Bát kỳ

Bát Kỳ
八旗
Thanh kỳ thời vua Càn Long
Hoạt động1615 – 1938
Quốc giaNhà Thanh, Mãn Châu
Phục vụHậu KimNhà Thanh
Phân loạiBộ binh, Kỵ binh, Pháo binh, Hải quân
Màu sắcVàng, Đỏ, Trắng, Xanh dương
Các tư lệnh
Chỉ huy
nổi tiếng
Bát kỳ
Tên tiếng Trung
Tiếng Trung八旗
Tên tiếng Mãn
Bảng chữ cái tiếng Mãn ᠵᠠᡴᡡᠨ ᡤᡡᠰᠠ
Chuyển tựjakūn gūsa

Bát kỳ hay Bát kỳ Mãn Châu (tiếng Mãn: ᠵᠠᡴᡡᠨ
ᡤᡡᠰᠠ
, Möllendorff: jakūn gūsa, Abkai: jakvn gvsa, tiếng Trung: 八旗; bính âm: Bāqí) là một chế độ tổ chức quân sự đặc trưng của người Mãn Châunhà Thanh (sau này), đặc trưng của Bát kỳ là mỗi đơn vị được phân biệt bằng một lá cờ khác nhau, tổng cộng có tám lá cờ cơ bản theo đó mọi người dân Mãn Châu đều thuộc một trong tám "Kỳ", đứng đầu là một kỳ chủ và tư lệnh tối cao là Đại Hãn, đó vừa là các đơn vị dân sự vừa mang tính chất quân sự. Bát kỳ ban đầu là danh xưng dùng để chỉ về Bát kỳ Mãn Châu hay Mãn Kỳ sau đó được phát triển thêm Mông Cổ Bát kỳ và Hán quân Bát kỳ vì vậy gọi chung là Bát kỳ.

Đây là một tổ chức quân sự đặc sắc của người Mãn Châu và cũng là đội quân hùng mạnh trong lịch sử Trung Hoa, đã đóng góp công lao to lớn trong cuộc chinh chiến giữa nhà Thanhnhà Minh. Chế độ Bát kỳ do Nỗ Nhĩ Cáp Xích sáng lập và được hoàn thiện dưới thời kỳ trị vì của Hoàng Thái Cực. Tuy nhiên, sau một thời gian hòa bình kéo dài và quá trình Hán hóa, đến thời Ung Chính (1722 – 1735) và Càn Long (1735 – 1795) thì năng lực tác chiến của quân Bát kỳ ngày càng suy thoái, đến thời kỳ Hàm Phong (1850 – 1861) thì Bát kỳ gần như đã trở nên vô dụng và cuối cùng đã tan rã khi nhà Thanh sụp đổ năm 1912.

Lịch sử

Nỗ Nhĩ Cáp Xích, người đã sáng tạo ra chế độ Bát kỳ

Tiền thân của người Mãn là người Nữ Chân cũng từng có một chế độ tương tự là "Mãnh an mưu khắc" (chữ Hán: 猛安谋克, chữ Nữ Chân: /miŋgan moumukə/),[1] tuy nhiên nguồn gốc trực tiếp của chế độ Bát kỳ là "Ngưu lục ngạch chân" (tiếng Mãn: ᠨ᠋ᡳᡵᡠ
ᡝᠵᡝᠨ
, Möllendorff: niru ejen) vốn mang ý nghĩa "thống lĩnh của 10 người" được thành lập tạm thời khi người Nữ Chân tiến hành đi săn vào thời Minh.[2] Năm 1584, Nỗ Nhĩ Cáp Xích vốn xuất thân từ Tả vệ Kiến Châu khởi binh nổi dậy, ngưu lục ngạch chân (về sau được dịch sang tiếng Hán là tá lĩnh) trở thành một chức quan trong lực lượng Kiến Châu, thống lĩnh khoảng 300 người.[2][3]

Kiến lập

Lúc khởi binh vào năm 1584, Nỗ Nhĩ Cáp Xích lấy Hắc kỳ (cờ đen) làm cờ hiệu. Đến khi thống nhất Kiến Châu tam vệ vào năm 1589, ông liền thiếp lập thêm Hồng kỳ (cờ đỏ) rồi đích thân thống lĩnh, Hắc kỳ ban đầu được giao cho em trai cùng mẹ là Thư Nhĩ Cáp Tề. Trong quá trình chinh phạt các bộ tộc Nữ Chân, Nỗ Nhĩ Cáp Xích không ngừng thôn tính người dân các bộ lạc, số lượng các Tá lĩnh cũng ngày một tăng. Đối với các bộ tộc chủ động đến quy thuận, lúc tiến hành phân chia biên chế lệ thuộc cũng phải suy xét đến tính thống nhất về mặt huyết thống trong tổ chức. Năm 1601, Nỗ Nhĩ Cáp Xích tiến hành một cuộc cải tạo quy mô lớn đối với hệ thống Ngưu lục, đặt ra biên chế cơ bản và các vị trí quan viên cụ thể: mỗi ngưu lục sẽ có một Tá lĩnh, mỗi 5 Tá lĩnh sẽ thuộc 1 Tham lĩnh, mỗi 5 Tham lĩnh là 1 Kỳ, đứng đầu là Đô thống. Trên các Đô thống là các Kỳ chủ, Lĩnh chủ do bản thân Nỗ Nhĩ Cáp Xích và con cháu của ông đảm nhiệm, gọi là "nhập bát phân vương công".[4]

Nỗ Nhĩ Cáp Xích cũng đặt ra 4 Kỳ phân biệt theo màu cờ hiệu là Hoàng (Suwayan), Bạch (Sanggiyan), Hồng (Fulgiyan), Lam (Lamun). Hoàng kỳ đặt dưới quyền khống chế và điều động của ông, Lam kỳ giao cho người em Thư Nhĩ Cáp Tề, Bạch kỳ được giao cho con trai trưởng là Chử Anh và Hồng kỳ do người con trai thứ là Đại Thiện quản lý. Người đứng đầu mỗi Kỳ gọi là "Kỳ chủ". Mỗi Kỳ Chủ phải trực tiếp nghe theo mệnh lệnh của Đại Hãn, quyền lực và địa vị chỉ thấp hơn Đại Hãn mà cao hơn tất cả mọi người. Các bộ lạc thành viên trong tất cả các Kỳ không nắm giữ tất cả một vùng, hay không chiến đấu thành đơn vị hợp nhất. Khi yêu cầu một cuộc hành quân thì được thiết lập dưới các kỳ khác nhau. Những sự phân chia này chủ yếu hạn chế nguy cơ các bộ lạc ly khai hay không tuân lệnh.[5]

Mở rộng

Binh lính của Hồng kỳ

Năm 1614, số lượng Ngưu lục đã tăng lên khoảng 400.[6] Năm 1615, quân Kiến Châu đã thôn tính gần như tất cả bộ lạc Nữ Chân trừ Diệp Hách, hơn nữa lại có nhiều người Hán và Mông Cổ đến quy thuận. Ngưu lục dưới trướng Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã mở rộng gấp trăm lần so với quy mô thời kỳ mới khởi binh.[7] Dựa trên cơ sở 4 kỳ có sẵn, Nỗ Nhĩ Cáp Xích quyết định tăng thêm 4 kỳ bằng cách thêm "viền" vào các màu cờ cũ. Các kỳ cũ được thêm danh xưng Chính (Gulu, không có viền), gọi là Chính Hoàng, Chính Bạch, Chính Hồng và Chính Lam, còn các kỳ mới có thêm màu viền trên cờ hiệu là có thêm danh xưng Tương (Kubuhe, có viền), gọi là Tương Hoàng kỳ, Tương Lam kỳ, Tương Bạch kỳ, Tương Hồng kỳ, chính thức hình thành nên Bát kỳ.[8] Cờ xí của Chính tứ kỳ là hình vuông thuần sắc, đầu rồng hướng về sau; cờ xí của Tương tứ kỳ là hình ngũ giác, có thêm viền đỏ hoặc viền trắng, đầu rồng hướng về phía trước.[9][10]

Bát kỳ tổng hợp các chức năng hành chính, quân sự, xã hội và sản xuất, và có tác động sâu sắc đến sự trỗi dậy của Mãn Châu và nhà Thanh. Bát kỳ là một tổ chức hành chính, tất cả những người thuộc quyền quản lý của Ngưu lục đều là một bộ phận của tầng lớp xã hội Bát kỳ, tầng lớp thống trị dùng kỳ để cai trị họ và ban hành các mệnh lệnh của chính quyền. Các tướng sĩ Bát kỳ đều "ra là binh, vào là dân", trong thời chiến, binh lính sẽ được tuyển chọn từ các ngưu lục của mỗi kỳ. Sau khi chiến tranh kết thúc thì những tướng sĩ này lại quay về ngưu lục, lấy việc canh tác nuôi dưỡng việc chiến đấu. Hệ thống Bát kỳ cũng hợp nhất các bộ lạc trước đây phân tán không liên kết với nhau thành một tổ chức thống nhất và thiết lập một mô hình quản lý có trật tự với hệ thống Kỳ – Tham lĩnh – Tá lĩnh, để những người Bát kỳ có nguồn gốc khác nhau trở thành một chỉnh thể không dễ bị chia cắt.[11]

Lúc mới hình thành Bát kỳ, trong tên gọi Kỳ không hề phân chia dân tộc (Mãn – Mông – Hán). Đến năm 1629, sau khi Hoàng Thái Cực lên ngôi mới thấy có sự xuất hiện của ghi chép về hai kỳ thuộc Mông Cổ.[12] Năm 1635, sau khi Hậu Kim chinh phục Sát Cáp Nhĩ bộ đã tiến hành một cuộc sắp xếp biên chế quy mô lớn đối với đông đảo tráng niên Mông Cổ, bắt đầu hình thành nên Mông Cổ Bát kỳ (tiếng Mãn: ᠮᠣᠩᡤᠣ
ᡤᡡᠰᠠ
, Möllendorff: Monggo gūsa, Abkai: Monggo gvsa; tiếng Trung: 八旗蒙古; bính âm: bāqí ménggǔ).[13][14][15] Còn về Hán quân Bát kỳ, vốn là sau khi quân Hậu Kim tiến vào cùng Liêu NinhThẩm Dương, bắt và thu hàng được rất đông quân nhân người Hán, dùng hình thức nô bộc phân chia cho các Bối lặc, Đại thần. Sau khi Hoàng Thái Cực lên ngôi, đã biên tổ Hán quân Ngưu lục, dùng khoa cử, đề cử học sinh các loại để đề cao đãi ngộ của những người Hán này, khiến họ thoát khỏi thân phận nô bộc, trở thành người có hộ khẩu Kỳ tịch.[16] Kỳ Hán quân đầu tiên xuất hiện vào năm 1631, sau đó tách làm hai màu Đen – Xanh vào năm 1637, đến năm 1639 thì tách làm bốn kỳ. Đến năm 1642, tổ chức lại các Ngưu lục Hán quân và phân vào Bát kỳ, Hán quân Bát kỳ chính thức trở thành một bộ phận của Bát kỳ. Từ đây, bởi Bát kỳ được tạo bởi ba bộ phận chính là Mãn Châu – Mông Cổ – Hán quân mà một ít sử liệu sẽ gọi chung là "Nhị thập tứ Kỳ" (24 Kỳ).[17] Tuy nhiên, Mãn Châu – Mông Cổ – Hán quân dưới mỗi Kỳ là một chỉnh thể, cùng thuộc sự quản lý hành chính của một Kỳ chủ.[18] Vì vậy dù có tất cả 24 Cố sơn Ngạch chân cũng chỉ có 8 vị Kỳ chủ.[19] Ban đầu, mỗi kỳ có 7.500 quân, tổng cộng 8 kỳ có 6 vạn quân.[20] Việc mở rộng về cơ cấu Bát kỳ khiến cho biên chế quân chủ lực của nhà Thanh tăng lên đáng kể, lên đến 170.000 binh sĩ trong thời gian người Mãn Châu đánh chiếm Trung Quốc.[5]

Thay đổi theo chính trị

Cuộc đi săn của các Bối lặc

Vì Bát kỳ vốn do con cháu của Nỗ Nhĩ Cáp Xích nắm giữ, vì vậy sắp xếp các Kỳ cũng thường theo thứ tự "trưởng – ấu", tuy nhiên vì luân phiên thay đổi quyền lực thời Thanh sơ nên trên thực tế cũng có vài lần thay đổi chính. Trong những ghi chép còn lại hiện nay, ghi chép về sắp xếp sớm nhất là vào năm Thiên Mệnh thứ 7 (1622): Chính Hoàng kỳ – Tương Hoàng kỳ – Chính Hồng kỳ – Tương Hồng kỳ – Tương Lam kỳ – Chính Lam kỳ – Chính Bạch kỳ – Tương Bạch kỳ. Lúc đó, bản thân Nỗ Nhĩ Cáp Xích quản lý hai Hoàng kỳ, Đại Bối lặc Đại Thiện quản lý hai Hồng kỳ, Nhị Bối lặc A Mẫn quản lý Tương Lam kỳ, Tam Bối lặc Mãng Cổ Nhĩ Thái quản Chính Lam kỳ, Tứ Bối lặc Hoàng Thái Cực quản Chính Bạch kỳ và trưởng tôn của Nỗ Nhĩ Cáp Xích là Đỗ Độ quản Tương Bạch kỳ. Vì vậy, sắp xếp thứ tự Bát kỳ như vậy có liên quan đến thứ tự "trưởng – ấu" của người nắm giữ nó.[21] Về sau, Đại Thiện và hai người con trai do nguyên phối sinh ra là Nhạc ThácThạc Thác xuất hiện mâu thuẫn lớn, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã đem Tương Hồng kỳ giao cho hai anh em Nhạc Thác.[22]

Trong những năm cuối tại vị, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã giao Chính Hoàng kỳ cho A Tế CáchĐa Nhĩ Cổn, lại chia một nửa Tá lĩnh Tương Hoàng kỳ cho đích ấu tử là Đa Đạc, một phần còn lại vẫn do ông thống lĩnh. Lúc này, thứ tự của Chính Hoàng kỳ và Tương Hoàng kỳ hoán đổi cho nhau. Trước khi qua đời, Nỗ Nhĩ Cáp Xích để lại toàn bộ Tương Hoàng kỳ cho Đa Đạc. Từ đó, Đa Đạc và A Tế Cách trở thành Kỳ chủ của hai Hoàng kỳ.[23] Sau khi lên ngôi, Hoàng Thái Cực lấy lý do Hoàng kỳ vốn thuộc Đại Hãn, đã đem đổi hai Hoàng kỳ và hai Bạch kỳ.[24] Lại vì A Tế Cách và Đa Nhĩ Cổn đều là anh của Đa Đạc nên đem hai Bạch kỳ đổi cho nhau, Đa Đạc trở thành Kỳ chủ của Chính Bạch kỳ, A Tế Cách và Đa Nhĩ Cổn chia nhau Tương Bạch kỳ.[21][24] Việc hoán đổi này đã giúp Hoàng Thái Cực khuếch đại thế lực cho ngôi Hãn của mình.[25] Tháng 6 năm Thiên Thông thứ 4 (1630), A Mẫn bị hoạch tội cách tước, tất cả tài sản nô bộc của ông và con trai bao gồm Tương Lam kỳ đều giao cho người em trai cùng mẹ là Tế Nhĩ Cáp Lãng.[26][27] Tế Nhĩ Cáp Lãng trở thành Kỷ chủ Tương Lam kỳ.[28] Việc Hoàng Thái Cực giao Tương Lam kỳ cho Tế Nhĩ Cáp Lãng, người từ nhỏ được nuôi dưỡng trong cung,[29] được cho là hành động nhằm thu hồi dần quyền lực Bát kỳ từ tay các Bối lặc.[30] Không lâu sau, Mãng Cổ Nhĩ Thái cũng bị hoạch tội, Chính Lam kỳ bị Hoàng Thái Cực thu lại. Một thời gian ngắn sau, Hoàng Thái Cực tiến hành cải tổ ba kỳ bản thân đang trực tiếp quản lý, giao Chính Lam kỳ cho con trai trưởng là Hào Cách.[31] Hoàng Thái Cực lần lượt hạ bệ A MẫnMãng Cổ Nhĩ Thái, địa vị của hai Lam kỳ cũng theo đó mà giảm xuống, hình thành nên thứ tự Hoàng kỳ – Hồng kỳ – Bạch kỳ – Lam kỳ.[32]

Năm Sùng Đức thứ 8 (1643), Hoàng Thái Cực qua đời, mâu thuẫn về người kế vị bắt đầu nổi lên trong nội bộ hoàng thất cũng như triều đình. Thạc Thác vì muốn ủng hộ Đa Nhĩ Cổn lên ngôi mà bị kết tội "nhiễu loạn quốc chính", bị xử tử và tịch thu toàn bộ gia sản.[33] Sau khi Thuận Trị Đế lên ngôi, Đa Nhĩ Cổn trở thành Nhiếp chính vương, tiến hành cải tổ biên chế hai Bạch kỳ. Ông hoán đổi hai Bạch kỳ với nhau, lại điều Lĩnh chủ cùng kỳ với mình là A Tế Cách nhập vào kỳ do Đa Đạc quản lý. Từ đó Đa Đạc và A Tế Cách cùng chia nhau Tương Bạch kỳ, bản thân Đa Nhĩ Cổn một mình độc chiếm Chính Bạch kỳ. Địa vị của Chính Bạch kỳ cũng từ thứ 5 lên thứ 3, trên cả hai Hồng kỳ của một nhà Đại Thiện. Từ đó, thứ tự Bát kỳ trở thành: Tương Hoàng kỳ (Thuận Trị) – Chính Hoàng kỳ (Thuận Trị) – Chính Bạch kỳ (Đa Nhĩ Cổn) – Chính Hồng kỳ (Đại Thiện) – Tương Bạch kỳ (Đa Đạc, A Tế Cách) – Tương Hồng kỳ (Nhạc Thác) – Chính Lam kỳ (Hào Cách) – Tương Lam kỳ (Tế Nhĩ Cáp Lãng). Và thứ tự này không hề thay đổi cho đến cuối đời Thanh.[34] Năm 1648, Hào Cách bị bắt giam, Chính Lam kỳ vốn phải thuộc về Thuận Trị Đế thì nay lại bị Đa Nhĩ Cổn độc chiếm.[35] Sau khi Hào Cách qua đời trong ngục, Chính Lam kỳ chỉ còn 1 chi hoàng thất của A Ba Thái nhưng không được phong làm Kỳ chủ; vị trí này cũng để trống suốt 2 năm.[36] Tháng 4 năm 1649, Đa Đạc qua đời, theo lý khi con trai ông là Đa Ni thừa kế tước vị cũng sẽ thừa kế vị trí thống lĩnh Tương Bạch kỳ. Nhưng trên thực tế hai Bạch kỳ lúc này đã do Đa Nhĩ Cổn quản lý. Mặc dù Đa Ni vẫn được thừa hưởng thuộc nhân trong Tương Bạch kỳ mà cha để lại nhưng không được phong làm Kỳ chủ.[35] Đến cuối năm 1650, Đa Ni trở thành Kỳ chủ của Chính Lam kỳ. Đồng thời, Cố Sơn Ngạch chân của Tương Bạch kỳ cũng được điều nhậm đến Chính Lam kỳ. Điều này khiến cho một số học giả nhận định trước khi qua đời, Đa Đạc đã tiến hành trao đổi với Đa Nhĩ Cổn, đổi Tương Bạch kỳ lấy Chính Lam kỳ.[37]

Kỳ chủ của Bát kỳ thời kỳ đầu
Năm Tương Hoàng Chính Hoàng Chính Bạch Tương Bạch Chính Hồng Tương Hồng Chính Lam Tương Lam
1601 Nỗ Nhĩ Cáp Xích Chử Anh Đại Thiện Thư Nhĩ Cáp Tề
1615 Nỗ Nhĩ Cáp Xích Hoàng Thái Cực Đỗ Độ Đại Thiện Mãng Cổ Nhĩ Thái A Mẫn
TM Nỗ Nhĩ Cáp Xích A Tế Cách Hoàng Thái Cực Đỗ Độ Đại Thiện Nhạc Thác Mãng Cổ Nhĩ Thái A Mẫn
Đa Đạc * Đa Nhĩ Cổn * Thạc Thác *
1626 Hoàng Thái Cực Đa Đạc A Tế Cách Đại Thiện Nhạc Thác Mãng Cổ Nhĩ Thái A Mẫn
Đa Nhĩ Cổn * Thạc Thác *
1631 Hoàng Thái Cực Đa Đạc Đa Nhĩ Cổn Đại Thiện Nhạc Thác Hào Cách Tế Nhĩ Cáp Lãng
Thạc Thác *
1643 Thuận Trị Đa Nhĩ Cổn Đa Đạc Đại Thiện Nhạc Thác Hào Cách Tế Nhĩ Cáp Lãng
A Tế Cách *
(*): Tiểu kỳ chủ, hay Lĩnh chủ, người nắm số lượng Tá lĩnh ít hơn so với Kỳ chủ
Vương công Đại thần Bát kỳ

Năm thứ 7 (1650), Đa Nhĩ Cổn qua đời, Thuận Trị Đế bắt đầu thân chính. Để tăng cường Hoàng quyền, ông đích thân nắm giữ Chính Bạch kỳ vốn thuộc về Đa Nhĩ Cổn. Cũng từ đó, Hoàng đế đích thân thống lĩnh 3 kỳ Tương Hoàng, Chính Hoàng và Chính Bạch, xưng là "Thượng Tam kỳ". Kỳ tịch của Hoàng đế thuộc Tương Hoàng kỳ, xưng là "Tương Hoàng kỳ Đệ nhất Tham lĩnh Đệ nhất Tá lĩnh thượng ngự danh".[a] Cũng vì vậy mà Tương Hoàng kỳ trở thành Kỳ đứng đầu (头旗, tiếng Mãn: ᡶᡝᡵᡝ
ᡤᡡᠰᠠ
, Möllendorff: fere gūsa) của Bát kỳ.[38] 5 kỳ còn lại do cách vương công, bối lặc khống chế bao gồm Chính Hồng, Tương Bạch, Tương Hồng, Chính Lam, Tương Lam được gọi là "Hạ ngũ kỳ" với các kỳ chủ lần lượt là Lễ Thân vương (hậu duệ Đại Thiện), Túc Thân vương (hậu duệ Hào Cách), Khắc Cần Quận vương (hậu duệ Nhạc Thác), Dự Thân vương (hậu duệ Đa Đạc) và Trịnh Thân vương (hậu duệ Tế Nhĩ Cáp Lãng).[39] Vì trật tự của Bát kỳ có điểm khác biệt, nên người Bát kỳ nhờ vào chiến công hoặc được hoàng thất ban ân sẽ được được đưa từ Hạ Ngũ kỳ vào Thượng Tam kỳ, xưng là "Đài kỳ" (抬旗). Còn trong trường hợp đổi hộ khẩu sang Kỳ sắc hoặc Kỳ phân khác thì gọi là "Đổi kỳ".[40]

Danh sách Bát kỳ
Phân loại Danh xưng Cờ hiệu Chữ Mãn Âm Mãn Chữ Mông Cổ
(chữ cái Kirin)
Kỳ chủ
Thượng tam kỳ Tương Hoàng kỳ ᡴᡠᠪᡠᡥᡝ
ᠰᡠᠸᠠᠶᠠᠨ
ᡤᡡᠰᠠ
Kubuhe Suwayan Gūsa Хөвөөт Шар Хошуу Hoàng đế
Chính Hoàng kỳ ᡤᡠᠯᡠ
ᡧᡠᠸᠠᠶᠠᠨ
ᡤᡡᠰᠠ
Gulu Suwayan Gūsa Шүлүүн Шар Хошуу
Chính Bạch kỳ ᡤᡠᠯᡠ
ᡧᠠᠩᡤᡳᠶᠠᠨ
ᡤᡡᠰᠠ
Gulu Sanggiyan Gūsa Шүлүүн Цагаан Хошуу
Hạ ngũ kỳ Chính Hồng kỳ ᡤᡠᠯᡠ
ᡶᡠᠯᡤᡳᠶᠠᠨ
ᡤᡡᠰᠠ
Gulu Fulgiyan Gūsa Шүлүүн Улаан Хошуу Lễ Thân vương
Tương Bạch kỳ ᡴᡠᠪᡠᡥᡝ
ᡧᠠᠩᡤᡳᠶᠠᠨ
ᡤᡡᠰᠠ
Kubuhe Sanggiyan Gūsa Хөвөөт Цагаан Хошуу Túc Thân vương
Tương Hồng kỳ ᡴᡠᠪᡠᡥᡝ
ᡶᡠᠯᡤᡳᠶᠠᠨ
ᡤᡡᠰᠠ
Fubuhe Fulgiyan Gūsa Хөвөөт Улаан Хошуу Khắc Cần Quận vương
Chính Lam kỳ ᡤᡠᠯᡠ
ᠯᠠᠮᡠᠨ
ᡤᡡᠰᠠ
Gulu Lamun Gūsa Шүлүүн Хөх Хошуу Dự Thân vương
Tương Lam kỳ ᡴᡠᠪᡠᡥᡝ
ᠯᠠᠮᡠᠨ
ᡤᡡᠰᠠ
Kubuhe Lamun Gūsa Хөвөөт Хөх Хошуу Trịnh Thân vương

Thời nhà Thanh

Càn Long Đế kiểm duyệt tướng sĩ Bát kỳ

Trước khi nhập quan, vì duy trì chế độ phân phong Bát kỳ cho các Lĩnh chủ (tiếng Trung: 领主; nghĩa đen 'lãnh chúa') mà các Kỳ chủ có quyền sở hữu tuyệt đối đối với tài vật và thuộc nhân trong kỳ của mình quản lý. Nhưng từ sau khi Thuận Trị Đế đích thân thống lĩnh Thượng Tam kỳ, chế độ phân chia Bát kỳ cũ triệt để bị phá vỡ. Vì để tăng cường Trung ương tập quyền, Hoàng đế bắt đầu thu hồi quyền lực to lớn của các Kỳ chủ và các Nhập bát phân Vương công Lĩnh chủ trong Kỳ của họ.[41] Trong thời Thuận Trị, bắt đầu sử dụng chế độ mới đối với các Vương công, thay thế cho chế độ các Đại kỳ chủ chia đều quyền lực, cũng chấm dứt chế độ "Bát kỳ Nghị chính".[42] Càng về sau, quyền khống chế của các Kỳ chủ đối với quân đội của bản Kỳ cũng dần yếu đi. Đến thời Ung Chính, để tiến xa hơn một bước trên con đường tăng cường Trung ương tập quyền, Ung Chính Đế lấy lý do "Thiên hạ không thể có hai mặt trời" hạ chỉ dụ, xác định vị trí "Bát kỳ cộng chủ" (Chủ nhân chung của toàn bộ Bát kỳ) là Hoàng đế, chính thức chấm dứt quyền sỡ hữu trực tiếp của các Kỳ chủ đối với mỗi Kỳ (bao gồm quân đội, quan viên, tài vật,...).[43] chỉ lưu lại quyền khống chế trực tiếp đối với thuộc hạ tầng lớp Bao y. Từ đây, tất cả Kỳ phân Tá lĩnh đều hoàn toàn trực thuộc Hoàng đế. Quyền bổ nhiệm và bãi miễn quan viên trong Kỳ của mỗi Kỳ chủ bị đoạt đi toàn bộ, chưa kể trước đó trong thời Khang Hi, Đô thống Bát kỳ thi hành chế độ nhậm chức theo khóa kỳ, tránh việc các Vương công nắm thực quyền lớn.[44]

Năm Ung Chính nguyên niên (1723), nhà Thanh chính thức thiết lập Nha môn cho Đô thống Bát kỳ, chấm dứt tình trạng các Đô thống "làm việc tại phủ", không có công sở nha môn đã kéo dài trong suốt hơn 100 năm qua. Trên phương diện chính trị, nhà Thanh áp dụng chế độ phân chia "kỳ nhân"[b] và "dân nhân"[c]. Trên đất của người Hán, nhà Thanh vẫn áp dụng những chính sách cai trị cũ của nhà Minh, nhưng những người chịu sự quản lý của chế độ Bát kỳ thì có một hệ thống quản lý riêng, dường như giống với "Bên trong Trung Quốc có một Mãn Châu quốc".[45] Nhà Thanh lấy chế độ Bát kỳ làm hệ thống căn bản của quốc gia,[46] vì vậy những "Kỳ nhân" luôn có đặc quyền nhất định từ giáo dục, khoa cử, nhậm chức đến kinh tế, quân sự. Chức nghiệp chính của phần lớn con em Bát kỳ là mặc giáp tòng quân, "toàn dân đều là binh", thời bình thì tham gia sản xuất, thời chiến thì tòng chinh. Sau khi nhập quan, vì để củng cố sự thống trị, đồng thời giải quyết nỗi lo về sau của quan binh Bát kỳ, nhà Thanh thiết lập chế độ quân đội Bát kỳ thường trực và chế độ lương bổng. Từ đó quân lính Bát kỳ trở thành quân đội chuyên nghiệp, dùng cho trú phòng hoặc chinh chiến.[47] Tuy nhiên, hạn ngạch binh lính của nhà Thanh là có giới hạn, theo số lượng người Mãn càng lúc càng tăng, không phải người Mãn nào cũng được mặc giáp, mà càng về sau tỉ lệ người Mãn được mặc giáp càng ngày càng thấp. Ban đầu, những Kỳ nhân nhàn tản đều được ban cho ruộng đất nhưng vì bị trói buộc bởi chế độ mà không tiện canh tác, chỉ có thể đem cho tá điền thuê hoặc đem đi cầm cố, dẫn đến tình cảnh của những người Bát kỳ ở tầng lớp dưới càng ngày càng khó khăn, lâm vào trạng thái bần cùng.[48]

Đến những năm Càn Long, vấn đề kế sinh nhai của Bát kỳ bắt đầu hiện rõ. Để giảm nhẹ tình trạng này, một bộ phận kỳ nhân thuộc Hán quân đã rút khỏi hộ tịch Bát kỳ hay còn gọi là xuất kỳ, trở thành dân nhân.[49] Về sau, liên tiếp nhiều đời hoàng đế đều đưa một số con em Bát kỳ quay về vùng Đông Bắc khai khẩn, nhưng điều này chỉ trị được phần ngọn mà không trị được phần gốc. Ngoài lựa chọn đi lính nhập ngũ, kỳ nhân muốn vươn lên còn có thể chọn con đường đọc sách ra làm quan. Trong phương diện giáo dục, Bát kỳ mở ra tông học, giác la học, các loại quan học để giáo dục con em Bát kỳ.[50] Ngoài khoa cử, con em Bát kỳ còn có thể dựa vào những vị trí đặc thù như Bút thiếp thức, Phiên dịch Tiến sĩ, Thị vệ mà tiến vào con đường làm quan. Khi tiến hành bổ nhiệm quan viên, có sự phân biệt giữa vị trí cho người thuộc và không thuộc Bát kỳ, gọi là "kỳ khuyết"[d] và "hán khuyết"[e]. Kỳ nhân có thể được bổ nhiệm vào hán khuyết, nhưng điều ngược lại thì không.[51]

Vào đầu thời nhà Thanh, mức sống của hầu hết người Bát kỳ đều cao hơn so với người Hán bình thường.[52] Tuy nhiên, cuộc sống tương đối thoải mái cũng khiến binh lính Bát Kỳ dần xao nhãng việc tập trận. Triều đình nhà Thanh đã lấy "quốc ngữ, cưỡi ngựa bắn cung" làm quốc sách, nhưng đến thời Càn Long, hiện trạng binh lính kinh kỳ và quân Bát kỳ trú phòng các nơi trên khắp đất nước buông lỏng huấn luyện, không thông thạo võ thuật nghệ thuật đã xuất hiện. Mà trong các đại thần của Bát kỳ, người biết binh pháp càng ngày càng ít.[53] Tất cả những điều này đã tạo cơ hội cho Tương quân, Hoài quân cũng như các lực lượng vũ trang khác của người Hán trỗi dậy vào cuối triều đại nhà Thanh. Một phương diện khác, từ khi chiến tranh nha phiến xảy ra, khi các cường quốc phương tây đã sử dụng những loại vũ khí tiên tiến để tiến hành tấn công Trung Quốc, triều đình nhà Thanh vẫn ỷ vào "cưỡi ngựa bắn cung" đã bị thời gian đào thải. Triều đình nhà Thanh đã cố gắng tái cấu trúc Bát kỳ để thích ứng với thời cuộc, cũng như thành lập một loại quân đội mới, nhưng tất cả đều có rất ít tác dụng, và không thể ngăn chặn loạn trong giặc ngoài khiến Bát kỳ và nhà Thanh ngày càng suy bại.[54] Năm 1907, chính quyền nhà Thanh bãi bỏ chính sách phân chia kỳ dân để cai trị, nhưng chỉ 4 năm sau, Cách mạng năm 1911 nổ ra và nhà Thanh diệt vong.[55]

Tình trạng khái bát của Bát kỳ vào cuối thời Thanh
Danh xưng Cờ hiệu Binh lực Tổng nhân khẩu Kỳ chủ Những Lĩnh chủ khác Chú
Tương Hoàng kỳ 86 Tá lĩnh, 2 bán Tá lĩnh

Binh lực ~30.000

230.000 Hoàng đế Không có [f]
Chính Hoàng kỳ 92 Tá lĩnh, 2 bán Tá lĩnh

Binh lực ~32.000

250.000 Hoàng đế Không có
Chính Bạch kỳ 86 Tá lĩnh

Binh lực ~26.000

270.000 Hoàng đế Không có [g]
Chính Hồng kỳ 84 Tá lĩnh

Binh lực ~26,000

245.000 Lễ Thân vương[58] Thuận Thừa Quận vương[58]
Tương Bạch kỳ 84 Tá lĩnh

Binh lực ~26,000

230.000 Dự Thân vương[59] Thuần Thân vương[60]
Tương Hồng kỳ 86 Tá lĩnh

Binh lực ~28,000

230.000 Khắc Cần Quận vương[59] Trang Thân vương[59]
Chính Lam kỳ 83 Tá lĩnh, 11 bán Tá lĩnh

Binh lực ~27,000

250.000 Túc Thân vương[61] Duệ Thân vương[59]
Di Thân vương[62]
Tương Lam kỳ 87 Tá lĩnh, 1 bán Tá lĩnh

Binh lực ~28,000

250.000 Trịnh Thân vương [59] Cung Thân vương[63]
Khánh Thân vương[64]

Thời Dân Quốc

Sau khi Tuyên Thống thoái vị, Bát kỳ vẫn có thể giữ lại một số chức năng của mình nhờ vào "Điều kiện ưu đãi cho hoàng thất nhà Thanh". Nha môn Bát kỳ trực thuộc Quân đội Chính phủ Bắc Kinh của Trung Hoa Dân Quốc, chịu trách nhiệm xử lý các công việc liên quan đến người Bát kỳ như cấp phát quân tiền. Năm 1924, sau cuộc đảo chính ở Bắc Kinh, việc trả quân tiền cho kỳ nhân bị đình chỉ, Nha môn Bát kỳ chỉ còn là hình thức. Năm 1928, sau khi Quân đội Cách mạng Quốc dân tiến hành Bắc phạt thành công, Chính phủ Quốc dân chính thức bãi bỏ Nha môn Bát kỳ.[65] Ngoài kinh kỳ, quân trú phòng Bát kỳ ở phía đông bắc và tây bắc, chẳng hạn như Bố Đặt Cáp Bát kỳ, Sách Luân Bát kỳ ở Hô Luân Bối Nhĩ, Tích Bá doanh ở Tân Cương, vì nguyên nhân lịch sử mà vẫn được chính quyền Quốc dân giữ lại và xây dựng trở thành lực lượng bảo an địa phương. Năm 1932, Nha môn của Phó đô thống Hô Luân Bối Nhĩ và Bố Đặt Cáp Bát kỳ bị chính quyền Mãn Châu Quốc bãi bỏ và cải tổ lại.[66] Năm 1938, Tích Bá doanh với tư cách là tổ chức Bát kỳ cuối cùng cũng đã bị Chính quyền tỉnh Tân Cương xóa bỏ.[67][68][69][70]

Giai đoạn nửa cuối triều Thanh, những kỳ nhân Mông Cổ và Hán vì sự ảnh hưởng của Kỳ mà dẫn đến phong tục tập quán, ngôn ngữ và hành vi khác biệt tương đối lớn với người Mông Cổ, Hán truyền thống, lại trở nên giống với người Mãn Châu. Vì vậy đến thời Dân Quốc, những người này không chỉ bị người khác nhận định mà họ còn tự nhận mình là người Mãn về mặc văn hóa.[71] Khi chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tiến hành xác định dân tộc, việc tổ tiên gia tộc có được phân vào Bát kỳ hay không trở thành một trong những căn cứ tham khảo để phán định người Mãn Châu đương thời.[72] Vì vậy, người Mãn hiện nay là một khối cộng đồng dân tộc được hình thành chủ yếu từ sự hợp nhất nhiều tộc người thuộc Bát kỳ.[18][73][74][75] Với tư cách là tên gọi khác của dân tộc Mãn, "kỳ nhân" được lưu truyền cho đến ngày nay.[76][77]

Cơ cấu tổ chức

Theo quy định của Nỗ Nhĩ Cáp Xích, mọi người dân trong các bộ lạc Nữ Chân đều quy thuộc biên chế tổ chức nhân sự vào một trong 8 nhóm bộ lạc, được gọi là các "Kỳ" mà mỗi kỳ này là tập hợp tổ chức các bộ lạc, vừa là các đơn vị dân sự vừa mang tính chất quân sự. Về căn bản, ông vẫn giữ nguyên hình thức bộ lạc, vẫn duy trì chế độ tù trưởng (mà người Nữ Chân gọi là Beile: âm Hán Việt: Bối lặc), nhưng căn cứ theo số lượng người Nữ Chân có trong các bộ (bộ lạc), phân chia trên cơ sở như sau:[78][79]

Ngưu lục (Niru)[2] Giáp Lạt (Jalan) Kỳ / Cố sơn (Gūsa)
Cơ sở 300 nam giới 5 Ngưu lục 5 Giáp lạt
Người đứng đầu Ngưu lục Ngạch chân (tiếng Mãn: ᠨᡳᡵᡠ
ᡝᠵᡝᠨ
, Möllendorff: niru ejen)[h]
Giáp lạt Ngạch chân (tiếng Mãn: ᠵᠠᠯᠠᠨ
ᡝᠵᡝᠨ
, Möllendorff: jalan ejen)[i]
Cố sơn Ngạch chân (tiếng Mãn: ᡤᡡᠰᠠ
ᡳ ᡝᠵᡝᠨ
, Möllendorff: gūsa i ejen)
Đổi tên Ngưu lục Chương kinh (tiếng Mãn: ᠨ᠋ᡳᡵᡠ
ᠵᠠᠩᡤᡳᠨ
, Möllendorff: niru janggin) năm 1634
Giáp Lạt Chương Kinh (tiếng Mãn: ᠵᠠᠯᠠᠨ ᡳ
ᠵᠠᠩᡤᡳᠨ
, Möllendorff: jalan i janggin) năm 1634
Cố sơn Ngang bang (tiếng Mãn: ᡤᡡᠰᠠ ᠪᡝ
ᡴᠠᡩᠠᠯᠠᡵᠠ
ᠠᠮᠪᠠᠨ
, Möllendorff: gūsa be kadalara amban, hay tiếng Mãn: ᡤᡡᠰᠠ ‍
ᡳ ᠠᠮᠪᠠᠨ
, Möllendorff: gūsa i amban) năm 1723
Định danh Tá lĩnh Tham lĩnh Đô thống

Ở các kỳ quan trọng còn có thêm đơn vị Mai lặc (Meiren), gồm 10 Ngưu lục hợp thành, đứng đầu là một Mai lặc Ngạch chân (Meiren–i Ejen), danh xưng Hán Việt: Phó Đô thống.

Vì vậy tổ chức cơ bản trong Kỳ sẽ là Ngưu lục < Giáp Lạt (< Mai lặc) < Kỳ, ứng với chức vụ quản lý là Tá lĩnh < Tham lĩnh < Phó Đô thống < Đô thống. Trên các Đô thống là các Kỳ chủ, Lĩnh chủ, do bản thân Nỗ Nhĩ Cáp Xích và con cháu tức các Bối lặc đảm nhiệm, là các Nhập bát phân Vương công.[4] Các Bối lặc này được xem là có địa vị cao hơn các Bối lặc khác, nên còn được gọi là các Hòa Thạc Bối lặc (Holson Belei).

Quân Bát kỳ trong một buổi duyệt binh thời Càn Long. Quân Hữu dực ở bên trái ảnh, quân Tả dực ở bên phải ảnh.

Dân cư

Dân tộc

Trên cơ bản, Bát kỳ chia làm 3 tộc phân chính là Mãn Châu Bát kỳ, Mông Cổ Bát kỳ và Hán quân Bát kỳ, nhưng cụ thể mà nói thì rất phức tạp. Tộc duệ của Bát kỳ lấy Mãn Châu làm trung tâm, bộ phận chinh là Mông Cổ và Hán quân, ngoài ra còn có Cao Ly, Sách Luân, Tích Bá, HồiNga La Tư, thậm chí có cả người Việt (phế đế Lê Chiêu Thống).[83] Những người vốn là người Hán (hay còn gọi là Ni Kham trong tiếng Mãn), một phần được phân vào Hán quân Bát kỳ, một phần khác lại được phân vào Nội vụ phủ Kỳ cổ Tá lĩnh, một bộ phận nhỏ khác lại được phân vào Mãn Châu Bát kỳ.[84] Những người vốn là người Mông Cổ, chủ yếu được phân vào Mông Cổ Bát kỳ, một bộ phận nhỏ được phân vào Mãn Châu Bát kỳ.[85] một bộ phận cực nhỏ khác từng làm quan thời Minh thì được phân vào Hán quân Bát kỳ.[86] Những người vốn là người Cao Ly, một phần nhỏ được phân vào Kỳ phân Tá lĩnh của Mãn Châu Bát kỳ, còn phần lớn đều phân vào tầng lớp Bao y dưới Nội vụ phủ Cao Ly Tá lĩnh.[87][88] Còn những tộc người như Tích Bá, Sách Luân, chủ yếu là vào những năm Thiên Thông, Sùng Đức, theo quân Hậu Kim chinh chiến, sau lại theo quân Thanh nhập quan mà được phân vào Mãn Châu Bao y của Bát kỳ.[j] Những người Hồi phần lớn đều là người thuộc Hòa Trác thị đến Kinh sư vào những năm Càn Long.[89] Những người Nga như A Nhĩ Ba Tân quy phụ Đại Thanh vào những năm Thuận Trị, Khang Hi, được phân vào "Tương Hoàng kỳ Mãn Châu đệ tứ Tham lĩnh đệ thập thất Tá lĩnh", tục xưng "Nga La Tư Tá lĩnh".[90]

Tầng lớp

Trong Bát kỳ, có thể chia làm 3 tầng lớp cơ bản: Ngoại Bát kỳ, Nội Bát kỳ (tức Bao y) và Kỳ hạ Gia nô. Ngoại Bát kỳ chính là tức Kỳ phân Tá lĩnh trong Bát kỳ, nguyên là những người tự do thời Thanh trước khi nhập quan, cũng là một giai tầng phổ biến nhất của người Bát kỳ. Từ hậu duệ Quý tộc, hào môn thế gia, đến các con em Bát kỳ bình thường, ở giữa mặc dù có nhiều cấp bậc tước vị khác nhau, nhưng đều thuộc vào tầng lớp này.[83] Tầng lớp này được chia ra 3 phân hệ Bát kỳ chính là Mãn Châu, Mông CổHán quân. Nội Bát kỳ chính là Bao y, là tầng lớp phục vụ cho Hoàng thất Ái Tân Giác La, tức là Hoàng đế và các Kỳ chủ, Lĩnh chủ, Tông thất Vương công khác. Tuy nhiên, ngoài việc túc trực phục vụ Hoàng thất, thì Bao y là giai cấp có địa vị trong xã hội Mãn Châu, ngang bằng với tầng lớp Ngoại Bát kỳ, đều có hộ tịch chính thức và căn cứ theo "Luật lệ Đại Thanh", họ đều được xem là "lương dân" trong xã hội. Thượng Tam kỳ Bao y trực thuộc Nội vụ phủ, vì vậy thường gọi là Nội vụ phủ Bao y. Người thuộc tầng lớp Bao y cũng là người Bát kỳ chân chính, bọn họ cũng có thể có nô gia của riêng mình như những người Kỳ phân Tá lĩnh, chính là tầng lớp Kỳ hạ Gia nô (旗下家奴).[91]

Những người vốn thuộc tầng lớp Bao y cũng có thể được phân vào Kỳ phân Tá lĩnh nhờ công lao hoặc là người nhà của Hậu phi đắc sủng, thường là quy vào Mãn Châu hoặc Hán quân bổn kỳ (tức Bao y thì nâng lên Mãn Châu Tương Hoàng kỳ hoặc Hán quân Tương Hoàng kỳ), trường hợp này được gọi là "Xuất kỳ", cũng là một loại của "Đài kỳ".[40] Tầng lớp này chia làm Bao y Tá lĩnh, Bao y Kỳ cổ Tá lĩnh và Bao y Quản lĩnh, trong đó Bao y Tá lĩnh còn có thể được gọi là Bao y Mãn Châu Tá lĩnh để phân biệt. Kỳ hạ Gia nô chính là gia bộc của Bát kỳ Đại thần và những Kỳ nhân phổ thông khác, bọn họ không có hộ tịch độc lập mà thuộc về dưới danh nghĩa của chủ nhân, vì vậy mà bị xưng là "Hộ hạ nhân"[92] hoặc "Bát kỳ hộ hạ Gia nhân".[93] Theo "Luật lệ Đại Thanh", tầng lớp Kỳ hạ Gia nô thuộc về tầng lớp "tiện dân" trong xã hội, hoàn toàn không được tham gia khoa cử, hoặc xuất sĩ làm quan. Thời Thanh sơ, cho dù là binh lính Bát kỳ thông thường cũng có đông đảo Gia nô, phần đông trong số đó đều theo chủ nhân chinh chiến. Sau khi lập được chiến công, có khả năng sẽ được lập hộ tịch, trở thành "Khai hộ nhân", mặc dù tốt hơn so với Kỳ hạ Gia nô, nhưng chung quy vẫn thấp hơn so với người Bát kỳ, trong việc tuyển chọn binh lính, cũng chỉ có thể đảm nhậm những vị trí cực thấp. Thời Thanh trung – hậu kỳ, kế sinh nhai của người Bát kỳ càng lúc càng hiện ra vấn đề, phần đông Kỳ hạ Gia nô bị thả ra, hoặc bán cho những người Hán có tiền, rất nhiều Kỳ nhân không còn tiếp tục sở hữu Gia nô.[94] Mà phần lớn "Khai hộ nhân" cũng được Càn Long cho "Xuất kỳ", tuy nhiên một bộ phận nhỏ "Khai hộ nhân" tồn tại đã lâu, không thể tra nguồn gốc nên không thể đưa vào hàng ngũ Bát kỳ.[95]

Nhân khẩu

Thời Nỗ Nhĩ Cáp Xích, Hoàng Thái Cực, tổ chức Bát kỳ phát triển tương đối nhanh. Trước khi nhập quan, Mãn Châu Bát kỳ có 309 Tá lĩnh, 18 Bán phân Tá lĩnh; Mông Cổ Bát kỳ có 117 Tá lĩnh, 5 Bán phân Tá lĩnh; Hán quân Bát kỳ có 157 Tá lĩnh, 5 Bán phân Tá lĩnh; Mãn – Mông – Hán Bát kỳ tổng cộng 583 Tá lĩnh, 28 Bán phân Tá lĩnh.

Thời kỳ đầu sau nhập quan, do nhu cầu chiến tranh thống nhất Trung Quốc và bình định các cuộc nổi dậy phản Thanh, Mãn Châu Bát kỳ phát triển nhanh chóng.

  • Mãn Châu Bát kỳ thời Thuận Trị tăng thêm 8 Tá lĩnh, đạt 699 Tá lĩnh thời Khang Hi và 681 Tá lĩnh thời Gia Khánh.
  • Mông Cổ Bát kỳ tăng thêm 11 Tá lĩnh thời Thuận Trị, 76 Tá lĩnh thời Khang Hi và chính thức định chế tổng cộng 204 Tá lĩnh vào năm Ung Chính thứ 2 (1724). Lúc mới lập ra Bát kỳ, có một số lượng người Mông Cổ được phân vào Mãn Châu Bát kỳ, tính đến thời Thanh mạt thì có 35 Tá lính và 2 Bán phân Tá lĩnh vốn là người Mông Cổ nhưng lại xếp vào Mãn Châu Bát kỳ.
  • Hán quân Bát kỳ có tất cả 206 Tá lĩnh và 3 Bán phân tá lĩnh vào năm Thuận Trị thứ 15 (1658). Đến năm Khang Hi thứ 51 (1712) tăng đến 258 Tá lĩnh, 1 Bán phân Tá lĩnh. Đến năm Ung Chính thứ 12 (1734), chính thức định chế 270 Tá lĩnh. Về sau, vì kế sinh nhai của Bát kỳ càng lúc càng khó khăn, một bộ phận người thuộc Hán quân đã xuất kỳ, trở thành dân nhân. Đến năm Càn Long thứ 15 (1790), Hán quân Tá lĩnh giảm còn 266, từ đó về sau không thay đổi nữa.

Quân đội

Cấm lữ Bát kỳ

Phân bố quân trú phòng Kinh thành

Nhà Thanh đóng đô ở Bắc Kinh, đây cũng là đại bản doanh của Bát kỳ. Quân đội Bát kỳ đóng giữ ở Kinh sư được gọi là "Cấm lữ Bát kỳ", "Kinh lữ Bát kỳ" hoặc "Kinh kỳ".[96] Nhà Thanh thực hiện chế độ chia dân cư theo từng thành để sinh sống, án theo quy hoạch đại bản doanh đem Bát kỳ chia làm 2 là Tả dực (cánh trái, gồm Tương Hoàng kỳ, Chính Bạch kỳ, Tương Bạch kỳ, Chính Lam kỳ) và Hữu dực (cánh phải, Chính Hoàng kỳ, Chính Hồng kỳ, Tương Hồng kỳ, Tương Lam kỳ) để đóng quân trong nội thành Bắc Kinh, Hoàng thành và các địa phương bên ngoài.[97]

Quân cánh trái đóng ở thành Đông Bắc, lần lượt phân biệt đóng quân trong:[97]

Quân cánh phải đóng ở thành Tây Bắc, lần lượt phân biệt đóng quân trong:[97]

Kể từ đó, dù tính chất "Đại bản doanh Bát kỳ" của thành Bắc Kinh dần không còn như trước, nhưng vị trí trú phòng của Bát kỳ trong thành Bắc Kinh không hề xảy ra biến hóa.[98] Về mặt hành chính, quan binh trong Bát kỳ đều do Đô thống Nha môn của Kỳ đó quản lý, có chiến sự thì xuất binh, không có chiến sự thì lập tức rút về kinh thành, là lực lượng cơ bản của quân đội nhà Thanh. Binh sĩ của Cấm lữ Bát kỳ vào thời Thuận Trị là 8 vạn, thời Khang Hi là 10 vạn, đến thời Thanh Mạt, có chức quan là 6680 người, binh lính là hơn 12 vạn.[99]

Thể chế của "Cấm lữ Bát kỳ" là dựa theo binh chủng khác nhau mà thành lập các doanh khác nhau, lần lượt là Thân quân, Kiêu kỵ (Mã giáp), Tiền phong, Hộ quân, Bộ quân (Bộ giáp). Trong đó, Kiêu kị doanh, Hộ quân doanh, và Bộ quân doanh đều án theo từng Kỳ mà thiết lập; Tiền phong doanh án theo Tả – Hữu dực để thiết lập; Hộ quân doanh và Tiền phong doanh là Cảnh vệ cung cấm, lúc Hoàng đế ra ngoài thì làm tùy tùng đi theo, là thành phần tinh nhuệ trong quân đội Bát kỳ.[100] Sau đó lại từ các Doanh trên tuyển chọn ra Thần cơ doanh, từ trong Tiền phong doanh tuyển chọn ra Kiện duệ doanh, từ Hán quân của Kiêu kị doanh tuyển ra Thương doanh, Pháo doanh các loại, từ quân Mãn – Mông có luyện tập hỏa khí tuyển chọn ra Hỏa khí doanh, chính là lính đặc chủng.[101] Từ thời Khang Hi, quân Bát kỳ từng bước di cư ra khỏi thành Bắc Kinh, nguyên nhân là vì sự xuất hiện của Viên Minh viên, liền phải điều quan viên Bát kỳ trong Kinh thành đến nơi này để bảo vệ. Sau khi Viên Minh viên hoàn thành, các đời Hoàng đế thường xuyên ở lại đây vài tháng, vì vậy trên thực tế, Viên Minh viên là một tòa Hoàng cung thứ hai. Vì để bảo vệ sự an toàn của Viên Minh Viên, vào năm Ung Chính thứ 2 (1724), triều đình đã lên kế hoạch thiết lập Hộ quân doanh ở đây:

Trú phòng Bát kỳ

Nằm ở phía Tây thành Hàng Châu, là thành của Doanh trú phòng ở giữa Tiễn Đường môn và Dũng Kim môn, bắt đầu xây dựng vào năm Thuận Trị thứ 5 (1648)

Để có thể khống chế tốt lãnh thổ rộng lớn, nhà Thanh phân một bộ phận lớn quân Bát kỳ đến các địa phương đóng giữ, xưng là "Trú phòng Bát kỳ".[102] Ban đầu, để đề phòng nhà Nam Minh và các thế lực phản Thanh phục Minh, nhà Thanh chủ yếu tập trung bố trí lực lượng phòng thủ ở phía Nam, đặc biệt là Đông Nam. Về sau, đến nửa sau những năm Khang Hi, thế lực Chuẩn Cát Nhĩ quật khởi, vì vậy Khang Hi Đế bắt đầu tăng cường lực lượng phòng thủ ở phía Bắc. Chế độ Trú phòng Bát kỳ bắt đầu từ triều Thuận Trị, mở rộng và phát triển trong hai triều Khang – Ung, đến thời Càn Long thì hình thành định chế.[103]

Giữa những năm Thuận Trị, quân Bát kỳ Trú phòng ở các địa phương chỉ vẻn vẹn hơn 15 ngàn quân, đến thời Khang – Ung thì dần tăng lên hơn 9 vạn quân, đến Thanh trung kỳ thì đạt hơn 10 vạn, cũng từ đó mà binh ngạch của Bát kỳ Trú phòng về cơ bản ngang hàng với Kinh kỳ, kéo dài đến tận thời Thanh mạt. Đến thời Khang – Càn, nơi trú phòng của quân Bát kỳ ở Mãn Châu tăng từ 15 lên 44 nơi, tại các tỉnh khác thì tăng từ 9 lên 20 nơi. Trong những năm Càn Long, còn thiết lập thêm 8 nơi đóng quân ở Tân Cương. Trong đó, binh lực tại Đông Bắc chiếm gần một nửa binh lực trú phòng, số nơi trú phòng cũng chiếm hơn phân nửa.[103] Ngược lại, các địa phương khác chỉ có từ 1 đến 3 nơi đóng quân ở mỗi Tỉnh, trong đó phía bắc Trường Giang tương đối nhiều, còn lại Hồ Nam, Giang Tây, Quảng Tây, Quý Châu đều không bố trí trú phòng. Việc đóng giữ trong nội địa chủ yếu do hơn 60 vạn Lục kỳ binh đảm nhiệm, Bát kỳ Trú phòng chủ yếu đảm nhiệm vai trò giám sát. Quân Bát kỳ đóng giữ hơn 70 nơi trên toàn lãnh thổ Trung Quốc, đều là những thành trấn quan trọng hoặc những nơi thủy bộ trọng yếu. Căn cứ theo nhu yếu mà thiết lập Trú phòng Tướng quân, Đô thống, Phó Đô thống hoặc chỉ thiết lập Thành thủ Úy, Phòng thủ Úy làm thống lĩnh. Trú phòng Bát kỳ là lực lượng quan trọng của nhà Thanh để khống chế toàn lãnh thổ.[104] Ngoại trừ khu vực Đông Bắc, ở tất cả các địa phương trú phòng nhà Thanh cũng áp dụng chế độ phân chia "Kỳ nhân"[b] và "Dân nhân"[c], vừa để dễ quản lý, vừa để giảm khả năng bị người Hán ở địa phương đồng hóa.[105]

Ung Chính Đế từng nói, nơi Trú phòng chỉ là nơi đi công tác, Kinh sư mới là quê cha đất tổ.[106] Binh sĩ Trú phòng ban đầu đều là từ các Tá lĩnh Kinh kỳ phái ra, sau đó lại từ những Tá lĩnh khác nhau này, tại nơi Trú phòng hình thành nên những Tá lĩnh mới, tuy nhiên hộ tịch của họ vẫn nằm trong Tá lĩnh ban đầu. Tuy nhiên, dần dần do tính cố định hóa của chế độ, hộ tịch của người Bát kỳ trú phòng mặc dù vẫn thuộc nha môn Tá lĩnh cũ, nhưng quan hệ lại càng lúc càng nhạt đi, lại dần hình thành nên một quần thể mới ở đất trú phòng. Việc thực thi chế độ Bát kỳ trú phòng đã kiến cho dân cư Bát kỳ phân tán thành các tụ điểm dân cư nhỏ, rải khắp cả nước, nam đến Quảng Châu, bắc đến Ái Hồn, tây đến Y Lê, cuối cùng tập trung đông nhất vẫn là xung quanh kinh thành.[104]

Trú phòng theo địa phương

Năm Thuận Trị thứ 2 (1645), triều đình nhà Thanh cho thiết lập 3 đơn vị trú phòng địa phương bao gồm Giang Ninh, Hàng ChâuTây An. Quân trú phòng tại Giang Ninh bao gồm binh lính từ 4 kỳ cánh trái thuộc Mãn, Mông Bát kỳ, đứng đầu là 1 Ngang bang Chương kinh và 2 Phó đô thống. Một thời gian sau, vị trí đứng đầu lực lượng trú phòng được đổi thành Tổng quản và cuối cùng là Giang Ninh trú phòng Tướng quân vào năm 1663 dưới triều Khang Hi.[107] Khi mới thành lập, quân lực tại khu vực này là 4000 quân, nhưng đến năm 1763 dưới triều Càn Long thì giảm chỉ còn 2863 vì binh lính Mông Cổ đã được điều đến Trấn Giang, chỉ còn lại binh lính Mãn Châu tiếp tục đóng ở khu vực này.[108] Quân trú phòng tại Hàng Châu mặc dù được thành lập cùng thời gian nhưng vì điều kiện trú phòng khác biệt mà quân số nhiều lần tăng giảm, đến năm 1658 mới định ra hạn ngạch 4000 quân lính từ cánh phải. Năm 1674 dưới triều Khang Hi, vì Loạn Tam phiên mà quân số tăng lên đột ngột, đến khi biến loạn kết thúc thì lại khôi phục như ban đầu.[109]

Trú phòng Bát kỳ ở địa phương
Phân loại Địa phương Năm Tướng lĩnh Binh lực
Trực tỉnh Giang Ninh 1645 1 Tướng quân 4000 quân, đều là Mãn – Mông Bát kỳ, không có Hán quân
Hàng Châu 1645 1 Tướng quân 4000 quân, chủ yếu là Mãn – Mông, một ít Hán quân
Phúc Châu 1680 1 Tướng quân 1000 quân, đều là Hán quân Bát kỳ, về sau có tăng thêm
Quảng Châu 1681 1 Tướng quân 3000 quân đều thuộc Hán quân Bát kỳ:
  • 1125 quân thuộc Thượng Tam kỳ
  • 1875 quân thuộc Hạ Ngũ kỳ
Kinh Châu 1683 1 Tướng quân 4000 quân, đều là Mãn – Mông Bát kỳ, không có Hán quân
Thành Đô 1738 1 Tướng quân 1600 quân, về sau có tăng thêm quân
Khai Phong 1718 1 Thành thủ Úy 800 quân, đều là Mãn – Mông Bát kỳ
Thanh Châu 1729 1 Phó Đô thống 2000 quân, đều là Mãn Châu Bát kỳ
Đông Bắc Thịnh Kinh 1664
  • 1 Tướng quân
  • 4 Phó Đô thống
  • 1 Phó Đô thống
Thường giữ ở mức 5000 quân, thời Thanh mạt đạt đến 20000 quân
Cát Lâm 1676 1 Tướng quân 4000 quân phòng ngự
Hắc Long Giang 1683 1 Tướng quân 2000 quân phòng ngự
Tây Bắc

& biên cương

Ninh Hạ 1725 1 Tướng quân 3400 quân, về sau có giảm bớt
Tây An 1645 1 Tướng quân 4000 quân Mãn – Mông Bát kỳ, 3000 quân Hán quân Bát kỳ
Nhiệt Hà Sau 1723 1 Đô thống 3600 quân Mãn – Mông Bát kỳ:
Sát Cáp Nhĩ 1761 1 Đô thống 1000 quân Sát Cáp Nhĩ Bát kỳ[k]
Tuy Viễn 1761 1 Tướng quân 4100 quân Mông Cổ Bát kỳ
Tân Cương 1762
  • 1 Y Lê Tướng quân
  • 1 Ô Lỗ Mộc Tề Đô thống
  • 6400 quân Mãn – Mông Bát kỳ
  • 500 quân Đạt Thập Đạt Ngõa Ách Lỗ Đặc
  • 1000 quân Sách Luân Hắc Long Giang
  • 1000 quân Mông Cổ Sát Cáp Nhĩ
  • 1000 quân Đông Bắc Tích Bá
  • 2300 quân Ách Lỗ Đặc
  • 600 quân Sa Tất Nạp Nhĩ
  • 3000 quân Lục doanh

Chú thích

Ghi chú

  1. ^ Người Bát kỳ thông thường tự giới thiệu đều là "Mỗ Tá lĩnh hạ", duy chỉ có hộ khẩu của Hoàng Đế là "Mỗ Tá lĩnh thượng".[38]
  2. ^ a b Là những người có hộ tịch chính thống, tức là người thuộc Bát kỳ (hoặc Mông Cổ Minh kỳ)
  3. ^ a b Những người không thuộc Bát kỳ
  4. ^ Vị trí cần bổ khuyết dành cho kỳ nhân, hay người Bát kỳ.
  5. ^ Vị trí cần bổ khuyết dành cho dân nhân hay còn gọi là hán nhân, tức "người Hán", những người không thuộc Bát kỳ.
  6. ^ Là Kỳ đứng đầu.[56]
  7. ^ Những năm đầu Thuận Trị, kỳ chủ là Duệ Thân vương Đa Nhĩ Cổn. Sau khi Đa Nhĩ Cổn mất, Thuận Trị liền tiếp quản, từ đó trở thành 1 trong 3 kỳ Hoàng đế đích thân thống lĩnh.[57]
  8. ^ Thông thường là quan Tứ phẩm, phân chia làm 2 loại là được thế tập và không được thế tập. Thế tập Tá lĩnh thường là dựa theo công lao, chủ yếu chia thành huân cựu (hậu duệ các Quốc chủ, tộc trưởng), thế quản và hỗ quản Tá lĩnh. Tá lĩnh không được thế tập là do triều đình cử quan viên đảm nhiệm quản lý.[80]
  9. ^ Thông thường là quan Tam phẩm, ban đầu cứ 5 Tá lĩnh thuộc 1 Tham lĩnh, nhưng tùy thuộc vào việc tăng số lượng Tá lĩnh mà đến những năm Khang Hi, dưới mỗi Tham lĩnh đều là khoảng 20 Tá lĩnh.[81] Các kỳ Mông Cổ bởi vì nhân khẩu tương đối ít nên dưới 1 Tham lĩnh chỉ có 2-3 Tá lĩnh. [82]
  10. ^ Mãn Châu này không phải tộc duệ như Mãn - Mông - Hán Bát kỳ, mà là để phân biệt với Kỳ cổ, Cao Ly, Hồi tử,...
  11. ^ Là hệ thống Bát kỳ riêng, không thuộc Mãn - Mông - Hán Bát kỳ.

Tham khảo

  1. ^ Kim Quang Bình, Kim Khải Tông & Ô Lạp Hi Xuân (1996), tr. 230.
  2. ^ a b c Diêm Sùng Niên (2006), tr. 117.
  3. ^ Mạnh Sâm (2010), tr. 19.
  4. ^ a b Đỗ Gia Ký (2008), tr. 9.
  5. ^ a b Morton & Lewis (2008), tr. 178.
  6. ^ Wakeman 1985, tr. 53–54.
  7. ^ Mạnh Sâm (2010), tr. 20.
  8. ^ Đỗ Gia Ký (1997), tr. 4.
  9. ^ Văn phòng Sử chí Đại Liên (2002), tr. 119.
  10. ^ Viện bảo tàng Cố cung Thẩm Dương (2006), tr. 23.
  11. ^ Đỗ Gia Ký (1997), tr. 5.
  12. ^ Đỗ Gia Ký (2008), tr. 42.
  13. ^ Elliott (2001), tr. 59.
  14. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1682), Quyển 22.
  15. ^ Đỗ Gia Ký (2008), tr. 42–43.
  16. ^ Đỗ Gia Ký (2008), tr. 33.
  17. ^ Chiêu Liên (1980), tr. 336.
  18. ^ a b Đỗ Gia Ký (2008), tr. 46.
  19. ^ Lộc Trí Quân (2017), tr. 22.
  20. ^ Kha Xuân Kiều & Hà Nhân Học (2000), tr. 194.
  21. ^ a b Đỗ Gia Ký (2008), tr. 225.
  22. ^ Trương Ngọc Hưng (2004), tr. 415.
  23. ^ Đường Xương Tấn (1996), tr. 1476.
  24. ^ a b Đỗ Gia Ký (2005), tr. 119.
  25. ^ Trịnh Thiên Đỉnh (2003), tr. 93.
  26. ^ Chu Viễn Liêm (2015), tr. 30.
  27. ^ Mạnh Sâm & Dương Quốc Trinh (2006), tr. 528.
  28. ^ Diêu Niệm Từ (2008), tr. 255.
  29. ^ Diêu Niệm Từ (2008), tr. 120.
  30. ^ Guan, tr. 602.
  31. ^ Đỗ Gia Ký (2005), tr. 28.
  32. ^ Đỗ Gia Ký (2008), tr. 221, 226–227.
  33. ^ Vương Tư Trì (1987), tr. 203.
  34. ^ Đỗ Gia Ký (2008), tr. 228.
  35. ^ a b Đỗ Gia Ký (1998), tr. 182.
  36. ^ Diêu Niệm Từ (2008), tr. 312.
  37. ^ Chu Viễn Liêm (1993), tr. 381.
  38. ^ a b Kim Thụ Thân (1999), tr. 84.
  39. ^ Đỗ Gia Ký (2008), tr. 221, 229, 276–277.
  40. ^ a b Lý Vân Hà. “Từ đổi Kỳ và đài Kỳ xem sự thay đổi trong dân tộc Bát kỳ” (PDF) (bằng tiếng Trung). Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 22 tháng 12 năm 2017. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2017.
  41. ^ Đỗ Gia Ký (2008), tr. 256.
  42. ^ Đỗ Gia Ký (2008), tr. 257.
  43. ^ Mạnh Sâm (2010), tr. 79 - 80.
  44. ^ Đỗ Gia Ký (2008), tr. 259 - 260.
  45. ^ Mạnh Sâm (2010), tr. 5.
  46. ^ Lưu Tiểu Manh (2008), tr. 1.
  47. ^ Hội đồng biên tập Mãn tộc giản sử (2009), tr. 86.
  48. ^ Lưu Tiểu Manh (2008), tr. 216.
  49. ^ Lưu Tiểu Manh (2008), tr. 66.
  50. ^ Chiêu Liên (1980), tr. 286–287.
  51. ^ Chiêu Liên (1980), tr. 113, 224.
  52. ^ Lưu Tiểu Manh (2008), tr. 41.
  53. ^ Lưu Tiểu Manh (2008), tr. 221.
  54. ^ Lưu Tiểu Manh (2008), tr. 222.
  55. ^ Lưu Tiểu Manh (2008), tr. 229.
  56. ^ Đỗ Gia Ký (2008), tr. 221.
  57. ^ Đỗ Gia Ký (2008), tr. 229.
  58. ^ a b Đỗ Gia Ký (2008), tr. 276.
  59. ^ a b c d e Đỗ Gia Ký (2008), tr. 277.
  60. ^ Lý Yến Quang & Quan Tiệp (2003), tr. 669.
  61. ^ Đỗ Gia Ký (2008), tr. 276–277.
  62. ^ Diêm Sùng Niên (2003), tr. 334.
  63. ^ Viện bảo tàng Hồ sơ Bắc Kinh (2007), tr. 323.
  64. ^ Lý Trị Đình (1997), tr. 148.
  65. ^ Sở nghiên cứu lịch sử Cận đại, viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (2011), tr. 553, 555–556.
  66. ^ Hội đồng biên soạn (2008), tr. 32.
  67. ^ Trọng Cao (2008), tr. 1938.
  68. ^ Ngô Nguyên Phong & Triệu Chí Cường (2008), tr. 87.
  69. ^ Kê Nam & Ngô Khắc Nghiêu (1990), tr. 26-27.
  70. ^ Đông Giai Giang, 佟佳江 (ngày 13 tháng 11 năm 2009). 清代八旗制度消亡时间新议 [Thảo luận về thời gian chế độ Bát Kỳ nhà Thanh biến mất] (bằng tiếng Trung). Công trình biên soạn Thanh sử Quốc gia. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 11 năm 2017. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2017.
  71. ^ Kim Khải Tông (2009), tr. 5.
  72. ^ Elliott (2001), tr. 43.
  73. ^ Lý Lâm (2006), tr. 121.
  74. ^ Trương Giai Sinh (2008), tr. 230.
  75. ^ Đàm Lê Minh, 谭黎明; Dương Vĩnh Húc, 杨永旭 (ngày 1 tháng 5 năm 2009). 从八旗家谱看满族的民族构成 [Từ Gia phổ xem kết cấu dân tộc của Mãn tộc] (bằng tiếng Trung). Sở nghiên cứu lịch sử nhà Thanh, Đại học Nhân dân Trung Quốc. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 12 năm 2017. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2017.
  76. ^ Phòng biên tập Từ điển (2005), tr. 1073.
  77. ^ Bộ Giáo dục Đài Loan (2015). “旗人” [Kỳ nhân]. 重编国语辞典修订本. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 12 năm 2017. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2017.
  78. ^ Mười đại mưu lược gia Trung Quốc, sđd.
  79. ^ Quang Thiệu & Quang Ninh (2006)
  80. ^ Trịnh Thiên Đỉnh (2009a), tr. 175, 176.
  81. ^ Ngạc Nhĩ Thái (1985), tr. 25-294.
  82. ^ Mạnh Sâm (2010), tr. 85.
  83. ^ a b Triệu Nhĩ Tốn (1998), tr. 14640.
  84. ^ Hoằng Trú (2002), tr. 20 - 23.
  85. ^ Hoằng Trú (2002), tr. 16 - 19.
  86. ^ Triệu Nhĩ Tốn (1998), tr. 9285.
  87. ^ Đỗ Gia Ký (2008), tr. 440.
  88. ^ Ngạc Nhĩ Thái (1985), tr. 56, 93.
  89. ^ Triệu Nhĩ Tốn (1998), tr. 3863.
  90. ^ Ngạc Nhĩ Thái (1985), tr. 38.
  91. ^ Đỗ Gia Ký (2008), tr. 446.
  92. ^ Lưu Tiểu Manh (2008), tr. 56.
  93. ^ Trịnh Thiên Đỉnh (2009a), tr. 112, 201.
  94. ^ Đỗ Gia Ký (2008), tr. 444.
  95. ^ Lưu Tiểu Manh (2008), tr. 57.
  96. ^ Lưu Tiểu Manh (2008), tr. 6, 219.
  97. ^ a b c Lưu Tiểu Manh (2008), tr. 11–12.
  98. ^ Lưu Tiểu Manh (2008), tr. 12.
  99. ^ Lưu Tiểu Manh (2008), tr. 18.
  100. ^ Lưu Tiểu Manh (2008), tr. 16.
  101. ^ Trịnh Thiên Đỉnh (2009a), tr. 211.
  102. ^ Định Nghi Trang (2003), tr. 15–16.
  103. ^ a b Lưu Tiểu Manh (2008), tr. 20.
  104. ^ a b Lưu Tiểu Manh (2008), tr. 21.
  105. ^ Lưu Tiểu Manh (2008), tr. 23–29.
  106. ^ Ngạc Nhĩ Thái (1985), tr. 1326.
  107. ^ Vương Nhung Sanh (1991), tr. 319.
  108. ^ Dương Quốc Khánh & Vương Chí Cao (2008), tr. 552.
  109. ^ Định Nghi Trang (2003), tr. 25.

Tài liệu

Tiếng Việt

Tiếng Trung

Tiếng Anh

Read other articles:

High School Musical 2Release posterSutradaraKenny OrtegaProduserBill BordenKenny OrtegaDitulis olehPeter BarsocchiniPemeranZac EfronVanessa HudgensAshley TisdaleLucas GrabeelCorbin BleuMonique ColemanPenata musikRandy PetersonAntonnia ArmatoAndy DoddFaye GreenbergJamie HoustonDavid LawrenceAdam WattsMatthew GerrardKevin QuinnRobbie NevilShankar Mahadevan[1]SinematograferGordon LonsdalePenyuntingSeth FlaumDistributorDisney ChannelFamilyTanggal rilis17 Agustus 2007Durasi111 menit....

 

 

American diplomat A. S. J. CarnahanUnited States Ambassador to Sierra LeoneIn officeMay 11, 1961 – July 13, 1963Preceded byHerbert Reiner (Interim Chargé d'Affaires)Succeeded byAndrew Vincent CorryMember of the U.S. House of Representativesfrom Missouri's 8th districtIn officeJanuary 3, 1949 – January 3, 1961Preceded byParke M. BantaSucceeded byRichard Howard Ichord Jr.In officeJanuary 3, 1945 – January 3, 1947Preceded byWilliam P. ElmerSucceeded ...

 

 

Polish Roman Catholic prelate, canon lawyer and diplomat His ExcellencyJózef KowalczykArchbishop Emeritus of GnieznoPrimate Emeritus of PolandChurchRoman CatholicArchdioceseGnieznoInstalled26 June 2010Term ended17 May 2014OrdersOrdination14 January 1962by Józef DrzazgaConsecration20 October 1989by John Paul IIPersonal detailsBorn (1938-08-28) 28 August 1938 (age 85)Jadowniki MokreNationalityPolishMottoFiat Voluntas Tua (Thy will be done)Coat of arms Józef Kowalczyk (Polish p...

Perang Italia-Etiopia KeduaTentara Italia di Etiopia pada 8 November 1935TanggalOktober 1935–Mei 1936LokasiEtiopiaHasil Kemenangan Italia Italia menduduki Etiopia sampai tahun 1941Perubahanwilayah Penggabungan Etiopia ke ItaliaPihak terlibat Kerajaan Italia Kekaisaran EtiopiaDidukung oleh: Nazi JermanTokoh dan pemimpin Benito MussoliniEmilio De BonoPietro BadoglioRodolfo Graziani Haile SelassieRas ImruKekuatan 800.000 (hanya ~330.000 yang dimobilisasi) ~250.000Korban 1000-1500 tewas1 (...

 

 

2021 American crime drama film CherryRelease posterDirected byAnthony RussoJoe RussoScreenplay by Angela Russo-Otstot Jessica Goldberg Based onCherryby Nico WalkerProduced by Joe Russo Anthony Russo Mike Larocca Jonathan Gray Matthew Rhodes Jake Aust Chris Castaldi Starring Tom Holland Ciara Bravo Jack Reynor Jeff Wahlberg CinematographyNewton Thomas SigelEdited byJeff GrothMusic byHenry JackmanProductioncompanies The Hideaway Entertainment AGBO Endeavor Content Distributed byApple TV+(under ...

 

 

Permukaan dari lipida dwilapis. Lipidologi adalah sebuah dispilin ilmiah yang mempelajari lipid. Lipid merupakan satu kelompok dari makromolekul biologis yang memiliki banyak fungsi pada tubuh hewan.[1][2][3] Studi klinik dari metabolisme lipid di tubuh manusia mengarah kepada perkebangan dalam lipidologi terapeutik untuk mengobati penyakit seperti penyakit jantung.[4] Sejarah Dibandingkan dengan disiplin biomedik lainnya, lipidologi merupakan studi yang lama d...

Mythical monster in Chilean mythology This article includes a list of general references, but it lacks sufficient corresponding inline citations. Please help to improve this article by introducing more precise citations. (January 2012) (Learn how and when to remove this template message) Imbunche statue in Plaza de Ancud, Chile. In the Chilote folklore and Chilote mythology of Chiloé Island in southern Chile, the imbunche (Mapudungun: ifünche, lit. short person) is a legendary monster that ...

 

 

Fußballklub 03 Pirmasens e.V.Calcio Die Macht vom Horeb Segni distintivi Uniformi di gara Casa Trasferta Colori sociali Blu, bianco Dati societari Città Pirmasens Nazione  Germania Confederazione UEFA Federazione DFB Campionato Oberliga Fondazione 1903 Allenatore Peter Tretter Stadio Sportpark Husterhöhe(10 000 posti) Sito web www.fk-pirmasens.com Palmarès Si invita a seguire il modello di voce Il Fußballklub 03 Pirmasens e.V. è una squadra di calcio tedesca con sede nella ci...

 

 

Синелобый амазон Научная классификация Домен:ЭукариотыЦарство:ЖивотныеПодцарство:ЭуметазоиБез ранга:Двусторонне-симметричныеБез ранга:ВторичноротыеТип:ХордовыеПодтип:ПозвоночныеИнфратип:ЧелюстноротыеНадкласс:ЧетвероногиеКлада:АмниотыКлада:ЗавропсидыКласс:Пт�...

Voce principale: Associazione Calcio Savoia 1908. Unione Sportiva SavoiaStagione 1926-1927Sport calcio Squadra Savoia Allenatore Carlino Presidente Teodoro Voiello Seconda Divisione1º posto (Girone Campano)1º posto (Girone finale) Coppa ItaliaPrimo turno Maggiori presenzeCampionato: Giraud I, Orsini I, Orsini II, Rescigno (8)Totale: Giraud I, Orsini I, Orsini II, Rescigno (8) Miglior marcatoreCampionato: Maresca (11)Totale: Maresca (11) StadioCampo Oncino 1924-1925 1927-1928 Si invita...

 

 

Family of stocks used in Japanese cuisine This article is about the Japanese fish stock. For Dashi, the classical Chinese term for Arabs and Muslims, see Islam in China. DashiKatsuobushi shavings before being soaked in waterTypeStockPlace of originJapanVariationsKombu, shiitake, niboshi Cookbook: Dashi  Media: Dashi Some common brands of packaged instant dashi Dashi (出汁, だし) is a family of stocks used in Japanese cuisine. Dashi forms the base for miso soup, clear broth soup, ...

 

 

Bengali new year Pohela Boishakh (পহেলা বৈশাখ)Pohela Baishakh celebration in Dhaka, BangladeshOfficial namePohela Boishakh[1]Also calledPahela Baishak, Pahela Boishak, Poila Boishakh (পয়লা বৈশাখ)Observed byBengalisTypeSocial, cultural and national festivalCelebrationsBoishakhi Mela (fair), gift-giving, visiting relatives and friends, songs, danceDate14 April (Bangladesh) 15 April (India)FrequencyAnnualRelated toSouth and Southeast Asi...

2008 studio album by New Kids on the BlockThe BlockStudio album by New Kids on the BlockReleasedSeptember 2, 2008 (2008-09-02)Recorded2007-08Genre Pop dance-pop R&B blue-eyed soul pop rock Length60:43 (deluxe edition)LabelInterscopeProducer Hakim Abdoulsamad Nasri Atweh Polow da Don Fernando Garibay Jerome J-Roc Harmon Adida Kavarro Emanuel Kiriakou Adam Messinger Ne-Yo Aaron AP Pearce RedOne Teddy Riley Rick Rock Aliaune Akon Thiam Timbaland Donnie Wahlberg New Kid...

 

 

Uzbek footballer In this name that follows Eastern Slavic naming customs, the patronymic is Husanovich and the family name is Ismailov. Анзур ИсмаиловAnzur Ismailov Ismailov with Pakhtakor Tashkent in 2020Personal informationFull name Anzur Husanovich IsmailovDate of birth (1985-04-21) 21 April 1985 (age 39)Place of birth Tashkent, Uzbek SSR, USSRHeight 1.90 m (6 ft 3 in)Position(s) Defender, midfielderTeam informationCurrent team FC AGMKNumber 5Youth care...

 

 

У Вікіпедії є статті про інші значення цього терміна: Старий Крим (значення). Старий Крим Герб Старого Криму Прапор Старого Криму Основні дані Країна  Україна Область Автономна Республіка Крим(окупована й анексована Росією) Район Феодосійський район Код КАТОТТГ: UA01180630...

Mexican politician In this Spanish name, the first or paternal surname is Corro and the second or maternal family name is Silva. José Justo Corro10th President of MexicoIn office28 February 1836 – 19 April 1837Preceded byMiguel BarragánSucceeded byAnastasio BustamanteMinister of Justice and Ecclesiastical AffairsIn office18 May 1835 – 26 February 1836PresidentMiguel BarragánPreceded byJosé Mariano BlascoSucceeded byJoaquín de Iturbide Personal detailsBor...

 

 

この記事は広告・宣伝活動のような記述内容になっています。ウィキペディアの方針に沿った中立的な観点の記述内容に、この記事を修正してください。露骨な広告宣伝活動には{{即時削除/全般4}}を使用して、即時削除の対象とすることができます。(2022年8月) このページのノートに、このページに関する議論があります。議論の要約:Template:宣伝によ...

 

 

American college basketball season 1933–34 Georgetown Hoyas men's basketballConferenceEastern Intercollegiate ConferenceRecord12–11 (5-5 EIC)Head coachFred Mesmer (3rd season)CaptainTom Carolan (1st year)Home arenaTech GymnasiumSeasons← 1932–331934–35 → 1933–34 Eastern Intercollegiate Conference men's basketball standings vte Conf Overall Team W   L   PCT W   L   PCT Pittsburgh 8 – 0   1.000 18 – 4   .818 ...

Burkinabé footballer (born 1988) Alain Traoré Traoré with Lorient in 2013Personal informationFull name Sibiri Alain Traoré[1][2]Date of birth (1988-12-31) 31 December 1988 (age 35)Place of birth Bobo Dioulasso, Burkina FasoHeight 1.76 m (5 ft 9 in)Position(s) StrikerTeam informationCurrent team Arta/Solar7Number 14Youth career Planète ChampionSenior career*Years Team Apps (Gls)2004–2005 Planète Champion 19 (7)2005–2012 Auxerre 56 (14)2009 → Bres...

 

 

Late 15th-century Portuguese maritime explorer Bartolomeu DiasStatue of Dias at the High Commission of South Africa in LondonBorn1450Died( 1500 -05-29)29 May 1500 (aged approximately 50)South Atlantic Ocean, near the Cape of Good HopeNationalityPortugueseOther namesBartholomew DiazOccupation(s)Navigator and explorerKnown forBeing the first European mariner to round the southern tip of Africa Bartolomeu Dias[pron 1] (c. 1450 – 29 May 1500) was a Portuguese mariner and explo...