Giải vô địch bóng đá thế giới 1990 (tiếng Anh: 1990 FIFA World Cup, còn được gọi đơn giản là Italia '90) là lần tổ chức thứ 14 của giải vô địch bóng đá thế giới, diễn ra tại Ý từ ngày 8 tháng 6 đến ngày 8 tháng 7 năm 1990. Đây là lần thứ hai Ý đăng cai giải đấu này (lần trước là vào năm 1934), trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới (sau México) và quốc gia đầu tiên của châu Âu 2 lần tổ chức giải đấu.
Linh vật chính thức của giải đấu là Ciao, cầu thủ hình cây gậy, với đầu là trái banh và thân là lá cờ tam tài của Ý. Biểu tượng được đặt tên theo câu chào của người Ý.
Sau 52 trận đấu, Tây Đức lần thứ 3 đoạt chức vô địch thế giới. Đây là giải đấu cuối cùng có sự góp mặt của một đội tuyển đến từ Tây Đức, với việc đất nước được thống nhất với Đông Đức vài tháng sau đó, cũng như các đội tuyển Liên Xô và Tiệp Khắc trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc năm 1991. Costa Rica, Ireland và UAE lần đầu tiên góp mặt trong vòng chung kết.
World Cup 1990 được coi là một trong những kỳ World Cup nghèo nàn nhất về mặt chuyên môn[1][2][3][4] với trung bình 2,2 bàn thắng mỗi trận - mức thấp kỷ lục cho đến nay[5] - và kỷ lục 16 thẻ đỏ, bao gồm cả thẻ đỏ đầu tiên trong một trận chung kết. Chiến thuật phòng ngự quá chặt chẽ đã dẫn đến sự ra đời của quy tắc chuyền ngược vào năm 1992 và ba điểm cho một chiến thắng thay vì hai, nhằm khuyến khích lối chơi tấn công, làm tăng sự quan tâm của khán giả đối với môn thể thao này.
World Cup 1990 trở thành một trong những sự kiện được theo dõi nhiều nhất trong lịch sử truyền hình, ước tính thu về 26,69 tỷ lượt người xem trong suốt giải đấu.[6] Đây cũng là kỳ World Cup đầu tiên có các trận đấu được ghi hình và phát sóng chính thức theo định dạng HDTV, với sự phối hợp giữa hai đài truyền hình RAI của Ý và NHK của Nhật Bản.[7]
114 đội bóng tham dự vòng loại và được chia theo sáu châu lục để chọn ra 22 đội vào vòng chung kết cùng với nước chủ nhà Ý và đội đương kim vô địch thế giới Argentina.
Ghi chú: Không có vòng loại cho Giải vô địch bóng đá thế giới 1930 vì các đội chỉ được mời. Năm 1950, không có trận chung kết; bài viết nói về cặp đấu quyết định chức vô địch.