Triệt Nhĩ Cách từ sớm đã theo Nỗ Nhĩ Cáp Xích chinh chiến, thụ thế chức "Kỵ đô úy" [1], phong Tam đẳng A Đạt Cáp Cáp Phiên [2]. Năm 1625, có công chinh chiến Ngõa Nhĩ Khách Bộ tấn Tam đẳng Ngang bang Chương kinh[3][4]. Năm 1626, nhậm Đô thống Mãn ChâuTương Bạch kỳ. Năm 1631, nhậm Thừa chính [5] của Hình bộ. Năm 1640 nhậm Thừa chính của Hộ bộ. Năm 1643 thụ thế chức Ngưu lộc Chương kinh[6]. Năm 1645 có công theo Đa Nhĩ Cổn suất quân nhập quan, được phong Nhất đẳng Tha Sa Lạt Cáp Phiên [7]. Mất cùng năm 1645.
Sử cũ không cho biết Trần Thái có bao nhiêu anh em, chỉ ghi nhận 2 người là Pháp Cố Đạt, Lạp Cáp Đạt; hơn nữa cũng không nói rõ thứ tự của ông. Pháp Cố Đạt được nhận thế chức của cha; Lạp Cáp Đạt có truyện riêng.
Cuộc đời
Thời Hoàng Thái Cực
Ban đầu Trần Thái được thụ chức Ba Nha Lạt Giáp lạt Chương kinh[6][8][9], tham gia đánh nhà Minh, tấn công Cẩm Châu, đánh tan quân cứu viện từ Ninh Viễn. Trần Thái đi trước, xông thẳng vào trận địch, chém người cầm cờ, lấy cờ đem về.
Năm Thiên Thông thứ 3 (1629), Trần Thái theo Hoàng Thái Cực đánh nhà Minh, uy hiếp Yên Kinh, đóng đồn bên ngoài cửa Đức Thắng, tấn công lũy của Viên Sùng Hoán, trúng mai phục, hăng hái chiến đấu, chạy thoát trở về, còn lấy được nhiều quắc (tai hay tay của địch).
Năm thứ 5 (1631), Trần Thái tham gia Trận Đại Lăng Hà, Giám quân đạo Trương Xuân của Minh đến cứu viện, ông mai phục, bắt được lính tuần canh của địch, quay lại để đem bộ quân đến đánh, diệt hết kẻ địch.
Năm Sùng Đức đầu tiên (1636), Trần Thái tham gia đánh Triều Tiên, cùng Mai lặc Ngạch chân [10] Tát Mục Thập Khách trong đêm tập kích doanh của Hoàng Châu thủ tướng.
Năm thứ 3 (1638), Trần Thái tham gia đánh nhà Minh, đánh bại quân Minh ở Phong Nhuận, tấn công và đánh hạ doanh của thái giám Phùng Vĩnh Thịnh, tổng binh Hầu Thế Lộc; còn đem 30 binh Ba Nha Lạt đánh bại hơn trăm kỵ binh Minh.
Năm thứ 5 (1640), Trần Thái tham gia vây Cẩm Châu, tấn công Hạnh Sơn, đánh bại quân địch, giành lấy gia súc.
Năm thứ 6 (1641), quân Thanh lại vây Cẩm Châu, Trần Thái tham gia đánh bại quân Minh của Tùng Sơn. Lính Thanh đi kiếm củi, bị quân Minh vây khốn, Trần Thái soái binh ra cứu, bị tập kích phía sau; ông lần lượt phá địch, rồi chiếm được quách ngoài của Cẩm Châu. Trần Thái được trao thế chức Ngưu lục Chương kinh [6], tiến làm Tam đẳng Giáp lạt Chương kinh.
Năm thứ 7 (1642), quân Thanh lại vây Cẩm Châu, Trần Thái tham gia đào hào ngăn chặn Tùng Sơn. Quân Minh trong đêm xâm phạm doanh Mông CổChính Hoàng kỳ, Trần Thái đến cứu, đánh đuổi được.
Năm thứ 8 (1643), Trần Thái tham gia đánh nhà Minh, đánh bại tổng binh Mã Khoa ở Hồn Hà, dựng cầu nổi đưa đại quân vượt sông. Tổng đốc Phạm Chí Hoàn của Minh chống cự, Trần Thái đánh bại ông ta. Quân Thanh tiến xuống Sơn Đông, Trần Thái đem một cánh quân hạ 3 huyện Đông A, Vấn Thượng, Ninh Dương, được tiến thế chức lên nhị đẳng.
Thời Thuận Trị
Năm Thuận Trị nguyên niên (1644), Trần Thái theo đại quân vào quan, đánh phá Lý Tự Thành, được tiến thế chức lên Nhất đẳng.
Năm thứ 4 (1647), Trần Thái được thụ chức Lễ bộThị lang; theo Bình Nam Đại tướng quân Khổng Hữu Đức thu Hồ Quảng, chiến đấu ở Kinh Châu, đánh phá tướng Nam Minh là Nhất chích hổ Lý Xích Tâm. Bấy giờ Lỗ vương Chu Dĩ Hải của nhà Nam Minh sai tướng là bọn Trịnh Thái, Nguyễn Tiến tiến đánh Phúc Kiến, trước sau chiếm được 3 phủ, 1 châu, 27 huyện. Triều đình phong cho Trần Thái chức Tĩnh Nam Tướng quân, cùng Mai lặc Ngạch chân Đống A Lãi soái quân đánh dẹp, phá được tướng Nam Minh là Tào Đại Hạo, Trương Diệu Tinh, giành lại 2 huyện Đồng An, Bình Hòa.
Năm thứ 5 (1648), tháng 3, Trần Thái giành lại Hưng Hóa, Trịnh Thái trốn ra biển; ông giành lại Trường Lạc, Liên Giang, bắt được bọn tổng đốc Cố Thế Thần 17 người của Nam Minh, đem chém họ. Quân Thanh giành lại gần hết những nơi đã bị Lỗ vương Chu Dĩ Hải chiếm lấy, bình xong Phúc Kiến. Trần Thái đưa quân trở về, được thụ chức Ba Nha Lạt Đạo Chương kinh [8], tiến Nhị đẳng A Tư Cáp Ni Cáp Phiên[11]. Gặp ân chiếu, Trần Thái được tiến thêm đến Tam đẳng Tinh Kỳ Ni Cáp Phiên[12] kiêm Bái Tha Lạt Bố Lặc Cáp Phiên[1], thăng làm Hình bộThượng thư.
Năm thứ 8 (1651), Trần Thái được điều làm Lại bộThượng thư, thụ chức Quốc sử viện Đại học sĩ. Triều đình cho rằng Trần Thái nhờ vào dâng lên tôn hiệu cho Hiếu Trang thái hậu mà được ân chiếu tăng nhầm khoản mục xá tội, chịu bãi nhiệm; còn cho rằng bộ Lại phong tặng tổ tiên, thăng tập con cháu quá lạm, khiến ông chịu giáng thế chức làm Nhất đẳng A Đạt Cáp Cáp Phiên[2].
Năm thứ 10 (1653), Thuận Trị đế cho rằng Hồ Quảng chưa định, phái Đại học sĩ Hồng Thừa Trù tái xuất làm Kinh lược; ông ta đến nhiệm sở, dâng sớ đề nghị kềm chế quân Nam Minh có gốc là nghĩa quân Trương Hiến Trung ở Hồ Nam, đánh dẹp quân Nam Minh có gốc là nghĩa quân Lý Tự Thành ở Hồ Bắc. Vì thế Thuận Trị đế thụ Trần Thái làm Ninh Nam Tĩnh Khấu Đại Tướng quân, cùng bọn Cố sơn Ngạch chân Lam Bái, Tể Tịch Cáp, Ba Nha Lạt Đạo Chương kinh [15]Tô Khắc Tát Cáp cầm binh trấn giữ Hồ Nam.
Năm thứ 12 (1655), thủ lĩnh cựu nghĩa quân Đại Tây Tôn Khả Vọng sai tướng là bọn Lưu Văn Tú, Lư Minh Thần, Phùng Song Lễ đem 6 vạn thủy quân chia nhau xâm phạm Nhạc Châu, Vũ Xương. Lưu Văn Tú đem tinh binh tấn công Thường Đức, Trần Thái sai Tô Khắc Tát Cáp đặt mai phục để đợi, Giáp lạt Ngạch chân Hô Ni Nha La Hòa đảm nhiệm tiền phong, bọn Giáp lạt Ngạch chân Tô Bái, Hi Phúc đem thủy quân nghênh chiến, đại quân theo sau. Quân Thanh đánh 3 hiệp đều thắng, quân Nam Minh tiếp tục bày chiến hạm chống lại; bọn Trần Thái phóng hỏa đốt thuyền địch, giành được đại thắng, còn điều riêng một cánh binh đánh bại quân Nam Minh dưới Đức Sơn. Quân Thanh tiến đến Long Dương, gặp 2000 binh Nam Minh kéo tới; quân Thanh hăng hái đánh trả, khiến địch tan chạy. Lư Minh Thần chết đuối, Phùng Song Lễ bị thương, cùng Lưu Văn Tú bỏ trốn. Bọn Trần Thái thu hàng hơn 40 bì tướng, hơn 3000 binh. Luận công, Trần Thái được tiến làm Nhất đẳng Tinh kỳ Ni Cáp Phiên kiêm Tha sa lạt cáp phiên[7].
Chưa được bao lâu, Trần Thái mất ở trong quân. 1 năm sau, ông được truy thụy "Trung Tương" (忠襄).
Hậu sự
Sau khi quân đội trở về, vào tháng 1 năm sau (1656), Thuận Trị đế đãi tiệc chư tướng, gạt nước mắt rót rượu, truyền dụ bọn học sĩ Ma Lặc Cát, thị vệ Giác La Tháp Đại làm văn tế Trần Thái, khiến chư tướng cho đến thị tòng đều cảm động chảy nước mắt.
Trần Thái được ban lễ Tứ táng, đặt thụy là "Trung Tương" (忠襄). Thời Càn Long, hậu duệ của Trần Thái được định phong Nhất đẳng Tử.
^ abNăm 1736, Bái Tha Lạt Bố Lặc Cáp Phiên (拜他喇布勒哈番) được định danh trong Hán ngữ là Kỵ đô úy
^ abA Đạt Cáp Cáp Phiên (阿达哈哈番, tiếng Mãn: ᠇ᡩᠠᡥᠠ ᡥᠠᡶᠠᠨ, chuyển tả: adaha hafan). Năm 1736, được định danh trong Hán ngữ là Khinh xa đô úy
^Ngang bang Chương kinh (昂邦章京, tiếng Mãn: ᠠᠮᠪᠠ ᠵᠠᠩᡤᡳᠨ, chuyển tả: amba janggin) là một chức quan võ cao cấp trong chế độ Bát kỳ của triều đình nhà Thanh thời sơ kỳ. Năm Thiên Thông thứ 8 (1634), Hoàng Thái Cực định Hán tự của Ngang bang Chương kinh là "Tổng binh". Đến những năm Thuận Trị, triều đình thiết lập Lục doanh độc lập với Bát kỳ, chức vụ này được chuyển sang sử dụng cho Lục doanh. Năm Thuận Trị thứ 3 (1646), đổi Nội đại thần lưu thủ Thịnh Kinh thành Ngang bang Chương kinh. Năm thứ 10 (1653), thiết lập 2 vị trí Ninh Cổ Tháp Ngang bang Chương kinh. Đến những năm Khang Hi, chức vị này được đổi thành Trú phòng Tướng quân.
^"Ngang bang" trong Mãn ngữ nghĩa là "Quan viên cao cấp", mà "Chương kinh" chuyển tự sang tiếng Hán là "Tướng quân". Vì vậy "Ngang bang Chương kinh" chuyển tự sang tiếng Hán tương đương với "Đại Tướng quân" nhưng ý nghĩa là hoàn toàn không phải. Mãn ngữ của "Đại tướng quân" là (tiếng Mãn: ᠠᠮᠪᠠ ᠵᡳᠶᠠᠩᡤᡳᠶᡡᠨ, Möllendorff: amba jiyanggiyvn, Abkai: amba jiyanggiyūn)
^ abcChương kinh (章京, tiếng Mãn: ᠵᠠᠩᡤᡳᠨ, Möllendorff: janggin, đại từ điển: zhanggin, Abkai: janggin, tiếng Mông Cổ: Занги) dịch sang tiếng Hán là Tướng quân; đến năm 1634, Giáp lạt Ngạch chân được đổi gọi là Giáp lạt Chương kinh (tương tự Ngưu lục ngạch chân được đổi gọi là Ngưu lục Chương kinh; chỉ có Cố sơn Ngạch chân là không đổi). Năm 1660, Giáp lạt Chương kinh được định danh trong Hán ngữ là Tham lĩnh (Ngưu lục Chương kinh được định danh là Tá lĩnh)
^ abTha Sa Lạt Cáp Phiên (拖沙喇哈番, tiếng Mãn: ᡨᡠᠸᠠᡧᠠᡵᠠ ᡥᠠᡶᠠᠨ, chuyển tả: tuwašara hafan). Năm 1736, được định danh trong Hán ngữ là Vân kỵ úy
^ abBa Nha Lạt (巴牙喇) dịch sang tiếng Hán là Hộ quân. Ban đầu, người Nữ Chân đều chọn ra một tổ tinh nhuệ làm nhiệm vụ bảo vệ thủ lãnh của bộ tộc, gọi là Ba Nha Lạt, đơn vị ban đầu là Giáp lạt, năm 1647 đổi là đạo
^Theo Ngưu lục chế của người Nữ Chân, 300 hộ = 1 Ngưu lục, 5 Ngưu lục = 1 Giáp lạt, 5 Giáp lạt = 1 Cố Sơn. Đứng đầu mỗi đơn vị này là Ngạch chân (nghĩa là chủ)
^Năm 1660, Mai lặc Ngạch chân được định danh trong Hán ngữ là Phó đô thống
^A Tư Cáp Ni Cáp Phiên (阿思哈尼哈番, tiếng Mãn: ᠠᠰᡥᠠᠨ ᡳ ᡥᠠᡶᠠᠨ, chuyển tả: ashan-i hafan), nguyên nghĩa là "Phó quan". Năm 1736, được định danh trong Hán ngữ là Nam tước.
^Tinh Kỳ Ni Cáp Phiên (精奇尼哈番, tiếng Mãn: ᠵᡳᠩᡴᡳᠨᡳ ᡥᠠᡶᠠᠨ, chuyển tả: jingkini hafan), nguyên nghĩa là "Chính quan". Năm 1736, được định danh trong Hán ngữ là Tử tước.
^Năm 1660, Cố sơn Ngạch chân được định danh trong Hán ngữ là Đô thống
^Năm 1736, Tinh Kỳ Ni Cáp Phiên được định danh trong Hán ngữ là Tử tước
^Năm 1660, Ba Nha Lạt Đạo Chương kinh được định danh trong Hán ngữ là Hộ quân Thống lĩnh