Kể từ sau Sử ký, cuốn Hán thư là cuốn sử đồ sộ nhất, vì vậy nó được liệt vào một trong Nhị thập tứ sử - 24 bộ sử nổi tiếng và lớn nhất Trung Quốc. Ngoài ra, hán thư cũng được liệt vào hàng Tứ sử kinh điển, sánh với Tứ thư, Ngũ kinh, bên cạnh có Sử ký, Hậu Hán thư và Tam Quốc Chí.
Các tác giả
Ban Cố
Ban Chiêu
Cuốn sách này do Ban Bưu khởi xướng, một người có tiếng về trí thức và là cháu của Ban Tiệp dư (Ban Tiệp dư là cô ruột), phi tần của Hán Thành Đế. Sau khi ông chết (54), người con trai cả Ban Cố tiếp tục hoàn thành cuốn sách, lên tới tổng số 100 quyển, và gồm nhiều bài luận về pháp luật, khoa học, địa lý, và văn chương.
Vào thời gian ấy, việc làm của Ban Cố khiến triều đình nhà Hán rất nghi ngại, vì họ không biết ông sẽ viết gì và nhận xét thế nào về giai đoạn giao thoa giữa Tây Hán và Đông Hán. Triều đình ra lệnh bắt giam Ban Cố và tịch thu sách vở nhà họ Ban, tuy nhiên sau đó do ảnh hưởng của em trai ông là Ban Siêu, ông đã được thả ra và ấn định viết về Hán Quang Vũ Đế, vị Hoàng đế đầu tiên của Đông Hán. Hán Minh Đế sau khi đọc công trình của ông đã rất ấn tượng và cho phép ông thực hiện tiếp Hán thư này. Tuy nhiên, dưới thời Hán Hòa Đế, Ban Cố bị nghi ngờ tạo phản và bị bắt giam vào trong ngục. Ông bị buộc phải tự sát, đó là vào năm 92, khi ông độ 61 tuổi.
Em gái út của Ban Cố là Ban Chiêu cùng Mã Tục - người ở Phù Phong - đã hoàn thành tác phẩm năm 111, khoảng 19 năm sau khi Ban Cố chết trong ngục. Ban Chiêu và Mã Tục là người soạn thảo những quyển nhỏ từ 13-20 (tám biểu biên niên) và quyển 26 (thiên văn chí) được gộp trong tác phẩm đó.
Giống như cuốn Sử ký của Tư Mã Thiên; Trương Khiên, một vị tướng Trung Quốc nổi tiếng, đã tiến hành nhiều chuyến viễn du về phương tây là nguồn cung cấp thông tin chính cho những dữ liệu về văn hoá và kinh tế xã hội ở Tây Vực ở quyển 96 của bộ sách này.
Đặc điểm
Nội dung
Hán thư tuy mô phỏng cách làm sử của Sử ký nhưng có những thay đổi, sáng tạo mới. Ban Cố không đề cập các thời đại trước nhà Hán như Tư Mã Thiên mà chỉ tập trung vào viết sử về nhà Hán. Ban Cố cho rằng, thể loại kỷ truyện của Sử ký bao quát một thời kỳ quá dài, làm mờ nhạt vai trò của nhà Hán đương thời, do đó ông chỉ lựa chọn giai đoạn nhà Hán làm sách.
Hán thư được đánh giá là bộ sử về lịch sử giai đoạn hoàn chỉnh nhất ở Trung Quốc[1].
Đối với các hoàng đế nhà Hán, Hán thư không gọi là Bản kỷ mà gọi là Kỷ.
Ban Cố nói riêng và các tác giả nói chung viết sách trên tư tưởng độc tôn vị trí của nhà Hán trong sách, chuyển Hạng Vũ từ "Bản kỷ" trong Sử ký sang "Trần Thắng Hạng Tịch liệt truyện" vì Hạng Vũ không phải vua nhà Hán. Tương tự với Vương Mãng dù là vua nhà Tân nhưng là kẻ thù của nhà Hán hay một vua Hán khác là Lưu Bồn Tử (được quân khởi nghĩa Xích Mi lập nên), do chống lại Hán Quang Vũ Đế, cũng chỉ được chép vào liệt truyện. Ban Cố bổ sung thêm thiên bản kỷ về Hán Huệ Đế mà trong sử ký gộp vào trong bản kỷ về Lã hậu.
Hán thư là kho tư liệu phong phú và đa dạng, trong đó bảo lưu được nhiều văn kiện lịch sử quan trọng có giá trị, với nhiều chiếu thư, tấu chương và trước tác thể hiện sách lược, mưu kế, tư tưởng chính trị, ngoại giao của các nhân vật. Hán thư còn bổ sung thêm khá nhiều tư liệu về các dân tộc thiểu số mà Tư Mã Thiên chưa đề cập trong Sử ký.
Ngoài ra, Hán thư còn có các thiên Bách quan công khanh biểu, Hình pháp chí, Địa lý chí, Nghệ văn chí mà Sử ký không có.
Tư tưởng
Hán thư theo tư tưởng Nho giáo chính thống rõ nét. Thời kỳ các tác giả soạn Hán thư, tư tưởng thần học phong kiến đã rất phát triển và trở thành tư tưởng thống trị xã hội. Chính vì vậy, hệ tư tưởng trung quân ái quốc trở thành tư tưởng xuyên suốt trong tác phẩm.
Do đó, một mặt tiếp thu sử liệu từ Sử ký, mặt khác Hán thư lại phê phán Sử ký là vô quân vô chủ, vô thánh vô thần. Điều đó giúp Hán thư trở thành công cụ đắc lực bảo vệ cho hệ tư tưởng phong kiến và được triều đình nhà Hán hoan nghênh[2].
Trên tư tưởng đó, Hán thư vứt bỏ tư tưởng tiến bộ "cùng thiên nhân chi tế, thông cổ kim chi tiến" của Tư Mã Thiên[2] và tập trung ca ngợi học thuyết thần bí về thiên nhân tương ứng và âm dương ngũ hành, coi đó là quy luật vĩnh hằng của sự phát triển xã hội. Điều này thể hiện trong thiên "Ngũ hành chí". Ban Cố tập trung trận luận thuyết của Đổng Trọng Thư, Lưu Hướng, Lưu Hâm… về học thuyết âm dương ngũ hành. Trong rất nhiều sự kiện lịch sử, Hán thư dựa vào sự thiên biến để kiểm chứng nhân sự. Điều này không hề có trong Sử kýTư Mã Thiên.
Tư tưởng phong kiến chính thống của Hán thư rất có lợi cho giai cấp phong kiến thống trị qua các thời đại. Truyện Ban Cố trong sách Hậu Hán thư chép rằng:
"Các học giả không ai không ca ngợi Hán thư. Các triều đại về sau cũng không ngừng sao chép, in ấn cuốn sách này"[3].
Văn phong
Khi viết tác phẩm này, Ban Cố sử dụng khá nhiều cổ văn, dùng chữ Hán cổ. Do đó, đây là tác phẩm khó đọc, khó tiếp cận và nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu đánh giá, thậm chí ngay cả những người cùng thời với Ban Cố chưa chắc đã hiểu hết Hán thư[4].
Chính vì vậy, đời sau có nhiều học giả chú thích cho Hán thư. Theo ghi chép của Tùy thư, từ thời Đông Hán đến thời Nam Bắc triều, đã có hơn 20 học giả tiếp cận với Hán thư, trong đó phần lớn là chú thích.
Tuy nhiên, các bản chú thích Hán thư trước thời nhà Đường đều không còn. Phiên bản chú thích cổ nhất còn được lưu giữ là của Nhan Sư Cổ[5] và một số học giả cùng biên soạn. Ngoài ra còn hai bản phổ biến khác là "Hán thư bổ giải" của Vương Tiến Khiêm đời nhà Thanh và "Hán thư bổ chú bổ chính" của Dương Thúc Đạt thời cận đại[4]
Vai trò
Cách viết sử chỉ tập trung về một triều đại của Ban Cố ảnh hưởng rất lớn đến đời sau. Nhiều sử gia sau ông học tập cách làm sử của ông, chỉ viết sử về một triều đại hay một giai đoạn lịch sử[6]. Trong Nhị thập tứ sử, Hán thư cùng với Sử ký được xếp lên trên hết, được các thế hệ sau coi là kinh điển sử học quan trọng nhất[1].
Sử gia hiện đại Hsu Mei-ling phát biểu rằng phong cách viết của Ban Cố trong các phần về địa lý đã thiết lập xu hướng cho việc thiết lập các tiết đoạn địa lý trong các văn bản lịch sử, và có thể nhất là đã khuấy động xu hướng về từ điển địa lý tại Trung Quốc cổ đại[7].
Cuốn sách đã vạch ra các khuôn khổ cho những văn bản ở các triều đại Trung Quốc sau này, và hiện được dùng tham khảo khi nghiên cứu về giai đoạn nhà Hán. Hán thư cũng thường được coi là một phần trong bộ Tiền tứ sử của tổng tập Nhị thập tứ sử, cùng với cuốn Sử ký, Tam Quốc chí và Hậu Hán thư.
Trích dẫn tiêu biểu
"Vạn lý đồng phong" (Muôn dặm, cùng gió) - Sách Hán thư, Chung Vương Giả truyện (終王賈傳): "Kim thiên hạ vi nhất, vạn lý đồng phong = Nay cõi trần là một, muôn dặm cùng một ngọn gió (今天下為一、萬里同風)".
"Mục chỉ khí sử" (Trỏ bằng mắt, khiến bằng thần khí) - Cống Vũ, một nhân vật trong sách Hán thư (truyện Cống Vũ, 貢禹) viết trong thư cho Hán Nguyên đế: "Hành tuy khuyển trệ, gia phú thế túc, mục chỉ khí sử, thị vi hiền nhĩ = Tuy hành vi ta như chó như lợn, nhưng nhà giàu, thế lực đủ, ta trỏ người bằng mắt, khiến người bằng thần khí, vì ấy ta khá hơn người thôi vậy (行雖犬彘、家富勢足、目指氣使、是為賢耳)".
Nguyễn Thanh Hà (2009), Mười nhà sử học nổi tiếng Trung Quốc, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin
Lê Đông Phương, Vương Tử Kim (2007), Kể chuyện Tần Hán, Nhà xuất bản Đà Nẵng
Hulsewé A. F. P. và Loewe M. A. N. 1979. China in Central Asia: The Early Stage 125 BC – AD 23: an annotated translation of chapters 61 and 96 of the History of the Former Han Dynasty. E. J. Brill, Leiden.
Watson Burton. 1974. Courtier and Commoner in Ancient China. Selections from the History of the Former Han., Nhà in Đại học Columbia, New York. (bản dịch tiếng Anh các chương 54,63,65,67,68,71,74,78,92, 97).
Chú thích
^ abLê Đông Phương, Vương Tử Kim, sách đã dẫn, tr 308