Giáo phận Đà Nẵng (tiếng Latin: Dioecesis Danangensis) là một giáo phậnCông giáo Rôma ở Việt Nam. Địa giới gồm thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, rộng 11.723 km². Cuối năm 2017, giáo phận có 72.495 giáo dân (chiếm 2,8%) trên tổng số dân cư 2.827.000 người, với 110 linh mục quản lý 50 giáo xứ.[2]
Các tài liệu Công giáo ghi nhận khởi đầu quá trình truyền giáo tại đây qua các thừa sai đi theo các thương nhân Công giáo người Bồ Đào Nha, Pháp, Ý như Francesco Buzomi, Diego Carvalho, Antonio Dias và Paul đến Cửa Hàn, Hội An ngày 18 tháng 1 năm 1615), Francisco de Pina (1622 - 1623), Alexandre de Rhodes (1624/ 1640/ 1642). Các tài liệu này cũng ghi nhận địa danh Cù lao Chàm với việc Duarte Coelho dựng Thánh giá (1516). Khi vùng truyền giáo Đại Việt được thành lập, vùng giáo phận Đà Nẵng ngày nay từng là nơi Giám mục Lambert de la Motte tổ chức Công nghị năm 1664 và Công nghị lần II do Giám mục Guillaume Mahot Mão (1682 - 1684) tổ chức tại Hội An ...
Giáo phận Đà Nẵng khi mới thành lập bao gồm thị xã Đà Nẵng, tỉnh Quảng Tín và tỉnh Quảng Nam, với tổng diện tích là 11.555 km2, dân số là 1.100.000 người; tân Giáo phận có 35 địa sở, 365 họ nhánh với hơn 84.000 giáo dân và 15.000 dự tòng, 40 linh mục và một số ít nam nữ tu sĩ.
Theo thống kê năm 2014, giáo phận Đà Nẵng có 50 giáo xứ, 3 giáo họ biệt lập, phân bố trong 5 giáo hạt thuộc tỉnh Quảng Nam và Thành phố Đà Nẵng. Số giáo dân là 68.371 trên tổng số dân trong cùng địa bàn và cùng thời kỳ là 2.348.070 người, chiếm tỉ lệ 2,8%. Tổng số linh mục trong Giáo phận là 105 vị, trong đó có 81 linh mục giáo phận và 24 linh mục từ các Hội dòng. Có 235 nữ tu thuộc các hội dòng đang phục vụ tại Giáo phận và 32 đại chủng sinh đang theo học tại Đại Chủng viện Huế hoặc đang thực tập mục vụ. Về Giáo lý, có 925 giáo lý viên phụ trách việc giảng dạy cho 10.271 học viên giáo lý các cấp.
Tính đến cuối năm 2017, Giáo phận có 72.495 giáo dân, 110 linh mục (Triều: 85 vị + Dòng: 25 vị), 50 giáo xứ và 7 giáo họ biệt lập có linh mục coi sóc.[3]
Ngày 25/3/2019, Giáo họ Biệt lập Hòa Minh được nâng lên thành Giáo xứ Hòa Minh.[4]