Sau khi Hán Linh Đế qua đời vào năm 189, Đông Hán lâm vào cảnh hỗn loạn trong thời gian dài, dẫn đến sự ra đời của Tam Quốc là Tào Ngụy, Thục Hán, Tôn Ngô. Đến hậu kỳ thời Tam Quốc, Tào Ngụy dần dần bị họ Tư Mã thay thế, đến năm 265 thì triều Tấn của họ Tư Mã hình thành. Sau Chiến tranh Thục-Ngụy vào năm 263-264, Thục Hán bị Tào Ngụy tiêu diệt. Đến năm 280, Tấn diệt Ngô. Cuối cùng, Tam Quốc thống nhất dưới trướng triều Tấn.
Hoàng triều Tây Tấn chỉ duy trì được tình hình thống nhất trong một khoảng thời gian ngắn. Do Bát vương chi loạn và Ngũ Hồ loạn Hoa, Trung Quốc một lần nữa lại phân liệt, cục thế chính trị lại rơi vào hỗn loạn. Năm 304, khi Lưu Uyên lập ra nước Hán, phương Bắc Trung Quốc tiến vào thời kỳ Ngũ Hồ thập lục quốc. Năm 316, sau khi Lưu Diệu tiêu diệt triều Tây Tấn, Tư Mã Duệ tiến về phương Nam và kiến lập triều Đông Tấn, hai miền Nam và Bắc lại một lần nữa phân liệt. Năm 420, Đông Tấn bị Lưu Dụ soán vị và lập ra triều Tống, mở đầu Nam triều, Trung Quốc tiến vào thời kỳ Nam-Bắc triều. Tuy nhiên, phải đến năm 439 Bắc Ngụy mới thống nhất hoàn toàn phương Bắc, mở ra Bắc triều, chính thức cùng Nam triều Tống hình thành thế Nam-Bắc triều.
Nam triều bao gồm bốn triều đại Tống, Tề, Lương, Trần. Ban đầu, kinh tế và quân sự của Nam triều cường thịnh, song do vận dụng chiến lược sai lầm, cộng thêm việc Bắc triều cũng có quân sự cường thịnh, cùng với hoàng thất đấu tranh nội bộ và dâm loạn, quốc lực dần suy giảm. Trong số bốn triều đại của Nam triều, quốc lực của Lương là cao nhất, song sau loạn Hầu Cảnh thì đã bị phân liệt thành Hậu Lương và Nam triều Trần. Nam triều Trần chỉ có thể dựa vào Trường Giang để phòng ngự Bắc triều. Bắc triều bao gồm các triều đại Bắc Ngụy, Đông Ngụy, Tây Ngụy, Bắc Tề và Bắc Chu. Sau khi Bắc Ngụy thống nhất phương Bắc đã nhiều lần đánh bại Nam triều, có ý đồ thôn tính phương Nam. Tuy nhiên, Bắc Ngụy cũng phải đề phòng Nhu Nhiên ở phương Bắc, đến khi Nhu Nhiên bị Đột Quyết thay thế thì lại dư lực để đối phó với Nam triều. Sau khi giới quý tộc và hoàng thất Tiên Ti ở Bắc Ngụy tiến hành vận động Hán hóa, kinh tế Bắc Ngụy liên tục phát triển, song lại tạo ra xung đột văn hóa giữ quý tộc Tiên Ti ở Lục trấn và quý tộc Tiên Ti ở kinh thành Lạc Dương, sau đã xảy ra cảnh chính trị hỗn loạn và phát sinh khởi nghĩa Lục trấn. Bắc Ngụy bị phân liệt thành Đông Ngụy và Tây Ngụy tương ứng do Cao Hoan và Vũ Văn Thái cai quản trên thực tế, sau lại phân biệt trở thành Bắc Tề và Bắc Chu.
Bắc Chu chủ trương Hồ-Hán dung hợp, đến năm 577 thì diệt Bắc Tề, thống nhất phương Bắc. Năm 578, sau khi Bắc Chu Vũ Đế qua đời, chính quyền Bắc Chu dần dần rơi vào tay Dương Kiên. Năm 581, Dương Kiên soán Bắc Chu, kiến lập triều Tùy, đến năm 589 thì diệt Nam triều Trần, thống nhất Trung Quốc, kết thúc thời kỳ "Ngụy-Tấn-Nam-Bắc triều".
Ghi chú: Nhân khẩu Tam Quốc căn cứ theo "Thông điển quyển 7.thực hóa thất.lịch đại thịnh suy hộ khẩu". Số liệu còn lại lấy từ[1] Số liệu có sự sai lệch, trong thực tế số hộ khẩu cao hơn khá nhiều.