Trương Phát Tông (tiếng Trung: 張發宗; tiếng Anh: Cheung Fat-chung), thường được biết đến với nghệ danh Trương Quốc Vinh (tiếng Trung: 張國榮, tiếng Anh: Leslie Cheung Kwok-wing, 12 tháng 9 năm 1956 – 1 tháng 4 năm 2003), là một nam ca sĩ kiêm diễn viên người Hồng Kông.[2] Với sự nghiệp trải dài 26 năm, Trương Quốc Vinh đã phát hành khoảng 40 album và tham gia diễn xuất trong khoảng 60 bộ phim.[3][4] Anh là ca sĩ tiên phong và là người định hình bản sắc cho dòng nhạc Cantopop trong suốt thập niên 1980.[5] Bên cạnh sự nghiệp âm nhạc, Trương Quốc Vinh còn là một biểu tượng của nền điện ảnh Hoa ngữ. Nhiều bộ phim mà anh tham gia diễn xuất như Xuân quang xạ tiết (1997), Bá vương biệt Cơ (1993) và A Phi chính truyện (1990) đã trở thành những tác phẩm kinh điển. Anh cũng là một trong số ít ngôi sao châu Á công khai đóng các vai diễn đồng tính nam, tích cực tham gia các hoạt động giành quyền lợi cho cộng đồng LGBT.[6][7]
Trương Quốc Vinh sinh ra tại Cửu Long, Hồng Kông, sớm sang Anh du học từ năm 12 tuổi. Anh trở về Hồng Kông rồi bước chân vào làng giải trí vào năm 1977, sau khi giành giải nhì một cuộc thi âm nhạc. Sự nghiệp âm nhạc của anh thuở ban đầu không mấy thuận lợi và chỉ bắt đầu khởi sắc khi anh phát hành album Gió tiếp tục thổi vào năm 1982. Năm 1984, anh cho ra mắt ca khúc "Monica", một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất lịch sử âm nhạc đại chúng Hồng Kông. Năm 1987, album Summer Romance của anh trở thành album bán chạy nhất năm ở Hồng Kông với hơn 700 nghìn bản tiêu thụ. Ở lĩnh vực điện ảnh, Trương Quốc Vinh ghi những dấu ấn đầu tiên với các vai diễn trong Liệt hỏa thanh xuân (1982) và Anh hùng bản sắc (1986).
Sau khi tạm ngừng ca hát vào năm 1989, Trương Quốc Vinh tập trung cho sự nghiệp diễn xuất và gặt hái được nhiều thành tích trong những năm 1990. Đặc biệt, vai diễn nghệ sĩ kinh kịch Trình Điệp Y trong Bá vương biệt Cơ (1993) đã đưa tên tuổi của anh đến với khán giả phương Tây, là nét tô điểm đậm nhất cho thành công ở lĩnh vực điện ảnh của anh. Năm 1995, Trương Quốc Vinh trở lại với ngành công nghiệp âm nhạc, một năm sau, phát hành album Hồng nhận được sự tán dương nhiệt liệt. Anh đã nhảy lầu tự sát từ tầng 24 khách sạn Mandarin Oriental, khu Trung Hoàn, Hồng Kông vào ngày 1 tháng 4 năm 2003, sau khi phải chịu ảnh hưởng từ căn bệnh trầm cảm lâu năm của mình.
Tiểu sử
Trương Quốc Vinh có tên khai sinh là Trương Phát Tông, sinh ngày 12 tháng 9 năm 1956 trong một gia đình trung lưu tại Cửu Long, Hồng Kông.[1][8][9][10] Cha anh là ông Trương Hoạt Hải còn mẹ anh là bà Phan Ngọc Dao.[11] Trương Hoạt Hải là một thợ may có tiếng, từng may quần áo cho Marlon Brando, Cary Grant và nhà làm phim Alfred Hitchcock.[12] Anh cũng được biết đến là một người đàn ông phong lưu, đa tình.[5] Cả hai có với nhau mười người con, trong đó ba người qua đời từ khi còn nhỏ, và Trương Quốc Vinh là con út.[8] Vì quá bận rộn, cha mẹ anh gửi các con cho bà ngoại nuôi. Song do bà ngoại tuổi đã cao, nên anh cùng các anh chị em chủ yếu sống dưới bàn tay chăm sóc của cô bảo mẫu tên Sáu, người mà anh xem là "người phụ nữ vĩ đại nhất".[8] Anh tự nhận mình thuở nhỏ là một đứa trẻ kỳ quặc, không giống trẻ con, ít nói và chẳng bao giờ được người khác đoái hoài, để tâm. Quốc Vinh không gần gũi với cả cha lẫn mẹ, cho rằng "duyên phận" của mình với đấng sinh thành quá mỏng manh.[8] Anh từng hối hận rằng điều đáng tiếc nhất trong cuộc đời anh là "đã có quá ít thời gian với cha mẹ. Kể từ khi tôi sinh ra tới khi họ mất đi, tôi chỉ được sống cùng cha vỏn vẹn năm ngày, với mẹ đại khái nửa năm."[13]
Trong thời kỳ mà Hồng Kông vẫn còn chịu dưới sự cai trị của nước Anh, Quốc Vinh dễ dàng sang Anh du học khi mới chỉ mười hai tuổi. Anh theo học trường Norwich ở Norfolk, và sau khi tốt nghiệp cấp ba, anh học tiếp chuyên ngành Quản lý dệt may tại Đại học Leeds. Ở trường đại học, anh bắt đầu phát huy năng khiếu ca hát, trở thành ca sĩ nghiệp dư, đi hát ở một số tụ điểm và phòng trà.[3] Khi chương trình học còn chưa hoàn thành, anh đã phải bỏ về Hồng Kông khi hay tin cha anh lâm bệnh nặng.[14][15]
Sự nghiệp
Những năm đầu
Năm 1977, sau khi tham gia và giành giải nhì cuộc thi Âm nhạc châu Á do Rediffusion Television tổ chức, Quốc Vinh chính thức bước chân vào làng giải trí.[17] Năm 21 tuổi, anh ký hợp đồng với Polydor Records.[3] Lần lượt trong hai năm 1977 và 1979, Trương Quốc Vinh cùng Polydor cho ra mắt hai album Day Dreamin' và Tình nhân tiễn.[18] Những năm đầu làm ca sĩ chuyên nghiệp, anh bị chỉ trích là còn quá non nớt và có "giọng hát nghe như gà".[12] Anh phải nhận những lời la ó từ khán giả trong buổi diễn đầu tiên trước công chúng. Với việc ba album đầu tay đều mang về doanh thu đáng thất vọng, Polydor Records quyết định chấm dứt hợp đồng với anh.[19] Năm 1982, Quốc Vinh gia nhập Capital Artists, anh mới thực sự nổi tiếng khi phát hành album đột phá Gió tiếp tục thổi được khán giả yêu thích cuồng nhiệt.[18][20][21] Ca khúc cùng tên, "Gió tiếp tục thổi", là một trong những ca khúc gắn liền với tên tuổi Trương Quốc Vinh sau này.[22] Năm 1984, anh cho ra mắt ca khúc "Monica" giành Giải Top 10 Ca khúc vàng Trung Quốc do Đài Truyền hình Hồng Kông trao.[23] "Monica" trở thành một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất lịch sử âm nhạc đại chúng Hồng Kông, giúp truyền cho người Hồng Kông niềm đam mê ca vũ.[5] Sự nghiệp âm nhạc của anh tiếp tục thăng hoa với các album như Chung tình vì người (1985) và Allure Me (1986).[18]
Cũng giống như những năm đầu ca hát, sự nghiệp diễn xuất của Quốc Vinh có khởi đầu không mấy xán lạn.[18] Năm 1977, anh đóng vai Giả Bảo Ngọc trong Hồng lâu xuân thượng xuân. Vì trong phim có nhiều cảnh nóng táo bạo với bạn diễn, nên anh bị gán mác đóng phim cấp ba. Anh từng chia sẻ rằng mình "bị lừa tham gia đóng vai trong phim Hồng lâu xuân thượng xuân, trước khi đóng phim [ông] hoàn toàn không biết trong phim có cảnh nóng".[24] Sau đó, trong hai năm liên tiếp 1980 và 1981, Quốc Vinh đảm nhận các vai phụ trong hai bộ phim Hát thải và Thất nghiệp sinh. Với Thất nghiệp sinh, anh nhận đề cử Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kônglần thứ nhất.[25] Sau đề cử này, Trương Quốc Vinh nhận lời mời đóng vai nam chính trong bộ phim Nịnh mông khả nhạc (1982). Kể từ đó, anh luôn đảm nhận hầu hết mọi vai chính trong các bộ phim mà mình tham gia.[26] Năm 1983, nhờ vai diễn Louis trong Liệt hỏa thanh xuân, Quốc Vinh nhận đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông lần thứ 2.[27][28]
Bắt đầu gặt hái vinh quang
Năm 1986, Quốc Vinh gia nhập Cinepoly Records.[23] Năm 1987, album Summer Romance của anh bán được hơn 700 nghìn bản ở Hồng Kông, trở thành album bán chạy nhất Hồng Kông năm đó, theo thống kê của Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm quốc tế.[29] Trong thập niên 1980, anh cùng với Đàm Vịnh Lân là hai tên tuổi lớn nhất luôn cạnh tranh nhau ở làng nhạc Hoa ngữ.[30] Trong những năm gắn bó với Cinepoly Records, Quốc Vinh đã phát hành một số album đáng nhớ khác như Hot Summer (1988), Virgin Snow (1988), Final Encounter (1989), và Salute (1989) – album phi lợi nhuận đầu tiên được anh mô tả là "một sự tôn kính đối với âm nhạc". Anh quyên góp tất cả số tiền thu được từ việc bán album Salute cho Học viện Nghệ thuật Biểu diễn Hồng Kông, về sau trở thành quỹ Học bổng Tưởng nhớ Trương Quốc Vinh.[23]
Giữa những năm 1980 đến giữa những năm 1990 là thời kỳ hoàng kim của ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Kông, đây cũng là khoảng thời gian mà kỹ năng diễn xuất của Quốc Vinh đạt tới đỉnh cao.[23] Anh đóng vai Tống Tử Kiệt trong Anh hùng bản sắc (1986) của đạo diễn Ngô Vũ Sâm, bên cạnh Địch Long và Châu Nhuận Phát.[31]Anh hùng bản sắc đưa tên tuổi của Trương Quốc Vinh vươn tầm sao hạng A được nhiều người biết đến, từng bước trở thành diễn viên có sức ảnh hưởng nhất Hồng Kông, để có thêm những tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp ở giai đoạn thập niên 1990.[32] Quốc Vinh còn đảm nhận vai chàng thư sinh Ninh Thái Thần trong Thiến nữ u hồn (1986),[33] bộ phim đã để lại dấu ấn khó quên trên màn ảnh Hồng Kông khi anh có một màn kết hợp ăn ý với Vương Tổ Hiền, cũng chính từ đó mà anh có cho mình biệt danh "Ca ca".[34] Hai vai diễn trong Anh hùng bản sắc II (1987) và Yên chi khâu (1988) mang về cho hai đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông lần thứ 7 và thứ 8.[35][36] Trong một buổi biểu diễn năm 1989, anh thể hiện ca khúc "Gió tiếp tục thổi" trong nước mắt và chính thức tuyên bố tạm ngừng sự nghiệp ca hát để tập trung cho lĩnh vực điện ảnh.[37] Năm 1990, anh di cư tới Canada, mua một ngôi nhà ở khu British Properties, Vancouver. Trong suốt năm năm, anh hạn chế gây chú ý để đảm bảo tư cách công dân Canada.[38]
Đỉnh cao điện ảnh
Tôi không muốn trở thành Trình Điệp Y. Cá nhân tôi không muốn trở thành anh ấy. Thành thật mà nói, tôi may mắn hơn anh ấy rất nhiều, nhưng tôi vẫn thích đóng vai một nhân vật như anh ấy, vì tôi thích đóng những nhân vật bi thảm.
– Trương Quốc Vinh nói về vai diễn để đời của mình[39]
Sau khi tuyên bố tạm ngừng ca hát, Trương Quốc Vinh tập trung vào sự nghiệp diễn xuất và những nỗ lực sau này của anh nhanh chóng được đền đáp.[20] Năm 1991, nhờ vai diễn Húc Tử trong A Phi chính truyện (1990) của đạo diễn Vương Gia Vệ, anh nhận giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông lần thứ 10, giải thưởng tiêu biểu đầu tiên trong sự nghiệp diễn xuất của anh.[40]
Năm 1994, Trương Quốc Vinh đóng vai Âu Dương Phong trong Đông Tà, Tây Độc của Vương Gia Vệ.[47] Vai diễn này mang về cho anh giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Giải thưởng Hiệp hội phê bình phim Hồng Kông.[48]Kim chi ngọc diệp (1994) và Sắc tình nam nữ (1996) giúp anh nhận thêm hai đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông lần thứ 14 và thứ 16.[49][50] Anh tiếp tục hợp tác với Vương Gia Vệ khi đóng chính cùng Lương Triều Vỹ trong Xuân quang xạ tiết (1997) – được xem là một trong những bộ phim đề tài LGBT hay nhất trong làn sóng New Queer Cinema.[51][52] Năm 1998, với Xuân quang xạ tiết, cả Trương Quốc Vinh lẫn Lương Triều Vỹ đều nhận đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông lần thứ 17 và Lương Triều Vỹ là người đoạt giải.[53] Là một tên tuổi luôn bảo chứng cho doanh thu phòng vé, từ năm 1990 đến 1998, 13 trong tổng số 39 phim mà anh tham gia đã lọt vào danh sách 10 bộ phim có doanh thu phòng vé cao nhất Hồng Kông.[54] Khoảng thời gian này, một số bộ phim đáng nhớ khác của anh có thể kể đến như Gia hữu hỷ sự (1992), Bạch phát ma nữ (1995) và Dạ bác ca thanh (1995).[55]
Trở lại với âm nhạc
Năm 1995, Trương Quốc Vinh quyết định quay trở lại ngành công nghiệp âm nhạc, ký hợp đồng với Rock Records và phát hành album tái xuất Sủng ái.[23] Cùng Rock Records, Trương Quốc Vinh cho ra mắt Hồng (1996), có thể xem là album được hoan nghênh nhất của anh. Hồng là một album kết hợp, pha trộn mượt mà giữa những thể loại nhạc khác nhau vào Cantopop, tạo nên một phong cách độc đáo nhất quán.[23] Bên cạnh đó, Trương Quốc Vinh có chuyến lưu diễn Live in Concert 97 được tổ chức tại nhà thi đấu Hồng Kông sau tám năm xa cách. Khi trình diễn ca khúc Hồng trong đêm nhạc, anh đã mặc một bộ vest đen lung linh và đi đôi giày cao gót đính sequin đỏ lấp lánh.[56] Năm 1999, Trương Quốc Vinh ký hợp đồng với Universal Music và thành lập công ty riêng Apex Music, qua đây phát hành một số album như Cùng em đếm ngược (1999), Đại nhiệt (2000) và Untitled (2000).[18][57] Năm 2000, Trương Quốc Vinh tổ chức chuyến lưu diễn cuối cùng của mình, Passion Tour.[23] Toàn bộ trang phục trong chuyến lưu diễn này của Trương Quốc Vinh, ở thời điểm đó, từng bị báo chí chỉ trích vì hình tượng phi giới tính táo bạo.[58] Dù vậy, Passion Tour vẫn nhận được những đánh giá cao từ giới nghệ thuật, trong đó có nữ ca sĩ Madonna.[59] Cùng năm, anh được trao giải Kim vàng, giải thưởng thành tựu trọn đời của dòng nhạc Cantopop.[23]
Trong hai năm 1999 và 2000, Trương Quốc Vinh tham gia một vài bộ phim gồm Lưu tinh ngữ (1999), Tình nguyệt đồng thoại (1999) và Súng thần (2000).[60] Trong đó, anh đã khắc họa một cách xuất sắc tâm lý nhân vật La Bổn Lương trong Dị độ không gian (2002), bộ phim cuối cùng của anh trước khi qua đời vào năm 2003.[61] Anh cũng từng thử sức trong vai trò đạo diễn với đoạn phim tuyên truyền chống thuốc lá dài gần 40 phút Yên phi yên diệt (2000).[12]
Đời tư
Là một nghệ sĩ xuất chúng, song Trương Quốc Vinh được mô tả là một con người bình dị, luôn lo nghĩ cho bạn bè và mọi người xung quanh.[62] Anh sinh hoạt khá chỉn chu, nền nếp và luôn coi trọng sức khỏe bản thân.[63] Bên cạnh đó, anh còn luôn chú ý phát hiện, đào tạo và giúp đỡ tài năng trẻ. Rất nhiều nghệ sĩ từ Đài Loan và Hồng Kông như Lê Minh, Cổ Thiên Lạc, Vương Lực Hoành, Thư Kỳ, Mạc Văn Úy, Viên Vịnh Nghi, Trương Vệ Kiện, Cổ Cự Cơ và Dương Thái Ni đều từng nhận sự giúp đỡ từ anh.[29] Mặc dù xuất thân từ tầng lớp trung lưu, song anh rất hào phóng với số tiền mà mình kiếm được. Khi một trận động đất xảy ra ở Đài Loan vào năm 1999, anh tham gia một buổi gây quỹ từ thiện, và sau khi thử món cơm rang do Trần Bảo Châu nấu, anh lập tức quyên góp được 250.000 HKD (khoảng 32.250 USD).[12]
Trương Quốc Vinh đã trải qua một vài mối tình với cả nam lẫn nữ.[64] Anh cũng từng thừa nhận anh "giống như một người song tính."[65] Năm 1977, khi mới bước chân vào làng giải trí, anh có mối tình đầu với Tuyết Lê, một cô gái 14 tuổi. Cả hai hẹn hò thời gian ngắn rồi chia tay vì khác biệt trong tính cách.[66] Sau Tuyết Lê, anh bị đồn hẹn hò diễn viên Nghê Thi Bội khi đóng phim cùng cô năm 1981, và mối tình này được cho là cũng chỉ kéo dài hai năm.[64]Mao Thuấn Quân là cô gái đầu tiên mà Trương Quốc Vinh công khai quan hệ yêu đương.[64] Hai người gặp nhau khi cùng làm người dẫn chương trình cho một chương trình ca nhạc.[67] Trương Quốc Vinh từng cầu hôn Mao Thuấn Quân nhưng không được đồng ý, song cả hai vẫn giữ liên lạc với nhau.[64]
Tuy nhiên, mối tình được nhắc đến nhiều nhất của Trương Quốc Vinh phải là mối tình đồng tính với Đường Hạc Đức.[64] Đường Hạc Đức sinh năm 1958, vốn là con trai đỡ đầu của mẹ Trương Quốc Vinh. Cả hai quen biết nhau từ nhỏ, mối quan hệ của họ bắt đầu từ năm 1983 và chuyện tình cảm giữa hai người về hình thức vẫn luôn được giữ kín.[68] Năm 1997, tại một trong những buổi hòa nhạc thuộc chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới, Trương Quốc Vinh công khai giới thiệu Đường Hạc Đức là người yêu của mình.[69][69] Ngoài ra, anh là diễn viên đóng vai đồng tính nam nhiều nhất trên màn ảnh Hoa ngữ và rất tích cực tham gia các hoạt động giành quyền lợi cho cộng đồng LGBT.[7]
Qua đời
Tuyệt vọng! Cảm ơn tất cả bạn hữu của tôi. Cảm ơn bác sĩ Felicia. Năm nay thật tồi tệ. Tôi không thể chịu đựng thêm. Cảm ơn anh Đường. Cảm ơn gia đình. Cảm ơn chị Phi. Đời tôi chưa làm gì sai, sao mọi thứ lại diễn ra như vậy?
Ngày 1 tháng 4 năm 2003, tại khách sạn Mandarin Oriental, Quốc Vinh đã nhảy lầu tự sát từ tầng 24, hưởng dương 46 tuổi.[70] Ban đầu, nhiều người đã tin rằng tin tức về cái chết của anh chỉ là một trò đùa ngày Cá tháng Tư.[71] Tuy nhiên, theo lời nói của Trần Thục Phân, quản lý của Quốc Vinh, trước khi qua đời, anh nhắn tin cho bạn trai Đường Hạc Đức, hẹn đi chơi đá bóng vào buổi tối. Tiếp đó, anh mới gọi điện rủ Trần Thục Phân tới khách sạn Mandarin Oriental uống cà phê. Đến nơi mà vẫn chưa thấy anh, Thục Phân gọi điện và nhận được hồi đáp rằng "năm phút nữa [ông] sẽ có mặt". Khi vừa chạy ra khỏi khách sạn, Trần Thục Phân thấy anh nhảy từ tầng 24. Cô ngay lập tức cởi áo khoác, che đi gương mặt của anh.[70] Sau khi được chuyển tới bệnh viện Queen Mary, anh được xác nhận tử vong vào hồi 6 giờ 43 phút chiều (theo giờ Hồng Kông).[71]
Cảnh sát tìm thấy trên thi thể anh là một lá thư tuyệt mệnh, bằng lái xe, chứng minh thư, hai thẻ tín dụng, chìa khóa xe, điện thoại di động, bật lửa, ví tiền có 9.200 HKD, vé đậu xe tháng và một chiếc khẩu trang màu xanh.[72] Theo các nguồn tin cho biết thì vào năm 1988, Quốc Vinh mua bảo hiểm tai nạn và thương vong trị giá hai triệu USD. Năm 2001, anh lại mua thêm một triệu USD bảo hiểm nhân thọ.[73] Về hoạt động của Quốc Vinh ngay trước thời điểm tự sát, theo lời các nhân viên khách sạn, anh đi vào phòng tập thể dục ở tầng 24 khách sạn Mandarin Oriental từ lúc 4 giờ chiều ngày 1 tháng 4. Theo tờ Apple Daily, anh ghé một câu lạc bộ kín nằm trong khách sạn Mandarin Oriental mà anh là khách quen. Anh uống một ít rượu rồi bước ra hành lang ngắm cảng Victoria, yêu cầu phục vụ cho mượn giấy và bút để viết thư tuyệt mệnh.[72]
Nguyên nhân thật sự cho quyết định tự sát của anh vẫn còn là ẩn số với người hâm mộ.[22] Anh chưa bao giờ tiết lộ căn bệnh trầm cảm nhiều năm của mình, cho tới ngày anh chọn cái chết. Chỉ Đường Hạc Đức, chị gái, quản lý Trần Thục Phân và bác sĩ điều trị biết về bệnh tật của anh.[14] Theo lời người chị cả của anh, bệnh trầm cảm mà anh phải vật lộn là do sự mất cân bằng sinh lý học, hóa học trong não bộ chứ không phải vì áp lực công việc.[74]
Di sản và tưởng nhớ
Hơn hai mươi năm làm nghệ thuật, Trương Quốc Vinh luôn là ngôi sao đẳng cấp. Anh ấy dường như là người được Thượng đế chọn để hoàn thành sứ mệnh, một người hiếm có. Nếu không có Trương Quốc Vinh, những gì thế giới hiểu về châu Á qua điện ảnh sẽ còn hạn chế. Thế giới nhận ra rằng ngoài võ thuật, đánh đấm, điện ảnh Hồng Kông còn có một Trương Quốc Vinh đầy chiều sâu.
– Tạp chí Cut của Nhật Bản nói về Trương Quốc Vinh.[34]
Là một nghệ sĩ xuất chúng của nền âm nhạc và điện ảnh Hoa ngữ, Trương Quốc Vinh được xem là người có sức ảnh hưởng sâu rộng tại châu Á.[75] Trong vai trò ca sĩ, anh là một trong những đại diện tiêu biểu nhất của làng nhạc nhẹ Hồng Kông, nguồn cảm hứng cho nhiều ca sĩ, trong đó có cả Tứ đại thiên vương, gồm Lê Minh, Lưu Đức Hoa, Trương Học Hữu và Quách Phú Thành.[29][76] Không sở hữu giọng hát quá tốt nhưng nhờ có khả năng làm chủ sân khấu xuất sắc mà Trương Quốc Vinh được truyền thông ví như "Elvis của Hồng Kông".[14] Anh là ca sĩ người Hoa đầu tiên nổi danh ở Hàn Quốc, một số đĩa nhạc của anh từng gây được sự chú ý ở nước này, vì điều đó mà các nhà kinh doanh ở Hàn Quốc bắt đầu tăng cường nhập khẩu đĩa nhạc Hoa.[29] Trương Quốc Vinh cũng là nghệ sĩ nước ngoài đầu tiên tổ chức tới 16 buổi hòa nhạc tại Nhật Bản.[57] Năm 2005, Sở Bưu điện Hồng Kông phát hành một bộ tem tôn vinh các ngôi sao ca nhạc quá cố, trong đó có tên anh.[77] Năm 2010, anh là ngôi sao châu Á duy nhất có mặt trong Top 5 "Biểu tượng Âm nhạc toàn cầu" do CNN tổ chức bình chọn, sau Michael Jackson và The Beatles.[78] Năm 2012, anh là cái tên Hồng Kông duy nhất xuất hiện trong danh sách 20 ca sĩ hoặc nhóm nhạc nổi tiếng nhất thế giới nửa thể kỷ qua do CNN và Songlines đồng tổ chức bình chọn.[29]
Trong vai trò diễn viên, Trương Quốc Vinh cũng là một biểu tượng của nền điện ảnh Hoa ngữ.[29] Hơn 24 năm, anh đã đóng khoảng 60 bộ phim. Rất nhiều trong số đó, như Xuân quang xạ tiết (1997), Bá vương biệt Cơ (1993) và A Phi chính truyện (1990), đã trở thành những tác phẩm kinh điển.[4] Cá nhân anh từng được mời làm giám khảo tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo năm 1993 và Liên hoan phim quốc tế Berlin năm 1998.[79][80] Anh được biết đến với phong cách diễn xuất hoàn hảo của anh thông qua ánh mắt, cách diễn đạt, thần thái tự nhiên, điều này thường được các diễn viên khác học tập. Ngoài việc sở hữu lượng người hâm mộ đông đảo, anh còn là thần tượng của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.[29] Hiệp hội điện ảnh Hồng Kông cũng khẳng định anh vẫn là nghệ sĩ được yêu mến trong suốt nhiều năm qua.[81]Vương Gia Vệ cho rằng "[Vinh] sinh ra là để dành cho điện ảnh", Từ Khắc thì tuyên bố "không thể tìm được nghệ sĩ thứ hai như [Vinh]", và xem Quốc Vinh là "một tượng đài nghệ thuật."[82][83]Trần Khải Ca từng luyến tiếc rằng Quốc Vinh "thuộc về thời đã qua. Đó là vì [Vinh] có một đôi mắt chỉ có thể thấy trong những giấc mơ phù hoa về quá khứ của chúng ta."[41] Năm 2006, đài NHK tổ chức bình chọn mười diễn viên nước ngoài được yêu thích nhất tại Nhật Bản, và anh là nam nghệ sĩ người Hoa duy nhất lọt vào danh sách.[84] Năm 2010, CNN bình chọn anh là một trong 25 diễn viên châu Á vĩ đại nhất lịch sử.[34]
Trong một chương trình của BBC, tiến sĩ Travis Kong, phó giáo sư chuyên nghiên cứu về giới tính và tình dục của Đại học Hồng Kông, đã bàn về sức ảnh hưởng của Trương Quốc Vinh tới cộng đồng LGBT.[69] Những bộ phim đồng tính xuất sắc mà anh tham gia chính là minh chứng cho cống hiến và tầm ảnh hưởng của anh đối với vấn đề vượt qua rào cản giới tính của điện ảnh Hoa ngữ thập niên 1990.[7]
Ngày 6 tháng 4 năm 2003, Tứ đại thiên vương Hồng Kông hát ca khúc "Tình năm đó" trên một sân khấu trao giải để tưởng nhớ anh.[85] Dù đã qua đời được nhiều năm, nhưng hằng năm giới giải trí Hồng Kông, người hâm mộ và những người đồng nghiệp thân thiết vẫn luôn dành niềm thương nhớ đến anh.[86][87] Năm 2019, nhân tưởng niệm 16 năm ngày mất của Trương Quốc Vinh, một nhóm người hâm mộ Nhật Bản đã gấp 1.339 con hạc giấy, trong đó, con số "339" là biển số xe của anh lúc sinh thời.[88] Theo On, sau khi Quốc Vinh qua đời, người yêu của anh là Đường Hạc Đức không hẹn hò với ai. Mỗi dịp Giáng sinh, sinh nhật, hay ngày giỗ của anh, "[Hạc Đức] thường đăng trên trang cá nhân ảnh bên bạn đời quá cố, thể hiện sự nhớ nhung, quyến luyến".[89]
^ ab“简介張國榮” [Giới thiệu về Trương Quốc Vinh]. Red Mission (bằng tiếng Trung). Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 11 năm 2016. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2016.
^ abXu Ming (28 tháng 3 năm 2013). “The cruelest decade” [Thập kỷ tàn khốc nhất]. Global Times (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2021.
^Vương Tuyền (1 tháng 4 năm 2013). “张国荣逝世十周年系列策划之揭秘哥哥家世” [Kế hoạch làm loạt phim kỷ niệm 10 năm ngày mất của Trương Quốc Vinh, tiết lộ lịch sử gia đình ca ca]. NetEase (bằng tiếng Trung). Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2021.
^ abcdeMudge, James (11 tháng 4 năm 2006). “The Immortal Leslie Cheung” [Trương Quốc Vinh bất tử]. easternKicks (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 20 tháng 7 năm 2021.
^“1994年度香港電影評論學會大獎得獎名單公佈” [Công bố người chiến thắng Giải thưởng Hiệp hội phê bình phim Hồng Kông năm 1994]. Hiệp hội phê bình phim Hồng Kông (bằng tiếng Trung). Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 22 tháng 7 năm 2021.
^Yip, Annaliese (14 tháng 6 năm 2020). “LGBTQ Films That Were Ahead of Their Time” [Những bộ phim LGBTQ đi trước thời đại]. Comic Book Resources (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 22 tháng 7 năm 2021.
^Corliss, Richard (7 tháng 5 năm 2001). “Forever Leslie” [Mãi mãi Trương Quốc Vinh]. Time (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2021.
^ ab“Hong Kong Top Star Cheung Commits Suicide” [Siêu sao Hồng Kông họ Trương chọn con đường tự sát]. China Internet Information Center (bằng tiếng Anh). 2 tháng 4 năm 2003. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 4 năm 2017. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2021.
^“前经理人赶来赴约 不料目睹张国荣从楼上坠下” [Người quản lý cũ vội vàng đến cuộc hẹn và bất ngờ nhìn thấy Trương Quốc Vinh ngã từ trên lầu xuống]. Sina Weibo (bằng tiếng Trung). 2 tháng 4 năm 2003. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 25 tháng 7 năm 2021.
^“Leslie Cheung's last phone call” [Cuộc gọi cuối của Trương Quốc Vinh]. AsiaOne (bằng tiếng Anh). 1 tháng 4 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 8 năm 2018. Truy cập ngày 25 tháng 7 năm 2021.
^“985年度十大中文金曲(第八届颁奖礼)” [Top 10 Ca khúc vàng Trung Quốc năm 1985 (Lễ trao giải lần thứ 8)]. Sina Weibo (bằng tiếng Trung). 19 tháng 1 năm 2007. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 11 năm 2011. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2021.
^Dương Hi (2016). 香港詞人系列:黃霑 [Hương Cảng từ nhân hệ liệt: Hoàng Triêm] (bằng tiếng Trung). Công ty hữu hạn Trung Hoa thư cục Hương Cảng. tr. 103. ISBN9789888420278.
^ abcd“张国荣去世五周年 哥哥的十个主题--歌” [10 chủ đề về ca ca Trương Quốc Vinh nhân kỷ niệm 5 năm ngày mất - Bài hát]. Sina Weibo (bằng tiếng Trung). 1 tháng 4 năm 2008. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 10 năm 2017. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2021.
^“歷屆得獎名單 (1985年)” [Danh sách người chiến thắng trong quá khứ (1985)]. Kình ca kim khúc (bằng tiếng Trung). Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2021.
^“歷屆得獎名單 (1986年)” [Danh sách người chiến thắng trong quá khứ (1986)]. Kình ca kim khúc (bằng tiếng Trung). Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 6 năm 2020. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2021.
^“歷屆得獎名單 (1987年)” [Danh sách người chiến thắng trong quá khứ (1987)]. Kình ca kim khúc (bằng tiếng Trung). Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 6 năm 2020. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2021.
^“歷屆得獎名單 (1988年)” [Danh sách người chiến thắng trong quá khứ (1988)]. Kình ca kim khúc (bằng tiếng Trung). Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2021.
^“歷屆得獎名單 (1989年)” [Danh sách người chiến thắng trong quá khứ (1989)]. Kình ca kim khúc (bằng tiếng Trung). Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2021.
^“歷屆得獎名單 (1999年)” [Danh sách người chiến thắng trong quá khứ (1999)]. Kình ca kim khúc (bằng tiếng Trung). Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 1 năm 2019. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2021.
^“歷屆得獎名單 (2000年)” [Danh sách người chiến thắng trong quá khứ (2000)]. Kình ca kim khúc (bằng tiếng Trung). Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2021.
^“Nominees & Winners (28th)” [Danh sách đề cử và giải thưởng tại Giải Kim Mã lần thứ 18]. Giải Kim Mã (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2021.
^“Nominees & Winners (30th)” [Danh sách đề cử và giải thưởng tại Giải Kim Mã lần thứ 30]. Giải Kim Mã (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2021.
^“Nominees & Winners (31th)” [Danh sách đề cử và giải thưởng tại Giải Kim Mã lần thứ 31]. Giải Kim Mã (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2021.
^“Nominees & Winners (32nd)” [Danh sách đề cử và giải thưởng tại Giải Kim Mã lần thứ 32]. Giải Kim Mã (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2021.
^“Nominees & Winners (33rd)” [Danh sách đề cử và giải thưởng tại Giải Kim Mã lần thứ 33]. Giải Kim Mã (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2021.
^“Nominees & Winners (34th)” [Danh sách đề cử và giải thưởng tại Giải Kim Mã lần thứ 34]. Giải Kim Mã (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2021.
^“Nominees & Winners (37th)” [Danh sách đề cử và giải thưởng tại Giải Kim Mã lần thứ 37]. Giải Kim Mã (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2021.
^“Nominees & Winners (39th)” [Danh sách đề cử và giải thưởng tại Giải Kim Mã lần thứ 39]. Giải Kim Mã (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2021.
^“The 2nd Kong Kong Film Critics Society Awards” [Giải thưởng Hiệp hội Phê bình phim Hồng Kông lần thứ 2]. Hiệp hội phê bình phim Hồng Kông (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2021.