Lớp Cannon có thiết kế hầu như tương tự với lớp Buckley dẫn trước; khác biệt chủ yếu là ở hệ thống động lực Kiểu DET (diesel electric tandem). Các động cơ diesel đặt nối tiếp nhau dẫn động máy phát điện để cung cấp điện năng quay trục chân vịt cho con tàu. Động cơ diesel có ưu thế về hiệu suất sử dụng nhiên liệu, giúp cho lớp Cannon cải thiện được tầm xa hoạt động, nhưng đánh đổi lấy tốc độ chậm hơn.[2][3]
Vũ khí trang bị bao gồm ba pháo 3 in (76 mm)/50 cal trên tháp pháo nòng đơn có thể đối hạm hoặc phòng không, một khẩu đội pháo phòng không Bofors 40 mm nòng đôi và tám pháo phòng không Oerlikon 20 mm. Vũ khí chống ngầm bao gồm một dàn súng cối chống tàu ngầm Hedgehog Mk. 10 (có 24 nòng và mang theo 144 quả đạn); hai đường ray Mk. 9 và tám máy phóng K3 Mk. 6 để thả mìn sâu.[4][5] Con tàu vẫn giữ lại ba ống phóng ngư lôi Mark 15 21 inch (533 mm). Thủy thủ đoàn đầy đủ bao gồm 15 sĩ quan và 201 thủy thủ.[4]
Atherton tiến hành chạy thử máy tại khu vực vịnh Chesapeake từ tháng 9, 1943 đồng thời thực hiện hai chuyến đi đến khu vực Bermuda. Nó lên đường đi Puerto Rico vào ngày 13 tháng 11, nơi nó hoạt động tuần tra chống tàu ngầm tại khu vực giữa Saint Croix, quần đảo Virgin và eo biển Anegada. Vào ngày 24 tháng 11, nó đã tấn công vào một mục tiêu dò được bằng sonar, nhưng không đem lại kết quả; con tàu được thay phiên ba ngày sau đó và quay trở về Norfolk vào ngày 30 tháng 11. Nó chuyển sang vai trò huấn luyện thủy thủ đoàn các tàu hộ tống khu trục trong tương lai, thực hiện những chuyến đi thực tập hàng ngày tại vịnh Chesapeake. Nó rời Norfolk vào ngày 11 tháng 12 để hộ tống một đoàn tàu vận tải đi sang khu vực kênh đào Panama, rồi quay trở lại Hampton Roads vào ngày 27 tháng 12.[1]
Vào ngày 14 tháng 6, 1955, sau gần mười năm bị bỏ không trong thành phần dự bị, con tàu được chuyển giao cho Nhật Bản trong khuôn khổ Chương trình Viện trợ Quân sự; tên nó được cho rút khỏi danh sách Đăng bạ Hải quân Hoa Kỳ vào ngày hôm sau.[1][6] Con tàu tiếp tục phục vụ cùng Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản như là chiếc JS Hatsuhi (DE-263); và sau khi hoạt động thêm 20 năm, nó ngừng hoạt động vào đầu năm 1975 và được hoàn trả cho Hải quân Hoa Kỳ.[6]
Cho dù kỹ thuật vũ khí đã tiến bộ đáng kể, Rajah Humabon vẫn giữ lại những vũ khí cổ điển thời Thế Chiến II. Nó phục vụ trong vai trò soái hạm của Hải quân Philippines cho đến năm 2011, rồi trong một vai trò danh dự khi chào đón các tàu chiến nước ngoài viếng thăm. Cho đến năm 2016, nó là một trong những tàu hải quân cũ nhất còn hoạt động thường trực trên thế giới, và ký hiệu lườn của nó được đổi thành PS-11. Cuối cùng vào ngày 15 tháng 3, 2018, con tàu được cho xuất biên chế tại Cavite.[6][9] Sau khi hoàn tất việc xuất biên chế, con tàu được dự định sẽ trở thành một tàu bảo tàng tại Sangley Point.
^Rivet, Eric; Stenzel, Michael. “Classes of Destroyer Escorts”. History of Destroyer Escorts. Destroyer Escort Historical Museum. Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2021.