Nhu Nhiên (tiếng Trung: 柔然; bính âm: Róurán; Wade–Giles: Jou-jan; nghĩa đen 'mềm yếu') hay Nhuyễn Nhuyễn/Như Như/Nhuế Nhuế (tiếng Trung: 蠕蠕/茹茹/芮芮; bính âm: Ruǎnruǎn/Rúrú/Ruìruì; nghĩa đen 'mềm nhũn/thối nát/nhỏ xíu') hoặc Đàn Đàn[1] (tiếng Trung: 檀檀; bính âm: Tántán; nghĩa đen 'Tatar'), tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: Hun, là một liên minh các bộ lạc du mục trên biên giới phía bắc Trung Quốc bản thổ từ cuối thế kỷ 4 cho tới giữa thế kỷ 6. Đôi khi người ta giả định rằng người Nhu Nhiên chính là người Avar, những người sau này xuất hiện tại châu Âu. Thuật ngữ Nhu Nhiên là sự phiên âm sang tiếng Việt từ cách đọc và ghi của tiếng Trung quan thoại trong phát âm tên gọi của liên minh được sử dụng để nói tới chính liên minh này. Nhuyễn Nhuyễn và Như Như đôi khi cũng được sử dụng mặc dù từng có thời bị coi là sự xúc phạm. Chúng xuất phát từ chỉ dụ do Thái Vũ đế của Bắc Ngụy ban hành, người đã tiến hành cuộc chiến chống lại người Nhu Nhiên và có mục đích để hăm dọa liên minh này. Quyền lực của người Nhu Nhiên bị liên minh Đột Quyết với các triều đại Bắc Tề và Bắc Chu tại Trung Quốc cùng các bộ lạc Trung Á khác phá hủy năm 552.
Nguồn gốc
Nhu Nhiên là một liên minh bộ lạc do người Tiên Ti gốc Tungus lãnh đạo, những người còn ở lại vùng thảo nguyên Mông Cổ sau khi phần lớn người Tiên Ti đã di cư xuống phía nam vào vùng Hoa Bắc và lập ra các loại vương quốc khác nhau. Họ lần đầu tiên được nhắc tới như là những người đã đánh bại người Cao Xa (高车) và thành lập một đế quốc trải rộng xung quanh Hô Luân, ở miền đông Nội Mông Cổ ngày nay. Ở phía tây của đế quốc Nhu Nhiên là bộ lạc du cư mà sử liệu phương Tây gọi là Hephthalite còn sử Trung Hoa gọi là Bạch Hung Nô, nguyên là nhà nước chư hầu của người Nhu Nhiên. Người Nhu Nhiên kiểm soát khu vực bao gồm Mông Cổ, từ khu vực Mãn Châu tới Thổ Lỗ Phan (Turpan) và có lẽ tới vùng bờ phía đông của hồ Balkhash, và từ sông Orkhon tới Trung Hoa bản thổ. Tổ tiên của họ Mugulu (Mộc Cốt Lư) được cho là ban đầu là nô lệ của các bộ lạc Thác Bạt (Tuoba), nằm ở phía bờ bắc Hoàng Hà. Hậu duệ của Mugulu là Yujiulü Shelun (Uất Cửu Lư Xã Lôn) được cho là vị thủ lĩnh đầu tiên có khả năng thống nhất các bộ lạc Nhu Nhiên và tạo ra sức mạnh cho người Nhu Nhiên nhờ các trận đánh thắng người Cao Xa và Tiên Ti. Shelun cũng là vị thủ lĩnh trên thảo nguyên đầu tiên chọn tước hiệu khả hãn (可汗) năm 402, một tước hiệu nguyên là tước hiệu của tầng lớp quý tộc Tiên Ti.
Phát triển và suy tàn
Giữa người Nhu Nhiên và người Hephthalite xảy ra tranh chấp và các vấn đề trong liên minh của họ được các sứ thần Trung Hoa kích động thêm. Năm 508, người Cao Xa đánh bại người Nhu Nhiên. Năm 516 người Nhu Nhiên phục thù và đánh bại người Cao Xa. Trong liên minh Nhu Nhiên có một bộ lạc gốc Turk được sử sách Trung Hoa gọi là Đột Quyết.
Sau khi đề nghị hôn nhân với người Nhu Nhiên bị từ chối thì thủ lĩnh Đột Quyết đã ngả sang theo Tây Ngụy, triều đại kế tục Bắc Ngụy, và nổi dậy chống lại người Nhu Nhiên. Năm 555, họ chặt đầu khoảng trên 3.000 người Nhu Nhiên. Các sử sách châu Âu nói chung cho rằng người Nhu Nhiên sau đó chạy tới phía tây, vượt qua thảo nguyên và trở thành người Avar, mặc dù điều này có lẽ là sai lầm hay ở trường hợp tốt hơn thì cũng chỉ là sự đơn giản hóa thái quá. Phần còn lại của người Nhu Nhiên chạy tới Trung Quốc và trở thành những người canh giữ biên cương và cuối cùng biến mất mãi mãi như là một chính thể. Khả hãn cuối cùng của Nhu Nhiên chạy tới chỗ triều đình Tây Ngụy, nhưng thể theo yêu cầu của Đột Quyết, Tây Ngụy đã cho tử hình ông này cùng các quý tộc chạy theo ông ta.
Người ta biết rất ít về giai cấp thống trị tại đế quốc Nhu Nhiên, trong Ngụy thư thì người ta cho rằng họ là hậu duệ của người Tiên Ti. Người Nhu Nhiên chinh phục khu vực ngày nay là Tân Cương, Mông Cổ, Trung Á và một phần Siberi cùng Mãn Châu từ cuối thế kỷ 4. Sự can thiệp và xâm lăng thường xuyên của họ có ảnh hưởng sâu sắc tới các quốc gia láng giềng. Mặc dù họ chấp nhận thị tộc Ashina (A Sử Na) của người Đột Quyết vào liên minh của mình, nhưng quyền lực của người Nhu Nhiên lại bị phá vỡ bởi chính liên minh giữa Đột Quyết với các triều đại Bắc Tề, Bắc Chu tại Trung Quốc cùng các bộ lạc khác tại Trung Á vào năm 552. Chẳng hạn, Bắc Ngụy đã thiết lập 6 đơn vị quân sự đồn trú trên biên giới với Nhu Nhiên, mà sau này trở thành tiêu điểm của một số vụ nổi dậy lớn đầu thế kỷ 6.
Danh sách các vị khả hãn của Nhu Nhiên
Người Nhu Nhiên là người gốc Mông Cổ đầu tiên sử dụng tước vị Khả hãn cho thủ lĩnh tối cao của họ[2]. Danh sách dưới đây (cho tới Uất Cửu Lư Bà La Môn) được lấy theo Ngụy thư quyển 103[3]
Nikolay Kradin. "From Tribal Confederation to Empire: the Evolution of the Rouran Society". Acta Orientalia Academiae Scientiarum Hungaricae, quyển 58, số 2 (2005): 149-169.