Người Dao (ngoài ra còn có các tên gọi khác: Dìu Miền, Miền, các phân hệ như: Lù Gang, Làn Tẻn, Đại Bản, Tiểu Bản, Cốc Ngáng, Cốc Mùn, Sơn Đầu v.v) là một dân tộc có địa bàn cư trú truyền thống là phía nam Trung Quốc và lân cận ở bắc phần tiểu vùng Đông Nam Á.
Tại Trung Quốc người Dao là một trong số 56 dân tộc thiểu số ở được công nhận, (tiếng Hán: 瑶族, Pinyin: Yáo zú, nghĩa là Dao tộc) với dân số là 2.796.003 người. Người Dao cũng là một dân tộc thiểu số ở Lào, Myanmar, Thái Lan.
Người Dao là một trong số 54 dân tộc tại Việt Nam, với số dân là 891.151 người năm 2019 [1]. Ở Việt Nam, người Dao tuy có dân số không đông nhưng các bản làng của họ trải rộng tại các miền rừng núi phía Bắc (Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Tuyên Quang,...) đến một số tỉnh trung du như: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nội và miền biển Quảng Ninh (người Dao Thanh Y) [2].
Ngoài ra, người Dao còn chia ra thành nhiều nhóm khác nhau, với những nét riêng về phong tục tập quán mà biểu hiện rõ rệt nhất là trên trang phục của họ như: Dao Đỏ, Dao Quần Chẹt, Dao Thanh Y, Dao Áo dài, Dao Quần Trắng,... Mặc dù, họ có nhiều nhóm người khác nhau.
Phân bố
Tại Trung Quốc
Người Dao tại Trung Quốc có hàng trăm nhóm, tiêu biểu như:
Lam Điện Dao (Dao Làn Tẻn, Dao Chàm): Phân bố tại Vân Nam, Quảng Tây. Nhóm này cũng được coi là có mặt tại Việt Nam, Lào. Y phục của họ thường được nhuộm chàm.
Hồng Dao (Dao Đỏ): Chủ yếu cư trú tại huyện Long Thắng. Quần áo của họ thường là màu đỏ.
Bàn Dao: Chủ yếu cư trú tại Quế Bình (Quảng Tây). Thờ phụng Bàn Hồ. "Tết Bàn vương" là lễ hội quan trọng nhất.
Sơn Tử Dao: sinh sống rải rác tại Quý Châu, Vân Nam.
Theo kết quả nghiên cứu của Đề án "Sưu tầm kiểm kê kho sách cổ người Dao" do Tiến sĩ Trần Hữu Sơn (Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin - Thể thao Lào Cai) chủ trì có đăng tại thì: Người Dao có nguồn gốc xa xưa ở đảo Hải Nam (Trung Quốc) gồm 7 nhóm. Người Dao ở Việt Nam và ở Lào Cai có 3 nhóm: Dao Tuyển, Dao Nga Hoàng và Dao Làn Tẻn (còn gọi là Dao Chàm) họ bắt đầu di cư sang Việt Nam vào thời Lê (vào khoảng cuối thế kỷ 17). Để đến được đất Việt, sống ở vùng núi như ngày nay, người Dao đã phải trải qua cuộc hành trình muôn phần gian khổ vượt biển, vượt núi, vượt sông. Điều này phản ánh rõ trong nhiều phong tục, nghi lễ của người Dao và được ghi lại rất tỉ mỉ trong sách cổ. Người Dao di cư sang Việt Nam theo nhiều đợt từ đảo Hải Nam, qua Phòng Thành, tới Bắc Giang. Tới đây, họ di chuyển theo các hướng khác nhau là:
Theo sông Lô tới Hà Giang hình thành nên người Dao Áo dài.
Theo sông Chảy tới Lào Cai, hậu duệ ngày nay gọi là Dao Tuyển.
Nhóm ở lại vùng Nga Hoàng thuộc Yên Lập, Yên Phúc một thời gian, sau đó di chuyển tới Văn Chấn (Yên Bái), rồi Văn Bàn (Lào Cai) là tổ tiên người Dao quần chẹt ngày nay.
Ngôn ngữ
Xếp theo ngôn ngữ thì người Dao có hai nhóm chính là Kim Miền và Dìu Miền.
Nhóm Kim Miền
Người Dao Khâu hay còn gọi là Kìm Miền, là một trong những nhánh Dao di cư sang Việt Nam sớm nhất nên họ được xem như thuộc nhóm Dao đại bản, tức người đến trước trong cộng đồng dân tộc Dao. Họ sinh sống tập trung ở các huyện Than Uyên, Sìn Hồ, Phong Thổ thuộc tỉnh Lai Châu.
Dao Quần trắng vào Việt Nam khoảng thế kỷ XIII, họ từ Phúc Kiến tới Quảng Yên ngược Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên rồi mới tới Tuyên Quang. Một bộ phận nhỏ của nhóm này lại từ Tuyên Quang xuôi về Đoan Hùng rồi ngược sông Hồng lên Yên Bái và Lào Cai. Bộ phận này tên là Dao Họ.
Dao Thanh Y còn gọi là Dao Tuyên, Ban Y hay Dao Chăm. đến Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ XVII, họ từ Quảng Đông vào Móng Cái qua Lục Ngạn (nay còn một bộ phận ở Lục Nam), tới sông Đuống rồi ngược lên Tuyên Quang.
Dao Áo Dài sinh sống chủ yếu ở các xã miền núi Tuyên Quang và Hà Giang, sống du canh du cư và canh tác nương rẫy là chủ yếu.
Nhóm Dìu Miền
Dao Quần Chẹt (Dột Kùn), Dao Thanh Phán, Dao Sơn Đầu và Dao Tiền, Dao Thêu, Dao Tro, hiện có mặt ở Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang là từ Quảng Đông vào và phân tán tới các địa điểm trên. Hai nhóm này vào Việt Nam có thể là từ thế kỉ 15.
Dao Đại Bản, Dao Coóc Ngáng, Dao Sừng sinh sống ở Hà Giang, Cao Bằng và Yên Bái. Cũng được biết với tên người Dao Đỏ ở Lào Cai và Lai Châu.
Các nhóm khác như Dao Lô Gang (Lô Gang nghĩa là đến sau), Dao Đầu Trọc, Cóc Ngáng, Cóc Mùn...
PGS. TS. Nguyễn Khắc Tụng xếp người Dao tại Việt Nam thành bốn nhóm chính:
Người Miền nói các thứ tiếng Miền (tiếng Trung: 勉語/勉语, Hán-Việt: Miễn ngữ), bao gồm:
Các ngôn ngữ Miền-Kim
Tiếng Dìu Miền (Ưu Miền), khoảng 818.685 người (383.000 tại Trung Quốc, 350.000 tại Việt Nam, 40.000 tại Thái Lan, 20.250 tại Lào, 70.000 tại Hoa Kỳ) [5]
Tiếng Kim Môn (còn gọi là tiếng Dao đồng bằng, tiếng Làn Tẻn, tiếng Lam Điện), trên 300.000 người Dao [6]
Khoảng 500.000 người Dao nói các phương ngữ của tiếng Trung
Chữ viết
Người Dao có chữ viết gốc Hán được Dao hóa (chữ Nôm Dao).
Văn hóa
Sách cổ đã sưu tầm và kiểm kê có tới 68% là các bộ kinh thư, các sách về tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán. Sách văn học tuy chiếm một tỉ lệ nhỏ (22,8%) nhưng có giá trị quan trọng. Bên cạnh một số dân ca (nhất là dân ca giao duyên) được những người biết chữ cổ chép lại còn khá nhiều tập truyện văn học, bao gồm một số bộ tiểu thuyết cổ của Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu lúc đầu chỉ sưu tầm được 2 truyện thơ, trong một dự án đã tìm thấy 23 truyện thơ lần đầu tiên được phát hiện ở vùng người Dao như: "Hàn Bằng", "Đàm Thanh", "Bát Nương", "Lâu Cảnh", "Trạng Nghèo", "Đô Nương truyện", "Đặng Nguyên Huyện truyện", "Bá Giai truyện", "Thần sắt ca"... Trong số đó, truyện thơ kể về hành trình tìm đất vất vả của người Dao chiếm số lượng nhiều hơn cả (40%). Một số truyện tuy có chủ đề khác nhưng trước khi đề cập đến nội dung chính cũng kể về cuộc hành trình của người Dao.
Nguồn gốc
Theo cuốn sách cổ Quá Sơn Bảng Văn và những sách cổ người Dao ghi chép lại. Thì người Dao ban đầu sinh sống ở Trung Quốc. Những năm nhà Minh suy tàn chiến tranh loạn lạc xảy ra khoảng thế kỷ 16, 17. Nhân dân đói khổ lầm than. Trong đó có dân tộc Dao, họ đã tập hợp lại rồi cùng nhau vượt biển xuống phía nam để tìm vùng đất mới để sinh sống tránh chiến tranh giết chóc. Quá trình vượt biển đầy gian nan ấy họ chia nhau thành nhiều hướng đi. Có nhóm thì xuống phía nam qua cửa biển Móng Cái di cư vào các tỉnh miền bắc Việt Nam như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang... Một số nhóm đến Thái Lan, Malaysia, Lào..., dù sinh sống ở đâu, họ luôn nhớ về nguồn cội, lưu giữ được những nét văn hóa, phong tục tập quán truyền thống của họ qua những cuốn sách cổ.
Phong tục, tín ngưỡng
Người dân tộc Dao rất coi trọng chữ hiếu. Chính vì vậy mà họ có phong tục thờ cúng tổ tiên hay còn được gọi là tục thờ cúng Bàn Vương (mang một ý nghĩa sâu xa có liên quan đến truyền thuyết về sự hình thành của người Dao) vì họ cho rằng tổ tiên, ông bà luôn dõi theo chân họ phù hộ cho họ. Vào các ngày rằm họ thường đem lễ vật thờ cũng tổ tiên gồm một con gà, ba miếng thịt được luộc chín và một li rượu, một li nước và một bó nhang. Việc thờ cúng do thầy nên người thầy cúng rất được coi trọng. Đối với dân tộc đạo thì họ luôn giúp đỡ nhau. Họ sùng bái tổ tiên nhưng ngày nay theo xu hướng phát triển thì có một số ít đi theo các đạo khác như Thiên Chúa giáo... Đặc biệt đối với người con trai thì khi trưởng thành, gia đình sẽ tổ chức cho lễ đặt tên hay còn được gọi là lễ Cấp sắc đánh dấu sự trưởng thành của người con và cái tên đó sẽ đi theo suốt cuộc đời của họ, cả trong thế giới bên kia và trong lễ đặt tên đó tổ chức các nghi lễ rất độc đáo trở thành nét văn hoá riêng biệt của người Dao mới có.
Người Dao coi mình là con cháu của Bàn Vương (tiếng Dao gọi là Piền Hùng). Tương truyền bị hạn ba năm liền không có gì ăn, nhà vua cung cấp cho mỗi người một cái búa, một con dao để đốn rừng làm rẫy trồng lúa. Con cháu Bàn Vương ngày một đông hơn trong khi đất đai của Bình Vương thì có hạn, nhà vua phải ra chỉ dụ Quá Sơn bảng văn để họ phân tán đi các nơi tìm vùng đất mới để sinh sống.
Đón Tết
Về phong tục ngày tết, với người Dao ở các tỉnh Tây Bắc như Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh... việc thờ cúng tổ tiên những ngày đầu năm mới là điều bắt buộc. Ngoài ra, tùy theo dòng họ mà người Dao ở một số nơi cũng có những quy ước riêng. Từ ngày 27, 28 tháng chạp nhà nhà đã chuẩn bị làm bánh dày, món bánh không thể thiếu trong mâm lễ thờ tổ tiên đêm cuối cùng của năm.
Đêm giao thừa của người Dao, một số nơi đàn ông, con trai không ở nhà mà phải tập trung ra đồi cao cúng lễ mừng năm mới. Mâm lễ dâng cúng bao gồm một con lợn, hai con gà, một quả trứng, một đĩa cơm nếp và một vò rượu. Một thầy cúng sẽ chủ trì, đọc bài khấn xua đuổi tà ma, cầu cho năm mới mùa màng tươi tốt, người người bình an.
Đặc biệt, một nghi lễ không thể thiếu trong ngày tết của người Dao là lễ Pút tồng ( nhảy đồng) tức nhảy lửa. Một số nhóm dao quảng ninh thì chỉ tổ chức bái tổ tiên cầu một năm mưa thuận gió hòa, con người luôn khỏe mạnh bình an. mùa màng bội thu. Chăn nuôi gia súc gia cầm lớn nhanh và khỏe mạnh. Một số tỉnh tây bắc, người Dao thường tổ chức nhảy lửa vào tối nùng 2 mùng 3 tết. Họ đốt một đống lửa to giữa nhà, nam nữ ngồi riêng cách xa hai phía. Nam phải đủ 18 tuổi mới được tham gia nhảy lửa và ngồi thành hàng để thầy cúng bày lễ làm phép. Khi bếp lửa đượm thành đống than hồng là lúc từng người với đôi chân trần lần lượt nhảy vào. Trước khi nhảy phải tắm rửa sạch sẽ và mặc quần áo mới, không được mặc đồ màu trắng.
Ngoài người Dao, lễ nhảy lửa chỉ tìm thấy ở một dân tộc ít người khác là người Pà Thẻn ở Lâm Bình (Tuyên Quang) cũng với nghi thức tương tự.[15]
Nhà cửa
Ở Việt Nam, người Dao cư trú chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc, và gần đây mới có một số nhỏ chuyển vào Tây Nguyên... Tuy nhiên, dù cư trú phân tán và có nhiều nhóm Dao khác nhau như Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao quần trắng,... chúng ta vẫn có thể nhận ra nét đặc trưng về nhà ở của tộc người này. Về cơ bản, người Dao có ba loại hình nhà ở chính: nhà đất, nhà sàn (người Dao quần trắng ở Yên Bái) và nhà nửa sàn nửa đất (người Dao đỏ ở (Tả Phìn) Sa Pa - Lào Cai). Song, cùng với sự phát triển chung của xã hội, những nét đặc trưng này đang phai nhạt dần, nhất là từ sau năm 1945 và đặc biệt là những năm gần đây.
Để tìm hiểu quá trình phát triển nhà ở của dân tộc Dao cũng như nhiều dân tộc khác ở Việt Nam, người ta đặc biệt quan tâm đến kết cấu của bộ khung nhà mà đơn vị kết cấu của bộ khung nhà là các kiểu vì (vì cột, vì trung gian giữa vì kèo - vì cột và vì kèo). Nhà ở của người Dao là các kiểu vì kèo và một yếu tố khác vô cùng quan trọng là tổ chức mặt bằng sinh hoạt. Các nhóm dao ở vùng đông bắc cũng dạng cột kèo nhưng các cột họ kê bởi những hòn đá to, bằng phẳng vững chắc chống mối mọt gọi là nhà kê tảng. Bởi vì sự khác biệt giữa nhà ở của dân tộc nước ta chủ yếu ở hai yếu tố đó, còn yếu tố khác chỉ là thứ yếu.
Trang phục
Trong trang phục truyền thống, người Dao nam mặc quần và áo đơn giản, nữ trang phục phong phú hơn từ quần dài cho đến áo với những trang trí hoa văn truyền thống hết sức cầu kỳ, đầu đội khăn thêu hoa văn. chỉ đỏ là chủ yếu. nổi bật đối với dao đỏ. Tùy theo từng nhóm dao và tùy theo từng hệ ngôn ngữ.
Ngôn ngữ
Người dao trong quá trình thiên di. Du canh du cư. Ban đầu từ một hệ ngôn ngữ chung. Dần dần hình thành 2 hệ ngôn ngữ là: Miền và Mùn. Hai hệ ngôn ngữ này có nhiều điểm nhiều từ giống nhau. Nhưng về phát âm thì có những từ láy đi rất nhiều. Giống như giọng miền bắc với giọng miền trung.