Trang hay phần này đang được viết mới, mở rộng hoặc đại tu. Bạn cũng có thể giúp xây dựng trang này. Nếu trang này không được sửa đổi gì trong vài ngày, bạn có thể gỡ bản mẫu này xuống. Nếu bạn là người đã đặt bản mẫu này, đang viết bài và không muốn bị mâu thuẫn sửa đổi với người khác, hãy treo bản mẫu {{đang sửa đổi}}.
Ngân hàng Quốc gia Serbia (tiếng Serbia-Croatia: Narodna banka Srbije - NBS) chịu trách nhiệm phát hành, quyết định mệnh giá và đặc điểm hình dạng cơ bản, đưa tiền vào hoặc rút khỏi lưu thông. Ngân hàng cũng quản lý Viện Sản xuất tiền giấy và tiền xu tại Topčider là nơi in tiền giấy hoặc đúc tiền xu.[6]
Năm 2003 là thời điểm các đồng xu đầu tiên được phát hành không mang tên hay biểu tượng Nam Tư. Năm 2003-2004, thay vì tên quốc gia hay quốc huy, tiền lại mang biểu tượng Ngân hàng Quốc gia Serbia. Từ năm 2005, sau khi có khuyến nghị đưa quốc huy Serbia lên tiền, tiền đã mang quốc huy và tên Serbia được đưa vào lưu hành trước cả khi Montenegro rút khỏi liên minh.[8]
Từ 1 tháng 11 năm 2006, ký hiệu quốc tế theo tiêu chuẩn ISO 4217 được áp dụng cho đồng dinar. Ký hiệu chữ cái là RSD tương ứng với ký hiệu số 941. Theo tiêu chuẩn đó, hai chữ cái đầu tiên chỉ tên quốc gia: Cộng hòa Serbia ("R" — Republika, "S" — Serbia), còn chữ cái thứ ba chỉ tên đồng tiền ("D" — dinar). Trước đó, theo tiêu chuẩn ICC (Mã tiền tệ quốc tế), đồng dinar có mã số 891 và mã chữ cái thay đổi tùy thời kỳ: thời Liên bang SCG có ký hiệu CSD, Cộng hòa Liên bang Nam Tư là YUD, còn Cộng hòa Liên bang Xã hội chủ nghĩa Nam Tư là YUM.[9]
Ngày 24 tháng 3 năm 2003 đưa loạt giấy bạc mang biểu tượng Ngân hàng Quốc gia Serbia ra lưu hành, tờ đầu tiên có mệnh giá 1.000 dinar. Cùng năm 2003 phát hành thêm hai mệnh giá 100 và 5.000 dinar. Năm 2004 phát hành thêm tờ 500 dinar. Về cơ bản nguyên mẫu tiền giấy đã có từ năm 2000.[19]
Tiền giấy mang nhãn hiệu Ngân hàng Quốc gia Nam Tư với chữ ký Thống đốc Mlađan Dinkić được lưu hành song song cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2006 rồi bị thu hồi và thay thế hoàn toàn bằng tiền giấy mang nhãn hiệu Ngân hàng Quốc gia Serbia. Ngoại trừ dấu này, các tờ tiền cũ và mới có thiết kế gần như giống nhau.
Giấy bạc đầu tiên in hình quốc huy Serbia là tờ 200 dinar phát hành ngày 2 tháng 7 năm 2005. Đây cũng là tờ tiền đầu tiên có hình phụ nữ cũng như áp dụng hình kinegram, màu sắc thay đổi và hình ảnh chuyển động tùy vào góc nhìn.[19]
Cùng năm 2005, tờ 50 dinar được đưa vào lưu hành. Năm 2006 phát hành các tờ mệnh giá 10, 20, 100 và 1.000 dinar.[10][11][20]
Chủ đề thiết kế tờ 20 dinar đã được thay đổi so với tờ cũ của Nam Tư phát hành năm 2000. Cả hai đều lấy chân dung Njegoš của Uroš Knežević từ năm 1846 vẫn còn lưu tại Timisoara, chỉ là in trên tiền ngược hướng với tranh mẫu thực tế. Tiền mới có hình Tu viện Cetinje thay cho Lăng Lovćen trên tiền cũ. Mặt kia có hình Njegoš mặc trang phục truyền thống theo ảnh chụp năm 1848 của Anastas Jovanović tại Viên thay cho hình tượng Njegoš từ Lăng Lovćen, hoa văn trang trí lấy từ sách Cetinjski oktoih năm 1494 và dãy núi Komovi, phần còn lại giống như phiên bản tiền cũ năm 2000.[21]
Tiếp theo là tờ 500 dinar phát hành năm 2007.[15] Đến tận năm 2010 mới phát hành tờ 5.000 dinar,[18] còn tờ 2.000 dinar ra lưu thông năm 2011.
Chữ viết trên tiền gồm cả hai loại Kirin và Latinh.
Ngày 31 tháng 12 năm 2007, nhằm cải tiến thiết kế và nâng cao chất lượng giấy bạc, Ngân hàng Quốc gia Serbia kêu gọi công chúng đóng góp cho việc phát triển mẫu concept loạt tiền giấy mới với các mệnh giá 10, 20, 50, 100, 200, 500, 1000, 2000 và 5000 dinar. Thời hạn chót nộp giải pháp là 30 tháng 6 năm 2008. Tuy nhiên, công chúng lại thờ ơ đến mức đáng kinh ngạc và những mẫu thu được đều không đáp ứng được mong muốn và ý định của Ngân hàng Quốc gia Serbia. Do đó, loạt tiền giấy hiện hành vẫn được sử dụng.[19]
Bảo vệ
Tiền giấy có tuổi thọ trung bình ba năm nên mỗi năm ZIN in 30% lượng giấy bạc cho NBS.[22]
Giấy in tiền là loại giấy chuyên dụng từ sợi bông nguyên chất, đàn hồi, độ chắc cần thiết, độ dày không đổi và có âm thanh đặc trưng khi gấp. Những thành phần bảo vệ được thêm vào trong quá trình sản xuất giấy.[23]
Chân dung Karadžić, cuốn sách để mở và bút viết của ông (trưng bày tại Bảo tàng Vuk và Dositej ở Beograd), ba chữ cái trong bảng mẫu tự Serbia hiện đại.
Hình Karadžić (chi tiết từ ảnh chụp), tham gia "Đại hội Slav đầu tiên" tổ chức tại Praha năm 1848, phù điêu, quốc huy Serbia ở góc trên bên trái, trên nền vàng đất.
Hình tượng Njegoš theo ảnh của Anastas Jovanović (1846), chi tiết từ tiểu họa trang trí sách Cetinje Octoechos in ở Cetinje năm 1494, khối núi Komovi, quốc huy ở góc trên bên trái, trên nền xanh lá.
Chân dung Tesla, công thức đơn vị cảm ứng từ, hình ảnh phóng điện và máy móc của ông.
Hình tượng Tesla (lấy cảm hứng từ bức ảnh trong Bảo tàng Nikola Tesla ở Beograd), bản vẽ động cơ điện Tesla, "chim câu của Tesla", biểu trưng Ngân hàng Quốc gia Serbia/quốc huy Serbia ở phía trên.
Chân dung Petrović, đại diện tác phẩm điêu khắc của bà, phác thảo nhà thờ tu viện Gračanica, cây cọ họa sĩ.
Hình tượng Petrović trong vai trò y tá tình nguyện thời [[Chiến tranh Balkan lần thứ nhất, theo ảnh chụp năm 1913 (Prizren), quang cảnh nhà thờ tu viện Gračanica, một phần bố cục trong tranh Nadežda Petrović, quốc huy Serbia ở góc trên bên trái, trên nền xanh lam.
Chân dung Đorđe Vajfert, thể hiện tổ hợp nhà máy bia Vajfert cũ, hình kinegram "Thánh Đorđe giết rồng".
Hình tượng Vajfert đang ngồi, bên trong tòa nhà Ngân hàng Quốc gia Serbia (nơi ông làm việc lâu năm), huy chương kỷ niệm; biểu trưng Ngân hàng Quốc gia Serbia/quốc huy Serbia ở góc trên bên trái, trên nền đỏ.
Chân dung Milanković, ở giữa là hình Milanković ngồi tại bàn làm việc, bên dưới là hình ảnh minh họa các tính toán của ông về chuyển động của đường băng tuyết phần tư 600 năm qua.
Hình tượng Milanković, mảnh đĩa mặt trời cách điệu, ở giữa phần lớn là tác phẩm "Bắc thiên cực tuyến" của ông, quốc huy Serbia ở góc trên bên trái, trên nền ôliu.
Hình tượng Jovanović, một phần Nhà Quốc hội Beograd, cách điệu nội thất hội trường; biểu trưng Ngân hàng Quốc gia Serbia/quốc huy Serbia ở góc trên bên trái, trên nền tím.
76 × 159 mm
tông xanh lục, tím và vàng.
26 tháng 11 năm 2010
Dejan Šoškić
6 tháng 5 năm 2016
Jorgovanka Tabaković
Tiền giả
Lượng lưu hành thời điểm tháng 6 năm 2016 lên tới 299,65 triệu tờ giấy bạc tương đương 168,65 tỷ dinar. Phổ biến nhất là tờ 1.000 dinar với số lượng 64.424.950 tờ. Thời điểm này cũng ghi nhận cứ 1 triệu tờ tiền thật thì có trung bình 10,1 tờ tiền giả, tức 26.540,2 dinar giả / 1 tỷ dinar. Các mệnh giá bị làm giả nhiều nhất là 2.000 (1.354 tờ), tiếp theo là 1.000 (970 tờ) rồi đến 500 dinar (521 tờ). Ba mệnh giá này chiếm tới 94,1% lượng tiền giả bị phát hiện.[23] Năm 2016 phát hiện tổng cộng 6.171 tờ tiền giả.[24]
Tính đến 31 tháng 12 năm 2017, có 331,06 triệu giấy bạc lưu hành tương ứng 197,93 tỷ dinar. Trung bình 17,6 tờ tiền giả / 1 triệu tờ, ứng với 36.006 dinar giả / 1 tỷ dinar. Trong năm 2017 phát hiện được 5.834 tờ tiền giả trị giá 7,12 triệu dinar. Các mệnh giá bị làm giả phổ biến là 1.000 (2.770 tờ ~ 47,48%), 2.000 (1.510 tờ ~ 25,88%) và 500 dinar (1.372 miếng ~ 23,5%) chiếm tới 96,9 % lượng tiền giả.[25] Lượng tiền giả bị phát hiện năm 2017 ít hơn 5,5% so với năm 2016.[24]
Người dân được khuyên không nên tự kiểm tra tiền giả vì thường có phần làm giả đính vào phần thật. Tất cả các thành phần trong tiền thật đều được in sắc nét và rõ ràng. Hầu hết tiền giả đều làm in mịn, không làm được phần nổi, thường không có hình khuôn chìm tại phần chữ nhật trắng, nếu có thì cũng không có đường viền rõ ràng chính xác. Dây bảo hiểm làm giả thường có màu xám nhạt đứt gãy và không có dòng chữ nhỏ.[26]
Đưa tiền giả vào lưu thông là phạm pháp và sẽ bị truy tố hình sự. Người dân được khuyên nếu nghi ngờ tiền giả thì không nên nhận nhằm giúp xác định nguồn gốc tiền giả đỡ khó khăn. Nếu đã nhận rồi và phát hiện hoặc nghi ngờ tiền giả, công dân có nghĩa vụ giao tờ tiền đó cho bất kỳ ngân hàng hoặc đơn vị tổ chức nào Bộ Nội vụ và nhận lại giấy chứng nhận tịch thu tạm thời. Tờ tiền khả nghi được gửi đến Ngân hàng Quốc gia để giám định. Ngân hàng Quốc gia sẽ thông báo kết quả cho ngân hàng yêu cầu giám định hoặc Bộ Nội vụ. Nếu giám định là giả mạo, NBS sẽ được quyền giữ lại. Người khai báo tiền giả có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng phải cung cấp bằng chứng xác đáng thì mới có khả năng thành công. Ngược lại, nếu giám định xác nhận tiền thật thì NBS phải trả lại.[24]
Tiền xu
Tiền xu hiện đang lưu hành ở Serbia được đúc năm 2003, gồm các đồng:[6]
Ngày 2 tháng 7 năm 2003 phát hành loạt tiền xu đầu tiên mang biểu tượng Ngân hàng Quốc gia Serbia đủ năm loại trên. Chúng được lưu hành song song với những đồng xu Nam Tư từ trước là 50 para, 1, 2 và 5 dinar. Tiền xu năm 2003 đều được làm từ hợp kim có cùng thành phần: 70% đồng, 12% nickel, 18% kẽm. Tỷ lệ hợp kim này khiến xu Serbia nặng hơn một chút so với xu Nam Tư cùng mệnh giá.[32]
Ngày 2 tháng 7 năm 2005 phát hành loạt xu 1, 5, 10 dinar thay thế biểu tượng NBS bằng quốc huy và tên Serbia (bằng cả chữ Kirin và Latinh). Chỉ có 10 dinar có thành phần hợp kim giống như năm 2003 còn 1 và 5 dinar được đúc rẻ hơn. Đồng xu mới có điểm mới nữa là viền phẳng và tròn xen kẽ. Thiết kế không nêu tên tác giả chính thức, chỉ nói là do nhóm chuyên gia thuộc Viện sản xuất tiền.[33] Ngày 30 tháng 7 năm 2006, Cộng hòa Serbia độc lập phát hành đồng xu đầu tiên mệnh giá 20 dinar. Ngày 27 tháng 12 năm 2006 phát hành loạt xu 2 dinar có hình quốc huy và tên quốc gia.[34]
Đồng 1 dinar Nam Tư cũ đúc trước năm 2000 không còn giá trị từ ngày 1 tháng 1 năm 2007.[34] Do giá trị thanh toán thấp và chi phí sản xuất cao gấp nhiều lần mệnh giá trên tiền xu nên đồng này không còn được đúc thêm nữa. Cuối năm 2007, đồng 50 para cũng bị rút khỏi lưu thông.[35]
Cuối năm 2009, tiền xu 1, 2 và 5 dinar Nam Tư cũ đúc trong giai đoạn 2000-2002 bị rút khỏi lưu thông. Cùng năm đó lưu hành các đồng 1 và 2 dinar bằng vật liệu mới nhiều lớp, lõi thép carbon, mạ điện hóa hai mặt bằng một lớp đồng cơ bản và lớp phủ đồng thau, khác với hợp kim đồng, kẽm và nickel trước đó. Tuy vậy, khác biệt này so với các đồng hợp kim cũ là không thể nhận ra trên thị trường lưu thông.[36]
Năm 2010, theo thanh khoản lưu thông định kỳ thường niên, các đồng 1, 2, 5, 10 và 20 dinar được đưa vào lưu thông giống như các đồng trước đó, ngoại trừ đồng 20 dinar có hình Đorđe Vajfert ở mặt trước.[37]
Đúc tiền
Xưởng mỹ thuật tiền xu gồm một xưởng điêu khắc tạo hình và một xưởng khắc. Xưởng điêu khắc hiện thực hóa các giải pháp ý tưởng và sáng tạo hoàn chỉnh cho đến mô hình thạch cao. Xưởng khắc dùng mô hình thạch cao để tham chiếu thành các tiêu chuẩn sao chép chính xác về kích thước thực. Máy chuyên dụng sẽ thu nhỏ mô hình, gia công thêm độ lồi lõm thích hợp, các chi tiết được chạm khắc thủ công nhiều lần cho tinh xảo. Sau đó, mô hình mẫu được hoàn thiện cơ tính và xử lý nhiệt. Để đạt độ bền cần thiết, mẫu có thể phải gia cường trong chân không, giải phóng nhiệt trong lò đúc hoặc đánh bóng bề mặt cao độ, và dùng kỹ thuật dòng điện ganvanic để bảo hiểm cho đồng xu bằng bằng kỹ thuật mạ crom cứng sáng.[38]
Xu được đúc bằng máy ép theo thành phần và khối lượng quy định.[38] Máy đúc được 700 đồng xu mỗi phút, tức 300.000 đồng xu trong một ca sáng.[39] Việc đếm số lượng, đóng gói và cân cũng được thực hiện bằng máy, trên những dây chuyền riêng.[38]
Sản xuất tiền xu đắt gấp ba lần so với in giấy bạc cùng mệnh giá do chi phí nguyên liệu hợp kim.[22] Sản xuất xu 1, 2 hoặc 5 dinar sẽ đắt hơn việc in tiền giấy tương ứng, chỉ với xu 10 dinar trở lên thì mới hoàn lại được giá trị.[39] Nhưng mặt khác, tiền xu không bị gỉ sét và hầu như không có phế liệu bỏ đi khi đúc.[22]
Cái tên "dinar" (tiếng Ả Rập và tiếng Ba Tư: دينار) có nguồn gốc từ đồng tiền La Mã nổi tiếng nhất denarius (số nhiềudenarii) nghĩa là mười. Khoảng giữa thế kỷ 3 TCN, La Mã đưa ra đồng bạc denarius thay thế cho tiền đồng trước đó.[41] Lúc đầu, 1 denarius có giá trị bằng 10 đồng arius, rồi tăng lên 16 arius.[42] Thời điểm năm 160 TCN, lương hàng năm của lính La Mã là 108 denarii, còn năm 46 TCN dưới thời Caesar thì là 210 denarii. Vào thời Caesar, đồng denarius có 4 gam bạc với độ tinh khiết 98%.[43] Cái tên denarius không thay đổi và được dùng ở Đế quốc La Mã trong 500 năm,[42] lưu hành rộng rãi khắp Địa Trung Hải.[41] Từ này được dùng để chỉ tiền tệ nói chung, nhất là với những cộng đồng Latinh.[43]
Ở phương Đông, cái tên denarius có dạng tiếng Hy Lạp cổ là denarion, tiếng Hy Lạp hiện đại phát âm dinarion. Năm 696, mô phỏng đồng vàng Đông La Mã, Caliphate UmayyadAbd al-Malik đúc đồng tiền vàng riêng và đặt tên là dinar. Người Ả Rập cai trị Cận Đông, Bắc Phi và Bán đảo Iberia đã dùng đồng dinar vàng trong các hoạt động giao thương, đặc biệt buôn bán với châu Âu trong các thế kỷ 8-10, đồng dinar sớm được chuyển đi lan rộng khắp nơi.[42]
Trung cổ
Thời Trung Cổ, khi các quốc gia châu Âu độc lập được hình thành, mỗi vua chúa đều nhấn mạnh sự độc lập chính trị bằng cách đúc tiền riêng. Ban đầu chỉ đúc đồng bạc. Ngoài ra còn có đồng vàng độc đáo, solidus của Đông La Mã, cái tên bắt nguồn từ "soldat" (người lính), đã được sử dụng từ lâu ở châu Âu và được dùng để trả cho quân đội.[44]
Thời sơ kỳ Trung Cổ thường diễn ra việc hàng đổi hàng mà không cần tiền trung gian.[45] Vùng Balkan thường lấy gia súc thay cho tiền. Do đó trên lãnh thổ là Croatia ngày nay, khi ấy có thể dùng da súc vật làm vật ngang giá, còn ở Serbia thế kỷ 13-15 ngoài tiền kim loại còn dùng cả ngựa, bò và cừu. Việc thanh toán bằng gia súc đặc biệt phổ biến ở những dân tộc phát triển ngành chăn nuôi. Một số khoản phạt được ghi nhận trả bằng vải, văn bản Dubrovnik còn chép lại rằng bên cạnh tiền xu thì còn dùng cả pho mát để chi trả.[46] Việc trao đổi hàng hóa như vậy tiếp diễn đến hậu kỳ Trung Cổ.[45]
Trong chiến tranh phục hồi Đông La Mã (1203-1261), tất cả những kẻ tự xưng kế vị đều đúc đồng tiền riêng.[47]
"Dinar" lần đầu tiên được nhắc đến trong văn bản tiếng Serb còn lại từ năm 1214 dưới thời Stefan Nemanjić. Trong vòng 230 năm từ đó đến khi vương quyền Serb sụp đổ năm 1459,[48] đã có khoảng 20 vua chúa, 15 lãnh chúa cùng hàng chục thành thị đúc tiền, tổng số lượng lên đến khoảng 350-400 loại tiền.[49]
Đồng dinar là một trong những biểu tượng quan trọng nhất về nền độc lập và tư cách quốc gia của Serbia Trung cổ. Do rút vàng khỏi lưu thông, tiền Serbia Trung cổ đều được đúc bằng bạc giống như toàn bộ châu Âu.[48]
Dù nhiều điều lệ Trung cổ tiếng Serb khác nhau còn đề cập đến đồng vàng perper và đồng bạc groš nhưng đồng bạc dinar vẫn là phổ biến nhất trong lưu hành.[48]
Khai thác mỏ bạc
Ngoài các điều kiện kinh tế và chính trị lịch sử, nguồn bạc dồi dào tại Raška có tầm quan trọng rất lớn đối với việc ra đời và lưu hành đồng dinar tại Serbia.[50]
Nghề khai thác mỏ bắt đầu vào giữa thế kỷ 13 ở Brskovo.[51] Các văn bản nhắc đến Rudnik đầu tiên (1293) rồi đến Trepča, Rogozna và Gračanica (1303), Novo Brdo (1308), Trešnjica ở Podrinje (1312), Lipnik (1319). Đến giữa thế kỷ 14 cũng mở thêm các mỏ bạc ở Kopaonik: Koporić, Plana (Kopaonik) và Ostraća, sau đó xa hơn về phía nam ở Janjevo. Trong thế kỷ 14 tại Macedonia có các mỏ hoạt động ở Kratovo và Zletovo. Nửa sau thế kỷ 14 cũng có một mỏ được mở ở Železnik gần Kučevo.[52]
Chỉ sau vài thập kỷ, các mỏ đã bị khai thác cạn kiệt, nên nhiều nơi đã phải đóng cửa ngay thời Trung cổ.[52]
Cạnh các mỏ trữ lượng dồi dào đã mọc lên làng mạc, thị trấn là trung tâm đời sống kinh tế thời ấy.[53]
Xưởng đúc tiền
Serbia Trung cổ không có cơ quan chuyên trách đúc tiền tại triều đình.[54] Một số nơi chuyên đúc tiền thường do thuận tiện gần mỏ bạc[55] hoặc các thành phố lớn. Xưởng đúc tiền Serbia Trung cổ đầu tiên được đặt tại pháo đài Ras.[56] Nơi đúc tiền (ceke) được chép trong văn bản hoặc trực tiếp trên đồng bạc[57] thời vương quyền Serbia[54] có tại Brskovo (dinar Brsk), Rudnik, Novi Brdo, Skopje, Prizren, Trepča, Arilje và Srebrnica.[48]
Gia công
Cho đến thế kỷ 16, tại Châu Âu vẫn đúc tiền thủ công. Nguyên liệu là bạc và đồng thô,[58] rồi qua tinh chế.[59] Các thợ bậc thầy có bí quyết tỷ lệ hợp kim cho lượng đồng nhất định với bạc. Hợp kim nóng chảy đổ thành các thỏi tròn.[58] Sau đó, các thỏi được rèn, gia công về khối lượng phù hợp, cắt gọt rồi cho vào khuôn đúc.[60]
Khuôn đúc tiền có chữ cái hoặc họa tiết thì trước tiên được rèn,[58] rồi chạm khắc dựa theo bản vẽ[61] hoặc bằng cách ép các miếng kim loại thành lòng khuôn rồi dùng đục tinh chế tiếp.[60]
Thợ cắt khuôn là một trong những vị trí quan trọng nhất tại xưởng đúc tiền. Đây là nghề khó kiếm nhưng mỗi xưởng cũng chỉ cần một thợ cao tay là đủ.[62] Thợ cắt khuôn cũng thường chuyển từ xưởng này sang xưởng khác hòng được thu nhập cao hơn.[61]
Khuôn thường được làm bằng sắt, gồm hai phần: phần dưới là cái đe cố định vào chân đế, thường là tạo hình mặt trước đồng xu. Phần trên gắn vào kẹp sắt dài thường là mặt sau đồng xu, thợ quai búa đập lên phần trên nên dễ bị mòn nhanh gấp đôi phần dưới.[60]
Ngày nay không còn giữ được khuôn đúc tiền Serbia Trung cổ nào, lý do là có thể chúng đã bị phá hủy khi không còn dùng nữa để tránh làm bạc giả.[61] Tạo khuôn cũng khó nên chỉ có lượng khuôn giới hạn. Một số khuôn được khắc hoặc đánh bóng lại để tiếp tục sử dụng.[62]
Ngoài việc dùng để đúc tiền, thỏi bạc đúc cũng coi như thành phẩm, bán ra ngoài giống như hàng hóa thông thường.[59]
Quản lý tiền đúc
Vua và lãnh chúa giữ quyền khai thác mỏ và đúc tiền.[63] Người đứng đầu đề ra khối lượng, loại kim loại và chất lượng tiền đúc.[54] Giá trị của tiền được xác định chủ yếu theo lượng kim loại quý trong đó và tăng lên do chi phí đúc.[64] Vua chúa có thể giữ lại một phần tiền đúc làm nguồn thu thuế trước khi đưa tiền vào lưu hành.[54]
Vào một số giai đoạn, vua chúa còn nhượng lại quyền đúc tiền cho người khác. Ví dụ: Hoàng đế Dušan nhường cho Branko Rastislavić, Hoàng đế Uroš nhường cho vua Vukašin, và Vuk Branković nhượng cho lãnh chúa dưới quyền. Hoặc vào thời Đế quốc Serbia tan rã, các lãnh chúa chiếm đoạt lãnh địa của nhau đồng thời đoạt thẩm quyền đúc tiền.[63]
Đúc tiền mang lại nguồn thu đáng kể cho vua chúa. Bên cạnh thuế đánh trên khai thác mỏ, xuất khẩu kim loại và chính trên dân cư gần mỏ,[65] khu dân cư và đô thị đã mọc lên cùng ngành này thúc đẩy thủ công nghiệp và thương nghiệp phát triển.[66]
Các trung tâm khai thác mỏ giàu có thu hút giới thương nhân, tạo nên mạng lưới đường bộ dày đặc từ đường cái lớn đến đường thôn xã địa phương.[66]
Vua chúa Serbia thường giao công tác hải quan cho một số thương gia vào từng giai đoạn nhất định.[67] Thuế hải quan chỉ được thu tại chợ, lên tới khoảng 1/10 giá trị hàng hóa bán tại đó. Bởi vậy, viên chức hải quan phải lập danh sách hàng hóa buôn bán tại chợ.[68] Viên chức hải quan thường xuất thân từ Kotor và Dubrovnik vốn nắm rõ điều kiện kinh tế địa phương. Khi hợp đồng hải quan kết thúc, vua chúa ban cho mỗi viên chức hải quan một văn bản xác nhận việc thanh toán nghĩa vụ tiền tệ cho nhà nước. Thuế hải quan là thước đo hoạt động giao thông và khai thác mỏ trong khu vực.[67]
Ngoài ra, vua chúa đã thực hiện chính sách tiền tệ, xác lập tỷ giá dinar, mang lại nguồn thu lớn cho mình, đặc biệt những giai đoạn lịch sử biến động. Thời vương quốc, kaznac quản lý kho bạc, trong thời kỳ đế quốc có protovestiyar, mỗi giai đoạn đều có người đứng đầu kho bạc.[65]
Mỗi mẫu tiền xu Serbia Trung cổ đều không có số lượng lưu hành tương ứng, khối lượng nguyên liệu ban đầu cũng không bị kiểm soát. Số lượng có thể biến đổi do viên chức hành chính và thợ khác nhau cùng làm việc tại xưởng.[69] Người quản lý xưởng đúc chính là những thương gia đã thuê xưởng trong các năm nhất định. Họ cũng dùng dấu bí mật đánh dấu lên đồng tiền.[59]
Để kiểm soát việc đúc tiền, các đồng tiền được đánh dấu bằng ký hiệu hay chữ cái, thường cũng đặc trưng cho người chịu trách nhiệm xưởng đúc hoặc chính xưởng đó. Ban đầu, dấu đơn giản hình chữ thập, dấu chấm, hình tròn, hoa, rồi một hoặc hai chữ cái, phức tạp hơn về sau là hình chim, hoa lá, ngôi sao và các biểu tượng khác.[70]
Một lượng lớn các biểu tượng cho đến nay vẫn chưa được hiểu rõ. Một số tác giả gán các ký hiệu chữ cái nhất định cho xưởng đúc tương ứng, ví dụ S hoặc S-S có thể biểu trưng cho xưởng đúc tiền ở Skopje. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng đó chỉ là trang trí. Hoặc giả thuyết khác đó là đại diện cho các thợ đúc bậc thầy, số lượng khuôn, số lượng tiền đúc ra.[49]
Ký hiệu biểu tượng
Tiền Serbia Trung cổ còn có những biểu tượng thể hiện giao hòa ảnh hưởng Đông-Tây, nhất là biểu trưng huyền thoại tín ngưỡng người Slav bản địa. Biểu tượng quyền lực quan trọng nhất có thể kể đến ngai vàng, vương miện hoặc vòng hoa, hoặc quyền trượng đặc trưng cho chế độ quân chủ và những quyền lực thấp hơn. Ngoài ra còn thấy hình chữ thập, mũi nhọn hoặc quả cầu hoàng gia là để vua chúa khẳng định thẩm quyền của mình đến từ trời. Biểu tượng y phục như đai lưng thể hiện sự thần phục, áo sakos cho sự phân quyền.[71]
Ngôn ngữ và chữ cái
Chữ viết và ngôn ngữ trên tiền xu từ Raš phản ánh tình hình chính trị đương thời, gồm tiếng Hy Lạp, tiếng Latinh, tiếng Ý và hầu hết các thứ tiếng Slav cổ.[72] Những đồng tiền ban đầu có chữ nước ngoài, phải từ thời vua Vukašin thì chữ Kirin mới chiếm ưu thế, điều này có thể được giải thích là do mục đích ban đầu phục vụ ngoại thương.[49]
Để tiết kiệm diện tích, các chữ Kirin thường được viết liên tục nối với nhau thành chữ ghép, lược bỏ một số chữ cái, viết tắt dưới dạng đường thẳng hoặc vòng cung phía trên chữ cái:[73]
R(E)X
ST(EFAN)
I(СУ)С Х(РИСТО)С
Phân loại
Những đồng xu Serbia Trung cổ phổ biến nhất là tiền đúc dưới thời vua Milutin và sa hoàng Dušan,[74] thời điểm đồng dinar được lưu hành rộng rãi nhất.[75]
Có thể chia làm bốn thời kỳ đúc tiền phân biệt:[76]
Vương quyền 1276—1346, dưới thời các vua Dragutin (1276—1282/1316), Milutin (1282—1321), Uroš III Dečanski (1321—1331) và Stefan Dušan (1331—1346)
Đế quyền 1346—1371, dưới sa hoàng Dušan (1346—1355), Uroš (1355—1371) và vua Vukašin (1365—1371)
Thời lãnh chúa 1371—1402, dưới thời thân vương Lazar (khoảng 1370—1389), Balša III (1403—1421), Vuk Branković (khoảng 1375—1396),
Thời chuyên chế 1402—1456, dưới thời Stefan Lazarević (1389—1427), Lazar và Đurđ Branković (khoảng 1402—1410).
Hiện đã phát hiện được tiền xu bằng đồng dưới thời Jovan Vladimir và cần nghiên cứu thêm để xác định liệu đây có phải là đồng xu Serbia đầu tiên không.[77]
Stefan Radoslav
Nghiên cứu trước đây cho rằng trưởng nam của Stefan I tức vua Stefan Radoslav (1227-1234) là vị quân chủ Serbia đầu tiên tự đúc tiền riêng.[55] Đồng tiền này được gọi là "dinar Serbia" hoặc "đồng groš xứ Raška" (tiếng Latinh: grosus de Rascia).[42] Radoslav đúc theo mẫu trước đó của ông nội mình là hoàng đế Đông La Mã cuối cùng[78]Alexios III Angelos.[47]
Những đồng tiền này bằng bạc và đồng, mang tất cả đặc điểm tiền Đông La Mã đương thời,[79] cả về hình thức lẫn kỹ thuật đúc.[47] Thế kỷ 12 đầu 13, tiền Đông La Mã là tiền tệ lưu thông chính thức tại miền Trung Balkan. Còn miền Bắc, ở Podnoval lại dùng tiền Trung Âu, nhất là tiền Hungary như đồng Frisa.[80]
Đồng dinar của Stefan Radoslav là đồng trachy duy nhất.[47] Có hai giả thuyết về nơi đúc tiền: xưởng đúc của nhạc phụ Radoslav là vua Theodore Angelus Duka Comnenus tại Thessaloniki hoặc ở mỏ Brskovo mới mở, nơi có nhiều thợ mỏ Saxon đến Raška làm việc sau khi Theodore I sụp đổ.[79] Giả thuyết thứ hai được đưa ra khả dĩ vì khi ấy đế quốc vẫn giữ độc quyền đúc tiền, Theodore khó có thể tự đúc tiền riêng.[81] Nhưng ngược lại thì giả thuyết thứ nhất vẫn có thể xảy ra vì thực tế Theodore coi mình đương nhiên kế vị ngôi vị Đông La Mã.[78]
Khuôn đúc được tạo nên từ các thợ đúc bậc thầy Thessaloniki hoặc đệ tử của họ cũng người Thessaloniki hoặc người Serb. Các chi tiết trên đồng tiền đều lấy từ mẫu tiền lưu hành của Đông La Mã.[82]
Đồng electron bạc. Trên một mặt là tổng lãnh thiên thần Michael,[82] tay trái cầm kiếm,[47] biểu tượng hóa nguồn gốc thần thánh của quyền lực quân chủ.[83] Đây là loại tiền Serbia trung cổ duy nhất có hình Michael.[84] Dải chữ viết tắt là МN-АР hoặc АР-М.[85] Mặt kia là Chúa Giêsu ban phước cho vua[47] và dòng chữ "C/TE/ФA/NOC/PIZ/O" "Δ/YK/AC—" "IC—XC/O" "Π/AN/TO/KP/AT/OP".[85] Khối lượng trung bình của đồng bạc là 2.75 gam.[86]
Đồng bylon (phrench) đồng. Đây là đồng xu bằng đồng duy nhất của chính quyền.[47] Có ba loại:
Một loại mặt sau giống hết như electron, Chúa Giêsu ban phước cho vua.[82]
Một loại khác ở giữa là hình Chúa Giêsu Emanuel,[82] tay phải giơ lên ban phước, tay trái cầm cuộn sách; đây là hình ảnh duy nhất về Chúa Giêsu Emmanuel trên tiền Serbia,[87] tượng trưng cho sự nhập thể và cứu chuộc.[83] Dòng chữ ghi "IC—XC" "O" "EM/M/A-NY/HΛ". Mặt sau là hình Đức Mẹ ban phúc cho vua với dòng chữ "CTEФANOC" "PIZ" "O" "Δ—MP—ΘV".[87]
Loại thứ ba ở giữa là hình Chúa Giêsu ngự trên ngai, mặt sau là Thánh Constantinus và vua.[82] Khối lượng mỗi đồng tiền trung bình là 3,54 đến 3,23 g.[86]
Chữ cái trên tiền đều là chữ Hy Lạp. Chữ cái được tối giản, lược bớt giống như tất cả loại tiền thời Trung cổ khác.[88]
Đợt khảo cổ và bảo tồn ở Ras năm 1970 đã phát hiện dấu tích xưởng đúc được bảo quản tốt.[47] Toàn bộ quá trình sản xuất tiền đồng đã được bảo tồn.[82] Tuy nhiên không thấy dấu vết đúc tiền bạc.[89] Pháo đài Ras được xây dựng năm 1234, sau đó bị bỏ hoang, bị thiêu rụi và không được xây lại.[81]
Đến nay chỉ còn giữ được khoảng 40 đồng tiền các loại từ thời vua Radoslav.[47] Số lượng đúc ít nên rất hiếm. Các mẫu tiền này không để lại ảnh hưởng gì trong những đồng tiền được các lãnh chúa Ras về sau đúc trong điều kiện tốt hơn.[88]
Vùng lưu hành tiền cũng không lớn, chủ yếu ở miền trung, tập trung tại Ras. Sau khi Radoslav rút khỏi vũ đài chính trị[80] trước năm 1234, các lãnh chúa địa phương nắm quyền[78] nên việc đúc đồng dinar Serbia liền bị dừng lại.[80]
Sau khi Radoslav bị phế truất, anh trai ông là Vladislav lên ngôi. Khi ấy sa hoàng Bulgaria Ivan Asen II mạnh nhất vùng Balkan, Vladislav không đúc tiền riêng ở Serbia.[78]
Stefan Uroš I
Stefan Uroš I (trị vì 1243-1276) (con trai út của Stefan Nemanjić) cho đúc đồng bạc giống với đồng matapana của Venezia.[90] Nguyên nhân có thể là Dandola thành Venezia là họ hàng đằng vợ ông Anna, cũng như do người Venezia để ý đến các mỏ bạc dồi dào tại Raška. Raška thời phong kiến nổi tiếng với chất lượng bạc tốt nhất châu Âu.[91]
Một mặt đồng bạc có hình vua và vị thánh cầm cờ viết chữ "REX" (vua), khác với đồng matapana của Venezia có chữ DVX (doge). Mặt kia là Chúa Giêsu ngự trên ngai với sách Phúc Âm trên đùi.[91] Mặc dù không thể phân biệt tiền thời Uroš với tiền thời các con trai ông là Dragutin và Milutin, nhưng có ý kiến cho rằng tiền của Uroš thuộc một loại matapana mang chữ "STEFANVS".[90]
Những nhà nghiên cứu tiền tệ Serbia thời đầu gán một số loại tiền cho Uroš, nhưng những nghiên cứu về sau chứng minh điều này không đúng. Tuy vậy thật khó để tin rằng vua Uroš lại không hề đúc đồng tiền nào.[78]
Stefan Dragutin
Vua Stefan Dragutin[92] (vua Raška 1276—1282, cai trị Srem 1284—1316)[88]cháu trai Radoslav là người đúc tiền tiếp theo, các đồng dinar thời này lần đầu tiên xuất hiện chữ cái đánh dấu.[93]
Đồng cai trị với Uroš I, trong giai đoạn 1270-1276, ông ban hành hai loại dinar với hình ảnh khác nhau. Loại thứ nhất có hình vua không đội vương miện nhận lá cờ từ Thánh Stephenano bảo hộ ngai vàng Nemanjić. Loại kia là tiền Serbia đầu tiên[93] khắc họa hình vua đội vương miện, nhận lấy thánh giá kép.[94] Hình ảnh đại diện này phổ biến suốt thời vương quyền và ít dần đi về sau. Biểu tượng này có nguồn gốc Đông La Mã thường khắc họa vua chúa và thánh bảo trợ ngai vàng.[95]
Đồng xu được đúc ở Brskovo trong trũng Tara gần Mojkovac, phỏng theo đồng grosso của Venezia.[94] Trong những mẫu tiền đầu tiên là hình vua không râu, tóc dài và đeo thánh giá trước ngực. Giữa lá cờ và đầu vị thánh là chữ S (viết tắt của tiếng Latinh: sanctus) và ở bên cạnh, chữ "REX" dọc suốt đường kính đồng xu. Tiền mang biểu tượng hình tròn trên đó.[96]
Nắm quyền Raška độc lập những năm 1276-1282,[93] ông cho đúc tiền dinar dựa trên đồng grosso Venezia.[89] Nhiều khả năng khoảng năm 1280, tiền mang hình Chúa Giêsu ngự trên ngai vàng cầm vương trượng và quả cầu hoàng gia gắn hình chữ thập kép. Hình ảnh này về sau còn xuất hiện ở dấu và tiền Trung Âu, đồng thời là nguyên mẫu cho tiền của vua Milutin đưa ra lưu hành. Tiền xu này được đúc ở Brskovo và mang các biểu tượng dưới dạng dấu chấm và hình chữ thập.[96]
Rất có thể chỉ khi còn là một nhà cai trị độc lập, ông mới đúc tiền với cái tên chính thức bằng tiếng Latinh REX STEFANVS.[92]
Sau khi nhường ngôi tại Deževa năm 1282, Dragutin quản lý phần lãnh thổ phía bắc Serbia, trong đó có trung tâm khai thác mỏ quan trọng Rudnik và giữ quyền đúc tiền.[89] Sau đó, những đồng dinar thông dụng với hình cờ các vua Dragutin và Milutin.[93] Dragutin tiếp tục đúc đồng dinar có cờ và thánh giá, lưu hành song song với đồng dinar tương tự của vua Milutin.[89] Hình dạng và khối lượng hai đồng dinar rất giống nhau chỉ khác dòng chữ: STEFANVS R/E/XS STEFAN (Dragutin) so với VROSIVS R/E/XS STEFAN (Milutin). Dần dần, các chữ cái biến đổi bất quy tắc, chữ đầu viết tắt đều to lên còn chữ ghi mệnh giá bé lại.[97] Milutin và Dragutin cùng đúc tiền trong ba thập kỷ. Số lượng tiền đúc lớn và lưu hành rộng rãi, được phát hiện trên cả khu vực lớn từ bờ biển Địa Trung Hải đến bờ Biển Đen.[94]
Sau khi hai người xảy ra chiến tranh kế vị không muộn hơn năm 1301, Dragutin đã mất khu vực mỏ nên có thể phải giảm lượng tiền đúc hoặc thậm chí phải dừng hẳn.[89]
Khoảng năm 1311, huynh đệ hòa giải, Dragutin lại bắt đầu đúc tiền riêng mới.[89] Thập kỷ 1400 có đến hai hệ thống tiền tệ, của Milutin ở Brskov và của Dragutin ở Rudnik. Đồng dinar của Dragutin đúc mịn hơn và nặng hơn.[94] Chữ khắc (tên triều đại) bằng chữ Kirin lần đầu tiên xuất hiện trên tiền. Đây cũng là đồng xu đầu tiên của Serbia có hình vua đứng một mình. Sau khi trở thành vua Srem, Dragutin đưa người Saxon đến Rudnik, phía tây bắc Kragujevac để khai thác mỏ bạc. Sau Brestov, mỏ này trở thành trung tâm khai thác quan trọng nhất trên lãnh thổ Serbia, lập ra một xưởng đúc tiền.[93] Cuối triều đại Srem, trên tiền không dùng danh hiệu chính thức mà viết "Стефан раб Христу" (Stefan rab Hristu - n.đ.'Stefan, tôi tớ Đấng Christ').[92] Trên đồng dinar có hình vua một tay cầm quyền trượng với thánh giá, tay kia đặt trên ngực. Tiền được đánh dấu bằngcác chữ cái và dấu hiệu khác nhau, như ngôi sao, thánh giá, bông hoa và vương miện; chủ yếu ở mặt sau.[97] Hàm lượng bạc từ 91,4% đến 92,94% với khối lượng khoảng 2,18 gam.[80]
Stefan Milutin
Dưới thời vua Stefan Milutin, Raška phát triển về mọi mặt. Ông mở rộng lãnh thổ về phía nam về hướng Byzantium và sáp nhập Braničevo ở phía bắc. Các mỏ Brskovo, Novo Brdo và Rudnik đều hoạt động tích cực. Tiền đúc hàm lượng đồng đều với khối lượng trên 2 gam.[98] Các xưởng đúc tiền của Milutin hầu hết đều cho người Kotoran thuê.[99]
Theo biểu tượng, tiền xu của vua Milutin có thể được chia thành bốn nhóm:[100]
Mẫu matapana, hình vua bên trái và Thánh Stephen bên phải. Vua đội vương miện, tay trái cầm cuộn giấy akakia, tay phải nhận cờ từ vị thánh, còn tay phải thánh Stephen cầm sách Phúc Âm trên ngực. Mặt sau là hình Chúa Giêsu ngự trên ngai.
Hình vua đội vương miện, mặc áo dài ngồi trên ngai. Tay phải cầm quyền trượng, tay trái cầm quả cầu thánh giá kép. Mặt sau là hình Chúa Giêsu ngự trên ngai.
Mặt sau là hình vua tay phải cầm đoản kiếm, tay trái cầm cờ. Thanh kiếm tượng trưng cho công lý từ trời ban cho vua trên đất và chiến thắng.[101] Mặt trước là Đức Mẹ dạng nữ hoàng[102] ngồi trên ngai cao có lưng tựa, áo choàng dài, đội vương miện và mạng che mặt theo phong cách phương Tây, tay phải cầm hoa huệ. Xung quanh ngai là những nhành nho[100] (cây nho Dečan của Jesejeva), mỗi bên ngai có một con chim. Cả hai mặt đều là hình biểu tượng cách điệu của phương Tây.[102]
Vua đội vương miện mặc chiến bào, ngồi trên ngai, không có dòng chữ đi kèm, tay phải cầm vương trượng, tay trái đặt lên đốc kiếm trên đùi. Mặt sau là hình Chúa Giêsu ngự trên ngai cao.[100]
Đồng dinar phổ biến với độ tinh khiết 93,2%, nhưng tỷ lệ giảm theo thời gian xuống còn 78,9-77,7% bạc, khối lượng trung bình là 1,93 gam.[103]
Ngay cả sau khi Milutin qua đời, đồng dinar thập tự chủ yếu phân bố ở miền nam và miền trung, còn hình vua cầm quyền trượng chiếm đa số hơn ở miền bắc.[103]
Stefan Vladislav II
Trưởng nam Dragoslav là Stefan Vladislav II kế thừa ngôi vị Raš theo Hiệp ước Deževa. Khi Dragoslav còn sống, Vladislav II đã cai trị Srem độc lập và tự đúc tiền riêng không ghi danh hiệu giống như cha mình. Sau khi Dragoslav qua đời, lãnh địa được chia cho Milutin và Károly I. Sau khi Milutin băng hà, Vladislav II tự xưng vua Raška rồi đúc tiền có tên chính thức Stefan Vladislav.[73] Tổng cộng có 4 loại tiền đúc:
Hình vua đứng cầm vương trượng với thánh giá. Bên cạnh các dấu hiệu nhỏ hơn, đồng tiền được nhận diện bằng chữ cái "М—А" ở mặt trước hoặc "L—В" hay "В—L".
Hình vua đứng cầm vương trượng với thánh giá.
Hình vua ngồi trên ngai, cầm vương trượng với thánh giá. Dòng chữ bằng chữ Latinh và dấu là chữ "L".[104]
Đồng nửa dinar thì có hình vua ngồi và cầm kiếm hướng lên, mặt sau có chữ viết tắt "V".[104]
Tiền dùng chữ Latinh được giải thích là sau khi vua Milutin băng hà, Vladislav II được vua Hungary và Bosna Stefan II Kotromanić ủng hộ. Còn lại thì tiền đúc đều giống như tiền triều vì không có thời gian để thay đổi tiền tệ.[105]
Stefan Dečanski
Trưởng nam Milutin là Stefan Dečanski tiếp tục chính sách tiền tệ của phụ vương và cả của Dragutin cùng Vladislav bằng cách chấp nhận hai tỷ giá tiền tệ khác nhau: "Raška" với đồng dinar được chép lại là "de crucemã ngôn ngữ: lat được nâng cấp thành mã: la " và "Serbia" gọi là "de Rudinicomã ngôn ngữ: lat được nâng cấp thành mã: la ". Hai loại phổ biến nhất này là:[106]
Dinar chữ thập tiếp nối tiền đúc của Milutin có hình vua nhận thánh giá kép từ Thánh Stephen, khác biệt là vua không để đầu trần mà đội vương miện, dòng chữ mặt sau đề giống nhau. Một lượng nhất định được xác định đúc ở Brskovo. Dấu nhiều nhất là chữ "M-V" mặt trước và "S" mặt sau. Ngoài ra còn có các kết hợp chữ cái: "N—G", "N—O", "M—Ю", "Ю—M", "P—R", "T—R" và các ký hiệu khác.
Dinar có hình vua ngồi cầm vương trượng hình thánh giá và kiếm đặt trên đùi. Tiền được đúc sau khi Dečanski tiếp quản Rudnik. Tiền có thể được đánh dấu bằng ký hiệu chữ cái khác nhau hoặc không có. Một mặt có thể là "L—P", "O—P", "P—", "P—B", "n—P", hoặc "P-B", "P-R" và "P-T", còn mặt sau chỉ có chữ "n".
Ngoài hai loại chính, còn có hai loại hiếm thấy khác được đúc ở miền Bắc, có hình vua ngồi trên ngai, cầm vương trượng hình thánh giá và kiếm đặt trên đùi, dòng chữ viết bằng chữ Latinh.
Ông cố gắng khôi phục lại giá trị đồng dinar trước kia. Khối lượng tiền đúc không đều, lúc đầu nặng 2,17 nhưng đến những đồng cuối chỉ nặng 1,20 gam.[107]
Stefan Dušan
Tiền đúc Serbia Trung cổ đạt đến đỉnh cao đa dạng phong phú và vẻ đẹp dưới thời Stefan Dušan làm vua (1331-1346) rồi sa hoàng (1346-1355). Đó là cũng giai đoạn Serbia vượt qua các lân bang về sản xuất tiền tệ.[55] Lượng tiền khổng lồ được đúc tại bốn cơ sở: Brskovo, Novo Brdo, Rudnik và Kotor.[94] Dušan đã giúp tiền Serbia Trung cổ ở mức cao nhất về kỹ thuật, nghệ thuật và hóa tệ học.[42]
Biểu tượng trên tiền kết hợp được các yếu tố tiền đúc phương Tây và Đông La Mã, cộng thêm những chi tiết mới lạ: hình tượng sa hoàng và hoàng hậu cầm thánh giá giữa hai người, sa hoàng trên lưng ngựa, các dấu hiệu nhiều dòng. Tiền có cả bản chữ Latinh lẫn chữ Kirin.[94]
Trong suốt thời gian trị vì, Dušan nhiều lần đưa ra các đồng dinar mới với một lượng lớn biến thể hình trang trí như vương miện, y phục, vương trượng, hình dạng chữ cái Kirin và Latinh, góp phần làm đa dạng kho tiền Serbia. Tiền thời Dušan có thể được chia thành hai giai đoạn cơ bản: vương quốc và sa quốc.[108]
Thời vương quốc đặc trưng là sự tiếp nối đồng tiền của phụ vương Dečanski với hình mũ miện là phù hiệu chiến binh và biểu tượng tinh thần hiệp sĩ.[108]
Đồng dinar vua Dušan có hình ảnh vua nhận thánh giá kép từ Thánh Stefan. Tiền đúc hình vua ngồi trên ngai, cầm vương trượng với thánh giá, kiếm đặt trên đùi.[109]
Dinar có hình mũ miện là loại mới, được đưa ra để tiêu chuẩn hóa hệ thống tiền tệ.[111] Mũ này là loại mũ trụ nguồn gốc từ phương Tây và có hình dáng đơn giản.[112] Dòng chữ trên tiền là "+MONITA—REX STEFA".[113] Mặt trước là hình Chúa Kitô ngồi trên ngai với tựa lưng hình bán nguyệt,[111] dòng chữ "IC—XC".[113]
Ngoài ra còn có một biến thể, ở mặt sau có biểu tượng quốc huy là chiếc khiên tam giác với ngôi sao sáu cánh, trên đó là mũ trụ có vương miện ở trên, chiếc khiên, một hoa hồng và lông vũ, giống như tiền của Stjepan II Kotromanić.[111] Mô típ mũ trụ này cũng hiện diện trên đồng xu thời sa quốc.[112]
Thời vương quốc, Dušan thống nhất lại hệ thống tiền tệ, thu hồi tiền xu cũ để chuyển sang loại dinar mới giá trị thấp hơn, giảm tỷ lệ bạc từ 88,1% xuống 76,4-74,9%, mang lại lợi nhuận lớn cho kho bạc.[114]
Khi Dušan lên ngôi sa hoàng, tiền tệ đặc trưng bằng một lượng lớn các loại dinar được đúc trong giai đoạn 1345, 1346 đến năm 1355,[115] năm đúc tiền chỉ có thông tin sơ lược.[116] Tỷ lệ bạc tăng lên 93,4% với khối lượng trung bình 1,4 gam.[117] Khối lượng giảm dần theo thời gian.
Đợt phát hành tiền đầu tiên dưới thời sa hoàng Dušan cũng là đồng dinar nổi tiếng nhất trong triều đại, nhằm khi ông lên ngôi sa hoàng nên còn gọi là "đồng dinar đăng cơ".[115] Hàm lượng bạc cao hơn, cũng như tinh tế hơn các đợt phát hành trước đó, cao hơn cả mặt bằng chung châu Âu khi ấy. Hình ảnh thể hiện Dušan đứng, mặc áo bào hoàng đế Đông La Mã, tay cầm trượng, hai thiên thần (biểu thị thẩm quyền đến từ Thiên Chúa) đặt vương miện Đông La Mã tinh xảo lên đầu hoàng đế. Chữ Kirin ghi "СТЕФАН ЦАР" (Sa hoàng Stefan),[42] danh hiệu sa hoàng viết bằng chữ ghép nối với nhau. Mẫu đăng cơ này đã xuất hiện trên mẫu Đông La Mã trước đó, nhưng không phải trên tiền mà là tranh tường Serbia.[118] Hình ảnh trên tiền cho thấy sự ảnh hưởng của triều đại Đông La Mã lên triều đình Serbia, cũng như niềm tin giáo thuyết rằng Chúa Giêsu (chữ "IC-XC" trên mặt sau) là Đấng tuyên phong danh hiệu này.[119]
Tự tuyên bố lên ngôi sa hoàng Serbia và Hy Lạp không thông qua hoàng đế và thượng phụ Đông La Mã, Dušan khẳng định tính chính danh và thẩm quyền của mình qua đồng tiền phát hành[94] Tiền thời ấy có độ tinh khiết cao hơn,[111] giá trị cao hơn thời vương quốc. Loại tiền này được chấp nhận nội ngoại thương Serbia Trung cổ.[119]
Một trong những đồng dinar phát hành cuối cùng có hình ảnh sa hoàng trên lưng ngựa, nhấn mạnh vai trò vua như một chiến binh và thắng lợi, chinh phục các vùng đất mới.[111] Vua ngồi trên lưng ngựa là mô típ yêu thích của các triều đại Seljuk, sau này được vua Armenia Hetum I, hoàng đế TrapezunAlexius II và các sa hoàng Bulgaria sử dụng.[120]
Mô típ phổ biến thay vì các vị thánh lại là sa hoàng và sa hậu có thánh giá ở giữa, một biểu tượng Đông La Mã.[120] Sa hoàng Dušan cũng đúc các loại tiền nhẹ hơn khác nhau, chỉ khoảng 0,70 gam.[118]
Dušan phát hành nhiều loại tiền nhưng số lượng có xu hướng giảm liên tục.[117] Tiền thời sa quốc có thể phân loại theo nơi đúc như sau:[121]
Miền bắc, chủ yếu là Rudnik, đặc trưng là dòng chữ Latinh
Miền trung và miền nam Serbia — miền bắc và miền trung Macedonia, chỉ có chữ Kirin
Kotor, nơi đúc đồng dinar giống như đồng gros của Cộng hòa Dubrovnik.[122] Mặt trước là hình Thánh Tryphon bảo trợ thành phố, tay phải cầm cành cọ, tay trái cầm quả cầu thánh giá, dòng chữ "STRIPhON—CAThAREN".[123] Mặt sau là sa hoàng ngồi đội vương miện, khoác áo choàng, ngồi trên ngai, tay cầm quyền trượng hình hoa huệ và quả cầu thánh giá,[122] dòng chữ "STEPhANVS—IMPERATOR".[123] Dinar nặng khoảng 1,64 gam.[122]
Tiền đúc được quy định trong điều 168, 169 và 170 luật Dušan[44] thông qua tại Skopje năm 1349 và điều chỉnh mở rộng tại Nghị viện Ser năm 1354. Đầy là lần đầu tiên trong lịch sử Serbia, tiền được đưa vào khuôn khổ pháp luật.[94] Theo quy định, tiền chỉ có thể được đúc ở các thành phố.[124] Điều 169 ghi rõ làm tiền giả thì người thợ sẽ bị xử tử thiêu sống,[125] thành phố xảy ra việc đúc tiền giả sẽ phải nộp phạt, còn nếu xảy ra tại làng thì cả làng sẽ bị đuổi đi nơi khác.[63]
Đồng dinar còn được các nhà cai trị từng lãnh địa Serbia trung cổ khác cho lưu hành. Trong số đó có Jovan Dragaš, Uglješa Mrnjavčević đúc đồng dinar bạc với hình đại bàng hai đầu ở mặt sau.[126]
Branko Rastislalić
Branko Rastislalić là một trong những lãnh chúa phong kiến đầu tiên đúc tiền riêng từ thập niên 1340. Cùng với hai anh trai, ông là một trong các quân sư cao cấp cho Dušan. Lãnh địa Rastislalić gồm sông Danube với trung tâm chính là Braničevo và Kučevo. Đồng dinar của ông có hình Chúa Giêsu ngự ở mặt trước và mão trụ ở mặt sau, đánh dấu "P-L", khối lượng trung bình 1,31 gam.[127]
Stefan Uroš V
Sau Dušan, con trai là Stefan Uroš V kế vị nhưng không duy trì được quyền lực tập trung. Ban đầu tiền đúc có chất lượng tốt nhưng dần thì dòng chữ rất khó đọc do khuôn đúc kém.[128] Chính sách tiền tệ đầu triều đại mô phỏng giống như thời Dušan. Còn về sau thì giống như việc điều hành quốc gia nói chung, việc quản lý sản xuất tiền này cũng được giao cho người khác.[129]
Tiền đúc của sa hoàng Uroš có thể được phân thành ba nhóm cơ bản:[130]
Miền nam và miền trung:
mặt trước là hình hoàng đế cưỡi ngựa, mặt sau là hình mão trụ, đánh dấu bằng ký hiệu nhỏ "—T" và "T—"[131]
mặt trước là hình hoàng đế ngồi trên ngai, mặt sau là hình mão trụ, đánh dấu bằng ký hiệu "—Т" hoặc "—G" phổ biến hơn[131]
mặt trước là hình Chúa Giêsu ngự trên ngai, mặt sau là hình hoàng đế trên ngai không có tựa lưng, đánh dấu bằng ký hiệu nhỏ "С—" và "—Е"[132]
mặt trước là hình Chúa Giêsu trên thập tự giá, mặt sau là hình hoàng đế và hoàng hậu cầm thánh giá ở giữa.[132]
tiền đúc tại Zvečan, một trong những thành cổ nhất Serbia Trung cổ, mặt trước là hình mão miện với dòng chữ "IMPERATOR-VROSIVS", mặt sau là hình ảnh thành Zvečan: tháp trên cổng thành, nhà thờ thánh George với thập tự, một kiến trúc khác ở bên trái có lẽ là cung vua.[132][133] Dòng chữ trên tiền là "ЗВЕЧАНЬ — ГРАДЬ". Hình ảnh cách điệu thành Zvečan là dấu ấn thường thấy trên con dấu và tiền phương Tây.[133] Ảnh hưởng này có thể đến từ Primorje với những bậc thầy nghề đúc đến từ mỏ Trepča gần đó có mức độ khai thác lên đến đỉnh điểm nửa đầu thế kỷ 15.[134] Số lượng đúc ít, nay chỉ còn sót lại hai đồng dinar.[133]
Miền bắc có thể được chia thành nhiều nhóm chi tiết:[132]
mặt trước là hoàng đế đứng, mặt sau là Chúa Giêsu ngự trên ngai, dấu "С—" và "R—V".[135]
phong cách đơn giản hóa với chữ méo mó.
mặt trước là Chúa Giêsu ngự trên ngai, mặt sau là hoàng đế và hoàng hậu đứng cầm thánh giá kép, dấu "R-V".[135]
mặt trước là Chúa Giêsu ngự trên ngai, mặt sau là mão miện cách điệu.[130]
Thành phố duyên hải Kotor và Ulcinj: Ở Kotor, Uroš tiếp tục đúc tiền của Dusan lúc trước,[136] khác biệt ở dòng chữ "VROSIVS-IMPERATOR" trên mặt sau. Lazar Tomanović gọi tiền đúc tại Kotor là trifunci theo tên Thánh Tryphon.[137]
Tại Kotor còn đúc đồng nửa dinar, một mặt là hình bán thân Thánh Tryphon dưới dòng chữ "SANTVS TRIPhO", mặt kia là hình bán thân sa hoàng Uroš cùng dòng chữ "IMPERAThORAS".[123] Đồng folar được đúc ở Ulcinj có dòng chữ "VROSIVS REX" hoặc "VROSIVS". Ngoài các vùng duyên hải, những đồng tiền này lưu hành ở nhiều nơi khác, đặc biệt là phía đông bán đảo Balkan.[136]
Lãnh chúa địa phương
Sau khi triều đình trung ương suy yếu và tan rã, các lãnh chúa hùng mạnh nhất đã tự độc lập riêng rẽ.[138]
Các tổng đốc kiểm soát mỏ bạc đã thu lợi về mình nhưng lại đúc những đồng tiền kém chất lượng. Do sợ bị quân đội để mắt, lúc đầu họ không dám đúc tiền bằng tên riêng mà ghép tên hoàng đế với tên mình. Số này có thể kể đến nhà Rastislalić, Uglješa Mrnjavčević và vua Vukašin.[129]
Sau khi vua Vukašin không còn thần phục sa hoàng Uroš V khoảng năm 1367, các lãnh chúa khác cũng noi theo. Trong số đó có thân vương Lazar Hrebeljanović và Nikola Altomanović bắt đầu đúc tiền riêng.[138]
Sau khi triều đại Nemanjić chấm dứt năm 1371, các lãnh chúa tiếp tục đúc tiền tuy chất lượng và số lượng lưu thông cũng như mức độ phổ biến không còn được như thời Dušan.[94] Đế quốc Serbia bị chia cắt khiến nhiều lãnh chúa nổi lên, họ đều cố gắng thể hiện có tư cách kế thừa hợp pháp nhà Nemanjić hoặc quan hệ thân thuộc nào đó.[139]
Các lãnh chúa mới nổi tận dụng thời cơ để mở rộng lãnh địa. Năm 1372, nhà Balšić chiếm Prizren, thân vương Lazar Novo Brdo, Vuk Branković chiếm một số vùng ở Kosovo. Marko Mrnjavčević, Jelena Mrnjavčević rồi đến Andreaš Vukašinović, Andrija Gropa, Konstantin Dragaš Dejanović và Vuk Branković bắt đầu đúc tiền và thu nhập đáng kể từ việc này. Nhưng các lãnh chúa phía nam đế quốc Serbia cũ nhanh chóng thần phục Thổ Nhĩ Kỳ và ngưng đúc tiền, nên những đồng tiền này rất hiếm và đều theo mẫu trước đây của vua Vukašin và sa hoàng Uroš.[138]
Sa hậu Jelena
Sau khi sa hoàng Dušan băng hà, sa hậu Jelena (mẹ sa hoàng Uroš) đã cai trị Serres[136] đông nam Macedonia trong khi đế quốc tan rã.[140]
Sau năm 1360, bà lãnh đạo như một lãnh chúa độc lập (despina) và bị Uglješa thâu tóm năm 1365. Trong thời gian trị vì ngắn ngủi, sa hậu Jelena đúc ba loại dinar, chỉ khác nhau ở dòng chữ khắc.[136] Mặt trước là hình sa hoàng Uroš, ngồi trên ngai không tựa, mặt nhìn hướng khác,[141] tay phải cầm quyền trượng thánh giá, tay trái cầm akaki.[142]
Mặt sau một trong ba đồng tiền ấy thể hiện sự cai trị của nữ lãnh chúa duy nhất Serbia Trung cổ: hình sa hậu Jelena đứng, tay phải cầm quyền trượng, tay trái là nhành cây, hai bên đều có hoa.[141]
Khối lượng trung bình đồng dinar Jelena là từ 1,13 đến 0,86 gam.[143]
Vua Vukašin
Vua Vukašin là một trong những lãnh chúa phong kiến quan trọng nhất đương thời. Năm 1365, ông được sa hoàng Uroš phong vương nhưng bắt đầu độc lập từ năm 1367. Quyền lực tập trung tại các thành Prilep, Skopje và Prizren. Xa nhất phía bắc, ông trấn giữ Pristina và Novo Brdo, phía tây là Prizren và phía đông là hồ Poru. Xưởng đúc tiền đặt tại Prizren và có thể cũng có xưởng ở Novi Brdo. Ông phát hành nhiều đồng tiền, có thể chia thành ba nhóm:[144]
Mặt trước là hình vua Vukašin cưỡi ngựa, mặt sau là mão miện với dòng chữ "Vrosius imperator" xung quanh, nhiều khả năng lưu hành giai đoạn 1365-1367.[144]
Mặt trước là hình Chúa Giêsu trên thập tự giá hoặc ngự trên ngai. Mặt sau là vua và hoàng hậu cầm thánh giá ở giữa. Mẫu này rất hiếm, được đúc theo mẫu của sa hoàng Uroš.[144]
Mặt trước là hình Chúa Giêsu, mặt sau nhiều dòng chữ, phỏng theo đồng dinar của sa hoàng Dušan. Đây là đồng tiền chính, lưu hành rộng rãi trên cả lãnh địa, trên tiền đánh dấu nhiều ký hiệu.[144]
Đồng dinar bạc của vua Vukašin và lãnh chúa Uglješa có hình mão miện (biểu trưng nhà Nemanjić) có hình đầu phụ nữ đội vương miện (biểu trưng nhà Mrnjavčević), biểu thị Vukašin thần phục làm chư hầu của Nemanjić.[145] Hình đầu phụ nữ đội vương miện và đeo khuyên tai giống như chân dung vua chúa Serbia trên bích họa thế kỷ 14.[146]
Khối lượng trung bình đồng bạc là 1,15 đến 1,05 gam.[143]
Jelena Mrnjavčević
Vợ vua Vukašin là Jelena Mrnjavčević cũng đúc đồng dinar, mặt trước là hình người cưỡi ngựa tượng trưng cho vua chúa với dòng chữ "КР—ЛЬ",[140] mặt sau là mão miện,[136] hướng sang phải, dòng chữ "'КРAЛHЧA—A ЄЛѢNA". Có thể bà cũng cho đúc đồng dinar khác có dòng chữ mang ý nghĩa "Nữ vương được phước" ở mặt sau.[147]
Jovan Uglješa
Tiền đúc Uglješa có thể được chia thành ba nhóm riêng biệt:[148]
Dinar hình đại bàng hai đầu đầu tiên, đây là đồng tiền lưu hành chính.[148]
Phát hành chung với Vukašin. Năm 1365, Uglješa đúc tiền cùng với anh trai mình là Vukašin, nhân dịp ông tiếp quản quyền nhiếp chính từ sa hậu Jelena với vùng Ser.[149] Mặt trước theo biểu tượng Đông La Mã của sa hoàng Dušan, tay phải cầm quyền trượng, tay trái cầm akaki, dòng chữ "СФ—ЗР".[150] Mặt sau lại phỏng theo kiểu tiền Tây Âu: thánh giá với hoa huệ hai đầu và một ngôi sao ở giữa.[148]
Tiền đúc có dấu chữ lồng viết tắt biểu thị sa hoàng Dušan có lẽ kéo dài đến năm 1368, là khi ông công nhận quyền tối cao của Uroš V. Sau đó, ông chỉ đúc một loại tiền không có dấu ấn vua chúa ở trên. Uglješa đúc tiền ít hơn Vukašin rất nhiều, có lẽ vì lãnh địa của ông không có mỏ bạc dồi dào giống như vùng Rudnik của Vukašin. Ngoài ra, lãnh địa Uglješa bị Thổ Nhĩ Kỳ đô hộ sớm hơn các vùng khác cả một thế kỷ, lại cũng thoát khỏi nền cai trị đó muộn hơn cả thế kỷ nữa nên tiền đúc Uglješa càng dễ dàng bị tiêu hủy nhiều hơn.[149]
Tiền đúc Uglješa vốn trước đây được cho là của Jovan Oliver. Việc định danh lại các đồng tiền này bắt nguồn từ thực tế là tiền được đúc vào thời vua Vukašin khi mà dấu vết Oliver đã không còn nữa, cùng với mẫu mã kiểu dáng và vùng lưu hành tiền tệ chứng tỏ điều này.[136]
Khối lượng trung bình đồng dinar này là 1,1 đến 0,97 gam. Tỷ lệ bạc rất cao, lên tới 98,24%.[143]
Konstantin Dragaš
Konstantin Dragaš Dejanović đồng cai trị với anh trai Jovan Dragaš. Sau khi Jovan qua đời, Konstantin đứng độc lập trong vị thế chư hầu Thổ Nhĩ Kỳ. Ông được ghi nhận đã đúc tiền có hình Chúa Giêsu ngự trên ngai với nhiều dòng chữ, còn duy nhất một đồng được phát hiện ở Skopje. Ngoài ra, ông cũng đúc một loại tiền khác theo mẫu grosso Venize.[151]
Andrija Gropa
Andrija Gropa là một tổng trưởng đến từ Albania. Năm 1377, ông là lãnh chúa độc lập tại Ohrid và cho đúc tiền có hình Chúa Giêsu trên thập tự giá. Dựa vào dòng chữ mặt sau, đồng dinar này chia làm bốn loại.[151] Chữ trên tiền đều là cổ tự Slav cho thấy ông đứng trong hàng ngũ phong kiến của đế quốc Serbia. Một loại tiền chỉ có tên Gropa mà không kèm tước vị tổng trưởng cho thấy ông đã là một quý tộc quan trọng và giàu có ngay trong thời vua Vukašin còn trị vì. Đồng tiền tìm thấy ở Kičevo có thể được đúc vào thập niên 1480, trên đó có dòng chữ "bởi ơn Chúa, đại tổng trưởng Gropa vùng Orhid".[152]
Nikola Altomanović
Khoảng năm 1367, Nikola Altomanović nắm giữ một mỏ bạc và cho đúc tiền riêng. Vào thời điểm đó, ông là lãnh chúa quyền lực nhất khu vực.[151] Ba loại tiền được biết đến. Hai loại tiền đầu tiên giống như của các lãnh chúa khác: loại thứ nhất có hình Chúa Giêsu ngự trên ngai, loại thứ hai là hình Chúa Giêsu trên thập giá, mặt sau đều là nhiều dòng chữ. Loại thứ ba tương tự như đồng dinar Uroš được đánh dấu "S-V" ở mặt sau.[151]
Thân vương Lazar
Thân vương Lazar muốn thừa kế ngôi Nemanjić theo tư cách dòng họ bên vợ là Milica.[153] Ông đã đúc một số loại tiền xu ở Novi Brdo, trên mặt có dòng chữ "Кнез Лазар" (Knez Lazar).[154] Tiền đúc của Lazar có thể được phân thành năm nhóm cơ bản dựa theo biểu tượng trên đó:[155]
Mặt trước có chữ "КНЕЗ ЛАЗАР", mặt sau là hình Chúa Giêsu ngự trên ngai.[155]
Mặt trước là hình thân vương Lazar tay cầm quyền trượng cùng dòng chữ "КНЕЗ ЛАЗАР", mặt sau là hình Chúa Giêsu ngự trên ngai.[155]
Mặt trước là hình thân vương Lazar, mặt sau là hình sừng bò, cả hai mặt đều có dòng chữ "ГОСПОДИНА КНЕЗА ЛАЗАРА".[155]
Mặt trước là hình thân vương Lazar tay cầm quyền trượng và các biến thể của dòng chữ Latinh "CONTE LASAR", mặt sau là hình Chúa Giêsu trong khung hình hạt hạnh nhân (mandorla) hoặc ngự trên ngai.[155] Loại tiền này được cho là đúc sau khi ông qua đời. Có những đồng xu giống như vậy, ghi cả tên hai cha con ông và dòng chữ bằng tiếng Ý vì họ cho phép các thương gia Dubrovnik quản Novo Brdo.[154]
Mặt trước có chữ Latinh, mặt sau là hình mão trụ với sừng bò, gia huy Hrebeljanović.[155]
Sinh thời Lazar, Dubrovnik đều quản lý đúc tiền cùng với cả mẫu khuôn đúc. Biểu tượng hình Lazare có thể đến từ mẫu đúc đồng folar Dubrovnik từ cuối thế kỷ 13 đến năm 1436.[156]
Khối lượng đồng bạc của Lazar giảm dần theo thời gian, những đồng đầu tiên nặng 0,83 gam, trong khi những đồng cuối chỉ nặng 0,54 gam.[143] Ngay khi ông còn trị vì và sau đó, có rất nhiều tiền giả được lưu hành, trong đó một số đồng rất khó nhận ra.[154]
Vuk Branković
Vuk Branković là con trai út tổng đốc OhridBranko Mladenović dưới thời Dušan.[42] Ông nắm nhiều mỏ bạc, chì, kẽm, đồng, sắt và vàng, các mỏ lớn nhất là: Brskovo, Gluhavica, Trepča, Janjevo và Novo Brdo; từ đó cho đúc một lượng lớn các đồng tiền khác nhau.[157]
Chữ viết trên tiền Serbia Trung cổ thường là tiếng Serbia bằng chữ Kirin và tiếng Latinh bằng chữ Latinh.[44] Tên tiền (dinar) không được viết trên đồng xu, ngoại trừ trường hợp Vuk Branković đúc các đồng có chữ "ВЛКОВ ДИНАР" (VLKOV DINAR).[42]
Vuk đúc 17 loại dinar, có thể chia ra làm ba nhóm cơ bản:
Một nhóm được đúc dưới thời là chư hầu của thân vương Lazar, hình mão trụ, khiên và chữ nhiều dòng. Có phiên bản hình ngựa và dòng chữ Kirin.[158]
Một nhóm có hình Chúa Giêsu ngự trên ngai, mặt kia là hình Thánh Stephen đứng cầm cành cọ và Sách Phúc Âm, các đồng trước đó không có mô típ này.[159]. Ngoài ra còn có các phiên bản hình lãnh chúa cầm quyền trượng, giáo hoặc biểu ngữ.[158]
Một mặt có dòng chữ Kirin lồng vào nhau. Trong nhóm cũng có hình Thánh Stephen cầm Sách Phúc Âm và bình xông hương[160] và các hình tượng sư tử và khiên. Những đồng này được đúc vào giai đoạn về sau và nhẹ hơn các đồng lưu hành trước đó.[158]
Lần đầu tiên đồng dinar Serbia có dòng chữ chạy vòng quanh mép. Gia huy được chia thành ba dải chéo song song.[161]
Thời kỳ này cũng có rất nhiều đồng tiền sao chép mẫu đồng dinar của Vuk Branković, tiêu biểu nhất là hình Chúa Giêsu ngự trên ngai và tên lãnh chúa hoặc thành phố.[162]
Thành Skopje
Thành Skopje đúc tiền riêng cho đến khi bị quân Thổ chiếm đóng năm 1392. Có hai loại được lưu hành. Loại thứ nhất số lượng ít, có hình Chúa Giêsu đăng quang và thánh bảo trợ Stephen cầm nến cùng Sách Phúc Âm, mặt sau theo mẫu dinar của Vuk Branković, khác biệt duy nhất là có tên thành phố. Loại thứ hai phổ biến hơn có hình Chúa Giêsu ngự trên ngai và tên thành phố trên hai dòng chữ.[163][164] Mỗi đồng nặng 0,59 gam.[165]
Thành Prizren
Thành Prizren đúc nhiều tiền hơn, từ năm 1378-1396 cho đến khi về tay Vuk Branković. Loại thứ nhất có hình Chúa Giêsu ngự trên ngai lưng tựa cao và hai dòng chữ,[163] mặt sau là tên thành phố "ПРИЗРЕNЬ".[164] Loại tiền phổ biến nhất là biến thể của loại thứ nhất, điểm khác biệt là ngai không có lưng tựa cao. Ngoài ra còn có loại thứ ba với hình Chúa Giêsu đứng trong vầng hào quang mandorla (hình quả hạnh).[163] Loại phổ biển nhất nặng 0,44 gam còn loại thứ ba nặng có 0,38 gam.[165]
Vua Marko
Con trai vua Vukašin là Marko Mrnjavčević cai trị miền tây Macedonia và có nhiều đồng dinar riêng:
Còn một đồng duy nhất nặng 1,10 gam, có hình Chúa Giêsu ngự trên ngai, vua cưỡi ngựa, cầm vương trượng gắn đạo kỳ labarum.[167]
Mặt trước là năm dòng chữ Kirin "ВЬХА/БАБЛГОВ/ѢРНИКР/АЛЬМА/РКО" (vua Marko trung tín trong Chúa Giêsu). Mặt sau là hình Chúa Giêsu ngự trên ngai.[168]
Mặt trước là năm dòng chữ Kirin "ВЬХА/БАБЛГОВ/ѢРНИКР/АЛЬМА/РКО". Mặt sau là hình Chúa Giêsu trong mandorla với các ngôi sao xung quanh.[168]
Mặt trước là bốn dòng chữ Kirin "БЛГО/ВѢРНИ/КРАЛЬ/МАРКО" (vua Marko ngoan đạo). Mặt sau là hình Chúa Giêsu trong một trụ sao.[168]
Còn một đồng duy nhất nặng 0,87 gam, có hình Chúa Giêsu ngự trên ngai, vua đứng cầm vương trượng gắn thánh giá, hình ảnh độc đáo này xuất hiện duy nhất tại Macedonia đương thời. Đây là đợt phát hành cuối cùng của Marko.[167]
Andrijaš Mrnjavčević
Em trai Marko là Andrijaš Mrnjavčević đã đúc đồng dinar rất giống của anh trai mình khoảng thập niên 1380.[166] Ngày nay biết đến hai loại, mặt trước đều có 3 dòng chữ "БЛГО/ВѢРНИ/АНДРЕ/АШЬ", mặt sau
Đurađ Balšić
Sau thời thân vương Lazar, nhân vật quyền lực và đáng kính nhất là Đurađ I Balšić. Sau khi chiếm trung tâm kinh tài trọng yếu Prizren, Đurađ lập xưởng đúc và phát hành tiền lần đầu khoảng giữa năm 1372. Tiền của Đurađ có thể chia thành nhiều loại:[169]
Đồng dinar nặng 1,04 gam, đường kính 18 mm. Một mặt là 4 dòng chữ Kirin là lời Chúa Giêsu, sao chép mẫu của vua Vukašin. Mặt kia là Chúa Giêsu ngự trên ngai có lưng tựa cao, giống với một loại tiền của thân vương Lazar.[169]
Đồng dinar nặng 0,97 gam, đường kính 18 mm. Một mặt giống như loại thứ nhất, chỉ khác về kiểu chữ. Mặt kia là thành huy Raška, mô phỏng theo mẫu của Đušan.[170]
Đồng dinar nặng 1,0 - 1,1 gam, đường kính 18-19 mm. Một mặt cũng theo mẫu 4 dòng chữ Kirin lời Chúa Giêsu. Mặt kia là hình đầu sói, mũ trụ kiểu phương Tây khác với truyền thống Raška và củng cố quyền lực gia tộc. Bên phải là chữ Latinh "G" cách điệu kết hợp với chữ Kirin "Г".[170]
Đồng dinar có 5 dòng chữ Kirin với ý nghĩa Đurađ là lãnh chúa lớn do Chúa chọn. Mặt kia là gia huy có hình đầu sói, giáp trụ kiểu phương Tây. Loại tiền này có thể được đúc sau năm 1374.[170]
Đồng dinar có đường kính 18-19 mm. Một mặt là 5 dòng chữ Kirin lời Chúa Giêsu. Mặt kia là hình đầu sói, mão trụ kiểu phương Tây mới, phía dưới có chữ Kirin "H". Hiện chỉ còn một mẫu duy nhất là 1/3 mảnh một đồng bạc bị cắt lưu giữ trong Bảo tàng Slav tại Osijek.[170]
Đồng dinar nặng 0,7 gam, đường kính 17 mm. Một mặt là 5 dòng chữ Kirin diễn tả ý nghĩa lãnh chúa lớn trong Chúa. Mặt kia là hình đầu sói và mão trụ, phía dưới là chữ Latinh "N". Trên tiền cũng có chữ Latinh "G" cách điệu kết hợp với chữ Kirin "Г".[170]
Balša II Balšić
Đurađ qua đời, em trai là Balša II Balšić kế vị, mở rộng lãnh địa về phía nam hướng Primorje-Berat và Vlorë. Năm 1385, ông sáp nhập Durrës rồi tử trận khi giao tranh với quân Thổ. Ông đúc đồng tiền với mặt trước là thánh Stephen bảo trợ thành Shkodër, mặt sau là gia huy hình đầu sư tử.[171] Tiền Balšić thay chữ Kirin bằng chữ Latinh, trở thành thông lệ về sau.[172]
Đurađ II Stracimirović
Sau khi Balša II qua đời, Đurađ II Stracimirović trở thành người đứng đầu nhà Balšić. Ông đúc được hai loại tiền. Loại thứ nhất có hình thánh bảo trợ Stephen và được đúc ở Shkodër đến năm 1391 khi rơi vào tay Konstantin Balšić.[173] Tiền có dấu chữ "P-L" và nặng 1,16 gam.[174]
Loại thứ hai mặt trước có hình thánh Lavrentija bảo hộ nhà Balšić, có thể đúc ở Bar.[173] Dòng chữ trên mặt trước là "SLAVRENCIVS M", còn mặt sau là gia huy Balšić với dòng chữ "M D GEORGI S—TRACIMIR".[175] Loại tiền này nặng trung bình 1,08 gam.[174]
Balša III Balšić
Balša III Balšić học theo đời trước đúc 3 đồng gross với hình thánh Lavrentija ở mặt trước và gia huy ở mặt sau. Khác biệt là dùng chữ Kirin, loại thứ nhất có mã dấu "—м". Khối lượng trung bình là 1,04 và 1,05 gam.[176] Xưởng đúc tiền không được đặt tại lãnh địa nhà như trước mà ở xa hơn và giữ vai trò quan trọng đáng kể.[174]
Do không có con hay cháu trai, Balša III truyền lại lãnh địa cho Stefan Lazarević.[173]
Konstantin Balšić
Konstantin Balšić cai trị Shkodër và vùng phụ cận trong tư cách vua chư hầu của sultan Bayezid. Đồng tiền Konstantin có hình vua ngồi trên ngai với dòng chữ "Rex Constantinvs".[173] Đồng tiền này khác biệt với các đồng khác của nhà Balšić, nặng trung bình 1,21 gam.[176]
Cộng hòa Dubrovnik
Dubrovnik cùng Balkan có hoạt động giao thương sôi nổi hiệu quả trong nhiều thế kỷ. Dubrovnik bắt đầu đúc tiền riêng từ cuối thế kỷ 13, duy trì cho đến khi cáo chung năm 1803.[177]
Tài liệu lâu đời nhất ghi chép về hoạt động đúc tiền thường xuyên của Dubrovnik là từ năm 1337. Không những vậy, Dubrovnik còn chế tạo khuôn đúc và công cụ để bán cho các nước, các thành khác.[178]
Dubrovnik đúc đồng dinar đầu tiên có tới 47 đồng tiền khác.[178] Những đồng đầu tiên năm 1337 nặng trung bình 1,951 gam với hàm lượng bạc 91,667%, đến năm 1626 nặng có 0,642 gam với 80% bạc.[179]
Đồng dinar Dubrovnik lấy theo mẫu đồng ducat Venezia, một mặt có hình Chúa Giêsu trong mandorla.[180]
Bên cạnh đó, Dubronik còn đúc đồng poludinar (9 loại), đồng dinarić (8 loại).[178]
Đồng poludinar đúc từ năm 1370. Một mặt là hình mặt Chúa Giêsu, mặt kia là mặt thánh Blaise với mũ giám mục.[156]
Đồng dinar và dinarić của Dubrovnik có giá trị không thay đổi so với các loại tiền khác mà nước cộng hòa từng lưu hành: bằng 30 follaro, và một perperi bằng 12 dinar (dinarić).[179]
Bosna
Sau khi chiếm Hum khoảng thập niên 1330, banStefan II Kotromanić bắt đầu khai thác mỏ ở Bosna và đúc tiền riêng. Ngày nay còn giữ được lượng lớn các đồng dinar của ông. Tiền dựa theo mẫu và cách thức của Venezia, Serbia và Dubrovnik.[181] Tiền không có họa tiết gia huy, mặt trước là hình ban đứng hoặc ngồi trên ngai, mặt sau là Chúa Giêsu ngự trên ngai.[182]
BanStefan Tvrtko I Kotromanić là cháu gọi Stefan II Kotromanić bằng chú cũng học theo cách đó và đúc đồng dinar riêng. Từ năm 1365, ông nhận được khuôn đúc mới từ Dubrovnik do Hội đồng (tiếng Latinh: Consilium Rogatorum) chấp thuận. Khuôn đúc có một mặt là hình thanh kiếm, mặt kia là hình Chúa Giêsu. Các đồng dinar này về kiểu dáng lẫn trọng lượng đều tương đương với đồng Dubrovnik nên cũng ngang giá, khối lượng 0,64-1,85 gam, bằng 6 đồng soldat và 30 đồng minca.[182]
Hiện chưa rõ liệu Tvrtko có tiếp tục đúc tiền sau khi lên ngôi vua năm 1377 hay không. Chỉ chắc chắn rằng sau khi ông qua đời năm 1391 thì việc đúc tiền bị gián đoạn, có thể do tình hình bất ổn, thay vua đổi tướng liên tục.[183]
Năm 1436, vua Stefan Tvrtko II Kotromanić bắt đầu đúc các đồng tiền riêng là groš, dinar và poludinar. Mặt trước là hình mão miện, chữ "Т" (tên vua) và dòng chữ "dni regis Bosne". Mặt sau là Thánh bảo trợ Grigorije Bogoslov.[183]
Nửa đầu thế kỷ 15, việc Bosna đúc tiền gây bất lợi cho Cộng hòa Dubrovnik. Mỗi lần phát hành đều gây phản ứng dữ dội, thương gia Dubrovnik bỏ đi hoặc đòi hỏi ngừng đúc tiền, họ cố gắng biến tiền Dubrovnik là đồng tiền lưu hành duy nhất trên lãnh thổ Bosna.[184]
Các depost
Việc Serbia tan rã tạo điều kiện cho Ottoman thâm nhập vào trung tâm Balkan, sau khi thân vương Lazar qua đời tại Kosovo Polje năm 1389.[185]
Bạc lên giá khuyến khích khai thác cả các mỏ nhỏ hơn. Cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15 chứng kiến số mỏ bạc được đưa khai thác đạt đến đỉnh điểm:[52]
Podrinje: Crnča (1367), Zajača (1412), Bohorin và Krupanj (1415)
Mỏ: Selac và Rudište gần Beograd
Các xưởng đúc tiền chính thời depost đặt gần các mỏ ở Breskovo, Rudnik, Novi Brdo, Trepča, Koporići, Plana, Srebrnica và Rudisti, cũng như ở khu đô thị Skopje, Prizren, Zvečan, Ohrid, Pristina, Shkodër, Bar, Smederevo, các thành tự quản Kotor và Ulcinj.[186]
Những mỏ mới mở này đã giúp các depostnâng được vị thế tiền tệ Serbia. Đồng tiền nặng hơn, chất lượng và có giá trị lưu thông lớn.[94]
Không những vậy, xưởng đúc tiền cũng được lập tịa các thành phố lớn là trung tâm kinh tế, văn hóa và tôn giáo. Thời depost cho lập xưởng đúc đầu tiên tại Rudnik. Khoảng năm 1430 ra đời xưởng đúc quan trọng nhất ở Smederevo, cũng là thời điểm depost Đurađ Branković xây pháo đài và cung điện. Đồng tiền có tên thành phố bằng chữ Kirin, viết tắt hoặc đầy đủ. Các xưởng đúc khác là ở Novi Brdo và Srebrnica.[187]
Vào thời despot, những công dân đáng kính Dubrovnik là người chuyên thuê xưởng đúc, họ cũng thường cùng nhau tham gia hiệp hội thương mại chung.[186]
Tiền xu thời Stefan Lazarević và người kế vị despot là Đurađ Branković rất phổ biến trên lãnh thổ Belgrad.[188] Tiền đúc thời despot có trọng lượng nhỏ nhất. Ngày nay, loại tiền này được gọi là obola và còn được phổ biến với cái tên maljušniki.[189]
Một lượng lớn các loại tiền xu đã được đúc, trên đó là sự kết hợp nhiều mẫu biểu tượng khác nhau. Vào giai đoạn đầu, đa số tiền có hình Chúa Giêsu trong mandorla phỏng theo mẫu tiền Dubrovnik, rồi dần chuyển sang những hình ảnh thế tục theo tiền Trung Âu.[190]
Khối lượng tiền thời despot dao động từ 0,15 đến 1,40 gam. Đồng tiền cơ bản tại Serbia là dinar được lưu hành đồng thời đồng gros, sequin, perperi và ducat của Venezia, rồi đồng bạc Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng trở nên phổ biến.[191]
Stefan Lazarević
Stefan Lazarević (hoàng thân 1389—1402, despot 1402—1427) nhận tước despot từ hoàng đế Đông La Mã.[88] Năm 1403/4, ông chuyển kinh đô tới Beograd là thành được Sigismund của Hungary ban cho.[192][188]
Tiền của Stefan Lazarević có thể được chia thành ba giai đoạn. Khi chưa lên ngôi, công nương Milica thỏa thuận với chính quyền Novi Brdo về việc đúc tiền dùng tiếng Ý. Mặt sau có dòng chữ "conte Stefano". Giai đoạn thứ hai, kéo dài đến khi giảng hòa với Đurađ Branković, tiền chính thức có chất lượng kém nhất từng đúc ở Raš. Giai đoạn thứ ba ổn định nên tiền đúc đẹp và đa dạng nhiều loại.[193]
Chỉ một đợt phát hành là trên mặt sau có hình thánh Stephen và mặt trước là biểu trưng mão trụ hai sừng bò của Lazarević.[160]
Thời hoàng thân Stefan, tiền có khối lượng từ 0,73 đến 0,42 gam. Thời đầu thì mặt trước là hình Chúa Giêsu trong mandorla, mặt sau là mão miện hai sừng bò. Về sau thì mặt trước là hình đầu Chúa Giêsu và vị despot đứng cầm quyền trượng.[194]
Sau khi nhận tước despot, Stefan tiến hành cải cách tiền tệ từ năm 1402 đến năm 1407.[195] Các nơi thi hành không đồng nhất nên đồng dinar dao động từ 1,22 đến 0,82 gam. Ngoài ra, cải cách còn đưa ra đồng obol giá trị nhỏ để tiêu dùng hàng ngày, khối lượng từ 0,42 đến 0,29 gam, cùng đồng poludinar nặng khoảng 0,51 gam.[196] Thời despot của Stefan, đồng dinar lưu hành chính có nhiều dòng chữ, in hình viên cai trị đứng cầm một trong các biểu trưng thể hiện thẩm quyền.[194]
Stefan Lazarevic đúc nhiều loại tiền nhưng số lượng ít.[190] Chỉ còn số lượng ít các mẫu tiền cả ba giai đoạn còn lại đến ngày nay. Hai giai đoạn đầu do kiểm soát yếu kém nên cũng có rất nhiều tiền giả.[193]
Ngoài xưởng đúc tiền ở Serbia, ông còn nắm giữ Nađbanji (Baia Mare ngày nay) ở Hungary (România ngày nay), nơi có xưởng đúc Stephanus Remetei đặc trưng với dấu hiệu chữ cái đầu "n-S". Sau khi ông qua đời, xưởng này về tay Đurđ Branković.[194]
Ngày 19 tháng 1 năm 1412, tòa Nekudim thông qua luật Mỏ[197] quy định quyền đúc tiền và hình phạt đối với tội làm tiền giả.[125] Luật này áp dụng trực tiếp cho mỏ bạc tại Novi Brdo trong hàng thế kỷ.[197] Theo đó, những kẻ làm tiền giả sẽ bị phạt tiền và chặt tay.[51] Luật còn đề cập đến tư cách pháp lý của chủ khai thác mỏ, thẩm quyền chuyển nhượng thừa kế, tranh chấp, cùng chi tiết các thủ tục tố tụng tại Brdo.[198]
Đurađ Branković
Đurađ Branković đúc tiền trong nửa thế kỷ cai trị, lúc đầu là tư cách lãnh chúa (1403 - 1427) thừa hưởng những lãnh địa từ cha là Vuk Brankovics, rồi là despot (1427 - 1456) sau khi Stefan Lazarevic qua đời cũng như thỏa thuận với Hungary.[199] Nhờ cải cách tiền tệ và trữ lượng mỏ dồi dào xuất cả sang các vùng lân bang, ông là một trong những nhà cai trị giàu có nhất đương thời. Đường kính tiền đúc nhỏ hơn, trên tiền là chữ nhiều dòng. Hình ảnh Đurađ trên tiền có phong cách thực tế, như thể được vẽ chứ không giống như dạng hình tượng thông thường cho đến thời điểm ấy.[94]
Khi còn là lãnh chúa cùng thời thân vương Lazar, ông đã đúc những đồng dinar mặt trước có hình Chúa Giêsu mặt sau là tên hai người trên nhiều dòng.[200] Đến nay đã phát hiện bảy loại tiền gồm 6 đồng dinar cùng 1 loại obole. Các đồng dinar mặt trước đều là hình Chúa Giêsu trong mandorla, mặt sau gồm:
sư tử
đầu Đurađ. Đây cũng là bức chân dung chân thực nhất và duy nhất về một thống lĩnh thời Trung cổ của Serbia. Chân dung có gíc nhìn chính diện, tóc bao xung quanh hình xoắn ốc, để ria mép và bộ râu dày rẽ ngôi giữa. Mặt trước thuôn dài, trán cao, gò má cao, mắt to, mũi đều và môi dầy. Thợ cắt khuôn để đúc đồng tiền này có thể đến từ Dubrovnik.[201]
hoa huệ đứng riêng lần đầu, biểu tượng cho sự thuần khiết Đức Trinh Nữ trên tiền Serbia.[202]
Đồng obola mặt trước có hình đầu Chúa Giêsu, mặt sau là chữ nhiều dòng.[203]
Sau khi Đurađ trở thành despot, sản lượng tiền tệ tăng lên đáng kể. Trước khi cải cách tiền tệ (1427-1435), đã có đến 11 loại tiền, mặt trước là hình ảnh Chúa Giêsu đặc trưng, mặt sau có hình sư tử.[199]
Khoảng năm 1435, ông cải cách tiền tệ triệt để, tổ chức lại hệ thống đúc tiền. Tiền đúc nhỏ nhưng dày hơn, dinar nặng 1,10-0,77 gam còn obole nặng 0,35-0,20 gam. Họa tiết thay đổi: mặt sau là hình sư tử, mặt trước có hình Đurađ thay cho Chúa Giêsu.[204]
Hình Đurađ thường ngồi trên ngai, tay cầm quyền trượng. Cũng giống như các despot trước đó, tiền khắc họa gia huy Branković là hình sư tử quay sang trái, đuôi dựng và giơ chân trái lên.[187]
Những đợt phát hành cuối ghi cả tên địa điểm đúc tiền: Smederevo, Novo Brdo, Rudnik và Rudišta.[204]
Ngoài những đồng tiền riêng, Đurađ còn đúc chung với những lãnh chúa khác. Đồng tiền lưu hành chung với vua Bosna Stefan Tomaš Ostojić Kotromanić có hình vương miện và dòng chữ Latinh ở một mặt, mặt kia là hình sư tử và dòng chữ Kirin.[187] Đồng tiền này nặng 1,17 gam, ra đời là kết quả thỏa thuận phân chia lợi nhuận xưởng đúc Srebrnica sau khi vua Bosna chiếm được năm 1446. Thỏa thuận có giá trị đến năm 1448.[205]
Ông cũng đúc tiền với phó vương Hungary Hunyadi János, có hai loại được biết đến ngày nay:
Mặt trước, despot ngồi hoặc đứng cạnh ngai vàng, mặt sau là tấm khiên chia làm 4 phần, phần 1 và phần 4 gồm các dải ngang, phần 2 có hình chữ thập kép, phần 3 là con quạ,[206] biểu trưng nhà Hunyadi.[187] Các nhà nghiên cứu tiền tệ Hungary cho rằng loại tiền này được đúc năm 1451, nhân dịp lễ đính hôn của cháu gái Đurađ Jelisaveta Celjska và Mátyás Corvin. Tiền nặng 0,7 gam.[206]
Mặt trước là despot đứng, mặt sau là tấm khiên chia 4, phần 1 và phần 4 có hình sư tử là biểu tượng nhà Branković, phần 2 và 3 có hình chim quạ. Đồng tiền được lưu hành nhân dịp hôn lễ Nó được phát sóng nhân dịp đám cưới của Jelena Kantakuzin và Mátyás Corvin. Đồng tiền nặng 0,77 gam.[206]
Giai đoạn cuối, Đurađ cùng đúc tiền với con trai mình là Lazar. Năm 1456, Đurađ qua đời, Lazar tự đúc loạt đồng nhỏ hơn theo mẫu của cha và người anh Stefan.[191]
Lazar Branković
Lazar Branković là despot Serbia cuối cùng đúc tiền thời Trung Cổ, theo mẫu tiền của cha mình, hiện biết đến hai loại: dinar và obol. Mặt sau đồng dinar là hình ảnh despot ngồi trên ngai không có lưng tựa, chữ Kirin và sư tử nhìn về phía trái. Mặt trước có chữ Kirin và vương miện hoa huệ. Điểm khác biệt với tiền của Đurađ ở chỗ vương miện nằm giữa, các chữ bao quanh. Tiền được đúc ở Smederevo.[207] Đồng dinar nặng từ 0,99 đến 0,88 gam và obol là khoảng 0,22 gam.[196]
Ivaniš Pavlović
Công tước Ivaniš Pavlović là lãnh chúa phong kiến duy nhất vào thời despot Serbia đúc tiền tại xưởng Rudište. Mặt trước là tên và tước vị, mặt sau là tên nơi đúc và hình ảnh sư tử đang bước đi.[208] Tiền nặng trung bình 0,88 gam.[206]
Kho tiền Serbia Trung cổ
Hiện nay phát hiện được khoảng một trăm loại tiền Serbia Trung cổ. Nhiều nhất là tại Kosovo, nơi tìm thấy hàng ngàn đồng. Những nơi khác thì từ vài đến vài trăm đồng. Tổng lượng tiền trung cổ là 40-50 nghìn đồng, chỉ là một phần so với lượng tiền La Mã.[49]
Các kho lưu trữ tiền Serbia được phát hiện tại Ý, Hy Lạp, Bulgaria, România và Hungary, điều này cho thấy mức độ lưu thông rộng rãi.[49]
Tiền giấy
Trên lãnh thổ Serbia ngày nay, loại tiền giấy đầu tiên, chính xác hơn là kiều hối, xuất hiện năm 1848 ở Vojvodina, Sremski Karlovici và Subotica.
Thân vương quốc Serbia
Tiền giấy đầu tiên ở Thân vương quốc Serbia được in tại Văn phòng In ấn Nhà nước Beograd năm 1876 phục vụ cho kho bạc nhưng không được đưa vào lưu thông.[19]
Số tiền danh nghĩa dự định là 24 triệu dinar nhưng không có vàng bạc hay đảm bảo, mà là khoản vay theo kế hoạch để chuẩn bị chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng cuối cùng không vay được nên tiền không được lưu thông.[209]
Các mệnh giá được in là 1, 5, 10, 50 và 100 dinar, mỗi mẫu 1.500 tờ.[19] Bản in thử để kiểm tra máy móc và công nghệ in tiền nên tờ 1 dinar chỉ có một mặt.[210] Người ta cho rằng mẫu 5 dinar do họa sĩ thi sĩ Đura Jakšić vẽ, còn mẫu 10 dinar là của họa sĩ Đorđe Krstić. Trên tất cả giấy bạc đều có chân dung thân vương Milan Obrenović và quốc huy Thân vương quốc Serbia. Tiền có nhiều họa tiết trang trí, mặt kia là chân dung hoàng thân Miloš Obrenović, công nương Ljubica và con trai Mihailo Obrenović.[211] Ngoài ra, còn có mô típ cô gái mặc trang phục dân tộc cầm liềm và bó lúa, hay người lính Serbia cầm súng, trong các tư thế khác nhau. Trên tờ 100 dinar là hình ảnh thân vương Mihailo tay cầm sách cũng như hình ảnh mang tính biểu tượng của cuộc nổi dậy Serbia thứ nhì là thân vương Miloš cầm cờ với dân chúng vây quanh.[19][212]
Tất cả giấy bạc đều dùng giấy trắng, màu sắc chủ đạo là lam nhạt. Chữ viết dùng chữ Kirin, ngoại trừ tên thợ khắc bản L. Duval viết bằng chữ Latinh. Tiền giấy có ghi ngày 1 tháng 7 năm 1876, nơi in Beograd cùng với chữ ký đại diện kho bạc nhà nước Živanović.[211]
Những giấy bạc này rất hiếm và được các nhà sưu tập yêu thích.[210] Ngân hàng quốc gia Vương quốc Serbia có thẩm quyền thực sự được thành lập ngày 2 tháng 7 năm 1884, tạo ra điều kiện cho việc phát hành giấy bạc.[213]
Vương quốc Serbia
Serbia vẫn tiếp tục sử dụng tiền nước ngoài cho đến khi thành lập Ngân hàng Quốc gia.[214] Cho đến thời điểm đó, quốc nội Serbia chỉ thực hiện thanh toán bằng tiền xu, chỉ những giao dịch với nước ngoài mới dùng đến giấy bạc ngoại quốc. Ngân hàng Quốc gia Serbia thành lập ngày 2 tháng 7 năm 1884 là tiền đề cho việc phát hành tiền giấy.[215] Serbia cũng không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên Ngân hàng quyết định mời chuyên gia nước ngoài và gửi yêu cầu tới Ngân hàng Nhân dân Bỉ được coi là một trong những ngân hàng có việc phát hành tiến giấy tổ chức tốt nhất khi ấy. Ngân hàng Bỉ đã gửi quản lý kế toán Charles Boschman đến.[216] Vì hoạt động của Ngân hàng Quốc gia bắt đầu phụ thuộc vào việc phát hành những đồng tiền đầu tiên nên Bosman đảm bảo với ngân hàng Bỉ chuyển cho Serbia 100 franc làm mẫu dự trữ.[217] Bộ trưởng Tài chính đã yêu cầu chủ tịch Hội Mỹ thuật Beograd Stefan Katchenski thông tin cho các họa sĩ thiết kế biểu tượng Serbia thay cho mẫu trên giấy bạc Bỉ. Ngân hàng Quốc gia đã nhận được sáu bản vẽ nhưng không rõ tác giả cũng như cuối cùng đề xuất của ai được chấp nhận.[19]
Ngay năm thành lập, ngân hàng đã phát hành tờ 100 dinar, dùng vàng đảm bảo và được in tại Bruxelles, Bỉ.[215]
Tờ tiền có kích thước 185×108 mm, giấy trắng với màu chính là ô liu đậm. Mặt trước, ngoại trừ tên thợ khắc, tất cả đều viết bằng chữ Kirin. Mặt sau lại dùng tiếng Pháp.[217] Có thể Serbia dùng cả hai thứ tiếng và chữ cái để có được tin cậy và vị thế với ngoại quốc.[19]
Tờ 100 dinar đầu tiên này có giá trị tương đương với 100 franc Pháp, Thụy Sĩ và Bỉ, được trao đổi ngang giá tại các nước này khi ấy.[215] Giá trị của tiền không giảm nhiều, ngay cả trong Thế chiến thứ nhất vẫn tương đương 88 franc trên thị trường.[218] Dù chỉ là giấy bạc tạm thời[217] nhưng phải đến 5 tháng 2 năm 1921 mới hết hạn, và vẫn lưu hành thực tế cho đến Thế chiến thứ nhất.[219] Tổng cộng 50.000 tờ được đưa vào lưu hành, không ghi nhận tờ tiền này bị làm giả.[217]
Với giấy bạc 50 dinar, Ngân hàng phát động cuộc thi theo tinh thần lấy mẫu chủ đạo của các ngân hàng châu Âu đã có, bổ sung các chi tiết đời sống người Serb (đặc biệt người lao động). Trong số 10 bức vẽ đề xuất trong và ngoài nước, tác phẩm của họa sĩ Đorđe Krstić đã được thông qua.[19] Tiền được in tại Brussels,[220] bề mặt phủ vàng.[221] Tờ tiền được đưa vào lưu hành ngày 8 tháng 2 năm 1885.[217] Kích thước 157×95 mm, màu cơ bản xanh ô liu trên chất liệu giấy trắng. Cũng giống như tờ 100 dinar, mặt sau viết bằng tiếng Pháp. Số liệu Ngân hàng Quốc gia cho biết 20.000 tờ 50 dinar với tổng giá trị 1 triệu dinar đã được đưa vào lưu thông, dưới dạng tiền giấy tạm thời. Hiện không rõ các mẫu specimen cho đợt phát hành đầu tiên còn được lưu giữ không. Đợt phát hành thứ hai là ngày 1 tháng 3 năm 1886 nhưng bị thu hồi một năm sau đó vì chất lượng kém, tuy vậy giá trị lưu hành đến tận 11 tháng 12 năm 1920.[220]
Sai lầm lớn khị phát hành mệnh giá lớn (bản vị vàng) chỉ phù hợp với giao dịch ngoại thương quy mô lớn, trong khi thị trường trong nước cần mệnh giá nhỏ hơn cùng với tiền xu bằng bạc. Đang quen với tiền kim loại, người dân chủ yếu đổi tiền giấy lấy vàng, làm ngân hàng cạn vốn.[222] Tiền giấy được dùng giải ngân các khoản tín dụng và khoản vay đã được phê duyệt, việc đổi lấy vàng cũng được thực hiện ngay lập tức tại ngân hàng, như vậy thậm chí tiền giấy còn chưa kịp ra khỏi ngân hàng.[217]
Chiến tranh với Bulgaria năm 1885 gây ra tình trạng thiếu tiền trầm trọng, chính phủ Milutin Garašanin đã ủy quyền cho ngân hàng phát hành tiền giấy tạm thời mệnh giá 10 dinar, đảm bảo bằng bạc.[222] Tiền được thiết kế theo mẫu 10 dinar năm 1876 của họa sĩ Đorđe Krstić,[19] nhưng không biết ai đã thực hiện những thay đổi cần thiết phần chữ viết. Giấy in tiền dự kiến năm 1876 cũng được trưng dụng.[223] Trên tiền có ghi ngày 1 tháng 11 năm 1885. Tiền được in tại Nhà in Quốc gia Beograd, tổng lượng phát hành là 800.000 tờ.[221]
Mặt trước viết bằng tiếng Serb chữ Kirin, mặt sau bằng tiếng Pháp. Chính giữa phần trên mặt trước là hình vẽ bán thân vua Milan Obrenović, chính giữa phần dưới là quốc huy Vương quốc Serbia bên dưới có đóng khung số "10". Bên trái là hình vẽ người phụ nữ mặc trang phục dân tộc cầm liềm vác bó lúa, bên phải là người lính Serbia cầm súng trường. Bên dưới người phụ nữ là khung oval với dòng chữ "Luật 23 tháng 9 năm 1885". Tờ tiền có dấu của Thống đốc Filip Hristić và một thành viên Hội đồng quản trị, số sêri (lần phát hành đầu là 2 chữ số, các lần sau là một chữ cái Kirin ở trước hai chữ số), cũng như số thứ tự trong sêri. Việc thêm dấu và số sêri được thực hiện ngay trong ngân hàng.[223]
Mặt sau có hình vẽ bán thân thân vương Miloš Obrenović, ở giữa phần dưới có hình vẽ bán thân công nương Ljubica. Bên trái là hình bán thân Mihailo Obrenović, còn bên phải là hình bán thân Milan Obrenović. Các hình vẽ đều được đóng khung và kết nối với nhau bằng họa tiết trang trí. Phần dưới là mệnh giá tờ tiền.[223]
Dân chúng chấp nhận tờ 10 dinar năm 1885 này và không đổi lấy bạc mà dùng trong giao dịch hàng ngày. Tiền có đủ trong lưu thông và trở thành vật trao đổi. [224] Tờ tiền này được gọi rộng rãi là "banka" (ngân hàng), và trở thành tên gọi dành riêng cho tiền giấy 10 dinar, chứ không dùng cho các loại tiền khác, kể cả đồng xu 10 dinar ngang giá.[221] Tờ 10 dinar năm 1885 bị rút khỏi lưu thông ngày 1 tháng 3 năm 1894 và mất giá trị pháp lý ngày 29 tháng 6 năm 1899. Tiền thu hồi đã bị thiêu hủy.[223]
Ngay khi tờ 10 dinar năm 1885 được đưa vào lưu hành, Ngân hàng đã chuẩn bị cho lần phát hành thứ hai. Lần này Ngân hàng Pháp (tiếng Pháp: Banque de France - BdF) được chọn để thực thi vì có kỹ thuật chứng tỏ có thể chống giả mạo. Giấy tiền hơi vàng với màu xanh lam. Đây là giấy bạc đầu tiên của Serbia có dữ liệu kỹ thuật và công khai trên Công báo Serbia. Kích thước tờ tiền là 14x9,5 cm và có hình chìm đầu phụ nữ kiểu Hy Lạp. Tờ tiền có chữ ký Thống đốc Filip Hristić và ghi ngày 14 tháng 1 năm 1887. Tờ 10 dinar năm 1887 này bị thu hồi năm 1892 nhưng vẫn có giá trị cho đến ngày 3 tháng 9 năm 1921. Một số vụ giả mạo nghiêm trọng tờ tiền năm 1887 này đã được phát hiện và ghi nhận lại.[225]
Ngân hàng Pháp cũng in tờ 10 dinar cho lần phát hành thứ ba năm 1893 và là tờ tiền đẹp nhất so với hai bản cùng loại. Có cùng tác giả với tờ năm 1887, đợt in này là để dự phòng và chỉ phát hành 15 năm sau đó (1908). Tiền giấy màu vàng với màu xanh và đỏ, kích thước 13,9x8,4 cm. Tiền có hình ảnh mang tính nghệ thuật cao lần đầu tiên khắc họa rõ nét bản sắc dân tộc.[218] Tiền ghi ngày 2 tháng 1 năm 1893 cùng với chữ ký thống đốc Đorđe Weifert. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, dân Serb tị nạn tại Paris và Zürich vẫn dùng để trao đổi với franc Pháp và franc Thụy Sĩ bằng tỷ giá ổn định. Quyết định thu hồi được công bố ngày 19 tháng 7 năm 1928 và chính thức mất giá trị ngày 31 tháng 3 năm 1934.[226]
Luật Ngân hàng Quốc gia sửa đổi năm 1893 cho phép tiền giấy mệnh giá nhỏ vẫn đảm bảo được bằng vàng. Năm 1892-1905, tờ 20 dinar vàng đã được chuẩn bị và giao cho ngân hàng Pháp dựa trên thiết kế các họa sĩ Serbia không rõ danh tính. Quá trình này kéo dài đến cuối năm 1906. Tờ tiền ghi tên người vẽ phác thảo Georges Divall,[227] còn thợ khắc ván in là Auguste Thévenen.[228] Tiền được in trên giấy trắng có phủ lưới vàng, trên mặt đề ngày 5 tháng 1 năm 1905 và có hình chìm đầu người phụ nữ đội vòng nguyệt quế, cùng chữ ký Thống đốc Tihomilj J. Marković. Lượng tiền không được phát hành toàn bộ. Sau Thế chiến thứ nhất, trong kho Ngân hàng Quốc gia còn lại số tiền tới 14,3 triệu, chỉ có 4,3 triệu được lưu thông. Tờ này dần bị thu hồi cho đến năm 1934[227] là thời điểm hết hạn.[219]
Tờ 100 dinar đảm bảo bằng bạc sẵn sàng từ ngày 5 tháng 1 1905 và được lưu hành lần đầu năm 1907 rồi tiếp tục phát hành quanh Thế chiến thứ nhất. Tiền có chữ ký Thống đốc Tihomilj J. Marković, tên họa sĩ Dival. Hình chìm là biểu tượng đầu thần Mercury. Hình vẽ trên tiền là tranh toàn cảnh Beograd nhìn từ Sava. Thời hạn lưu hành đến 2 tháng 7 năm 1938 rồi sau đó có thể bị thay thế.[219][229]
Dù suy yếu sau các cuộc chiến tranh Balkan cộng với vị thế nước nghèo, Serbia lại có có nền kinh tế cân bằng, thặng dư ngân sách và đồng tiền ổn định. Ngay cả trước tối hậu thư của Áo-Hung năm 1914, Bộ trưởng Bộ Tài chính Lazar Paču đề xuất chuyển vàng bạc của Ngân hàng Quốc gia đến nơi an toàn. Ngày 10 tháng 7 năm 1914, vàng bạc, tiền giấy được chuyển từ Beograd đến Kruševac, sau đó qua Thessaloniki, chuyển tiếp bằng tàu tới Marseille là nơi đặt trụ sở chính của Ngân hàng Quốc gia Serbia trong chiến tranh. Lượng vàng chuyển đi là 57 triệu dinar, dùng để bảm bảo việc phát hành tiền giấy trong Thế chiến thứ nhất. Những người Serbia lưu vong được phép đổi tiền với tỷ giá 100 dinar lấy 88 franc trong một hạn mức nhất định.[230]
Khi Ngân hàng Quốc gia Serbia cố gắng duy trì độ tin cậy về giá trị đồng dinar thông qua chính sách phát hành tốt, ngay cả trong Thế chiến thứ nhất, thì lại phải đối mặt với vấn đề không đủ tiền trong lưu thông.[231]
Giấy bạc thời chiến 50 dinar được phát hành lần đầu ngày 25 tháng 3 năm 1915 tại Paris, do họa sĩ Beta Vukanović thực hiện. Tổng cộng phát hành 1.025.000 tờ và không ghi nhận tờ tiền giả nào.[232] Tiền màu tím đậm có kích thước 158×89 mm. Mặt trước sử dụng chữ Kirin còn mặt sau bằng tiếng Pháp. Trên tiền có ghi Luật 23 tháng 9 năm 1885 thay vì Luật 31 tháng 3 năm 1904 là cơ sở pháp lý để phát hành tiền giấy cũng như luật hình sự liên quan.[233] Thêm nữa, do làm vội, màu sắc tiền xấu và có nhiều sai sót trong chữ viết,[234] Dân chúng lên tiếng phản đối rất nhiều, do tiền xấu quá nên bị họ gọi là "hóa đơn chiến tranh" hay "bệnh nốt"; nên Ngân hàng Quốc gia Serbia phải dừng đưa vào lưu thông và thu hồi ngay trong năm ấy.[19] Song đến nay, tờ tiền này được xếp vào hàng những tờ tiền Serbia giá trị nhất để sưu tầm.[234]
Ngân hàng Quốc gia Vương quốc Serbia phát hành tờ tiền giấy cuối cùng có mệnh giá 5 dinar đảm bảo bằng bạc, đây là mệnh giá tiền giấy nhỏ nhất thời Vương quốc.[235] Bên trái mặt sau có hình Miloš Obilić. Tiền được in tại nhà in Ngân hàng Pháp từ ngày 1 tháng 9 năm 1916 đến 10 tháng 11 năm 1917.[236] Tờ tiền có kích thước 124×77 mm hoặc 115 x 68 nhưng chỉ có trên bản vẽ.[237] Pháp đặt ưu tiên cho việc in tiền giấy Serbia, tới 25.000 tờ mỗi ngày, kể cả Chủ nhật và ngày lễ.[236] Có đến 436 ngày khác nhau xuất hiện trên tiền. Mặt trước viết bằng tiếng Serbia còn mặt sau bằng tiếng Pháp.[238] Phải sau khi chiến tranh kết thúc, tờ tiền 5 dinar mới được đưa vào lưu thông[219] và hết hạn ngày 18 tháng 7 năm 1935.[239]
Cuối năm 1915, vương quốc Serbia bị Áo-Hung và Bulgaria chia cắt, còn Đức kiểm soát tuyến đường sắt Smederevo-Đevđelija và quyền khai thác mỏ ở miền đông Serbia. Ngày 1 tháng 4 năm 1916, các nước thành lập chính quyền quân sự trên vùng lãnh thổ chiếm đóng. Lãnh thổ do Áo-Hung chiếm giữ được tổ chức thành một Tổng cục (Chính phủ) quân sự Hoàng gia có trụ sở tại Beograd, còn Bulgaria chia thành hai phần do quân đội giám sát: Moravia có trụ sở tại Niš, Macedonia có trụ sở ở Skopje.[240]
Tại các vùng chiếm đóng, để không phải phát hành tiền giấy mới, quân chiếm đóng sử dụng ngay tiền tệ chính quốc hoặc tiền dinar bị đóng dấu.[230] Các biện pháp mà quân chiếm đóng thực hiện nhằm phá giá đồng dinar đã không mang lại kết quả.[240] Dù tiền ngoại quốc mới là hợp pháp, người dân vẫn giữ đồng dinar vì tin tưởng vào đồng tiền quốc gia. Trong chiến tranh, đồng dinar chỉ hơi mất do Ngân hàng Quốc gia Serbia luôn tuân thủ quy định về việc phát hành tiền.[230]
Vương quốc Serbia là một trong số ít quốc gia duy trì được giá trị đồng tiền bất chấp sự tàn phá và tổn thất nặng nề trong Thế chiến thứ nhất,[241] Trong chiến tranh, Serbia đã thanh toán các nghĩa vụ tín dụng bằng chính tiền của mình, ngay cả với đối thủ thời chiến là Đức. Độ phủ của tiền giấy đảm bảo bằng vàng là 115% trước Thế chiến thứ nhất, trong chiến tranh là 96%, cuối cùng là 87% hậu chiến, trong khi đồng krona Áo-Hung chỉ có 12% đảm bản vàng.[230] Công lao này thuộc về thống đốc thời chiến Đorđe Vajfert.[241]
Vương quốc Nam Tư
Chiến tranh kết thúc, Vương quốc của người Serb, Croat và Slovene ra đời, yêu cầu đặt ra phải thông nhất hệ thống tiền tệ cũng như tiền giấy. Mỗi vùng lưu thông tiền riêng và hầu hết là nằm dưới lãnh thổ Áo-Hung trước đây. Tạm thời phát hành tiền giấy dinar-krona, mệnh giá hai loại tiền tệ khác nhau được ghi chung, mệnh giá cao nhất là 1.000 dinar và 4.000 krona. Đồng dinar-krona bị rút khỏi lưu thông năm 1934.[242]
Bộ Tài chính quyết định sử dụng dinar làm đồng tiền chung cho vương quốc mới thành lập. Serbia liền sáp nhập đồng tiền của mình vào nhà nước mới, với tỷ lệ quy đổi cho phép.[241] Ngay sau thống nhất tiền tệ đã xảy ra tình trạng lạm phát là điều chưa từng xảy ra, các đợt mất giá liên tiếp xảy ra năm 1931, 1935 và 1939. Tiền giấy được in với mệnh giá ngày càng tăng.[243]
Năm 1943, chính quyền Vương quốc Nam Tư lưu vong có in một loạt dinar mới nhưng không đưa vào lưu thông.
Thời Đức chiếm đóng 1941-1944
Năm 1941, vương quốc Nam Tư bị Đức chiếm đóng và chia cắt. Năm 1942, những đồng tiền khác được lưu hành trên các vùng lãnh thổ, chỉ còn lại Serbia dùng đồng dinar.[243]
Đức lập chính phủ Serbia do Milan Nedić làm tổng thống, nhưng thực quyền nằm trong tay quân chiếm đóng.[244]
Trong tất cả các vùng Nam Tư bị chiếm đóng, đồng dinar vẫn là đơn vị tiền tệ cơ bản duy nhất ở Serbia.[44] Tiền giai đoạn bị chiếm đóng được gọi là "tiền Nedić". Dòng tiền được thiết lập bằng cách in lại số tiền dự trữ của Vương quốc Nam Tư, từ kho của ngân hàng.[244]
Theo Điều 1 của Quyết định Reichsbank (Ngân hàng đế chế), Ngân hàng Quốc gia Vương quốc Nam Tư bị đưa vào thủ tục giải thể,[245] Và theo Điều 2, Ngân hàng Quốc gia Serbia được thành lập tháng 5 năm 1941 và tuyên bố sử dụng loại tiền tệ mới - Dinar Serbia.[244] Ngân hàng Quốc gia Serbia không được coi là cơ quan kế thừa hợp pháp của Ngân hàng Quốc gia Vương quốc Nam Tư mà là tổ chức mới có phạm vi hoạt động trên lãnh thổ Serbia. Tất nhiên, nó vẫn đảm nhận một số nghĩa vụ nhất định của Ngân hàng Quốc gia Vương quốc Nam Tư nhưng được Bộ trưởng Bộ Tài chính Serbia chịu trách nhiệm.[246]
Ngày 30 tháng 4 năm 1941, chỉ 12 ngày sau khi chiếm đóng và "hủy bỏ" Vương quốc Nam Tư, tức là 30 Vào tháng 4 năm 1941, thống đốc và chỉ huy quân sự Đức của Ngân hàng Quốc gia Serbia không tồn tại về mặt pháp lý đã quyết định phát hành tiền giấy 1.000, 100 và 10 dinar Serbia để thay thế dinar Nam Tư. Lý do là một số lượng tiền giấy vẫn còn trong Viện Sản xuất Tiền giấy. Kho chứa tờ tiền 100 dinar năm 1929 đã được lấy ra in đè mực đen.[247] Tờ tiền 100 dinar lưu hành trước chiến tranh ở Serbia bị rút khỏi lưu thông ngày 1-10 tháng 7 năm 1941.[245] Tổng cộng 20.200.000 tờ 100 dinar Nam Tư được in lại, mang ngày 1 tháng 5 năm 1941 là ngày đưa ra lưu hành. Tiền có chữ ký D. Uzelac và thống đốc Milan Radosavljević. Tới 3 tháng 4 năm 1944, khi bắt đầu thu hồi, mới có 3.060.000 tờ tiền được thay thế. Sau chiến tranh, tờ tiền giấy này không thể mang đổi đồng dinar Nam Tư mới.[248]
Ngoài ra còn có những tờ 10 dinar dự phòng năm 1939 do Paja Jovanović vẽ, mặt sau đã hoàn thành nên được in đề mực đen còn mặt trước còn trắng nên được in với màu nguyên bản.[247]
Cách này không áp dụng được cho tờ 1.000 dinar do lượng 1.000 dinar chưa phát hành từ 1 tháng 12 năm 1931 và 6 tháng 9 năm 1935 đa phần bị cháy rụi trong hang Trebješka (Trebjesa), gần Nikšić ở Montenegro.[249]
Tờ 1.000 dinar năm 1941 được tạo ra bằng cách in lại tờ 500 dinar.[247] Có ý kiến cho rằng sớm nhất một tháng trước khi nổ ra chiến tranh đã có một lượng tờ 500 dinar đã in xong trên giấy tốt nhưng chưa được lưu hành.[250] Họa sĩ Mladen Josić là tác giả tờ 500 dinar tiền chiến này. Nội dung trên tiền thành công về mặt nghệ thuật và kỹ thuật đồ họa: Ba cô gái trẻ tượng trưng người Serb, Croat và Slovene, cùng chân dung vua Petar II.[247] Ba người phụ nữ Nam Tư ánh lên sự chăm chỉ chịu khó, cùng với thành quả lao động và bồng con khỏe mạnh trên tay.[251]
Tờ 50 dinar cũng giống như tiền giấy đã in trước chiến tranh.[19]
Các tờ tiền chiến khác không được in tiếp, có thể do mẫu bị cất giấu hoặc phá hủy trước khi quân Đức đến, cũng như nguồn giấy tương ứng đã hết.[249]
Để bù đắp lượng 1000 dinar không đủ, một mẫu 500 trăm dinar Serbia được in khẩn, ghi ngày 1 tháng 11 năm 1941. Tác giả là họa sĩ đồ họa Veljko Andrejević Kun với thiết kế màu sắc riêng chỉ dành cho thời chiến.[19]
Bề ngoài những tờ tiền này vẫn giống với tiền in tiền chiến, vì vẫn là những họa sĩ thiết kế ấy tham gia.[252]
Chính quyền chiếm đóng lên kế hoạch quy đổi dinar Nam Tư sang dinar của Serbia ấn định từ 21 tháng 11 năm 1941. Tuy nhiên, thực tế diễn ra từ 4 tháng 6 năm 1941 đến 2 tháng 4 năm 1942. Sau đó họ cũng chấp thuận đổi tiền trong suốt thời chiếm đóng, chủ yếu dành cho người Serb và Slovene tị nạn, hoặc bị lưu đày từ những vùng khác tới, tù nhân Nam Tư gửi tiền về nhà hoặc được thả. Bằng cách này, 34,9% tiền giấy Nam Tư đã hiện diện tại Serbia bị chiếm đóng.[253]
Đầu năm 1942 có tổ chức một cuộc thi ẩn danh sáng tác phác thảo cho tiền giấy dinar Serbia mới.[254]
Các tờ tiền mới có hai hình tượng mới không có trên các tờ tiền trước đó:[252]
mô típ nông nghiệp phát triển trái ngược với thực tế, có thể dùng như một mơ ước và làm dân chúng tin tưởng không nghĩ đến việc đang bị Đức chiếm đóng;
Với tờ 1.000 dinar năm 1942, tác giả Vasa Pomorišac chọn mô típ đôi nam nữ mặc trang phục dân tộc, xung quanh là nhiều đồ vật mang ý nghĩa biểu tượng.[19]
Matija Zlamalik đã thiết kế tờ 100 dinar với hình ảnh Thánh Sava trên một mặt, mặt kia là người nông dân Serbia dắt bò trên cánh đồng.[19]
Với tờ 50 dinar Serbia ghi ngày 1 tháng 5 năm 1942, không rõ tác giả mẫu concept là ai. Giấy dày hơn và không có hình chìm, với chữ ký Thống đốc Milan Radoslavljević và Phó Thống đốc Mirko Kosić. Tiền giấy được phát hành dựa trên quyết định của thống đốc và được quân Đức chiếm đóng đồng ý ngày 25 tháng 7 năm 1944. Tổng giá trị 529.680.000 dinar được đưa vào lưu hành ngày 28 tháng 7 năm 1944 và có giá trị đến ngày 30 tháng 4 năm 1945.[246]
Thợ khắc bản in giấy bạc thời chiến là Tanasije Krnjajić và Veljko Andrejević Kun.[19]
Cùng với đồng dinar Serbia, tiền Đức cũng được lưu hành trên lãnh thổ Serbia từ tháng 4 năm 1941 do Ngân hàng Tín dụng Đế chế phát hành. Ngay sau khi Nam Tư đầu hàng, một trong những lệnh đầu tiên mà quân chiếm đóng thông qua chính là về phương tiện thanh toán hợp lý.[253]
Dân chúng được phép nhận đồng mark theo tỷ giá hối đoái duy nhất 100 dinar lấy 5 Reichsmark, mọi giá khác đều bị cấm.[255]
Ngân hàng Tín dụng Đế chế có máy in di động đặt trong xe tải kín đặc biệt, có thể in tiền với số lượng không giới hạn, nhằm hỗ trợ chi phí cho quân chiếm đóng, cũng vì thế nên không có thông tin nơi phát hành. Phương pháp in tiền này ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng đã được Đế chế thứ ba sử dụng từ khi chiếm đóng Ba Lan năm 1939 cho tới cuối năm 1943. Về mặt hình thức, tiền tại chiếm đóng có giá trị tương đương với đồng Reichsmark của Đức Quốc Xã, nhưng để bảo vệ đồng nội tệ khỏi bị mất giá, đồng tiền này không bao giờ được đổi lấy Reichsmark cũng như không được sử dụng trên lãnh thổ Đế chế thứ ba. Ngược lại, Reichsmark cũng không thể được sử dụng bên ngoài lãnh thổ Đế chế thứ ba. Ngày 1 tháng 7 năm 1942, Ngân hàng Quốc gia Serbia buộc phải đổi tiền chiếm đóng sang đồng dinar Serbia. Đến cuối năm 1943, tổng số tiền chiếm đóng trị giá 1.543.389.050 dinar Serbia đã được thay thế, làm tăng tổng số dinar đang lưu hành lên 23%.[253]
Ngân hàng Quốc gia Serbia (của chính quyền Nedić) bị giải thể tháng 11 năm 1944.[19]
Hậu chiến (đến năm 2003)
Đồng dinar vẫn là tiền tệ ở nhà nước mới. Ngay sau Thế chiến II, có rất nhiều loại tiền tệ khác nhau trên lãnh thổ Nam Tư khi ấy, tùy thuộc vào quân chiếm đóng vùng lãnh thổ đó: kuna Croatia, dinar Nedic, lev Bulgaria, lira Ý, penga Hungary, mark Đức, franc và lek Albania. Tất cả tất yếu sẽ phải bị thay thế, việc này được tính đến khi chiến tranh còn chưa kết thúc và tiền giấy mới đã được chuẩn bị.[256]
Chính phủ mới tiến hành cải cách tiền tệ và phát hành một loạt tiền giấy Liên bang Dân chủ Nam Tư. Bản vẽ tiền mới do Đorđe Andrejević Kun thực hiện. Mô típ chính là người lính Partizan đeo súng trường trên vai trái[19] dùng võ sĩ Milivoj Radić tạo dáng làm mẫu. Tám mệnh giá 1, 5, 10, 20, 50, 100, 500 và 1000 dinar dùng chung hình vẽ, chỉ khác nhau về màu sắc và kích thước.[257] Các bản vẽ được chuẩn bị trên đảo Vis, sau khi Josip Broz Tito chấp thuận thì sẽ được chuyển tới viện sản xuất tiền giấy Moskva in cho đợt phát hành đầu tiên.[19] Khi chiến tranh kết thúc, công thức được chuyển tới Nam Tư để tiếp tục in. Những tờ tiền này được chính thức giới thiệu ngày 20 tháng 4 năm 1945 và hết hạn năm 1956.[257]
Quá trình đổi tiền không giống như sau Thế chiến thứ nhất. Mặc dù tỷ giá hối đoái đã được xác định nhưng lại không có giá trị thực hỗ trợ. Những người sở hữu tiền chiếm đóng sẽ nhận được giá trị tương đương tối đa 5.000 dinar DFJ, số tiền còn lại sẽ nhận sau , 5-70% sẽ bị khấu trừ tùy thuộc số lượng tiền cũng như ai đang sở hữu.[256] Ngân hàng Quốc gia FNRJ phát hành loạt tiền đầu tiên ngày 1 tháng 5 năm 1946. Việc phát hành tiền giấy mới vào ngày 1 tháng 5 trở thành truyền thống, vẫn tiếp tục diễn ra trong những thập niên tiếp theo.[258]
Giá trị đồng tiền được chính nhà nước xác định và được Quỹ Tiền tệ Quốc tế chấp thuận, biểu thị bằng khối lượng vàng cho một dinar, nghĩa là bằng đô la Mỹ. Năm 1971, giá vàng cố định bị bãi bỏ. Giá trị đồng dinar được xác định theo giá vàng thị trường cho đến năm 1973. Sau đó, hệ thống tỷ giá hối đoái dao động được áp dụng, theo một hoặc nhiều loại tiền tệ có thể chuyển đổi. Tuy nhiên, đồng dinar không thể mua tiền tệ của một số nước phương Tây. Nhiều lần điều chỉnh giá trị đồng dinar so với vàng hoặc một trong những loại tiền tệ có thể chuyển đổi đã dẫn đến sự sụt giảm giá trị. Tiền in ra càng ngày càng nhiều số "0". Để tránh in nhiều lần, nhà nước cho đổi tiền dinar bằng mệnh giá nhỏ hơn. Đổi tiền đầu tiên ngày 1 tháng 8 năm 1965, "loại bỏ" 2 số 0. Tờ 100 dinar cũ được thay thế bằng (theo luật) 1 dinar mới. Ngày 1 tháng 1 năm 1990, tỷ giá lên tới 10.000 dinar ăn 1 đồng mới. Tuy nhiên, khả năng đổi tiền chỉ mang tính nội bộ, tức là chỉ có thể mua ngoại tệ ở các ngân hàng trong nước bằng đồng dinar, các cơ quan tiền tệ quốc tế chưa bao giờ công nhận đồng dinar này có khả năng trao đổi.[259]
Năm 1945-1992, Nam Tư phát hành tổng cộng 12 loạt tiền giấy với 67 tờ mệnh giá khác nhau. Số lượng lớn khác nhau là do mệnh giá cũng như thay đổi tên quốc gia.[260]
Cộng hòa Liên bang Nam Tư thành lập ngày 27 tháng 4 năm 1992, chỉ còn lại có Serbia và Montenegro. Chiến tranh và ly khai, ngoại thương bị cắt, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra lệnh phong tỏa kinh tế hoàn toàn dẫn đến siêu lạm phát đồng dinar. Ngày 1 tháng 7 năm 1992 năm, mệnh giá mới xóa 1 số "0" nên 1 dinar mới bằng 10 dinar cũ. Ngày 1 tháng 10 năm 1993, xóa thêm 6 số "0" nữa, nên 1 dinar mới bằng tới 1 triệu dinar cũ.[261]
Năm 1993, giữa thời siêu lạm phát, Nam Tư phát hành loạt tiền giấy mệnh giá khổng lồ (5.000.000.000, 50.000.000.000 và 500.000.000.000 dinar). Trên tiền giấy không có tên quốc gia phát hành hay quốc huy. Đến cuối thời kỳ siêu lạm phát, đồng dinar không còn là tiền tệ được sử dụng thực tế nữa. Giấy bạc và tiền xu của nhiều nước Tây Âu khác được dùng lưu hành.[262] Ngày 23 tháng 12 năm 1993 phát hành tờ 500 tỷ dinar, mặt trước in hình Jovan Jovanović Zmaj và mặt sau in hình Thư viện Quốc gia Serbia. Tờ tiền này đạt kỷ lục số lượng số "0" trên toàn bộ tiền tệ dinar và là biểu tượng một trong những đợt siêu lạm phát lớn nhất được ghi nhận trên thế giới.[263]
Chỉ bảy ngày sau tức 1 tháng 1 năm 1994, tờ tiền mới được phát hành, 1 dinar mới ăn 1 tỷ dinar cũ, giá trị danh nghĩa lên tới 10 nghìn tỷ lần. Tổng cộng xóa tới 22 chữ số "0".[261] Ngày 24 tháng 1 năm 1994 thông qua Chương trình tái thiết tiền tệ và phục hồi kinh tế Nam Tư, đồng dinar mới ra đời, được xác định bằng với đồng mark Đức, như vậy ăn tới 13 triệu dinar cũ.[262] Mức lương Nam Tư khi ấy thấp, trung bình chỉ khoảng 100 dinar.[264]
Trong 21 tháng (1992-1994) cho đến khi cải cách tiền tệ và ổn định tỷ giá hối đoái nhất định, SRJ đã phát hành 33 loại tiền giấy tại FRY, với hình ảnh 12 nhân vật lịch sử.[262] Tên quốc gia SRJ và quốc huy cũng xuất hiện trên giấy bạc dinar mới.[7]
Giữa tháng 12 năm 2000, chính phủ mới phát hành loạt tiền giấy mới gồm 20, 50 và 100, tên tiền tệ là dinar, chứ không phải dinar mới. Nhằm dễ lưu thông đồng thời với lạm phạt, sau đó cũng phát hành các tờ 10, 200, 1000 và 5000 dinar.[7]
Dù từ năm 2001, đồng dinar không còn là phương tiện thanh toán, Ngân hàng Quốc gia tiếp tục phát hành đồng dinar Nam Tư cho tới năm 2002 dùng cho liên minh với Montenegro.[8]
Tháng 11 năm 1999, chính phủ Montenegro quyết định dùng đồng Mác Đức cùng với dinar. Ý tưởng này được Đức đưa ra đã không bị phản đối tại Montenegro, Ngân hàng Quốc gia Montenegro được thành lập. Tuy vào tháng 1 năm 2000, Tòa hiến pháp SRJ tuyên bố quyết định đưa Mác Đức vào Montenegro là vi hiến, chính phủ Montenegro vẫn tiếp tục sử dụng. Đồng Mác trở thành đồng tiền duy nhất ở Montenegro cho đến tháng 6 năm 2002 rồi thay thế bằng đồng Euro.[265]
Tiền xu
Từ thế kỷ 15 đến cuối thập niên 1870, Serbia không có đồng tiền riêng.[266] Hầu hết các khu dân cư quanh mỏ bạc thời trung cổ bị tàn phá khi quân thổ xâm lược, nhiều khu khác dần biết mất theo thời gian và rơi vào quên lãng. Dấu tích chỉ còn trên các văn bản lưu lại hoặc những phần tàn tích tại đó.[53] Những tuyến đường kết nối mỏ với các trung tâm giao thương mất đi hoặc trở nên hoang phế.[267]
Cho đến thế kỷ 19, một lượng lớn các đồng tiền xu ngoại quốc được lưu hành tại Serbia. Quân Thổ cũng đặt một số cơ sở đúc tiền tại đây. Tiền xu Thổ có chữ Ả Rập riêng.[44] Đế quốc Ottoman dùng đồng para (từ tiếng Ả Rập bara có nghĩa là bạc) là tiền tệ cơ bản. Đồng bạc para được đúc năm 1623, tương đương với 3 đồng akce hoặc aspra. Tiếp theo là pjaster hay kurush, thường gọi là grosh, tương đương với 40 para.[268] Tên gọi này vẫn dùng đến ngày nay, tương ứng với 0,01 dinar.[269]
Thế kỷ 19 dưới thời Karađorđe và thân vương Miloš, một số lượng lớn các loại tiền xu khác nhau từ Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Âu được lưu hành tại Serbia. Cho đến năm 1869,[270] có tới 43 loại tiền xu ngoại quốc lưu hành, cụ thể 10 đồng vàng, 28 đồng bạc và 5 loại bằng đồng.[271] Giá trị tiền tệ được xác định hai lần trong năm, vào Ngày Thánh George và Ngày Thánh Mitrov. Đồng tiền chính thức là grosh, cũng gồm hai loại "grosh chợ" dùng để thanh toán mua bán hàng hóa và "grosh thuế" cao gấp đôi "grosh chợ" dùng để đóng thuế.[44]
Luật Hatsherif năm 1830 và phần bổ sung năm 1833 công nhận Serbia là một thân vương quốc nằm dưới sự cai trị của Ottoman cùng với một số quyền tự trị nhất định. Luật không đề cập đến đồng tiền riêng, nhưng rõ ràng là không bị cấm.[272] Sau hơn bốn thế kỷ, Serbia lại bắt đầu đúc đồng tiền riêng.[271]
Thân vương quốc Serbia
Khi ấy, Thân vương quốc Serbia gồm sandzak Smederevo và 6 sandjak nahiyah chung quanh.[266] Năm 1867, quân Thổ rút khỏi các thành phố, thân vương Mihailo thực hiện các hành động pháp lý để giới thiệu và đúc những đồng xu Serbia đầu tiên của triều đại.[273]
Đối mặt nan đề do nhiều loại tiền lưu hành cùng lúc, cuối tháng 1 năm 1868, thân vương Mihailo cử bộ trưởng Bộ Tài chính Kosta Cukić đến Viên để đàm phán việc đúc loạt tiền xu đầu tiên cho Serbia mới tự trị.[271] Tháng 3 năm 1868, Hội đồng Nhà nước đã thông qua quyết định cho phép Bộ trưởng Bộ Tài chính bắt đầu đúc tiền xu của riêng Serbia, kèm theo tiêu chuẩn về mệnh giá, thành phần kim loại, trọng lượng, kích cỡ và mô tả, quy định tỷ giá hối đoái.[274] Ngoài ra cũng xác định cả giải pháp thay thế tiền ngoại quốc đang lưu hành. Ottoman phản đối vì cho rằng chư hầu không có quyền tự chủ tiền tệ nhưng bất thành.[43]
Giải pháp của Serbia áp dụng dựa trên hệ thống tiền franc theo Công ước Paris ký giữa Pháp, Bỉ, Ý và Thụy Sĩ tháng 12 năm 1865.[274] Công ước này cũng là cơ sở để thành lập Liên minh đúc tiền Latinh tồn tại đến năm 1926,[275] nhằm chuẩn hóa giá trị đồng bạc và hạn chế nguồn cung.[276]
Giải pháp còn áp dụng hệ thống tiền tệ thập phân và định ra tổng khối lượng phát hành là 120.000 kg tương ứng 120 triệu đơn vị tiên tề nếu mỗi đồng năng 1 gam, mỗi mệnh giá chưa có khối lượng cụ thể và được đề xuất 7,5 triệu đồng mỗi mệnh giá. Tháng 3 năm 1868, thân vương phê chuẩn quyết định giải pháp này. Tháng 4, báo Serbia loan tin về việc Cukić đàm phán thành công từ Viên trở về cũng như thông báo quá trình đúc tiền bắt đầu.[277]
Loạt tiền xu đầu tiên được đúc tại Xưởng đúc Hoàng gia Đế quốc tại Viên,[266] với các mệnh giá 1, 5 và 10 para,[278] từ những tấm của các nhà máy Đức Josif Berger (10 tấn) và Al. Schooeller (63,5 tấn).[266]
Năm 1868, thân vương Mihailo bị ám sát ở Košutnjak nên không kịp nhìn thấy tiền đúc chuyển từ Viên về Beograd tháng 2 năm 1869.[278] Một mặt tiền xu là hình thân vương với dòng chữ bao quanh ОБРЕНОВИЋ III. — КЊАЗ СРПСКИ (dịch Obrenović III — Thân vương Serbia).[266] Mặt kia là mệnh giá và năm phát hành 1868, cùng họa tiết cánh vòng hoa nối với vương miện, trên cùng là thánh giá.[272]
Ba đồng 1, 5 và 10 para có trọng lượng tương ứng 1, 5 và 10 gam; đường kính 15; 25 và 30 mm bằng hợp kim đồng gồm 95% đồng, 4% thiếc và 1% kẽm.[272] Anton Scharff phụ trách khắc khuôn cho đồng 1 và 10 para (chữ ký "A. S."), còn Friedrich Leisek khắc cho đồng 5 para. Những đồng tiền này có hai biến thể, một trong số đó có hướng đối xứng, còn loại kia thì quay di 180 độ.[279] Viền xu nhẵn, không đường kẻ.[266]
Dữ liệu xưởng đúc Viên cho biết đã đúc tổng cộng 3.999.500 đồng 1 para, 4.031.076 đồng 5 para và 4.930.962 đồng 10 para.[280] Biết tin tiền đến nơi sau khi thân vương Mihailo đã qua đời,[272] Viên ngừng giao hàng để chờ quyét định của phó vương Milan Obrenović vẫn đang vị thành niên.[277] Diễn biến tiếp theo cho thấy, vì có đồng tiền này, mà tiền Áo được ngừng nhập thêm về lưu thông tại Serbia từ tháng 2 năm 1869, đến tháng 10 năm 1870 thì dừng hẳn để trả về cho Áo. Đồng tiền mới cũng rút khỏi lưu thông năm 1898 để thay bằng đồng bạc khác thông qua năm 1890.[272]
Ngày 30 tháng 11 (12 tháng 12) năm 1873, đồng dinar được tuyên bố là tiền tệ chính thức thay thế cho ducat ở Serbia[271] theo Công ước tiền tệ Paris năm 1865.[243] Thân vương ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính Čedomilj Mijatović trình đề xuất tại phiên họp Quốc hội 1873. Lúc đầu, nhiều cái tên được đưa ra như stoparac, stopar, five-grošić, franc hoặc dinar Serbia,[281] và cuối cùng dinar được chọn theo tên tiền tệ trung cổ.[282] Luật cũng thông qua các đồng bạc mệnh giá 5, 2, 1 và nửa dinar, dự tính tổng cộng 6 triệu dinar, nhưng thực tế chỉ có 3,6 triệu được thực hiện.[283]
Lần đầu tiên, chính phủ Serbia cân nhắc thành lập viện phát hành tiền nhưng phải bỏ dở do thiếu nguồn lực, đồng thời vấp phải phản đối từ những người chuyên cho vay tín dụng tại Beograd.[284]
Năm 1875, đồng bạc dinar mới ra đời mang hình ảnh thân vương Milan Obrenović[280] và dòng chữ "МИЛАН М. ОБРЕНОВИЋ IV КЊАЗ СРПСКИ" (dịch Milan M. Obrenović thân vương Serbia).[285] Các 50 para, 1 và 2 dinar được đúc tại Xưởng đúc hoàng gia Đế quốc ở Viên, là những đồng tiền Serbia đẹp nhất và hiếm nhất.[280] Đồng tiền có độ mịn, trọng lượng và kích thước giống như đồng franc ở các nước thuộc Liên minh Tiền tệ Latinh.[282] Đồng 50 para bằng bạc nặng 2,5 gam đường kính 18 mm, đồng 1 dinar nặng 5 gam đường kính 23 mm, còn đồng 2 dinar nặng 10 gam đường kính 27 mm. Cả ba đồng đều có tỷ lệ bạc 83,5%,[281] còn lại là đồng thêm vào để tăng độ bền. Anton Scharff khắc khuôn đồng 50 para và 2 dinar,[286] còn Friedrich Leisek phụ trách đồng 1 dinar. Đợt tiền này chính thức lưu thông trong 30 năm tiếp theo, nhưng nhanh chóng biến mất khỏi thị trường trước khi hết hạn chính thức.[285]
^ abMoravčević, Slavica (29 tháng 7 năm 2016). “Falsifikati: Najčešći lažnjaci su 50 evra i 2.000 dinara” [Tiền giả: Loại tiền giả phổ biến nhất là 50 euro và 2.000 dinar]. Večernje novosti onlajn (bằng tiếng Serbo-Croatia). Beograd: Kompanija Novosti. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2024.
^ abcRabrenović, Jovana (13 tháng 1 năm 2018). Rakić, Žarko (biên tập). “Za lažnu novčanicu nema nadoknade”. Politika onlajn (bằng tiếng Serbo-Croatia). Beograd: Politika novine i magazini d. o. o. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2024.
^ abTanjug (16 tháng 6 năm 2010). “NBS danas pušta u opticaj novi kovani novac”. Blic onlajn (bằng tiếng Serbo-Croatia). Ringier Axel Springer d.o.o. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2024.
^ abHadžić, B. (18 tháng 5 năm 2012). “ZIN: Zabranjeni miris novca”. Večernje novosti onlajn (bằng tiếng Serbo-Croatia). Beograd: Kompanija Novosti. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2024.
^ abcdDušanić, Jovan (2004). Monetarna ekonomija i bankarstvo(PDF) (bằng tiếng Serbo-Croatia). Beograd: JP Zavod za udžbenike. Lưu trữ(PDF) bản gốc ngày 10 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2024.
^ abcMoravčević, Slavica (11 tháng 10 năm 2010). “Svaki vladar - kovač”. Večernje Novosti onlajn (bằng tiếng Serbo-Croatia). Kompanija Novosti. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2024.
^ abcMilinović, Ante (17 tháng 9 năm 2001). Gavranović, Luka (biên tập). “Numizmatičko blago Dubrovnika”. Dom i svijet (bằng tiếng Serbo-Croatia). Zagreb: Hrvatski informativni centar. 352. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 1 năm 2003.
^ abcБабовић, М.; Поповић, Б. (15 tháng 6 năm 2003). “Српски динар свих времена”. Вечерње Новости онлајн (bằng tiếng Serbo-Croatia). Компанија Новости. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 10 năm 2023. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2024.
^ abПродановић, Милета (31 tháng 7 năm 2014). “Циклус Како читати: Како читати новчанице”. Бизнис & Финансије (bằng tiếng Serbo-Croatia). Народна библиотека Србије. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2024.
^ abcПродановић, Милета (31 tháng 7 năm 2014). “Циклус Како читати: Како читати новчанице”. Бизнис & Финансије (bằng tiếng Serbo-Croatia). Народна библиотека Србије. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2024.
^Зламалик, Весна (2015). Петковић, Михаило М. (biên tập). Матија Зламалик(PDF) (bằng tiếng Serbo-Croatia). Београд: Продајна галерија "Београд". ISBN978-86-6141-084-0. Lưu trữ(PDF) bản gốc ngày 24 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2024.
^ abcdefVasić, Biljana (23 tháng 10 năm 2003). “Od grumena do plastike”. Vreme (bằng tiếng Serbo-Croatia). Beograd: NP Vreme. 668. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 29 tháng 9 năm 2024.
Andrejić, Marko; Krstić, Snežana; Miodrag, Paspalj (2014). Tepšić, Milan (biên tập). “Ograničenje opticaja novčanica u srebru u Kraljevini Srbiji pre i u toku Prvog svetskog rata” [Hạn chế lưu hành giấy bạc ở Vương quốc Serbia trước và trong Thế chiến thứ nhất]. Vojno delo (bằng tiếng Serbo-Croatia). Beograd: Ministarstvo odbrane Republike Srbije. 2. ISSN0042-8426.
Babić, Rade; Stanković-Babić, Gordana (2014). Mijatov Ukropina, Ljilja (biên tập). “Medicina u notafiliji”(PDF). Medicinski pregled (bằng tiếng Serbo-Croatia). Novi Sad: Društvo lekara Vojvodine. LXIII (3-4). ISSN0025-8105.
Bošković, Bođko (1999). “Interesantna varijanta novca cara Dušan” [Biến thể thú vị của đồng xu sa hoàng Dušan]. Dinar (bằng tiếng Serbo-Croatia). Srpsko numizmatičko društvo. 11. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2024.
Crnobrnja, Adam; Crnobrnja, Nikola (2004), Novac u Beogradu kroz vekove [Tiền ở Beograd qua các thời kỳ] (bằng tiếng Serbo-Croatia), Beograd: Muzej grada Beograda
Crnoglavac, Vesna (2011). Cvijetičanin, Tatjana (biên tập). “Srpski srednjovekovni novac u Narodnom muzeju u Nišu” [Đồng xu trung cổ Serbia tại Bảo tàng Quốc gia Niš] (PDF). Numizmatičar (bằng tiếng Serbo-Croatia). Beograd: Narodni muzej u Beogradu. 29. Bản gốc(PDF) lưu trữ ngày 10 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2024.
Ivanišević, Vujadin (2001). Novčarstvo srednjovekovne Srbije [Tiền đúc Serbia Trung cổ] (bằng tiếng Serbo-Croatia). Beograd: Stubovi kulture.
Jovanović, Miroslav (1988). “Naša srednjovekovna numizmatika” [Hóa tệ học trung cổ của chúng ta] (PDF). Numizmatičar (bằng tiếng Serbo-Croatia). Beograd: Narodni muzej u Beogradu. 11. Bản gốc(PDF) lưu trữ ngày 10 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2024.
—— (1996). “Srpski srednjovekovni novac I” [Tiền xu trung cổ Serbia I]. Dinar (bằng tiếng Serbo-Croatia). Srpsko numizmatičko društvo. 1. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2024.
—— (1996). “Srpski srednjovekovni novac II” [Tiền xu trung cổ Serbia II]. Dinar (bằng tiếng Serbo-Croatia). Srpsko numizmatičko društvo. 2.
Kirsanov, Miodrag (2013). Radonjić, Mirko (biên tập). “Njegošev lik na novčanicama” [Hình ảnh Njegoš trên giấy bạc] (PDF). Bankar (bằng tiếng Serbo-Croatia). Podgorica: Udruženje banaka Crne Gore. 23. ISSN1800-7465. Bản gốc(PDF) lưu trữ ngày 26 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2024.
—— (2015). Radonjić, Mirko (biên tập). “100 dinara - jedna priča” [100 dinar - một câu chuyện] (PDF). Bankar (bằng tiếng Serbo-Croatia). Podgorica: Udruženje banaka Crne Gore. 29. ISSN1800-7465.
Kršev, Boris (2013). Vladimir Njegomir (biên tập). “Osnovne karakteristike bankarstva u Srbiji do Prvog svetskog rata” [Đặc điểm cơ bản của ngân hàng ở Serbia cho đến Thế chiến thứ nhất] (PDF). Civitas (bằng tiếng Serbo-Croatia). Fakultet za pravne i poslovne studije Dr Lazar Vrkatić. 5.
Lazarević, Dragaba (1990). Madić, Milča (biên tập). “Teritorija kralja Dragutina” [Lãnh thổ vua Dragutin] (PDF). Glasnik (bằng tiếng Serbo-Croatia). Valjevo: Međuopštinski istorijski arhiv Valjevo. 25. Bản gốc(PDF) lưu trữ ngày 3 tháng 10 năm 2023. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2024.
Logos, Aleksandar A. (2016). Andrić, Petar (biên tập). Istorija Srba do sredine XV veka [Lịch sử người Serb đến giữa thế kỷ 15] (PDF) (bằng tiếng Serbo-Croatia). Beograd. ISBN978-86-85117-31-2. Bản gốc(PDF) lưu trữ ngày 17 tháng 6 năm 2016. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2024.
—— (2005). “Novi metalni novac Srbije” [Tiền kim loại mới của Serbia]. Dinar (bằng tiếng Serbo-Croatia). Srpsko numizmatičko društvo. 25. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2024.
—— (2003). “Novi srpski kovani novac” [Tiền xu mới của Serbia]. Dinar (bằng tiếng Serbo-Croatia). Srpsko numizmatičko društvo. 21.
Mandić, Radoslav (2007). “Novčanica sa 436 datuma” [Tiền giấy in 436 ngày]. Dinar (bằng tiếng Serbo-Croatia). Srpsko numizmatičko društvo. 28.
Mitchell, Laurence (2007), Bradt Travel Guide Serbia (bằng tiếng Anh), Bradt Travel Guides, ISBN9781841622033
Mrkobrad, Dušan (2006). “Srpsko rudarstvo u privredi Kosova i Metohije” [Khai thác mỏ của người Serb trong nền kinh tế Kosovo và Metohija] (PDF). Zbornik radova s naučnog skupa održanog u Kosovskoj Mitrovici 27–29. maja 2005 (bằng tiếng Serbo-Croatia). Beograd: Srpska akademija nauka i umetnosti. Bản gốc(PDF) lưu trữ ngày 25 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2024.
Nikolić, Goran (2009). Vujović, Dušan (biên tập). “Istorijat dinara i perspektive ulaska u evrozonu” [Lịch sử đồng dinar và triển vọng gia nhập Eurozone] (PDF). Finansije (bằng tiếng Serbo-Croatia). Beograd: Ministarstvo finansija Republike Srbije. 1–6. ISSN0015-2145. Bản gốc(PDF) lưu trữ ngày 22 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2024.
Novaković, Staniša (2003). “Srpska srednjovekovna numizmatika” [Hóa tệ học trung cổ Serbia]. Dinar (bằng tiếng Serbo-Croatia). Srpsko numizmatičko društvo. 21. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2024.
Odak Mihailović, Marina (2016). Rakocija, Miša (biên tập). Niš i Vizantija: Zvečan na dinaru cara Uroša [Niš và Đông La Mã: Zvečan trên đồng dinar của sa hoàng Uroš] (PDF) (bằng tiếng Serbo-Croatia) . Niš: Grad Niš. ISBN978-86-6101-119-1. Bản gốc(PDF) lưu trữ ngày 12 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2024.
Pantelić, Svetlana (2010). “Istorija kovanja novca: Novac kralja Stefana Radoslava (1228—1233)” [Lịch sử tiền đúc: Tiền của vua Stefan Radoslav (1228—1233)] (PDF). Bankarstvo (bằng tiếng Serbo-Croatia). Beograd: Udruženje banaka Srbije. 1–2. Bản gốc(PDF) lưu trữ ngày 10 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2024.
—— (2010). “Novac kralja Stefana Vladislava II 1316, (1321—1324)” [Tiền của vua Stefan Vladislav II 1316, (1321—1324)] (PDF). Bankarstvo (bằng tiếng Serbo-Croatia). Beograd: Udruženje banaka Srbije. 7–8: 100–101. ISSN1451-4354. Bản gốc(PDF) lưu trữ ngày 16 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2024.
—— (2010). Dugalić, Veroljub (biên tập). “Novac kralja Stefana Uroša III Dečanskog” [Tiền của vua Stefan Uroš III Dečanski] (PDF). Bankarstvo (bằng tiếng Serbo-Croatia). Beograd: Udruženje banaka Srbije. 9–10. ISSN2466-5495. Bản gốc(PDF) lưu trữ ngày 10 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2024.
—— (2011). Dugalić, Veroljub (biên tập). “Novac cara Stefana Uroša V (1355—1371)” [Tiền của sa hoàng Stefan Uroš V (1355—1371)] (PDF). Bankarstvo (bằng tiếng Serbo-Croatia). Beograd: Udruženje banaka Srbije. 1–2. ISSN2466-5495. Bản gốc(PDF) lưu trữ ngày 22 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2024.
—— (2011). Dugalić, Veroljub (biên tập). “Novac kralja Vukašina Mrnjavčevića (1365—1371)” [Tiền của vua Vukašin Mrnjavčević (1365—1371)] (PDF). Bankarstvo (bằng tiếng Serbo-Croatia). Beograd: Udruženje banaka Srbije. 3–4. ISSN2466-5495. Bản gốc(PDF) lưu trữ ngày 10 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2024.
—— (2011). Dugalić, Veroljub (biên tập). “Novac kneza Lazara (1371—1389)” [Tiền của thân vương Lazar (1371–1389)] (PDF). Bankarstvo (bằng tiếng Serbo-Croatia). Beograd: Udruženje banaka Srbije. 7–8. ISSN2466-5495. Bản gốc(PDF) lưu trữ ngày 10 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2024.
—— (2011). Dugalić, Veroljub (biên tập). “Novac despota Stefana Lazarevića (1402—1427)” [Tiền của Stefan Lazarević (1402—1427)] (PDF). Bankarstvo (bằng tiếng Serbo-Croatia). Beograd: Udruženje banaka Srbije. 9–10. ISSN2466-5495. Bản gốc(PDF) lưu trữ ngày 10 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2024.
—— (2011). Dugalić, Veroljub (biên tập). “Novac Vuka Brankovića” [Tiền của Vuk Branković] (PDF). Bankarstvo (bằng tiếng Serbo-Croatia). Beograd: Udruženje banaka Srbije. 11–12. ISSN2466-5495. Bản gốc(PDF) lưu trữ ngày 10 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2024.
—— (2012). Dugalić, Veroljub (biên tập). “Novac Đurđa Brankovića (1427—1456)” [Tiền của Đurđ Branković] (PDF). Bankarstvo (bằng tiếng Serbo-Croatia). Beograd: Udruženje banaka Srbije. 1. ISSN2466-5495. Bản gốc(PDF) lưu trữ ngày 16 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2024.
—— (2014). Dugalić, Veroljub (biên tập). “Stvorene za ratne potrebe ali nikad emitovane” [Được tạo ra cho mục đích chiến tranh nhưng chưa bao giờ phát hành] (PDF). Bankarstvo (bằng tiếng Serbo-Croatia). Beograd: Udruženje banaka Srbije. 4. ISSN2466-5495.
Radić, Vesna (2016). Novac srpske despotovine - studije iz srpske numizmatike sa katalogom novca (doktorska disertacija) [Tiền xu phong kiến Serbia - nghiên cứu hóa tệ học Serbia với danh mục tiền xu (luận án tiến sĩ)] (bằng tiếng Serbo-Croatia). Beograd: Filozofski fakultet - Odeljenje za istoriju.
Smiljanić, Aranđel (2015). Talijan, Goran (biên tập). “Dva velika srpska župana iz XIV vijeka: Altoman i Andrija Gropa” [Hai đại tổng trưởng Serbia từ thế kỷ 14: Altoman và Andrija Gropa]. Radovi (bằng tiếng Serbo-Croatia). Banja Luka: Filozofski fakultet. 2/22. ISSN2303-5595. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2024.
Spasić, Slađana (2015). Srpski srednjovekovni novac [Tiền xu trung cổ Serbia] (PDF) (bằng tiếng Serbo-Croatia). Kraljevo: Narodni muzej Kraljevo. ISBN978-86-85179-63-1. Bản gốc(PDF) lưu trữ ngày 11 tháng 2 năm 2017. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2024.
Stojaković, Slobodanka (1997). “Dvoglavi orao na srpskom novcu - simbol srpske državnosti” [Đại bàng hai đầu trên tiền Serbia - biểu tượng nhà nước Serbia]. Dinar (bằng tiếng Serbo-Croatia). Srpsko numizmatičko društvo. 5. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2024.* —— (2002). “Novac i umetnost srednjeg veka” [Tiền và nghệ thuật Trung cổ]. Dinar (bằng tiếng Serbo-Croatia). Srpsko numizmatičko društvo. 18.
Šarkić, Srđan (2011). “Gradsko stanovništvo u srednjovekovnoj Srbiji” [Dân số đô thị Serbia Trung cổ] (PDF). Zbornik radova (bằng tiếng Serbo-Croatia). Novu Sad: Pravni fakultet. 2. Bản gốc(PDF) lưu trữ ngày 22 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2024.
Tomanović, Lazar (2007). Putopisna proza [Văn du khảo] (bằng tiếng Serbo-Croatia). Gradska biblioteka i čitaonica Herceg Novi.
Vučićević, Ivica (1996). “Kovanje novca u Smederevu” [Tiền đúc ở Smederevo]. Dinar (bằng tiếng Serbo-Croatia). Srpsko numizmatičko društvo. 1. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2024.* Zajić, Dragan (2005). “Nova vrsta novca Đurđa Balšića” [Loại tiền mới của Đurđo Balšić]. Dinar (bằng tiếng Serbo-Croatia). Srpsko numizmatičko društvo. 25.
“Proizvodnja kovanog novca” [Sản xuất tiền xu]. Dinar (bằng tiếng Serbo-Croatia). Srpsko numizmatičko društvo. 3. 1996.
“NBS - National Bank of Serbia” [Ngân hàng Quốc gia Serbia] (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2024.