Bài này viết về hãng thông tấn chính thức của chính thể Việt Nam hiện tại. Về hãng thông tấn chính thức của chính thể miền Nam Việt Nam trước đây, xin xem bài Việt tấn xã
Báo Tin tức Báo Điện tử VietnamPlus Báo Thể thao & Văn hóa Báo ảnh Dân tộc & Miền núi Báo Ảnh Việt Nam Báo Việt Nam News Báo Le Courrier du Vietnam Tạp chí Vietnam Law & Legal Forum Nhà Xuất bản Thông tấn
TTXVN có trụ sở chính ở số 5 Lý Thường Kiệt, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngoài ra, TTXVN còn có Cơ quan đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, cùng mạng lưới các cơ quan thường trú ở 63/63 tỉnh thành trong nước và 30 phân xã ở nước ngoài được bố trí khắp 5 châu lục. Tin của TTXVN bao gồm nhiều thể loại, và có một số bài được dùng đồng loạt trên các báo in của Việt Nam vì được coi là thông tin chính thức.
Ngày 6 tháng 9 năm 1945 được coi là Ngày truyền thống của TTXVN (lúc đó mang tên Việt Nam Thông tấn xã). Đây là ngày VNTTX chính thức phát đi bản Tuyên ngôn độc lập và danh sách thành viên Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh và Pháp. Bản tin này được phát từ Đài phát sóng vô tuyến Bạch Mai (Hà Nội) ra toàn quốc và toàn thế giới.
TTXVN đã được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh (2 lần), Huân chương Độc lập Hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Thành đồng Tổ quốc hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và nước ngoài. TTXVN là cơ quan báo chí duy nhất ở Việt Nam được phong tặng hai danh hiệu Anh hùng: Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến cứu quốc.
TTXVN là thành viên Tổ chức Thông tấn xã các nước Không liên kết (NANAP), thành viên Tổ chức các thông tấn xã châu Á, Thái Bình Dương (OANA) và là Ủy viên Ban Chấp hành OANA, thành viên Tổ chức các hãng thông tấn thế giới. TTXVN hiện có quan hệ hợp tác song phương và đa phương với gần 40 hãng thông tấn và tổ chức báo chí lớn trên thế giới như AFP, Reuters, AP, ITAR-TASS, RIA Novosti, Tân Hoa xã, Yonhap, Kyodo News, Prensa Latina, Antara, Notimex, TNA, Bernama, KPL, APS, MAP, AKP, OANA, AsiaNet...
Trải qua hơn sáu thập kỷ hành trình cùng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày nay TTXVN đã trở thành một trung tâm thông tin quốc gia tin cậy của Đảng và Nhà nước, một hãng thông tấn có uy tín trong khu vực, hướng tới xây dựng thành tập đoàn truyền thông. TTXVN không ngừng phát triển các hình thức truyền tin đa dạng: trang thông tin, tin truyền thanh, tin truyền hình, báo giấy, báo mạng…
Lịch sử hình thành và phát triển
Tiền thân của Thông tấn xã Việt Nam là Nha Thông tin (Bộ Thông tin, Tuyên truyền).
Ngày 7 tháng 6 năm 2010: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ấn nút kích hoạt và đánh dấu sự ra đời chính thức của Truyền hình Thông tấn - kênh truyền hình thông tin thời sự chính luận đầu tiên tại Việt Nam.[1]
Từ ngày 9 tháng 9 năm 2019, di chuyển trụ sở Truyền hình Thông tấn sang 33 Lê Thánh Tông, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đồng thời, kênh truyền hình TTXVN đổi tên kênh truyền hình thành VNews nhưng logo TTXVN vẫn được sử dụng cho logo chính.
Phát sóng 24/24h, Kênh truyền hình Thông tấn (VNews) là kênh truyền hình chuyên biệt về tin tức, thời sự của TTXVN. VNews là Kênh truyền hình thiết yếu của quốc gia (Nghị định 06/2016/NĐ-CP), với hệ thống các bản tin thời sự đầu giờ và nhiều chuyên mục về các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, đối ngoại, kinh tế, xã hội, văn hóa, thể thao và phổ biến kiến thức trong nước và quốc tế.
Kênh Truyền hình Thông tấn phát trên hệ thống truyền hình số mặt đất DVB-T2, truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, truyền hình trực tuyến (IPTV) và truyền hình Internet (AVG).
Website Truyền hình Thông tấn đăng tải Tin tức nhanh - mới - nóng nhất đang diễn ra về: kinh tế, chính trị, xã hội, thế giới, giáo dục, thể thao, văn hóa, giải trí, công nghệ.tại địa chỉ: https://vnews.gov.vn/
Sản phẩm của Nhà Xuất bản Thông tấn
Sách chuyên khảo liên quan đến thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.