Một nhóm người Anh theo Dòng Tên thành lập tỉnh Maryland (nay là tiểu bang Maryland) vào năm 1634.[32] Sự thất bại của phe Bảo hoàng trong Nội chiến Anh vào năm 1646 đã dẫn đến sự ra đời của nhiều luật lệ hà khắc. Các chính sách mới này bao gồm việc trục xuất các tu sĩ Công giáo La Mã và Dòng Tên ra khỏi thuộc địa Maryland và việc phá hủy các trường học của họ tại Trang viên Calverton.[1] Mãi cho đến sau khi Cách mạng Mỹ kết thúc, kế hoạch tái thành lập một cơ sở giáo dục Công giáo lâu dài ở Hoa Kỳ mới được thực hiện.[33]
Qua sự giới thiệu và tiến cử từ Benjamin Franklin, một trong những kiến quốc phụ của Hoa Kỳ, Giáo hoàng Piô VI đã bổ nhiệm tu sĩ Dòng Tên John Carroll làm Tổng giám mục đầu tiên của Giáo hội Công giáo La Mã ở Hoa Kỳ, mặc dù lúc này lệnh đàn áp của Giáo hoàng đối với Dòng Tên vẫn còn hiệu lực. Vào năm 1783, Carroll đã mời gọi và điều phối các giáo sĩ địa phương lên kế hoạch phát triển một trường đại học mới.[34] Vào ngày 23 tháng 1 năm 1789, Carroll hoàn tất việc mua một khu đất tại Georgetown để xây dựng trường. William Gaston, người sau này trở thành Nghị sĩ Hoa Kỳ, trở thành sinh viên đầu tiên của trường vào ngày 22 tháng 11 năm 1791, và việc giảng dạy chính thức bắt đầu vào ngày 2 tháng 1 năm 1792.[34]
Trong những năm đầu thành lập, Trường Đại học Georgetown gặp nhiều khó khăn về tài chính. Để quyên tiền cho Georgetown và các trường học khác, Dòng Tên Maryland đã tiến hành bán hàng loạt đất đai, đồn điền cũng như các nô lệ mà họ sử hữu vào năm 1838.[35][36]
Nội chiến Hoa Kỳ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến Georgetown bởi trường có hơn 1.141 sinh viên và cựu sinh viên phải nhập ngũ vào Quân đội Liên bang miền Bắc hoặc Quân đội Liên minh miền Nam. Chính các toà nhà của trường cũng bị Quân đội Liên bang miền Bắc chiếm đóng và sử dụng làm sở chỉ huy.[33] Vào thời điểm Tổng thống Abraham Lincoln đến thăm khuôn viên trường vào tháng 5 năm 1861, có hơn 1.400 binh sĩ đang sống hoặc tạm trú tại trường.
Sau Nội chiến Mỹ, trường Georgetown đã sử dụng hai màu xanh lam (màu đồng phục của quân đội miền Bắc) và xám (màu đồng phục của quân đội miền Nam) làm màu chính thức của trường nhằm biểu thị sự đoàn kết và hòa bình giữa các sinh viên.[40]
Do số người thiệt mạng trong chiến tranh, số lượng tuyển sinh của trường đã rơi xuống mức rất thấp. Đơn cử như vào năm 1869, chỉ có bảy sinh viên tốt nghiệp so với hơn 300 sinh viên trong thập kỷ trước đó.[43] Phải đến thời Patrick Francis Healy làm hiệu trưởng (1873-1881) thì số lượng sinh viên của trường mới dần ổn định và tăng trở lại. Là người đa chủng tộc, Healy là hiệu trưởng đầu tiên của một trường đại học tại Mỹ không phải là người da trắng.[b] Ông có công cải cách chương trình giảng dạy đại học, kéo dài các chương trình y khoa và luật, đồng thời thành lập hiệp hội cựu sinh viên. Ông cũng cho xây dựng thêm một tòa nhà lớn mới, sau này đã được đặt tên là Hội trường Healy để vinh danh ông. Nhờ những thành tựu này, Healy được biết đến là "người sáng lập thứ hai" của trường.[44]
Sau khi thành lập Khoa Luật vào năm 1870, Healy và những người kế nhiệm ông đã tập trung vào giáo dục sau đại học cũng như đẩy mạnh tổ chức các khoa chuyên nghiệp nhằm đưa Georgetown thành một viện đại học (university). Trường Y thành lập thêm Khoa Nha khoa vào năm 1901 và Khoa Điều dưỡng vào năm 1903.[45] Nhằm tập trung cho giáo dục đại học, Trường Dự bị (tương đương bậc phổ thông trung học) bị chuyển khỏi khuôn viên chính của trường vào năm 1919 và sau đó được tách hoàn toàn khỏi Georgetown vào năm 1927. Trường Dịch vụ Đối ngoại (SFS) được thành lập vào năm 1919 bởi Edmund A. Walsh nhằm chuẩn bị cho sinh viên khả năng lãnh đạo trong ngoại giao và thương mại quốc tế. Trường Kinh doanh được tách khỏi Trường Dịch vụ Đối ngoại vào năm 1957.[46]
Bên cạnh việc mở rộng trường, Georgetown còn hướng đến mở rộng nguồn lực và số lượng sinh viên. Trường Điều dưỡng bắt đầu tiếp nhận sinh viên nữ kể từ khi thành lập. Đến năm 1952, hầu hết các lớp tại Georgetown cho phép phụ nữ theo học với số lượng hạn chế. Đến năm 1969, Georgetown chính thức cho phép nam nữ học chung.[47]
Ngày nay
Năm 1975, Georgetown thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ả Rập Đương đại với sự tài trợ từ chính phủ Hoa Kỳ, Ả Rập Saudi, Oman và Libya cũng như các tập đoàn Mỹ có lợi ích kinh doanh ở Trung Đông.[48][49] Nhân dịp kỷ năm 200 năm thành lập trường, Georgetown đã bầu Leo J. O'Donovan làm tân hiệu trưởng. O'Donovan đã phát động Chiến dịch Thế kỷ thứ ba để xây dựng nguồn tài trợ cho trường. Vào tháng 12 năm 2003, Georgetown hoàn thành chiến dịch này sau khi huy động được hơn 1 tỷ đô la. Năm 2005, Georgetown nhận được món quà trị giá 20 triệu USD từ Hoàng gia Ả Rập Xê Út để mở rộng hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Hồi giáo-Cơ đốc giáo mang tên Hoàng tử Alwaleed Bin Talal.[50]
Vào tháng 10 năm 2002, Georgetown bắt đầu nghiên cứu tính khả thi của việc mở một cơ sở tại Trung Đông sau khi Quỹ Qatar lần đầu tiên đề xuất ý tưởng này. Cơ sở Qatar của Georgetown chính thức mở cửa vào năm 2005 cùng với bốn trường đại học khác của Hoa Kỳ thuộc dự án Thành phố Giáo dục tại Doha, Qatar.[51] Cùng năm đó, Georgetown bắt đầu tổ chức một hội thảo kéo dài hai tuần tại Trường Quan hệ Quốc tế và Công vụ của Đại học Phục Đán ở Thượng Hải, Trung Quốc. Đến năm 2008, Văn phòng liên lạc của Georgetown tại Phục Đán chính thức mở cửa.[52]
Tính đến năm 2017, trường có 7.463 sinh viên đại học và 11.542 sinh viên sau đại học.[56]
Đại học Georgetown cung cấp các chương trình cử nhân với hơn 48 chuyên ngành ở 5 trường khác nhau và tạo cơ hội cho sinh viên thiết kế các khóa học của mình. Tất cả các chuyên ngành tại Trường Đại học Nghệ thuật & Khoa học không chỉ cho phép sinh viên của trường đó theo học mà còn cho phép sinh viên từ các trường khác ghi danh, bao gồm Trường Điều dưỡng, Trường Y tế và Trường Kinh doanh. Học sinh tại Trường Dịch vụ Đối ngoại có thể hoàn thành các chứng chỉ chọn lọc bổ sung với trọng tâm về đối ngoại cũng như theo học một trong 12 ngôn ngữ mà trường giảng dạy. Tất cả các khóa học đều theo hệ thống tín chỉ. Georgetown cũng cung cấp nhiều cơ hội du học và khoảng một nửa số sinh viên đại học từng theo học tại một trường hoặc cơ sở ở nước ngoài, bao gồm cơ sở tại Qatar và Italy.
Các chương trình thạc sĩ và tiến sĩ được cung cấp thông qua Trường Cao học Khoa học & Nghệ thuật, Trung tâm Luật, Trường Y, Trường Chính sách Công McCourt và Trường Giáo dục Thường xuyên. Trường Kinh doanh McDonough và Trường Dịch vụ Đối ngoại Edmund A. Walsh đều cung cấp các chương trình thạc sĩ.
Tuyển sinh và xếp hạng
Công tác tuyển sinh của Georgetown được U.S. News & World Report đánh giá là "chọn lọc nhất" với tỷ lệ trúng tuyển tổng thể của bậc đại học là 11,7% cho khóa 2025[57] và là một trong 10 đại học có tỷ lệ trúng tuyển thấp nhất tại nước này.[17] Tính đến năm 2011, các trường sau đại học của Georgetown có tỷ lệ chấp nhận là 2,7% (Trường Y Dược),[58] 12,9% (Trung tâm Luật)[59], 16% (Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh)[60].
Tính đến năm 2017, Đại học Georgetown đã tuyển dụng 1.414 giảng viên toàn thời gian và 1.196 giảng viên bán thời gian tại 3 cơ sở ở Washington, D.C., và cơ sở Qatar.[73] Giảng viên bao gồm các học giả hàng đầu và các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh nổi tiếng. Tuy nhiên, hiện có sự bất đồng về tỷ lệ giới tính trong số đội ngũ giảng viên của trường, với tỷ lệ nam-nữ là hai đối một.[74] Về mặt chính trị, các giảng viên của Đại học Georgetown hỗ trợ nhiều hơn cho các ứng cử viên theo chủ nghĩa tự do và đóng góp nhiều hơn mức trung bình cho chiến dịch tranh cử của các ứng viên thuộc Đảng Dân chủ như Barack Obama và John Kerry.[75][76]
Các giảng viên tại trường bao gồm cựu Chủ tịch Hiệp hội Ngữ văn Hoa Kỳ James J. O'Donnell, nhà thần học John Haught, nhà hoạt động xã hội Sam Marullo và Chai Feldblum, người đoạt giải Nobel George Akerlof, nhà văn và người ủng hộ nhân quyền Carolyn Forché, nhà phê bình văn học Maureen Corrigan, nhà ngôn ngữ học Deborah Tannen, triết gia kinh doanh Jason Brennan, và học giả hip-hop Michael Eric Dyson.[77][78][79] Nhiều cựu chính trị gia cũng tham gia giảng dạy tại Georgetown, bao gồm cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright và Henry Kissinger, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Jeane Kirkpatrick, cựu Giám đốc USAID Andrew Natsios, Cố vấn An ninh Quốc gia Anthony Lake và Giám đốc CIA George Tenet, các Thẩm phán và Chánh án Tòa án Tối cao như William J. Brennan, Jr., Antonin Scalia và John Roberts. Trên bình diện quốc tế, trường thu hút nhiều cựu đại sứ và nguyên thủ quốc gia, như Thủ tướng Tây Ban Nha José María Aznar, Hoàng tử Saudi Turki bin Faisal Al Saud, Tổng thống Costa Rica Laura Chinchilla và Tổng thống Colombia Álvaro Uribe.[80][81][82]
Nghiên cứu
Đại học Georgetown được xếp vào nhóm "R1: Các trường đại học tiến sĩ – Hoạt động nghiên cứu rất cao". Tính đến năm 2014, năm thư viện của Georgetown lưu giữ hơn 3,5 triệu bản in, bao gồm 1,25 triệu sách điện tử. Ngoài ra, khuôn viên Trường Luật còn có thư viện luật lớn thứ năm tại Mỹ. Các phân khoa của Georgetown tiến hành nghiên cứu hàng trăm môn học, nhưng ưu tiên các lĩnh vực tôn giáo, đạo đức, khoa học, chính sách công và điều trị ung thư. Trường cũng tổ chức hợp tác nghiên cứu với Đại học Columbia và Đại học Bách khoa Virginia.
Năm 2019, Georgetown đã chi 240,9 triệu đô la cho nghiên cứu, xếp thứ 101 trên toàn quốc.[84] Năm 2007, trường nhận được khoảng 14,8 triệu USD từ quỹ liên bang dành cho nghiên cứu, trong đó 64% từ Quỹ Khoa học Quốc gia, Viện Y tế Quốc gia, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ và Bộ Quốc phòng.[85] Năm 2010, trường đã nhận được 5,6 triệu đô la từ Bộ Giáo dục để tài trợ học bổng trong một số lĩnh vực nghiên cứu quốc tế.[86] Trung tâm Ung thư Toàn diện Lombardi của Georgetown là một trong 41 trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về ung thư toàn diện ở Hoa Kỳ và đã phát triển vắc-xin HPV đột phá cho bệnh ung thư cổ tử cung[87] và công nghệ Tế bào tái lập trình có điều kiện (CRC).[88]
Cựu sinh viên
Sinh viên tốt nghiệp Đại học Georgetown đạt nhiều thành công trong các lĩnh vực khác nhau và giữ vị trí lãnh đạo ở cả khu vực nhà nước và tư nhân. Ngay sau khi tốt nghiệp, khoảng 73% sinh viên có việc làm, trong khi số còn lại tiếp tục học lên cao học (theo số liệu năm 2017).[89] Các cựu sinh viên Georgetown đã nhận được 28 học bổng Rhodes,[90] 32 học bổng Marshall,[91] 33 học bổng Truman,[92] 15 học bổng Mitchell,[93] và 12 học bổng Gates Cambridge.[94] Georgetown là một trong những trường đào tạo ra nhiều Học giả Fulbright nhất tại Mỹ, với 429 học giả trong suốt lịch sử trường và đứng đầu nước này trong niên khóa 2019-2020.[95] Georgetown được xếp hạng trong số 10 trường đại học hàng đầu tại Hoa Kỳ về thu nhập trung bình của sinh viên sau khi tốt nghiệp.[96][97]
^còn gọi bằng tên cũ là Trường Đại học Georgetown (tiếng Anh: Georgetown College)
^Mặc dù Healy thừa hưởng dòng máu gốc Phi từ mẹ mình và do đó được phân loại là người da đen về mặt chủng tộc theo "quy tắc một giọt" (tiếng Anh: one-drop rule) của xã hội Mỹ thế kỷ 19, ông lại tự nhận mình là người da trắng và thuộc chủng tộc là người Mỹ gốc Ireland.
^“Georgetown Facts”. Office of Communications. Georgetown University. 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 3 năm 2009. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2009.
^“Final Report and Recommendations”. Student Commission for Unity. Georgetown University. tháng 1 năm 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 2 tháng 12 năm 2009.
^O'Connor, John J.; Gasperetti, Elio (1955). “A Negro President at Georgetown University Some Eighty Years Ago”. Negro History Bulletin. 18 (8): 175–176. ISSN0028-2529. JSTOR44176904.
^Khalil, Osamah F. (2016). America's Dream Palace: Middle East Expertise and the Rise of the National Security State. Cambridge, MA: Harvard University Press. ISBN978-0-674-97157-8.
^“List all faculty experts”. Georgetown University – Faculty Experts. 2007. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2007.
Curran, Robert Emmett (2010b). A History of Georgetown University: The Quest for Excellence, 1889–1964. 2. Washington, D.C.: Georgetown University Press. ISBN978-1-58901-689-7.
Curran, Robert Emmett (2010c). A History of Georgetown University: The Rise to Prominence, 1964–1989. 3. Washington, D.C.: Georgetown University Press. ISBN978-1-58901-690-3.
Durkin, Joseph ed. Swift Potomac's Lovely Daughter. Two Centuries at Georgetown through Students' Eyes (Georgetown UP, 1990) 446 pp.