Ikan bakar là một món ăn của Indonesia và Malaysia, được chế biến từ cá nướng than hoặc các loại hải sản khác. Ikan bakar có nghĩa đen là "cá nướng" trong tiếng Indonesia và Malay. Ikan bakar khác với các món cá nướng khác ở chỗ nó thường chứa các hương liệu như bumbu, kecap manis, sambal, được gói trong lá chuối và nướng trên bếp than hồng.
Nguồn gốc và tính đại chúng
Nướng là một trong những phương pháp nấu ăn lâu đời nhất và sớm nhất để chế biến cá. Cá nước ngọt và hải sản là một trong những nguồn cung cấp protein chính cho cư dân trên quần đảo Indonesia, và phương pháp nướng cá vô cùng phổ biến trong lãnh thổ hàng hải của quần đảo Indonesia. Cá nướng-hun khói được xem là món ăn cổ truyền trong ẩm thực Indonesia.[2][3]
Là một quốc gia quần đảo, ikan bakar rất phổ biến ở Indonesia, thường xuất hiện ở nhiều nơi, từ bãi biển Aceh, một nhà hàng nằm trên bến cảng Kupang ở Đông Nusa Tenggara, đến trung tâm quận thương mại của Jakarta.[2] Nhiều phiên bản đặc thù khác nhau tồn tại, gồm có ikan bakar Cianjur trong ẩm thực Sunda,[4] chủ yếu là nướng cá nước ngọt, chẳng hạn cá chép và cá tai tượng, và ikan bakar Jimbaran trong ẩm thực Bali, cá biển tươi nướng tại các cụm warung gần biển Jimbaran và chợ cá ở Bali.[5] Tuy nhiên, hải sản nướng đặc biệt phổ biến ở khu vực phía đông Indonesia; Sulawesi và Maluku nơi có hầu hết người dân làm nghề đánh cá và cả hai khu vực đều có biển rộng lớn đem đến nhiều loại hải sản khác nhau.[6] Thông thường, cá được ướp với hỗn hợp bột nhão gia vị và đôi khi với belacan hoặc kecap manis (nước tương ngọt) rồi đem nướng sau đó; đôi khi được bọc lót bằng một tấm lá chuối đặt giữa hải sản và vỉ nướng để tránh cá bị dính vào vỉ nướng và vỡ ra từng mảnh.[6]
Ướp và gia vị
Cá thường được ướp với hỗn hợp nước tương ngọt và dầu dừa hoặc bơ thực vật, dùng cọ quét lên khi nướng. Hỗn hợp gia vị có thể khác nhau tùy theo vùng miền và địa điểm, nhưng thông thường nó gồm có sự kết hợp của hành tím xay, tỏi, ớt, rau mùi, nước me, quả lai, nghệ, riềng và muối.[7] Ở Java và hầu khắp Indonesia, ikan bakar thường có vị khá ngọt do lượng nước tương ngọt dồi dào cho cả ướp hoặc xốt nhúng.[8] Món thường được dùng với cơm hấp và nước tương dẻo ngọt rưới lên trên ớt xanh và hành tím thái nhỏ.[2] Trong khi món ikan bakar của Minangkabau (Padang), hầu khắp Sumatra và cả bán đảo Mã Lai, thường cay hơn và có màu vàng đỏ do lượng ớt, nghệ và các loại gia vị khác, không có nước tương ngọt.[9]
Ikan bakar thường được phục vụ với sambal belacan (ớt với mắm tôm) hoặc sambal kecap (ớt thái lát và hành tím pha cùng nước tương ngọt) làm nước chấm hoặc gia vị và lát chanh để trang trí. Ikan bakar tại Manado và Maluku ở Đông Indonesia thường sử dụng bột nêm rica-rica,[10]dabu-dabu[11] hoặc colo-colo.[12]
Biến thể
Có rất nhiều biến thể của ikan bakar, khác nhau từ công thức chế biến gia vị ướp, xốt chấm hoặc sambal, cho đến các loài cá được nướng. Hầu như tất cả các loại cá nước ngọt và cá biển đều có thể được chế biến thành ikan bakar, phổ biến nhất là cá tai tượng nước ngọt, patin (cá tra) và ikan mas (cá chép), đến hải sản tongkol hay cakalang (cá ngừ vằn), bawal (cá vền biển), tenggiri (cá thu ngàng), kuwe (cá khế), baronang (cá dìa), kerapu (cá mú), kakap merah (cá hồng) và pari (cá đuối).[13] Một số dạng hải sản phổ biến ngoài cá bao gồm sotong (mực) và udang (tôm).
Truyền thống
Thưởng thức ikan bakar trên bãi biển là một trải nghiệm nấu nướng phổ biến trong chuyến thăm đến điểm du lịch nổi tiếng của Indonesia; chẳng hạn như bãi biển Jimbaran ở Bali,[14] bãi biển Losari ở Makassar, và bến cảng Muara Karang ở Jakarta.
Ở Indonesia, ikan bakar có thể được thưởng thức bất cứ ngày nào trong năm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nướng cá và nướng ngô xiên đã trở thành một truyền thống vào dịp giao thừa.[15][16]Ikan bakar và jagung bakar đã trở thành một bữa tiệc nướng hun khói đầu năm mới của người Indonesia.[17]