cuối cùng, thương gia ngoại quốc chủ yếu là Hoa kiều, Xiêm và Mã Lai, trong đó người Hoa chiếm tỷ lệ lớn nhất.[74]
Thủ công nghiệp Nhà nước thời Nguyễn chế tạo tất cả những đồ dùng cho hoàng gia, tham gia đóng thuyền cho quân đội, đúc vũ khí, đúc tiền,...[83] Nhà Nguyễn cũng tập trung xây dựng hệ thống các xưởng thủ công Nhà nước, nhất là ở kinh đô và các vùng phụ cận. Năm 1803, Gia Long thành lập xưởng đúc tiền Bắc Thành tiền cục ở Thăng Long.[83] Nhà Nguyễn cũng lập các Ti trông coi các ngành thủ công, như ti Vũ khố chế tạo quản lý nhiều ngành thủ công khác nhau, gồm 57 cục: làm đất, đúc, làm đồ vàng bạc, vẽ tranh, làm ngói, làm đồ pha lê, khắc chữ, đúc súng, làm trục xe, luyện đồng,... Ti Thuyền chịu trách nhiệm về các loại thuyền công và thuyền chiến, gồm 235 sở trên toàn quốc.[83] Ngoài ra còn có các ti Doanh kiến, ti Tu tạo, ti Thương bác hoả dược.[84]
Phần lớn nhân lực trong các xưởng thủ công Nhà nước là do triều đình trưng dụng thợ khéo trong các ngành như khảm xà cừ, kim hoàn, thêu thùa... tới làm việc để cung cấp đồ dùng cho triều đình. Đối với nghề đóng tàu, năm 1820 sĩ quan người Mỹ, John White đã nhận xét: " Người Việt Nam quả là những người đóng tàu thành thạo. Họ hoàn thành công trình của họ với một kỹ thuật hết sức chính xác." Ngoài các thuyền gỗ, người thợ thủ công Việt Nam còn đóng cả các loại tàu lớn bọc đồng.[85]
Ngoài ra họ đã sáng chế được nhiều máy móc tiên tiến và có chất lượng vào thời đó, ví dụ các máy cưa xẻ gỗ, máy tưới ruộng... và cả máy hơi nước.[85] Trong ngành khai mỏ, đến nửa đầu thế kỷ 19, triều đình đã quản lý 139 mỏ, và năm 1833 có 3.122 nhân công trong các mỏ Nhà nước,[85][86] tuy nhiên, phương thức khai mỏ thời bấy giờ vẫn kém phát triển so với thế giới.
Triều Nguyễn có những chính sách ưu đãi để phát triển nông nghiệp, như là cấm mua bán ruộng đất công, lập kho Thường bình, Sở Tịch điền, Sở Diễn canh, kho Bình thiếu, Sở Đồn điền, Đàn Xã tắc,...[87] Năm 1828, Minh Mạng giao cho bộ Lễ soạn thảo chu đáo các điển lễ khôi phục lại nghi lễ Tịch điền và làm thành luật lệ lâu dài, cũng như quy định rất nghiêm túc, cụ thể.[87][88]
Về vấn đề ruộng đất, ngay khi mới lên ngôi, Gia Long đã phải ra lệnh cấm bán ruộng đất công và quy định chặt chẽ việc cầm cố loại công điền công thổ này để bảo đảm đất cày cho mọi người nông dân.[89] Trải qua nội chiến, nhân dân lại gặp mất mùa liên tiếp. Triều đình thường phải giảm thuế, miễn thuế và phát chẩn. Thời Minh Mạng định lại phép quân cấp ruộng khẩu phần, quan lại, binh lính, công tượng (thợ làm quan xưởng) cùng các hạng dân đinh, không kể phẩm trật cao thấp đều được hưởng một phần khẩu phần nhưng quan lại, cường hào cũng giành được những phần tốt hơn. Người già, người tàn tật thì được nửa phần. Cô nhi, quả phụ được 1/3.[90]
Tại miền Nam, nhà Nguyễn vẫn tiếp tục việc khai hoang và phục hóa, từ thời các chúa Nguyễn để lại như việc khẩn hoang, mở rộng, phát triển nông nghiệp. Ở Nam Kỳ, người dân đã tự do đến khẩn hoang với tư cách cá nhân hoặc tập thể dưới sự giúp đỡ của triều đình.[91] Hai vị quan tổ chức khẩn hoang nổi tiếng nhất là Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Tri Phương; trong đó Nguyễn Công Trứ nổi lên vì là tác giả của ba chính sách khẩn hoang lớn: đồn điền, doanh điền và khai khẩn ruộng hoang.[92] Đồn điền là chính sách chủ yếu dựa vào việc mộ dân nghèo, đi cùng với tội phạm, binh lính để thực hiện việc khai khẩn đất hoang. Trong thời gian khẩn hoang số dân này sẽ được quản lý theo cung cách đồn điền; sau từ 6–10 năm để cuộc sống dân cư ổn định sẽ chuyển sang hình thức làng xã. Đồn điền xuất hiện nhiều nhất ở vùng Gia Định.[92] Đợt lập đồn điền lớn nhất do Kinh lược sứ Nam Kì là Nguyễn Tri Phương tổ chức vào năm 1853–1854, lập được 21 cơ, 124 ấp phân phối ở cả lục tỉnh.[93] Doanh điền là hình thức khai hoang có sự kết hợp giữa triều đình và nhân dân, thực hiện di dân để lập ấp mới. Hình thức này bắt đầu được thực hiện từ năm 1828 dưới thời vua Minh Mạng theo đề nghị của Tham tán quân vụ Bắc thành Nguyễn Công Trứ. Theo đó, triều đình sẽ bỏ vốn ban đầu và cử ra một quan chức sẽ dứng ra chiêu mộ và chỉ đạo dân chúng đưa đi khai hoang[94] Chính sách đồn điền và doanh điền được triều đình kèm theo một loạt luật lệ thưởng phạt phân minh để khai thác triệt để đất đã vỡ hoang và ngăn tình trạng bỏ đất nhưng cũng không dứt hẳn được hiện tượng ruộng hoang.[95]
Ngoài ra, triều đình nhà Nguyễn còn khuyến khích nhân dân tự do khai hoang kết hợp phục hóa. Việc đinh điền cũng có chỉnh đốn và kiểm soát chặt chẽ hơn. Ruộng đất ở Nam Việt thời vua Minh Mạng được đo đạc lại, tính ra được 630.075 mẫu. Tổng số đinh toàn quốc là 970.516 suất và 4.063.892 mẫu ruộng đất.[96] Triều đình nhà Nguyễn dành cho việc khai hoang, phục hóa rất nhiều sự quan tâm, họ đã cho tiến hành nhiều chính sách khai khẩn hoang khác nhau và đã đem lại nhiều kết quả tốt đẹp. Diện tích ruộng đất thực trưng tăng lên nhiều: năm 1847 là 4.273.013 mẫu.[97] Tuy nói trên toàn diện, đất công điền không quá 1/5 diện tích canh tác, nhưng phần đất còn lại được phân phối giữa các nông dân mà đa số chỉ làm chủ tới 5 mẫu là nhiều. Hạng người có 100 mẫu trở lên thì rất ít, mỗi tỉnh có nhiều nhất là 5, 3 người.[98]
Vua Gia Long rất đề cao Nho học, cho lập Văn Miếu ở các doanh, các trấn thờ đức Khổng Tử và lập Quốc Tử Giám năm 1803 ở Kinh thành Huế để dạy cho các quan và các sĩ tử, mở khoa thi Hương lấy những người có học, có hạnh ra làm quan. Cũng trong năm này, Gia Long cũng cho ban hành hai đạo dụ về việc mở các trường ở các tỉnh, ấn định nhân viên giáo giới và chương trình học chế đồng thời tái lập lại các khoa thi ở các trấn. Ở mỗi trấn có một quan Đốc Học, một phó Đốc Học hay Trợ Giáo. Cứ tháng 10 hàng năm triều đình mở một kỳ thi. Theo thông lệ cứ ba năm triều đình mở khoa thi Hương ở các địa phương.[99] Những người trúng cao ở khoa thi Hương gọi là cử nhân, trúng thấp gọi là tú tài. Năm sau ở Kinh đô mở khoa thi Hội tại bộ Lễ, những cử nhân năm trước khi ứng thí, nếu trúng cách thì được tiếp tục thi Đình ở trong điện nhà vua để lấy các bậc Tiến sĩ.[99]
Trong dân chúng, việc học tập có tính chất tự do hơn. Bất kỳ người nào có học lực kha khá cũng có thể mở trường tư thục để dạy học. Mỗi làng có vài ba trường tư thục, hoặc ở nhà thầy, hoặc ở nhà người hào phú nuôi thầy cho con học và cho con các nhà lân cận đến học. Theo Trần Trọng Kim thì người Việt Nam vốn chuộng sự học, cho nên người đi học cũng nhiều.[100] Dù vậy, việc học tập càng lúc càng thoái hóa do nội dung học chỉ tập trung vào thơ phú và các tác phẩm cổ, không áp dụng được gì nhiều trong thực tế. Nhiều người học chỉ để đi thi, mong được làm quan. Trần Trọng Kim cho rằng:
“
Bao nhiêu công phu của người đi học chú trọng vào sự học cho nhớ những sách Tứ Thư, Ngũ Kinh cùng những lời thể chú của tiền nho trong những sách ấy và học thêm mấy bộ sử nước Tàu. Còn sự luyện tập hàng ngày, thì cốt tập cho thạo thuộc các lề lối ở chỗ khoa trường là: kinh nghĩa, tứ lục, thi phú, văn sách. Ấy là dùng hư văn mà xét tài thực dụng, đem sự hoa mỹ làm mực thước đo tài kinh luân. Bởi vậy ai hay kinh nghĩa đã nghĩ mình hơn người, ai tài thi phú đã tưởng mình giỏi nghề trị nước. Việc đời thì tối tăm mờ mịt mà lại tự phụ và kiêu căng, cho thiên hạ như rơm rác, coi mình như thần thánh.
Sự học của mình đã hư hỏng như thế, những hủ tục lại ăn sâu vào trí não, thành ra một thứ cố tật không sao chữa được...Đại khái, cái trình độ của bọn sĩ phu ở nước ta lúc bấy giờ là thế, cho nên vận nước suy đến nơi mà hồn người vẫn mê muội ở chỗ mơ màng mộng mị. Bọn sĩ phu là người có học, làm tai làm mắt cho mọi người mà còn kém cỏi như thế, thì bảo dân gian khôn ngoan làm sao được
Thời vua Minh Mạng, ông muốn canh tân việc học hành thi cử nhưng lại không biết tiến hành ra sao bởi triều thần của ông phần nhiều chỉ là những hủ nho lạc hậu, không giúp đỡ được nhà vua một kế hoạch nào cho quốc phú dân cường, ông nói rằng:
“
Lâu nay cái học khoa cử làm cho người ta sai lầm, Trẫm nghĩ văn chương vốn không có quy củ nhất định, mà nay những văn cử-nghiệp chỉ câu nệ cái hư sáo khoe khoang lẫn với nhau, biệt lập mỗi nhà một lối, nhân phẩm cao hay thấp do tự đó. Khoa tràng lấy hay bỏ cũng do tự đó. Học như thế thì trách nào mà nhân tài chẳng mỗi ngày một kém đi. Song tập tục đă quen rồi, khó đổi ngay được, về sau nên dần dần đổi lại[101]
Văn học nhà Nguyễn có thể chia làm các thời kỳ như sau: thời Nguyễn sơ, thời kỳ nhà Nguyễn còn độc lập và thời kỳ nhà Nguyễn thuộc Pháp.[102] Thời Nguyễn sơ là thời kỳ của các nhà thơ thuộc hai nguồn gốc chính là quan của vua Gia Long và các cựu thần nhà Hậu Lê bất phục nhà Nguyễn. Tiêu biểu cho thời kỳ này là các tác giả: Phạm Quy Thích, Nguyễn Du, Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định.[103] Nội dung tiêu biểu cho thời kỳ này là nói về niềm tiếc nhớ Lê triều cũ và một lãnh thổ văn chương Việt Nam mới hình thành ở phương Nam. Thời nhà Nguyễn độc lập là thời của các nhà thơ thuộc đủ mọi xuất thân trong đó có các vua như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, và các thành viên hoàng tộc như Tùng Thiện Vương Nguyễn Phúc Miên Thẩm. Các nho sĩ thì gồm có Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Hà Tôn Quyền, Trương Quốc Dụng, Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ.[104] Hai kiểu thơ chủ yếu của thời kỳ này là thơ ngự chế của các vị vua và các thi tập của nho sĩ[104]. Thời nhà Nguyễn thuộc Pháp là thời kỳ ảnh hưởng của hoàn cảnh lịch sử đương thời tác động rất lớn vào văn chương, các nhà thơ sáng tác nhiều về cảm tưởng của họ đối với quá trình Pháp chiếm Việt Nam.[105] Tác giả tiêu biểu thời kỳ này gồm Nguyễn Tư Giản, Nguyễn Thông, Nguyễn Khuyến, Dương Lâm, Nguyễn Thượng Hiền.[106][107]
Thời kỳ nhà Nguyễn, văn học phát triển trong cả Hán văn, lẫn một cách mạnh mẽ ở chữ Nôm với nhiều thành tựu lớn, trong đó tác phẩm chữ Nôm tiêu biểu nhất là Truyện Kiều và Hoa Tiên. Hai thể thơ được dùng phổ biết ở thời kỳ này là lục bát và lục bát gián cách, sử dụng một thứ tiếng Việt mới có một trình độ rất cao.[108] Ở miền Nam Việt Nam, thành hình một lãnh thổ văn chương mới với nhiều nét độc đáo riêng so với các vùng cũ[108]. Về nội dung, ngoài các nội dung văn chương mang đậm tư tưởng Nho giáo truyền thống thì số phận con người và phụ nữ cũng được đề cập đến.[108]
Khoa học và kỹ thuật
Sử học
Ngay từ cuối thế kỷ XVIII, sử học là một trong những ngành khoa học rất phát triển. Sang đầu thế kỷ XIX, dưới thời nhà Nguyễn, ngành này lại càng phát triển hơn, có thể nói đó là ngành phát triển nhất thời vương triều Nguyễn. Đặc biệt khi cơ quan phụ trách sử học là Quốc sử quán ra đời năm 1820 dưới thời vua Minh Mạng với nhiệm vụ thu thập các bộ sử xưa, in lại Quốc sử thời Lê và biên soạn các bộ sử mới. Quốc sử quán phải nói là được tổ chức kỷ cương, hoạt động một cách đầy hiệu quả. Vương triều Nguyễn đã cho lập các kho tàng lưu trữ các sáng tác từ cổ chí kim.[109]
Sử học nhà Nguyễn có các thành tựu sau:
Tìm kiếm, lưu trữ và cho in lại các tác phẩm sử học của các triều đại trước.[110]
Các công trình địa phương chí, và gia phả các dòng họ cũng xuất hiện rất nhiều.
Việc biên soạn các bộ địa phương chí gần như thành phong trào: từ các tỉnh lớn cho đến tận các huyện xã cũng có chí. Trong đó có rất nhiều bộ chí được biên soạn khá công phu với nhiều chi tiết quý mà các bộ sử lớn không có. Tiêu biểu cho địa phương chí là Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch
Ngoài ra còn có các tác phẩm soạn theo kiểu quy cách nhiều vấn đề khác nhau của lịch sử, nổi bật của thể loại này là bộ Lịch triều Hiến chương loại chí của Phan Huy Chú.[112]
Năm 1942, Giám đốc Nhà lưu trữ Đông Dương Paul Boudet cho biết rằng các tài liệu trước thế kỷ XIX (thời Nguyễn) chỉ còn lưu lại được khoảng 20 bản. Từ triều vua Minh Mạng, công tác lưu trữ mới được quan tâm. Cũng năm 1942, số lượng địa bạ ở Tàng thư lâu giữ được có tới 12.000 quyển.[113]
Nhìn chung, theo nhận xét của Dương Quảng Hàm thì tuy có nhiều giá trị nhưng do vẫn còn thiếu một phương pháp nghiên cứu khoa học tốt nên các tác phẩm về sử học và địa lý thời kỳ này vẫn có nhiều khuyết điểm. Dù vậy, các triều đại trước cũng không khá hơn nhà Nguyễn trong việc này.[114]
Kỹ thuật công nghệ
Từ các cuộc nội chiến ở Đại Việt trước, kỹ thuật công nghệ của phương Tây đã được các vua chúa đem vào Việt Nam rất nhiều đặc biệt trong lĩnh vực quân sự. Thời nhà Nguyễn vẫn kế thừa những thứ đã du nhập ấy, nhiều công trình được xây dựng theo kiểu kiến trúc Vauban của phương Tây như thành Bát Quái, kinh thành Huế, thành Hà Nội...Thời Gia Long đã từng cho đóng một loại thuyền lớn bọc đồng để tuần tra biển.[115]
Sang đến thời Minh Mạng, nhiều máy móc mang tính mới mẻ đã được chế tạo gồm: máy cưa chạy bằng sức trâu và sức nước, máy xẻ gỗ chạy bằng sức trâu.[116] Cụ thể là, năm 1834, Nguyễn Viết Túy dưới sự đồng ý của vua Minh Mạng đã chế tạo ra chiếc máy nghiền thuốc súng bằng sức nước mang tên Thủy hỏa ký tế. Sau đó những năm 1837-38, theo mẫu của phương Tây, thợ thủ công Nhà nước đã chế tạo được máy cưa văn gỗ, xẻ gỗ bằng sức nước, máy hút nước tưới ruộng,... và còn có cả xe cứu hỏa. Đặc biệt là năm 1839, dựa theo các kiểu phương Tây, các đốc công Hoàng Văn Lịch, Vũ Huy Trịnh cùng các thợ của ông đã đóng thành công chiếc tàu máy hơi nước đầu tiên, được vua Minh Mạng hết sức khen ngợi. Năm sau, Minh Mạng lại chỉ đạo cho họ đóng một chiếc kiểu mới tân tiến hơn và sửa chữa một chiếc bị hỏng. Điều đáng tiếc là sau đó mọi việc dường như bị đình lại.[85] Thời Tự Đức, nhiều sách kỹ thuật phương Tây được dịch sang tiếng Hán như Bác Vật tân biên, Khai Môi yếu pháp, Hàng hải Kim châm.[116] Nhưng một điều đáng tiếc là những tiến bộ này vẫn chưa kịp tác động vào quá trình phát triển của xã hội Việt Nam. Đến giữa thế kỷ XIX, Việt Nam vẫn là một quốc gia với nền sản xuất nông nghiệp chậm tiến so với thế giới phương Tây.[116]
Kiến trúc
Nhà Nguyễn là triều đại có nhiều đóng góp trong lịch sử Việt Nam, đặc biệt là một kho tàng kiến trúc đồ sộ, mà tiêu biểu là quần thể kinh thành Huế và nhiều công trình quân sự khác[117]
Kinh thành Huế nằm ở bờ Bắc sông Hương với tổng diện tích hơn 500 ha và 3 vòng thành bảo vệ. Kinh thành do vua Gia Long bắt đầu cho xây dựng năm 1805 và được Minh Mạng tiếp tục hoàn thành năm 1832 theo kiến trúc của phương Tây kết hợp kiến trúc thành quách phương Đông. Trải qua gần 200 năm khu kinh thành hiện nay còn hầu như nguyên vẹn với gần 140 công trình xây dựng lớn nhỏ.[117] Kiến trúc cung đình Huế đã tiếp thu và kế thừa kiến trúc truyền thống thời Lý, Trần, Lê đồng thời tiếp thu tinh hoa của Mỹ thuật Trung Hoa nhưng đã được Việt Nam hóa. Huế cũng đã được hiện đại hóa bởi những công trình sư người Pháp phục vụ dưới thời vua Gia Long. Khi xây dựng hệ thống thành quách và cung điện, các nhà kiến trúc dưới sự chỉ đạo của nhà vua đã bố trí trục chính của công trình theo hướng Tây Bắc–Đông Nam. Yếu tố Ngũ hành quan trọng trong bố cục mặt bằng của kiến trúc cung thành tương ứng với ngũ phương.[118]
Thành Gia Định là một công trình phòng thủ quân sự, được Nguyễn Phúc Ánh ra lệnh xây dựng tại làng Tân Khai, huyện Bình Dương, đất Gia Định, sau này là Sài Gòn, kể từ ngày 4 tháng 2 năm 1790 theo kiến trúc hỗn hợp Đông-Tây, dựa trên một bản thiết kế của một người Pháp là Olivier de Puymanel (Việt danh là Ông Tín). Thành được xây có 8 cạnh nên gọi là "Bát Quái". Thành còn có tên khác là "Thành Quy". Thành có 8 cửa, phía nam là cửa Càn Nguyên và cửa Li Minh, phía bắc là cửa Khôn Hậu và cửa Khảm Hiền, phía đông là cửa Chấn Hanh và cửa Cấm Chí, phía tây là cửa Tốn Thuận và cửa Đoài Duyệt. Thời Minh Mạng đổi tên các cửa: phía nam là cửa Gia Định và cửa Phiên An, phía bắc là cửa Củng Thần và cửa Vọng Thuyết, phía đông là cửa Phục Viễn và cửa Hoài Lai, phía tây là cửa Tĩnh Biên và cửa Tuyên Hóa. Ngày 18 tháng 3 năm 1859, quân Pháp đốt cháy kho tàng, phá hủy thành Sài Gòn và rút ra để tránh quân triều đình nhà Nguyễn tấn công đánh chiếm lại thành. Dấu tích duy nhất ngày nay còn lại là bức tranh vẽ ảnh thực dân Pháp tấn công thành và những tàn tích dọc đường Đinh Tiên Hoàng về phía gần xưởng Ba Son.[119]
Các phong trào khởi nghĩa chống triều đình
Nhà Nguyễn cũng là triều đại chứng kiến các cuộc nổi dậy của nông dân cũng như các tầng lớp khác bùng nổ dữ đội, nhất là ở Bắc Hà. Các nhà sử học tính rằng số lượng các cuộc nổi dậy nửa đầu thế kỷ 19 còn nhiều hơn toàn thế kỷ 18. Từ năm 1802 cho tới năm 1862, tại Bắc Hà có từ 350 cho tới 400 cuộc nổi dậy của nông dân nổ ra. Trong số đó có 50 cuộc diễn ra dưới thời Gia Long từ 1802-1820, 254 cuộc dưới thời Minh Mạng (1820-1840), 58 cuộc dưới thời Thiệu Trị (1840-1847) và 40 cuộc nổi dậy dưới thời Tự Đức (1847-1862). Dù vậy, trong số này cũng đã tính luôn cả các vụ nổi dậy liên quan tới vấn đề Công giáo, các phong trào phù Lê diệt Nguyễn của dân Bắc Hà, các toán cướp nổi lên hùng cứ địa phương, các toán tàn quân Thái Bình Thiên Quốc vượt biên vào cướp và cả những vụ bạo loạn như của Lê Duy Phụng do thực dân Pháp kích động để rảnh tay xâm chiếm Việt Nam.[10]
Những cuộc nổi dậy ở Bắc Hà dưới thời vua Minh Mạng suốt Trung, Nam, Bắc, kể từ năm 1822 theo sử gia Phạm Văn Sơn đã do nhiều nguyên nhân:
Về phía ngoại bang, nước Xiêm La vẫn giữ thái độ hằn học về vấn đề Chân Lạp nên ngoài mặt tuy êm dịu nhưng bên trong Xiêm La vẫn tìm cơ hội để quấy rối Việt Nam.[96]
Ngoài Bắc, một phần nhân tâm còn luyến tiếc Lê triều, vẫn chờ dịp nổi lên chống lại nhà Nguyễn và để khôi phục lại dòng họ Lê.[96]
Bọn quan lại hay nhũng nhiễu dân chúng, dèm pha nhau, tâng công, nịnh hót mà nhà vua lại thường không minh, nhất là đối với kẻ công thần. Nhiều người trung lương đâm ra chán nản, trái lại phe gian nịnh nẩy nở mỗi ngày một nhiều, nước tất nhiên phải sinh loạn do đó ngoại quốc mới dám nhòm ngó vào.[96]
Nguyên nhân chính làm bùng nổ nhiều cuộc nổi dậy là vấn đề kinh tế và đời sống khó khăn của người dân:
Một giáo sĩ người Pháp tên Guérard nhận xét rằng Gia Long đánh thuế quá nặng và bắt dân chúng lao dịch quá nhiều, sự bất công và lộng hành của quan lại làm cho người dân khổ cực. Ông viết: "Vua Gia Long bóp nặn dân chúng bằng đủ mọi cách, sự bất công và lộng hành làm cho người ta rên xiết hơn cả ở thời Tây Sơn; thuế má và lao dịch thì tăng lên gấp ba"[120]. Việc xây thành Phú Xuân và đào kênh Vĩnh Tế phải huy động hàng vạn dân phu đi lao dịch. Một người Pháp là Borel viết năm 1818 mô tả việc xây thành Phú Xuân (Huế): "Nhà vua sử dụng tất cả nhân lực vào việc xây tòa thành và các công trình công cộng khác. Khi tôi đến Huế, đã có đến 8 vạn người được điều động từ các nơi trong cả nước đang khẩn trương xây dựng một tòa thành rộng lớn bằng gạch... Riêng việc xây bờ thành đã tốn kém những khoản tiền khổng lồ và làm thiệt hàng ngàn nhân mạng vì phải khổ dịch liên tục... Nhà vua [Gia Long] đã vung ra những món tiền lớn và hy sinh tính mạng của hàng ngàn dân chúng vì họ phải làm việc không nghỉ tay trên các tường lũy của kinh thành. Đây quả là một công trình kỳ diệu. Mười vạn người được thường xuyên huy động"[64]
Sự tham nhũng của quan lại cũng là một nguyên nhân, như Chaigneau người Pháp đã ghi lại năm 1807: "Dân chúng hết sức khốn khổ, vua và quan lại làm khổ dân một cách kỳ lạ; công lý này tùy thuộc tiền bạc, kẻ giàu có thể đánh đập người nghèo mà không sợ bị trừng phạt gì, vì họ tin chắc nhờ tiền bạc họ sẽ thắng kiện."[121]
Nạn đói thường xuyên đe doạ cuộc sống của người nông dân. Theo lời tâu của Nguyễn Công Trứ vào năm 1833, dân đói đến tỉnh Hải Dương kiếm ăn có tới 27.000 người. Trận bão đổ bộ vào tỉnh Nghệ An 1842 đã làm cho 40.753 ngôi nhà bị đổ, 5.420 người bị chết, cùng với đói kém, mất mùa, lụt lội và bệnh dịch. Trận dịch xảy ra năm 1840, riêng ở Bắc Kì số người chết đã lên tới 67.000.[120]
Các cuộc khởi nghĩa cuối cùng đều bị thất bại, nhưng đã khiến cho nhà Nguyễn suy yếu, lâm vào tình trạng bất ổn triền miên.[120]
Tại Bắc Kỳ
Ngay từ khi mới cầm quyền, nhà Nguyễn đã gặp phải sự chống đối hết sức quyết liệt từ nhiều lực lượng xã hội khác nhau. Năm 1803, một số tướng lĩnh cũ của nhà Tây Sơn do Nguyễn Văn Tuyết cầm đầu đã nổi dậy ở Kinh Môn, Hải Dương. Sau là cuộc khởi nghĩa của Vũ Đình Lục và Đặng Trần Siêu ở Sơn Nam (Thượng du Thanh Hóa), liên tục hoạt động cho đến năm 1824. Tiếp theo là phong trào nông dân ở miền xuôi, vùng đồng bằng Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ: Nguyễn Đức Khoa, Tổng Thái, Tú Bích ở Kinh Bắc, Trần Lệ Quyên, Đỗ Hoàng Thân ở Sơn Tây, Nguyễn Thế Chung ở Sơn Nam, Nguyễn Trấn, Lê Hữu Tạo, Ninh Đãng Tạo, Phan Bô ở Nghệ An.[122]
Khi vua Tự Đức lên ngôi đã cử những danh thần của triều đình làm quan Kinh lược Đại sứ để đi kiểm tra, khám xét công việc ở các nơi trong cả nước. Nguyễn Tri Phương ở Nam Kỳ, Phan Thanh Giản coi ba tỉnh Nam Trung Việt, Nguyễn Đăng Giai kiểm soát ba tỉnh phía Bắc miền Trung. Nhưng từ năm 1851 nhiều cuộc nổi dậy diễn ra ở nhiều nơi, nhất là ở Bắc Kỳ bởi lòng dân ở đây còn tưởng nhớ đến nhà Lê, phá chính quyền triều Nguyễn. Có vài vụ nổi dậy mà người lãnh đạo tự xưng mình thuộc dòng dõi nhà Lê như quân của Lê Duy Phụng, lôi cuốn được khá nhiều người tham gia. Ngoài ra triều đình còn phải lo đối phó dư đảng Thái Bình Thiên Quốc do Hồng Tú Toàn tổ chức chống lại nhà Thanh bị bại tràn sang Việt Nam. Tàn quân Thái Bình Thiên Quốc cướp phá các vùng thượng du khiến quân đội nhà Nguyễn phải đi đánh dẹp rất phiền phức.[124]
Ngoài mục đích chính trị thì một phần cũng do dân chúng phải chịu nhiều thiên tai như lũ lụt liên miên. Đê Văn Giang vỡ liên tiếp 18 năm lại thuộc tỉnh Hưng Yên là nơi đông dân nhất Bắc Kỳ nên làm phát sinh rối loạn. Thời kỳ này còn có quân Tam Đường do ba lãnh tụ: Quảng Nghĩa Đường, Lục Thắng Đường, Đức Thắng Đường nổi lên tại Thái Nguyên được quan Kinh lược Nguyễn Đăng Giai đến phủ dụ nên đất Bắc được yên ổn. Khi Nguyễn Đăng Giai qua đời (1854), Bắc Kỳ lại mất an ninh, trật tự như cũ.[125]
Khác với các cuộc nổi dậy khác, cuộc nổi dậy của nhóm Lê Duy Cự và Cao Bá Quát không cướp của giết người như những vụ loạn khác mà do sự bất mãn với triều đình, mục tiêu của họ là lật đổ chính quyền nhà Nguyễn. Bởi cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Cự bùng ra cuối năm ấy mà khoảng tháng 5 có châu chấu phá hoại mùa màng dữ dội nên người ta gọi vụ này là "giặc châu chấu".[126]
Những cuộc nổi dậy này nhiều lúc dân nghèo đã phối hợp với quân lưu manh, đạo tặc để chống đối nên tuy làm cho Triều đình khốn đốn nhưng vì không có tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh, không có hiệu lệnh thống nhất, trước sau đều thất bại.[127]
Ngoài các cuộc nổi dậy của nông dân ở Bắc Kỳ còn có cả những người nhân cơ hội triều đình suy yếu, nổi lên tứ tung để cướp phá và lợi dụng dân lưu vong để rủ họ theo. Ngoài ra cũng có những người bị quân Pháp mua chuộc để quấy rối triều Nguyễn cho họ dễ hành động. Chưa kể còn có quân giặc người Tàu hoành hành ở miền thượng du Bắc Kỳ. Những cuộc biến động này khiến triều đình phải dụng binh rất lâu, hao tổn binh lực và tài lực rất nhiều.[127]
Năm 1861, với chính sách của Triều đình Huế gia giảm các chương trình phúc lợi, giải tán các cộng đồng Công giáo, gia tăng kiểm soát mua bán lương thực, tăng thuế, cộng với nạn giặc Khách đánh phá mạn ngược và bọn cướp biển Tàu Ô đánh cướp các làng ven biển, khiến tình hình miền Bắc càng trở nên nguy hiểm, có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào. Các thành phần bị ảnh hưởng nặng nề nhất, dễ nổi lên đối kháng nhất là những nông dân bị nạn lũ lụt, các tộc người thiểu số nghèo khổ và các cộng đồng Công giáo bị ngược đãi. Đây là những nhân tố khiến cho cuộc nổi dậy do Lê Duy Phụng cầm đầu đặc biệt nguy hiểm, khiến triều đình Huế phải hết sức vất vả mới đánh dẹp được.[128]
Tại Nam Kỳ
Cuộc Nổi dậy ở Đá Vách đã nổ ra, kéo dài ngay từ buổi đầu triều đại vua Gia Long đến suốt hơn nửa thế kỷ.[129] Ngay từ khi lên ngôi, vua Gia Long đã ký ban hành các loại thuế đánh vào lâm thổ sản ở vùng này, làm cho "dân Man quanh năm nộp thuế không lúc nào rỗi"[130], hậu quả là: "dân phải nhặt củ rau và quả ở núi để ăn cho no bụng"[131]. Các vua đầu thời Nguyễn còn mắc sai lầm khi cho rằng: Bọn man mọi ngu dại chưa thấm nhuần phong hóa, cần buộc họ cắt tóc, ăn mặc và sinh hoạt giống như người miền xuôi.[132] Tất cả đã làm cho người dân Đá Vách nung nấu căm thù, dẫn đến nhiều cuộc giao chiến suốt hơn 50 năm, bất chấp mọi biện pháp trấn áp và chia rẽ của triều đình nhà Nguyễn. Các vụ nổi dậy vào các năm 1803, 1804, 1806, 1807 đã làm cho quan quân nhà Nguyễn thiệt hại không ít.
Cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi là một cuộc nổi dậy xảy ra vào thời vua Minh Mạng ở các tỉnh miền Nam Việt Nam. Lãnh đạo của cuộc nổi dậy này là Lê Văn Khôi nhóm họp những phần tử về phái địa phương phân quyền của Lê Văn Duyệt và những tù nhân Bắc Kỳ bị đi đày để nổi dậy.[133] Được võ quan, binh lính và dân chúng Phiên An vốn cảm tình với Lê Văn Duyệt đi theo rất đông nên quân nổi dậy từng đánh chiếm được 6 tỉnh phía Nam nhưng sau đó triều đình đã nhanh chóng thu phục các tỉnh này, dồn quân nổi dậy vào cố thủ ở thành Phiên An năm 1835 khi thành Phiên An thất thủ.[133]
Ngoài ra, tại Nam Kỳ, chính sách không phù hợp của nhà Nguyễn với người thiểu số, đặc biệt là người Khmer và chính sách đối ngoại với vương quốc Chân Lạp cũng gây bất mãn trong cộng đồng người Khmer, dẫn đến nhiều cuộc nổi dậy chống lại triều đình, như các cuộc nổi dậy Lâm Sâm, Ba Xuyên, Thất Sơn, Hà Tiên.[134]
Do những việc cấm đạo và tàn sát giáo dân của vua Minh Mạng mà ngay trong năm 1838 đã có sĩ quan Hải quân Fourichon đề nghị Pháp gửi Hải quân tới can thiệp nhưng bị Ngoại trưởng Pháp François Guizot bác bỏ.[135] Dư luận Pháp thì sôi động vì sự ngược đãi giáo dân của Minh Mạng nên ủng hộ đề nghị dùng vũ lực. Khi Thiệu Trị nối ngôi có thái độ mềm mỏng hơn, cho thả một số linh mục bị bắt và tỏ ý sẽ cho tàu sang Châu Âu mua bán nhưng sự kiện đụng độ tại Đà Nẵng năm 1847 giữa tàu Pháp và Việt khiến nhà vua tức giận và ông ra lệnh xử tử ngay tại chỗ tất cả người Âu[136] bắt được tại Việt Nam.[137] Tuy nhiên, sử nhà Nguyễn không nói đến việc vua Thiệu Trị trả thù bằng cách ra lệnh xử tử tất cả người Âu.[138][139]
Khi Tự Đức lên cầm quyền, triều đình vẫn cai trị tuân theo phong cách Nho giáo.[140] Triều đình không có một biện pháp nào đối phó với phương Tây, ngược lại chỉ cấm đạo và cấm mua bán quyết liệt hơn trước.[140][141] Nhân vụ An Phong Công Hồng Bảo mưu phản, tìm cách liên hệ với các giáo sĩ để soán ngôi mà nhà vua cho công bố 2 đạo dụ cấm đoán Công giáo các năm 1848 và 1851, đã có hàng vạn giáo dân bị tàn sát hay lưu đày từ 1848–1860.[141] Cũng đồng thời lúc này, trước tình hình người Pháp xâm lấn, trong triều đình đặt ra vấn đề cải cách: liên tiếp các năm 1864, 1866, 1868, 1867, 1881 các quan là Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Đinh Văn Điền, Nguyễn Hiệp, Lê Định liên tiếp dâng sớ xin nhà vua cho cải cách toàn diện đất nước nhưng nhà vua không quyết dưới sự bàn ra của các đình thần.[142] Những đề xuất cải cách này được triều đình đem ra hỏi ý kiến quan lại địa phương. Triều đình cũng dùng những đề xuất này làm đầu đề văn sách hỏi ý kiến sĩ tử nhưng dư luận chung lúc đó là từ chối duy tân[143].Mãi đến năm 1878, triều đình mới bắt đầu cử người thực hiện các bước đầu tiên trong quá trình cải cách là cho học tiếng nước ngoài, nhưng đình thần vẫn bất đồng và nảy sinh hai phe chủ trương cải cách và bảo thủ, rồi đến khi nước Đại Nam dần rơi vào tay quân Pháp cũng nảy sinh hai phe chủ chiến và chủ hòa.[144]
Về việc cá nhân, vua Tự Đức không có con nên ông truyền ngôi lại cho một người con của anh mình là vương tử Nguyễn Phúc Ưng Chân.[145] Việc nối ngôi này liên tiếp gặp nhiều rối ren, Nguyễn Phúc Ưng Chân lên làm vua hiệu là Dục Đức được ba ngày thì bị phế bỏ rồi giết chết; một người con khác của vua Thiệu Trị là Nguyễn Phúc Hồng Dật lên nối ngôi tiếp với hiệu Hiệp Hòa cũng bị ép uống thuốc độc sau năm tháng, vị vua kế là Kiến Phúc cũng đột ngột qua đời (ghi là bệnh, nhưng nghi là bị đầu độc).[146] Việc lập phế liên tiếp này chỉ kết thúc khi vua Hàm Nghi lên ngôi năm 1884.[147]
Năm 1885, phái chủ chiến trong triều đình nổi dậy tấn công quân Pháp đóng ở kinh đô Huế nhưng thất bại. Vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết chạy ra Tân Sở thuộc Quảng Trị, tại đây Tôn Thất Thuyết mượn danh nghĩa vua Hàm Nghi phát chiếu Cần Vương kêu gọi người Việt nổi dậy đánh Pháp giúp vua. Hưởng ứng lời kêu gọi này, nhiều cuộc nổi dậy đã nổ ra trong đó tiêu biểu là những cuộc khởi nghĩa ở Ba Đình của Phạm Bành và Đinh Công Tráng, khởi nghĩa Bãi Sậy do Nguyễn Thiện Thuật chỉ huy, khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng và Cao Thắng, khởi nghĩa ở Hưng Hóa do Nguyễn Quang Bích lãnh đạo... Phong trào vẫn tiếp tục phát triển cả sau thời gian vua Hàm Nghi bị Pháp bắt giữ (năm 1888); nó chỉ thực sự chấm dứt khi lãnh đạo cuộc nổi dậy ở Hương Khê là Phan Đình Phùng chết cuối năm 1895.
Nguyên nhân sự thất bại của các phong trào kháng Pháp bởi sự kháng cự của họ chỉ có tính cách địa phương. Các lãnh tụ Cần Vương chỉ có uy tín tại nơi họ xuất thân, tinh thần địa phương mạnh mẽ làm họ chống lại mọi sự thống nhất phong trào trên 1 quy mô lớn hơn. Khi các lãnh tụ bị bắt hay chết thì quân của họ hoặc giải tán hay đầu hàng. Ngoài ra, các đạo quân này không được lòng dân quê nhiều lắm bởi để có phương tiện sống và duy trì chiến đấu, có những lúc họ phải đi cướp phá dân chúng.[148]
Ngoài những lý do trên, sự thất bại của phong trào này còn bởi việc xung đột với các nhóm dân thiểu số tại Việt Nam. Quân Cần Vương giết hại hàng loạt những người Việt theo Công giáo vì cho rằng nhóm dân này làm nội gián cho Pháp, điều này lại thúc đẩy giáo dân tự vệ bằng cách thông báo tin tức cho phía Pháp. Những thống kê của người Pháp cho biết có hơn 20.000 giáo dân đã bị quân Cần Vương giết hại.[149] Chính sách sa thải các quan chức Việt và cho các dân tộc thiểu số được quyền tự trị rộng rãi của Pháp cũng làm cho các sắc dân này đứng về phía Pháp. Chính người Thượng đã bắt Hàm Nghi, các bộ lạc Thái, Mán, Mèo, Nùng, Thổ đều đã cắt đường liên lạc của quân Cần Vương với Trung Hoa làm cạn nguồn khí giới của họ. Quen thuộc rừng núi, họ cũng giúp quân Pháp chiến tranh phản du kích đầy hiệu quả.[150]
Theo các Hòa ước Harmand và Hòa ước Patenôtre thì chính sách ngoại giao, quân sự và tài chánh do nước Pháp kiểm soát nhưng không có sự hợp nhất giữa 2 quốc gia Đại Nam và Pháp. Nước Pháp sau khi không mua chuộc được vua Hàm Nghi bèn cho ông đi an trí ở Algérie. Sau đó anh cả Kiến Phúc, Hàm Nghi là Nguyễn Phúc Ưng Biện kế vị, lấy niên hiệu là Đồng Khánh.[151] Vua Đồng Khánh bị trách là đã lên ngôi trong những điều kiện quá nhục nhã đối với quốc gia. Bị cô lập và thiếu kinh nghiệm, ông phải nhượng bộ cho người Pháp để đổi lấy sự giúp đỡ về mặt hành chính và quân sự. Năm 1887, Liên bang Đông Dương được thành lập gồm thuộc địa Nam Kỳ, 2 xứ bảo hộ Trung Kỳ và Bắc Kỳ cùng Lào và Cao Miên đều đặt dưới một viên quan Toàn quyền Đông Dương người Pháp. Năm 1888, vua Đồng Khánh còn phải nhường cho nước Pháp mọi quyền hành trên 3 thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng, 3 khu vực này cũng trở thành 3 thuộc địa.[152]
Quyền hành của nhà vua còn bị hạn chế hơn nữa khi Paul Doumer trở thành Toàn quyền Đông Dương. Từ 1897-1902, toàn quyền Paul Doumer đã áp dụng 1 chính sách cai trị độc tài, loại bỏ dần ảnh hưởng của triều Nguyễn. Quan lại cấp tỉnh phải phụ thuộc trực tiếp Thống sứ Pháp, cai trị xứ Bắc Kỳ nhân danh Hoàng đế nhưng lại không cần phải nghe lệnh của vị vua Đại Nam. Các quan cũng phải nhường cho Công sứ Pháp quyền đề cử và bổ nhiệm hương chức. Cơ quan hành chính Pháp cũng phụ trách thu thuế và giao cho ngân khố của triều đình một ngân sách cần thiết cho việc duy trì triều đình. Paul Doumer đã thay thế chế độ bảo hộ bằng chế độ trực trị và triều đình từ lúc đó chỉ còn giữ lại được những hình thức bề ngoài. Vua Thành Thái vào năm 1907 đã bị ép phải thoái vị khi không phê chuẩn việc bổ nhiệm một số quan lại đã được Khâm sứ Lévêque và Hội đồng Thượng thư thỏa thuận. Hoàng tử Nguyễn Phúc Vĩnh San được đưa lên nối ngôi, tức vua Duy Tân. Cũng như vua cha Thành Thái, Duy Tân là người có tư tưởng chống Pháp. Năm 1916, ông liên kết cùng Việt Nam Quang phục Hội của nhóm Thái Phiên và Trần Cao Vân nổi dậy nhưng thất bại và bị đày ra đảo La Réunion cùng lúc với cha mình.[153]
Năm 1922, vua Khải Định sang Pháp để đòi hỏi nước Pháp phải cho người Việt được tham gia chính trị nhiều hơn nhưng cuộc hành trình này đã không đem lại kết quả nào.[154] Chuyến đi này đã bị Nguyễn Ái Quốc châm biếm trong tác phẩm Vi hành của ông đăng trên báo L'Humanité số ngày 19 tháng 2 năm 1923. Ngày 6 tháng 11 năm 1925, lợi dụng việc vua Khải Định vừa qua đời, Toàn quyền Alexandre Varenne đã ép vị vua mới là Bảo Đại mới 12 tuổi phải ký thỏa ước giao cho quan Khâm sứ Pháp các quyền hạn cuối cùng. Thậm chí nhà vua còn không thể lựa chọn các Thượng thư và quan chức. Nước Đại Nam trên thực tế đã trở thành 3 mảnh có đời sống và thể chế riêng biệt. Nam Kỳ sáp nhập vào Pháp, Bắc Kỳ gần như 1 thuộc địa và Trung Kỳ là nơi mà quy chế bảo hộ chỉ là lý thuyết.[155]
Năm 1936, Mặt trận Bình dân Pháp giành chiến thắng cho phép không khí chính trị tại Đông Dương mang tính tự do hơn. Tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ, chính phủ Bảo hộ không cho phép đảng phái chính trị nào hoạt động. Dù vậy chính phủ Pháp đã nhượng bộ một phần trước các cuộc bãi công của công nhân. Năm 1937, phong trào đình công và biểu tình lại tái phát vượt quá tính chất nghề nghiệp để mang nhiều tính chính trị hơn. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Nhật Bản mang quân vào đánh chiếm Đông Dương.
Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật Bản đảo chính Pháp. Theo sắp xếp của Nhật Bản, vua Bảo Đại chỉ định Trần Trọng Kim làm Thủ tướng thay thế cho Nội các Phạm Quỳnh tại Huế. Ngày 11 tháng 3 năm 1945, Bảo Đại ra đạo dụ "Tuyên cáo Việt Nam độc lập", tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884, khôi phục chủ quyền Việt Nam, thống nhất Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Trong tuyên bố của Bảo Đại, bãi bỏ các hiệp ước bảo hộ và mất độc lập với Pháp trước đây[156]. Ngày 7 tháng 4 năm 1945, Bảo Đại đã ký đạo dụ số 5 chuẩn y thành phần nội các Trần Trọng Kim và ngày 12 tháng 5 giải thể Viện Dân biểu Trung Kỳ. Tháng 6 năm 1945, chính phủ Trần Trọng Kim đặt quốc hiệu là Đế quốc Việt Nam.[156]
Theo nhà sử học Joyce C. Lebra, Đế quốc Việt Nam được thành lập như một bộ phận của chính sách Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á của Nhật. Tuy nhiên, nó cũng chỉ là một trong những khẩu hiệu và khái niệm được dùng để biện hộ cho sự chiếm đóng của Đế quốc Nhật Bản tại Đông Á từ thập niên 1930 cho đến hết Chiến tranh thế giới thứ hai, trong đó các chính quyền bản xứ phải vận động người dân và nền kinh tế trong nước phục vụ cho lợi ích của Đế quốc Nhật Bản. Các chính quyền này trên danh nghĩa là độc lập, song thực tế không có nhiều quyền lực, hầu hết các chính sách quan trọng đều do lực lượng quân quản Nhật quyết định (tiêu biểu như chính phủ bù nhìnMãn Châu quốc của cựu hoàng đế nhà Thanh Phổ Nghi hay chính phủ bù nhìn Đế quốc Đại Hàn).[157]
Ngày 16 tháng 8 năm 1945, Trần Trọng Kim tuyên bố sẽ bảo vệ nội các Đế quốc Việt Nam và ngày 18 tháng 8 tạo ra một ủy ban giải phóng dân tộc, nhóm tất cả các đảng phái chính trị để lãnh đạo. Theo lời khuyên của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bảo Đại gửi thông điệp cho Tổng thống Truman, vua nước Anh George VI, Thống chế Tưởng Giới Thạch, Tướng De Gaulle đề nghị công nhận chính phủ Đế quốc Việt Nam. Thông điệp này có đoạn "Ông sẽ hiểu tốt hơn nếu ông có thể chứng kiến những gì đang diễn ra ở đây, nếu ông có thể cảm nhận được khát khao độc lập đến tận tâm can của mỗi người mà không một thế lực nào có thể ngăn cản nổi. Thậm chí nếu ông muốn tái lập chế độ cai trị của người Pháp ở đây thì nó sẽ không tiếp tục được tuân phục; mỗi làng mạc sẽ trở thành một ổ kháng chiến, mỗi người cộng tác cũ thành một kẻ thù và những quan chức, những tên thực dân của ông chính họ sẽ yêu cầu rời khỏi không khí ngạt thở này... Chúng ta có thể dễ dàng hiểu nhau và trở thành bạn bè nếu ông hủy bỏ tuyên bố trở thành ông chủ của chúng tôi một lần nữa"[158] và cho rằng sự độc lập của Việt Nam "chỉ có nghĩa là bảo vệ lợi ích của Pháp và ảnh hưởng tinh thần Pháp ở Đông Dương". Tuy nhiên De Gaulle dự kiến sẽ hậu thuẫn cho một chế độ quân chủ mà người đứng đầu không phải là Bảo Đại, người đã thỏa hiệp với Nhật Bản (kẻ thù của Pháp), mà là Vĩnh San, được xem như là một người "Gaullist".[159] Tất cả các bức thư của Bảo Đại đều không được hồi âm, bởi theo Tuyên bố Cairo, các nước trong khối Đồng Minh sẽ không công nhận bất cứ chính phủ nào do Đế quốc Nhật Bản thành lập tại các lãnh thổ mà Nhật chiếm đóng. Đến 24 tháng 8, Hội đồng Cơ mật khuyên vua Bảo Đại quyết định thoái vị "để không phải là một trở ngại cho sự giải phóng của đất nước".[160]
Sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh ngày 15 tháng 8 năm 1945, Mặt trận Việt Minh do Hồ Chí Minh lãnh đạo đã thực hiện thành công Cách mạng tháng Tám, đưa Việt Nam trở thành nước độc lập từ tay người Nhật và người Pháp. Ngày 30 tháng 8 năm 1945, vua Bảo Đại đọc bản Tuyên ngôn Thoái vị trước cửa Ngọ Môn. Đế quốc Việt Nam bị giải tán và Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch chính thức tuyên bố Việt Nam độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945.[161] Sự kiện Bảo Đại thoái vị chính thức đánh dấu sự sụp đổ của nhà Nguyễn (mặc dù sau đó, dưới sự sắp đặt của Pháp, Bảo Đại còn tiếp tục làm quốc trưởng Quốc gia Việt Nam từ ngày 1 tháng 7 năm 1949 đến ngày 26 tháng 10 năm 1955). Sự kiện này cũng đã đánh dấu sự chấm dứt suốt 2.000 năm chế độ quân chủ chuyên chế ở Việt Nam, đồng thời Huế không còn tồn tại là kinh đô Việt Nam nữa. Nhà Nguyễn tồn tại 143 năm, có 13 đời vua thuộc 7 thế hệ.[162]
Nhà Nguyễn cũng để lại hệ thống thư tịch rất lớn như Châu bản triều Nguyễn; và hàng ngàn di tích kiến trúc như đình, chùa miếu, nhà thờ... trải dài từ Nam chí Bắc... Nhiều di sản trong số này có thời kỳ dài bị lãng quên do bị coi như một thứ "tàn dư của phong kiến thối nát", nay được "khơi lại, phủi bụi, tôn vinh".[165]
Quần thể di tích Cố đô Huế
Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào ngày 11 tháng 12 năm 1993. Phần lớn các di tích này hiện nay thuộc sự quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Trong lịch sử Việt Nam thời cận đại, công trình xây dựng Kinh thành Huế có lẽ là công trình đồ sộ, quy mô nhất với hàng vạn lượt người tham gia thi công, hàng triệu mét khối đất đá, với một khối lượng công việc khổng lồ như đào hào, lấp sông, di dân, dời mộ, đắp thành... kéo dài từ thời điểm tiến hành khảo sát dưới triều vua Gia Long năm 1803 đến khi hoàn chỉnh triều vua Minh Mạng vào năm 1832.[166] Phong cách kiến trúc và cách bố phòng khiến Kinh thành Huế thực sự là một pháo đài vĩ đại và kiên cố nhất từ trước đến nay ở Việt Nam mà một thuyền trưởng người Pháp là Le Rey khi tới Huế năm 1819 phải thốt lên: "Kinh Thành Huế thực sự là pháo đài đẹp nhất, đăng đối nhất ở Đông Dương, thậm chí so với cả pháo đài William ở Calcutta và Saint Georges ở Madras do người Anh xây dựng".[166]
Mộc bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới đầu tiên tại Việt Nam ngày 31 tháng 7 năm 2009. Bộ Mộc bản này gồm 34.618 tấm, là những văn bản Hán–Nôm được khắc ngược trên gỗ để in ra các sách tại Việt Nam vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, và hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV – Đà Lạt, Lâm Đồng (xưa và nay vẫn là Biệt điện Trần Lệ Xuân[167] – Khu Di tích của Đà Lạt).[168]
Ngoài những di tích lịch sử như đền đài, dinh thự, thời đại nhà Nguyễn cũng để lại nhiều bảo vật, là dấu tích của mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 18 và 19, trong đó có nhiều kim ấn, ngọc tỷ truyền quốc, bửu tỷ, bảo kiếm, hàng thủ công mỹ nghệ và mỹ thuật. Cuối năm 2010, lần đầu tiên sau 50 năm được bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, những báu vật này đã được đem ra trưng bày.[169] Riêng quốc ấn (nặng khoảng 10 kg vàng) và quốc kiếm của vua Bảo Đại, trao lại cho Trần Huy Liệu, Trưởng đoàn Đại biểu chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1945[170][171] đã bị mất trộm tại viện bảo tàng Việt Nam và thất lạc.[172][173] Cả ấn tín của hoàng hậu Nam Phương cũng bị trộm mất.
Lệ bất khả
Nguồn gốc của "tứ bất khả" ("tứ bất lập")
Trong giới sử học hiện nay hình thành 2 luồng ý kiến khác nhau về lệ bất khả của nhà Nguyễn. Nguyễn Phan Quang và Trương Hữu Quýnh cho rằng: để đề cao uy quyền nhà vua và ngăn chặn nạn quyền thần lấn át hoàng đế, vua Gia Long đã đặt ra lệ Tứ bất: trong triều không lập Tể tướng, thi Đình không lấy Trạng nguyên, trong cung không lập Hoàng hậu, không phong tước vương cho người ngoài họ vua.[47][174]
Lê Nguyễn có ý kiến ngược lại về vấn đề này, tuy nhiên ông chỉ đề cập tới "tam bất" chứ không phải "tứ bất":
"Trong khi triều Nguyễn có một Quốc sử quán làm việc thật hiệu quả, đã cho ra đời những bộ sử... lớn lao, thì không thấy ai viện dẫn một chỉ dụ nào của các vua Nguyễn quy định những điều bất khả đó..."[175]
Một trong những lí do khiến cho quan điểm hoàn toàn sai lầm này được quá nhiều người tin là vì nó được lặp đi lặp lại trong Sách giáo khoa Lịch sử dùng trong nhà trường: từ bậc Tiểu học đến Trung học Cơ sở và cả Trung học Phổ thông. Các Sách giáo khoa Lịch sử lớp 4 (bài 27), lớp 7 (bài 27) và lớp 10 (bài 25) (cả ban Cơ bản lẫn Nâng cao) của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khi viết về giai đoạn Nguyễn sơ (1802 – 1858) không bao giờ quên việc chèn thêm một đoạn có nội dung đại khái là:
"Các vua nhà Nguyễn đề ra lệ tứ bất lập để củng cố quyền lực của mình, lệ tứ bất lập gồm: không lập Hoàng hậu, không lập Tể tướng, không phong tước Vương (cho người trong Hoàng tộc còn sống) và không lấy đỗ Trạng nguyên"
Kiến thức sai lệch này được giáo viên truyền tải trong các bài giảng, các thế hệ học sinh thuộc nằm lòng và vào cả các đề thi môn Lịch sử và biến nó thành một điều quá hiển nhiên khi nhắc về nhà Nguyễn. Tìm về nguồn gốc của lập luận này, không lạ mấy khi thấy chúng được nhắc đến lần đầu trong quyển sách Lịch sử Việt Nam, tập 1 của Nhà xuất bản Khoa học Xã hội (1971), tức là thông tin này hoàn toàn không xuất phát từ chính sử triều Nguyễn mà được viết ra khi nhà Nguyễn cáo chung được 26 năm. Cuốn sách Lịch sử mang nặng tính giai cấp này đã chỉ rõ Hoàng đế Gia Long, người sáng lập Hoàng triều Nguyễn, là người đề ra lệ tứ bất lập. Tạm thời bỏ qua 3 lệ Bất lập còn lại: không lập Tể tướng, không lập Trạng nguyên và không phong tước Vương đã được các học giả khác bác bỏ hoàn toàn thì bài viết sẽ xoáy mạnh đến vấn đề "bất lập Hoàng hậu". Đây là thiếu sót khá lớn của các học giả khác khi đã không thể bác bỏ ý sai này một cách triệt để, hậu quả là trong 4 lệ bất lập, khi 3 lệ bất lập kia đã được phần đông mọi người chấp nhận là sai lầm thì vẫn còn rất đông tin rằng: nhà Nguyễn bất lập Hoàng hậu.[176]
Bất khả Trạng nguyên
Thực tế là triều Nguyễn không có một Trạng nguyên nào. Trạng nguyên là người xếp hạng cao nhất trong số các tiến sĩ dự kỳ thi Đình dưới các triều đại trước. Thời Nguyễn, triều đình tổ chức thi Hội để lấy tiến sĩ và thi Đình để xếp hạng các tiến sĩ; các tân khoa tiến sĩ dự thi Đình được xếp theo giáp đệ, còn gọi là tam giáp:
Đệ nhất giáp gọi là Tiến sĩ cập đệ với 3 người đứng đầu là Trạng nguyên, Bảng Nhãn và Thám Hoa. Đến nhà Nguyễn bỏ Trạng nguyên.
Đệ nhị giáp gọi là Tiến sĩ xuất thân hay Hoàng Giáp.
Đệ tam giáp gọi là đồng Tiến sĩ xuất thân hay gọi tắt là Tiến sĩ
Việc xếp hạng tiến sĩ như trên không phải là sáng kiến mới của nhà Nguyễn nhằm "né tránh" danh hiệu Trạng nguyên hay hạ thấp địa vị của người thi đỗ cao nhất, mà việc này từng thực hiện dưới các triều đại trước:
Năm 1232 thời Trần Thái Tông mở thi Thái học sinh, "lấy Trương Hanh, Lưu Diễm đỗ đệ nhất giáp; Đặng Diễn, Trịnh Phẫu đỗ đệ nhị giáp; Trần Chu Phổ đỗ đệ tam giáp".[177]
Năm 1442 thời Lê Thái Tông, "Nguyễn Trực, Nguyễn Như Đỗ, Lương Như Hộc ba người đỗ tiến sĩ cập đệ; bọn Trần Văn Huy 7 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Ngô Sĩ Liên 23 người đỗ tiến sĩ đồng xuất thân...".[178]
Năm 1499 thời Lê Hiến Tông, "cho Đỗ Lý Khiêm, Lương Đắc Bằng, Nguyễn Khắc Kiệm ba người đỗ tiến sĩ cập đệ, bọn Hoàng Trưng, Nguyễn Hằng 24 người đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân...".[179]
Lê Nguyễn khẳng định cách thức xếp hạng tiến sĩ trong thi Đình theo giáp đệ đã xuất hiện trước khi có danh hiệu Trạng nguyên và không có gì khác biệt giữa hai cách gọi trên. Do đó, việc triều Nguyễn áp dụng hình thức giáp đệ trong thi đình mà không chọn Trạng nguyên là rất bình thường, không xuất phát từ một lệ "bất khả" nào.[180]
Ngoài ra, sử liệu nhà Nguyễn không hề phủ nhận sự tồn tại của ngôi vị hoàng hậu:[181]
Sách Minh Mệnh chính yếu ghi: "Nay châm chước đời xưa và đời nay, đặt bị quý phi, thần phi vào bậc nhất... trên bậc nhất đặt một vị hoàng quý phi để giúp Hoàng hậu điều khiển chính sự trong cung".
Sách Đại Nam điển lệ toát yếu dành hẳn khoản 183 để định nghi thức "tuyên sách văn lập Hoàng hậu".
Lê Nguyễn cho rằng: việc các triều vua từ Minh Mạng tới Khải Định không phong hoàng hậu không xuất phát từ lệ nào mà vì chưa tìm được người xứng đáng hoặc chưa thấy cần làm.[181]
Bất khả tể tướng
Thời Gia Long đặt quan chế trên cơ sở tham khảo thời Hậu Lê. Sang thời Minh Mạng có việc tổ chức lại bộ máy và áp dụng tới hết thời Nguyễn, theo đó đứng đầu bộ máy quan lại là tứ trụ triều đình. Khi tham khảo sử sách các đời trước cũng rất khó tìm thấy chức danh tể tướng trong hàng quan lại đầu triều:[182]
Thời Lý: thái sư, thái phó, thái bảo, tổng quản, tướng công
Thời Trần: lấy ba chức thái, ba chức thiếu (thiếu sư, thiếu phó, thiếu bảo), thái úy, tư đồ, tư mã, tư không. Chức Tể tướng thì thêm danh hiệu Tả hữu tướng quốc bình sự
Thời Hậu Lê, trong quan chế thời Hồng Đức (Lê Thánh Tông) năm 1471 và được áp dụng phổ biến trong các triều vua Hậu Lê sau đó, không thấy có chức danh Tể tướng.
Như vậy việc triều Nguyễn không đặt chức danh Tể tướng cũng là điều bình thường như các triều đại trước, không có cơ sở để khẳng định đó là một điều quy định "bất khả tể tướng" của nhà Nguyễn.
Lê Nguyễn cho rằng việc nhà Nguyễn không đặt chức danh tể tướng, áp dụng chế độ khoa cử đỗ tam giáp và nhiều triều vua không phong hoàng hậu không có gì là bất thường và không phải là sự áp dụng riêng biệt của triều đại này, mà nó phù hợp và tiếp thu theo thông lệ từng có ở các triều đại trước.[183]
Nhận định
Về vấn đề tổ chức hành chính
Nhà Nguyễn là vương triều đã hoàn thành việc chấm dứt chia cắt, phân chia Đàng Trong, Đàng Ngoài dù rằng phong trào Tây Sơn là những người đầu tiên thực hiện quá trình này (thậm chí cuối thời Tây Sơn cũng đang có nguy cơ phân liệt).[Ghi chú 2] Triều Nguyễn từ Gia Long đến Minh Mạng đều lo củng cố vương quyền đồng thời củng cố chủ quyền dân tộc, chống mọi sự vi phạm, xâm phạm từ bên ngoài và bên trong, kể cả bằng những biện pháp như trấn áp quyết liệt Công giáo thời kỳ Minh Mạng và Tự Đức.[Ghi chú 3]
Những thành quả của vương triều Nguyễn trong việc xây dựng nhà nước quân chủ phong kiến tập quyền thống nhất trên toàn lãnh thổ cũng được ghi nhận từ việc quản lý đất nước. Đặc biệt là những thành tựu trong cải cách hành chính dưới triều Minh Mạng còn có nhiều giá trị. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng:
“
Nhà Nguyễn có nhiều chính sách hay. Chính sách Đình Nghị: Đã đi họp là phải phát biểu. Ý kiến trong Đình Nghị phải được ghi chép. Nếu không phát biểu trong kỳ họp trước, kỳ sau sẽ không được đi họp nữa. Hay chủ trương Hầu trị: Người của địa phương không được đứng đầu trong địa phương. Phải đi nơi khác làm quan, khi đến địa phương khác, không được lấy vợ, mua đất ở đó. Giám khảo chấm thi không được tham gia khi có người nhà đi thi, hoặc phải trình báo... Đây là những chính sách mà ngày nay chúng ta cần học tập.[184]
”
Triều Nguyễn từng bị Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) đánh giá là "chế độ quân chủ chuyên chế cực kỳ phản động" và cho rằng nhà Nguyễn đã "tăng cường bộ máy đàn áp", "bộ máy quan lại hủ lậu mục nát".[185] Nhưng nhiều nhà sử học về sau cho rằng bộ máy quan lại trong thời kỳ đầu triều Nguyễn không thực sự hủ bại, thối nát, từ đời vua Gia Long (1802–1820) đến Minh Mạng (1820–1840), nhà Nguyễn đã "thực hiện công cuộc cải cách hành chính theo xu hướng đơn giản, hợp lý, hiệu quả, chú trọng xây dựng đội ngũ quan lại có năng lực, đáp ứng yêu cầu của đất nước". Sự hủ bại, thối nát của bộ máy quan lại nhà Nguyễn thực sự chỉ diễn ra từ đời vua Tự Đức (1847–1883) trở về sau. Sự thay đổi về quan điểm này được cho là do hiện nay các nhà sử học đã có được "nguồn sử liệu toàn diện, phong phú và phương pháp tiếp cận khách quan, khoa học, cộng với độ lùi thời gian cần thiết".[186]
Vấn đề cải cách thất bại
Theo Nguyễn Quang Trung Tiến (Trường Đại học Khoa học Huế), đối với những đề xướng cải cách, thái độ của nhà Nguyễn là tiếp nhận các điều trần chứ không quay lưng. Vua Tự Đức và triều thần dường như đã đọc không bỏ sót một bản điều trần nào của các nhà cải cách gửi về Huế;... đồng thời đã tổ chức thực hiện việc cải cách ở một số lĩnh vực. Tuy nhiên, nhà Nguyễn đã thất bại trong việc cải cách, những công việc tiến hành chưa nhiều và không đồng bộ, không thể tạo ra một cuộc cải cách thực sự như Minh Trị Duy tân ở Nhật Bản, để rồi dang dở bất thành.[187] Những nguyên nhân cơ bản là:
Cuộc cải cách của triều Nguyễn gặp phải hạn chế khách quan là không hề có những hậu thuẫn quan trọng về xã hội, thiếu hẳn một giai cấp đủ năng lực tiến hành cải cách.
Giai cấp phong kiến Việt Nam chưa có khuynh hướng tư sản hóa nên số đông triều thần nhà Nguyễn đã bị tầm nhìn hạn hẹp và sự thủ cựu chi phối, năng lực bản thân hạn chế.
Không có người biết tổ chức, quản lý, tay nghề không có, kỹ thuật yếu kém.
Sau khi Nam Kỳ mất, tiềm lực quốc gia hao mòn quá lớn, nguồn tài chính cạn kiệt, mất mùa đói kém triền miên, dân chúng nổi lên khắp nơi, nên sự đầu tư cho cuộc canh tân không đủ, nhiều chương trình học nước ngoài bị bỏ dở nửa chừng. Riêng nguyên nhân này còn có tác động từ phía Pháp: không ít lần người Pháp đã ngăn không cho du học sinh Việt Nam ra nước ngoài học; hoặc việc mua tàu máy, vũ khí của nước ngoài cũng bị Pháp phá hỏng...[187]
Việc mất lòng dân và mất nước
Từ năm 1945 đến trước năm 1975, đã có những ý kiến đánh giá phê phán nhà Nguyễn rất gay gắt trong giới sử học ở miền Bắc Việt Nam, chủ yếu bởi việc vua Gia Long đã cầu viện ngoại xâm để giành ngôi vua, và việc nhà Nguyễn đã để mất nước vào tay Pháp. Ngay từ năm 1961, ngay trước khi cho ấn hành tập đầu tiên của bộ Đại Nam thực lục, Viện Sử học Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã viết nhận định:
“
Những sự kiện lịch sử xảy ra trong khoảng thời gian từ Nguyễn Hoàng đến Đồng Khánh 1558–1888, những công việc mà các vua [chúa] nhà Nguyễn đã làm trong khoảng thời gian 330 năm ấy,... tự chúng tố cáo tội ác của nhà Nguyễn trước lịch sử của dân tộc chúng ta.
Theo lệnh của các vua nhà Nguyễn, bọn sử thần của nhà Nguyễn làm công việc biên soạn Đại Nam thực lục đã cố gắng rất nhiều để tô son vẽ phấn cho triều đại nhà Nguyễn..." và "Nhưng bọn sử thần ấy vẫn không che giấu nổi các sự thật của lịch sử. Dưới ngòi bút của họ, sự thật của lịch sử... vẫn phơi bày cho mọi người biết tội ác của bọn vua chúa phản động, không những chúng đã cõng rắn cắn gà nhà, mà chúng còn cố tâm kìm hãm, đày đọa nhân dân Việt Nam trong một đời sống tối tăm đầy áp bức
Sách Lịch sử Việt Nam do Viện Khoa học Xã hội của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bản năm 1971 cũng cho rằng:
“
Triều Nguyễn là vương triều phong kiến cuối cùng dựng lên bằng một cuộc chiến tranh phản cách mạng nhờ thế lực xâm lược của người nước ngoài. Gia Long lên làm vua lập ra triều Nguyễn sau khi đàn áp cuộc chiến tranh cách mạng của nông dân... Triều Nguyễn là vương triều tối phản động... Bản chất cực kỳ phản động của chế độ nhà Nguyễn bộc lộ rõ ngay từ đầu qua những hành động khủng bố, trả thù vô cùng đê hèn của Nguyễn Ánh đối với các lãnh tụ nông dân và những người thuộc phái Tây Sơn kể cả phụ nữ và trẻ em...Chính quyền nhà Nguyễn hoàn toàn đối lập với nhân dân và dân tộc. Nó chỉ đại diện cho quyền lợi của những thế lực phong kiến phản động, tàn tạ, nó không có cơ sở xã hội nào khác ngoài giai cấp địa chủ. Vì vậy, các vua nhà Nguyễn từ Gia Long (1802–1819) đến Minh Mạng (1820–1840), Thiệu Trị (1841–1847), Tự Đức (1847–1883) đều rất sợ nhân dân và lo lắng đề phòng các hành động lật đổ. Chính vì khiếp nhược trước phong trào nhân dân mà nhà Nguyễn không dám đóng đô ở Thăng Long, phải dời vào Huế.
Ngoài ra còn các nhận định trong các tiểu mục khác như "Tăng cường bộ máy đàn áp", "Bộ máy quan lại hủ lậu mục nát", "Chế độ áp bức bóc lột nặng nề", "Chính sách kinh tế lạc hậu và phản động", "Chính sách đối ngoại mù quáng", v.v... và trong tập II của bộ Lịch sử Việt Nam xuất bản vào năm 1985, các tác giả thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội còn dùng những từ ngữ rất mạnh như: "triều đình nhà Nguyễn thối nát và hèn mạt", "Vương triều Nguyễn tàn ác và ngu xuẩn", "cực kỳ ngu xuẩn", "tên chúa phong kiến bán nước số 1 là Nguyễn Ánh... Nguyễn Ánh cầu cứu các thế lực ngoại bang giúp hắn thỏa mãn sự phục thù giai cấp",...
Dù vậy, Thủ tướngPhạm Văn Đồng, vào thời điểm đang chỉ đạo việc biên soạn bộ sách lịch sử (do Ủy ban Khoa học Xã hội chủ trì, đả phá quyết liệt các chúa Nguyễn và triều Nguyễn) cũng nhắc nhở những người tham gia biên soạn bộ sử ấy rằng, đến lúc nào đó, khi có nhiều tư liệu hơn thì phải đánh giá lại chính những quan điểm của bộ sử này về các chúa Nguyễn và triều Nguyễn.[190]
Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận định, thời kỳ các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn từ thế kỷ XVI cho đến thế kỷ XIX là một thời kỳ lịch sử đã trải qua những cách nhìn nhận và đánh giá hết sức khác nhau, có những lúc gần như đảo ngược lại. Triều Nguyễn được đặt trong khung lý thuyết hình thái kinh tế – xã hội là thời kỳ suy vong của chế độ phong kiến trước chủ nghĩa tư bản, nên lâm vào khủng hoảng nặng nề, và chịu nhiều đánh giá tiêu cực.
Theo Nguyễn Đắc Xuân (Hội Sử học Thừa Thiên Huế), nhận định tiêu cực về nhà Nguyễn còn có 4 xu hướng: con cháu nhà Lê – Trịnh viết về chúa Nguyễn có những điểm sai; thực dân Pháp, Công giáo và những người nghiên cứu nhà Tây Sơn, thích Tây Sơn đều có những đánh giá tiêu cực về nhà Nguyễn.[164]
Quan điểm phê phán nhà Nguyễn chi phối xã hội miền Bắc Việt Nam (từ năm 1954) và miền Nam Việt Nam (từ sau năm 1975) trong một thời gian dài nên nhiều di tích, tên đường phố, trường học, các công trình công cộng tại các đô thị có liên quan nhà Nguyễn bị thay tên. Một thời gian dài Quần thể di tích Cố đô Huế bị bỏ mặc để trở thành phế tích sau những đổ nát của chiến tranh và lụt lội...[190] Cũng theo ông Phan Thuận An, chỉ trong hai thập niên gần đây (1987–2008), nhiều cuộc hội thảo khoa học và nhiều công trình nghiên cứu đã dần dần có cái nhìn dễ chịu hơn chứ không còn gay gắt như trước đối với vương triều này.[188]
Tuy nhiên, trong quyển Đại cương Lịch sử Việt Nam tập II do giáo sư Đinh Xuân Lâm biên soạn (bản năm 2007) tiếp tục khẳng định "triều Nguyễn thành lập là sự thắng thế của tập đoàn phong kiến tối phản động trong nước có tư bản nước ngoài ủng hộ".[191] Ông Lâm cũng cho rằng nhà Nguyễn "là 1 nhà nước quân chủ chuyên chế tuyệt đối, tập trung cao độ với 1 chế độ chính trị lạc hậu, phản động".[191]"Mọi chính sách chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội triều Nguyễn ban hành đều nhằm mục đích duy nhất là bảo vệ đặc quyền đặc lợi cho tập đoàn phong kiến nhà Nguyễn"...[191] và các biện pháp khai hoang hay mộ dân lập ấp đều "xuất phát từ lợi ích của giai cấp thống trị".[192]
“
Để duy trì chế độ xã hội thối nát nhằm bảo vệ đặc quyền đặc lợi, phong kiến nhà Nguyễn ra sức củng cố trật tự bằng mọi cách." "Đối nội, chúng ra sức đàn áp khủng bố các phong trào của quần chúng" và "Đối ngoại, chúng ra sức đẩy mạnh thủ đoạn xâm lược đối với các nước láng giềng như Cao Miên, Lào làm cho quân lực bị tổn thất, tài chính quốc gia và tài lực nhân dân bị khánh kiệt. Còn đối với các nước tư bản phương Tây thì chúng thi hành ngày một thêm gắt gao chính sách bế quan tỏa cảng và cấm đạo, giết đạo...Với những chính sách phản động nói trên, nước Việt Nam đã suy yếu về mọi mặt và trở thành miếng mồi ngon đối với các nước tư bản phương Tây
Lý giải về thái độ đánh giá trên, giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng: "nguyên do sâu xa của vấn đề này là do bối cảnh chính trị của đất nước (Việt Nam) thời bấy giờ và cách vận dụng phương pháp luận sử học của các nhà nghiên cứu"... Bối cảnh chính trị của cuộc kháng chiến chống Pháp (1945–1954) tất yếu dẫn đến thái độ tiêu cực và phê phán về nhà Nguyễn, triều đại từng để mất nước vào tay Pháp.
Nhà nghiên cứu Chu Giang tổng kết: nhà Nguyễn có một số công lao, nhưng có tội làm mất nước, đây là cái tội lớn nhất nên một số công lao của nhà Nguyễn cũng không thể bù đắp được. Mặt khác, cũng cần phân biệt rõ giữa thời kỳ chúa Nguyễn (có công mở mang bờ cõi) và thời kỳ "vương triều Nguyễn" (có lỗi làm đất nước trì trệ) để không lẫn lộn công – tội giữa 2 giai đoạn khác nhau này. Không phủ nhận nhà Nguyễn có những vị vua yêu nước và có công (Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân), nhưng cũng không thể phủ nhận có nhiều vua nhà Nguyễn đã cầu viện ngoại xâm, có tội với đất nước (Gia Long) hoặc hèn nhát đầu hàng, chấp nhận làm tay sai cho giặc Pháp (Tự Đức, Đồng Khánh, Khải Định, Bảo Đại). Ai có công thì khen, ai có tội thì chê chứ không thể đánh đồng các vấn đề này với nhau, lấy công mở mang của cha ông (các chúa Nguyễn) để xóa tội cho con cháu (các vua Nguyễn đã cầu viện hoặc đầu hàng ngoại quốc) nhằm biện hộ cho nhà Nguyễn theo cảm tính như một số nhà sử học có tư tưởng "hoài niệm triều Nguyễn" hiện nay:[194]
Giáo sư Phan Huy Lê cho rằng công của Nguyễn Ánh là chính, tội chỉ là tỳ vết, là điểm mờ. Biện luận đó là đúng theo quan điểm của người Pháp, của con cháu nhà Nguyễn và phái "hoài niệm triều Nguyễn". Nhưng xét trên bình diện quốc gia thì tội bán nước, đầu hàng ngoại bang là vô cùng nặng nề, công lớn bao nhiêu cũng không chuộc lại được.
Nguyễn Ánh khởi đầu hành động bán nước và đến đời các cháu, từ Tự Đức cho đến Bảo Đại, đã bán hoàn toàn, đầu hàng hoàn toàn. Nếu không có cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc giành lại độc lập, thống nhất thì giờ này có gì để mà nói nữa. Cho nên, các "chúa Nguyễn" có công mở cõi thì rõ rồi, không thể phủ nhận. Còn "vương triều Nguyễn" đã làm tổn hại quốc gia, làm chậm bước tiến của dân tộc. Đó là một thực thể lịch sử tồn tại hàng thế kỷ, là nguyên nhân của những diễn biến lịch sử dân tộc, không thể đặt ra ngoài lịch sử dân tộc. Nhưng nói đến, viết đến là để làm sáng tỏ bản chất của lịch sử, yếu tố quyết định trong vận động lịch sử dân tộc, khẳng định quy luật của lịch sử dân tộc. Cần phê phán các nhân vật, các yếu tố phản lịch sử, phản dân tộc của vương triều Nguyễn nhưng không đánh đồng với những vị vua yêu nước, chống ngoại xâm, đã chịu biết bao đau khổ, hi sinh trong cảnh tù đày như các Đức vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân. Các Hoàng thân quốc thích như Bửu Đình, Văn Tập, Nguyễn Minh Vỹ và biết bao nhiêu thế hệ con cháu nội ngoại của vương triều Nguyễn đã đứng vào hàng ngũ đấu tranh giải phóng dân tộc. Lý phải có tình, Tình phải có lý. Không thể biện luận lịch sử bằng chủ nghĩa tình cảm được.
Tại An Giang, người dân truyền tụng những câu ca dao phê phán rất thẳng thắn, rất gay gắt, chửi cả tông tộc nhà Nguyễn, từ vua khai quốc Gia Long đến vua cuối cùng Bảo Đại là "dòng Việt gian" vì hành động cầu viện ngoại xâm để giành ngôi vị[195]:
“
Bảo Đại là cháu Gia Long Là con Khải Định, là dòng Việt gian Gia Long cõng rắn cắn gà Giầy mả ông bà, Bảo Đại rước voi Ai ơi phải nhớ mấy lời Đừng cho kẻ hại giống nòi mọc lên.
”
Nguyên nhân mất nước vào tay Pháp
Sự trì trệ của đất nước và việc nhà Nguyễn mất lòng dân
Trong Việt Sử tân biên, Phạm Văn Sơn cho rằng Việt Nam mất vào tay thực dân Pháp là một tất yếu lịch sử, hoặc ít ra cũng do trình độ dân trí Việt Nam quá thấp kém so với người Pháp. Do nhà Nguyễn không thực hiện cải cách nên Việt Nam thời đó vẫn là nước nông nghiệp phong kiến trình độ lạc hậu, kém xa các nước phương Tây đã thực hiện công nghiệp hóa.[196][Ghi chú 4]
Tuy nhiên, Nguyễn Phan Quang cho rằng triều Nguyễn thua Pháp không phải là tất yếu mà do lúng túng về đường lối chính trị được thể hiện qua mặt quân sự và vấn đề tôn giáo và các mâu thuẫn nội bộ.[196][Ghi chú 5] Việc ngăn cấm Công giáo đồng nghĩa với việc ngăn chặn phương Tây có mặt tại Việt Nam đã gây phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc và là lý do khiến phương Tây nổ súng xâm lược.[Ghi chú 6] Suốt hơn 20 năm kể từ khi ký Hiệp ước Nhâm Tuất (1862), triều Nguyễn đã không thể giải quyết mâu thuẫn giữa cải cách mới có thể chống Pháp thành công và muốn chống Pháp thành công thì phải cải cách nên đã để mất dần lãnh thổ.[Ghi chú 7][187]
Vấn đề thuế khóa cao, lao dịch nặng và đời sống khó khăn của người dân cũng khiến nhà Nguyễn mất lòng dân. Thời kỳ hai triều vua đầu tiên là Gia Long và Minh Mạng, đất nước mới ra khỏi chiến tranh nên lẽ ra cần giảm thuế, miễn lao dịch để sức dân được khôi phục. Nhưng Gia Long lại đánh thuế quá nặng và bắt dân chúng lao dịch quá nhiều, thuế khóa và lao dịch tăng lên gấp ba so với nhà Tây Sơn,[120] đồng thời huy động hàng vạn dân phu để xây các công trình lớn như thành Phú Xuân và đào kênh Vĩnh Tế. Đến thời Minh Mạng thì lại phung phí ngân khố và nhân lực vào những chiến dịch quân sự lớn ở Chân Lạp. Gánh nặng thuế khóa, lao dịch và chiến tranh đổ lên người dân khiến số cuộc nổi dậy của người dân vào thời kỳ đó nhiều hơn hẳn các triều đại trước.
Theo Phan Huy Lê thì nguyên nhân mất nước của nhà Nguyễn là rất đa dạng, từ tư duy bảo thủ của vua quan, khoa học kỹ thuật lạc hậu cho tới việc không thu được lòng dân, không nên quy trách nhiệm cho duy nhất một nguyên nhân nào:
“
Tự Đức và triều Nguyễn đã tìm mọi cách bảo vệ đất nước và cũng là bảo vệ vương triều đến cùng, nhưng do năng lực và nhãn quan chính trị nên không đề ra được đối sách đúng để giành thắng lợi trước một thế lực xâm lược hoàn toàn mới, mà lịch sử trước đây chưa để lại kinh nghiệm.
Trong cả khu vực Đông Nam Á và Đông Á, tất cả các quốc gia đều mất nước, hoặc thành thuộc địa, hoặc thành nửa thuộc địa. Chỉ riêng Nhật Bản và Thái Lan giữ được độc lập... Nhật Bản thời Minh Trị thực hiện cuộc cải cách lớn, nhưng tình hình kinh tế xã hội của Nhật có khác các nước phương Đông, bắt đầu từ thế kỷ XVII khi đóng cửa với bên ngoài nhưng bên trong phát triển kinh tế rất mạnh, tạo lập những tiền đề cho cuộc cải cách. Thái Lan thì có cách ứng xử rất khôn ngoan, tận dụng được vị thế vùng đệm nằm giữa 2 thế lực đế quốc rất mạnh, Anh ở phía Ấn Độ, Pháp ở phía Đông Dương, lợi dụng được mâu thuẫn và cạnh tranh gay gắt này để duy trì thế độc lập tương đối... không thể phủ nhận trách nhiệm của triều Nguyễn là nhà nước quản lý đất nước, nhưng lúc phân tích nguyên nhân mất nước thì phải hết sức khách quan, toàn diện, đặt trong bối cảnh lịch sử mới của khu vực và thế giới, không nên quy kết một cách giản đơn.
Chế độ nhà Nguyễn vẫn là quân chủ, trên hệ tư tưởng Nho giáo, kinh tế xã hội vẫn mang tính tiền tư bản – tiền công nghiệp, nên trên bình diện phát triển của thời đại đã bộc lộ sự chậm tiến, nếu không canh tân thì không đưa đất nước vượt ra khỏi tình trạng lỗi thời, không đủ tiềm lực để tồn tại độc lập... Những đề nghị canh tân (thời Tự Đức) sẽ tạo nên những chuyển biến về kinh tế xã hội để đưa đất nước vượt qua tình trạng lạc hậu và mở ra xu thế phát triển mới, nhưng rất tiếc những đề nghị đó không được chấp nhận... Hay việc nhà Nguyễn có những thành tựu trong việc thống nhất đất nước, cải cách bộ máy hành chính... nhưng lại không thu phục được lòng dân, tình hình xã hội bất ổn định triền miên, khởi nghĩa nông dân nhiều nhất so với các thời kỳ trước đây... Hay chính sách của nhà Nguyễn với tôn giáo thế nào? Còn rất nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.
Kết cục của triều Nguyễn có thể gọi là sự đầu hàng để mất nước. Nhưng đừng quá lời coi đó là sự bán nước vì không thể không nói đến gần 20 năm phản kháng chống xâm lược không chỉ của dân chúng mà cả triều đình. Những cuộc chiến đấu dũng mãnh của quan quân triều đình cùng nhân dân trên cửa biển Sơn Trà, trên thành Điện Hải, của quân dân Nam Bộ trên chiến lũy Kỳ Hòa, trên cổng thành Cửa Bắc Hà Nội với cái chết anh hùng của hai vị Tổng đốc thành Hà Nội là Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu là bằng chứng...
Việc Pháp đánh Việt Nam là một tất yếu khách quan; việc nhà Nguyễn để mất nước có phải là tất yếu khách quan hay không, đó là một dấu hỏi lớn, là chủ đề của nhiều hội thảo khoa học của nhiều thế hệ nhà sử học. Thực tế cho thấy không phải nhà Nguyễn buông súng từ đầu và không phải các hoàng đế nhà Nguyễn đều bạc nhược. Chúng ta có quyền nhìn nhận việc mất nước từ nhiều góc độ khác nhau, nhưng nhìn từ góc độ nào thì nhà Nguyễn cũng phải chịu trách nhiệm về thảm họa mất nước.
Mất nước không phải là tất yếu... Triều Nguyễn thua Pháp vì lúng túng về đường lối chính trị dẫn đến lúng túng về quân sự, tuy quân lực không yếu mà tự phải thua. Sự lúng túng còn thể hiện trong nỗi lo sợ trước luồng tư tưởng mới đang tràn vào. Lo sợ, nhưng không có giải pháp hữu hiệu, đành thu mình đóng kín. Càng lúng túng hơn khi nhà Nguyễn đồng thời phải đối phó với những mâu thuẫn nội bộ rất nghiêm trọng, mà những mâu thuẫn này lại bị sự chi phối rất mạnh của các áp lực từ bên ngoài. Riêng đối với đạo Gia-tô thì triều Nguyễn đã từ lúng túng đi đến bế tắc, không đủ sức chuyển đổi tư duy để có biện pháp thích hợp.[196]
”
Gia Long lên ngôi là nhờ chiến thắng sau cuộc nội chiến với nhà Tây Sơn chứ không phải bằng một chiến thắng chống giặc ngoại xâm lẫy lừng như các vương triều trước. Sự lên ngôi không đủ chính danh là một trở lực không nhỏ trong việc cai trị. Ở Bắc Hà, nhiều sĩ phu, quan lại vẫn xem nhà Lê là chính thống, coi nhà Nguyễn là kẻ cướp ngôi. Tư tưởng "phò Lê" đã được dùng để kích thích các cuộc nổi dậy chống lại triều đình nhà Nguyễn ở miền bắc Việt Nam mãi tới mấy chục năm sau, như lời nhận xét của một người nước ngoài: "Cách xử sự của nhà vua mới (vua Gia Long) đối với triều đại nhà Lê đã bị truất ngôi mà ông ta hứa phục hồi làm cho người Đàng Ngoài ghét bỏ ông ta. Thuế má nặng nề và sự nhũng nhiễu của quan lại càng làm tăng thêm sự bất bình đến cực độ; do đó đã hình thành nên nhiều phe phái đứng đầu là những hậu duệ của các triều đại cũ đã từng trị vì xứ Đàng Ngoài trước đây"[200] Năm 1821, trong dịp tuần thú Bắc Hà, vua Minh Mạng ban chiếu kêu gọi các sĩ phu ra giúp triều đình, trông ngóng mãi mà không có ai, lại ra thêm chỉ dụ mời gọi cũng chỉ có vài người đến yết kiến. Nhà vua phải than rằng: "Trẫm nghe nói trong một ấp mười nhà tất có người trung tín. Huống chi bấy nhiêu địa hạt, đất rộng người đông, vốn có tiếng là văn học. Năm trước từng xuống chiếu tìm người tài giỏi giúp việc, đến nay chưa thấy ai hưởng ứng... Nay trẫm dừng chân ở Bắc Thành đã hàng tháng mà vẫn yên lặng không nghe gì..."[201]
Ở phía Nam thì nhiều người lại nhớ về nhà Tây Sơn. Hành động trả thù nhà Tây Sơn một cách thái quá của Nguyễn Ánh đã tạo ra những ấn tượng xấu, khiến lòng dân bị ảnh hưởng, nhất là ở những nơi mà người dân còn dành nhiều tình cảm cho nhà Tây Sơn như Bình Định. Nhiều cuộc khởi nghĩa do các cựu tướng lĩnh của triều Tây Sơn lãnh đạo đã nổ ra, đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định của đất nước.
Giáo sư Trần Văn Giàu đã tổng kết sự lạc hậu, trì trệ trong cách cai trị của nhà Nguyễn như sau:[202]
Tình trạng phân liệt, phân tranh kéo dài từ giữa thế kỷ 16 đến hết thế kỷ 18 đã làm suy thoái ý thức dân tộc và tư tưởng yêu nước truyền thống Việt Nam. Nhà Nguyễn viết sử với quan điểm hạ thấp chiến tích chống ngoại xâm của các triều đại trước, làm mất rất nhiều tác dụng giáo dục tư tưởng yêu nước, ý thức dân tộc đang lúc cần phải được phục hồi để đối đầu với kẻ xâm lược.
Nhà Nguyễn còn giữ mãi cái học, cái thi lạc hậu theo lối khoa bảng thời xưa, cho nên tinh thần thủ cựu, luôn cho rằng xưa hơn nay. Vào thế kỷ 19, bảo thủ là con đường chết. Triều đình cứ tranh luận việc có nên cải cách hay không, cuối cùng thì không làm gì cả. Ban đầu có mời chuyên gia phương Tây qua dạy kỹ thuật được ít tháng, cử người qua phương Tây học hỏi, nhưng được ít lâu đều dẹp bỏ hết.
Nhà Nguyễn thống nhất đất nước nhưng khi cai trị lại mất lòng dân. Triều Nguyễn tồn tại dài chưa đến 60 năm mà có tới 400 cuộc khởi nghĩa nông dân, trung bình một năm 7 cuộc (đời Gia Long 33 cuộc, đời Minh Mạng 234 cuộc, đời Thiệu Trị (chỉ 7 năm) 58 cuộc, đời Tự Đức (chỉ tính đến năm 1862, nghĩa là trước khi Pháp chiếm 3 tỉnh Đông Nam kỳ) là 40 cuộc). Do đó, triều đình nhà Nguyễn không thể huy động sức mạnh nhân dân chống ngoại xâm được.
Triều đình không dự kiến cuộc xâm lăng từ phương Tây, không chuẩn bị sẵn sàng bảo vệ đất nước. Triều đình bỏ ra rất nhiều tiền bạc để xây lăng tẩm đồ sộ, xây dựng cung điện nguy nga nhưng không chịu bỏ tiền mua súng đạn do các tàu buôn nước ngoài đem tới chào bán. Việc trang bị vũ khí mới bị bỏ bê, vũ khí có trong kho thì bảo dưỡng kém. Quân đội Nhà Nguyễn khá đông nhưng trang bị chỉ nhằm chống nội loạn hơn là chống xâm lăng, vũ khí dư thừa để đánh dẹp nhân dân khởi nghĩa nhưng lại cực kỳ thô sơ khi so với vũ khí của các nước phương Tây.
Việc Gia Long từng cầu viện Pháp
Một nguyên nhân khác mà các nhà sử học Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945–1976) quy trách nhiệm cho các vua Nguyễn đối với việc mất nước, đó là việc Nguyễn Ánh đã "cõng rắn cắn gà nhà" và Tự Đức đã "bán rẻ đất nước" cho thực dân.[196]
Trong bài "Nên học sử ta", Nguyễn Ái Quốc phê phán hành động cầu viện Pháp của Nguyễn Ánh trước đó 50 năm (ký Hiệp ước Versailles 1787 cắt đất cho Pháp, gửi con trai sang Pháp làm con tin để nhờ quân Pháp sang đánh nhà Tây Sơn) đã gián tiếp gây tai họa cho đất nước:[203]
"Trước khi vua Gia Long bán nước cho Tây, nước ta vẫn là nước độc lập. Vì muốn giành làm vua mà Gia Long đem nước ta bán cho Tây. Thế là giang san gấm vóc tan tác tiêu điều, con Lạc cháu Hồng hóa làm trâu ngựa".
Sử gia Pháp cuối thế kỷ 19 là Gosselin cho rằng:[204]
Những vị hoàng đế nước Nam, bởi sự bội bạc đối với những người Pháp lẫy lừng đã làm quan cho Gia Long, mà nhờ họ, ông ta (Gia Long) mới có được ngai vàng; bởi sự tàn ác đối với những giáo sĩ đồng bào của chúng ta; bởi sự cứng đầu điên dại bế quan tỏa cảng; bởi sự khinh bỉ nền văn minh phương Tây, vì kiêu căng ngu muội, họ cho là man rợ; bởi sự kiên trì từ chối tiếp xúc với nước ngoài, trừ nước Tầu; những hoàng đế này, tôi bảo, phải chịu trách nhiệm sự suy đồi và sụp đổ của nước họ, phải gánh vác một mình, sự nhục nhã trước lịch sử.
Giáo sư Trần Văn Giàu đã tổng kết: Nhà Nguyễn lập nên bằng cầu viện quân sự nước ngoài, nên tính chính thống và uy tín kém hẳn so với các triều đại khác. Vì lợi ích cá nhân, lợi ích gia tộc, Gia Long đã phạm tội "cõng rắn cắn gà nhà, rước voi về giày mả tổ". Gia Long ban đầu cầu viện Xiêm, được Xiêm giúp cho 3 vạn quân (có sách nói là 6 vạn), nhưng bị Tây Sơn đánh bại. Gia Long lại quay sang cầu viện Pháp, cam kết cắt đất Đà Nẵng và Côn Lôn để Pháp đồng ý cho quân sang đánh Tây Sơn, đó chính là Hiệp ước Versailles. Cầu viện Pháp bằng Hiệp ước Versailles đã tạo thành một "nghiệp chướng" cho triều đình Nguyễn.[202]
Do nhiều yếu tố, đặc biệt là cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 lật đổ Hoàng gia, nên nước Pháp đã không thi hành Hiệp ước Versailles 1787. Tuy nhiên, Hiệp ước Versailles do giám mục Bá Đa Lộc cầu viện Pháp mà có vẫn trở thành một di họa đối với Việt Nam. Về sau, Pháp đã dựa vào hiệp ước này để làm cớ yêu cầu nhà Nguyễn cắt đất, và sau đó xâm lược Việt Nam vào năm 1858. Sau này tác giả Faure chép truyện Bá Đa Lộc, có nuối tiếc rằng nếu Hiệp ước thành sự thực thì Pháp có thể chiếm Việt Nam sớm hơn mấy chục năm:
"Nếu lúc ấy Chính phủ Pháp sẵn sàng giúp ông Bá Đa Lộc thì ông ấy đã giúp cho nước Pháp hoàn thành cuộc bảo hộ ở An Nam ngay từ cuối thế kỷ 18, để sau khỏi phải dùng đến chiến sự mới xong công việc".[205]
Nhà Nguyễn không có chiến lược kháng chiến hợp lý
Nếu phân tích kỹ thì đúng là quân Pháp có trang bị vũ khí vượt trội so với quân nhà Nguyễn, nhưng sự vượt trội này không phải là quá lớn, và có những khó khăn mà quân Pháp thời đó không giải quyết được:
Thời bấy giờ chưa có không quân và xe tăng, bộ binh Pháp trước năm 1870 cũng chưa có súng máy mà chỉ có mà chỉ có súng trường Minié nạp đạn từ đầu nòng (mỗi phút chỉ bắn được khoảng 2-3 phát), đến năm 1866 mới có súng trường Chassepot và kế tiếp là súng trường Gras 1874 hiện đại hơn, nhưng vẫn chỉ là súng bắn phát một (mỗi phút bắn được khoảng 9-10 phát), uy lực không hơn quá nhiều so với súng hỏa mai của quân Nguyễn. Pháo binh Pháp tuy hiện đại hơn, nhưng trước năm 1873 thì vẫn còn khá thô sơ (pháo nạp đạn đầu nòng, không có rãnh xoắn, tầm bắn không quá mấy km). Thực tế cho thấy trong nhiều trận đánh, ưu thế vũ khí của Pháp không đủ lớn để áp đảo được quân Nguyễn. Tiêu biểu như Trận Đà Nẵng, quân Pháp có tàu chiến yểm trợ mà đánh suốt 1 năm vẫn không thắng được, hoặc trận Đại đồn Chí Hòa, quân Pháp tuy thắng nhưng cũng bị tổn thất khá lớn.
Quân Pháp tác chiến ở xa chính quốc, thời đó chỉ có tàu biển nên việc vận chuyển lương thực và thuốc men đều thiếu thốn, lính Pháp lại không quen thời tiết nóng ẩm nên số bị dịch bệnh khá nhiều. Nếu nhà Nguyễn sử dụng chiến lược vườn không nhà trống, tiêu thổ kháng chiến thì quân Pháp tất yếu sẽ bị kiệt sức.
Lực lượng xâm chiếm của Pháp có quân số khá nhỏ, mỗi chiến dịch Pháp chỉ huy động khoảng mấy ngàn quân là tối đa, trong khi quân nhà Nguyễn trên toàn quốc có ít nhất 20 vạn quân chính quy và dân binh, ưu thế hàng chục lần về quân số hoàn toàn có thể bù đắp cho sự thua kém về trang bị. Tiêu biểu như Trận Isandlwana (năm 1879), 15.000 quân Zulu chỉ với vũ khí thô sơ (giáo, cung tên và khiên gỗ) nhưng nhờ sử dụng chiến thuật đánh gọng kìm mà đã tiêu diệt hoàn toàn 1.850 quân Anh trang bị hiện đại (phía Zulu tổn thất 3.000 người, xét về tỷ lệ thì tổn thất như vậy là không lớn).
Vũ khí thời đó chưa phải là tinh xảo tới mức không bắt chước được. Tiêu biểu như Cao Thắng đã chế tạo được súng trường phỏng theo khẩu Fusil Gras Mle 1874 của Pháp dựa theo chiến lợi phẩm thu được, chỉ trong vài tháng đã chế tạo được cả ngàn khẩu chỉ bằng các lò rèn địa phương. Nếu triều đình nhà Nguyễn biết huy động cả nước sản xuất vũ khí bắt chước theo chiến lợi phẩm thì ưu thế vũ khí của Pháp sẽ không còn là bao.
Và dù không chế tạo được vũ khí hiện đại, nhà Nguyễn vẫn hoàn toàn có thể dùng ngân khố để mua vũ khí của các nước phương Tây khác như Đức, Anh... nhằm cân bằng trang bị với Pháp. Tiêu biểu như Ethiopia dưới sự lãnh đạo của vị vua Menelik II đã mua hàng vạn khẩu súng trường Berdan của Nga để đánh bại 20.000 quân xâm lược Italy tại trận Adwa vào năm 1896, dù đương thời Etiopia có dân số ít và trình độ phát triển còn kém hơn so với Việt Nam.
Quân Pháp vốn không đông, lại đóng ở xứ sở lạ lẫm về ngôn ngữ, địa hình, khí hậu nên rất dễ bị tập kích. Trong thực tế chiến đấu, cuối năm 1861, Nguyễn Trung Trực đã đốt cháy chiến hạm Espérance trong trận Nhật Tảo. Nhiều đồn nhỏ cũng bị tiêu diệt, như là trận đồn Kiên Giang. Trong 3 năm rưỡi, quân Pháp thiệt hại tới 2.000 người.[206] Hoặc như quân Cờ đen chỉ là một nhóm thổ phỉ vũ trang từ Trung Quốc kéo sang, quân số chỉ có mấy nghìn, trang bị cũng không hơn quân nhà Nguyễn, nhưng nhờ biết dùng chiến thuật phục kích mà cũng đã thắng Pháp được 2 trận (trận Cầu Giấy 1873 và trận Cầu Giấy 1883).
Nhìn chung, quân Pháp có ưu thế về trang bị nhưng lại có nhược điểm về quân số, thời tiết và địa hình. Kết quả chiến đấu thực tế cho thấy quân Việt Nam hoàn toàn có thể đánh bại Pháp nếu dùng chiến thuật hợp lý (tập kích ban đêm, phục kích, đặt bẫy...). Tuy không có trận nào thắng to, nhưng quân Pháp vốn không đông, nên nhiều trận thắng nhỏ gộp lại cũng đủ làm quân Pháp tổn thất nặng. Nếu vua quan nhà Nguyễn biết hiệu triệu nhân dân, chi viện cho các nhóm nghĩa quân địa phương kiên trì kháng chiến, trường kỳ tiêu hao sinh lực địch thì quân Pháp sẽ phải thấy khó mà rút về nước, và Việt Nam đã không mất nước. Tuy vậy, vua quan nhà Nguyễn không biết hiệu triệu nhân dân, áp dụng chiến lược hợp lý và kiên trì kháng chiến; cũng không hề biết tận dụng lợi thế về nhân lực và vật lực do chiến tranh diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam. So ra thì trong Chiến tranh Đông Dương (1945–1954), Pháp còn có ưu thế trang bị lớn hơn nhiều, nhưng lần này thì Việt Nam lại thắng chứ không bại (nhờ áp dụng chiến lược hợp lý).
Lúc bấy giờ, Ông Ích Khiêm là một trong số những quan lại không hài lòng về việc quân đội triều đình yếu kém, phải dựa vào quân Cờ đen (một nhóm vũ trang từ Trung Quốc kéo sang) để chống Pháp, đồng thời cũng chê trách các võ tướng bất lực, lúc hữu sự phải nhờ vào người Trung Quốc để đánh giặc. Ông có làm bài thơ trách[207]
“
Áo chúa cơm vua hưởng bấy lâu Đến khi có giặc phải thuê Tàu Từng phen võng giá mau chân nhẩy Đến bước chông gai thấy mặt đâu Tiền bạc quyên hoài dân xác mướp Trâu dê ngày hiến đứa răng bầu Ai ôi hãy chống trời Nam lại Kẻo nữa dân ta phải cạo đầu[208]
”
Thái độ của vua quan nhà Nguyễn
Sự lạc hậu của nước Việt thời nhà Nguyễn là một nguyên nhân mất nước vào tay Pháp. Tuy nhiên, nguyên nhân này không phải là duy nhất, một nguyên nhân khác được phân tích tỉ mỉ là thái độ của vua quan nhà Nguyễn thời Tự Đức khi cho rằng đem quân đội đánh Pháp thì không có cơ hội thắng. Nhưng mặt khác họ lại chủ quan, cho rằng nước Pháp ở xa quá nên không thể chiếm trọn nước Việt, họ nghĩ rằng chỉ cần cắt đất một số nơi để Pháp lập hải cảng và truyền đạo, bồi thường chiến phí cho Pháp thì họ sẽ rút quân. Thế là chính sách của nhà Nguyễn đi vào sự khiếp nhược: chỉ lo cắt đất cầu hòa với Pháp, khi có thời cơ cũng không dám chủ động tiến công địch. Quân dân một số nơi tự tổ chức kháng chiến, thu được thắng lợi ban đầu nhưng triều đình lại mặc kệ, không chi viện cũng không khen thưởng, nên sau đó cũng dần thất bại. Tiêu biểu như một số sự kiện:[202]
Năm 1858, ở Đà Nẵng chỉ còn gần 1.000 quân Pháp, quân Việt Nam có hàng vạn mà tướng Nguyễn Tri Phương không thừa thế tấn công tiêu diệt, để Pháp an toàn rút vào Gia Định. Năm sau, ở Gia Định, Nguyễn Tri Phương có 30.000 quân chính quy và dân quân mà cũng không dám tiến công diệt hết quân Pháp (lúc đó chỉ có độ 300 lính, bởi phần lớn đã rút lên tấn công Trung Quốc trong Chiến tranh Nha phiến). Đến khi Pháp được tăng viện thì quân Nguyễn nhanh chóng vỡ trận, Pháp chiếm cả bốn tỉnh miền Đông Nam Kỳ.
Năm 1859, nhân dân miền Đông Nam Bộ đứng lên kháng chiến rất mạnh với các lãnh đạo như Trương Định, Nguyễn Hữu Huân, Phan Văn Đạt,... đã khiến quân Pháp gặp nhiều khó khăn. Trong 3 năm rưỡi, quân Pháp thiệt hại tới 2.000 người.[206] Quân Pháp lúc đó đang sa lầy ở Chiến tranh Pháp – Mexico nên cũng không còn binh lực để gửi tiếp sang Việt Nam. Nhưng triều đình lại không chi viện cho nghĩa quân đánh mạnh hơn, mà đúng lúc đó vua Tự Đức lại xin giảng hòa, nhận cắt 3 tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Định Tường cho Pháp, chịu trả cho Pháp 20 triệu quan chiến phí. Tự Đức còn lệnh cho Trương Định bãi binh xuống An Giang. Theo giáo sư Trần Văn Giàu thì "đây là một sự phản bội đối với những người kháng chiến". Triều đình không chỉ ra lệnh bãi binh, mà lại còn tiếp tay truy lùng các thủ lĩnh nghĩa quân cho Pháp[209]. Bị triều đình phản bội, các nhóm nghĩa quân dần thất bại.
Một số triều thần muốn Việt Nam liên kết với các nước Đông Á để cùng đối phó với Tây Âu, nhưng Tự Đức không nghe, sợ Pháp ngờ vực. Nhiều nước châu Âu như Đức, Anh, Tây Ban Nha muốn giao thương và bán vũ khí cho Việt Nam, triều đình cũng không chấp nhận. Nhà Nguyễn đã không biết lợi dụng sự mâu thuẫn giữa các nước châu Âu với Pháp để mua vũ khí hoặc gây áp lực ngoại giao với Pháp.
Cuối 1870, Chiến tranh Pháp – Phổ nổ ra, nước Pháp đại bại, quân Pháp ở Việt Nam như rắn mất đầu. Có người đề nghị Tự Đức hãy thừa cơ tiến công lấy lại Nam Kỳ Lục tỉnh, đánh thì chắc chắn thắng. Nhưng triều đình Tự Đức chẳng những không tiến công, mà lại cử một phái đoàn chính thức vào Sài Gòn để "chia buồn việc Pháp bại trận".
Năm 1874, Pháp đánh ra miền Bắc. Quân Nguyễn bạc nhược, thất thủ nhanh chóng. Chỉ huy Francis Garnier chỉ với 100 quân và 3 tàu chiến nhỏ, với sự trợ lực của một số giáo dân bản xứ mà cũng lấy được Hà Nội khi đó có 7.000 quân Nguyễn phòng thủ. Tại Ninh Bình, với chỉ 10 lính Pháp trên một chiếc tàu chiến nhỏ, Pháp đã dọa được quan Tổng đốc nộp thành mà không kháng cự. Trong trận Cầu Giấy, Garnier bị đoàn quân Lưu Vĩnh Phúc giết chết tại chiến trường, quân Pháp tháo chạy. Quân Pháp mất chỉ huy, chỉ còn biết co cụm chờ chết, người người đều tin rằng sẽ phản công thắng lợi, đuổi Pháp chạy khỏi đất Bắc. Nhưng Tự Đức lại mặc kệ cuộc phản công thắng lợi ở Hà Nội. Đáng lẽ phải khuyến khích quân dân ở phía Bắc đánh địch mạnh hơn, lấy chiến thắng làm đà thương thuyết, thì Tự Đức lại hạ lệnh cho tư lệnh chiến trường Hoàng Tá Viêm phải ngưng chiến để hiệp ước với Pháp được ký kết. Hiệp ước năm 1874 đã gần như khẳng định quyền bá chủ của Pháp trên lãnh thổ Việt Nam.
Năm 1884, quân Pháp lại kéo ra Bắc, chiếm Hà Nội lần này cũng dễ dàng như lần trước. Quân Việt Nam ở Sơn Tây, Bắc Ninh tiến về bao vây Hà Nội. Cũng như Garnier, Đại tá Henri Rivière dẫn quân Pháp trong thành ra ứng chiến, và cũng y như lần trước, quân Pháp đại bại ở Cầu Giấy, Henri Rivière cũng chết trận ở đây. Hạm đội Pháp tập trung pháo kích dữ dội hệ thống pháo đài Thuận An, cửa ngõ của Huế, đưa tối hậu thư cho Tự Đức bảo phải đầu hàng. Giữa lúc chiến cuộc rộ lên thì vua Tự Đức băng hà. Triều đình Huế bối rối đã chấp nhận ký Hiệp ước Harmand, công nhận tất cả các quyền nội trị ngoại giao đều về tay Pháp, tức là chính thức đầu hàng và dâng nước Việt cho Pháp.
Tại Khiêm Lăng có tấm bia ở Bi đình nặng trên 20 tấn do Tự Đức tự dựng cho mình. Trong văn bia này Tự Đức tự trách mình về việc để mất nước vì thiếu sáng suốt mà mong yên ổn, không lo phòng bị từ phía biển Đông. Ông bất đắc dĩ phải đánh dẹp, nhưng càng đánh dẹp càng loạn. Những quan đại thần được sai đi bàn định điều ước lại "không hiểu vì lý do gì lại dễ dàng lập thành hòa nghị. Bỗng chốc đem cả nhân dân cùng đất đai của các triều nhọc nhằn gây dựng cho giặc hết...". Tự Đức nhận trách nhiệm "không sáng suốt trong việc biết người, ấy là của ta; dùng người không đúng chỗ, cũng là tội của ta; hàng trăm việc không làm được; đều là tội của ta cả...". Ông "nuốt nước mắt, đành chịu tội với tôn miếu và nhân dân". Ông nói rằng "Ta thực sự một mai chết đi thì tự thẹn trí khôn không bằng con cáo".[210][211]
Khi suy bĩ, Gia Long biết cầu cứu nước Pháp, đã mục kích được dã tâm đế quốc của liệt cường Tây Phương trước thời của ngài và cả trong thời ngài, vậy mà không tìm nổi một kế sách giữ nước cho khỏi "Bạch họa", chỉ biết "bế quan tỏa cảng", các triều đại kế tiếp cũng chẳng sáng suốt hơn, làm gì mà không mất nước.[212]
Về phía Pháp, sử gia Gosselin nói rằng các hoàng đế An Nam phải chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ và xuống dốc của đất nước họ. Dân xứ này, quan lại, binh lính xứng đáng có được những vị vua có giá trị, có khí phách hơn thế. Chính quyền nhà Nguyễn đã mù quáng vì không dự liệu, không chuẩn bị gì để chống trả cuộc xâm chiếm của Pháp.[196]
"Những lời nguyền rủa dữ dội và những cơn phẫn nộ vô ích của Thiệu Trị, những than vãn bất lực và những lễ tế trời của Tự Đức bộc lộ những cố gắng tột độ của các quân vương yếu đuối như đàn bà này để chống lại sự tiến công của chúng ta (Pháp) trên vương quốc của họ".
Trong bài thơ Lịch sử nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán:
“
Nay ta nước mất nhà tan
Cũng vì những lũ vua quan ngu hèn.
Năm Tự Đức thập nhất niên,
Nam Kỳ đã lọt dưới quyền giặc Tây.
Hăm lăm năm sau trận này,
Trung Kỳ cũng mất, Bắc Kỳ cũng tan,
Ngàn năm gấm vóc giang san,
Bị vua họ Nguyễn đem hàng cho Tây!
Tội kia càng đắp càng đầy,
Sự tình càng nghĩ càng cay đắng lòng.
Trong 143 năm tồn tại kể từ khi thành lập năm 1802 đến khi sụp đổ năm 1945, nhà Nguyễn có 13 vị vua cai trị thuộc 7 thế hệ. Tính theo Đế hệ thi của Minh Mạng thì nhà Nguyễn chỉ truyền được đến chữ thứ 5 (Vĩnh) hết dòng thơ thứ nhất, tương đương với thế hệ thứ 5 kể từ các con Minh Mạng.
^Việc sử dụng văn ngôn Trung Quốc trong các văn bản và thư từ khác với việc sử dụng hệ thống chữ Nôm tiếng Việt.
^Góp phần nhận thức về vai trò lịch sử của nhà Nguyễn (1802 – 1945), GS. Trần Thanh Đạm Báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 41 ngày 30 tháng 10 năm 2008 trích: "Nhiều tư liệu đã có hoặc mới phát hiện đã chứng minh rằng trong nửa thế kỷ XIX, đối với đất nước Việt Nam, nhà Nguyễn đã làm được không ít việc, và nhiều việc có thể được gọi là những thành tựu. Ví dụ: đối với sự nghiệp thống nhất đất nước, dù rằng việc này được khởi đầu từ phong trào Tây Sơn song việc thống nhất đang còn dở dang, thậm chí cuối thời Tây Sơn cũng đang có nguy cơ phân liệt. Chính Nguyễn Ánh đã hoàn thành công việc dở dang này, hoàn thành sự nghiệp thống nhất, kết thúc tình trạng đất nước chia hai, quy giang sơn về một mối.
^Góp phần nhận thức về vai trò lịch sử của nhà Nguyễn (1802 – 1945), GS. Trần Thanh Đạm Báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 41 ngày 30 tháng 10 năm 2008 trích: Một ví dụ thứ hai nữa có thể nhắc đến, đó là việc củng cố chủ quyền dân tộc. Dĩ nhiên, ở đây chủ quyền dân tộc thống nhất với vương quyền nhà Nguyễn. Triều Nguyễn từ Gia Long đến Minh Mạng đều lo củng cố vương quyền đồng thời củng cố chủ quyền dân tộc, chống mọi mưu toan vi phạm, xâm phạm từ bên ngoài và bên trong, kể cả bằng những biện pháp quyết liệt như trấn áp đạo Thiên chúa.
^Nhà Nguyễn mất nước với Tây phương chỉ là vì văn minh nông nghiệp của Á Đông hết sức lạc hậu, yếu hèn, mà văn minh khoa học cùng cơ giới của phương Tây lại quá mạnh mà thôi,xem Nhiều tác giả 2007, tr. 325.
^Mất nước không phải là tất yếu... Triều Nguyễn thua Pháp vì lúng túng về đường lối chính trị dẫn đến lúng túng về quân sự, tuy quân lực không yếu mà tự phải thua. Sự lúng túng còn thể hiện trong nỗi lo sợ trước luồng tư tưởng mới đang tràn vào. Lo sợ, nhưng không có giải pháp hữu hiệu, đành thu mình đóng kín. Càng lúng túng hơn khi nhà Nguyễn đồng thời phải đối phó với những mâu thuẫn nội bộ rất nghiêm trọng, mà những mâu thuẫn này lại bị sự chi phối rất mạnh của các áp lực từ bên ngoài. Riêng đối với đạo Gia-tô thì triều Nguyễn đã từ lúng túng đi đến bế tắc, không đủ sức chuyển đổi tư duy để có biện pháp thích hợp
^Những chính sách cực đoan của nhà Nguyễn với Công giáo không hề xuất phát từ đầu óc kỳ thị tôn giáo thuần túy, mà chính xuất phát từ nhận thức giữa Công giáo với phương Tây là dấu nối như một thể đồng nhất. Vì thế, trong cách nhìn của triều Nguyễn, ngăn cấm Công giáo là ngăn chặn phương Tây hiện diện tại Việt Nam, chứ không phải ngăn cấm một tôn giáo đơn thuần. Tuy nhiên, cách làm của nhà Nguyễn đã phản tác dụng, gây phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân, tạo vết hằn lịch sử đau thương giữa lương và giáo, đồng thời khiến phương Tây có lý do nổ súng xâm lược và lợi dụng đồng bào có đạo trong suốt thời gian thống trị...Nguyễn Quang Trung Tiến. “Triều Nguyễn - cảm nhận đa chiều (kỳ 2)]”. Báo Đà Nẵng điện tử. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2008.
^Suốt hơn 20 năm kể từ khi ký Hiệp ước Nhâm Tuất (1862), triều Nguyễn đã không thể giải quyết mâu thuẫn giữa các cải cách mới để có thể chống Pháp thành công và muốn chống Pháp thành công thì phải cải cách; vì thế, triều Nguyễn đã để mất dần lãnh thổ và phải lần lượt ký kết nhiều hiệp ước bất bình đẳng với thực dân Pháp. Sự bế tắc này dễ làm người ta liên tưởng vua Tự Đức và triều đình Huế đã theo đuổi một đường lối chống Pháp nhu nhược, thỏa hiệp, cuối cùng chấp nhận đầu hàng giặc.Hai hiệp ước Harmand (ngày 25 tháng 8 năm 1883) và Patenôtre (ngày 6 tháng 6 năm 1884) do triều Nguyễn ký kết với Pháp diễn ra sau ngày vua Tự Đức mất, nhưng đó là kết quả khó tránh khỏi của một kế sách dùng dằng, bế tắc của người tiền nhiệm theo Nguyễn Quang Trung Tiến
^Kang, David C. (2012). East Asia Before the West: Five Centuries of Trade and Tribute. Columbia University Press. tr. 101–102. In 1802 the Nguyen dynasty was recognized with an imperial pardon and tributary status. [...] there was no doubt in anyone's mind that China was the superior and the tributary state the inferior. The Vietnamese kings clearly realized that they had to acknowledge China's suzerainty and become tributaries [...]
^Brocheux, Pierre; Hémery, Daniel (2011). Indochina: An Ambiguous Colonization, 1858–1954. University of California Press. tr. 78–81.
^Lebra, Joyce C. (1975). Japan's Greater East Asia Co-Prosperity Sphere in World War II: Selected Readings and Documents. New York: Oxford University Press. tr. 157, 158, 160.
^Li, Tana; Reid, Anthony (1993). Southern Vietnam under the Nguyễn. Economic History of Southeast Asia Project. Australian National University. ISBN981-3016-69-8.
^Zottoli, Brian A. (2011). Lưu trữ 2016-03-07 tại Wayback Machine (A dissertation submitted in partial fulfillment of the requirements for the degree of Doctor of Philosophy (History) in The University of Michigan). p. 14. Archived from the original on ngày 29 tháng 1 năm 2017. Truy cập January 29, 2017.
^Chưa rõ Nguyễn Thế Anh dựa theo nguồn nào để kết luận việc Thiệu Trị cho xử tử tất cả người Âu đang bị giam giữ. Đại Nam thực lục cho biết: triều đình Thiệu Trị không biết nước Phật Lan Tây gây sự năm 1847 là nước nào nên chỉ ra chỉ dụ xua đuổi nước này và không có lệnh xử tử người Âu nào được ban hành. Nước Pháp chỉ được biết qua tên Phú Lãng Sa.
^Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (tập 06). Bản dịch của Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Viện sử học Quốc sử quán triều Nguyễn, Tổ Phiên dịch Viện Sử học phiên dịch. Nhà xuất bản Giáo Dục xuất bản năm 2007.
^Lebra, Joyce C. Japan's Greater East Asia Co-Prosperity Sphere in World War II: Selected Readings and Documents. New York: Oxford University Press, 1975, trang 157, 158, 160.
^The U.S. Government and the Vietnam War: Executive and Legislative Roles and Relationships, Part I, page 2, William Conrad Gibbons, Series: Princeton Legacy Library, Princeton University Press, 1995
^Paul-Marie de La GORCE:De Gaulle-Leclerc: de Londres à l'Indochine Espoir n°132, 2002.
^Stéphane Just: A propos d'une possibilité théorique et de la lutte pour la dictature du prolétariat trên La Vérité" n°588 (Septembre 1979).
^ abNetCoDo, Hue, Viet nam (ngày 21 tháng 10 năm 2008). “Kinh Thành Huế”. Hue.vnn.vn. Truy cập ngày 2 tháng 10 năm 2010.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
^TTXVN/Vietnam+ (ngày 14 tháng 12 năm 2009). “Mộc bản triều Nguyễn sắp nhận bằng di sản thế giới”. VietnamPlus, TTXVN. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 1 năm 2013. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2011.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
^Báo Văn nghệ số 44, ngày 29/10/2005, tác giả Nhật Trang nêu lên một số điểm nghi vấn, trong bài viết của tác giả Nguyễn Đắc Xuân. Dẫn lại tại [1]Lưu trữ 2014-07-29 tại Wayback Machine.
Đào Duy Anh (2002), Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến Thế kỷ XIX, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin
Phan Khoang (2001), Việt sử xứ Đàng Trong, Nhà xuất bản Văn Học
Trần Trọng Kim (1971), Việt Nam sử lược, 2, Sài Gòn: Trung tâm Học liệu Xuất bản thuộc Bộ Giáo dục, Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 8 năm 2018, truy cập ngày 12 tháng 12 năm 2008
Phan Khoang (2001), Việt sử xứ Đàng Trong, Nhà xuất bản Văn Học
Dương Quảng Hàm (1968), Việt Nam văn học sử yếu, Sài Gòn: Trung tâm Học liệu Xuất bản thuộc Bộ Giáo dục, Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 1 năm 2009, truy cập ngày 13 tháng 12 năm 2008
Trương Hữu Quýnh (2005), Đại cương Lịch sử Việt Nam-tập I, nnk., Nhà xuất bản Giáo dục
Trương Hữu Quýnh (2004), Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ X đến 1858, nnk., Nhà xuất bản ĐH Sư phạm
Đinh Xuân Lâm (2007), Đại cương Lịch sử Việt Nam-tập II, nnk., Nhà xuất bản Giáo dục
Trần Đức Anh Sơn (2004), HUẾ Triều Nguyễn một cái nhìn, Nhà xuất bản Thuận Hóa.
Nguyễn Thị Thạnh (2008), The French conquest of Cochin-China, 1858-1862, [Ph.D. Thesis], Cornell University 1982
Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (1971), Lịch sử Việt Nam, tập I, Nhà xuất bản KHXH,Hà Nội
Nguyễn Thế Anh (2008), Kinh tế & xã hội Việt Nam dưới các triều vua nhà Nguyễn, Nhà xuất bản Văn Học
Nguyễn Thế Anh (2008a), Việt Nam Thời Pháp Đô Hộ, Nhà xuất bản Văn Học, ISBN1107020003574 Kiểm tra giá trị |isbn=: tiền tố không hợp lệ (trợ giúp)Đã bỏ qua tham số không rõ |ignore-isbn-error= (gợi ý |isbn=) (trợ giúp)
Nguyễn Khắc Thuần (2005), Đại cương lịch sử cổ trung đại Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục
Nhiều tác giả (2007), Những vấn đề lịch sử triều Nguyễn, TP Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Văn hoá Sài Gòn
Lê Nguyễn (2009), Nhà Nguyễn và những vấn đề lịch sử, Hà Nội: Nhà xuất bản Công an nhân dân
Vu Tam Ich. "A Historical Survey of Educational Developments in Vietnam". Bulletin of the Bureau of School Service Vol XXXII, No 2. Lexington, KY: University of Kentucky, College of Education, 1959.
Nguyễn Lương Bích (1996), Lược sử ngoại giao Việt Nam các thời trước, Quân đội nhân dân
Đọc thêm
Tài liệu lưu trữ Hán – Nôm, do Nha Kinh lược Bắc Kỳ biên soạn. Khối tài liệu này là một trong những nguồn sử liệu gốc có thể phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử về các mặt chính trị, kinh tế, an ninh trật tự, giao thông, tổ chức bộ máy nhà nước, văn hóa xã hội... thời kỳ phong kiến triều Nguyễn. Nó đang được lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.
Liên kết ngoài
Wikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Nhà Nguyễn.
Michelangelo beralih ke halaman ini. Untuk pelukis lain yang bernama awal sama, lihat Michelangelo Merisi da Caravaggio. MichelangeloPotret diri Michelangelo oleh Daniele da VolterraLahirMichelangelo di Lodovico Buonarroti Simoni(1475-03-06)6 Maret 1475Caprese dekat Arezzo, Republik Firenze (masa kini Toskana, Italia)Meninggal18 Februari 1564(1564-02-18) (umur 88)Roma, Negara Gereja (masa kini Italia)Dikenal atasPatung, lukisan, arsitektur, dan puisiKarya terkenalDavidPietàPengadilan Te...
العلاقات الأوزبكستانية المجرية أوزبكستان المجر أوزبكستان المجر تعديل مصدري - تعديل العلاقات الأوزبكستانية المجرية هي العلاقات الثنائية التي تجمع بين أوزبكستان والمجر.[1][2][3][4][5] مقارنة بين البلدين هذه مقارنة عامة ومرجعية للدولتين: و�...
Radio station in Arizona, United StatesKTARPhoenix, ArizonaUnited StatesBroadcast areaPhoenix metro areaFrequency620 kHzBrandingESPN 620ProgrammingLanguage(s)EnglishFormatSportsAffiliationsESPN RadioOwnershipOwnerBonneville International(Bonneville International Corporation)Sister stationsKMVP-FMKTAR-FMHistoryFirst air dateJune 21, 1922(101 years ago) (1922-06-21)Former call signsKFAD (1922–1929)KREP (1929)[a]Call sign meaningWas owned by The Arizona Republican (later The...
Ryukyuan language of Japan Not to be confused with Amami languages, Amami Oshima Sign Language, or Amami Japanese.Amami ŌshimaAmami島口/シマユムタ ShimayumutaNative toJapanRegionAmami Ōshima and neighboring islands, Kagoshima PrefectureNative speakersca. 12,000 (2004)[1]Language familyJaponic RyukyuanNorthern RyukyuanAmamiAmami ŌshimaWriting systemJapaneseLanguage codesISO 639-3Either:ryn – Northernams – Southern (Setouchi)Glottologoshi1235T...
Outfit worn by incarcerated people Striped prison uniform, contemporary design as used in the United States and other countries Inmates outfitted in common present-day prison uniforms (gray-white), US A prison uniform is a set of standardized clothing worn by prisoners. It usually includes visually distinct clothes worn to indicate the wearer is a prisoner, in clear distinction from civil clothing. Prison uniforms are intended to make prisoners instantly identifiable, limit risks through conc...
Italian footballer (born 1996) Simone Scuffet Scuffet with CFR Cluj in 2023Personal informationFull name Simone ScuffetDate of birth (1996-05-31) 31 May 1996 (age 27)Place of birth Udine, ItalyHeight 1.93 m (6 ft 4 in)[1]Position(s) GoalkeeperTeam informationCurrent team CagliariNumber 22Youth career2002–2004 Aurora Buonacquisto2004–2005 Moimacco2005–2006 Udinese2006–2007 Donatello Calcio2007–2013 UdineseSenior career*Years Team Apps (Gls)2013–2021 Udin...
Austrian-born war criminal, Nazi officer sentenced to life imprisonment (1908–1971) Franz StanglBirth nameFranz Paul StanglBorn(1908-03-26)26 March 1908Altmünster, Austria-Hungary(current-day Austria)Died28 June 1971(1971-06-28) (aged 63)Düsseldorf, West Germany(current-day Germany)AllegianceNazi GermanyService/branchSchutzstaffelYears of service1931–1945RankSS-HauptsturmführerService numberNSDAP #6,370,447 SS #296,569UnitSS-TotenkopfverbändeCommands heldSobibor, 28 April 19...
ChiancheKomuneComune di ChiancheLokasi Chianche di Provinsi AvellinoNegaraItaliaWilayah CampaniaProvinsiAvellino (AV)Luas[1] • Total6,61 km2 (2,55 sq mi)Ketinggian[2]356 m (1,168 ft)Populasi (2016)[3] • Total551 • Kepadatan83/km2 (220/sq mi)Zona waktuUTC+1 (CET) • Musim panas (DST)UTC+2 (CEST)Kode pos83010Kode area telepon0825Situs webhttp://www.comune.chianche.av.it Chianche adalah sebu...
Artikel atau sebagian dari artikel ini mungkin diterjemahkan dari Letter of Aristeas di en.wikipedia.org. Isinya masih belum akurat, karena bagian yang diterjemahkan masih perlu diperhalus dan disempurnakan. Jika Anda menguasai bahasa aslinya, harap pertimbangkan untuk menelusuri referensinya dan menyempurnakan terjemahan ini. Anda juga dapat ikut bergotong royong pada ProyekWiki Perbaikan Terjemahan. (Pesan ini dapat dihapus jika terjemahan dirasa sudah cukup tepat. Lihat pula: panduan pener...
Ethnic group Ukrainians in SerbiaУкраїнці в СербіїУкрајинци у Србији Total population 3,969 Serbian citizens (2022)[1] ~5,698–22,709 Ukrainian citizens (2022 est.)[2][3] Regions with significant populationsBelgrade and VojvodinaLanguagesUkrainian and SerbianReligionEastern Orthodox and Greek CatholicRelated ethnic groupsUkrainian diaspora, Pannonian Rusyns, Russians in Serbia, Belarusians in Serbia, Serbs and other Slavic people Ukraini...
Nabugih foja Melipotes carolae Status konservasiRisiko rendahIUCN22735330 TaksonomiDivisiManiraptoriformesKelasAvesOrdoEupasseresSuperfamiliMeliphagoideaFamiliMeliphagidaeGenusMelipotesSpesiesMelipotes carolae Beehler, 2007 Nabugih foja ( Melipotes carolae ) adalah spesies pemakan madu dengan bulu abu-abu jelaga dan paruh hitam. [2] Ciri yang paling khas bisa dibilang adalah kulit wajah yang luas berwarna oranye kemerahan dan pial yang menjuntai. Pada anggota genus Melipotes lainnya, ...
Lake Nubia, 2003 Askut (also known in ancient Egypt as Djer-Setiu) was an ancient Egyptian island fortress in the Middle Kingdom on the Nile, which was built for the purpose of securing the border to Nubia.[1] Since the completion of the Aswan High Dam, the island has been flooded with Lake Nubia. The fort, about 351 kilometers south of Aswan was built by Sesostris III. It measured 77 × 87 meters.[2] The protective wall had a thickness of 5.3 meters and had spur-like bastions...
1890 edict in the Empire of Japan Commemorative stamps celebrating the 50th anniversary of the Imperial Rescript in 1940 The Imperial Rescript on Education (教育ニ関スル勅語, Kyōiku ni Kansuru Chokugo), or IRE for short, was signed by Emperor Meiji of Japan on 30 October 1890 to articulate government policy on the guiding principles of education on the Empire of Japan. The 315 character document was read aloud at all important school events, and students were required to study and me...
Third highest court in the adjudicative hierarchy of the Commonwealth of the Bahamas This article relies excessively on references to primary sources. Please improve this article by adding secondary or tertiary sources. Find sources: Supreme Court of the Bahamas – news · newspapers · books · scholar · JSTOR (March 2011) (Learn how and when to remove this message) Supreme Court of the BahamasSupreme Court Building in NassauEstablished1896LocationNassauF...
Kenshiro Tanioku Informasi pribadiNama lengkap Kenshiro TaniokuTanggal lahir 28 Mei 1992 (umur 32)Tempat lahir Prefektur Mie, JepangPosisi bermain BekKarier senior*Tahun Tim Tampil (Gol)2015 Matsumoto Yamaga FC 2016– Azul Claro Numazu * Penampilan dan gol di klub senior hanya dihitung dari liga domestik Kenshiro Tanioku (lahir 28 Mei 1992) adalah pemain sepak bola asal Jepang. Karier Kenshiro Tanioku pernah bermain untuk Matsumoto Yamaga FC dan Azul Claro Numazu. Pranala luar (Jepang)...
Pour les articles ayant des titres homophones, voir M et Hesme. Structure de l’hème b. Modélisation 3D de l’hème b. Structure de l’hème a. L’hème est un cofacteur contenant un atome de métal, souvent du fer, servant à accueillir un gaz diatomique (par exemple du dioxygène O2) au centre d’un large anneau organique appelé porphyrine. Toutes les porphyrines ne contiennent pas nécessairement un atome de fer mais la majorité des métalloprotéines qui contiennent des porphyri...
Coppa del Generalísimo 1963-1964Copa del Generalísimo 1963-1964 Competizione Copa del Rey Sport Calcio Edizione 60ª Organizzatore RFEF Date 27 ottobre 1963 - 5 luglio 1964 Luogo Spagna Partecipanti 48 Risultati Vincitore Real Saragozza(1º titolo) Finalista Atlético Madrid Semi-finalisti Barcellona Valencia Cronologia della competizione 1962-1963 1964-1965 Manuale La Copa del Generalísimo 1963-1964 fu la 60ª edizione della Coppa di Spagna. Il torneo iniziò...
Highest scientific institution of the Soviet Union (1925–1991) Academy of Sciences of the Soviet UnionАкадемия наук Советского СоюзаAbbreviationАН СССРSuccessorRussian Academy of SciencesFormation1925Dissolved1991TypeScientific institutionHeadquartersMoscowMembership Two-levelOfficial language Russian The Academy of Sciences of the Soviet Union was the highest scientific institution of the Soviet Union from 1925 to 1991. It united the country's leading scien...