Trần Cao Vân (1866 – 17 tháng 5 năm 1916) là một quan lại Việt Nam của nhà Nguyễn được biết đến vì tinh thần yêu nước thời Pháp thuộc. Ông thuộc nhóm người cùng vua Duy Tân lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp tại Trung Kỳ của Việt Nam do Việt Nam Quang Phục Hội chủ xướng, nhưng bị thất bại và bị người Pháp xử tử.
Tiểu sử
Trần Cao Vân sinh năm 1866 tại làng Tư Phú, tổng Đa Hòa (nay là xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Ông từng bị bắt giam ở các ngục Phú Yên, Bình Định do tham gia cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ và liên quan tới "vụ án Trung thiên dịch", bị đày ra Côn Đảo, cùng các đồng chí lập ra Việt Nam Quang phục hội, liên lạc với vua Duy Tân để khởi nghĩa năm 1916,... Cơ mưu bại lộ, Trần Cao Vân làm cố vấn trong chính phủ lâm thời và bị bắt cùng với Phan Thành Tài (thống lãnh quân đội toàn quyền, giữ ấn Kinh lược Nam Ngãi), Lê Đình Dương (Bộ trưởng ngoại giao, giữ ấn Tổng trấn Nam Ngãi), Thái Phiên (Tổng trấn Kinh thành Huế),... Do Trần Cao Vân và Thái Phiên nhận hết trách nhiệm về mình nên vị vua trẻ yêu nước Duy Tân thoát chết. Ngày 17 tháng 5 năm 1916, Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu bị xử tại An Hòa (gần Thành nội Huế), trước khi bị xử tử, Trần Cao Vân đã ung dung đọc bốn câu thơ: Trời chung không đội với thù Tây/ Quyết trả ơn vua nợ nước này/ Một mối ba giềng xin giữ chặt/ Thân dù thác xuống rạng đài mây.