Hoa hậu Thế giới (tiếng Anh: Miss World) là tên cuộc thi sắc đẹp quốc tế được Sách Kỷ lục Guinness công nhận là cuộc thi có có quy mô lớn thứ nhất trên thế giới và có lịch sử truyền hình dài nhất mọi thời đại.[1][2][2][3] Cùng với Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Quốc tế, Hoa hậu Thế giới là một trong ba cuộc thi sắc đẹp lớn nhất hành tinh. Cuộc thi được tổ chức lần đầu tiên bởi Eric Morley vào năm 1951. Năm 2000 khi ông qua đời thì vợ của ông là Julia Morley đã thay ông lên nắm quyền điều hành cuộc thi.
Người đoạt vương miện Hoa hậu Thế giới sẽ đại diện cho Tổ chức Hoa hậu Thế giới (Miss World Orgnization - MWO) tham gia những hoạt động từ thiện trên khắp thế giới. Đây là cuộc thi sắc đẹp coi trọng mục đích thiện nguyện với số tiền quyên góp từ thiện cho các nước nghèo đã đạt 1 tỷ USD tính đến năm 2022.
Cuộc thi Hoa hậu Thế giới được bắt đầu từ cuộc thi áo tắm ở Anh vào năm 1951 chỉ với mục đích quảng bá các mốt áo tắm mới nhất lúc đó, nhưng được gọi là Hoa hậu Thế giới bởi các phương tiện truyền thông. Eric Morley, người khởi xướng cuộc thi áo tắm đó đã dự định sẽ chỉ tổ chức cuộc thi này một lần duy nhất nhưng khi nghe tin cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ sẽ được tổ chức tại Hoa Kỳ vào năm 1952, ông đã quyết định biến Hoa hậu Thế giới thành một cuộc thi sắc đẹp thường niên.[4][5]
Cuộc thi Hoa hậu Thế giới đầu tiên được phát sóng là vào năm 1959 bởi đài BBC. Vào thập niên 1980, cuộc thi quyết định thay đổi khẩu hiệu thành Beauty with a purpose(Sắc đẹp vì mục đích cao cả). Cuộc thi chú trọng hơn tới trí tuệ và nhân cách của những người đẹp tham gia cuộc thi. Từ thập niên 1990, cuộc thi đã thu hút hơn 2 tỉ người xem trên thế giới.
Thế kỉ 21
Eric Morley đã qua đời. Vợ ông, bà Julia Morley, đã thay ông trở thành chủ tịch của cuộc thi Hoa hậu Thế giới.[6]
Năm đầu tiên của thế kỉ 21 chứng kiến cô gái châu Phi da đen đầu tiên đăng quang danh hiệu Hoa hậu Thế giới, Agbani Darego. Trong quá trình thay đổi của mình, cuộc thi đã nêu khẩu hiệu "Bạn quyết định" (You decide) để tăng cường vai trò của khán giả trên khắp toàn cầu có cơ hội được chọn ra hoa hậu thế giới. Các phần thi phụ Hoa hậu Bãi biển, Hoa hậu Thể thao, Hoa hậu Tài năng và Hoa hậu Nhân ái được tổ chức trong khuôn khổ cuộc thi này.
Năm 2002, cuộc thi quyết định chọn địa điểm đăng cai là Abuja, thủ đô của Nigeria, đất nước của người đẹp vừa đăng quang năm trước Agbani Darego. Tại Nigeria, cuộc thi đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì Nigeria là một quốc gia theo đạo Hồi. Những cuộc bạo động đã nổ ra để phản đối cuộc thi Hoa hậu Thế giới khiến hàng trăm người chết và bị thương. Cuộc thi đã phải ngay lập tức dời về quê nhà Anh. Đây được coi là sự cố đáng tiếc nhất trong lịch sử cuộc thi Hoa hậu Thế giới.[7][8]
Năm 2013, ban tổ chức cuộc thi đã bỏ phần thi bikini trước sức ép của người dân Đạo hồi ở nước chủ nhà Indonesia. Hội đồng Hồi giáo Indonesia, cho rằng màn trình diễn bikini cần phải bị hủy bỏ vì nó thúc đẩy "chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa tiêu dùng," và rằng "thi bikini chỉ là một cái cớ để khoe mẽ các bộ phận cơ thể của phụ nữ vốn cần phải kín đáo"[9] Thay vào đó, các thí sinh sẽ trình diễn những bộ sarong đi biển do Indonesia sản xuất ở phần thi này.
Việc loại bỏ phần thi bikini ở Hoa hậu Thế giới 2013 xảy ra nhiều tranh cãi khen chê, tuy nhiên nhiều người nhìn nhận ở góc độ khác, việc bỏ phần thi bikini sẽ mang đến cơ hội dự thi cho các cô gái nước Đạo hồi[10]. Sau đó, trong khuôn khổ Hoa hậu Thế giới 2014 diễn ra tại Anh đã không còn phần trình diễn trang phục bikini trong đêm thi chung kết. Đồng thời, bà Julia Morley - chủ tịch cuộc thi Hoa hậu Thế giới thông báo phần thi bikini chính thức bị loại bỏ khỏi đấu trường nhan sắc lớn nhất thế giới này kể từ năm 2015. Bà cho rằng phần thi bikini không còn cần thiết và muốn các thí sinh cạnh tranh nhau ở vẻ đẹp trí tuệ, cách ứng xử, lòng nhân ái... hơn là vẻ đẹp hình thể, và đó mới là phương châm "vẻ đẹp có mục đích" mà cuộc thi theo đuổi[11]
Bà Julia Morley thể hiện quan điểm rằng bà không muốn nhìn những cô gái diễu qua lại trên sân khấu trong những bộ áo tắm: "Nó không có tác dụng gì với phụ nữ và cũng không có bất cứ tác dụng nào với bất cứ ai trong chúng ta". Thay vào đó, Miss World sẽ tập trung vào trí tuệ, sự nhân hậu và tinh thần mạnh mẽ của các cô gái. Quyết định của bà Morley được đánh giá là bước đi tiên phong, tạo bước chuyển về bản chất của các cuộc thi sắc đẹp, để các thí sinh không còn bị đánh giá chỉ bởi vẻ bề ngoài cũng như phải hứng chịu những bình luận khiếm nhã về cơ thể họ.
Thoái trào ở các nước phát triển
Trên thế giới đầu thế kỷ 21, chỉ còn một số nước chậm phát triển nhưng "cuồng" hoa hậu tại Nam Mỹ và Đông Nam Á như Venezuela, Philippines, Colombia, Việt Nam... là tích cực tổ chức thi hoa hậu nhằm thỏa mãn ham muốn dùng sắc đẹp để kiếm danh tiếng hoặc lấy chồng giàu có của các cô gái, tâm lý thích "hư danh" của công chúng.[cần dẫn nguồn] Còn ở các nước phát triển, những cuộc thi Hoa hậu chẳng còn được khán giả thế giới chú ý nhiều, đặc biệt là tại các nước phát triển như châu Âu, Bắc Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Khi hiểu biết về quyền phụ nữ được nâng cao, người dân các nước này đã nhận ra rằng thi Hoa hậu thực chất là việc hạ thấp phẩm giá phụ nữ, vì các cuộc thi này xem cơ thể phụ nữ giống như vật trưng bày di động để chấm điểm, buộc phụ nữ phải mặc áo tắm trình diễn hở hang chỉ để mọi người bình phẩm, kiếm lợi cho ban tổ chức. Một xã hội văn minh thì sẽ không chấp nhận việc cơ thể người khác (dù xấu hay đẹp) bị đem ra bình phẩm một cách công khai; và một người phụ nữ giàu lòng tự trọng cũng sẽ không dùng cơ thể mình làm vật trưng bày để người khác chấm điểm. Do vậy, những người đẹp ở các nước phát triển không còn muốn thi Hoa hậu nữa, danh hiệu Hoa hậu tại các nước này chỉ còn là "hữu danh vô thực", chẳng có mấy ai quan tâm hoặc nhớ đến những người từng đoạt giải[12]
Các tổ chức đấu tranh vì quyền bình đẳng phụ nữ trên thế giới từ lâu đã phê phán các cuộc thi sắc đẹp, nơi mà người khác có quyền được buông ra những lời nhận xét (dù vô tình hay cố ý) có thể làm tổn thương đến phụ nữ. Năm 1970, khi cuộc thi Hoa hậu Thế giới được tổ chức tại Anh, nhiều tổ chức bảo vệ nữ quyền đã tổ chức biểu tình, giơ những biểu ngữ như "Phụ nữ cũng là con người", "Chấm dứt trưng bày cơ thể phụ nữ"... khiến các kênh truyền hình Anh phải từ chối phát sóng cuộc thi. Các cuộc thi hoa hậu đang ngày càng bị công chúng ở các nước phát triển xem thường vì đã bị thương mại hóa, những "ông bầu" tổ chức thi hoa hậu chỉ để bán danh hiệu thu tiền, hoặc "tuyển gái đẹp cho đại gia", nhiều thí sinh tham dự đã bị xúc phạm phẩm giá nặng nề. Hoa hậu Thế giới 2015, Mireia Lalaguna, khi trở về Tây Ban Nha sau đăng quang đã chẳng có khán giả nào đến sân bay để chào đón. Tại Hoa Kỳ, số người xem tivi tường thuật các cuộc thi Hoa hậu đã giảm mạnh, năm 2006 chỉ còn bằng 1/3 so với năm 1980.[13]
Tại Mỹ và châu Âu, công chúng tại những nước này đã không còn quan tâm đến các cuộc thi nhan sắc. Hoa hậu Thế giới ngày nay đã không còn được truyền hình trực tiếp tại Anh, đất nước khai sinh ra cuộc thi. Trong một bài khảo sát đăng tải trên The Guardian, nhiều người Anh thậm chí còn không biết đến sự tồn tại của cuộc thi này.[14]
Tổ chức cuộc thi
Tổ chức Hoa hậu Thế giới sở hữu cuộc thi Hoa hậu Thế giới và tổ chức sự kiện này mỗi năm một lần. Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 1951, tổ chức Hoa hậu Thế giới đã quyên góp được 250 triệu bảng Anh cho các tổ chức từ thiện vì trẻ em. Tổ chức Hoa hậu Thế giới ký kết các bản quyền thương mại tới hơn 100 quốc gia. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoa hậu Thế giới là một công ty tư nhân, do đó các số liệu, các khoản thu nhập và chi phí đóng góp cho các quỹ từ thiện không cần công khai.
Ngoài quyên góp hàng triệu bảng Anh cho các tổ chức từ thiện, tổ chức Hoa hậu Thế giới ra tiêu chí "Hoa hậu có tấm lòng nhân ái" và sau này cuộc thi có một giải thưởng riêng cho thí sinh có những đóng góp xuất sắc trong công việc từ thiện tại quê nhà.
Theo yêu cầu của tổ chức Hoa hậu Thế giới (MWO), trước khi tham dự cuộc thi, các ứng cử viên của cuộc thi phải thắng trong một cuộc thi cấp quốc gia tại quê nhà để lấy được quyền đại diện cho quốc gia của mình tại Hoa hậu Thế giới. Các thí sinh chiến thắng sẽ được cấp giấy phép tham dự cuộc thi từ những nhà đăng ký chuyển nhượng bản quyền của cuộc thi ở quốc gia của họ. Và cuối cùng là đến tham gia cuộc thi Hoa hậu Thế giới với một số chương trình phúc khảo, tham gia các hoạt động ngoài trời, giao lưu với cư dân bản địa, tham gia các sự kiện truyền hình và cuối cùng xuất hiện trong đêm chung kết để công bố các giải thưởng, các danh hiệu và công bố tên của Hoa hậu Thế giới.
Cuộc thi thường được tổ chức vào khoảng thời gian cuối năm, tháng 11 hoặc 12. Sau này vì tình hình dịch bệnh, thời gian tổ chức cuộc thi thay đổi liên tục.
Cuộc hành trình đến chiếc vương miện vô cùng khó khăn. Đầu tiên, thí sinh tham dự cuộc thi này phải là người đã chiến thắng tại cuộc thi hoa hậu quốc gia. Đến cuộc thi, các thí sinh sẽ tham dự vào các sự kiện được tổ chức trong cuộc thi, các gala, những buổi dạ hội và các hoạt động trước khi ban giám khảo chọn ra những người xuất sắc nhất. Cuộc thi sẽ chọn ra Top bán kết, top 5->6 (hoặc 7) và cuối cùng là Hoa hậu thế giới và 2 Á hậu. Người chiến thắng sẽ được chính đương kim Hoa hậu đeo dải băng Miss World, trao lại vương miện và ngồi trên chiếc ghế đặt ở chính giữa sân khấu còn 2 Á hậu sẽ đứng ở bên cạnh.
Là cuộc thi có nhiều thí sinh tham gia nhất trên thế giới (trên dưới 100 nước mỗi năm), số lượng thí sinh trong Top bán kết có sự thay đổi nhỏ qua mỗi năm, thông thường nằm trong khoảng từ 15-20, những năm gần đây con số thí sinh vào Bán kết mở rộng ra 30-40 vì số lượng thí sinh ngày càng đông.
Kể từ năm 2003, để sự lựa chọn được kỹ lưỡng và chính xác, các phần thi phụ được tổ chức một cách bài bản. Các thí sinh dự thi phải trải qua các phần thi Hoa hậu Bãi biển, Hoa hậu Thể thao, Hoa hậu Tài năng, Hoa hậu mặc trang phục dân tộc đẹp nhất. Các thí sinh chiến thắng các phần thi phụ này sẽ được đặc cách vào thẳng Bán kết.
Hoa hậu Bãi biển (Beach Beauty): Chọn ra những thí sinh có hình thể đẹp nhất. Trong phần thi này, vóc dáng, vẻ đẹp hình thể và các chỉ số 3 vòng là tiêu chí để chấm điểm. Ngoài danh hiệu, phần thi này còn chọn ra top 10, top 5.
Hoa hậu Thể thao (Miss Sport): Là phần thi mà các thí sinh sẽ phải trải qua các hoạt động thể thao như chạy, bơi lội, bóng chuyền... để bộc lộ khả năng chơi thể thao và rèn luyện sức khỏe, thể hình của mình. Các phần thi thường được tổ chức theo nhóm ứng với mỗi khu vực.
Hoa hậu Tài năng (Talent Show): Là phần thi mà các thí sinh có cơ hội thể hiện tài năng, năng khiếu, sở trường của mình. Mỗi thí sinh có thể đăng ký một tiết mục trình diễn trên sân khấu. Thông thường, phần thi tài năng các thí sinh Miss World thường lựa chọn là hát, múa, chơi đàn, thổi sáo, diễn kịch, kể chuyện...
Hoa hậu Thời trang, hoặc Trang phục Dân tộc, (Top Model): Là phần thi mà thí sinh sẽ trình diễn các mẫu thiết kế thời trang hoặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Đây là phần thi mà khán giả sẽ phải choáng ngợp bởi rất nhiều bộ trang phục rực rỡ, nhiều màu sắc được trình diễn bởi các người đẹp. Phần thi cũng công bố top 10, top 5.
Ngoài ra, ở Miss World còn có thêm giải phụ Hoa hậu Nhân ái (Beauty with a Purpose). Đây là giải thưởng dành cho hoa hậu trước khi đến với cuộc thi đã có những hoạt động xã hội có ý nghĩa cao cả. Giải thưởng này có cách trao khá giống với giải thưởng Sắc đẹp vì một mục tiêu (Beauty for a Cause) của cuộc thi Hoa hậu Trái Đất. Những việc làm đó sẽ phải được minh chứng bằng một video clip ghi lại hoạt động của thí sinh gửi cho Ban tổ chức. Giải thưởng này được công bố trong đêm chung kết. Đây là một giải thưởng phụ quan trọng và có ý nghĩa quyết định vị trí của thí sinh trong đêm chung kết.
Ngoài ra, cuộc thi cũng có giải thưởng "Hoa hậu Thân thiện" nhưng hiện tại giải thưởng này đã được lược bỏ. Tuy nhiên, đôi khi người ta hay nhầm lẫn giữa "Hoa hậu Nhân ái" với "Hoa hậu Thân thiện".
Đêm chung kết cuộc thi, mở đầu đồng loạt các thí sinh sẽ có màn trình diễn váy và áo tắm, sau đó từng nhóm thí sinh (theo từng khu vực) được xướng tên quốc gia sẽ lần lượt ra mắt khán giả. Từ năm 2016 thì màn trình diễn áo tắm được bãi bỏ.
Sau đó tất cả các thí sinh, trong trang phục dạ hội, sẽ được tập hợp lại để chuẩn bị nghe công bố kết quả. Mở đầu là màn xuất hiện của 4 thí sinh được đặc cách do đoạt các danh hiệu Hoa hậu Bãi biển, Hoa hậu Thể thao, Hoa hậu Mặc trang phục dân tộc đẹp nhất), sau đó Ban giám khảo công bố thí sinh đoạt danh hiệu Hoa hậu nhân ái. Tất cả các thí sinh đoạt các giải phụ này đều được đặc cách thẳng vào top Bán kết. Tiếp đến, MC sẽ công bố những người còn lại lọt vào top bán kết. Các thí sinh còn lại này được ban giám khảo lựa chọn ngẫu nhiên (không tính yếu tố vùng miền) hoặc lựa chọn theo vùng miền (mỗi khu vực thường có khoảng 2 đại diện).
Sau đó chọn tiếp top 5 (hoặc 6) và cuối cùng, lần lượt Á hậu 2, Á hậu 1 và Hoa hậu Thế giới sẽ được trưởng Ban tổ chức, bà Julia Morley công bố (trừ năm 2018, cuộc thi chỉ chọn ra một Á hậu duy nhất và Hoa hậu). Các giải thưởng được công bố liên tục vào cuối đêm chung kết. Hiện cuộc thi đã bỏ màn trình diễn áo tắm và trang phục dạ hội riêng của Top bán kết như ba cuộc thi còn lại.
Từ năm 2009, trong đêm chung kết có thêm phần trình diễn Dances of the World (Các điệu nhảy của thế giới). Đây là một phần trình diễn không tính điểm. Phần trình diễn luôn luôn được chờ đợi trong mỗi đêm chung kết và là một trong số những đặc sắc của cuộc thi. Cùng với đó, phần trình diễn trang phục áo tắm mở màn của đêm chung kết cũng dần được tối giản và bỏ hẳn khỏi nội dung đêm chung kết.
Những năm gần đây, cuộc thi có thêm phần Bình chọn thí sinh qua trang web chính thức cuộc thi (www.missworld.tv) và ứng dụng Mobstar. Kết quả bình chọn có năm chỉ là một căn cứ hỗ trợ cho sự đánh giá tính điểm của Ban giám khảo, có năm giải thưởng Bình chọn nhiều nhất được đặc cách thẳng vào bán kết.
Các hoa hậu thế giới chiến thắng phần thi phụ
4 Hoa hậu Thế giới đã đoạt giải Hoa hậu Siêu mẫu: Trương Tử Lâm (Trung Quốc, 2007), Ksenia Sukhinova (Nga, 2008), Megan Young (Philippines, 2013) và Mireia Lalaguna (Tây Ban Nha, 2015).
4 Hoa hậu Thế giới đã đoạt giải Hoa hậu Ảnh: Astrid Carolina Herrera (Venezuela, 1984), Aishwarya Rai (Ấn Độ, 1994), Jacqueline Aguilera (Venezuela, 1995) và Diana Hayden (Ấn Độ, 1997).
2 Hoa hậu Thế giới đã đoạt giải Hoa hậu Bãi biển: Rosanna Davison (Ireland, 2003) và Kaianne Aldorino (Gibraltar, 2009).
2 Hoa hậu Thế giới đã đoạt giải Hoa hậu Tài năng: Vu Văn Hà (Trung Quốc, 2012) và Toni-Ann Singh (Jamaica, 2019).
1 Hoa hậu Thế giới đã chiến thắng giải Sắc đẹp vì một mục đích: Manushi Chhillar (Ấn Độ, 2017).
Giải thưởng bên lề
Kể từ năm 2003 cuộc thi Hoa hậu Thế giới bắt đầu xuất hiện các phần thi phụ. Người chiến thắng tại các vòng thi phụ sẽ được vào thẳng Bán kết. Các sự kiện bên lề được áp dụng từ năm 2003 là:
Giải thưởng do khán giả bình chọn (2003, 2006, 2008, 2015, 2016)
Hoa hậu Cá tính (2003)
Hoa hậu do các thí sinh bình chọn (2004)
Thử thách đối đầu: từ năm 2017 - nay
Các thí sinh chiến thắng
Kiki Håkansson từ Thụy Điển, Hoa hậu Thế giới 1951 là Hoa hậu Thế giới đầu tiên đến từ châu Âu đăng quang và cũng là người duy nhất đăng quang trong trang phục bikini.
Kiki Håkansson từ Thụy Điển, Hoa hậu Thế giới 1951 là người có nhiệm kỳ giữ vương miện lâu nhất trong lịch sử: 1 năm, 3 tháng, 16 ngày từ khi đoạt vương miện ngày 29 tháng 7 năm 1951 tại Luân Đôn, Vương quốc Anh[15][16].
Khoảng thời gian dài nhất cho một quốc gia lặp lại chiến thắng trong cuộc thi Hoa hậu là Puerto Rico: Wilnelia Merced đoạt giải năm 1975 và 41 năm sau, Stephanie Del Velle trở thành người tiếp theo của quốc gia này đoạt giải.
Quốc gia có khoảng thời gian ngắn nhất lặp lại chiến thắng là Ấn Độ (1997-1999, không tính những lần đoạt giải liên tiếp như Thụy Điển, Vương quốc Anh và Ấn Độ kể trên).
Cuộc thi Hoa hậu Thế giới từng gây ra nhiều tranh cãi từ khi ra đời.
Năm 1970, người biểu tình đã ném bom bột mì để phản đối trong suốt quá trình truyền hình trực tiếp tại Royal Albert Hall ở Luân Đôn. Danh hài Bob Hope đã nói đùa rằng " Đây có phải bản sao của Việt Nam không?" (Việt Nam đang trong thời kỳ chiến tranh lúc bấy giờ.)[17][18]
Năm 1973, Marjorie Wallace, người Mỹ đầu tiên chiến thắng trong cuộc thi đã không hoàn thành nhiệm vụ và chỉ giữ được vương miện có 104 ngày. Ban tổ chức thông báo Wallace "đã không hoàn thành các nhiệm vụ cơ bản được giao." Trách nhiệm của công việc từ thiện được chuyển sang cho Á hậu 1 Evangeline Pascual đến từ Philippines. Tuy nhiên, Ban tổ chức cuộc thi vẫn ghi nhận Wallace là Hoa hậu Thế giới 1973 chứ không phải Pascual.
Năm 1976, một số quốc gia tẩy chay cuộc thi, bởi vì có một người da trắng và một người da đen đại diện cho Nam Phi. Để chống lại tình trang phân biệt chủng tộc khủng khiếp ở quốc gia của mình, Nam Phi đã ngừng tham dự cuộc thi từ năm 1977, trước khi tiếp tục tham dự trở lại vào năm 1991 vì vấn đề chính trị đã thay đổi.
Gabriella Brum từ Tây Đức chiến thắng năm 1980 bỏ ngôi sau một ngày giữ vương miện, thông tin ban đầu là do bạn trai của cô không đồng ý. Một vài ngày sau bắt đầu xuất hiện thông tin cô từng chụp hình khoả thân cho các tạp chí.[19]
Năm 1996, một cuộc chống đối với quy mô lớn diễn ra tại Bangalore, Ấn Độ. Phần thi áo tắm được chuyển đến quần đảo Seychelles, và được bảo vệ nghiêm ngặt. Bất chấp hỗn loạn, buổi truyền hình trực tiếp chung kết của cuộc thi vẫn suôn sẻ.[20][21][22]
Chỉ vài ngày sau khi chiến thắng trong năm 1998, Linor Abargil từ Israel cho biết cô đã bị cưỡng hiếp chỉ hai tháng trước khi cuộc thi này diễn ra. Người đàn ông cưỡng hiếp cô đã chịu sự trừng phạt của pháp luật.[23]
Cuộc thi Hoa hậu Thế giới 1983 có thí sinh Unnur Steinsson từ Iceland đã mang thai ba tháng khi tham gia cuộc thi (chung kết diễn ra ngày 17/11/1983) đã vi phạm các nguyên tắc cấm là không được kết hôn hoặc có thai. Tuy nhiên, điều đó đã không được phát hiện khi bà tham dự cuộc thi mặc dù bà lọt vào chung kết và là người Iceland đầu tiên lọt vào Top 7. Con gái bà, sinh ngày 25/05/1984 và có tên là Unnur Birna Vilhjálmsdóttir, 22 năm sau đã đăng quang Hoa hậu Thế giới 2005. Steinsson cũng tham dự cuộc thi Hoa hậu Trẻ Quốc tế 1980 tổ chức tại Manila. Bà cũng tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 1983. Cả hai mẹ con bà đều là diễn viên.
^The Miss World Pageant, an annual event, began in 1951. Miss World is also the world's largest global beauty pageant, with a record 94 entrants in 1999.
^“Miss World Beauty Pageant Bans Bikinis”. The Huffington Post. ngày 10 tháng 6 năm 2013. Truy cập ngày 14 tháng 6 năm 2013. The bikini segment is one of the cornerstones of the Miss World Beauty Pageant but the 2013 event will not be featuring them. Out of respect to this year's Muslim host nation Indonesia, the 137 contestants at the event in Jakarta will be wearing the traditional long sarongs of Bali instead.