Khoảng những năm 1601, Nỗ Nhĩ Cáp Xích dựa theo chế độ "Mãnh an mưu" của người Nữ Chân, quy định ra Biên chế cơ bản cho Bát kỳ, sau đó lại đặt ra 4 Kỳ phân biệt theo màu cờ hiệu là Hoàng (Suwayan), Bạch (Sanggiyan), Hồng (Fulgiyan), Lam (Lamun). Bạch kỳ được giao cho Chử Anh - con trai trưởng đồng thời là người thừa kế được chỉ định của Nỗ Nhĩ Cáp Xích.
Về sau, khi thống nhất hoàn toàn các bộ lạc Nữ Chân, Nỗ Nhĩ Cáp Xích tổ chức tăng thêm bốn kỳ nữa. Các kỳ cũ được thêm danh xưng Chính (Gulu, không có viền), còn các kỳ mới có thêm màu viền trên cờ hiệu là có thêm danh xưng Tương (Kubuhe, có viền), gọi là Tương Hoàng kỳ, Tương Lam kỳ, Tương Bạch kỳ, Tương Hồng kỳ. Đồng thời, năm 1615, Chử Anh bị dèm pha nên đã bị Nỗ Nhĩ Cáp Xích bắt giam và bức tử. Nỗ Nhĩ Cáp Xích giao lại Tương Bạch kỳ cho trưởng tôn Đỗ Độ - con trai trưởng của Chử Anh và Chính Bạch kỳ giao lại cho người con trai thứ 8 là Hoàng Thái Cực.
Năm Sùng Đức thứ 8 (1643), Hoàng Thái Cực qua đời. Sau khi Thuận Trị Đế lên ngôi, Đa Nhĩ Cổn trở thành Nhiếp chính vương, tiến hành cải biên hai Bạch kỳ, Đa Đạc và A Tế Cách cùng chia nhau Tương Bạch kỳ, Đa Đạc trở thành Đại kỳ chủ của Tương Bạch kỳ, A Tế Cách là Tiểu Kỳ chủ.
Năm thứ 7 (1650), Đa Nhĩ Cổn qua đời, Thuận Trị Đế bắt đầu thân chính. Để tăng cường Hoàng quyền, ông đích thân nắm giữ Chính Bạch kỳ vốn thuộc về Đa Nhĩ Cổn, trả Tương Bạch kỳ (vốn là Chính Lam kỳ cũ) cho hậu duệ Hào Cách. Từ đó, Túc vương phủ là Kỳ chủ của Tương Bạch kỳ.
Chú 1: Thứ tự Kỳ chủ Bát kỳ căn cứ theo định chế cuối cùng thời Thuận Trị. Trong Hạ ngũ kỳ, ngoại trừ các Thiết mạo tử vương là Kỳ chủ, những Vương, Bối lặc, Bối tử cùng các Tông thất Nhập bát phân khác cũng đảm nhậm Lĩnh chủ lớn nhỏ khác nhau trong mỗi kỳ. Chú 2: Chỉ có Nội vụ phủ Tam kỳ mới có Cao Ly, Hồi Tử, Phiên Tử. Phiên Tử Tá lĩnh nhập vào trong Mãn Châu Chính Hoàng kỳ vào năm Càn Long thứ 42 (1777), Quản lĩnh lẫn lộn vào, không thuộc vào danh sách tộc chúc.