Nữ quan

Nữ quan (chữ Hán: 女官), hay còn gọi Nội quan (内官), Cung quan (宮官) hoặc Sĩ nữ (仕女), là những từ hay dùng để gọi các cung nữ cao cấp có phẩm trật cùng địa vị trong cung đình các nền quân chủ thuộc vùng văn hóa chữ HánTrung Quốc, Nhật Bản, Hàn QuốcViệt Nam.

Bức tranh "Cung nhạc đồ" (宮樂圖) mô tả các sĩ nữ thời Đường.

Đối với các nền quân chủ dường như chỉ dành cho nam giới, vẫn có một số lượng ít ỏi phụ nữ xuất hiện, toàn bộ họ đều ở trong nội cung, phụ giúp xung quanh Hoàng đế hoặc Quốc vương. Họ có phẩm trật và lương bổng như mệnh nam quan, có nhiệm vụ quản lý hậu cung cung nữ, lại có thể chiếu cố giúp đỡ các Hoàng tử, Hoàng nữ hoặc Vương tử, Vương nữ hay thậm chí các phi tần trong việc giáo dục. Phận sự của họ rất đặc biệt, có hai đặc tính: một là đảm nhiệm chức vụ nội quan thông thường, mặt khác giống như một phi tần, các vị Đế vương có thể sủng hạnh họ và họ trở thành một phi tần chính thức trong cấp bậc.

Ở phương Tây, các nền quân chủ theo Cơ Đốc giáo cũng có những phận sự tương tự dù bản chất tương đối với biệt nếu so với Đông Á, trong tiếng Anh họ được gọi bằng những danh xưng như lady-in-waiting, court lady hoặc palace attendant.

Lịch sử Đông Á

Trung Quốc

Ban Chiêu, hay "Tào đại cô", thầy dậy của Thái hậu Đặng Tuy.

Chế độ "Nữ quan" là cơ cấu rất đặc biệt trong các nước theo thể chế Hoa Hạ, đều bắt nguồn từ Trung Quốc. Từ đời nhà Chu, sự hình thành nữ quan đã có biểu hiện. Sách Lễ ký, thiên "Hôn nghĩa" ghi rõ: "Cổ giả Thiên tử Hậu, lập Lục cung, Tam phu nhân, Cửu tần, Nhị thập thất Thế phụ, Bát thập nhất Ngự thê, dĩ thính thiên hạ chi nội trị, dĩ minh chương phụ thuận"[1]. Lúc này, nữ quan và phi tần chồng lên nhau, nhất là trong Chu lễ, phần "Thiên quan" có minh xác quy định hành vi của "Cửu tần" trở xuống lãnh nhiệm vụ gì, đều là dấu hiệu cho thấy "công việc" của họ trong nội cung[2]. Đây là nhằm mục đích "Nội hòa nhi Gia lý" (内和而家理) mà Lễ ký đề cập, khiến bên ngoài triều và nội đình có trật tự như nhau. Ban đầu, nữ quan cùng phi tần (tức Nội mệnh phụ) rất lẫn lộn. Về sau, cụ thể là từ nhà Đường đến nhà Minh, thân phận của nữ quan đã đã có những bước tách ra khỏi thân phận phi tần, nhưng cũng có trường hợp vẫn còn chồng lên nhau, do vậy thời Đường còn có danh xưng Nội quan (内官) cho phi tần, còn Cung quan (宮官) chính là để gọi các nữ quan đúng nghĩa[3].

Qua các chế độ quân chủ về sau, các nữ quan có vị thế và phẩm trật cao không kém các nam quan. Và cũng vì là người phục vụ trực tiếp hoàng đế ở trong cung, các nữ quan cũng sở hữu vai trò nhất định, và điều này khiến họ không chỉ có được sự tôn trọng trong nội cung mà còn được nghênh đón ở tiền triều. Sách Cựu Đường thư còn ghi nhận một chuyện, con trai thứ của Đường Cao Tổ Lý Uyên là Thư vương Lý Nguyên Danh từng được sư phó khuyên đến thăm hỏi Thượng cung đương thời, do bà đang có phẩm trật cao. Dù vậy, Lý Nguyên Danh là hoàng tử, thân phận con cháu Đế vương vẫn hơn quan viên cho nên cự tuyệt ngay, nói rằng: "Thượng cung đó cũng chỉ là gia tì của Nhị ca (Đường Thái Tông), sao ta phải bái kiến cơ chứ?"[4]. Về phương diện học vấn, đại đa số nữ quan đều phải có văn tài, vài người chỉ là Mệnh phụ nhưng được dùng lễ mời vào cung để phụ trách quản lý việc dạy dỗ trong nội cung. Ví dụ như Ban Chiêu đời Đông Hán vì vị thế gia đình họ Ban nên được Đặng Thái hậu nhận làm thầy, do bà được gả cho họ Tào nên đương thời gọi Tào đại cô (曹大家). Nữ sĩ Hàn Lan Anh đời Lưu Tống từng dâng lên bài "Trung Hưng phú" mà được chiêu nạp vào đảm nhiệm chức bác sĩ trong cung dạy học cho cung nhân, được người đời kính gọi là Hàn công (韓公). Ngoài ra, thời Đường còn có năm chị em Tống Nhược Chiêu nhờ có tài học mà được Đường Đức Tông Lý Quát triệu vào cấm cung, được xưng là "Học sĩ" cùng "Tiên sinh" như các nam nhân bên ngoài.

Nữ quan nói chung là thường không được xuất đầu lộ diện, nhưng vẫn có những người có tài năng được phá lệ. Như Thượng Quan Uyển Nhi đời Võ Tắc ThiênĐường Trung Tông Lý Hiển, bởi vì được hai vị hoàng đế này thưởng thức tài học mà thường giữ vị trí quan trọng là chưởng quản việc viết chế mệnh, do đó tham gia sâu vào chính sự[5]. Ngoài ra còn có Lục Lệnh Huyên, dựa vào việc từng là nhũ mẫu cho Bắc Tề Hậu Chủ Cao Vĩ mà nắm quyền, vượt lên trên cả Thái hậu. Đến thời kỳ đầu nhà Minh, nữ quan vẫn còn giữ địa vị đáng kể, tuy nhiên sau thời kỳ Vĩnh Lạc thì bị giảm bớt rất nhiều. Sang thời kỳ nhà Thanh, nữ quan từng được đề cập thiết đặt như các triều trước nhưng không được thực hiện quy mô, cuối cùng nữ quan triều Thanh chỉ là danh xưng lâm thời dành các mệnh phụ được triệu vào cung giúp đỡ các loại lễ nghi quan trọng (xem Nữ quan nhà Thanh).

Vì phải quản lý các vấn đề của riêng hoàng đế, nữ quan rất hay thân cận trong cấm cung, do đó thường cũng được liệt vào nhóm phi tần, chỉ cần Đế vương để mắt thì liền muốn giao hoan cùng họ. Lý Thần phi thời nhà Tống, ban đầu vào cung đảm nhiệm chức "Ty tẩm" hầu bên trong nội điện, lúc lo việc giường chiếu áo mền cho Tống Chân Tông Triệu Hằng mà được đưa vào màn trướng, sinh ra hoàng tử. Lại như Hiếu Mục Kỷ Thái hậu vốn là Nữ sử tiền triều, chủ quản một nơi gọi là Nội tàng khố, Minh Hiến Tông Chu Kiến Thâm ngẫu nhiên đi thị sát trông thấy Kỷ thị ứng đối trôi chảy mà lâm hạnh. Ngoài ra, từ Cửu tần trở xuống được xem là một dạng quan hàm bên trong cung, do vậy cũng có trường hợp nữ quan được thụ phong để đảm bảo vai trò trong cung mà không hẳn là quan hệ thê thiếp thông thường, ví dụ như Thượng Quan Uyển Nhi vốn là cung quan bình thường vào thời Võ Tắc Thiên, sau được Trung Tông ban chức Chiêu dung (昭容) thuộc hàng Cửu tần, lại từ đó tư thông với Võ Tam Tư[6].

Các nước đồng văn

Murasaki Shikibu - một Nữ phòng cho Hoàng hậu Fujiwara no Shōshi.

Tại Nhật Bản, từ thời Heian đã có chế độ nữ quan được gọi là Hậu cung Thập nhị ty, trong đó lại chia ra Nội thị ty (內侍司) chuyên gần gũi thị hầu Thiên hoàng, và 11 cơ quan Ty khác lại có nhiệm vụ chưởng quản các vấn đề bên dưới. Họ thường là thành viên của các gia đình quý tộc đưa vào. Về cơ bản, các nữ quan đều phải là những người có học thức và xuất thân cao quý có thế lực.

Suốt thời kì Heian, các nữ quan giữ những chức danh quan trọng phục vụ nhu cầu của Thiên hoàng và các hậu cung. Một trong những điều kiện cần có để trở thành một nữ quan là họ phải biết những kiến thức về chữ Hán và được giáo dục tốt bởi các kinh thư Trung Hoa, như Tứ thư, Ngũ kinh[7]. Các nữ quan thời kỳ này có nhiều cách gọi, trong đó có địa vị Nữ phòng (女房; Nyobō) tương đối đặc thù. Nhìn chung, các "Nữ phòng" xuất hiện như một dạng người giúp việc, bởi vì họ xuất thân tương đối cao và thông thường không phải là nữ tỳ. Công việc của họ chủ yếu là trở thành Nhũ mẫu chăm sóc con cái người chủ, hoặc là Phó mẫu giúp đỡ bà chủ trong giáo dục và giao tiếp. Đặc biệt hơn, bởi vì sự gần gũi này mà có trường hợp nữ phòng trở thành tình nhân cho ông chủ. Thân phận nữ phòng không chỉ có ở hoàng cung, mà họ còn xuất hiện trong các tư dinh của quý tộc quyền thế khác trong xã hội Nhật Bản[8], những vị nữ phòng thời kì này phải kể đến Murasaki Shikibu, Sei Shōnagon, Izumi ShikibuAkazome Emon.

Trong thời kì Sengoku, vị trí nữ quan trở nên quan trọng hơn khi họ là người trung gian chủ yếu giữa Thiên hoàng và các triều thần, họ quản lý toàn bộ mọi việc trên dưới của nội cung, lên lịch làm việc, viếng thăm và nhận quà cáp cống phẩm. Khác với chế độ nữ quan Trung Hoa tập trung chủ yếu các việc chăm sóc Hoàng đế, các nữ quan của Nhật Bản trở thành người quản lý hậu cung chính thay các hoạn quan. Nữ quan phục vụ cơ bản chia làm hai loại, loại đầu tiên thì rất thân cận với Thiên hoàng, phụ trách quản lý mọi việc nhu yếu phẩm của Thiên hoàng và có thể trở thành phi tần nếu được sủng hạnh. Ví dụ cho chuyện này là vị trí Canh y (更衣), đây vốn là chức nữ quan hầu giữ quần áo của Thiên hoàng trong tẩm điện, tầm hàm Tứ phẩm hoặc Ngũ phẩm, dần dần vì vấn đề chức vụ mà thành một địa vị bán chính thức cho các phi tần. Còn loại thứ hai chỉ làm những việc bên ngoài, hoặc phục vụ cho các cung phi[9].

Sang thời Edo, trong cung chia hạng định nữ quan làm hai địa vị "Nữ phòng" và "Nữ trung", lấy việc gần gũi Thiên hoàng mà phân cao thấp, trong đó nữ phòng có đặc quyền được diện kiến Thiên hoàng, mà các nữ trung thì không được[10]. Khi ấy các Shogun của Mạc phủ Tokugawa là người nắm quyền thực tế, vì muốn thể hiện quyền thế của mình nên cho xây dựng hậu viện Ōoku với một cơ chế nữ quan không thua kém gì hoàng thất. Các Nữ quan trong Ōoku đều tuân thủ thứ bậc nghiêm ngặt, cũng xuất thân từ tầng lớp samurai quyền quý và chịu sự giáo dục hoàn hảo để có thể phục vụ các Shogun. Cũng như nữ quan hoàng thất, một nữ quan tại Ōoku nếu được sủng hạnh vẫn có thể trở thành ngự thiếp với những biệt đãi tương xứng. Những phụ nữ sống trong Ōoku với tư cách nữ quan hay nữ hầu đều được biết đến là Áo nữ trung (奧女中).

Nữ sử Đạm Phương.

Trong lịch sử Việt Nam, cũng có một số các nữ quan đi vào lịch sử, bà Phạm Thị Trân là một nữ nghệ sĩ thời Đinh và cũng là người phụ nữ đầu tiên được đề cập vai trò "phụ nữ làm quan" trong thời đại phong kiến ở Việt Nam[11][12]. Từ thời Đinh trở về sau, nhà Lýnhà Trần tư liệu khiếm khuyết nên không có ghi chép rõ ràng về chế độ nữ quan, nhưng trong Đại Việt sử ký toàn thư vẫn thỉnh thoảng đề cập một vài người phụ nữ được gọi là "Nữ quan", dù vậy Toàn thư cũng không ghi rõ chức vị của họ[13]. Ngoài ra theo câu chuyện về Huệ Chân Công chúa, con gái của Nữ quan Vương thị và Trần Anh Tông, có thể hình dung các nữ quan thời kì này có thể được Vua chúa sủng hạnh và nhận thân phận "một nửa phi tần" tương tự Trung Quốc và Nhật Bản[a].

Thời Hậu Lê, sự tồn tại của nữ quan ngày càng rõ ràng hơn. Thời kỳ này có một nữ quan nổi tiếng là bà Nguyễn Thị Lộ đời Lê Thái Tông, vốn là thê thiếp của Nguyễn Trãi, sau do được Lê Thái Tông để ý vì tài đức nên đã được giữ chức vụ Lễ nghi học sĩ (禮儀學士), giúp đỡ giáo huấn các cung nhân. Sau đó, Ngô Chi Lan đời Lê Thánh Tông là chị em họ của Hoàng đế, hay vào cung hầu Hoàng đế mỗi dịp tiệc tùng và thi ca, thời bấy giờ bà rất có quyền thế. Vào thời nhà Mạc, có truyền thuyết về bà Nguyễn Thị Duệ cải nam trang mà đi thi đỗ được tiến sĩ, dù về sau bà bị phát hiện nhưng không bị trừng phạt, mà còn giữ chức vị nữ quan cao cấp để dạy bảo cung nhân. Thời cuối Lê trung hưng, có Đoàn Thị Điểm nổi tiếng văn thơ cũng từng được triều đình nhà Lê cho vời vào cung để dạy bảo cung nhân. Trong phủ chúa cũng được ghi nhận vào cung tần có danh xưng nữ quan, như Chính phủ Thị nội cung tần Thượng hòa Trương Thị Trong, Thị nội cung tần Trương Thị Viên, Giáo thụ Phan Thị Toán,... đều là những nữ quan được ghi nhận.

Sang thời kỳ nhà Nguyễn, chế độ triều nghi đủ đầy, nội cung đặt chức vụ nữ quan tổng cộng 6 cơ quan chính gọi là Lục thượng (六尚). Theo sự điều chỉnh từ đời Thiệu Trị, nữ quan tại các Thượng có hai thân phận, một là cung nô lão tỳ lâu năm, hai là các Thứ phi gồm "Cung nga" và "Thị nữ" túc trực. Ngoài ra, các bà Phi bà Tần thuộc Cửu giai cũng được sai bảo "trông coi Lục thượng", như bà Từ Dụ khi là Quý phi đã được coi Thượng nghi, hoặc như bà Trang Ý khi là Hoàng quý phi đã được quyền coi sóc công việc chung của Lục thượng. Cũng như các triều trước, triều Nguyễn cũng mời mệnh phụ vào cung làm nữ quan, như có Bà Huyện Thanh Quan được Vua Minh Mạng (có thuyết nói là Vua Tự Đức) cho với vào cung và giữ chức "Cung trung Giáo tập" để dạy học cho các công chúa và cung phi. Sau đó thời Tự Đức, có Nguyễn Thị Bích nổi tiếng văn thơ, triệu vào cung làm chức vụ trong Thượng nghi viện, sau lại được ban làm Tiệp dư, đương thời gọi bà là "Tiệp dư phu tử" vì bà hay giảng giải kinh sách cho Vua Kiến PhúcVua Đồng Khánh. Cuối đời Nguyễn, có bà Đạm Phương xuất thân từ hoàng tộc giữ chức "Nữ sử" trong cung.

Các Thượng cung (상궁).

Còn tại lịch sử Hàn Quốc, nhà Triều Tiên cũng có chế độ nữ quan, khác với hầu hết các quốc gia thì nữ quan Triều Tiên đa phần không đòi hỏi học thức lắm, họ là các Lão nội nhân từ hàng cung nữ đề bạt lên. Nhiệm vụ chính của họ là hầu hạ Quốc vương, Vương phi và quản lý các công việc lớn nhỏ khác nhau, tùy vào chức vụ mà công việc của họ được chia ra làm các cơ quan đặc thù khác nhau. Những nữ quan đứng đầu các bộ phận, bất kể ở cơ quan nào, đều được gọi chung là các Thượng cung (尙宮; 상궁).

Do quy định cố định, một cung nữ phục vụ tối thiểu 30 năm trong cung mới có thể trở thành Thượng cung, nên đa phần đều trên 40 tuổi, trẻ nhất cũng phải hơn 35 tuổi nếu họ là các cung nữ vào cung từ khoảng 5 tuổi. Theo quy định, họ không thể kết hôn và phục vụ cho vương thất đến khi chết. Xuất thân của họ rất đa dạng, đa phần là nữ tỳ trong phủ quan lại tiến cử đưa vào cung hoặc là tầng lớp trung lưu có truyền thống làm việc trong cung. Gần như không có một nữ quan nào tiêu biểu được biết đến ở Triều Tiên, vì họ phụng sự đến già và lặng lẽ. Các Thượng cung khi đến tuổi già, trở về nhà và tiến cử con cháu trong nhà của mình lên nối chức, có rất nhiều gia tộc đời đời vào cung. Những cung nữ ngẫu nhiên cũng có thể được sủng hạnh, lúc này bất chấp họ chưa đủ tuổi hay thâm niên lâu, đều được gọi là Thừa Ân Thượng cung (승은상궁; 承恩尙宮).

Chế độ Nội mệnh phụ hà khắc khiến tôn ti rất rạch ròi, nên vấn đề thân phận được để ý hết sức nghiêm khắc, hiện tượng tỳ nữ được sủng hạnh hiếm khi xảy ra trong nội cung của Triều Tiên, càng không nói tới việc bộ phận nữ quan có thể làm Nội mệnh phụ. Trương Hy tần nổi tiếng lại là một ví dụ điển hình của sự hiếm hoi này, bà vốn là con gái tội thần, sau vào làm cung nữ và chiếm trọn sự sủng ái của Triều Tiên Túc Tông, đi lên từ Thừa Ân Thượng cung rồi Tần. Không chỉ dừng lại ở đó, bà từng trở thành Vương phi và sinh ra Triều Tiên Cảnh Tông. Sự kì tích không dễ thấy này khiến Trương Hy tần trở thành hậu cung nổi tiếng nhất lịch sử Triều Tiên.

Lịch sử Châu Âu

Trong các quốc gia quân chủ Châu Âu, vai trò tương tự nữ quan có thể kể đến Lady-in-waiting hoặc Court Lady, có thể dịch theo Hán Việt như là Thị tùng (侍從) hay Nữ thị (女侍), tức "Những người hầu gái túc trực và hộ tống", họ đều là những người luôn kề cận và có nhiệm vụ tháp tùng các bà Chúa (Nữ vươngVương hậu), hoặc thậm chí là Vương nữ. Tuy nhiên vai trò của họ khác với khái niệm "Cung tỳ" lẫn "Thị nữ" của Đông Á, cơ bản ở điểm các "Lady-in-waiting" đều không có thân phận nô lệ.

Princesse de Lamballe - một Thị tùng cho Vương hậu Maria Antonia của Áo.

Khác với cung đình Đông Á, các vị Vua chúa Châu Âu và vợ mình đều có riêng hệ thống quan hầu được gọi là "Household", hệ thống này phụ trách tất cả hạng mục dành riêng cho một cá nhân cụ thể, trong đó bao gồm việc điều phối tài chính, hộ vệ và sau cùng là vấn đề sinh hoạt riêng tư trong buồng ngủ[b]. Cả hai hệ thống quan hầu cho vợ chồng nhà Vua đều có các quan viên là nam giới, thế nhưng trong khi các vị Vua có thể bổ nhiệm các quan viên nam giữ chức vụ thân cận trong phòng riêng, thì các bà Chúa vì lý do giới tính mà không thể áp dụng, và khái niệm "Lady-in-waiting" được sinh ra chính là vì mục đích này. Nếu như vị Vua cũng là nữ giới, thì hệ thống sẽ tương tự như các bà Chúa là vợ Vua[c].

Từ thời đại Đế chế Carolus còn hưng thịnh vào thế kỉ 9, nhà thần học Hincmar đã mô tả cung đình Charles Hói trong cuốn De Ordine Palatii, các triều thần đều được chi phối bởi nhà Vua cùng vợ mình. Khoảng thế kỉ 12, các Vương hậu nước Pháp đã xuất hiện những đoàn tùy tùng của riêng mình, trong đó cơ số Thị tùng đều là nữ giới quý tộc, hình thành khái niệm "Lady-in-waiting" trong văn hóa phương Tây. Thời kỳ này, khái niệm về "Lady-in-waiting" chỉ giới hạn ở thân phận cô hầu phụ việc. Sang thời kỳ Phục hưng, vai trò của phụ nữ được nhìn nhận khác đi, nên các "cô hầu" này cũng đột ngột có sự thay đổi trong cơ chế xã hội, vai trò "tháp tùng chủ nhân" của họ càng được đề cao. Triều đình của Công quốc Bourgogne đã phát triển phức tạp hóa hệ thống Thị thần, ảnh hưởng khắp Châu Âu qua Vương quốc Pháp, một nhóm phụ nữ hầu cận của Nữ vương và Vương hậu dần được khuếch đại mạnh mẽ nhằm tạo nên sự rực rỡ của vương triều. Trong thời kỳ hưng thịnh, triều đình Pháp chế định ra rất nhiều chức vụ cùng địa vị cho các thị tùng, khiến toàn bộ cung điện luôn có vẻ hào nhoáng tấp nập. Sang thế kỉ 19thế kỉ 20, các cung đình Châu Âu bước sang thời kỳ chứng kiến nền quân chủ thoái trào, buộc họ phải bỏ đi những sự hào nhoáng không cần thiết, các vai trò của "Lady-in-waiting" giới hạn ở tham vấn lễ nghi.

Vai trò của các "Lady-in-waiting" tại triều đình Châu Âu nếu so với Đông Á thì có sự khác biệt đáng kể, điều này cũng vì hệ thống giai cấp chủ nô tại Châu Âu không tương đồng. Điểm đáng chú ý nhất về các "Lady-in-waiting" chính là họ đều xuất thân từ tầng lớp quý tộc, ngoại quốc hoặc bản địa, chuyên phục vụ như một người bạn cho các bà chủ dòng dõi Vua chúa, chứ không phải như một nô lệ. Xuất thân của họ tuy yêu cầu phải thấp hơn bà chủ nhưng thân phận xã hội không bị hạ thấp, do đó họ như kiểu thư ký.

Dĩ nhiên trong đoàn tháp tùng của các bà Chúa vẫn có những nữ phục vụ đúng nghĩa, chuyên hầu hạ những việc tay chân, và họ được gọi là Domestic worker hoặc "Chambermaid", ứng với khái niệm Nữ dung (女傭). Tuy nhiên trong thực tế, tầng lớp "Chambermaid" này tuy mang nghĩa phục vụ nhưng lại có thân phận tự do, việc phục vụ của họ thiên về công việc hơn là nghĩa vụ[d], điều này cũng bởi vì chế độ nô lệ tại Châu Âu không tồn tại hoặc rất là yếu, thường kém nhất chỉ đạt đến nông nô. Những nữ dung đại đa số là chưa có gia đình, họ hiện diện trước bà chủ rất khiêm tốn, đều làm việc ở nhà kho hoặc nhà bếp vì thân phận trung lưu hoặc dân thường, và họ chỉ phục vụ với tư cách bên cạnh các bà chủ ở gia đình quý tộc. Các vị thị tùng ("Lady-in-waiting") ở Châu Âu hầu hạ bà chủ của mình dù chưa kết hôn hoặc đã kết hôn, việc họ có tiếp tục ở bên cạnh phục vụ hay không đều do bà chủ của mình quyết định. Không ít người sau khi kết hôn vẫn tiếp tục vai trò hầu cận, như Kat Ashley của Nữ vương Elizabeth I của Anh. Với các thị tùng chưa kết hôn, họ thường có gian phòng riêng trong triều đình, vì triều đình Châu Âu trước thế kỉ 19-20 là những dãy lâu đài lớn với rất nhiều phòng ốc. Với các thị tùng đã kết hôn, bà chủ có thể sẽ ban cho họ Dinh thự hoặc gia trang gần đó để họ vừa có cơ ngơi riêng, lại vừa có thể hầu cận mình. Đôi khi những thị tùng có vai trò quan trọng cũng sẽ tiếp tục được vời vào ở hẳn trong triều đình, hoặc họ sẽ chấm dứt vai trò như một dạng nghỉ hưu.

Vấn đề lương bổng của thị tùng tại Châu Âu gọi là "Salary" hay "Wage", đôi khi không bắt buộc bởi vì phần lớn bọn họ có gia cảnh quý tộc hoặc có chồng là quan chức lớn trong triều, tuy nhiên cũng có khá nhiều triều đình vì đảm bảo uy vọng mà cũng quy định chi phí hằng năm cho thị tùng giống quan viên phục vụ Quốc vương[18]. Chế độ nhận lương thường là trả bằng hiện kim[19]. Ngoài ra, cũng có triều đình quy định về điều khoản về phí trợ cấp (tiếng Anh gọi là "pension"), mà đối tượng nhận những khoản định này phần nhiều là những người có hoàn cảnh góa bụa hoặc được bà chủ đặc biệt yêu thích[20].

Chế độ cụ thể

Trung Quốc

Quy chế về Nữ quan ở Trung Quốc rất rõ ràng, thời nhà Chu về cơ bản đã đặt định tương đối cụ thể trong Lễ ký, nhưng tương đối còn nhập nhằng với phi tần, điều này kéo dài đến nhà Hán. Thời Lưu Tống, Lưu Tống Minh Đế bắt đầu nghĩ đến khái niệm "Nội chức" (內職), đặt định nhiều chức vụ trong hậu phòng, đứng đầu là Hậu cung Thông doãn (後宮通尹), tuy nhiên chưa rõ rằng chỉ có nữ quan, mà là nữ quan cùng hoạn quan đồng thời đảm nhiệm[21].

Thời Bắc Ngụy, căn cứ Ngụy thư ghi lại, hậu cung có Nội ty (內司), đều dựa vào cơ quan Thượng thư lệnh để thiết đặt[22]. Dựa vào tên chức vụ thì vẫn là tình trạng nữ quan cùng hoạn quan đồng thời đảm nhiệm, bao gồm:

  • Tác ty (作司), Đại giám (大監), Nữ thị trung (女侍中), 3 chức vụ, đều hàm Chính nhị phẩm;
  • Giám (監), Nữ thượng thư (女尚書), Mỹ nhân (美人), Nữ sử (女史), Nữ hiền nhân (女賢人), Thư sử (書史), Thư nữ (書女), Tiểu thư nữ (小書女), đều vị Tam phẩm;
  • Trung tài nhân (中才人), Cung nhân (供人), Trung sử (中使), Nữ sinh tài nhân (女生才人), Cung sử cung nhân (恭使宮人), đều vị Tứ phẩm;
  • Xuân y (春衣), Nữ tửu (女酒), Nữ hưởng (女饗), Nữ thực (女食), Hề quan nữ nô (奚官女奴), đều vị Ngũ phẩm.

Thời kỳ nhà Tùy, hậu cung phản chiếu Lục bộ mà thiết lập Lục cục (六局)[23]. Sau khi nhà Đường thành lập, tiếp tục dựa theo chế độ nhà Tùy mà hoàn thiện, về sau ảnh hưởng sâu rộng, là hình mẫu chế độ nữ quan mà Tống-Minh noi theo. Trong Lục cục, đứng đầu là Lục thượng (六尚), tương tự Thượng thư, đều là Chính ngũ phẩm. Trong mỗi cục lại có 4 cơ quan là Ty (司), chức quan đều lấy tên cơ quan, hàm Chính lục phẩm. Giúp việc cho mỗi Ty là Điển (典), hàm Chính thất phẩm và Chưởng (掌), hàm Chính bát phẩm. Tên các Điển và Chưởng đều gọi theo tên của Ty, có tổng cộng 24 Ty, tức Nhị thập tứ Ty (二十四司). Trong các Ty, ngoài Điển và Chưởng, còn có các Nữ sử (女史) giúp việc, số lượng từ 2 người đến 10 người tùy yêu cầu của từng cơ quan, đều không vào phẩm trật.

Chế độ "Lục cục Nữ quan", căn cứ Cựu Đường thư[24] cùng Tân Đường thư[25] ghi lại:

  • Thượng cung cục (尚宮局): nắm giữ mọi việc của Lục cục. Phàm khi các cơ quan Lục cục xuất nạp văn tịch đều phải thông qua Thượng cung cục này. Cơ cấu gồm:
    • Ty kí (司記), khi trong cung đưa văn bản ra vào, đều phải do Thượng cung ấn dấu lên để xét duyệt, Ty ký giúp bảo quản ấn;
    • Ty ngôn (司言), phụ trách việc truyền lệnh khải tấu;
    • Ty bộ (司簿), người trong cung ra vào thì Ty bộ sẽ viết lại ngày tháng, đồng thời lên danh sách việc ban phát lương bổng cùng tặng thưởng cho cung nhân;
    • Ty vi (司闈), phụ trách việc khóa cài các cổng cung cấm;
  • Thượng nghi cục (尚儀局): nắm giữ lễ nghi, dẫn dắt cho Hoàng hậu. Cơ cấu gồm:
    • Ty tịch (司籍), quản lý 4 bộ kinh sách cùng bút viết bàn kỷ;
    • Ty nhạc (司樂), có trách nhiệm hướng dẫn đám Nhạc kỹ Nhạc nhân luyện chuyện đàn hát và kỹ thuật ca múa đánh trống;
    • Ty tân (司賓), quản việc tiếp đãi khách khứa khi có triều kiến, yến hội hoặc thưởng tứ;
    • Ty tán (司贊), có nhiệm vụ giúp đỡ chuyện sắp xếp yến hội;
  • Thượng phục cục (尚服局): quản lý các đồ đạc như lễ phục, lễ khí, thang mộc của Hoàng đế. Cơ cấu gồm:
    • Ty bảo (司寶), nắm giữ vật bảo như ngọc khắc ngự phù cùng họa phẩm;
    • Ty y (司衣), bảo quản áo và phục sức riêng cho Hoàng đế;
    • Ty sức (司飾), lưu trữ các loại thuốc chăm sóc tóc như cao mộc cùng khăn lược;
    • Ty trượng (司仗), bảo quản Nghi trượng Nghi vệ dùng cho xuất hành;
  • Thượng thực cục (尚食局): phụ trách nếm trước các loại Ngự thiện, ngoài ra còn quản lý rượu chè và Y dược của Hoàng đế. Cơ cấu gồm:
    • Ty thiện (司膳), đảm việc nấu nướng;
    • Ty uấn (司醞), bảo lưu các loại rượu ngon rượu ngọt và đồ uống;
    • Ty dược (司藥), bảo quản các loại thuốc thang;
    • Ty xí (司饎), nắm việc cung cấp cho Cung nhân các hạng lương thực, cơm nước cùng củi than;
  • Thượng tẩm cục (尚寢局): quản lý thiết đặt Tẩm cung Hoàng đế mỗi khi ngự giá ở cung nào, đồng thời giám sát việc Hậu phi hầu tẩm. Cơ cấu gồm:
    • Ty thiết (司設), coi sóc màn trướng đệm chiếu cùng việc quét tước bày biện;
    • Ty dư (司輿), nắm các loại cờ quạt kiệu xe;
    • Ty uyển (司苑), quản hạt giống gieo trồng cùng các loại rau quả;
    • Ty đăng (司燈), tất quản đèn đóm đuốc nến;
  • Thượng công cục (尚功局): quản lý các vấn đề về nữ công, sửa chữa và tạo ra đồ đạc hoặc y phục. Cơ cấu gồm:
    • Ty chế (司制), quản việc cắt may Ngự phục;
    • Ty thải (司彩), quản Ấn bảo và thượng phẩm của Hoàng đế;
    • Ty trân (司珍), cất giữ các loại vải vóc gấm đoạn quý giá;
    • Ty kế (司計), quản việc chi tiêu y phục, ẩm thực cùng củi than;

Ngoài ra còn có các chức ngoài Lục cục như Cung chính (宮正) hàm Chính ngũ phẩm; Ty chính (司正) hàm Chính lục phẩm và Điển chính (典正) hàm Chính thất phẩm; có nhiệm vụ xử xét sai trái của nữ quan và cung nữ, phụ giúp có 4 Nữ sử. Bên cạnh đó, triều Đường còn có Văn Học quán (文學館), do các nữ quan có học thức đảm nhiệm, sẽ được thăng làm Học sĩ (學士), phụ trách giảng dạy phi tần và cung nhân kiến thức.

Triều đại nhà Tốngnhà Minh, căn bản đều có Lục cục Nhất ty dựa theo mô hình của nhà Đường, chức trách không khác biệt lắm. Theo Minh sử, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương thiết lập Lục cục nhất Ty, Lục cục có: Thượng cung, Thượng nghi, Thượng phục, Thượng thực, Thượng tẩm và Thượng công. Nhất ty tức Cung chính, đều vị Chính ngũ phẩm. Mỗi cục có 4 Ty, và đều do Thượng cung quản lý toàn bộ, ngoài ra còn thiết đặt Nữ sử gồm 18 người, chức vụ căn bản đều như Đường[26]. Bên trong Thượng nghi cục đặt thêm chức Đồng sử (彤史), có 2 người, trật Chính lục phẩm, quản việc yết kiến tiến ngự, phàm hậu phi được triệu hạnh thì các Đồng sử phụ trách ghi lại ngày tháng.

Sau khi thành lập nhà Minh, Chu Nguyên Chương xuất phát từ mục đích "cường hóa hoàng quyền", đối với chế độ nữ quan cực kỳ coi trọng, tiến tới đem cái chế độ đồ sộ này nạp vào bên trong hệ thống quân chủ chuyên chế. Cơ cấu nữ quan triều Minh, ngoại trừ tham khảo và hấp thu chế độ từ các triều trước, lại phỏng theo triều Đường mà tăng trí Cung chính ty, lại thêm thiết đặt các cấp Nữ sử cùng Đồng sử, công năng càng kiện toàn cùng hệ thống càng đồ sộ. Tham vọng này được Minh sử ghi nhận lại:

Chế độ nhà Minh cũng theo nhà Đường, đều tuyển con nhà dân gian có học thức, gia cảnh trọng sạch để trực tiếp dùng lễ đưa vào cung. Gia đình của họ sẽ được miễn lao dịch, chi phí đi đường cũng do triều đình thu xếp. Ví dụ năm Hông Vũ thứ 5, tuyển phụ nữ hai phủ Tô Châu và Hàng Châu, được 44 người nguyện vào cung, thụ Nội chức, nên gia đình miễn lao dịch. Vào đời Hồng Vũ, đa phần tuyển chọn từ 30 tuổi trở lên, dưới 40 tuổi đều nhất thiết chưa chồng, nhưng nếu ở góa hay là ế thì vẫn được. Bên cạnh đó, tuyển nữ quan và tuyển cung nữ là hoàn toàn khác nhau, như nữ quan cần thiết là phải biết đọc chữ cùng thông hiểu phép tính. Có thể nói, nhà họ có thể nghèo, nhưng đều phải có tri thức – yêu cầu tiên quyết để làm nữ quan. Vào thời điểm nhà Minh cai trị, đa phần đều tuyển nữ quan tại Giang Nam, do phụ nữ Hà Bắc phần nhiều đều không biết chữ nghĩa[27][28].

Vai trò của nữ quan nhà Minh, cũng như Tống và Đường, đều tập trung ở việc sinh hoạt của Hoàng đế, do vậy sự ảnh hưởng của họ chủ yếu là lên Hoàng đế. Đời Minh Vũ Tông, vì cảm thấy Thượng tẩm cục quản rất nhiều chuyện, bao gồm trú tại cung nào, lâm hạnh cung tần nào cũng đều phải qua tay Thượng tẩm cục, vì vậy bãi bỏ đi. Từ đó Vũ Tông mới có thể thoải mái trú tại bất kỳ đâu mình vừa ý, lâm hạnh cung tần thì không cần phải chịu giám sát của một bộ phận các nữ quan nữa[29]. Sự hưng thịnh của nữ quan triều Minh dần suy thoái sau thời kỳ Vĩnh Lạc của Minh Thành Tổ Chu Đệ, chức việc quan trọng của nữ quan dần do Hoạn quan giám sát khống chế và chiếm lĩnh. Tốt cuộc đến cuối Minh, nữ quan chỉ tồn tại trong 4 Ty của Thượng bảo ty (尚寶司) chuyên giữ Ấn chương Ngọc tỷ mà thôi[30].

Sang thời nhà Thanh, xử lý nội vụ đều do Nội vụ phủ cai quản, hệ thống nữ quan tuy từng được đề cập trên văn bản thời Thuận Trị, song lại không có tiến hành, hay tiến hành không rõ ràng. Dẫu vậy, khái niệm nữ quan vẫn tồn tại để chỉ các Ngoại mệnh phụ tham gia trong các dịp đại lễ.

Nhật Bản

Hậu cung Thập nhị ty

Hình vẽ trang phục nữ quan phục vụ Thiên hoàng trong 《Trang thúc trứ dụng chi đồ》.

Cơ quan của các Nữ quan Nhật Bản được gọi là Hậu cung Thập nhị ty (後宮十二司; こうきゅうじゅうにし), có nhiệm vụ hầu hạ Thiên hoàng và hoàng thất Nhật Bản[31]. Triều đình Nhật Bản cũng quy định danh xưng rất cụ thể, những ai có quan hàm xưng "Nữ quan", nếu chỉ vào cung làm thị tùng thì là Nữ phòng (女房; にょうぼう). Ngoài ra còn có Mệnh phụ (命婦; みょうぶ), Nữ nhụ (女孺; にょじゅ), Thải nữ (采女; うねめ) cùng Xuy nữ (炊女; かしぎめ) là các danh xưng trung gian giữa địa vị nữ quan và nữ phòng.

Việc thiết đặt Thập nhị ty có điểm áp dụng theo "Tứ đẳng quan" (四等官) có từ Luật lệnh chế (律令制; りつりょうせい). Chế độ này của Nhật Bản sẽ thiết đặt 3 dạng chức quan điều phối trong một cơ quan, bao gồm: "Trưởng quan" (長官; かみ), "Thứ quan" (次官; すけ) cùng "Phán quan" (判官; じょう), còn một vị trí cuối được gọi là "Chủ điển" (主典; さかん), được mặc định là nhân sự phổ thông trong cơ quan. Trong các Ty này, ứng với Trưởng quan là các chức "Thượng" (尚; しょう), Thứ quan là các chức "Điển" (典; てん), Phán quan là các chức "Chưởng" (掌; しょう), còn các Chủ điển chính là "Nữ nhụ" hoặc "Thải nữ" - những nhân viên thường trực chuyên làm việc trong Ty. Tuy nhiên trong 12 Ty này thì chỉ có 4 Ty là "Nội thị ty", "Tàng ty", "Thiện ty" cùng "Phùng ty" là đặt ra 3 đẳng quan viên, các Ty còn lại chỉ có 2 cấp Trưởng quan cùng Thứ quan mà không quy định Phán quan. Các nữ quan thuộc 3 đẳng khi được bổ nhiệm sẽ được gọi là "Nhậm mệnh" (任命) và nghi thức ban chức được gọi là Nữ quan trừ mục (女官除目; にょかんじもく).

Chi tiết Thập nhị ty của Nhật Bản, bao gồm:

  • Nội thị ty (内侍司) hoặc Thượng thị sở (尚侍所): cơ quan thân cận nhất của Thiên hoàng, quản việc cung phụng hầu trực, tấu thỉnh, tuyên truyền, thẩm tra đối chiếu Nữ nhụ và kiểm soát Mệnh phụ vào cung triều bái. Đồng thời, cơ quan này còn phụ trách quản giáo và điều phối các nghi lễ trong cấm nội, chiếc gương "Yata no Kagami" (Bát Chỉ Kính; 八咫鏡) - một trong Tam chủng thần khí cũng do Nội thị ti phụ trách bảo quản. Nữ quan thuộc Ty này gồm:
    • Thượng thị (尚侍; ないしのかみ), 2 người, hàm Tòng tam phẩm hoặc Tòng ngũ phẩm. Trưởng quan phụ trách quản lý Hậu cung thập nhị ty, giống như bí thư trưởng của riêng Thiên hoàng. Luôn tuyển con gái Công khanh chưa lập gia đình hoặc chính thê của Công khanh để sung nhậm. Bởi vì thường xuyên ở trước mặt Thiên hoàng, chức vị này dần về sau liền trở thành một thân phận phi tần của Thiên hoàng.
    • Điển thị (典侍; ないしのすけ), có 4 người, hàm Tòng tứ phẩm hoặc Tòng lục phẩm. Là Thứ quan của Ty, phụ tá giúp việc cho Thượng thị, sau khi Thượng thị trở thành danh vị cho phi tần thì Điển thị trở thành nữ quan cao nhất của Nội thị ty. Nhưng dần về sau, Điển thị cũng bị tình trạng "Thị thiếp hóa" như Thượng thị, cuối cùng cũng thành danh xưng cho các phi tần. Suốt thời Edo, Điển thị thường xuyên là danh phận phi tần thuộc hàng cao nhất sau "Nữ ngự" (女御)[e].
    • Chưởng thị (掌侍; ないしのじょう), 2 người, hàm Tòng ngũ phẩm đến Tòng thất phẩm. Vốn là Phán quan của Ty, sau khi Điển thị cũng trở thành danh phận phi tần, Chưởng thị trở thành chức quan cao nhất Nội thị ty.
    • Cuối cùng là các "Nữ nhụ" giúp việc trong Ty, khoảng 100 người.

Những Ty còn lại đều tương tự như Nội thị ty, lấy các chữ "Thượng" - "Điển" - "Chưởng" kèm tên của Ty làm tên các chức quan, ngoại trừ Nội thị ty thì các chức Trưởng quan ở 11 Ty còn lại đều chỉ có 1 người đảm nhiệm, các chức vụ còn lại tùy vào từng cơ cấu mà quy định. Cụ thể thì:

  • Tàng ty (藏司): quản lý Thần tỷ, cửa cung, quần áo ngự dụng, khăn lược, đồ vật hiến tế, trân bảo và các đồ vật ban thưởng đại thần. Trưởng quan là "Thượng tàng", Thứ quan là "Điển tàng" có 2 người, Phán quan là "Chưởng tàng" có 4 người, các "Nữ nhụ" được 10 người.
  • Thư ty (書司): quản lý việc cung phụng nội điển, kinh thư, giấy mực, bút, bàn ghế cùng đàn sáo. Trưởng quan là "Thượng thư", Thứ quan là "Điển thư" có 2 người, các "Nữ nhụ" được 6 người.
  • Dược ty (藥司): quản lý việc cung phụng y dược. Trưởng quan là "Thượng dược", Thứ quan là "Điển dược" có 2 người, các "Nữ nhụ" được 4 người.
  • Binh ty (兵司): quản lý việc cung phụng binh khí. Trưởng quan là "Thượng binh", Thứ quan là "Điển binh" có 2 người, các "Nữ nhụ" được 6 người.
  • Xiển ty (闡司): quản lý việc xuất nhập trong cung. Trưởng quan là "Thượng xiển", Thứ quan là "Điển xiển" có 4 người, các "Nữ nhụ" được 10 người.
  • Điện ty (殿司): quản lý việc cung phụng xe ô, than củi và đèn đóm. Trưởng quan là "Thượng điện", Thứ quan là "Điển điện" có 2 người, các "Nữ nhụ" được 6 người.
  • Tảo ty (掃司): quản lý giường, chăn đệm và quét tước. Trưởng quan là "Thượng tảo", Thứ quan là "Điển tảo" có 2 người, các "Nữ nhụ" được 10 người.
  • Thủy ty (水司): quản lý việc tiến các loại nước tương và cháo lên Thiên hoàng. Trưởng quan là "Thượng thủy", Thứ quan là "Điển thủy" có 2 người, riêng các "Nữ nhụ" được thay bằng "Thải nữ", có 6 người.
  • Thiện ty (膳司): quản lý việc kiểm tra thực phẩm trong Ngự thiện trước khi dâng lên Thiên hoàng, ngoài ra cũng phụ trách kiểm kê bánh trái mà Thiên hoàng sử dụng. Trưởng quan là "Thượng thiện", Thứ quan là "Điển thiện" có 2 người, Phán quan là "Chưởng thiện" có 4 người, các "Thải nữ" được 60 người.
  • Tửu ty (酒司): quản lý các loại rượu. Trưởng quan là "Thượng tửu", Thứ quan là "Điển tửu" có 2 người, không có "Nữ nhụ" hay "Thải nữ" trong Ty này.
  • Phùng ty (縫司): quản lý may vá quần áo, ngoài ra còn điều phối Mệnh phụ nhập cung. Trưởng quan là "Thượng phùng", Thứ quan là "Điển phùng" có 2 người, Phán quan là "Chưởng phùng" có 4 người, không có "Nữ nhụ" hay "Thải nữ" trong Ty này.

Ngoài ra, còn có một số chức vụ khác như:

  • Ngự Hạp điện Biệt đương (御匣殿別当; みくしげとののべっとう), chức Trưởng quan của Ngự Hạp điện (みくしげどの), cơ quan chính bán chính thức của Thập nhị ty, chuyên trông nom phục sức của Thiên hoàng. Cũng như "Thượng thị" và "Điển thị", chức quan này cũng dần trở thành một chuyên danh dùng cho phi tần, thường do những người được Thiên hoàng ân sủng đảm nhiệm.
  • Nữ tàng nhân (女蔵人; にょくろうど), một dạng nữ phòng hạ cấp, không rõ vai trò cụ thể. Chức vụ này được cho là một biến thể của chức "Tàng nhân" - một chức quan dành cho nam giới rất cao cấp được quyền đi lại trong nội cung[32].

Hậu cung của Thiên hoàng cấm cản nam giới tùy tiện ra vào, vì thế Thập nhị ty lúc này có địa vị rất cao vì họ là những người kề cận Thiên hoàng nhất, do đó không ít Công khanh cố gắn đưa vợ hoặc con gái của mình đảm nhiệm các chức vụ trong những Ty thường xuyên tiếp xúc Thiên hoàng, như Nội thị ty hoặc Thiện ty. Từ thời Nara, triều đình bắt đầu thiết đặt vai trò mới của Nội thị ty, họ chuyên phụ trách liên lạc giữa quan viên và Thiên hoàng trong cấm cung, do đó chức vụ Thượng thị thường trở thành "cầu nối" giữa quan viên khi muốn tiếp cận Thiên hoàng, cũng từ đó Thượng thị cũng trở thành mục tiêu tranh chấp giữa các phe phái, hòng có thể cài người của mình gần với Thiên hoàng nhất, sự biện Biến cố Kusuko chính là một ví dụ cho tầm ảnh hưởng của một Thượng thị. Từ thời Heian, triều đình bắt đầu thiết đặt chức Tàng nhân (藏人; くろうど) có đặc quyền ra vào hậu cung để liên lạc Thiên hoàng, sự xuất hiện của chức vụ này đã khiến vai trò của Thập nhị ty dần bị giảm xuống. Thế kỉ 10 trở đi, chức vụ của 11 Ty đã bị Nội thị ty hấp thu triệt để, chỉ còn Nội thị ty độc chiếm công việc của toàn bộ 12 Ty trước đó. Bên cạnh đó đi theo tác động chính trị, quyền lợi của Thiên hoàng dần giảm xuống, Nội thị ty cũng liên kết qua lại với chế độ Sesshō và Kampaku.

Vào thời Edo, trong hoàng cung đem nữ quan chia ra làm hai khái niệm khác biệt là Nữ phòng (女房) và Nữ trung (女中), đều lấy việc gần gũi Thiên hoàng mà phân cao thấp tương quan, trong đó các nữ phòng lại có 2 mức với 3 cấp khác nhau, phân biệt là Ngự cục (御局) và Ngự hạ (御下). Mức hạng "Ngự cục" là tên của ba cấp quan viên trong Nội thị ty, tức "Thượng thị"・"Điển thị"・"Chưởng thị", họ có thể diện kiến và hầu chuyện trực tiếp với Thiên hoàng, là đãi ngộ cao quý nhất. Mức hạng "Ngự hạ" có 3 danh xưng là "Mệnh phụ" và "Nữ tàng nhân" đã có sẵn cùng "Ngự sai" (御差), họ chỉ có thể được diện kiến mà không được nói chuyện Thiên hoàng. Bên dưới là các nữ trung, tiếp tục được chia làm 3 danh phận là "Ngự mạt" (御末), "Nữ nhụ" (女孺) và "Ngự phục sở" (御服所), họ không thể diện kiến Thiên hoàng[10].

Hiện tại Cơ quan nội chính Hoàng gia Nhật Bản đã đổi cơ cấu chức vụ của nữ quan, trong đó có:

  • Nữ quan trưởng (女官長);
  • Nữ quan (女官);
  • Đông cung Nữ quan trưởng (東宮女官長);
  • Đông cung Nữ quan (東宮女官);
  • Thượng hoàng Nữ quan trưởng (上皇女官長);
  • Thượng hoàng Nữ quan (上皇女官);
  • Thị nữ trưởng (侍女長);
  • Thị nữ trưởng bổ (侍女長);

Áo nữ trung

Thời kỳ Mạc phủ Tokugawa, nội cung thành Edo được biết đến với tên gọi Ōoku (Đại áo, 大奥; おおおく), một xã hội thu nhỏ tập hợp hơn một ngàn người phụ nữ, được thành lập bởi Tướng quân Tokugawa Hidetada. Trong Ōoku, ngoài bản thân Tướng quân, thì người vợ chính thất của Tướng quân được gọi là Ngự đài sở, mẹ cả ("Đích mẫu"), mẹ ruột ("Sinh mẫu") cùng các thiếp ("Trắc thất") là những đối tượng được phục vụ. Những người hầu kẻ hạ phục vụ gia đình Tướng quân gọi chung là Áo nữ trung (奥女中, おくじょちゅう) hoặc Ngự điện Nữ trung (御殿女中; ごてんじょちゅう)[f], họ chuyên giữ nhiệm vụ phụng sự Tướng quân và gia tộc Tokugawa.

Những tổng quản hầu hạ gia đình Tướng quân có trách nhiệm quản lý các công việc lớn nhỏ trong Ōoku, giữa các tổng quản cũng phân chia thứ bậc. Thời kỳ Edo có chia tầng lớp rất phức tạp, các gia tộc Samurai (Võ sĩ; 武士) tuy là chủ chốt nhưng cơ bản có hai hạng nhất định, lấy việc gần gũi Tướng quân làm thước đo. Có được tư cách trực tiếp yết kiến Tướng quân được gọi là Ngự mục kiến (御目見; おめみえ), hầu hết các quý tộc địa phương Daimyō (Đại danh; 大名) đều có tư cách này, mà các gia tộc samurai lại thường bị chia ra chặt chẽ, tầng lớp có tư cách này được gọi là Hatamoto (Kỳ bổn; 旗本), còn không có tư cách chính là Gokenin (Ngự gia nhân; 御家人). Căn cứ theo tư duy này, nữ trung của Ōoku cũng được chia làm 3 dạng[34]:

  1. Ngự mục kiến dĩ thượng (御目見以上; オメミエイジョウOmemieijou): những người có tư cách gặp trực diện Tướng quân;
  2. Ngự mục kiến dĩ hạ (御目見以下; オメミエイカOmemieika): không có tư cách tham kiến Tướng quân;
  3. Bộ phòng phương (部屋方; へやがたHeyagata): chỉ có thể quanh quẩn trong "Trưởng cục hướng" (長局向)[g], là các nữ hầu riêng của nữ trung cao cấp.

Thời kỳ toàn thịnh, cả Ōoku có hơn 1.000 người phụ nữ. Khi các gia đình samurai, thương nhân hoặc nông dân muốn đưa người vào Ōoku, thì các cô gái này cần đệ trình một loại giấy thề độc sẽ không tiết lộ những gì nhìn thấy hoặc nghe được trong khi phục vụ ở đây. Xã hội Ōoku có chế độ thoát ly như công sở hiện đại, những vị nữ trung khi phục vụ trên 3 năm thì liền có chế độ cho phép ngày nghỉ, bắt đầu là 6 ngày, trên 6 năm thì 12 ngày, từ 9 năm thì có 16 ngày, những khi cha mẹ qua đời thì cũng có thể đặc biệt xin ra để tang viếng[34]. Những vị nữ trung cao cấp khi tháp tùng các Ngự đài sở đến thăm viếng "Khoan Vĩnh tự" (寛永寺; かんえいじ) và "Tăng Thượng tự" (增上寺; ぞうじょうじ), hoặc được phái đi đến thăm nhà Daimyō, thì cũng có thể tự do xem ca hát.

Rất nhiều gia tộc samurai và thương nhân xem trọng việc đưa con gái của mình vào Ōoku, dù chỉ là hạng tạp dịch cấp thấp, thế nhưng có lịch sử từng ở trong Ōoku cũng khiến những cô gái này được nhìn nhận là "có qua quá trình tu hành danh giá", trở thành một lợi thế cho hôn nhân về sau[35].

Ngự mục kiến dĩ thượng
  • Thượng lạp Ngự niên ký (上臈御年寄; じょうろうおとしよりJōrō Otoshiyori)
Xưng hô chính thức là Thượng lạp Niên ký (上臈年寄), đều xuất thân từ giới quý tộc Kuge (Công gia; 公家) tại kinh đô Kyoto, là người có xuất thân và địa vị lớn nhất trong nhóm Áo nữ trung. Phần nhiều con gái quan viên trung cấp của triều đình Kyoto, vốn là thân phận thị nữ bồi giá đi theo các Ngự đài sở đến Ōoku, thường có 3 người[34]. Về bổn phận, họ chịu trách nhiệm bảo trợ, cố vấn cũng như đảm nhiệm việc lễ nghi sinh hoạt cho Ngự đài sở, đôi khi còn là cố vấn chính trị cho bản thân các Tướng quân và phụ trách chính việc tổ chức nghi thức trong Ōoku. Vì xuất thân "Kuge" đại diện triều đình, các Thượng lạp Niên ký thường đối đầu với các Ngự niên ký xuất thân "Hatamoto" đại diện thế lực Mạc phủ[36]. Mặc dù trên danh nghĩa chức vụ này có quyền lực rất cao, nhưng trên thực tế không có thực quyền nhiều bằng Ngự niên ký.
  • Ngự niên ký (御年寄; おとしよりOtoshiyori)
Xuất thân từ tầng lớp samurai thượng cấp "Hatamoto", người có quyền lực tối cao tại Ōoku, phụ trách quản lý mọi thứ trong Ōoku, do đó phim truyện hiện đại Nhật Bản cũng gọi những người này là Đại áo Tổng thủ đế (大奧總取締)[h]. Quyền lực cao cấp, có khả năng tham gia chính trị ở Edo, thường có lập trường đối lập với các Thượng lạp Niên ký. Cùng giữ chức vụ này thường đồng thời có 7 người, tiến hành cơ cấu chấp chính theo phiên được gọi là "Lưu trị nguyệt" (流值月), và từ hội nghị này mới quyết định giải quyết tất cả công việc. Khi tiến hành "Lưu trị nguyệt", các Ngự niên ký sẽ đến tụ họp tại một nơi gọi là Thiên Điểu chi gian (千鳥の間) để nghe Biểu sử và Ngự hữu bút hồi báo tất cả công văn, rồi dựa vào kết quả hội ý mà ra mệnh lệnh[34]. Người đầu tiên giữ chức vụ này là Xuân Nhật cục - nhũ mẫu của Tướng quân Tokugawa Iemitsu.
  • Ngự trung lạp (御中臈; おちゅうろうOchūrō)
Nữ quan phục vụ thân cận của Ngự đài sở và Tướng quân. Được tuyển chọn dựa vào tài cán và đức độ, không cân nhắc thân phận hàng đầu. Rất nhiều trắc thất của các đời Tướng quân đều từ vị trí này làm bàn đạp. Đảm nhiệm công tác dựa vào 3 lượt phân ban, có "Xuất phiên" (出番), "Ngự tụ" (御袖) và "Phi phiên" (非番). Trong đó "Xuất phiên" chia làm 2 đợt: từ 10 giờ sáng (Triều tứ hạ; 朝四下) đến "Chính ngọ" giữa trưa hoặc đến 2 giờ chiều (Trú bát hạ; 昼八下), đợt thứ hai là từ tối đến sáng sớm hôm sau. Còn phiên "Ngự tụ" là từ "Trú bát hạ" đến sáng hôm sau, mà phiên "Phi phiên" là thường trực lúc Tướng quân nghỉ ngơi[34].

Các chức vụ khác:

  • Trung niên ký (中年寄; ちゅうどしよりChūdoshiyori): đại diện kiêm phụ tá của Ngự niên ký.
  • Ngự khách ứng đáp (御客應答, おきゃくあしらいOkyakuashirai): phụ trách tiếp đãi các nữ quyến thuộc các dòng nhánh lớn của gia tộc Tokugawa là "Ngự tam gia" (御三家; ごさんけ) và "Ngự tam khanh" (御三卿; ごさんきょう)[i].
  • Ngự phường chủ (御坊主; おぼうずObōzu): phụ trách chuẩn bị vật tùy thân cho Tướng quân, là thành phần nữ trung duy nhất có thể đi lại giữa Đại áo ("Ōoku"), Trung áo ("Nakaoku") và Biểu gian ("Omotemuki")[j]. Khi Tướng quân ở Đại áo, họ sẽ phụ trách mang kiếm hoặc vật tùy thân, vì tính chất công việc nên cần cạo trọc, mặc trang phục nam giới và tầm 50 tuổi trở lên mới được đảm nhiệm[34].
  • Ngự đĩnh khẩu (御錠口; おじょうぐちOjōguchi): canh giữ cửa lớn "Ngự linh lang" (御鈴廊; hay còn gọi Thượng chi Ngự đĩnh khẩu 上之御鈴口) - là chính môn tại Ōoku, nối giữa "Đại áo" và "Trung áo" (nơi ở của Tướng quân). Ngoài ra họ cũng phụ trách "Hạ chi Ngự đĩnh khẩu" (下之御錠口) - thông đạo thoát hiểm phòng khi hỏa hoạn, đôi khi còn có vai trò truyền đạt thông tin từ "Trung áo", cần 2 người phiên trực[34].
  • Ngự tiểu tính (御小姓; おこしょうOkoshō): các thiếu nữ độ tuổi từ 7 tới 16 tuổi hầu cận Tướng quân và Ngự đài sở. Họ đều xuất thân từ các gia đình samurai từ tầng lớp "Hatamoto", có cơ hội lớn được tuyển chọn làm Ngự trung lạp. Đến khi 13 tuổi, sau khi trải qua lễ thành niên Genbuku (Nguyên phục; 元服) thì họ sẽ được gọi là Nguyên phục tiểu tính (元服小姓; げんぷくこしょうGenpuku koshō).
  • Ngự thứ (御次; おつぎOtsugi): phụ trách quét dọn Phật đường, di chuyển lễ phẩm, sắp xếp các tiết mục du nghệ, chuẩn bị bữa ăn và lưu trữ đồ vật của Tướng quân.
  • Biểu sử (表使; おもてづかいOmotezukai): giúp việc cho Ngự niên ký, phụ trách sở nhu vật phẩm của Ōoku.
  • Ngự hữu bút (御右筆; ごゆうひつGoyūhitsu): phụ trách văn thư, kiểm tra cống phẩm.
  • Thiết thủ thư (切手書; きってがきKittegaki): phụ trách ghi chép tình hình ra vào Ōoku.
  • Ngô phục chi gian (吳服之間; ごふくのまGofukunoma): phụ trách làm y phục cho cả Ōoku.
  • Ngự tam chi gian (御三之間; おさんのまOsannoma): phụ trách quét dọn các phòng ốc cao cấp, kiêm làm tạp dịch cho Ngự niên ký.
Ngự mục kiến dĩ hạ
  • Ngự quảng tọa phu (御廣座敷; おひろざしきOhirozashiki):cấp dưới của Biểu sử, phụ trách cung cấp đồ ăn cho các nữ quyến quý tộc Daimyō đang ở trong thành Edo.
  • Ngự trọng cư (御仲居; おなかいOnakai): phụ trách an bài đồ vật và khử độc.
  • Hỏa chi phiên (火之番; ひのばんHinoban): phụ trách phòng cháy, kiêm tham gia biểu diễn.
  • Ngự trà chi gian (御茶之間; おちゃのまOchanoma): phụ trách bưng trà dâng cho Ngự đài sở sau khi ăn.
  • Ngự sử phiên (御使番; おつかいばんOtsukaiban): phụ trách đóng mở "Ngự quảng phu ngự đĩnh khẩu"[k].
  • Ngự mạt (御末; おすえOsue): cũng gọi Ngự bán hạ (御半下; おはしたOwashita), thân phận thấp nhất trong Ōoku, thường lấy con gái nhà samurai tầng lớp "Gokenin" sung nhậm. Phụ trách làm đủ loại chuyện tạp dịch như nhân sự ở các phòng ban, phụ trách gánh nước cho nhà tắm và nhà bếp, làm phu dịch cho Kago (Giá lung; 駕籠).

Còn có hạng "Bộ phòng phương" là những người trực tiếp đi theo làm công cho các Áo nữ trung cao cấp, có thể nói bọn họ là "Nữ trung của các nữ trung" trong xã hội Ōoku, nên cũng được gọi Hựu giả (又者; マタモノMatamono). Hạng này đại khái có nhiều danh phận như Ngự khuyển tử cung (御犬子供; おいぬこどもOinukodomo), một vị trí chạy chân tạp dịch, phần nhiều tuyển con gái tầng lớp thương nhân ("Đinh nhân"; 町人), từ 16 tuổi làm công tác đến tầm 23 tuổi[37]. Lại có nữ hầu gọi là Trọng cư (仲居; なかいNakai) phụ trách bếp núc cùng dâng bữa ăn[38], hoặc cũng có các Đa môn (多門; タモンTamon) phụ trách gánh nước và đi theo cầm giày cho các nữ trung cao cấp[39]. Cả hai dạng "Trọng cư" cùng "Đa môn" đều như "Ngự khuyển tử cung", được tuyển từ nhà thương nhân hoặc nông dân.

Việt Nam

Trước triều đại nhà Nguyễn, lịch sử Việt Nam không có ghi chép cụ thể và chi tiết chức vụ cũng như cấp bậc của các nữ quan, dù có ghi nhận một vài nữ quan ưu tú. Sang thời Nguyễn, căn cứ theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, hệ thống nữ quan Việt Nam mới có ghi chép cụ thể. Hệ thống nữ quan triều Nguyễn được gọi là Lục thượng (六尚), tương đồng quy chế thời Đường-Tống.

Khác với Trung Quốc, đứng đầu hệ thống này chính là các phi tần, vì họ đều có vai trò cụ thể trong từng cơ quan của Lục thượng. Thời Thiệu Trị, bà Từ Dụ khi còn là Quý phi đã được giao trọng trách cai quản viện Thượng nghi. Thời Tự Đức, bà Vũ Thị Duyên sau khi được sách phong làm Hoàng quý phi thì được giao quyền cai quản Lục thượng, gọi là "Suất nhiếp Lục thượng", sau vì việc quản lý của bà chưa được chu toàn khiến cung nhân tiến cơm trưa chậm làm trái ý nhà Vua, nên bà bị giáng làm Trung phi và tước bỏ quyền cai quản Lục thượng, chỉ được giữ việc cũ là quản Thượng nghi. Thời Đồng Khánh, Hoàng quý phi Nguyễn Hữu Thị Nhàn được ban kim bài chiều ngang khắc chữ "Đồng Khánh sắc tứ", chiều dọc khắc chữ "Kiêm nhiếp lục viện", Giai phi Phan Văn thị cũng được phong làm "Quyền nhiếp lục viện", cai quản Lục thượng cùng Hoàng quý phi. Còn Quán phi Trần Đăng thị, Chính tần Hồ Văn thị, Nghi tần Nguyễn Văn thị, Dự tần Trần Văn thị cũng được phân ra cai quản Lục thượng viện. Sau vì cư xử không đúng mực, Quán phi, Chính tần và Nghi tần bị giáng xuống làm Tùy tần, Mỹ nhân và Tài nhân cũng như mất quyền cai quản Lục thượng.

Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), sau khi ban bố 9 bậc phi tần, Vua Thánh Tổ còn cho đặt Lục thượng ty (六尚司) do các phi tần kiêm chức nữ quan đảm nhiệm, định rõ chức phận giữ nội chính cho được tề chỉnh, lúc này thứ tự có:

  • Thượng nghi (尚儀), giữ nghi lễ tiết văn.
  • Thượng trân (尚珍), giữ châu ngọc quý báu.
  • Thượng khí (尚器), giữ những đồ đạc quý.
  • Thượng phục (尚服), giữ chầu, nệm, giường, màn.
  • Thượng thực (尚食), giữ các loại bánh trái quà mọn.
  • Thượng y (尚衣), giữ việc áo xiêm.

Quản lý Lục thượng ty này lại chia làm các bậc Nữ quan, bao gồm:

  1. Thủ đẳng (首等), tức Bậc đầu, là chức Quản sự (管事) của Lục thượng, cùng Tư nghi (司儀) và Tư trân (司珍).
  2. Thứ đẳng (次等), tức Bậc thứ, là chức Thống sự (統事) của Lục thượng, cùng Tư hương (司香) và Tư khí (司器).
  3. Trung đẳng (中等), tức Bậc giữa, là chức Thừa sự (承事) của Lục thượng, cùng Tư y (司衣) và Tư thảng (司帑).
  4. Á đẳng (亞等), tức Bậc á, là chức Tùy sự (隨事) của Lục thượng, cùng Quản ban (管班) của các ban.
  5. Hạ đẳng (下等), tức Bậc dưới, là chức Tòng sự (從事) của Lục thượng, cùng Lãnh ban (領班) của các ban.
  6. Mạt đẳng (末等), tức Bậc cuối, có chức Mục (目; tương đương Trưởng ban) của các ban và Cung nô Đầu mục (宮奴頭目).

Trong Hội điển cũng ghi lại, quản lý mọi việc là bậc Thủ đẳng, thâu tóm mọi việc là bậc Thứ đẳng, thừa hành mọi việc là bậc Trung đẳng, còn Á đẳng trở xuống là lệ thuộc trực tiếp trong phạm vi mỗi ban, các ban đều có lịch trình riêng phân biệt nhau, gồm 8 ban là: ban Thiều Quang, ban Thuỵ Nhật, ban Kim Hoa, ban Hương Cẩm, ban Tường Loan, ban Nghi Phượng, ban Tiên Quếban Ngọc Mai. Vào lúc này thì từ bậc Thủ đẳng đến bậc Hạ đẳng, khi sách phong đều ban cáo sắc bằng giấy Long tiên trục[l]. Bậc Mạt đẳng, do bộ Lễ tuyên sắc, và từ bậc Hạ đẳng trở lên nếu có thự hàm, thì cho các sắc chỉ tuyên phong đều dùng giấy Hội sao. Sau khi viết các trục cáo sắc cho Nữ quan, đều để vào trong hòm gỗ màu đỏ son, các quan bộ Lễ giao cho Cung giám (tức các quan thái giám), rồi từ Cung giám truyền cho Nữ quan ấy nhận lĩnh. Các Nữ quan kính nhận, để trên hương án, làm lễ 3 lần quỳ, 6 lần vái. Về sau nếu có cáo sắc nhận ơn, đều đến trước mặt Hoàng đế làm lễ 3 lạy 6 vái như trên. Khi bị giáng chức, thì do Cung giám trực tiếp truyền chỉ.

Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), Vua Hiến Tổ cho dụ đổi cách gọi Lục thượng ty thành Lục thượng viện (六尚院), lại cho đặt thêm các cơ quan nhỏ trong Lục thượng để cai quản tỉ mỉ và trực tiếp hơn so với khi trước. Hoàn thiện thêm chế độ Lục thượng gồm:

  • Thượng nghi (尚儀), coi việc giữ giấy tờ trong nội cung. Trong đó chia ra các bậc quản lý:
Bậc đầu gọi là Chưởng nghi (掌儀), Chưởng lễ (掌禮). Bậc thứ gọi là Tư hương (司香), Tư chương (司章). Bậc trung gọi là Điển thư (典事), Điển hàn (典翰).
  • Thượng diên (尚筵), đổi từ Thượng thực, hầu ngự thiện và phụng tiến các thức ăn. Trong đó chia ra các bậc quản lý:
Bậc đầu gọi là Chưởng diên (掌筵), Chưởng yến (掌宴). Bậc thứ gọi là Tư trà (司茶), Tư thiện (司膳). Bậc trung gọi là Điển soạn (典僎), Điển dao (典醪).
  • Thượng trân (尚珍), coi giữ ngọc châu, trân bảo. Trong đó chia ra các bậc quản lý:
Bậc đầu gọi là Chưởng châu (掌珠), Chưởng ngọc (掌玉). Bậc thứ gọi là Tư kim (司金), Tư ngân (司銀). Bậc trung gọi là Điển hoàn (典鍰), Điển mân (典緡).
  • Thượng y (尚衣), phụng hầu mũ áo và coi giữ xiêm y bốn mùa. Trong đó chia ra các bậc quản lý:
Bậc đầu gọi là Chưởng bào (掌袍), Chưởng cừu (掌裘). Bậc thứ gọi là Tư y (司衣), Tư phi (司緋). Bậc trung gọi là Điển nhu (典襦), Điển chẩn (典袗).
  • Thượng phục (尚服), coi việc màn trướng. Trong đó chia ra các bậc quản lý:
Bậc đầu gọi là Chưởng duy (掌帷), Chưởng vi (掌幃). Bậc thứ gọi là Chưởng thường (掌裳), Chưởng đới (掌帶). Bậc trung gọi là Điển khâm (典衾), Điển nhục (典褥).
  • Thượng thảng (尚帑), vốn là Thượng khí, coi giữ nội khố. Trong đó chia ra các bậc quản lý:
Bậc đầu gọi là Chưởng trân (掌珍), Chưởng ngoạn (掌玩). Bậc thứ gọi là Tư thảng (司帑), Tư khí (司器). Bậc trung gọi là Điển cẩm (典錦), Điển thái (典采).

Cũng trong năm Thiệu Trị thứ 3, cũng xuống dụ cho đổi tên một số cơ quan: Điển soạn của Thượng diên thành Điển tư (典司); Tư kimTư ngân của Thượng trân đổi thành Tư cung (司供), Tư trân (司珍); Điển hoàn cùng Điển mân cũng đổi thành Điển kim (典金), Điển ngân (典銀).

Triều Tiên

Các nữ quan đều phục vụ gọi chung là Nội mệnh phụ. Đối với các hậu cung, được Quốc vương sủng hạnh và hạ sinh con cái sẽ được gọi là "Nội quan", còn các cung tì phục vụ mọi việc sẽ được gọi là "Cung quan". Các cấp bậc Cung quan được quy định rất chặt chẽ.

Hai vị trí cao nhất, thuộc hàm Chính ngũ phẩm là Thượng cung (尙宮, 상궁) và Thượng nghi (尙儀, 상의), họ là các nữ quan phục vụ trực tiếp cho Vương thất. Một cung nữ ở lâu trong cung, giàu kinh nghiệm sẽ được chỉ định làm Thượng cung. Khi một cung nữ trẻ tuổi được Quốc vương sủng ái nhưng chưa sinh dục con cái, cũng đều được sắc phong làm Thượng cung. Khi đó họ đứng hàng cao nhất trong Chính ngũ phẩm, khác hẳn các Cung quan khác và được gọi là Thừa ân Thượng cung (承恩尙宮, 승은상궁). Tuy nhiên, Thừa Ân thượng cung không được tính vào Vương thất hay Nội quan. Mỗi Thừa ân Thượng cung sẽ được ban cho một Thượng cung khác để hầu hạ. Do tính chất này, họ còn được gọi là "Đặc biệt Thượng cung" (특별상궁; 特別尙宮).

Tuỳ theo vị trí và nhiệm vụ, giữa các Thượng cung với nhau sẽ có phân chia thứ bậc, ví dụ như:

Tên gọi Phiên âm Chữ Hangul Chữ Hán Vai trò
Đề điều Thượng cung Jejo sanggung 제조상궁 提調尙宮[40] Là Thượng cung có địa vị cao nhất trong số các Thượng cung, quản lý các Thượng cung cùng các cung nữ, có ảnh hưởng trong hậu cung. Họ phục vụ nhà vua với nhiều nội quan khác trong cung, nhận lệnh của nhà vua và có quyền lực chính trị.

Đề điều thượng cung chỉ có một người nhưng điều kiện để có thể trở thành Đề điều thượng cung phải là người xuất chúng nhất và thuộc nhóm những cung nữ thâm niên, có học vấn (thường là người thông thạo kinh thư) cũng như phải có năng lực lãnh đạo xứng tầm để có thể thống lĩnh chúng cung nữ. Nhiệm vụ của Đề điều thượng cung là nhận Ngự mệnh (어명,御命) của Đại điện và quản lý tài sản lớn nhỏ của Nội điện.

Có thể xem Đề điều thượng cung tương đương với Tể tướng ở tiền triều.

Phó Đề điều Thượng cung Bujejo sanggung 부제조상궁 副提調尙宮 Cũng được gọi là A lý khố Thượng cung (Arigo sanggung, 阿里庫尙宮), phụ trách quản lý công khố của hậu cung, là người chỉ xếp sau Đề điều thượng cung. A lí khố là khố phòng ở Nội điện, ở trong đây có chứa những tài sản quý giá được ghi vào danh mục tài sản cá nhân của Đại vương. Những tài sản quý giá gắn liền với ăn – mặc – ở như chén bạc, vật dụng bằng sắt và đồ đồng cùng với các loại vải nhiều màu có khảm đá quý. Tất cả những vật dụng này khi lấy ra và trả lại đều phải qua tay của A lí khố thượng cung.
Chí mật Thượng cung Jimil sanggung 지밀상궁 至密尙宮 Cũng được gọi là Đãi lệnh Thượng cung (Daeryeong sanggung, 待令尙宮), phụ trách việc hầu hạ thân cận với nhà vua và Vương phi cùng Vương đại phi, không bao giờ rời bước, cho nên họ mới được gọi là "Đãi lệnh", có nghĩa là chờ đọi mệnh lệnh.
Bảo mẫu Thượng cung Bomo sanggung 보모상궁 保姆尙宮 Họ có nhiệm vụ chăm sóc các Vương tử và Vương nữ. Theo đó ở Đông cung sẽ có hai người, còn Vương tử và Vương nữ ở những nơi khác thì mỗi nơi một người. Vương tử và Vương nữ khi còn nhỏ sẽ gọi những Bảo mẫu thượng cung này là A chỉ (아지,阿只).
Thị nữ Thượng cung Sinyeo sanggung 시녀상궁 侍女尙宮 Họ có nhiều nhiệm vụ rải rác trong khắp Nội viện, nhưng nhìn chung thường ngày sẽ làm việc ở những nơi phòng Chí mật.

Thị nữ thượng cung đảm nhiệm việc quản lý thư tịch, tuyên đọc các loại sách quan trọng trong các ngày lễ tiết. Những người viết chữ đẹp thì đảm nhận viết sách và phụ trách tấu thỉnh những việc khác. Còn trong các buổi tiệc lớn nhỏ sẽ được chia ra làm Thị nữ thượng cung phục vụ yến tiệc, Thị nữ thượng cung dâng thiện thực và Thị nữ thượng cung dâng rượu. Ngoài việc quản lý những vật dụng khác như chén bát thì Thị nữ thượng cung còn quản lý các từ đường và cũng chịu trách nhiệm khóc tang.

Cuối cùng, Thị nữ thượng cung như là một Đặc sứ của Đại vương và Vương phi khi nhà mẹ của Vương phi có chuyện lớn thì nhận ngự mệnh rồi đến đó giải quyết.

Giám sát Thượng cung Gamchal sanggung 감찰상궁 監察尙宮 Họ có nhiệm vụ đánh giá và trừng phạt các cung nữ. Đối tượng giám sát thường là những cung nữ trẻ tuổi và các cung nữ tập sự mà không tính những Thượng cung thâm niên.

Các hình phạt nhẹ thì có thể bị xử bóp chân và nặng có thể bị lưu đày. Những người sống trong cung đều là các gia đình độc lập nên ở mỗi cung điện đều được bố trí hai Giám sát.

Nhất ban Thượng cung Ilban sanggung 일반상궁 一般尙宮 Đây là những người chưa được ban chức danh như những Thượng cung trên. Thường thì ở mỗi bộ phận sẽ có 7 đến 8 người nên họ có trách nhiệm quản lý những Nội nhân thuộc cấp và đảm nhiệm tất cả công nhận ở bộ phận sở thuộc.

Châu Âu

Chế độ Thị tùng ("Lady-in-waiting") của Châu Âu phức tạp hay đơn giản cũng tùy thuộc vào thiết đặt của từng quốc gia. Các thị tùng được phân vào một "hệ thống" cụ thể thì đều có bà chủ là Nữ chúa[m] hoặc Quốc phi[n], sau đó đến thân phận kế nhiệm là Trữ phi - vợ của Trữ quân. Những nữ quyến khác của dòng dõi nhà Vua, bao gồm Vương nữ (Hoàng nữ) cùng vợ của các Vương tử (Hoàng tử), cũng như các quý bà tầng lớp quý tộc khác, tuy rằng họ cũng có thể có được thị tùng của riêng mình nhưng đều không được phân thành hệ thống hoàn chỉnh.

Sarah Churchill, Bà Công tước xứ Marlborough - từng là "Mistress of the Robes" cho Nữ vương Anne.

Triều đình Vương quốc Liên hiệp Anh hiện tại có các phân bậc được hình thành cơ bản từ thời kỳ nhà Tudor và được duy trì y hệt đến hiện tại về cơ bản, cụ thể bao gồm[18][41]:

  • Mistress of the Robes
Đứng đầu đoàn thể thị tùng chính thức của vương thất. Như tên gọi, họ phụ trách bảo quản tủ trang sức và tủ quần áo của bà chủ, chủ yếu là các loại Áo bào (gọi là "Robe") và Mũ miện (gồm "Crown", "Diadem" và "Tiara"). Trong lễ đăng quang của Nữ vương và Vương hậu, chức vị này có nhiêm vụ nâng áo bào diễu hành, đồng thời còn kiêm vai trò chỉ đạo và điều phối các thị tùng khác. Trong thế kỉ 17thế kỉ 18, chức vị này thường bị thay thế hoặc bị kiêm nhiệm bởi các "First Lady of the Bedchamber".
  • First Lady of the Bedchamber
Đứng đầu nhóm thị tùng thân cận nhất của một nữ chủ được gọi là Lady of the Bedchamber. Xuất thân của họ đều phải là nữ quyến trong một gia đình đại quý tộc, là vợ hoặc góa phụ của Công khanh quý tộc có tước vị từ Bá tước trở lên. Nhóm vị trí này tương ứng với "Lord of the Bedchamber" của Quốc vương, họ sẽ phụ trách việc mặc đồ, phục vụ bánh trái và những công việc hết sức thân cận của chủ nhân, do đó có địa vị rất cao trong triều. Trong thế kỉ 17 và thế kỉ 18, vì các "Lord" kiêm công việc của "Groom of the Stool" - những người phụ trách bảo quản tủ đồ dùng và Áo bào của Quốc vương, nên khi vị Vua chúa là nữ thì vai trò của các "Groom" sẽ được chuyển cho các các "First Lady", và khi Nữ vương Anne lên ngôi, bà tạo thành hiện tượng các "First Lady" kiêm luôn vai trò "Mistress" suốt 2 thế kỉ. Điều này đến năm 1760 mới chấm dứt khi triều đình phân định rõ ràng hơn, các "First Lady" bị "Mistress" thay thế hoàn toàn.
  • Woman of the Bedchamber
Một nhóm thị tùng xuất thân đều phải là con gái của quý tộc được gọi là Peer - tức các Công khanh quý tộc nói chung, những người có tước vị truyền đời chính thức. Thông thường xuất thân của họ đều kém các thị tùng thuộc "Lady of the Bedchamber", mặc dù công việc của họ giống nhau: phục vụ nữ chủ nhân những việc riêng tư thân cận như thay quần áo và các sinh hoạt thường thức như phục vụ ăn uống, bưng bê bánh trái cùng chuyển tải thư tín. Căn cứ mô tả của Lady Masham vào năm 1728 khi phục vụ Nữ vương Anne, khi các "Woman" và "Lady" cùng hiện diện trong một không gian, thì "Lady" được quyền ưu tiên phục vụ bà chủ hơn. Đại khái quy luật này như sau: "Khi các Woman nhận đồ từ tay những người phục vụ, họ sẽ dâng cho Nữ vương nếu như không có Lady hiện diện. Nếu như Lady cũng hiện diện thì họ sẽ chuyển cho các Lady, không cần hành lễ. Các Lady dâng lên trực tiếp cho Nữ vương"[20].
  • Maid of Honour
Trong tiếng Anh thì danh từ "Maid" đều chỉ đến các thiếu nữ trẻ và chưa chồng, do đó họ đa phần đều là thiếu nữ chưa kết hôn. Xuất thân của họ thông thường không cần quá cao, từ thế kỉ 18 họ đều được hưởng kính xưng "The Honourable" đến hết đời[42]. Hiện tại, họ chỉ được bổ nhiệm trong lễ đăng quang.

Thời Trung cổ ở nước Anh lần đầu ghi nhận Vương hậu Marguerite đem từ Pháp qua 7 người, 3 trong đó đã kết hôn sẽ được gọi là "Domina" còn 4 người chưa kết hôn là "Maid of Honour", chưa thấy những cấp bậc đứng đầu[18]. Đến khi Elizabeth xứ York xuất hiện, căn cứ theo ghi chép của Sứ thần Tây Ban Nha là Rodrigo de Puebla thì Elizabeth có 32 người, trong đó 18 người là quý tộc được gọi là "Gentlewomen", 7 người là "Maid of Honour" và 3 người là "Chamberers Women"[19]. Việc có nhiều người như vậy, ngoại trừ thị tùng của riêng Elizabeth thì còn có thị tùng của con gái bà, thậm chí là thân phận thị tùng riêng của các vị thị tùng phục vụ cho bà. Về lý thuyết, bọn họ đều là đoàn tùy tùng của riêng Vương hậu. Cũng từ thời kỳ nhà Tudor trở về sau, phận sự của các thị tùng này chính là được thiết kế như những người bạn túc trực bên cạnh Vương hậu, giúp đỡ về giao tiếp cũng như cả vấn đề cá nhân, có thể ví như "triều đình nhỏ" của Vương hậu. Địa vị của họ tùy thuộc vào gia thế và tước hiệu của gia tộc, nếu vị Vương hậu không phải đến từ nước ngoài thì thông thường họ hàng của họ sẽ được bổ nhiệm vị trí thân cận, như Lady Margaret Lee thời Anne Boleyn hoặc Elizabeth Seymour, Lady Cromwell thời Jane Seymour. Việc bổ nhiệm địa vị của thị tùng cũng là một biểu hiện của lôi kéo chính trị, đặc biệt nếu đó là Nữ vương, sự kiện "Bedchamber crisis" thời kỳ đầu tiên của Victoria của Anh chính là ví dụ nổi tiếng nhất về việc này[o].

Marie de Rohan - người giữ chức vụ "Surintendante" dưới thời kỳ Ana của Tây Ban Nha.

Chế độ thị tùng của Vương quốc Pháp bị ảnh hưởng từ triều đình Công quốc Bourgogne và được chia ra tương đối phức tạp[43]. Từ thế kỉ 12, sự xuất hiện lần đầu tiên về chế độ thị tùng tại Pháp là dưới thời Vương hậu Pháp kiêm nữ vương Navarra Juana I, người được ghi nhận có 5 vị thị tùng được gọi là "Dame" và "Damoiselles", chủ yếu chia ra làm hai dạng đã kết hôn và chưa kết hôn. Tuy nhiên mãi đến thế kỉ 15, triều đình Pháp do phong trào Phục hưng mới bắt đầu quy mô hóa cái gọi là "Chế độ Thị tùng" của riêng mình.

Việc phát triển này thường được nhìn nhận do Anne xứ Bretagne khởi xướng, vì để đạt được quyền uy hiệu quả nhất khi là Vương hậu của Pháp, bà cần có một hệ thống cấp dưới của riêng mình, một hệ thống có thể đối trọng với đoàn tùy tùng của chồng bà. Sau khi đặt ra "Chevalier d’honneur" cùng một số chức vụ cho nam giới, Anne cũng bắt đầu nghĩ đến nữ giới. Để làm việc đó, Anne đã dần tăng số thị tùng xung quanh mình từ 23 người (vào năm 1490) lên đến 39 người (vào khoảng 1496 - 1498), ngoài ra bà còn rất khuyến khích các công khanh đại thần gửi con gái của mình vào triều để giao lưu và học tập[44]. Tiếp đó, François I của Pháp cũng tích cực tạo nên môi trường "quần thể phụ nữ" đông đúc vì bản tính trăng hoa của mình. Theo như Kathleen Wilson-Chevalier nhận xét, Quốc vương Francis I xem người phụ nữ là một phương thức khiến nam giới trong triều trở nên hào nhoáng hơn, và sự xuất hiện của "nhân tố" này khiến triều đình Pháp có màu sắc mới. Triều đình Pháp dưới thời Francis I được chia ra ba đoàn thị tùng lớn nhất, bao gồm của vợ ông (Claude của Pháp), của mẹ ông (Louise xứ Savoy) và của chị ông (Marguerite xứ Angoulême). Kế đến, chế độ thị tùng Pháp càng hoàn thiện dưới thời kỳ nhiếp chính của Caterina de' Medici[45][46]. Sở dĩ triều đình Pháp được biết đến đẹp đẽ nhất nhì Châu Âu, cũng là bởi vì các Vua chúa và quý tộc nam giới người Pháp rất khuyến khích sự hiện diện của phụ nữ, xem phụ nữ như một thành quả giàu sang, họ còn so sánh đề tài về phụ nữ "lý thú hơn quốc sự và săn bắn", ví von phụ nữ mới là khái niệm khi nói về triều đình[47].

Chức vụ các thị tùng của triều đình Pháp, qua nhiều thời gian tạo ra hoặc chỉnh sửa, bao gồm:

  • Surintendante de la Maison de la Reine
Có nhiệm vụ giám thị và hầu cận Vương hậu, tương đương "Mistress of the Robes" của triều đình Anh, địa vị cao nhất trong các thị tùng tại triều đình. Được tạo ra từ năm 1619 thời Vua Louis XIII. Tuy nhiên khi nhậm chức, họ phải tuyên thệ lời thề trung thành với Quốc vương mà không phải bản thân Vương hậu. Đồng cấp với "Surintendante" còn có chức vị được gọi là Gouvernante des enfants royaux, nhiệm vụ như là Phó mẫu - chịu trách nhiệm giáo dục các vương tử cùng vương nữ của vương triều. Khi nhậm chức, cũng giống như "Surintendante", họ phải tuyên thệ lời thề trung thành với Quốc vương mà không phải Vương hậu.
  • Première dame d'honneur
Đứng sau chức vụ "Surintendante", và đứng đầu nhóm thị tùng đã có gia đình được gọi là Dame d'honneur. Được tạo ra năm 1523 thời Francis I, chức trách của chức vị này bao trùm rất lớn, thậm chí thay thế chức vụ "Surintendante" trong nhiều trường hợp đặc thù, bao gồm quản lý nhân số thị tùng cho Vương hậu cùng các vấn đề hằng ngày của Vương hậu, như mức độ chi tiêu, hướng dẫn các vị khách tiếp kiến Vương hậu vị trí thỏa đáng trong phòng hoặc trên bàn tiệc, thậm chí là thử độc trước bữa ăn của Vương hậu. Khi tiến hành dùng bữa ăn, các "Première dame" này sẽ là người được vinh dự đưa đồ ăn lên Vương hậu, sau đó là bản thân được dùng một đĩa riêng ngay bên cạnh Vương hậu[48]. Trước khi "Surintendante" được tạo ra, thì các "Première dame" trong thời gian dài được xem là chức vụ cao cấp nhất của các thị tùng trong triều đình. Năm 1674, các "Dame d'honneur" được đổi tên thành Dame du Palais với chức trách tương tự.
  • Dame d'atour
Phụ trách giám sát chìa khóa tủ đồ quần áo của Vương hậu, họ còn được quyền ưu tiên giúp Vương hậu mặc đồ cùng cởi đồ, thường được chọn từ những quý phu nhân có xuất thân cao. Được tạo ra từ năm 1534, nhưng ít nhất đã được đề cập thoáng qua dưới thời Isabeau xứ Bavaria với danh xưng "Femme d'atour", trong trường hợp "Première dame" vắng mặt thì họ sẽ trở thành người ưu tiên cao nhất trong các thị tùng. Vai trò của "Dame d'atour" thiên về nghi thức, người có ràng buộc về thân phận cao nhất đối với Vương hậu sẽ được nhận vị trí này, họ sẽ tự tay mặc đồ hoặc cởi đồ cho bà chủ, đồng thời còn quản lý tủ và rương quần áo - một trong những "yếu tố" quý giá nhất của thân phận người phụ nữ khi ấy[49].
  • Demoiselles d'honneur
Cũng được gọi là Filles d'honneur, là các thị tùng chưa có gia đình, đều là con gái quý tộc. Chức trách tùy hầu tương tự các thị tùng được gọi là "Dame" tuy nhiên mục đích của họ là để tập làm quen xã hội và tìm hôn phối phù hợp. Họ bị giám sát chặt bởi các Gouvernante de filles chuyên việc giáo dục[50]. Bị bãi bỏ vào năm 1674, vị trí của họ bị sát nhập vào "Dame du Palais".
  • Première femme de Chambre
Chức vụ được tạo ra để đứng đầu các Femme de Chambres cùng Lavandières - những nữ hầu cấp thấp chuyên phục vụ các việc khác trong phòng riêng của Vương hậu. Tất cả phụ nữ giữ chức vị hạng này đều không cần thiết xuất thân quý tộc, hình dung về họ tương đối giống nữ hầu (Lady's maid) hơn là thị tùng. Khi cùng hiện diện với "Dame d'atour", các "Première femme" phải nhường ưu tiên, việc này tương tự trường hợp "Lady of the Bedchamber" và "Woman of the Bedchamber" tại triều đình Anh. Một "Première femme" có chìa khóa phòng của Vương hậu, thậm chí có quyền từ chối các yêu cầu diện kiến Vương hậu, trong một thời gian chức vụ này từng có sức ảnh hưởng lớn trong triều đình Pháp.

Mô hình của Burgundy còn là nền tảng phức tạp hóa nhất trong các nước Châu Âu, đặc biệt là hình mẫu chung cho triều đình các nước ở Trung ÂuĐông Âu bao gồm Áo (kiêm Tây Ban Nha thời kỳ nhà Habsburg)[51], Đức, Đan Mạch, Thụy ĐiểnNga. Cũng như ở Anh và Pháp, các thị tùng ở các triều đình này luôn có một chức vụ nắm đầu tương tự "Mistress of the Robes" của Anh hoặc "Première dame d'honneur" của Pháp, đồng thời là các nhóm thị tùng có thân phận mang tính hình thức, sau đến là nhóm nữ hầu phục vụ thực sự. Các danh xưng chung của những triều đình này có thể có:

Các từ này đều có nghĩa là "Court Mistress" hoặc "Chief Court Mistress" trong tiếng Anh. Đúng như tên gọi, những chức vị này biểu thị cho vị thị tùng đứng đầu toàn bộ thị tùng của triều đình[52]. Tại các triều đình của Tây Ban Nha, Áo, Nga và Thụy Điển, chức vị này thường chỉ sau các thành viên gia đình Vua chúa và thậm chí có thể ngang hàng nhiều chức vụ cao cấp khác dành cho nam giới. Nhìn chung các chức vụ hạng này đều là đầu não trong nhóm thị tùng, thâu tóm tất cả vấn đề liên quan đến bà chủ.

Ngoài ra thì tùy triều đình sẽ có quan niệm phân cao thấp khác nhau, thông thường ngay dưới chức vụ "Chief Court Mistress" sẽ có từ 2 đến 3 giai tầng khác. Nhóm thị tùng được gọi là Hofdame, Mere de filles hoặc Kammerfräulein sẽ tương đương "Lady of the Bedchamber" của Anh và "Dame d'honneur" của Pháp, thường chỉ ngay sau "Chief Court Mistress", họ có nhiệm vụ cai quản đồ dùng riêng của bà chủ, đồng thời tháp tùng bà chủ trong các dịp lễ nghi hoặc thường nhật. Sau đó là nhóm Kameniersters, Kammerfrue hoặc Kammarfru, họ tương đương "Woman of the Bedchamber" của Anh, sẽ chuyên phục vụ trong phòng của nữ chủ nhân, xuất thân từ quý tộc cấp cao đến trung lưu, phục vụ gần với bà chủ nhưng sẽ luôn thua nhóm "Hofdame", thân phận của họ là trung gian giữa thị tùng và nữ hầu - tức các "Lady's maid".

Ngoài ra có vài triều đình luôn có nhóm Phó mẫu phụ trách giáo dục con cháu Vua chúa, như Tây Ban Nha có chức Ayas còn Nga là Mamok. Nhân tố thị tùng trong triều cũng có những thiếu nữ chưa chồng, được gọi là Hoffräulein tại Áo hay Erejoffer tại Hà Lan - tương đương "Maid of Honour" của Anh.

Xem thêm

Chú thích

  1. ^ Bản dịch từ NXB Văn hóa Thông tin dịch thẳng Nguyễn Thị Diên cùng Vương thị là "Nữ quan", trong khi bản chữ Hán ghi Nguyễn Thị Diên cùng Vương thị là Bố lan (㚴㜮)[14][15]. Căn cứ Khang Hi tự điển thì "Bố" có nghĩa là "người con gái đẹp"[16], còn Thuyết văn giải tự thì chữ "Lan" là "người làm công việc sai khiến"[17].
  2. ^ Tiếng Anh gọi là "The Bedchamber".
  3. ^ Đó là lý do trong tiếng Anh có cụm "The Queen's Household" ám chỉ hệ thống quan hầu của cả Nữ vương (Queen regnant) lẫn Vương hậu (Queen consort).
  4. ^ Chữ Hán "Dung" nghĩa là làm thuê. Tiếng Việt khi đề cập nữ hầu thường gọi chung Thị tỳ (侍婢) hay Thị nữ (侍女), nhưng hai khái niệm này tương ứng là "Handmaiden" trong tiếng Anh, một giai cấp nữ nô lệ, không xuất hiện ở các triều đình Châu Âu.
  5. ^ Sinh mẫu của Thiên hoàng Minh TrịNakayama Yoshiko (Trung Sơn Khánh Tử) vốn là một "Điển thị" của Thiên hoàng Kōmei, dưới bậc "Nữ ngự" khi ấy là Anh Chiếu Hoàng thái hậu.
  6. ^ Trong ngôn ngữ Nhật Bản, danh từ Nữ trung (女中) chỉ nói đến các nữ giới phục vụ trong nội trạch, không bao gồm thê thiếp của gia chủ[33].
  7. ^ Chỗ ở chính của nhóm Áo nữ trung, gồm một chỗ lớn nhất gọi là "Trưởng cục" và 4 dãy phòng ốc khác[34].
  8. ^ Chữ Hán tương đương "Tổng quản sự của Đại áo", phim truyện cận hiện đại mới sử dụng.
  9. ^ Đây là hai nhóm phân nhánh gia tộc Tokugawa, hậu duệ của các nhánh này đều có thể được dự tuyển cho vị trí Tướng quân.
  10. ^ Trong ngôn ngữ Nhật Bản, Trung áo (中奥) chỉ đến khu vực nhà bên trong ("Áo") dành riêng cho Tướng quân, trong khi Biểu gian (表向) là khu vực ngoại thần tiếp kiến Tướng quân.
  11. ^ Chữ Hán là 「御廣敷御錠口」, là nơi mà các Áo nữ trung bậc "Ngự mục kiến dĩ thượng" gặp các nam nhân viên Đài sở dịch nhân (台所役人) để bàn bạc công việc vặt. Ngoại trừ gia quyến của Ngự đài sở, Trắc thất cùng các Công khanh cao cấp, nam giới bình thường đều bị cấm vào khu vực Ōoku, nên các tạp dịch là nam giới nếu muốn bàn giao công việc với các Áo nữ trung cao cấp phải chịu sự giám sát nghiêm ngặt thông qua con đường này[34].
  12. ^ Loại giấy có hoa văn rồng và có trục.
  13. ^ Chữ Hán là 「女主」, tức là cách gọi trung gian của "Nữ giới làm Quốc chủ", trong đó "Chủ" cũng có âm "Chúa". Nói đến Nữ vương cùng Nữ hoàng.
  14. ^ Chữ Hán là 「國妃」, tức là cách gọi trung gian của "Vợ của Quốc chủ", trong đó Phi biểu thị danh từ. Nói đến Vương hậu cùng Hoàng hậu.
  15. ^ Sự kiện diễn ra ngày 7 tháng 5 năm 1839, sau khi Lord Melbourne của đảng Whig muốn từ chức Thủ tướng. Victoria của Anh đã phải tìm đến Robert Peel của đảng Bảo thủ, mời ông lên làm Thủ tướng và thành lập chính phủ, nhân đó Peel xin thay vài thị tùng của bà vốn là vợ con của các đảng viên đảng Whig. Victoria của Anh rất thích Melbourne, đã từ chối đề nghị của Peel vì cho rằng Peel muốn thay toàn bộ "những người bạn tâm giao" của bà, do đó Peel từ chối lãnh nhiệm Thủ tướng. Sự kiện này đã khiến Victoria của Anh bị chỉ trích tương đối nghiêm trọng vì đã có hành vi nhúng tay quá nhiều vào chính trị.

Tham khảo

  1. ^ Hậu sinh Khổng Tử, "Hôn nghi": 古者天子后立六宮、三夫人、九嬪、二十七世婦、八十一御妻,以聽天下之內治,以明章婦順;故天下內和而家理。天子立六官、三公、九卿、二十七大夫、八十一元士,以聽天下之外治,以明章天下之男教;故外和而國治。故曰:天子聽男教,後聽女順;天子理陽道,後治陰德;天子聽外治,後聽內職。教順成俗,外內和順,國家理治,此之謂盛德。
  2. ^ Chu Công, "Thiên quan・Trủng tể": 內宰:掌書版圖之法,以治王內之政令,均其稍食,分其人民以居之。以陰禮教六宮,以陰禮教九嬪。以婦職之法教九御,使各有屬,以作二事;正其服,禁其奇邪,展其功緒。大祭祀,後祼獻,則贊;瑤爵亦如之。正後之服位,而詔其禮樂之儀。贊九嬪之禮事。凡賓客之祼獻、瑤爵,皆贊。致後之賓客之禮。凡喪事,佐後,使治外內命婦,正其服位。凡建國,佐後立市,設其次,置其敘,正其肆,陳其貨賄,出其度量淳制,祭之以陰禮。中春,詔後帥外內命婦始蠶于北郊,以為祭服。歲終,則會內人之稍食,稽其功事。佐後而受獻功者,比其大小與其粗良而賞罰之。會內宮之財用。正歲均其稍食,施其功事,憲禁令于王之北宮,而糾其守。上春,詔王后帥六宮之人而生穜稑之種,而獻之于王。。。九嬪:掌婦學之法,以教九御婦德、婦言、婦容、婦功,各帥其屬而以時御敘于王所。凡祭祀,贊玉粢,贊後薦、徹豆籩。若有賓客,則從後。大喪,帥敘哭者亦如之。世婦:掌祭祀、賓客、喪紀之事,帥女宮而濯摡,為粢盛。及祭之日,蒞陳女宮之具,凡內羞之物。掌吊臨于卿大夫之喪。女御:掌御敘于王之燕寢。以歲時獻功事。凡祭祀,贊世婦。大喪,掌沐浴。後之喪,持翣。從世婦而吊于卿大夫之喪。
  3. ^ Lưu Hu, quyển 44, "Chức quan tam": 內官妃三人。正一品。《周官》三夫人之位也。隋依周制,立三夫人。武德立四妃:一貴妃,二淑妃,三德妃,四賢妃,位次後之下。玄宗以為后妃四星,其一正後,不宜更有四妃,乃改定三妃之位:惠妃一,麗妃二,華妃三,下有六儀、美人、才人四等,共二十人以備內官之位也。三妃佐後,坐而論婦禮者也。其於內,則無所不統,故不以一務名焉。六儀六人,正二品,《周官》九嬪之位也。掌教九御四德,率其屬以贊導後之禮儀。美人四人,正三品,《周官》二十七世婦之位也。掌率女官,修祭祀賓客之事。才人七人,正四品,《周官》八十一御女之位。掌敘宴寢,理絲枲,以獻歲功。宮官六尚,如六尚書之職掌。
  4. ^ Lưu Hu, quyển 64, "Cao Tổ nhị thập nhị tử": 元名保傅等謂元名曰:「尚宮品秩高者,見宜拜之。」元名曰:「此我二哥家婢也,何用拜為?」太宗聞而壯之,曰:「此真我弟也。」貞觀五年,封譙王。
  5. ^ Lưu Hu, quyển 51, "Hậu phi thượng": 則天時,婉兒忤旨當誅,則天惜其才不殺,但黥其面而已。自聖歷已後,百司表奏,多令參決。中宗即位,又令專掌制命,深被信任。
  6. ^ Lưu Hu, quyển 51, "Hậu phi thượng": 尋拜為昭容,封其母鄭氏為沛國夫人。婉兒既與武三思淫亂,每下制敕,多因事推尊武后而排抑皇家。
  7. ^ Rowley, tr. 64, "A World of Women"
  8. ^ Britannica International Encyclopedia.
  9. ^ Lillehoj, tr. 145, Roles of Noblewomen in the Early Edo-period court
  10. ^ a b Hiroshi Takahashi (2009), tr. 4-5
  11. ^ Lê Thái Dũng (8 tháng 5 năm 2012). “Người phụ nữ đầu tiên được phong làm quan”. Chuyên trang Phụ nữ & Đời sống (phunutoday.vn) của báo điện tử nguoiduatin.vn. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 6 năm 2013. Truy cập ngày 15 tháng 4 năm 2013.
  12. ^ “Lịch sử và đặc điểm nghề hát Chèo Việt Nam”. 12 tháng 1 năm 2013. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 10 năm 2016. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2016.
  13. ^ Ngô Sĩ Liên (1697), "Trần kỷ・Minh Tông Hoàng đế kỷ": Bấy giờ, Thượng hoàng có ý xuất gia, nên sai cung nhân ăn chay. Các cung nhân đều ngần ngại, duy có nữ quan Nguyễn Thị Diên chặt ngón tay đem dâng. Thượng hoàng ngợi khen, ban cho 40 mẫu ruộng làm lương ăn tu hành ngày sau. Rồi Thị Diên quả nhiên đi tu cho đến lúc mất, Phật hiệu là Tịnh Quang ni.
  14. ^ Ngô Sĩ Liên (1697), "Trần kỷ・Minh Tông Hoàng đế bản kỷ": 時上皇有出家意,因令宫人素食。諸宫人皆有難色,獨㚴㜮阮氏延斷指以進。上皇嘉之,賜田四十畝,以為後日脩行之資。延果出家而終,釋號凈光尼。
  15. ^ Ngô Sĩ Liên (1697), "Trần kỷ・Hiến Tông Hoàng đế bản kỷ": 至於遇列嬪亦甚厚,如宫中㚴㜮王氏,惠真所出也,有寵懷娠,太后以雙香堂太后正寝為坐蓐所。
  16. ^ Khang Hi (1716), "Nữ bộ・Ngũ": 㚴:《集韻》普故切,音怖。美女也。
  17. ^ Hứa Thận, quyển 13, "Nữ bộ": 㜮:過差也。从女監聲。《論語》曰:「小人窮斯㜮矣。」
  18. ^ a b c Thoms (1844), tr. 345-351
  19. ^ a b Weir (2013), “Elysabeth ye Quene”: Elizabeth’s mother once had just five ladies-in-waiting, but Spanish ambassador Rodrigo de Puebla was astonished to discover that "the Queen has thirty-two ladies, very magnificent and in splendid style," who attended her even in private. Eighteen of them were noble-women. In 1502–03, Elizabeth had seven maids of honor, who each received salaries of £6.13s.4d. [£3,300], while sixteen gentlewomen each got £3.6s.8d. [£1,620] per annum. There were also three chamberers—women who attended the Queen in her chamber or, more specifically, bedchamber.
  20. ^ a b Bucholz (2006)
  21. ^ Thẩm Ước, quyển 41, "Hậu phi": 其後太宗留心後房,擬外百官,備位置內職。列其名品于後。 後宮通尹,準錄尚書。
  22. ^ Ngụy Thu, [1] quyển 13, "Hoàng hậu"]: 內司視尚書令、僕。作司、大監、女侍中三官視二品。監,女尚書,美人,女史、女賢人、書史、書女、小書女五官,視三品。中才人、供人、中使女生、才人、恭使宮人視四品,春衣、女酒、女饗、女食、奚官女奴視五品。
  23. ^ Ngụy Trưng, quyển 36, "Hậu phi": 時又增置女官,準尚書省,以六局管二十四司。一曰尚宮局,管司言,掌宣傳奏啟;司簿,掌名錄計度;司正,掌格式推罰,司闈,掌門閣管鑰。二曰尚儀局,管司籍,掌經史教學,紙筆幾案;司樂,掌音律;司賓,掌賓客;司贊,掌禮儀贊相導引。三曰尚服局,管司璽,掌琮璽符節;司衣,掌衣服;司飾,掌湯沐巾櫛玩弄;司仗,掌仗衛戎器。四曰尚食局,管司膳,掌膳羞;司釀,掌酒醴醯醢;司藥,掌醫巫藥劑;司饎,掌廩餼柴炭。五曰尚寢局,管司設,掌床席帷帳,鋪設灑掃;司輿,掌輿輦傘扇,執持羽儀;司苑,掌園絪種植,蔬菜瓜果;司燈,掌火燭。六曰尚工局,管司制,掌營造裁縫;司寶,掌金玉珠璣錢貨;司彩,掌繒帛;司織,掌織染。六尚二十二司,員各二人,唯司樂、司膳員各四人。每司又置典及掌,以貳其職。六尚十人,品從第五;司二十八人,品從第六;典二十八人,品從第七;掌二十八人,品從第九。女使流外,量局閑劇,多者十人已下,無定員數。聯事分職,各有司存焉。
  24. ^ Lưu Hu, quyển 44, "Chức quan tam":宮官六尚,如六尚書之職掌。。。右唐制定宮官六尚書、二十四司職事官,以備內職之數。
  25. ^ Âu Dương Tu, Tống Kỳ, quyển 47, "Bách quan nhị": 宮官。尚宮局尚宮二人,正五品。六尚皆如之。掌導引中宮,總司記、司言、司簿、司闈。凡六尚事物出納文籍,皆涖其印署。〈有女史六人,掌執文書。尚儀局尚儀二人,掌禮儀起居。總司籍、司樂、司賓、司贊。尚服局尚服二人,掌供服用采章之數,總司寶、司衣、司飾、司仗。尚食局尚食二人,掌供膳羞品齊。總司膳、司醞、司藥、司饎。凡進食,先嘗。尚寢局尚寢二人,掌燕見進御之次敍,總司設、司輿、司苑、司燈。尚功局尚功二人,掌女功之程,總司製、司珍、司綵、司計。宮正一人,正五品;司正二人,正六品;典正二人,正七品。宮正掌戒令、糾禁、讁罰之事。宮人不供職者,司正以牒取裁,小事決罰,大事奏聞。〈有女史四人。阿監、副監,視七品。
  26. ^ Trương Đình Ngọc, quyển 113, "Hậu phi nhất": 五年六月,命禮臣議宮官女職之制。禮臣上言:「周制,后宮設內官以贊內治。漢設內官一十四等,凡數百人。唐設六局二十四司,官凡一百九十人,女史五十餘人,皆選良家女充之。」帝以所設過多,命重加裁定。於是折衷曩制,立六局一司。局曰尚宮、尚儀、尚服、尚食、尚寢、尚功,司曰宮正,秩皆正六品。每局領四司,其屬二十有四,而尚宮總行六局之事。戒令責罰,則宮正掌之。官七十五人,女史十八人,視唐減百四十餘人,凡以服勞宮寢、祗勤典守而已。
  27. ^ Thẩm Đức Phù (1619), quyển 30, "Bổ di nhất": 宮中六尚之職,國初凡三定,最後則洪武二十八年重定者為準。先是分局,曰尚宮,曰尚儀,曰尚服,曰尚食,曰尚寢,曰尚功,又有宮正司,其長為正六品,嗣又升為正五品,最後官秩如之,而僚屬加詳焉。尚宮之屬,有司紀、司言、司簿、司闈,尚儀之屬,有司籍、司樂、司賓、司讚,尚服之屬,有司寶、司衣、司飾、司仗,尚食之屬,有司膳、司醞、司藥、司饎,尚寢之屬,有司設、司輿、司苑、司燈,尚功之屬,有司製、司珍、司計,其司之長為正六品,而堂屬佐貳以次遞降焉。宮正、司主糾察宮闈,視外憲臣。其局各有女史六人或四人,如外官掾吏。蓋斟酌周漢唐之製而損益焉。初設官時為七十四人,其後蓋倍之矣。天順三年,上命鎮守浙江太監盧永、江西太監葉達、福建少監馮讓曰:宮中原設六尚女官,以紀內事,須識字婦人充任。近年多放還家,及老疾不任事者,缺人任用。敕至,即密訪良家女子年十五以上,無夫婦人四十以下,能讀書寫字,並諳曉算法者四五十人,籍記之,待明春遣人同爾會選,令其親屬送來。觀此敕,則禁中須女官甚急。向來宮掖充滿,俱係北產,不諳文理,故命江南選擇,不獨取其美麗,亦以彗黠堪給事左右也。且是時孝莊錢后正位中宮,故浙之仁和人,宜其追念桑梓,注意南人。第不知次年所選者,果幾人當聖意耳。選江南女子入宮,洪武時已兩見矣。
  28. ^ Trần Mộng Lôi & Tưởng Đình Tích (1725), 《Minh luân hối biên・Cung vi điển》, quyển 53, "Cung nữ bộ": 太祖洪武元年八月乙丑放元宮人,按《大政紀》:「洪武二十二年十二月己酉,授六尚局宮 官。上選民間淑德入宮者數人,使兼六尚局事,人各 勤事,故授以官,家給以祿,仍令服勞五六載,歸其父 母,從與婚嫁,年高者許歸,留守者聽選。」洪武二十九年,選用宮人、以供內職、按《明會典》:選用宮人,洪武二十九年定,所取女子,除 富豪不用,其餘不問貧難之家女子年十五二十歲 者,送進灑掃宮院,曬晾幔褥,漿糨衣服,造辦飯食,許 各家父母親送,賞鈔五十錠。其在京軍民之家,有女 子及無夫婦人,能寫能筭者,不論貧富醜陋,皆許進 用,賞與前同。不許將體氣惡疾,及已曾進到者,一概 進來。
  29. ^ Sử Mộng Lan, quyển 20, "Minh": 《武宗外紀》載,故事宮中六局,官有尚寢者,司上寢處事。而文書房內官,每記上幸宿所在,及所幸宮嬪年月,以俟備考。上悉令除卻省記注,掣去尚寢諸所司事。遂遍游宮中,日率小黃門,為角抵、踏踘之戲。隨所駐,輒飲宿不歸。
  30. ^ Trương Đình Ngọc, quyển 74, "Chức quan tam": 永樂後,職盡移於宦官。其宮官所存者,惟尚寶四司而已。
  31. ^ Fujiwara no Fuhito (718), "Hậu cung chức viên lệnh" (後宮職員令): * 後宮職員令第四 內侍司條:內侍司/尚侍二人。【掌。供奉常侍。奏請。宣伝檢校女孺兼知內外命婦朝參。及禁內禮式之事。】典侍四人。【掌同尚侍唯不得奏請。宣伝若無尚侍者。得奏請。宣伝】掌侍四人。【掌同典侍唯不得奏請。宣伝】女孺一百人。* 後宮職員令第五 藏司條:藏司/尚藏一人。【掌。神璽。關契。供御衣服。巾櫛。服翫。及珍寶。綵帛。賞賜之事。】典藏二人。【掌同尚藏】掌藏四人。【掌。出納。綵帛。賞賜之事。】女孺十人。* 後宮職員令第六 書司條:書司/尚書一人。【掌。供奉內典。經籍及紙。墨。筆。几案。糸竹之事。】典書二人。【掌。同尚書】女孺六人。* 後宮職員令第七 藥司條:藥司/尚藥一人。【掌。供奉醫藥之事。】典藥二人。【掌同尚藥】女孺四人。* 後宮職員令第八 兵司條:兵司/尚兵一人。【掌。供奉兵器之事。】典兵二人。【掌同尚兵】女孺六人。* 後宮職員令第九 韈司條:韈司/尚韈一人。【掌。宮閤管鎰。及出納之事。】典韈四人。【掌同尚韈】女孺十人。* 後宮職員令第十 殿司條:殿司/尚殿一人。【掌。供奉輿繖。膏。沐。燈油。火燭。薪炭之事。】典殿二人。【掌同尚殿】女孺六人。* 後宮職員令十一 掃司條:掃司/尚掃一人。【掌。供奉床席。灑掃。鋪設之事。】典掃二人。【掌同尚掃】女儒十人。* 後宮職員令十二 水司條:水司/尚水一人。【掌。進漿水。雜粥之事。】典水二人。【掌同尚水】采女六人。* 後宮職員令十三 膳司條:膳司/尚膳一人。【掌。知御膳進食先嘗。惣攝膳羞。酒醴。諸餅蔬菓之事。】典膳二人。【掌同尚膳】掌膳四人。【掌同典膳】采女六十人。* 後宮職員令十四 酒司條:酒司/尚酒一人。【掌。釀酒之事。】典酒二人。【掌同尚酒】 * 後宮職員令十五 縫司條:縫司/尚縫一人。【掌。裁縫衣服纂組之事。兼知女功及朝參】典縫二人。【掌同尚縫】掌縫四人。【掌。命婦參見。朝會引導之事。】/右諸司掌以上。皆為職事自余為散事各每半月給休假三日其考敘法式。一准長上之例【東宮宮人。及嬪以上女豎准此。】
  32. ^ “女蔵人” (bằng tiếng Nhật). Daijisen.
  33. ^ “Nữ trung (女中)” (bằng tiếng Nhật). Daijisen.
  34. ^ a b c d e f g h i Tadashi Tsuda (2009)
  35. ^ “NHK lịch sử bí thoại: Đại áo đích bí mật (NHK歷史秘話:大奧的秘密)” (bằng tiếng Nhật). ngày 9 tháng 6 năm 2010.
  36. ^ Nakae Katsumi (中江 克己) (2 tháng 9 năm 2006). Ōoku no nazo (大奥の謎).
  37. ^ “Ngự khuyển tử cung (御犬子供)” (bằng tiếng Nhật). Seisen-ban Nihonkokugodaijiten (精選版 日本国語大辞典).
  38. ^ “Trọng cư (仲居)” (bằng tiếng Nhật). Seisen-ban Nihonkokugodaijiten (精選版 日本国語大辞典).
  39. ^ “Đa môn (多門)” (bằng tiếng Nhật). Daijisen.
  40. ^ “상궁 (尙宮)” (bằng tiếng tiếng Hàn). Doosan Encyclopedia.Quản lý CS1: ngôn ngữ không rõ (liên kết)
  41. ^ The Editors of Encyclopaedia Britannica. "The Royal Household In The Modern Era" (bằng tiếng Anh).
  42. ^ The Editors of Encyclopaedia Britannica. "The Honourable" (bằng tiếng Anh).
  43. ^ Kolk (2009), "The Expansion of the Queen’s Household (1496-1589)": First of all, France was influenced by the Burgundian court. The memoirs of a lady-in-waiting, Eléonore de Poitiers, written in 1484-7, show that contact between the two courts was close. In the fifteenth century, the Duchess of Burgundy’s hôtel was bigger than that of the Queen, its ceremonial more firmly developed. As we shall see, several offices and dignities would be ‘imported’ from Burgundy into the household of Anne de Bretagne.
  44. ^ Kolk (2009), "The ‘Great Court of Ladies’": Of all these changes, one in particular attracted the attention of contemporary observers: the emergence of noblewomen at court. In 1496, the expansion of Anne de Bretagne’s household went hand in hand with the increase in the number of ladies and maidens-in-waiting (23 in 1490; 39 in 1496-1498). The Queen insisted on their presence at court - according to Brantôme: ‘She [Anne de Bretagne] was the first to begin to gather together the great court of ladies which we still know today, because she had a very great retinue, of both ladies and maidens, and never refused any; and indeed, she asked the gentilshommes, their fathers, who were at court, if they had daughters, and if so who they were, and requested their presence.’
  45. ^ Kolk (2009), "The ‘Great Court of Ladies’": This evolution continued under the reign of Francis I. As K. Wilson-Chevalier noted, their presence at court was used by the King to make the behaviour of noblemen more polished and introduce into court society a new civility. Ladies and demoiselles were numerous in the entourage of his wife, his mother and his sister. A new peak was attained in the years 1553-1554, when Catherine de’ Medici was regent. The end of the period studied here is marked by a final spectacular increase, beginning in 1579. At the end of the reign of Henri III, 98 women served Louise de Lorraine; the queen mother, Catherine de’ Medici, had 112 suivantes.
  46. ^ Jeroen Duindam 2003, tr. 94.
  47. ^ Kolk (2009), "The ‘Great Court of Ladies’": Yet the prominence of women at court did not provoke criticism alone; certain noblemen reacted with enthusiasm, especially amongst the younger generation. Ladies quickly became the main attraction of the court because ‘discussions between men about matters of state, hunting and games rapidly become boring, but one is never bored when conversing with honest ladies’. Brantôme reports that if the King left the Queen and ladies to go hunting, or for any other reason, he and his friends were so ‘upset, lost and annoyed’ that they thereafter referred to ‘the court’ not as where the King was, but where the Queen and her ladies were. His conclusion is that ‘a court without ladies is a court without a court’.
  48. ^ Kolk (2009), "The Creation of New Dignities and Offices": During the reign of Francis I, changes affected mainly the noble ladies of the household, the dames and demoiselles d’honneur. In 1523 the office of the Première dame d’honneur, the highest of the women in the Queen’s retinue, gave way to a new dignity, the Dame d’honneur. From 1523 on, every queen had a dame d’honneur; Louise de Lorraine had two, each of whom served for a six month period. The dame d’honneur supervised the ladies-in-waiting and accompanied the queen wherever she went. Like the Chevalier d’honneur, she was involved in the management of household expenditure. A letter from Catherine de’ Médici indicates that her dame d’honneur oversaw the ordering of clothing, medicines and other objects useful to the queen and her ladies. When the queen received visitors, it was she who introduced them and indicated to them their place in the room or at table. At the end of the century, she tasted the queen’s meat and began the service of the meal when, followed by a procession of the queen’s ladies, she brought the first dish to her table. This duty fulfilled, she had the privilege of eating at her own table, placed near that of the queen.
  49. ^ Kolk (2009), "The Creation of New Dignities and Offices": Among the queen’s ladies was a Dame d’atours, whose responsibility was to dress her mistress. The evolution of this office is instructive, since it demonstrates the growing prestige that surrounded members of the royal family. Isabeau de Bavière and Charlotte de Savoie had several femmes and demoiselles d’atours, but most of these women were not noble: their rank and wages were those of a simple chambermaid. The status of this category of women did not evolve in the fifteenth century. It was under the reign of Francis I that physical contact with the queen was given greater importance. Only one lady of high rank, or a relation of the queen, would hold this privilege from this point on. She appeared with the designation ‘Dame d’atours’ for the first time in 1534.
  50. ^ Kolk (2009), "The Creation of New Dignities and Offices": In 1531 another new dignitary, the Gouvernante des filles, appeared in the hôtel of Eléonore d’Autriche. This office had previously existed at the Burgundian Court under the name of mere des filles and should not be confused with that of the governess of the royal children, who was responsible for the household of the royal couple’s offspring. The Gouvernante des filles was in charge of the young noblewomen of the queen’s retinue, the demoiselles. She had to oversee their behaviour and education. In so doing, she took upon herself a portion of the responsibilities of the Dame d’honneur. The rise in the number of demoiselles led to the expansion of this office: from 1547 Catherine de’ Medici employed two Gouvernantes and several Sous-gouvernantes.
  51. ^ Nadine Akkerman & Birgit Houben 2013, tr. 78.
  52. ^ Nadine Akkerman & Birgit Houben 2013, tr. 20.

Nguồn tham khảo

Read other articles:

Vitantonio LiuzziVitantonio Liuzzi di Grand Prix Malaysia 2011.Lahir6 Agustus 1980 (umur 43) Locorotondo, ItaliaKarier Kejuaraan Dunia Formula SatuKebangsaan ItaliaTahun aktif2005–2007, 2009–2011TimRed Bull, Toro Rosso, Force India, Hispania RacingJumlah lomba81 (80 start)Juara dunia0Menang0Podium0Total poin26Posisi pole0Lap tercepat0Lomba pertamaGrand Prix San Marino 2005Lomba terakhirGrand Prix Brasil 2011Karier Formula EMusim debut2014–15Tim saat iniTrulli GPNomor mobil10Start5H...

 

Penanaman pendamping wortel dan bawang. Wortel dan bawang harus ditanam bersama. Aroma bawang mengusir lalat akar wortel, sedangkan aroma wortel mengusir lalat bawang.[1][2] Dalam bidang pertanian dan perkebunan, penanaman pendamping atau penanaman berkelompok adalah suatu bentuk budidaya yang mengacu pada penanaman berbagai tanaman yang berdekatan karena berbagai alasan, termasuk pengendalian hama, penyerbukan, menyediakan habitat bagi serangga yang bermanfaat, memaksimalkan ...

 

Halaman pertama manuskrip. Nibelungenlied (yang berarti Lagu Nibelung) adalah epos dalam Bahasa Jerman Hulu Pertengahan. Epos ini bercerita mengenai Siegfried si pembantai naga di istana Burgundiones, bagaimana ia dibunuh, dan bagaimana istrinya, Kriemhild, menuntut balas. Pada tahun 2009, tiga manuskrip utama Nibelungenlied dimasukan kedalam Memory of the World Register UNESCO.[1] Referensi ^ Song of the Nibelungs, a heroic poem from mediaeval Europe. UNESCO Memory of the World Progr...

Chronologies Données clés 2018 2019 2020  2021  2022 2023 2024Décennies :1990 2000 2010  2020  2030 2040 2050Siècles :XIXe XXe  XXIe  XXIIe XXIIIeMillénaires :Ier IIe  IIIe  Chronologies géographiques Afrique Afrique du Sud, Algérie, Angola, Bénin, Botswana, Burkina Faso, Burundi, Cameroun, Cap-Vert, République centrafricaine, Comores, République du Congo, République démocratique du Congo, Côte d'Ivoire, Djibouti, Égypte, �...

 

Musim atau kompetisi terkini: Piala Dunia Bola Basket Wanita FIBA 2026OlahragaBola basketDidirikan1953; 71 tahun lalu (1953)Musim awal1953Jumlah tim12NegaraAnggota FIBABenuaFIBA (Internasional)Juaraterkini Amerika Serikat(gelar ke-11)Juara terbanyak Amerika Serikat(11 gelar)Situs web resmiSitus resmi Piala Dunia Bola Basket Wanita FIBA adalah kompetisi bola basket internasional yang diikuti oleh tim nasional putri senior dari anggota Federasi Bola Basket Internasional (FIBA), b...

 

Об экономическом термине см. Первородный грех (экономика). ХристианствоБиблия Ветхий Завет Новый Завет Евангелие Десять заповедей Нагорная проповедь Апокрифы Бог, Троица Бог Отец Иисус Христос Святой Дух История христианства Апостолы Хронология христианства Ран�...

Volcán de ColimaIl Volcán de ColimaStato Messico Stato federato Jalisco Colima Altezza3 860 m s.l.m. Prominenza600 m CatenaFascia Vulcanica Trasversale Ultima eruzione2019 Ultimo VEI1 (stromboliana) Codice VNUM341040 Coordinate19°30′46.86″N 103°37′03.65″W / 19.513017°N 103.617681°W19.513017; -103.617681Coordinate: 19°30′46.86″N 103°37′03.65″W / 19.513017°N 103.617681°W19.513017; -103.617681 Altri nomi...

 

Overview of and topical guide to the Collectivity of Saint Martin See also: Index of Saint Martin (France)-related articles The location of Saint Martin An enlargeable map of the French Overseas Collectivity of Saint Martin A map of the island of Saint Martin The following outline is provided as an overview of and topical guide to the Collectivity of Saint Martin: The Collectivity of Saint Martin (French: Collectivité de Saint-Martin) is an overseas collectivity of France located in the Leew...

 

This article has multiple issues. Please help improve it or discuss these issues on the talk page. (Learn how and when to remove these template messages) This article needs additional citations for verification. Please help improve this article by adding citations to reliable sources. Unsourced material may be challenged and removed.Find sources: List of AR platform cartridges – news · newspapers · books · scholar · JSTOR (October 2016) (Learn how and...

Social structure of the Ottoman Empire History of the Ottoman EmpireSocial structure Court and aristocracy Ottoman court Slavery Devshirme Ethnoreligious communities Muslims Millets Greek Orthodox Armenian Aromanian Bulgarian Armenians Jews Greeks Great Fire of 1660 Rise of nationalism Tanzimat Ottomanism Classes Askeri Ayan Giaour Rayah Vlachs vte The Ottoman Empire was one of the most dominant empires in the Mediterranean region, having lasted ~600 years and controlling much of the Eastern ...

 

Artikel ini memberikan informasi dasar tentang topik kesehatan. Informasi dalam artikel ini hanya boleh digunakan untuk penjelasan ilmiah; bukan untuk diagnosis diri dan tidak dapat menggantikan diagnosis medis. Wikipedia tidak memberikan konsultasi medis. Jika Anda perlu bantuan atau hendak berobat, berkonsultasilah dengan tenaga kesehatan profesional. Kanker usus besarLokasi dan tampilan dua contoh tumor kolorektalInformasi umumNama lainKanker usus besar, kanker dubur, kanker ususSpesialisa...

 

Pour les articles homonymes, voir Depardieu. Julie Depardieu Julie Depardieu au Festival de Cannes 2016. Données clés Nom de naissance Julie Marion Depardieu Naissance 19 juin 1973 (50 ans)Boulogne-Billancourt, France Nationalité Française Profession Actrice Films notables La Petite LiliUn secret modifier Julie Depardieu est une actrice française, née le 18 juin 1973 à Boulogne-Billancourt. Biographie Julie Marion Depardieu est la fille des acteurs Gérard Depardieu et Élisabeth...

Subspecies of mammals Arabian leopard Leopard at Ein Gedi, Israel Conservation status Critically Endangered  (IUCN 3.1)[1] Scientific classification Domain: Eukaryota Kingdom: Animalia Phylum: Chordata Class: Mammalia Order: Carnivora Suborder: Feliformia Family: Felidae Subfamily: Pantherinae Genus: Panthera Species: P. pardus Subspecies: P. p. nimr Trinomial name Panthera pardus nimr(Hemprich and Ehrenberg), 1833 Distribution of the Arabian leopard Synonyms P. p. jarv...

 

Military campaign South West Africa campaignPart of African theatre of World War IThe South West Africa campaign in 1915Date15 September 1914 – 9 July 1915(9 months, 3 weeks and 3 days)LocationSouth Africa, NamibiaResult Allied victoryTerritorialchanges South West Africa annexed tothe Union of South AfricaBelligerents  United Kingdom  South Africa  Portugal  Portuguese Angola  Germany  South West Africa  South African RepublicOukwanyamaComma...

 

7,92 × 57 mm Mauser, 8×57mm (IS atau Mauser) Dari kiri ke kanan peluru militer 7,92 × 33 mm Kurz, 7,62 × 39 mm, 5,56 × 45 mm NATO, 7,62 × 51 mm NATO, .303 British, 6,5 × 55 mm Swedia, 7,92 × 57 mm Mauser, dan .30-06 Springfield Tipe Senapan Negara asal Kekaisaran Jerman Sejarah penggunaan Operasional 1905–present Digunakan oleh Jerman, Britania Raya, Spanyol, Cekoslowakia, Polandia, Tiongkok, Republik Dominika, Yugoslavia, Kekaisaran Ottoman, Turki, Iran, Mesir, dan ...

Development of agricultural output of Cuba in 2015 US$ since 1961 A sugarcane plantation in rural Cuba Agriculture in Cuba has played an important part in the economy for several hundred years. Today, it contributes less than 10% to the gross domestic product (GDP), but it employs about 20% of the working population. About 30% of the country's land is used for crop cultivation.[1] History Cuba's agricultural history can be divided into five periods, reflecting Cuban history in general...

 

مقاطعة بروجة    علم شعار   الإحداثيات 43°06′44″N 12°23′20″E / 43.1121°N 12.3888°E / 43.1121; 12.3888   [1] تقسيم إداري  البلد إيطاليا[2][3]  التقسيم الأعلى أُمبِرية  العاصمة بِروجَة  التقسيمات الإدارية أسيزيباستيا أومبرابيتونابيفانياكامبيلو سول كل...

 

Good BoySingel oleh GD X TaeyangDirilis21 November 2014FormatUnduhan digitalDirekam2014Genre K-pop Electrohop Trap[1] Durasi4:05LabelYGProduser G-Dragon The Fliptones Freedo Kronologi singel GD X Taeyang Niliria (2013) Good Boy Eyes, Nose, Lips(2014) Good Boy(2014) Good Boy adalah lagu kolaborasi dua anggota grup vokal pria Big Bang, yaitu G-Dragon dan Taeyang. Lagu ini dirilis pada 21 November 2014 sebagai proyek hip hop kedua dari YG Entertainment, yang pertama adalah lagu Niliria y...

2009 single by Mami KawadamasterpieceSingle by Mami Kawadafrom the album Linkage B-sidejellyfishReleasedFebruary 4, 2009GenreJ-PopLength18:04LabelGeneonSongwriter(s)Mami KawadaProducer(s)I've SoundMami Kawada singles chronology PSI-Missing (2008) masterpiece (2009) L'Oiseau bleu (2009) masterpiece is the seventh single released by the J-pop singer, Mami Kawada, and was released on February 4, 2009. The title track was used as the second opening theme for the anime series A Certain Magical Ind...

 

1964 studio album by Herbie HancockInventions & DimensionsStudio album by Herbie HancockReleased1964RecordedAugust 30, 1963StudioVan Gelder Studio, Englewood Cliffs, NJGenreModal Jazz, Post-Bop, Latin JazzLength39:49LabelBlue NoteBST 84147ProducerAlfred LionHerbie Hancock chronology My Point of View(1963) Inventions & Dimensions(1964) Empyrean Isles(1964) Succotash cover Professional ratingsReview scoresSourceRatingAll About Jazz(favorable) [1]Allmusic[2]The Ro...