Vương hậu là tước vị của vợ chính thức của nhà vua khi nhà vua này xưng Vương, tước vị quân chủ của một Vương quốc. Hầu hết các quốc gia Châu Âu đều chỉ xưng là Vương quốc; trong tiếng Anh, vị vua gọi là [King], vì vậy vợ của Quốc vương phải được gọi là [Queen]. Tuy nhiên, ngày nay nhiều người hay dùng Hoàng hậu theo nghĩa là vợ của nhà vua nói chung, điều này có thể gây ra một số nhầm lẫn.
Lịch sử
Đông Á
Vốn thời nhà Hạ, danh từ [Hậu; 后] vốn là từ dùng để gọi một vị quân chủ khi đang tại vị[1][2][3], như Hậu Nghệ hay Hậu Tắc, sau khi qua đời đều được gọi là [Đế; 帝], chính phối thê tử của quân chủ khi đó gọi là [Phi; 妃]. Từ sau thời nhà Thương đến nhà Chu, quân chủ khi tại vị xưng [Vương; 王], và từ Hậu trở thành danh từ dành cho nguyên phối thê tử, sau này được gọi là 「Vương hậu」[4] để phân biệt với 「Hoàng hậu」.
Ở Hàn Quốc, nhà Cao Ly ban đầu vẫn dùng Vương hậu là danh vị cho chính thất khi còn sống và vinh diệu sau khi chết, nhưng thời mạt kỳ chuyển qua chỉ truy phong [Vương hậu] sau khi chính thất qua đời. Nhà Triều Tiên nối tiếp, Vương hậu chỉ là danh vị của một chính thất sau khi qua đời, chính thất của Quốc vương khi tại vị có danh xưng [Vương phi], hay giản gọi là [Trung điện]. Trong lịch sử Nhật Bản và Lưu Cầu, hoàng thất cùng vương thất chỉ sử dụng danh vị [Vương phi] hoặc [Quốc phi] mà chưa từng dùng Vương hậu.
Tại Việt Nam, nhà Triệu của Triệu Đà cai trị Nam Việt về sau đều xưng Vương, nên các chính thất đều gọi Vương hậu. Cách hàng trăm năm sau, nhà Ngô do Ngô Quyền sáng lập chỉ xưng Vương, nên vị chính thê của ông, dã sử gọi Dương Như Ngọc, hiển nhiên phải là Vương hậu. Sau đó, các vị quân chủ nhà Đinh, nhà Tiền Lê đến nhà Hậu Lê đều xưng Hoàng đế, vì vậy các chính phối của họ đều gọi là Hoàng hậu. Đến thời Lê trung hưng, chúa Trịnh tuy xưng Vương, nhưng các chính thất vẫn duy trì cách gọi [Vương phi], vì khi đó Trịnh vương trên danh nghĩa là bề tôi của Hoàng đế họ Lê. Thời nhà Nguyễn, Nguyễn Thế Tổ vào năm Gia Long nguyên niên (1802) đã thống nhất Việt Nam, trở thành Quốc chủ nhưng chỉ xưng Vương, nên sang năm (1803) đã tấn phong chính thê Tống Thị Lan làm Vương hậu[9]. Sau năm Bính Dần (1806), Nguyễn Thế Tổ chính thức xưng Hoàng đế, Tống hậu mới trở thành Hoàng hậu, và bà là người cuối cùng trong lịch sử Việt Nam từng nhận danh vị Vương hậu.
Châu Âu
Tại các quốc gia Châu Âu, [Queen consort] là tước vị dành cho hôn phối của [King], tương ứng với chữ Latinh là [Regina]. Một vị Vương hậu được thừa nhận ngay lập tức khi vị Quốc vương ấy kế vị hoặc được chính thức làm lễ kết hôn. Và các Vương hậu thường được sắc phong ngay trong buổi lễ đăng quang của vị Quốc vương ấy, nhưng đại đa số đều không có lễ đăng quang chính thức (Anh ngữ gọi là Coronation hay Crowned). Tuy về mặt pháp lý, Vương hậu có quyền lực được công nhận, nhưng thực tế về phương diện chính trị, họ hầu như không được phép can thiệp. Tuy vậy, bằng cách này hay cách khác, không ít trường hợp các Vương hậu trở thành cố vấn chính trị của Quốc vương, thậm chí trở thành một thế lực đằng sau ngai vàng, như Vương hậu Maria Luisa xứ Parma, vợ của Carlos IV của Tây Ban Nha.
Thời kỳ Thánh chế La Mã, các Hoàng đế La Mã thường được đi kèm với danh hiệu [King of the Germans; Vua của người Đức], sau đó là [King of the Romans; Vua của người La Mã], do đó các Hoàng hậu cũng nhận được những danh hiệu tương ứng, là [Queen of the Germans; Vương hậu của người Đức] và [Queen of the Romans; Vương hậu của người La Mã]. Thể chế Châu Âu chỉ thừa nhận tước vị thực tế, nên dù các Hoàng hậu có bao nhiêu danh vị đi kèm đi nữa, họ vẫn chỉ được biết đến với danh hiệu cao quý nhất là [Holy Roman Empress; Hoàng hậu của La Mã Thần thánh].
Ngoài [Queen], thì tước hiệu Vương hậu vẫn có thể được sử dụng để dịch những danh vị tương tự, vợ của các quốc chủ thuộc những quốc gia thuộc các nhóm Trung-Nam Á hoặc Đông Âu khác. Ví dụ:
Tsarina: nguyên gọi [царица], là danh vị dành cho vợ của các Tsar. Danh vị này chuyên dùng ở các quốc gia khối Đông Âu như Nga, Bulgaria và Serbia. Từ khi Nga trở thành Đế quốc, danh hiệu này được thay bằng Sa hậu.
Shahbanu: nguyên ngữ [شهبانو], là danh hiệu dành cho vợ của quốc chủ Shah trong ngữ hệ Ba Tư và Iran. Danh hiệu cao quý hơn, được gọi là [Bâmbişnân bâmbişn] tương đương với Hoàng hậu.
Rani: chữ Hindi là [रानी], một danh vị dành cho vợ của các Raja hoặc Rana - các quốc chủ cai trị phía Nam Á và Đông Nam Á.
Great Wife: chuyển thể Anh ngữ của danh hiệu dành cho người vợ cả của các quốc chủ Châu Phi. Các quốc chủ Ai Cập có rất nhiều vợ, và người đứng đầu được tôn xưng danh hiệu này. Hiện nay, Vua Mswati III của Vương quốc Swaziland; Vua Goodwill Zwelithini của Người Zulu đều có rất nhiều vợ, và người đứng đầu là người giữ danh vị này.