Các hoạt động đáng kể khác bao gồm nhiệm vụ cột mốc dẫn đường hỗ trợ cho chuyến bay tiên phong vòng quanh thế giới từ ngày 9 tháng 4 đến ngày 28 tháng 9 năm 1924 do Quân đoàn Không quân Hoa Kỳ (tiền thân của Không quân Hoa Kỳ ngày nay) thực hiện. Nó còn thực hiện một chuyến viếng thăm Đông Dương thuộc Pháp vào năm 1926 và một chuyến viếng thăm Nhật Bản vào năm 1929. Từ năm 1931 đến năm 1937, nó tiếp tục "biểu dương lực lượng" ngoài khơi bờ biển Trung Quốc trong mùa Hè, và trải qua mùa Đông tại Philippines tham gia các cuộc cơ động hải đội. Nó được điều sang Đội 15 trực thuộc Hải đội Khu trục 5 vào ngày 3 tháng 2 năm 1933, viếng thăm Đông Dương thuộc Pháp vào năm 1935 và 1938, hai lần viếng thăm Nhật Bản vào các năm 1934 và 1935 cùng một lần viếng thăm Đông Ấn thuộc Hà Lan vào năm 1936.
Sự căng thẳng gia tăng tại vùng biên giới phía Bắc Trung Quốc do việc Nhật Bản chiếm đóng Mãn Châu, khiến Pope phải tham gia vào việc triệt thoái công dân Hoa Kỳ khỏi các cảng phía Bắc Trung Quốc như Thanh Đảo đến Thượng Hải, bắt đầu từ ngày 19 tháng 9 năm 1937. Từ ngày 15 tháng 7 đến ngày 20 tháng 9 năm 1938, nó tuần tra tại vùng biển Trung Quốc ngoài khơi Tần Hoàng Đảo, và quay trở lại cùng lực lượng Tuần tra Nam Trung Quốc vào ngày 5 tháng 6 năm 1939 để di tản lãnh sự và công dân Hoa Kỳ. Chiếc tàu khu trục đã đặt căn cứ ngoài khơi Sán Đầu từ ngày 14 tháng 6 đến ngày 19 tháng 8, quan sát cuộc tiến quân của Lục quân Nhật Bản đến Sán Đầu cũng như cuộc ném bom và chiếm đóng thành phố diễn ra sau đó. Nó ở lại khu vực này cho đến khi quay về Manila vào ngày 12 tháng 10 để Tuần tra Trung lập ngoài khơi Philippines. Nó được chuyển sang Đội khu trục 59 thuộc Hạm đội Á Châu vào ngày 6 tháng 5 năm 1940, và tiếp nối hoạt động tuần tra dọc bờ biển Trung Quốc từ ngày 11 tháng 5 đến ngày 24 tháng 6. Nó quay trở về Manila vào cuối tháng 6, và hoạt động Tuần tra Trung lập tại đây cho đến ngày 11 tháng 12 năm 1941, khi nó lên đường đi Balikpapan tại Đông Ấn thuộc Hà Lan.
Trong trận Balikpapan, Pope đã tiến hành tấn công tầm gần bằng ngư lôi và hải pháo, giúp trì hoãn việc đổ bộ lực lượng Nhật Bản tại Balikpapan; và sau đó trong trận chiến eo biển Badung nó đã ngăn trở việc đối phương xâm chiếm đảo Bali. Trong Trận chiến biển Java thứ hai, nó cùng tàu khu trục AnhHMS Encounter được phái đến giúp đỡ cho chiếc tàu tuần dương Anh HMS Exeter bị hư hại nặng rút lui khỏi trận chiến. Lúc chiều tối ngày 28 tháng 2 năm 1942, Exeter và hai chiếc tàu khu trục rời Soerabaja tiến lên phía Bắc. Lực lượng mặt biển và không lực Nhật Bản tung ra cuộc tấn công sáng hôm sau ở vị trí khoảng giữa Java và Borneo. Khi tìm cách thoát đi, ba chiếc tàu Đồng Minh đã đụng độ với một lực lượng bốn tàu tuần dương hạng nặng và bốn tàu khu trục đối phương trong một trận chiến ác liệt éo dài ba giờ rưỡi, gây hư hại cho một số tàu đối phương. Pope đã bắn hết toàn bộ số ngư lôi nó mang theo cùng 140 loạt hải pháo.
Ngay trước giữa trưa ngày 1 tháng 3 năm 1942, hai chiếc tàu chiến Anh bị phá hủy bởi hỏa lực pháo đối phương, và một giờ sau đó Pope bị tấn công bởi 12 máy bay ném bom bổ nhào, và bị đắm sau khi trúng nhiều quả bom ở tọa độ 04°00′N111°30′Đ / 4°N 111,5°Đ / -4.000; 111.500. Ngày hôm sau, tàu khu trục Nhật Ikazuchi đã cứu vớt 442 người từ Pope và Encounter. Những người sống sót đã trôi dạt trong hơn 20 giờ trên bè cứu sinh hay áo phao hoặc bám vào bất kỳ vật nào nổi được, nhiều người bị phủ đầy dầu nhớt. Quyết định đầy nhân đạo của Thiếu tá Hải quânShunsaku Kudō đã đặt chiếc Ikazuchi trong nguy cơ bị tấn công, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tác chiến của nó, thuần túy là do số người được cứu vớt quá lớn. Hành động này sau đó là đề tài của một quyển sách[4] và một chương trình truyền hình vào năm 2007.[5][6]
Xác tàu đắm của Pope được chiếc tàu lặn MV Empress phát hiện và xác định vào tháng 12 năm 2008, ở cách xác tàu đắm của HMS Exeter vốn cũng do Empress khám phá vào năm 2007, khoảng 60 hải lý (110 km). Không may là các tay săn cổ vật đã khám phá Pope trước đó, nên không còn gì đáng kể tại nơi con tàu đắm. Cùng với việc tìm thấy và xác định nó, mọi con tàu bị mất trong trận chiến biển Java và các hoạt động tiếp theo đã được tìm thấy và xác định.
^伊勢, 雅臣 (ngày 13 tháng 8 năm 2006), 駆逐艦「雷」艦長・工藤俊作 (bằng tiếng Nhật), Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 8 năm 2020, truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2008. Tóm tắt Chương trình truyền hình 2007.
Gill, G. Hermon (1957). Royal Australian Navy 1939-1942. Australia in the War of 1939–1945. Series 2 – Navy. 1. Canberra: Australian War Memorial. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 5 năm 2009. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2014.
Masterson, Dr. James R. (1949). U. S. Army Transportation In The Southwest Pacific Area 1941-1947. Washington, D. C.: Transportation Unit, Historical Division, Special Staff, U. S. Army.