Tác động của bão Yagi tại Việt Nam

Bão Yagi
Siêu bão số 3 năm 2024
Bão Yagi đổ bộ vào Hải Phòng và Quảng Ninh vào ngày 7 tháng 9
Lịch sử khí tượng
Thời gian6–15 tháng 9 năm 2024
Bão cuồng phong rất mạnh
Duy trì trong 10 phút (JMA)
Sức gió cao nhất165 km/h (105 mph)
Áp suất thấp nhất935 hPa (mbar); 27,61 inHg
Bão cuồng phong cấp 3
Duy trì trong 1 phút (SSHWS/JTWC)
Sức gió cao nhất205 km/h (125 mph)
Áp suất thấp nhất950 hPa (mbar); 28,05 inHg
Bão rất mạnh
Duy trì trong 2 phút (NCHMF)
Sức gió cao nhất180 km/h (110 mph)[a]
Gió giật cao nhất230 km/h (145 mph)[a]
Áp suất thấp nhất955,2 hPa (mbar); 28,21 inHg
Tác động cụ thể
Chết323
Bị thương1978
Mất tích22
Thiệt hại>$3,45 tỷ (2024 USD)
Vùng ảnh hưởngBắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An
Mất điện>6.1 triệu người

Một phần của Mùa bão Tây Bắc Thái Bình Dương 2024

Bão Yagi, tại Việt Nam là bão số 3 năm 2024, hình thành từ một áp thấp nhiệt đới ở ngoài khơi Philippines, đi vào biển Đông và nhanh chóng phát triển lên cấp siêu bão, đến ngày 7 tháng 9 năm 2024, bão Yagi đã đổ bộ vào các tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng của Việt Nam và gây thiệt hại nghiêm trọng về nhân mạng và tài sản. Bão Yagi đã gây ra gió mạnh và mưa lớn cho toàn bộ miền Bắc Việt Nam, kéo theo một loạt tác động tiêu cực khác như lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, đồng thời gây ra một đợt lũ lụt được đánh giá là "lũ lịch sử" trên khu vực miền Bắc Việt Nam vào đầu tháng 9 năm 2024, với đỉnh lũ trên nhiều sông đạt mức báo động 3 và trên báo động 3, cá biệt một số sông vượt giá trị cao nhất trong quá khứ.

Bão Yagi được Chính phủ Việt Nam đánh giá là "mạnh nhất trong 30 năm qua" trên Biển Đông và "trong 70 năm qua trên đất liền", với nhiều đặc điểm "chưa từng có tiền lệ". Báo cáo của Chính phủ nước này đánh giá bão Yagi và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại ít nhất 83,7 nghìn tỷ đồng (tương đương 3,45 tỷ USD) về tài sản, làm 345 người chết và mất tích. Yagi được đánh giá là một trong những thiên tai thảm khốc nhất tại Việt Nam những năm qua. Sau bão Yagi, Việt Nam đã kêu gọi và nhận được những sự hỗ trợ từ trong nước và quốc tế nhằm khắc phục hậu quả thiên tai.

Bão Yagi đã tác động mạnh đến nhiều vấn đề kinh tế – xã hội tại Việt Nam, gây ảnh hưởng đến tâm lý của một bộ phận người dân trong nước. Ngoài ra, Yagi cũng để lại một số vấn đề trong việc xác định cường độ khi đổ bộ của bão tại Việt Nam, cùng những tranh cãi liên quan đến vấn đề quyên góp từ thiện ủng hộ sau bão lũ.

Bối cảnh

Trước đợt đổ bộ của bão Yagi (bão số 3) vào Việt Nam, báo chí trong nước đã loan tin về sự bất thường của tình trạng thời tiết tháng 8. Trả lời báo Tài nguyên và Môi trường, ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia – cho biết nền nhiệt trung bình cả nước đạt 28,3 độ C, mức cao nhất trong lịch sử quan trắc.[1] Đồng thời, tháng 8 năm 2024 cũng là lần thứ 6 không có bão hoặc áp thấp nhiệt đới trong vòng 61 năm tại biển Đông tính từ năm 1963,[2] một điều rất hiếm khi xảy ra.[3] Hệ thống khí quyển Trái Đất đạt trạng thái trung tính sau một năm duy trì hình thế El Niño từ tháng 5 năm 2023, và được dự báo chuyển pha sang hiện tượng La Niña từ tháng 9 năm 2024 đến đầu năm 2025. Ông Khiêm cho rằng sẽ có bão hoặc áp thấp nhiệt đới với số đợt xấp xỉ hoặc hơn trung bình nhiều năm, các cơn bão có thể đổ bộ vào miền Trungmiền Nam Việt Nam nhiều hơn.[1] Nền nhiệt cao của biển, kết hợp với La Niña, được dự báo sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành các cơn bão mạnh hơn, với cấp độ gió từ 11–12 trở lên.[2]

Ngày 30 tháng 8, Cục Khí tượng Nhật Bản (JMA) đã công bố báo cáo về sự hiện diện của một vùng áp thấp ở khu vực tây bắc Palau.[4] Đến ngày 1 tháng 9, áp thấp này mạnh lên thành bão nhiệt đới và được JMA đặt tên là Yagi.[5] Sáng ngày 2 tháng 9, bão Yagi di chuyển dọc theo bờ biển đảo Luzon, miền Bắc Philippines, gây ngập lụt ở nhiều khu dân cư địa phương.[6] Trong ngày này, các chuyên gia khí tượng đã cho rằng bão Yagi có xác suất đi vào biển Đông tới 90%,[7] ở thời điểm chiều và đêm ngày kế tiếp.[8] Sáng ngày 3 tháng 9, bão Yagi đi vào khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 trong năm 2024, di chuyển theo hướng tây tây bắc.[9] Yagi mạnh lên thành siêu bão vào trưa ngày 5 tháng 9, sức gió đạt 201 km/h (cấp 16).[10] Cơn bão này đổ bộ vào thành phố Văn Xương, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc với sức gió trên cấp 17 lúc 16:20 ngày 6 tháng 9 theo giờ địa phương (CST).[11] Đến 22:20 cùng ngày, bão Yagi tiếp tục đổ bộ lần hai vào Trung Quốc tại huyện Từ Văn, thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông.[12]

Ngày 7 tháng 9, bão Yagi đi vào vịnh Bắc Bộ, tăng tốc từ lúc rời đảo Hải Nam. Theo JTWC, do điều kiện thuận lợi, bão Yagi dự kiến mạnh lên đến ít nhất 215 km/h trong 6–12 giờ tới trước khi đổ bộ vào Việt Nam.[13]

Công tác phòng chống thiên tai

Biểu đồ thể hiện đường đi và cường độ của bão theo thang Saffir–Simpson
Chú thích biểu đồ
     Áp thấp nhiệt đới (≤38 mph, ≤62 km/h)
     Bão nhiệt đới (39–73 mph, 63–118 km/h)
     Cấp 1 (74–95 mph, 119–153 km/h)
     Cấp 2 (96–110 mph, 154–177 km/h)
     Cấp 3 (111–129 mph, 178–208 km/h)
     Cấp 4 (130–156 mph, 209–251 km/h)
     Cấp 5 (≥157 mph, ≥252 km/h)
     Không rõ
Kiểu bão
▲ Xoáy thuận ngoài nhiệt đới, áp thấp tàn dư, nhiễu động nhiệt đới, hoặc áp thấp gió mùa

Ngay từ ngày 3 tháng 9, khi Yagi vừa vào biển Đông, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký ban hành Công điện về việc ứng phó với bão.[14] Một ngày sau, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức họp triển khai ứng phó với bão số 3 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 11 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.[15] Ngày 5 tháng 9, Phó Thủ tướng Việt Nam Trần Hồng Hà đã chủ trì họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và kết nối đến các tỉnh thành phố.[16] Ông yêu cầu các tỉnh thành chống bão quyết liệt trên tinh thần "hành động không nuối tiếc", thậm chí tuyên bố sẽ "xử lý nghiêm" trách nhiệm của người đứng đầu tỉnh đó nếu có sự chủ quan, lơ là. Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thuộc Chính phủ Việt Nam cho biết đã huy động tổng số 457.460 người sẵn sàng ứng phó bão Yagi. Trong đó số lượng quân bộ đội là 99.100, 318.900 dân quân tự vệ, 39.370 người dự bị động viên. Hơn 10.100 phương tiện, trong đó có 400 xe đặc chủng, 4.770 ô tô, 4.940 tàu thuyền và 6 máy bay cũng được huy động.[17] Để đối phó, chính quyền Việt Nam đã khuyến cáo ngư dân không nên đánh bắt cá ở các vùng biển nguy hiểm, tổ chức các hoạt động ngoài trời và đề nghị tăng cường bảo vệ nhà cửa, kiểm tra đê điều, đặc biệt là tại các điểm mà bão sẽ đổ bộ.[18] Với các khu vực tỉnh thành không giáp biển như tại ngoại thành Hà Nội, Thái Nguyên, lực lượng công an cùng người dân đã đắp đê ngăn lũ, lội ruộng gặt lúa để chống ngập úng cả trước và trong bão.[19][20] Chính quyền các tỉnh ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ Quảng Ninh đến Nghệ An đã ban hành lệnh cấm biển.[21]

Lần đầu tiên trong lịch sử, cơ quan chức năng Việt Nam ban hành cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 4 cho khu vực Vịnh Bắc Bộ.[22] Một Sở Chỉ huy tiền phương phòng chống bão Yagi đã được Chính phủ Việt Nam thành lập, đặt tại thành phố Hải Phòng.[23] Nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam đã cho học sinh nghỉ học ngày 7 tháng 9 và một vài ngày sau bão để phòng tránh các ảnh hưởng tiêu cực từ cơn bão Yagi.[24][25] Nhiều trường đại học cũng cho sinh viên tạm hoãn nhập học, nghỉ học và học trực tuyến trong thời gian chịu ảnh hưởng của bão.[26] Hơn 300 chuyến bay cũng đã bị ảnh hưởng bởi bão Yagi tại Việt Nam.[27] Nhiều ngành nghề, địa phương đã lên phương án, kịch bản và gửi các công điện triển khai công tác ứng phó bão Yagi đến các cấp trực thuộc.[28][29][30] Một trận đấu bóng đá giữa hai đội tuyển bóng đá quốc gia Nga và Thái Lan dự kiến diễn ra ngày 7 tháng 9 tại giải giao hữu LPBank Cup 2024 đã bị VFF hủy bỏ trước những ảnh hưởng của siêu bão Yagi.[31]

Tác động

Ảnh hưởng từ gió bão và hoàn lưu

Bão Yagi tiếp cận bờ biển miền Bắc Việt Nam ngày 7 tháng 9

Sáng ngày 7 tháng 9, bão Yagi càn quét đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) và Cô Tô (Quảng Ninh), gây ra gió mạnh cấp 12–13, giật cấp 14–15;[32] khiến nhiều cây cối ngã đổ và hư hại hạ tầng. Các địa phương ở đất liền Quảng Ninh và Hải Phòng cũng đã có gió mạnh cấp 7–9.[33] Chiều ngày 7 tháng 9, bão đổ bộ vào đất liền tỉnh Quảng Ninh,[34] một số trạm đo tại tỉnh thành như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Lạng Sơn ghi nhận những cơn gió mạnh từ cấp 10 đến cấp 13, riêng tại Bãi Cháy ghi nhận gió mạnh cấp 14–15 giật trên cấp 17.[32][35] Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA), bão đổ bộ Việt Nam với sức gió 90 nút (165 km/h)[36] trong khi theo Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (Hải quân Hoa Kỳ), bão đổ bộ ở cường độ 110 nút (205 km/h) tương đương cuối cấp 3 theo thang bão Saffir-Simpson.[37][38] Bão gây nhiều thiệt hại về nhà cửa, làm gãy đổ cây xanh, cột điện gây ra mất điện ở Hải Phòng và Quảng Ninh, nhiều nhà dân bị tốc mái tôn, nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp bị ngập úng, các khu vực chăn nuôi bị thiệt hại. Các tỉnh thành khác ở đồng bằng Bắc Bộ và trung du miền núi Bắc Bộ cũng chịu ảnh hưởng của gió giật mạnh.[39]

Hoàn lưu bão Yagi trước khi đổ bộ đã gây ra mưa dông tại nhiều nơi trên cả nước.[40][41] Từ ngày 7 tháng 9 đến ngày 12 tháng 9, Yagi đã gây ra mưa lớn trên diện rộng tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ của Việt Nam, tổng lượng mưa phổ biến 250–450 mm, có nơi cao hơn 550–700 mm,[32][42] lượng mưa do bão góp phần khiến cho lượng mưa trong 10 ngày đầu tháng 9 tại 83 trong tổng số 84 trạm đo đã vượt trung bình nhiều năm từ 4 đến 6 lần.[43] Nhiều trạm đo mưa ở miền Bắc cũng đã ghi nhận tổng lượng mưa cao kỷ lục trong tháng 9 mà một phần nguyên nhân từ đợt mưa do bão Yagi.[44]

Lũ lụt và vỡ đê

Do mưa lớn, mực nước tại các hệ thống sông chính tại miền Bắc là hệ thống sông Hồnghệ thống sông Thái Bình lên nhanh, gây ra một đợt lũ lớn tại khu vực này từ ngày 8 đến ngày 15 tháng 9; ngập lụt sâu diện rộng diễn ra tại 20/25 tỉnh thành thuộc khu vực Bắc Bộ.[32] Bên cạnh đó, mưa lớn do bão cũng làm nước từ thượng nguồn chảy về Hồ thủy điện Thác Bà khiến mực nước tại hồ này dâng lên nhanh, được đánh giá "đạt mức lịch sử" lên đến 5,6 nghìn mét khối trên giây, hồ phải xả lũ 3 cửa. Chính quyền Việt Nam đã chuẩn bị đến khả năng phải phá đập phụ, tuy nhiên sau đó mực nước về hồ giảm dần, phương án phá đập không phải thực hiện và thủy điện Thác Bà an toàn.[45][46] Ngoài ra, hồ Hòa Bìnhhồ Tuyên Quang lần lượt mở 2 và 8 cửa xả đáy.[32]

Đối với hệ thống sông Hồng, lũ đã xảy ra trên toàn hệ thống từ vùng thượng nguồn tại sông Thao đến đoạn hạ nguồn và đổ ra biển ở Đồng bằng Bắc Bộ cùng các nhánh. Tại sông Thao, đỉnh lũ đo tại Bảo Hà (Lào Cai) vào ngày 10 tháng 9 đã vượt mức lũ lụt lịch sử 1971 là 1,02m;[47][35] đỉnh lũ đo tại trạm Lào Cai là 86,97m, trên báo động 3 nhưng dưới mức lũ lịch sử.[35] Đoạn sông Thao qua Yên Bái, đỉnh lũ lúc 17 giờ ngày 10 tháng 9 lên đến 35,73m, trên báo động 3 và vượt 1,31m so với mức lịch sử năm 1968.[48][49][35] Đỉnh lũ trên sông Lô tại Phú Thọ cũng đạt trên báo động 3.[35] Ở vùng hạ du, mực nước sông Hồng tại trạm Hà Nội cũng lên đến 11,3m; dưới báo động 3 là 0,2m vào rạng sáng ngày 12 tháng 9.[50][35] Mức lũ này là cao nhất kể từ năm 2002 đến nay tại Hà Nội, năm 2002 đạt 12,3m vào ngày 18 tháng 8,[51] năm 2003 mực nước cao nhất năm là 9,75m,[52] năm 2004 là 11,04m và là lần gần nhất mực nước lũ trên 11m tại Hà Nội.[53] Trong khi đó, ở vùng ngoại thành Hà Nội, nước sông dâng lên mức vượt báo động 3 tại một số sông nhỏ là nhánh của sông Đáy như như sông Tích, sông Bùi.[54] Ngoài ra, các vùng hạ nguồn như Hà Nam (sông Đáy), Nam Định (sông Ninh Cơ), Ninh Bình (sông Hoàng Long), đỉnh lũ cũng đạt trên báo động 3, gây ngập lụt sâu nhiều vùng.[55][56] Trong đó, đỉnh lũ trên sông Đáy tại trạm Phủ Lý đạt 5,22m vào ngày 12 tháng 9, vượt mức lũ lịch sử là 0,29m,[35] lũ trên sông Ninh Cơ cũng đạt đỉnh trong chiều 12 tháng 9, trên báo động 3 và vượt mức lũ lịch sử 0,14m.[35]

Đối với hệ thống sông Thái Bình, đỉnh lũ trên sông Cầu tại Gia Bảy, Thái Nguyên đạt 28,81m, tức trên 1,81m so với mực nước báo động 3 và vượt mức lũ lịch sử được ghi nhận vào năm 1959;[54][35][57] đỉnh lũ sông Cầu tại Bắc Ninhsông Thương tại Bắc Giang cũng đạt ngưỡng trên báo động 3,[58] riêng tại Phủ Lạng Thương tiệm cận mức lũ lịch sử.[35] Tại Hải Dương, đỉnh lũ các sông Thái Bình, sông Kinh Thầy đạt mức cao nhất trong 28 năm, vượt mức báo động 3. Trong đó, đỉnh lũ sông Thái Bình tại Phả Lại đạt mức 6,25 m vào 17 giờ ngày 12 tháng 9, cao nhất từ năm 1996 đến nay (năm 1996 mực nước lũ cao nhất tại Phả Lại đạt 6,52m).[59][32][60] Lũ lớn cũng xuất hiện ở một số sông khác trên hệ thống sông Thái Bình như sông Kinh Môn, sông Gùa.[42]

Mực nước lũ lên cao đồng thời gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi, gây ảnh hưởng đến hệ thống đê ven sông. Tình trạng sạt lở cũng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí điểm yếu thuộc hệ thống đê, kè, công trình ven sông tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Lũ trên các sông, suối lên gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bờ bãi ven sông bị nước xâm lấn, nhiều diện tích bãi nổi giữa sông bị ngập sâu. Các hoạt động giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp và các hoạt động kinh tế xã hội, đặc biệt tại hạ lưu sông Hồng, sông Thái Bình cũng bị ảnh hưởng.[61] Tối ngày 10 tháng 9, một sự cố vỡ đê tại sông Lô đã xảy ra, khiến cho nhiều nhà dân tại xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương của tỉnh Tuyên Quang bị nhấn chìm dưới nước trong một khu vực rộng lớn.[62] Vị trí đê bị vỡ giáp với ranh giới giữa xã Quyết Thắng với xã Hợp Nhất của huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.[63] Theo tờ Thanh Niên, chiều dài đoạn đê bị vỡ là 22m và nguyên nhân gây ra sự cố là do mưa lũ do ảnh hưởng sau bão số 3 Yagi khiến cho mực nước sông Lô dâng cao trên mức báo động 3, khiến cho đê bị vỡ.[64]

Sự cố và thảm họa

Vào khoảng 10 giờ 2 phút ngày 9 tháng 9, cầu Phong Châu nối 2 huyện Tam NôngLâm Thao của tỉnh Phú Thọ đã xảy ra tình trạng bị sập nhịp, cuốn trôi trụ T7 và 2 nhịp dàn chính (nhịp 6 và nhịp 7 phía bờ bên phải phía sông Thao, thuộc địa bàn huyện Tam Nông. Theo thông tin ban đầu xác định, tại thời điểm xảy ra sự cố có 10 phương tiện đang di chuyển trên cầu (1 xe ô tô tải, 2 xe ô tô đầu kéo, 6 xe mô tô, 1 xe máy điện), khiến cho 8 người mất tích, 3 người bị thương được đưa đi cấp cứu tại cơ sở y tế.[65][66] Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ, nguyên nhân về sự cố gây ra sập, trôi cầu Phong Châu là do ảnh hưởng của mưa, lũ sau bão số 3.[67] Sở Giao thông Vận tải Phú Thọ ban đầu xác định bão khiến mưa lũ, nước sông dâng, chảy xiết, dẫn đến thay đổi địa hình dưới cầu, làm sập hai nhịp cầu.[68]

Một ngày sau, vào ngày 10 tháng 9, một trận lũ quét nghiêm trọng đã xảy ra tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai).[69] Theo Nguyễn Châu Lân và nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Giao thông vận tảitrường Đại học Thủy lợi, một khối lượng đất đá lên tới 1,6 triệu mét khối từ núi Con Voi (cao trung bình trên 1000 mét so với mực nước biển)[70] đổ xuống với tốc độ rất nhanh, lúc nhanh nhất lên tới 20 m/s (72 km/h) nên chỉ trong khoảng 10 đến 15 phút, dòng thác bùn đá lớn đã tràn xuống Làng Nủ, bao phủ một diện tích lên tới 38 hecta, nhấn chìm 37 ngôi nhà trong dòng lũ bùn đá với độ sâu từ 8–15 m, nơi sâu nhất bị phủ tới 18 m, chiều dài của dòng lũ bùn đá lên tới 3,6 km.[71] Theo VnExpress, yếu tố địa hình, độ dốc, địa chất, ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu với những đợt mưa lớn sau bão là nguyên nhân tác động đến hiện tượng lũ quét, sạt lở tại Làng Nủ cũng như các tỉnh vùng núi khác.[72] Sạt lở đất, lũ ống, lũ quét cũng xảy ra tại nhiều địa phương khác ở miền Bắc Việt Nam như Cao Bằng, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh,…[73]

Thiệt hại

Ước tính thiệt hại kinh tế do bão và mưa lũ sau bão tại Việt Nam theo tỉnh thành
Tỉnh thành Thiệt hại sơ bộ
(tỷ đồng)
Nguồn
Quảng Ninh 28.000 [74]
Hải Phòng 13.062,7 [75]
Hà Nội >2.287 [76]
Thái Bình 1.479 [77]
Hải Dương 7.498 [77]
Nam Định 1.142 [77]
Ninh Bình 376,6 [78]
Hà Nam 793,4 [79]
Vĩnh Phúc 705 [80]
Hưng Yên 3.637,6 [81]
Bắc Ninh 1.200 [82]
Hoà Bình 1.605 [82]
Thái Nguyên 859 [77]
Bắc Giang 5.000 [83]
Tuyên Quang 1.890 [84]
Hà Giang 1.400 [85]
Lào Cai >7.065 [86]
Phú Thọ 1.588 [82]
Yên Bái 5.738 [77]
Lạng Sơn >900 [87]
Sơn La >666 [88]
Điện Biên 4,7 [89]
Lai Châu 6,3 [90]
Cao Bằng 1.530 [91]
Bắc Kạn >900 [92]
Thanh Hoá 430 [93]
Tổng thiệt hại >83.746

(3,45 tỷ USD)

[94]
Do các nguồn báo cáo khác nhau
nên tổng số có thể không khớp

Bão Yagi và mưa lũ sau bão đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho Việt Nam, là đợt thiên tai nghiêm trọng nhất tại miền Bắc trong rất nhiều năm trở lại đây.[77][95] Theo báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội Việt Nam tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, bão Yagi và mưa lũ sau bão khiến 323 người chết, 22 người mất tích, 1.978 người bị thương; hơn 280.000 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái; hơn 120.000 ngôi nhà bị ngập; gần 12.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi.[96] Đến ngày 23 tháng 12 năm 2024, báo cáo của Cục Quản lý Đê, điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) trong "Diễn đàn Kinh nghiệm phục hồi sau thiên tai" cho biết tổng thiệt hại về kinh tế do bão Yagi gây ra trên lãnh thổ Việt Nam ước tính lên đến trên 83.746 tỷ đồng (3,45 tỷ đô la Mỹ),[94] con số này được cho là tương đương với tổng thu ngân sách nhà nước toàn vùng Trung du và miền núi phía Bắc;[97] trong đó thiệt hại về nông nghiệp ước tính 38.086 tỷ đồng (chiếm 45% tổng thiệt hại về kinh tế).[94] Còn theo tổng hợp từ báo VietNamNet, thiệt hại kinh tế hơn 88.700 tỷ đồng (tương đương 3,65 tỷ USD, bằng 0,62% GDP Việt Nam năm 2023), làm giảm 0,24% GDP Việt Nam năm 2024.[98] Tại Việt Nam, thiệt hại kinh tế do bão Yagi và mưa lũ sau bão là lớn nhất từ trước tới nay do thiên tai gây ra, thiệt hại kinh tế gấp 4 lần so với trung bình thiệt hại do thiên tai 10 năm gần đây, vượt qua tổng số thiệt hại khoảng 60.000 tỷ đồng của năm 2017.[99]

Ít nhất 130.000 người đã phải di dời trên toàn quốc. Hơn 241.000 ngôi nhà bị hư hại trên khắp cả nước, trong khi lũ lụt đã nhấn chìm 84.000 ngôi nhà,[100] và 280,000 hécta (691,90 mẫu Anh) cây trồng[101] và gây ảnh hưởng đến nghề nuôi trồng và đánh bắt hải sản.[102][103] Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, toàn ngành thủy sản tại Việt Nam "điêu đứng" sau bão, các doanh nghiệp chịu thiệt hại về cơ sở vật chất, giảm cơ hội kinh doanh.[104] Thiệt hại cũng xảy ra với 2.350 trường học và 745 cơ sở y tế.[100] Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ước tính rằng ba triệu người trên khắp cả nước có nguy cơ mắc bệnh do thiếu nước uống và vệ sinh, trong khi hai triệu trẻ em cần được tiếp cận với giáo dục, hỗ trợ tâm lý xã hội và các chương trình cung cấp thực phẩm tại trường học.[105] Ngành Giáo dục nước này cũng chịu thiệt hại nặng nề với 59 học sinh, giáo viên tử vong và mất tích, trong đó nhiều công trình trường học bị sụp đổ, tốc mái, trang thiết bị dạy học, bàn ghế, sách vở bị nước cuốn trôi, hư hỏng nặng.[86]

Về công nghiệp, 111 khu công nghiệp và 4.760 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoạt động tại khu vực miền Bắc trong các ngành công nghiệp như điện tử và cơ khí, công nghệ thông tin, vật liệu xây dựng, lâm nghiệp và thủy sản, dệt may, ô tô, lọc hóa chất và hóa dầu và du lịch, chịu tác động tiêu cực của bão và mưa lũ.[106] Có 6,1 triệu khách hàng tại Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi các sự cố về điện do bão Yagi và mưa lũ gây ra, có nơi bị cắt điện kéo dài nhiều ngày do hệ thống lưới điện bị hư hại trong bão lũ, tính đến ngày 17 tháng 9 vẫn còn hơn 100 nghìn hộ dân chưa có điện.[107] Về dịch vụ, hai nhóm ngành Ngân hàng và Bảo hiểm là hai lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất. Đối với ngành Ngân hàng, tổng dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi hậu quả của bão và lũ lụt lên đến 100 nghìn tỷ đồng.[108] Về lĩnh vực bảo hiểm, Tổng công ty Bảo hiểm PVI ghi nhận hơn 500 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước tổng mức khiếu nại tổn thất hơn 2.000 tỷ đồng.[109][110] Giá cổ phiếu của nhiều công ty bảo hiểm đã giảm mạnh trên sàn chứng khoán do ảnh hưởng tiêu cực từ bão lũ.[111] Toàn ngành bảo hiểm thiệt hại 12,8 nghìn tỷ đồng sau bão và lũ lụt.[112] Ngành du lịch cũng chịu những tác động tiêu cực do bão và mưa lũ, nhiều điểm du lịch bị thiệt hại nặng về cơ sở vật chất, về quang cảnh.[113] Về thị trường, sau bão và mưa lũ, tại nhiều chợ dân sinh ở một số tỉnh thành, các loại rau có sự tăng giá so với thời điểm trước khi bão đổ bộ.[114]

Những địa phương chịu thiệt hại nặng nhất

Những tỉnh thành có nhiều người chết và mất tích do bão và mưa lũ do bão
Tỉnh thành Người chết Mất tích Nguồn
Lào Cai 138 13 [115]
Cao Bằng 55 3 [116]
Yên Bái 54 0 [77]
Quảng Ninh 29 0 [77]
Tổng số thống kê 323 22 [96]
  • Số liệu không tính đến những người chết trước khi bão đổ bộ

Quảng Ninh là địa phương chịu thiệt hại về kinh tế nặng nề nhất tại Việt Nam trong bão Yagi, với con số ước tính lên đến khoảng 28 nghìn tỷ đồng.[77][74] Địa phương này cũng ghi nhận 29 người chết, 1.609 người bị thương và 102.467 ngôi nhà bị hư hỏng,[77][117] 254 nhà đổ, sập, 5.000 nhà bị ngập, sạt lở, 27 tàu du lịch, 116 tàu đánh cá, 126 tàu chở hàng, chở người các loại ở Quảng Ninh bị chìm.[118] Tỉnh này cũng là địa phương ghi nhận gió bão giật trên cấp 17 lần đầu tiên tại Việt Nam tại trạm Bãi Cháy thuộc thành phố Hạ Long,[35][99] thành phố này cũng là địa phương chịu thiệt hại kinh tế nặng nề nhất trong tỉnh với con số ước tính lên đến hơn 9.000 tỷ đồng.[119] Toàn tỉnh Quảng Ninh mất điện do ảnh hưởng của bão Yagi, hàng loạt cột điện trên địa bàn tỉnh này bị gãy, đổ.[120] Nhiều nhà máy, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh này bị tàn phá bởi bão Yagi.[121] Ngành công nghiệp than và hệ thống thông tin liên lạc tại tỉnh này cũng bị tàn phá nghiêm trọng.[122] Về lâm nghiệp, trên 117.000 ha rừng ở Quảng Ninh bị thiệt hại sau bão với mức độ từ 30% đến 100%; chủ yếu là rừng trồng với các loại cây như cây thông, keo, bạch đàn;[123] khi vào mùa hanh khô, thời tiết nắng nhiều và độ ẩm thấp khiến những khu rừng này liên tục xảy ra cháy.[124] Ngành thủy sản tỉnh này cũng chịu thiệt hại nặng nề sau bão Yagi, rất nhiều tấn các loài thủy sản của tỉnh này mất trắng, hư hỏng.[125] Hai công trình có tính biểu tượng của tỉnh Quảng Ninh là Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh (cung Cá Heo) và Bảo tàng Quảng Ninh đều bị thiệt hại nặng như tốc mái, vỡ cửa kính, phải tạm dừng hoạt động một thời gian để sửa chữa.[126] Về du lịch, hàng loạt cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh này bị hư hỏng nặng sau bão. Di sản thế giới Vịnh Hạ Long và nhiều điểm du lịch khác ở Quảng Ninh cũng bị thiệt hại nặng sau bão.[127][128] Trong khi làm nhiệm vụ phòng chống bão số 3, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 2 chiến sĩ thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam thiệt mạng. Trong đó một người bị ngã khi giúp người dân tránh cây đổ, và một người tử vong do bị lũ cuốn trôi.[129]

Hai địa phương giáp với Quảng Ninh là Hải PhòngHải Dương cũng chịu thiệt hại nặng.[77] Tại Hải Phòng, ước thiệt hại do bão Yagi và mưa lũ gây ra sau bão lên đến 13,062 nghìn tỷ đồng, riêng trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn chiếm gần 40% so với tổng thiệt hại trên toàn địa bàn, khi rất nhiều diện tích lúa, hoa màu, rừng trồng, rừng phi lao cùng các cơ sở sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại.[75] Các doanh nghiệp ở Hải Phòng cũng bị bão Yagi tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, nhiều cơ sở vật chất hư hỏng nặng, ước tính mất khoảng 3 tháng để có thể khôi phục sau bão.[130] Hải Phòng cũng là địa phương bị mất điện hoàn toàn trên diện rộng do bão.[120] Về du lịch, Hải Phòng cũng chịu thiệt hại nặng, lượng khách du lịch đến thành phố Hải Phòng tháng 9 năm 2024 giảm 20% so với cùng kỳ năm 2023.[131] Đảo Cát Bà, một điểm du lịch nổi tiếng của thành phố, có 4.700 tòa nhà và 21 tàu bị hư hại, trong đó có 130 tòa nhà bị hư hại hoặc phá hủy nghiêm trọng và 18 tàu bị chìm.[132][133] Giáp với Hải Phòng, Hải Dương cũng là địa phương chịu thiệt hại nặng về kinh tế với con số ước tính là 7,5 nghìn tỷ đồng.[77] Theo ông Tăng Bá Hoành, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương,[134] Yagi là cơn bão mạnh nhất tấn công tỉnh này từ năm 1968 đến nay. Yagi đã làm hàng loạt cây xanh trên địa bàn tỉnh Hải Dương bị gãy đổ.[135] Mưa và lũ lụt sau bão khiến cho nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh Hải Dương bị ngập sâu.[136] Về nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh này có 7,75 nghìn ha lúa bị đổ, bị ngập; 3,2 nghìn ha rau màu bị ngập, đổ gãy hoặc bị dập nát; khoảng 2,25 nghìn ha rừng bị thiệt hại; 73 con gia súc, 388,6 nghìn con gia cầm bị chết; khoảng 560 ha nuôi trồng thủy sản bị tràn bờ, khoảng 434 lồng cá bị tràn, vỡ, trôi lồng. Về cơ sở hạ tầng, 20.650 công trình nhà ở, nhà xưởng, trụ sở, trường học... tại Hải Dương bị sập mái, tốc mái, hư hỏng hoặc bị đổ do bão và lũ lụt.[137]

Lào Cai là địa bàn ghi nhận nhiều người thiệt mạng nhất trong đợt mưa bão, lũ lụt sau bão Yagi tại Việt Nam. Tỉnh này ghi nhận 138 người chết, trong đó có 75 người tại huyện Bảo Yên, 30 người tại huyện Bắc Hà và 13 người mất tích.[115] Thiệt hại kinh tế tại Lào Cai ước tính lên đến khoảng 7,06 nghìn tỷ đồng.[115] Gần một nửa thương vong tại tỉnh này đến từ trận lũ quét ở Làng Nủ, khi dòng lũ đã san phẳng 37 căn nhà tại thôn này chỉ còn 2 ngôi nhà còn nguyên vẹn.[69] 60 người chết và 7 người mất tích do trận lũ quét này.[138] Có những nạn nhân trong thảm họa này chưa biết có những ai trong gia đình bị thiệt mạng khi thảm họa vừa diễn ra.[139] Hình ảnh những quan tài được xếp đầy tại thôn đã gây xúc động mạnh trong dư luận.[140][141] Ngoài ra, một trận lở đất khác ở Lào Cai đã ập vào và gây thiệt hại cho làng Nậm Tông, khiến 10 người tử vong và 8 người mất tích.[142] Một người trưởng bản tên Ma Seo Chứ tại Bắc Hà, Lào Cai đã được các phương tiện truyền thông và chính quyền địa phương khen ngợi vì hành động cứu giúp người trong thời gian xảy ra bão lũ,[143] khi phát hiện nguy cơ sạt lở trên địa bàn, anh đã vận động 115 người dân trong thôn di dời lên một điểm an toàn để dựng lều tránh trú.[144][145] Tại Cao Bằng, ghi nhận 55 người chết và 3 người mất tích.[116] Trong ngày 9 tháng 9, hai vụ lở đất xảy ra, một vụ tại xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình đã vùi lấp 6 ngôi nhà và khiến 9 người tử vong,[146] một vụ khác đã cuốn trôi xe khách và một số xe ô tô con, xe máy.[147] Ước tính thiệt hại do bão Yagi và mưa lũ tại Cao Bằng lên tới 1.530 tỷ đồng,[91] với hơn 2 nghìn hecta lúa, hoa màu và các cây công nghiệp, cây ăn quả bị ngập, đổ, dập, gãy cùng nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản bị hư hại; về cơ sở vật chất, tỉnh có 38 điểm trường bị hư hỏng hoặc tốc mái, 45 công trình thủy lợi bị thiệt hại nặng hoặc bị vùi lấp, hàng chục công trình như cầu dân sinh cùng trạm y tế và nhà văn hóa xóm cũng như các công trình khác bị hư hỏng và ngập nước.[148]

Những địa phương khác

Cành cây gãy trên đường phố Hà Nội do ảnh hưởng của bão Yagi

Trước khi bão Yagi đổ bộ vào Hà Nội, ngày 6 tháng 9, vạt mây hoàn lưu bão gây ra một trận mưa kèm dông lốc trên địa bàn thành phố Hà Nội làm 1 người chết và 6 người bị thương.[149] Khi bão Yagi tràn vào miền Bắc Việt Nam, gió bão ghi nhận được ở các trạm khí tượng tại Hà Nội và sân bay Nội Bài là cấp 6, cấp 7 và giật cấp 8–10.[35][150] Hàng loạt cây đổ chắn ngang các tuyến phố Hà Nội, thậm chí ngay cả các tuyến phố trung tâm quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm như phố Nhà Thờ, Lò Sũ, Hàng Dầu, trong đó có cây đa hàng trăm năm tuổi ở đền Bà Kiệu bờ Hồ Hoàn Kiếm cũng bật gốc. Một số khu vực đã mất điện cục bộ do bão.[151][152][153] Mưa lớn cũng gây ngập lụt một số tuyến phố trong nội đô, nước tràn vào nhà dân, chung cư gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.[151] Nước lũ từ thượng nguồn sông Hồng đổ về Hà Nội đã lên gần tới mặt cầu Long Biên, cầu Chương Dương, gây ngập sâu tại các bãi bồi ven sông và chân các cầu này, buộc chính quyền phải dừng hoạt động của tàu hỏa qua cầu Long Biên.[154] Nước tràn vào khu vực phường Phúc TânChương Dương tại quận Hoàn Kiếm khiến nhiều khu phố ngập sâu, buộc người dân phải di dời.[155][156][157] Ở vùng ngoại thành Hà Nội, mực nước sông Tích, sông Bùi dâng cao khiến nhiều khu vực chìm trong nước lũ, người dân phải đi lại bằng thuyền.[158] Tính chung tại Hà Nội, 6.521 tòa nhà bị hư hỏng;[117] hơn 100.000 cây xanh bị đổ, gãy; thiệt hại kinh tế tại Hà Nội gần 2.300 tỷ đồng.[76]

Khu vực Trung du và miền núi phía Bắc có nhiều địa phương chịu ảnh hưởng nặng do bão Yagi và mưa lũ, lũ ống, lũ quét sau bão.[159] Tại Yên Bái, bão và mưa lũ do hoàn lưu của bão khiến 54 người chết, ước tính thiệt hại kinh tế lên tới 5.738 tỷ đồng.[160][77] Thành phố Yên Bái ghi nhận lượng mưa trên 200 mm chỉ trong 2 giờ đồng hồ,[43] gây ngập lụt sâu diện rộng trên địa bàn thành phố,[161] và có 22 người thiệt mạng trên địa bàn.[160] Vụ sạt lở tại thôn Át Thượng, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên lúc rạng sáng ngày 10 tháng 9 làm 4 ngôi nhà bị mất hoàn toàn khiến 9 người chết.[162] Nhiều nhà ở, cây trồng, vật nuôi và các công trình cũng bị thiệt hại nặng do mưa lũ.[163] Tại Thái Nguyên, nhiều huyện thị trên địa bàn tỉnh này đã ngập chìm trong nước lũ, nhiều hộ dân và gia súc, gia cầm phải di dời.[57][164] Thành phố Thái Nguyên cũng ngập sâu trong nước, có điểm ngập lên tới 2m.[165] Tại Bắc Giang, nước lũ sông Cầu tràn qua đê bối, gây ngập lụt tại nhiều địa bàn thuộc huyện Hiệp Hòa.[166] Nước lũ tại Bắc Giang cũng tràn vào các vùng thoát lũ,[167] nhiều hộ dân phải di dời.[168] Tại Phú Thọ, mưa lũ trên địa bàn tỉnh này đã làm ngập lụt lên đến 21 nghìn hecta đất nông nghiệp, hơn 7 nghìn hộ dân phải di dời khẩn cấp.[169] Vụ sập cầu Phong Châu đã làm 8 người mất tích, trong đó đã tìm thấy 4 thi thể tính đến ngày 23 tháng 9.[170] Tại Tuyên Quang, vụ vỡ đê sông Lô gây hư hỏng gần 400 mét kênh, nhiều nhà dân, đường phố trên địa bàn tỉnh đã bị ngập trong nước. Tỉnh này có hơn 3,4 nghìn hecta lúa và hơn 1 nghìn hecta hoa màu, ngô bị ngập úng trong nước lũ; hàng trăm hecta cây trồng hằng năm, cây ăn quả, cây lâm nghiệp bị ảnh hưởng, bị đổ, gãy và ngập.[171][172]

Các khu vực thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng cũng chịu ảnh hưởng nặng từ bão và mưa lũ.[159] Tại Hưng Yên, bão và lũ lớn trên sông Hồng, sông Luộc đã gây thiệt hại nặng cho tỉnh ở cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và cơ sở hạ tầng, cũng như công trình văn hóa, di tích lịch sử.[81] Tại Bắc Ninh, mưa bão và lũ lụt làm hơn 4 nghìn nhà cửa và các công trình, trường học, chợ trên địa bàn bị sập, tốc mái; 655 hộ dân bị ngập úng hoặc có nguy cơ xảy ra ngập úng phải di dời; gần 10 nghìn hecta lúa bị ngập và hơn 82 nghìn con gia cầm bị chết.[173] Các địa phương vùng Nam đồng bằng Bắc Bộ như Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình cũng chịu ảnh hưởng nặng. Nhiều huyện thị trên địa bàn tỉnh Hà Nam ngập sâu do nước sông Đáy lên cao, hàng trăm hộ dân phải di dời.[174][175] Tại Ninh Bình, mực nước trên sông Hoàng Longsông Đáy dâng cao đến báo động 3, gây ngập hơn 1 nghìn hộ dân ven sông ở hai huyện Nho QuanGia Viễn, làm cuộc sống của nhiều người dân bị ảnh hưởng.[176][177] Lãnh đạo tỉnh này phải phát lệnh di dân khẩn cấp do mưa lũ tại vùng phân lũ và chậm lũ tại hai huyện nói trên,[178][179] nhưng chưa đầy một ngày sau thì dừng lệnh do lũ rút.[180] Tại Nam Định, trận mưa vào ngày 10 tháng 9 đã vượt kỷ lục lịch sử năm 1993,[44] khiến thành phố này ngập sâu.[181] Nước lũ trên sông Ninh Cơ và sông Đáy dâng cao, có những điểm tràn đê bối, gần 500 hộ dân trên địa bàn tỉnh phải di dời.[182] Tính trên toàn tỉnh này có 18,1 nghìn hecta lúa và 3,8 nghìn hecta hoa màu bị ngập và hư hỏng, hơn 2 nghìn ngôi nhà bị ngập nước.[183] Tại Thái Bình, gió bão và mưa lớn gây thiệt hại đến 55 nghìn hecta lúa mùa.[184] Mưa lũ cũng khiến một số nơi tại tỉnh này bị ngập sâu.[185]

Cứu trợ và khắc phục hậu quả

Các nguồn lực trong nước

Thiệt hại và tác động tiêu cực của bão Yagi và mưa lũ khiến Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam phải triệu tập một phiên họp vào ngày 9 tháng 9, sau đó ban hành một kết luận về việc khắc phục hậu quả do bão Yagi và mưa lũ gây ra; chỉ đạo các cơ quan cấp cao của Việt Nam khẩn trương tham gia hoạt động này.[186][187] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các đoàn công tác đã đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả và động viên bà con nhân dân sau bão và mưa lũ.[188][189][190] Chính phủ Việt Nam dành một phút mặc niệm các nạn nhân thiệt mạng do bão lũ trong sáng ngày 14 tháng 9 tại một phiên họp.[191] Ngày 15 tháng 9, Chính phủ Việt Nam tổ chức Hội nghị thường trực Chính phủ về khắc phục hậu quả do Yagi và mưa lũ gây ra, sau đó ban hành một Nghị quyết chuyên đề cùng các chính sách nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả bão lũ.[192]

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ tại miền Bắc, Quân đội nhân dân Việt Nam đã được giao xây dựng phương án sử dụng máy bay, trực thăng tham gia cứu hộ. Trong sáng ngày 12 tháng 9, một chiếc trực thăng EC-155-B1 số hiệu VN-8621 của Công ty Trực thăng miền Bắc đã được khởi hành từ sân bay Gia Lâm để vận chuyển 600 kg hàng hóa nhu yếu phẩm gồm nước uống, lương khô, sữa, mì ăn liền đến Cao Bằng.[193][194] Chiều 13 tháng 9, Quân đội Việt Nam đã điều động trực thăng quân sự từ Hà Nội nhằm hàng hóa, nhu yếu phẩm tiếp tục tiếp ứng cho đồng bào tại các khu vực đang bị cô lập, giao thông chia cắt do ảnh hưởng của bão lũ ở huyện Bảo Lâm và huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng để tiếp ứng cho người dân vùng lũ.[195] Trong lũ quét làng Nủ, 100 chiến sĩ đã được điều động để tìm kiếm dọc suối Nủ từ sông Chảy vào; 200 chiến sĩ vào tìm kiếm trực tiếp tại khu vực sạt lở. Ngoài ra, lực lượng công an, quân đội, dân quân của huyện và tỉnh khoảng 300 người cùng tham gia tìm kiếm, dẫn đường và cung cấp thông tin.[69][196] Với vụ sập cầu Phong Châu, đến ngày 13 tháng 9, tỉnh Phú Thọ mới gửi văn bản gửi các Sở, ban ngành liên quan về việc thực hiện tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn sự cố sập cầu Phong Châu do nước lũ lúc này mới xuống mức báo động 1.[197]

Vào chiều ngày 10 tháng 9, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức lễ phát động quyên góp ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão, khi ngân sách nhà nước vẫn còn hạn chế.[198] Tối cùng ngày, trước khi trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Thái Lan diễn ra, ban tổ chức và VFF đã quyết định dành 1 phút mặc niệm, chia sẻ cùng người dân và các địa phương bị thiệt hại do bão số 3 Yagi,[199] và ngay sau đó đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam đã ủng hộ đồng bào bão lũ số tiền 400 triệu đồng.[200] Tính đến ngày 14 tháng 9, các tổ chức, cá nhân đã chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương 1.001 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ,[201] và đến đến giữa tháng 11 năm 2024, con số đã đạt trên 2.185 tỷ đồng, và đã được phân bổ đến các địa phương.[97] Nhiều cá nhân, tổ chức đã đứng ra tổ chức các chương trình từ thiện nhằm quyên góp, chia sẻ và cảm thông với những người dân phải gánh chịu hậu quả do bão.[202][203][204] Diễn viên Đại Nghĩa thậm chí đã đến thôn Làng Nủ để trao quà hỗ trợ cho người dân sau thiên tai.[205] Ông Nguyễn Xuân Khang, một thầy giáo tại trường Marie Curie ở Hà Nội đã tuyên bố nhận nuôi tất cả trẻ em Làng Nủ đến khi đủ 18 tuổi.[206] Hải Phòng và Quảng Ninh dù nằm trong danh sách được hưởng gói cứu trợ trị giá 100 tỷ đồng sau bão của Chính phủ, tuy nhiên địa phương này cùng với tỉnh Quảng Ninh đã từ chối nhận gói cứu trợ kể trên, đồng thời tự cân đối nguồn lực để khắc phục hậu quả và dành phần cứu trợ cho các địa phương khác khó khăn hơn.[207][208]

Cứu trợ quốc tế

Ngày 11 tháng 9, Úc chuyển lô hàng cứu trợ khẩn cấp cho Việt Nam, và công bố khoản viện trợ ban đầu trị giá 3 triệu AUD.[209] Mỹ thông qua cơ quan Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, đã viện trợ 1 triệu USD để hỗ trợ khắc phục những thiệt hại do bão Yagi gây ra tại Việt Nam.[210] Ngày 12 tháng 9, Hàn Quốc đã quyết định cung cấp viện trợ nhân đạo trị giá 2 triệu USD cho Việt Nam.[211] Ngày 14 tháng 9, Vương quốc Anh cũng tuyên bố viện trợ nhân đạo 1 triệu bảng Anh cho Việt Nam.[212] Chính phủ Nhật Bản, thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, đã gửi hàng cứu trợ khẩn cấp để hỗ trợ Việt Nam phục hồi sau thiệt hại do cơn bão gây ra.[213] Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) đã gửi 2 triệu đô la Mỹ hỗ trợ Việt Nam ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão Yagi.[214] Nhiều nước trên thế giới đã gửi lời chia buồn đến Việt Nam do những hậu quả mà bão Yagi và mưa lũ gây ra.[215][216][217]

Khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa

Ngày 29 tháng 9 năm 2024, Lữ đoàn công binh 249 thuộc Binh chủng Công binh đã lắp đặt một cầu phao cách cầu Phong Châu bị sập khoảng 400m về phía hạ lưu sông Hồng để thay thế tạm thời cầu Phong Châu đã sập, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân sau bão và mưa lũ.[218][219][220] Từ 6 giờ sáng 30 tháng 9, cầu phao được đưa vào vận hành.[221][222] Tháng 11 năm 2024, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Việt Nam Nguyễn Hòa Bình đã ký quyết định bổ sung 800 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương cho Bộ Giao thông Vận tải để đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới.[223][224] Ngày 14 tháng 12 năm 2024, phần cầu Phong Châu còn lại bắt đầu được phá dỡ,[225] và sau đó vài ngày, dự án Cầu Phong Châu mới được khởi động với trị giá 635 tỷ đồng.[226]

Tại Lào Cai, khu vực đã chịu thiệt hại nặng từ ảnh hưởng của hoàn lưu bão Yagi, mỗi hộ dân chịu thiệt hại từ trận lũ quét tại Làng Nủ sẽ được bố trí từ 50 đến 60m2 diện tích đất ở tạm cư trong khoảng thời gian chờ khu tái định cư hoàn thiện. Khu tạm cư được thực hiện theo hình thức xã hội hóa.[227] Ngày 21 tháng 9, tỉnh Lào Cai đã khởi công tái thiết khu dân cư thôn Kho Vàng ở xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà và khu tái định cư Làng Nủ của xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, những địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề do bão lũ.[228] Đến ngày 22 tháng 12, công trình Khu tái định cư cho người dân thôn Làng Nủ tại tỉnh Lào Cai, đã được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.[229]

Đánh giá, tranh cãi và tác động xã hội

Tác động xã hội

Bản đồ mức độ tác động của bão Yagi tại miền Bắc Việt Nam

Ảnh hưởng của Yagi và mưa lũ sau bão được đánh giá là đã gây sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai, nhất là trẻ em, người cao tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương.[230] Nhiều người dân chịu thiệt hại trực tiếp từ các cơn bão tỏ ra mệt mỏi, bất lực trước cảnh "đổ nát, hoang tàn, ngổn ngang, bề bộn" sau bão và lũ lụt.[231] Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính thậm chí đã bày tỏ cảm xúc "bật khóc" khi nhắc đến hiện trường vụ lũ quét ở Làng Nủ,[232] và một lần nữa "bật khóc" khi tiếp tục phát biểu trong chương trình "Điểm tựa Việt Nam" phát sóng ngày 15 tháng 9 để động viên nhân dân vượt qua bão lũ.[233][234] Báo Thanh Niên cho rằng hơn 10 ngày sau khi bão Yagi đổ bộ Việt Nam, "rất nhiều chuyện đã xảy ra, những mất mát, đau thương mà có lẽ phải rất, rất lâu nữa mới có thể nguôi ngoai, hoặc cũng có thể là không bao giờ", "tưởng chỉ có trong chiến tranh mới có những nỗi đau xé lòng như vậy", "hàng trăm người dân trong 1 ngôi làng trong tích tắc đã bị nhấn chìm sau tiếng nổ vang trời".[73]

Tuy nhiên, bối cảnh bão Yagi và mưa lũ sau bão cũng được cho là đã khơi dậy tinh thần đoàn kết của người Việt Nam, niềm tự hào dân tộc tại quốc gia này.[235][236] Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã "khẳng định quyết tâm khắc phục hậu quả của cơn bão lịch sử này",[237] đồng thời kêu gọi "một người làm việc bằng hai", "miền Trung, miền Nam làm bù cho miền Bắc" để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, khắc phục hậu quả thiên tai.[238] Một dự báo trong Nghị quyết số 143 của Chính phủ Việt Nam cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP cả nước có thể giảm 0,15% so với kịch bản dự báo, tốc độ tăng trưởng của nhiều tỉnh thành phía Bắc như Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai có thể giảm trên 0,5%,[239] tuy nhiên đến cuối năm 2024, GDP Việt Nam ước tính vẫn tăng trưởng 7,09% dù chịu ảnh hưởng lớn từ Yagi và mưa lũ sau bão, vượt chỉ tiêu Quốc hội nước này giao là 6–6,5%.[240][241]

Đánh giá và tranh cãi

Theo nhiều báo chí Việt Nam, Yagi được cho là có nhiều "điểm dị thường" như tăng cấp nhanh, thời gian duy trì cấp độ siêu bão lâu mà "không giảm cấp theo quy luật thông thường", cũng như việc hoàn lưu bão cũng bất thường khi gây mưa rất lớn cho khu vực không nằm trong hoàn lưu bão.[242][243] Chính phủ Việt Nam cũng đánh giá Yagi là cơn bão mạnh nhất tấn công đất liền quốc gia này trong 70 năm qua.[239] Tuy nhiên, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Việt Nam ở thời điểm ngày 7 tháng 9 chỉ đánh giá bão đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng với cường độ cấp 12–13.[244][245][246] Đến ngày 15 tháng 9, trong bản tin dự báo mùa định kỳ, Trung tâm này mới đánh giá bão Yagi đổ bộ với cường độ cấp 13–14 giật cấp 16–17, trong đó sức gió tại Bãi Cháy được đánh giá "mạnh 45m/s (cấp 14), giật 62m/s (cấp 17)" lúc 13 giờ 00 phút ngày 7 tháng 9,[32] mặc dù sức gió 62m/s (223 km/h) là trên cấp 17 theo thang bão đang được sử dụng và áp dụng tại Việt Nam (cấp 17 chỉ dừng ở 61,2m/s).[247] Đến tháng 10 năm 2024, trong một báo cáo gửi lên Ủy ban Bão Châu Á – Thái Bình Dương (ESCAP/WMO Typhoon Committee), bão Yagi được ngành khí tượng thủy văn Việt Nam đánh giá khi đổ bộ mạnh cấp 14–15 và gió giật cấp 17, với sức gió tại trạm Bãi Cháy mạnh 50m/s (cấp 15), giật 63m/s (trên cấp 17) ghi nhận lúc 13 giờ 21 phút ngày 7 tháng 9 năm 2024.[248][249] Nhưng sau đó không lâu, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã sửa lại báo cáo gửi lên Ủy ban Bão và đưa cường độ bão Yagi khi đổ bộ vào Việt Nam về mức đã công bố ở trong nước (cấp 13–14 giật cấp 16–17), tuy nhiên thừa nhận sức gió 62m/s là trên cấp 17.[35] Trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia ngày 18 tháng 12 năm 2024, cơ quan này đánh giá bão Yagi đổ bộ vào khu vực Quảng Ninh – Hải Phòng với gió mạnh cấp 10–12, đồng thời cho biết trạm quan trắc Bãi Cháy đo được gió cấp 14 ở độ cao 34m,[250] nhưng lại nhận về những ý kiến chỉ ra khó khăn, thiếu sót trong việc đánh giá bão tại hội nghị kể trên.[251] Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra "chưa dự báo được sớm việc bão giật cấp 17 khi vào bờ và kéo dài trong đất liền; hoàn lưu bão, mưa lớn kéo dài trên diện rộng, có nơi tới 700mm; dự báo lượng nước về các hồ đập, sông lớn chưa sát thực tế".[252]

Ngoài ra, nhằm công khai minh bạch nguồn tiền cứu trợ theo quy định pháp luật Việt Nam, tối ngày 12 tháng 9, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã công khai hơn 12 nghìn trang sao kê tiền ủng hộ người dân chịu thiệt hại bởi lũ lụt trên trang Facebook của cơ quan này. Từ đó, nhiều người dùng mạng Việt Nam kiểm tra và phát hiện nhiều tài khoản giả mạo số tiền từ thiện.[253] Việc nhiều tài khoản, trong đó có cả người nổi tiếng đóng góp tiền từ thiện nhưng không đúng với nội dung số tiền đã công khai, gây nên tranh cãi trong nhiều ngày sau đó.[254] Truyền thông Việt Nam đã gọi những trường hợp cố tình giả mạo số tiền từ thiện bằng cụm từ "phông bạt", nhằm ám chỉ tới những người có thái độ khoe mẽ, sống ảo. Trong số này, có những người đã lên tiếng xin lỗi, "ăn năn" với hành vi của mình, nhưng cũng có những người né tránh hoặc đổ lỗi.[255][256] Theo Dân Trí, nhiều người cho rằng những thông tin về người đóng góp và khoản tiền từ thiện vẫn còn thiếu minh bạch, có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của tập thể và cá nhân bằng cách lợi dụng lỗ hổng này để giả mạo số tiền và danh tính tài khoản đóng góp nhằm hạ bệ danh dự, uy tín cá nhân.[257] Bên cạnh đó, bối cảnh Yagi và mưa lũ sau bão cũng khiến cho nhiều thông tin giả, sai sự thật, cắt ghép về hậu quả thiên tai tràn lan trên mạng xã hội tại Việt Nam, gây hoang mang trong nhân dân, thậm chí nhiều cá nhân đã lợi dụng việc này để kêu gọi các hoạt động quyên góp, từ thiện nhằm mục đích trục lợi.[258][259] Chính phủ Việt Nam cho biết những người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng đối với hành vi "dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản", ngoài ra các cơ quan và địa phương Việt Nam cũng đã có những biện pháp ngăn chặn việc tung tin giả.[260][261]

Tại Hà Nội, việc cây xanh gãy đổ do bão Yagi, trong đó hàng loạt gốc cây còn nguyên bao bọc rễ, trồng trong những hố nông nhỏ hẹp, nhiều dây nilon quấn chằng chịt, khiến tranh cãi nổ ra xung quanh việc trồng cây không đúng kỹ thuật khiến cây đổ hàng loạt.[262][263]

Xem thêm

Chú thích

Ghi chú
  1. ^ a b Sức gió này đo tại trạm Bãi Cháy, Quảng Ninh. Nhưng theo các báo cáo công bố trong nước, con số là 160 km/h (99 mph) giật 220 km/h (140 mph); thậm chí Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia chỉ ghi nhận bão đổ bộ với gió mạnh cấp 10–12 giật cấp 13–15 và ghi chú riêng trạm Bãi Cháy cao 34m đo được gió cấp 14 45 m/s (160 km/h) tại “Bản tin dự báo khí hậu thời hạn năm của đơn vị này” (PDF). Xem thêm tại Bão Yagi (2024)#Đánh giá và những vấn đề trong xác định cường độ bão.
Nguồn tham khảo
  1. ^ a b Khánh Ly (31 tháng 8 năm 2024). “Tháng 8 Biển Đông không có bão, sắp tới liệu thiên tai có khốc liệt?”. Báo Tài nguyên và Môi trường. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2024.
  2. ^ a b Đình Huy (1 tháng 9 năm 2024). “Biển Đông không có bão, tháng 8 có bất thường?”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2024.
  3. ^ Nguyễn Hoài (31 tháng 8 năm 2024). “Thời tiết tháng 8 bất thường khắp cả nước”. Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2024.
  4. ^ Warning and Summary 301800 (Bản báo cáo). Tokyo, Japan: Japan Meteorological Agency. 30 tháng 8 năm 2024. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2024.
  5. ^ Prognostic Reasoning No. 3 for TS Yagi (2411) (Bản báo cáo). Tokyo, Japan: Japan Meteorological Agency. 1 tháng 9 năm 2024. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2024.
  6. ^ Thương Nguyệt (2 tháng 9 năm 2024). “Bão Yagi "nhấn chìm" miền Bắc Philippines, đi vào Biển Đông từ chiều mai”. Báo Hà Nội Mới. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 10 năm 2024. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2024.
  7. ^ Văn Phúc (2 tháng 9 năm 2024). “Xác suất 90% bão Yagi vào Biển Đông thành bão số 3 siêu mạnh”. Báo Sài Gòn Giải Phóng. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 10 năm 2024. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2024.
  8. ^ Thắng Trung (2 tháng 9 năm 2024). “Bão YAGI sắp đi vào Biển Đông, khả năng đạt cấp bão rất mạnh”. VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam). Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 10 năm 2024. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2024.
  9. ^ Chí Tuệ (3 tháng 9 năm 2024). “Yagi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 3, liên tục tăng cấp”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 10 năm 2024. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2024.
  10. ^ Gia Chính (5 tháng 9 năm 2024). “Yagi mạnh lên thành siêu bão”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2024.
  11. ^ Phạm Lanh (6 tháng 9 năm 2024). “Bão Yagi đổ bộ vào huyện Từ Văn, tỉnh Quảng Đông Trung Quốc”. Báo Quân Đội Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2024.
  12. ^ Trung Hưng (7 tháng 9 năm 2024). “Trung Quốc: Siêu bão Yagi đổ bộ, gần 1 triệu người phải di dời”. Báo Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2024.
  13. ^ Thanh Hà (7 tháng 9 năm 2024). “Bão số 3 Yagi đang tăng tốc, chưa có dấu hiệu suy yếu”. Báo Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2024.
  14. ^ “Công điện của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó bão số 3”. Báo điện tử Chính phủ. 3 tháng 9 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 1 năm 2025. Truy cập 4 tháng 1 năm 2025.
  15. ^ Thắng Trung (4 tháng 9 năm 2024). “Huy động mọi lực lượng, phương tiện ứng phó với bão số 3”. Báo Tin Tức. Truy cập 4 tháng 1 năm 2025.
  16. ^ Minh Khôi (5 tháng 9 năm 2024). “Tận dụng khoảng 'thời gian vàng' ứng phó với bão số 3”. Báo điện tử Chính phủ. Truy cập 4 tháng 1 năm 2025.
  17. ^ Viết Tuân (6 tháng 9 năm 2024). “Huy động hơn 450.000 người, 6 máy bay chống bão Yagi”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2024.
  18. ^ Đình Hiếu (4 tháng 9 năm 2024). “Huy động hơn 400 nghìn chiến sĩ và tàu thuyền, trực thăng ứng phó với bão Yagi”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2024.
  19. ^ Xuân Mai (10 tháng 9 năm 2014). “Công an ngoại thành Hà Nội đắp đê ngăn lũ, lội ruộng gặt lúa chống úng”. Báo Công An Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 21 tháng 9 năm 2024.
  20. ^ Thanh Nga; Hải Hiền (11 tháng 9 năm 2024). “Người Thái Nguyên xuyên đêm đắp đê ngăn lũ”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2024.
  21. ^ Đỗ Hương (6 tháng 9 năm 2024). “Bão Yagi: Hôm nay các tỉnh miền Bắc cấm biển”. Báo điện tử Chính phủ. Bản gốc lưu trữ 30 tháng 12 năm 2024. Truy cập 30 tháng 12 năm 2024.
  22. ^ Quang Tuệ; Phùng Nguyên (7 tháng 9 năm 2024). “Yagi - cơn bão tăng cấp bất thường”. VnExpress. Bản gốc lưu trữ 30 tháng 12 năm 2024. Truy cập 29 tháng 12 năm 2024.
  23. ^ “Chính phủ thành lập SỞ CHỈ HUY TIỀN PHƯƠNG chỉ đạo phòng, chống bão số 3”. Chính phủ Việt Nam. 7 tháng 9 năm 2024. Bản gốc lưu trữ 30 tháng 12 năm 2024. Truy cập 30 tháng 12 năm 2024.
  24. ^ Lê Vân (6 tháng 9 năm 2024). “Học sinh nhiều tỉnh, thành được nghỉ học để tránh bão Yagi”. Báo Tin Tức. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 1 năm 2025. Truy cập 4 tháng 1 năm 2025.
  25. ^ Hoàng Hồng (9 tháng 9 năm 2024). “10 tỉnh thành tiếp tục cho học sinh nghỉ học 1-2 ngày sau bão Yagi”. Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 1 năm 2025. Truy cập 4 tháng 1 năm 2025.
  26. ^ Kim Nhung (6 tháng 9 năm 2024). “Nhiều trường đại học hoãn nhập học, cho sinh viên nghỉ tránh bão Yagi”. VTC News. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2024.
  27. ^ Mai Hà (5 tháng 9 năm 2024). “Tạm đóng cửa 4 sân bay tránh siêu bão Yagi, hơn 300 chuyến bay bị ảnh hưởng”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2024.
  28. ^ Ngọc Yến; Anh Khoa; Hà An; Văn Huy (5 tháng 9 năm 2024). “Các đơn vị, địa phương chủ động ứng phó bão YAGI”. Báo Công An Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 9 năm 2024. Truy cập 4 tháng 1 năm 2025.
  29. ^ HM (6 tháng 9 năm 2024). “Triển khai các phương án y tế ứng phó bão số Yagi”. Truy cập 4 tháng 1 năm 2025.
  30. ^ Hà Thanh (5 tháng 9 năm 2024). “Toàn ngành thông tin truyền thông ứng phó bão số 3”. Kinh tế đô thị. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 9 năm 2024. Truy cập 4 tháng 1 năm 2025.
  31. ^ Hiếu Lương (7 tháng 9 năm 2024). “Huỷ trận Thái Lan – Nga”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc 30 tháng 12 năm 2024. Truy cập 30 tháng 12 năm 2024.
  32. ^ a b c d e f g Hoàng Phúc Lâm (15 tháng 9 năm 2024). “Bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn thời hạn mùa trên phạm vi toàn quốc” (PDF). Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 5 tháng 10 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2024.
  33. ^ Chí Tuệ (7 tháng 9 năm 2024). “Hình ảnh mới nhất từ đảo Bạch Long Vĩ, mưa gió mạnh dần khi bão số 3 tiệm cận”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2024.
  34. ^ Nguyễn Khánh, Trần Hằng (8 tháng 9 năm 2024). “Bão Yagi đổ bộ vào đất liền Quảng Ninh, hơn 4.900 cán bộ Công an tham gia ứng phó”. Báo Công An Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 8 tháng 9 năm 2024.
  35. ^ a b c d e f g h i j k l m Tổng cục KTTV Việt Nam (báo cáo update) (15 tháng 11 năm 2024). “Member Report - Socialist Republic of Viet Nam - ESCAP/WMO Typhoon Committee 19th Integrated Workshop” (PDF). Ủy ban Bão Châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP/WMO Typhoon Committee), Hội thảo tích hợp lần thứ 19 năm 2024. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 30 tháng 11 năm 2024. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2024. Website Hội thảo Lưu trữ 2024-11-14 tại Wayback Machine
  36. ^ “RSMC TROPICAL CYCLONE BEST TRACK NAME 2411 YAGI (2411)” [Dữ liệu đánh giá lại bão Yagi (2411)]. Cục Khí tượng Nhật Bản. 3 tháng 12 năm 2024. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 12 năm 2024. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2024.
  37. ^ Dữ liệu tốt nhất của JTWC về Siêu bão Yagi (12W), Cơ quan quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia (Hoa Kỳ), Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 9 năm 2024, truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2025
  38. ^ “Typhoon 12W (Yagi) Warning No. 24”. Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp Hải quân Hoa Kỳ. 7 tháng 9 năm 2024. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 9 năm 2024. Truy cập 29 tháng 12 năm 2024.
  39. ^ “Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh phía bắc”. Báo Nhân Dân. 8 tháng 9 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2024.
  40. ^ Thanh Hòa (7 tháng 9 năm 2024). “Đã có 7 người thương vong do siêu bão Yagi gây ra”. Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 9 năm 2024.
  41. ^ Nguyễn Hải (8 tháng 9 năm 2024). “Hà Nội: 4 người tử vong, 17 người bị thương và 24.800 cây đổ do bão Yagi”. Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2024.
  42. ^ a b Nguyễn Ngân; Quốc Anh (30 tháng 12 năm 2024). “Siêu bão Yagi 2024: Hồi sinh sau thảm họa và thách thức biến đổi khí hậu”. Báo điện tử VTV. Bản gốc lưu trữ 31 tháng 12 năm 2024. Truy cập 31 tháng 12 năm 2024.
  43. ^ a b Bảo Anh (15 tháng 9 năm 2024). “Nhiều điểm bất thường từ cơn bão số 3 Yagi”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 18 tháng 9 năm 2024.
  44. ^ a b “Bản tin dự báo khí hậu thời hạn tháng trên phạm vi toàn quốc (tháng 10 năm 2024)” (PDF). Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. 1 tháng 10 năm 2024. Bản gốc (PDF) lưu trữ 4 tháng 1 năm 2025. Truy cập 4 tháng 1 năm 2025.
  45. ^ Nghĩa Nhân (12 tháng 9 năm 2024). “Thủy điện Thác Bà, những phút giây nín thở”. VietNamNet. Bản gốc lưu trữ 28 tháng 12 năm 2024. Truy cập 28 tháng 12 năm 2024.
  46. ^ Ngọc Ánh (24 tháng 9 năm 2024). “Phút cân não trước quyết định phá hay không phá đập ở thủy điện Thác Bà”. Tiền Phong. Bản gốc lưu trữ 25 tháng 9 năm 2024. Truy cập 28 tháng 12 năm 2024.
  47. ^ Chí Tuệ (10 tháng 9 năm 2024). “Lũ trên sông Hồng đoạn qua Lào Cai rút bớt nhưng ở Hà Nội và hạ du lên nhanh”. Tuổi Trẻ. Bản gốc lưu trữ 11 tháng 9 năm 2024. Truy cập 28 tháng 12 năm 2024.
  48. ^ Văn Phong (13 tháng 9 năm 2024). “Lũ sông Hồng năm 2024 vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1971 trên 1m”. Báo Sài Gòn Giải Phóng. Lưu trữ bản gốc 30 tháng 12 năm 2024. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2024.
  49. ^ Chí Tuệ (31 tháng 10 năm 2024). “Lũ sông Hồng vượt mốc lịch sử 1968 gần 1m, hôm nay tiếp tục lên”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc 22 tháng 12 năm 2024. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2024.
  50. ^ Mai Luyến (11 tháng 9 năm 2024). “Mực nước sông Hồng ở Hà Nội vượt mức 20 năm”. Báo Quân Đội Nhân Dân. Bản gốc lưu trữ 12 tháng 9 năm 2024. Truy cập 28 tháng 12 năm 2024.
  51. ^ “Đặc điểm Khí tượng thủy văn 2002” (PDF). Trung tâm Quốc gia dự báo KTTV. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 27 tháng 7 năm 2024. Truy cập 4 tháng 1 năm 2025.
  52. ^ “Đặc điểm Khí tượng thủy văn 2003” (PDF). Trung tâm Quốc gia dự báo KTTV. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 27 tháng 7 năm 2024. Truy cập 4 tháng 1 năm 2025.
  53. ^ An An; Phương Anh (11 tháng 9 năm 2024). “Lũ trên sông Hồng ở Hà Nội chạm mốc lịch sử cách đây 20 năm”. Lao Động. Truy cập 4 tháng 1 năm 2025.
  54. ^ a b Trường Phong; Thanh Hiếu (30 tháng 10 năm 2024). “Ngăn ngừa thịnh nộ của sông”. Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc 30 tháng 12 năm 2024. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2024.
  55. ^ Đức Văn (12 tháng 9 năm 2024). “Nhiều khu dân cư ở Hà Nam vẫn ngập sau khi nước sông Đáy dâng cao”. Dân Trí. Bản gốc lưu trữ 30 tháng 12 năm 2024. Truy cập 28 tháng 12 năm 2024.
  56. ^ “Lũ trên sông Hoàng Long đang xuống, Ninh Bình dừng lệnh di dời dân”. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. 13 tháng 9 năm 2024. Bản gốc lưu trữ 31 tháng 12 năm 2024. Truy cập 28 tháng 12 năm 2024.
  57. ^ a b Thế Bình (9 tháng 9 năm 2024). “Lũ lịch sử ở Thái Nguyên”. Báo Nhân Dân. Bản gốc lưu trữ 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  58. ^ Nguyễn Liên (12 tháng 9 năm 2024). “Cập nhật mới nhất về lũ sông các tỉnh phía Bắc: Sông Cầu, sông Thương đang ở đỉnh lũ”. Báo Đại biểu Nhân dân. Bản gốc lưu trữ 30 tháng 12 năm 2024. Truy cập 28 tháng 12 năm 2024.
  59. ^ “Đặc điểm Khí tượng thủy văn 1996” (PDF). Trung tâm Quốc gia dự báo KTTV. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 4 tháng 1 năm 2025. Truy cập 4 tháng 1 năm 2025.
  60. ^ NM (14 tháng 9 năm 2024). “Đỉnh lũ các sông Thái Bình, Kinh Thầy, Rạng ở Hải Dương cao nhất trong 28 năm qua”. Báo Hải Dương. Bản gốc lưu trữ 28 tháng 12 năm 2024. Truy cập 28 tháng 12 năm 2024.
  61. ^ Ban Truyền Thông EVN (11 tháng 9 năm 2024). “Thông tin cập nhật lúc 09h ngày 11/9/2024 về ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) đến vận hành và cung cấp điện”. Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2024.
  62. ^ Phùng Anh (11 tháng 9 năm 2024). “Toàn cảnh hiện trường vỡ đê sông Lô tại Tuyên Quang”. Báo điện tử VTV. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 18 tháng 9 năm 2024.
  63. ^ Thu Hương; Trần Trọng (11 tháng 9 năm 2024). “Vỡ đê sông Lô qua Tuyên Quang, khẩn cấp ứng phó trong đêm”. Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 18 tháng 9 năm 2024.
  64. ^ Mai Hà; Đình Huy (12 tháng 9 năm 2024). “Cận cảnh đoạn đê vỡ 22 m trên sông Lô”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 18 tháng 9 năm 2024.
  65. ^ “Toàn cảnh vụ sập cầu Phong Châu, Phú Thọ ngày 9/9/2024”. Báo Tin Tức. 10 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 16 tháng 9 năm 2024.
  66. ^ Nguyễn Hướng; Minh Chiến (14 tháng 9 năm 2024). “Cận cảnh tìm kiếm 8 nạn nhân mất tích, trục vớt nhịp cầu Phong Châu bị sập”. Người Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 16 tháng 9 năm 2024.
  67. ^ Tô Công (9 tháng 9 năm 2024). “Công bố chính thức nguyên nhân sập cầu Phong Châu”. Báo Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 16 tháng 9 năm 2024.
  68. ^ Phạm Chiểu; Phạm Dự (11 tháng 9 năm 2024). “Hiện trường cầu sập khiến 13 người mất tích”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 10 năm 2024. Truy cập ngày 11 tháng 9 năm 2024.
  69. ^ a b c Phạm Hưng; Hoàng Chiến (15 tháng 9 năm 2024). “Toàn cảnh trận lũ quét kinh hoàng tại thôn Làng Nủ”. Dân Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2024.
  70. ^ Lê Bá Thảo 2003, tr. 45
  71. ^ Nguyễn Hoài (3 tháng 10 năm 2024). “Giải mã thảm họa lũ quét Làng Nủ”. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 12 năm 2024. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  72. ^ Như Quỳnh; Hà An (17 tháng 9 năm 2024). “5 nguyên nhân khiến lũ quét, sạt lở tàn phá Làng Nủ”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2024.
  73. ^ a b “Nhìn lại cơn bão Yagi lịch sử: Những hậu quả khủng khiếp và đau lòng”. Thanh Niên. 23 tháng 9 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2024.
  74. ^ a b Thanh Vân (12 tháng 10 năm 2024). “Thiệt hại nặng nề sau bão số 3, doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh nỗ lực vực dậy”. Vietnam+ (VietnamPlus). Lưu trữ bản gốc 30 tháng 12 năm 2024. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2024.
  75. ^ a b Vĩnh Quân, Tiến Bảo (3 tháng 10 năm 2024). “Hải Phòng: ngành nông nghiệp thiệt hại gần 4.882 tỷ đồng do bão số 3”. Báo Kinh tế đô thị. Lưu trữ bản gốc 7 tháng 10 năm 2024. Truy cập ngày 3 tháng 10 năm 2024.
  76. ^ a b Tùng Nguyễn (28 tháng 9 năm 2024). “Hà Nội: đời sống của người dân được đảm bảo trong bão số 3”. Báo Kinh tế đô thị. Lưu trữ bản gốc 29 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 28 tháng 9 năm 2024.
  77. ^ a b c d e f g h i j k l m Anh Nhật (28 tháng 9 năm 2024). “344 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế hơn 81.000 tỷ đồng do bão Yagi”. Báo điện tử VTC. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 28 tháng 9 năm 2024.
  78. ^ Hồng Trang (24 tháng 9 năm 2024). “Ninh Bình: Thiệt hại trên 376 tỷ đồng do bão số 3 và mưa lũ”. Báo Xây dựng. Lưu trữ bản gốc 24 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2024.
  79. ^ Giang Nam (26 tháng 9 năm 2024). “Thiệt hại do bão lũ gây ra trên địa bàn tỉnh ước khoảng trên 793 tỷ đồng”. Báo Hà Nam điện tử. Lưu trữ bản gốc 30 tháng 12 năm 2024. Truy cập ngày 27 tháng 9 năm 2024.
  80. ^ Sỹ Hào (8 tháng 10 năm 2024). “Vĩnh Phúc: cần khoảng 238 tỷ đồng để khắc phục hậu quả bão số 3”. Báo Kinh tế đô thị. Lưu trữ bản gốc 8 tháng 10 năm 2024. Truy cập ngày 8 tháng 10 năm 2024.
  81. ^ a b “Tỉnh Hưng Yên thiệt hại do bão, lũ hơn 3.637 tỷ đồng”. Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Hưng Yên. 25 tháng 9 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2024.
  82. ^ a b c Phạm Đông (28 tháng 9 năm 2024). “344 người chết và mất tích, thiệt hại 81.503 tỉ do bão số 3”. Báo Lao Động. Lưu trữ bản gốc 31 tháng 12 năm 2024. Truy cập ngày 28 tháng 9 năm 2024.
  83. ^ Đồng Thuý (27 tháng 9 năm 2024). “Hỗ trợ giống và phân bón cho Bắc Giang khôi phục sản xuất sau bão số 3”. Vietnam+ (VietnamPlus). Lưu trữ bản gốc 28 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 27 tháng 9 năm 2024.
  84. ^ Hải Chung (5 tháng 10 năm 2024). “Tuyên Quang tập trung khắc phục hậu quả, nỗ lực phục hồi kinh tế sau ảnh hưởng của bão số 3”. Báo Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc 6 tháng 10 năm 2024. Truy cập ngày 17 tháng 10 năm 2024.
  85. ^ Văn Hương; Hải Hà (28 tháng 9 năm 2024). “Rút kinh nghiệm về phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3”. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Giang. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 9 năm 2024. Truy cập 29 tháng 9 năm 2024.
  86. ^ a b Nhật Hồng (17 tháng 9 năm 2024). “Ngành Giáo dục chịu thiệt hại nặng nề do bão số 3: 59 học sinh, giáo viên tử vong và mất tích”. Báo Đại biểu Nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 19 tháng 9 năm 2024.
  87. ^ Minh Anh (14 tháng 9 năm 2024). “Lạng Sơn thiệt hại trên 900 tỷ đồng do cơn bão số 3 và ảnh hưởng hoàn lưu sau bão”. Báo Dân tộc và Phát triển. Bản gốc lưu trữ 15 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2024.
  88. ^ Trần Kiên (25 tháng 9 năm 2024). “Sơn La: Khẩn trương khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, sản xuất sau bão lũ”. Báo Thanh tra. Lưu trữ bản gốc 25 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2024.
  89. ^ Phượng Nguyễn (11 tháng 9 năm 2024). “Điện Biên: Khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra”. Báo Xây dựng. Lưu trữ bản gốc 31 tháng 12 năm 2024. Truy cập ngày 29 tháng 9 năm 2024.
  90. ^ Thu Trang (28 tháng 9 năm 2024). “Đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3”. Báo Lai Châu điện tử. Truy cập ngày 29 tháng 9 năm 2024.
  91. ^ a b Dạ Đăng (24 tháng 9 năm 2024). “Hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 kịp thời, công khai, minh bạch, trực tiếp đến người thụ hưởng”. Cao Bằng điện tử. Lưu trữ bản gốc 25 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 24 tháng 9 năm 2024.
  92. ^ Duy Khánh (24 tháng 9 năm 2024). “Khi niềm tin trao đúng địa chỉ”. Báo Bắc Kạn điện tử. Lưu trữ bản gốc 27 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 27 tháng 9 năm 2024.
  93. ^ Minh Tuyết, Hồng Thư (28 tháng 9 năm 2024). “Sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3”. Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hoá. Lưu trữ bản gốc 30 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 29 tháng 9 năm 2024.
  94. ^ a b c “Từng bước phục hồi thiệt hại do bão Yagi”. An Ninh Thủ Đô. 23 tháng 12 năm 2024. Bản gốc lưu trữ 30 tháng 12 năm 2024. Truy cập 27 tháng 12 năm 2024.
  95. ^ “Nghị quyết số 143/NQ-CP khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3”. Chính phủ Việt Nam. 18 tháng 9 năm 2024. Lưu trữ bản gốc 30 tháng 12 năm 2024. Truy cập ngày 18 tháng 9 năm 2024.
  96. ^ a b Thành Chung (23 tháng 10 năm 2024). “Chính phủ báo cáo Quốc hội: Bão số 3 tàn phá rất lớn, gây thiệt hại hơn 81.700 tỉ đồng”. Tuổi Trẻ Online. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 10 năm 2024. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2024.
  97. ^ a b Nhiều tác giả (27 tháng 12 năm 2024). “10 sự kiện chính trị - xã hội năm 2024”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 12 năm 2024. Truy cập 27 tháng 12 năm 2024.
  98. ^ Đình Hiếu (23 tháng 12 năm 2024). “Bão số 3 tàn phá mạnh nhất 70 năm qua, gây thiệt hại nặng nề”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc 24 tháng 12 năm 2024. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2024.
  99. ^ a b Nguyễn Hải (22 tháng 10 năm 2024). “Bão Yagi đổ bộ, lần đầu tiên Việt Nam đo được gió giật cấp 17”. Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 11 năm 2024. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2024.
  100. ^ a b “Vietnam: Typhoon Yagi and Floods - Situation Update No. 5 (as of 23 October 2024)” (bằng tiếng Anh). ReliefWeb. 23 tháng 10 năm 2024. Truy cập ngày 27 tháng 10 năm 2024.
  101. ^ “Vietnam puts typhoon losses at $1.6 billion”. France 24. 16 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 16 tháng 9 năm 2024.
  102. ^ “Typhoon Yagi weakens after leaving dozens dead in Vietnam, China, Philippines”. France 24. 8 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2025.
  103. ^ “Typhoon Yagi kills 22, leaves nearly 200 injured in northern Vietnam”. Gundem Nigde. 8 tháng 9 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 8 tháng 9 năm 2024.
  104. ^ “Toàn ngành thuỷ sản "điêu đứng" vì bão Yagi - Video đã phát trên VTV | VTV.VN”. Báo điện tử VTV. 18 tháng 9 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 19 tháng 9 năm 2024.
  105. ^ “UNICEF says six million children in Southeast Asia affected by Typhoon Yagi”. Al Jazeera. 18 tháng 9 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập ngày 18 tháng 9 năm 2024.
  106. ^ Bảo Ngọc (3 tháng 10 năm 2024). “Các nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do cơn bão số 3”. Tạp chí Tài chính. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  107. ^ Phương Dung (17 tháng 9 năm 2024). “Vì sao Quảng Ninh, Hải Phòng khó khôi phục điện ngay sau bão?”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc 30 tháng 12 năm 2024. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2024.
  108. ^ Minh Phương (20 tháng 9 năm 2024). “Dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng do Yagi và hệ lụy lũ lụt là khoảng 100.000 tỷ đồng”. Báo Tin Tức. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  109. ^ Bông Mai (11 tháng 9 năm 2024). “Bảo hiểm tăng bồi thường hàng ngàn tỉ, người dân đang báo thiệt hại người và tài sản”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 12 tháng 9 năm 2024.
  110. ^ Quỳnh Trang (12 tháng 9 năm 2024). “Bảo hiểm có thể bồi thường hàng nghìn tỷ đồng sau bão Yagi”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 9 năm 2024. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  111. ^ Tất Đạt (10 tháng 9 năm 2024). “Cổ phiếu VNG nằm sàn, ngành bảo hiểm đỏ sắc”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 12 tháng 9 năm 2024.
  112. ^ “Bảo hiểm thiệt hại sau bão Yagi lên tới 12.811 tỷ đồng”. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Kiên Giang. 23 tháng 10 năm 2024. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  113. ^ Thái Hải (16 tháng 9 năm 2024). “Bão Yagi "hủy diệt" ngành Du lịch như thế nào?”. Báo Thanh tra. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  114. ^ Anh Tú; Phương Dung (8 tháng 9 năm 2024). “Giá rau xanh tăng sau bão”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2024.
  115. ^ a b c Thanh Huyền (22 tháng 10 năm 2024). “Hoàn lưu bão số 3 gây thiệt hại cho Lào Cai ước hơn 7.065 tỷ đồng”. Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 12 năm 2024. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2024.
  116. ^ a b Trung Hà (15 tháng 10 năm 2024). “Cao Bằng: Tập trung mọi nguồn lực khắc phục hậu quả bão lũ”. Báo Thanh tra. Lưu trữ bản gốc 30 tháng 12 năm 2024. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2024.
  117. ^ a b Báo cáo nhanh công tác trực ban PCTT ngày 16/9/2024. Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bản báo cáo). 17 tháng 9 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2024.
  118. ^ Lê Tân (26 tháng 9 năm 2024). “Quảng Ninh hỗ trợ trục vớt tàu chìm do bão Yagi”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 9 năm 2024. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  119. ^ Nguyễn Hùng (17 tháng 9 năm 2024). “Những địa phương bị thiệt hại nặng nhất do bão số 3 ở Quảng Ninh”. Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 10 năm 2024. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  120. ^ a b Anh Minh; Phương Dung (7 tháng 9 năm 2024). “Toàn bộ Hải Phòng, Quảng Ninh mất điện”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 9 năm 2024. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  121. ^ Thu Lê (10 tháng 9 năm 2024). “Quảng Ninh: Hệ thống máy móc, nguyên liệu sản xuất của nhiều khu công nghiệp bị siêu bão Yagi tàn phá, hư hỏng nặng”. Dân Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 9 năm 2024. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  122. ^ Lã Nghĩa Hiếu (21 tháng 9 năm 2024). “Chủ tịch Quảng Ninh: 'Bão số 3 là thảm họa, tàn khốc'. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  123. ^ Văn Đức (10 tháng 10 năm 2024). “Quảng Ninh lên phương án tái thiết rừng bị thiệt hại sau bão số 3”. Báo Tin Tức. Lưu trữ bản gốc 10 tháng 10 năm 2024. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2024.
  124. ^ “Liên tiếp cháy rừng tại Quảng Ninh, khó dập lửa do thời tiết hanh khô”. Báo điện tử VTV. 22 tháng 12 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  125. ^ Lã Nghĩa Hiếu (11 tháng 9 năm 2024). “Ngư dân Quảng Ninh mất trắng hàng nghìn tỉ đồng vì bão số 3”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 12 tháng 9 năm 2024.
  126. ^ Thạch Thảo; Phạm Công (9 tháng 9 năm 2024). “Biểu tượng nghìn tỷ của Hạ Long hư hại nặng sau bão Yagi”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  127. ^ Nhóm tác giả (23 tháng 9 năm 2024). “Vực lại ngành du lịch sau thảm họa Yagi”. Báo Quảng Ninh. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  128. ^ Thanh Hải (16 tháng 9 năm 2024). “Ngành du lịch Quảng Ninh gắng gượng sau bão Yagi”. Báo Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  129. ^ Quang Thọ (9 tháng 9 năm 2024). “Quảng Ninh: Hai chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ chống bão số 3”. Báo Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 21 tháng 9 năm 2024.
  130. ^ Bảo Ngọc (20 tháng 9 năm 2024). “Sau bão Yagi, doanh nghiệp Hải Phòng cần 3 tháng để phục hồi sản xuất”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  131. ^ Ngô Quang Thái (3 tháng 10 năm 2024). “Khách du lịch đến Hải Phòng giảm mạnh do bão Yagi”. Báo Người Đưa Tin. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  132. ^ Tr. Đức (10 tháng 9 năm 2024). “Cảnh tan hoang, đổ nát tại đảo Cát Bà sau bão số 3”. Người Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 12 tháng 9 năm 2024.
  133. ^ Nam Khánh; Đỗ Hoàng (11 tháng 9 năm 2024). “Đảo du lịch Cát Bà tan hoang sau bão”. VnEconomy. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 12 tháng 9 năm 2024.
  134. ^ Phạm Dương Ngọc (1 tháng 10 năm 2018). “Lạc vào những ngôi mộ cổ khổng lồ như cung điện trong lòng đất ở Hải Dương”. VTC. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 6 năm 2024. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  135. ^ Ngân Hạnh (18 tháng 9 năm 2024). “Xếp lại quá khứ gãy đổ, tìm ra cách mới phát triển cây xanh TP Hải Dương”. Báo Hải Dương. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  136. ^ Triều Dương (11 tháng 9 năm 2024). “Tiếp tục mưa lớn, nhiều tuyến phố, khu dân cư ở Hải Dương ngập sâu”. Báo Giao Thông. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  137. ^ Kiên Cường (18 tháng 9 năm 2024). “Hải Dương: Nông dân vững tin sau bão”. Báo Tài nguyên Môi trường. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  138. ^ Nguyễn Khánh (25 tháng 12 năm 2024). “Lũ quét Làng Nủ: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết... không để ai bị bỏ lại phía sau'. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  139. ^ Hữu Khoa; Hoài Thu (12 tháng 9 năm 2024). “Lũ quét Làng Nủ: "Tôi còn chưa biết cả gia đình chết bao nhiêu người". Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  140. ^ Tuấn Minh; Văn Duẩn (12 tháng 9 năm 2024). “Tang thương Làng Nủ: Nỗi đau xé lòng người ở lại”. Người Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  141. ^ Nhóm phóng viên (11 tháng 9 năm 2024). “Tang thương Làng Nủ sau lũ quét: Xót xa cảnh bộ đội đưa dãy quan tài lên núi”. Báo Giao Thông. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  142. ^ Phạm Trường; Viết Hà; Hân Nguyễn (16 tháng 9 năm 2024). “Cảnh tan hoang sau vụ sạt lở ở thôn Nậm Tông làm 18 người chết và mất tích”. Tiền Phong. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  143. ^ “Ma Seo Chứ: Vì sao xứng đáng được vinh danh sau khi giúp 115 người dân?”. Báo Pháp Luật TPHCM. 15 tháng 9 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2024.
  144. ^ Phương Cúc (13 tháng 9 năm 2024). “Lào Cai: Sự quả cảm của trưởng bản 9X "hồi sinh" sự sống 115 người”. Báo Công Thương. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 21 tháng 9 năm 2024.
  145. ^ Anh Tâm (12 tháng 9 năm 2024). “Thấy nguy cơ sạt lở đất, trưởng thôn đưa 115 người lên núi lánh nạn an toàn”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 21 tháng 9 năm 2024.
  146. ^ Ngọc Tú, Cảnh Huệ (13 tháng 9 năm 2024). “Tan hoang hiện trường 6 ngôi nhà bị san phẳng ở Cao Bằng khiến 9 người tử vong”. Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 10 năm 2024. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2024.
  147. ^ Trần Cường (16 tháng 9 năm 2024). “Vụ sạt lở vùi lấp xe khách ở Cao Bằng: Vẫn còn 5 người đang mất tích”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc 17 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2024.
  148. ^ Tuấn Sơn (22 tháng 9 năm 2024). “Cao Bằng thiệt hại hơn 880 tỷ đồng do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3”. Báo Quân Đội Nhân Dân. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  149. ^ Kim Nhuệ (6 tháng 9 năm 2024). “Dông lốc chiều 6-9 tại Hà Nội làm 7 người thương vong, 155 cây xanh gãy đổ”. Báo Hà Nội Mới. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  150. ^ “Công tác phục vụ chống bão Yagi của Trung tâm Khí tượng hàng không”. Tổng công ty Quản lí bay Việt Nam. 9 tháng 9 năm 2024. Lưu trữ bản gốc 13 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 18 tháng 11 năm 2024.
  151. ^ a b Tổng hợp (7 tháng 9 năm 2024). “Diễn biến 7 tiếng bão Yagi càn quét Hà Nội”. VnExpress. Bản gốc lưu trữ 11 tháng 11 năm 2024. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  152. ^ Hồng Hạnh (8 tháng 9 năm 2024). “Đường phố Hà Nội ngổn ngang với hàng ngàn cây xanh bật gốc, gãy đổ la liệt sau bão Yagi”. Báo Đại biểu Nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  153. ^ Hương Hồ (7 tháng 9 năm 2024). “Cây đa cổ thụ bên hồ Hoàn Kiếm bị bão Yagi "quật đổ". Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  154. ^ Trung Nguyên (11 tháng 9 năm 2024). “Toàn cảnh lũ sông Hồng tại cầu Long Biên và Chương Dương”. Báo Tin Tức. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  155. ^ Nguyễn Nga; Hải Hiền; Quỳnh Nguyễn (12 tháng 9 năm 2024). “Người Hà Nội long đong chạy lũ”. VnExpress. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  156. ^ Minh Phúc (11 tháng 9 năm 2024). “Lũ sông Hồng dâng cao, người dân phường Phúc Tân hối hả chạy lụt”. Báo Nông nghiệp. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  157. ^ Nguyễn Hoàng (11 tháng 9 năm 2024). “Dân Hà Nội đi xuồng ở quận Hoàn Kiếm khi mực nước sông Hồng vượt báo động 2”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  158. ^ Hồng Quang (9 tháng 9 năm 2024). “Hình ảnh dân đi thuyền trên tỉnh lộ ngập sâu ở ngoại thành Hà Nội”. Tuổi Trẻ. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  159. ^ a b Hoàng Hùng (26 tháng 9 năm 2024). “Khôi phục sản xuất sau bão, lũ”. Báo Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  160. ^ a b UBND tỉnh Yên Bái (20 tháng 9 năm 2024). “Báo cáo số 63/BC-BCH ngày 20/9/2024”. Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn. Bản gốc lưu trữ 30 tháng 12 năm 2024. Truy cập 20 tháng 9 năm 2024..
  161. ^ Tuấn Ninh (10 tháng 9 năm 2024). “Tp. Yên Bái chìm trong biển nước, gần 8.000 ngôi nhà bị ngập, 10 người chết và mất tích”. Báo Dân tộc và Phát triển. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  162. ^ Tiện Khánh (25 tháng 9 năm 2024). “Vụ sạt lở đất kinh hoàng ở Yên Bái: Tìm được nạn nhân cuối cùng sau 16 ngày”. Vietnam+ (VietnamPlus). Lưu trữ bản gốc 27 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2024.
  163. ^ Duy Trung Nguyên (10 tháng 9 năm 2024). “Tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái”. Báo Quân Đội Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  164. ^ Nhóm phóng viên (10 tháng 9 năm 2024). “Thái Nguyên trong cơn lũ lịch sử”. Báo Thái Nguyên. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  165. ^ Nguyễn Trường; Trần Cường (10 tháng 9 năm 2024). “Toàn cảnh ngập lụt ở TP.Thái Nguyên do ảnh hưởng của bão số 3”. Thanh Niên. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  166. ^ Lê Phú (12 tháng 9 năm 2024). “Lũ tràn qua đê bối Bắc Giang, nhiều ngôi nhà ngập ngang tầng 1”. Báo Tin Tức. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  167. ^ Tuệ Lâm (11 tháng 9 năm 2024). “Bắc Giang: Nước lũ dâng cao, tràn vào các vùng thoát lũ”. Báo Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  168. ^ Nguyễn Thắng (10 tháng 9 năm 2024). “Nóng: Lũ tràn qua đê bối Bắc Giang, khẩn cấp sơ tán 500 hộ dân trong đêm”. Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  169. ^ Phú Sơn; Hoàng Việt (13 tháng 9 năm 2024). “21.000ha đất nông nghiệp bị ngập, Phú Thọ thiệt hại nặng do mưa lũ”. Báo Quân Đội Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  170. ^ Thu Hường (23 tháng 9 năm 2024). “Vụ sập cầu Phong Châu: Tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 4 cách hiện trường 20km”. Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  171. ^ Hải Chung (12 tháng 9 năm 2024). “Tuyên Quang: Nhiều nhà dân bị ngập sâu trong nước lũ, nhiều tuyến đường bị hư hại sau bão số 3”. Báo Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  172. ^ Bảo Linh; Thanh Xuân; Hải Thanh (14 tháng 9 năm 2024). “Tuyên Quang: Thiệt hại nặng nề cây trồng và vật nuôi sau mưa lũ”. Báo điện tử VTV. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  173. ^ Văn Giang (16 tháng 9 năm 2024). “Bắc Ninh thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng do bão số 3”. Báo điện tử VOV. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 9 năm 2024. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  174. ^ Đắc Văn (12 tháng 9 năm 2024). “Nhiều khu dân cư ở Hà Nam vẫn ngập sâu khi nước sông Đáy dâng cao”. Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 12 năm 2024. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  175. ^ Quỳnh Hoa (13 tháng 9 năm 2024). “Hàng trăm nhà dân ở Hà Nam ngập trong biển nước”. Báo điện tử VTV. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  176. ^ Trần Lâm (12 tháng 9 năm 2024). “Ninh Bình tiếp tục đối mặt với lũ lụt”. Báo Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 9 năm 2024. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  177. ^ Văn Ngân (11 tháng 9 năm 2024). “Hàng nghìn hộ dân ở Ninh Bình bị ngập nặng khi nước lũ dâng cao”. Báo điện tử VOV. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 9 năm 2024. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  178. ^ Minh Đức (12 tháng 9 năm 2024). “Ninh Bình: Lệnh khẩn cấp di dân xả lũ”. Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 9 năm 2024. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  179. ^ “Ninh Bình phát lệnh di dân vùng phân lũ, chậm lũ huyện Gia Viễn và Nho Quan”. Báo điện tử VTV. 12 tháng 9 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 9 năm 2024. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  180. ^ Thái Bá (13 tháng 9 năm 2024). “Lũ sông Hoàng Long rút, Ninh Bình dừng lệnh di dân”. Dân Trí. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  181. ^ Lương Hà (10 tháng 9 năm 2024). “Trận mưa lịch sử khiến TP Nam Định ngập sâu”. Báo Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  182. ^ Tuấn Minh (11 tháng 9 năm 2024). “Nước lũ tràn đê bối, Nam Định di dời gần 500 hộ dân”. Người Lao Động. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  183. ^ Văn Ngân (13 tháng 9 năm 2024). “Bão số 3 và mưa lũ khiến Nam Định thiệt hại ước khoảng gần 565 tỷ đồng”. Báo điện tử VOV. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  184. ^ Trung Du (8 tháng 9 năm 2024). “Thiệt hại 55.000 ha lúa mùa ở Thái Bình sau bão số 3 Yagi”. Báo Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  185. ^ Trần Kim (10 tháng 9 năm 2024). “Mưa lớn, nhiều nơi ở Thái Bình ngập sâu”. Báo Giao Thông. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  186. ^ Nguyễn Đăng Khoa (9 tháng 9 năm 2024). “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 3”. Báo Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 9 năm 2024. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  187. ^ “Kết luận của Bộ Chính trị về việc giải quyết hậu quả cơn bão số 3”. Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. 18 tháng 9 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  188. ^ Văn Hiếu (12 tháng 9 năm 2024). “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ đạo công tác khắc phục bão số 3 tại Phú Thọ”. Báo điện tử VOV. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  189. ^ Phạm Tiếp (8 tháng 9 năm 2024). “Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại Quảng Ninh”. Báo Tin Tức. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  190. ^ “Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 tại Thái Nguyên”. Báo điện tử Chính phủ. 12 tháng 9 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  191. ^ Vũ Khuyên (14 tháng 9 năm 2024). “Chính phủ dành một phút mặc niệm các nạn nhân thiệt mạng do bão lũ”. Báo điện tử VOV. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 10 năm 2024. Truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2024.
  192. ^ Ngọc An (18 tháng 9 năm 2024). “Bão Yagi gây thiệt hại hơn 2 tỉ USD, Chính phủ ban hành loạt gói hỗ trợ cấp bách”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 19 tháng 9 năm 2024.
  193. ^ Hiền Hạnh (13 tháng 9 năm 2024). “Trực thăng quân sự tiếp tục vận chuyển nhu yếu phẩm tới vùng bị cô lập do bão lũ”. Báo Tin Tức. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 21 tháng 9 năm 2024.
  194. ^ Sơn Hà (12 tháng 9 năm 2024). “Trực thăng quân đội mang nhu yếu phẩm đến người dân vùng lũ”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 21 tháng 9 năm 2024.
  195. ^ Hoàng Thị Hoa (13 tháng 9 năm 2024). “Tái thiết sau bão siêu bão Yagi: Đồng hành lúc dân cần, khi dân khó”. Báo Tin Tức. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2024.
  196. ^ Phan Hậu; Tuấn Minh; Đình Huy (11 tháng 9 năm 2024). “Lũ quét kinh hoàng ở Làng Nủ: Tìm thấy thêm 5 thi thể”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 10 năm 2024. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2024.
  197. ^ “Nước lũ rút dưới báo động 1, Phú Thọ nỗ lực tìm kiếm nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu”. Thông tấn xã Việt Nam. 14 tháng 9 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 23 tháng 1 năm 2025.
  198. ^ “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra”. Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam. 15 tháng 9 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2024.
  199. ^ Hồng Nam (9 tháng 9 năm 2024). “Dành 1 phút mặc niệm nạn nhân của bão Yagi trước trận Việt Nam - Thái Lan”. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2024.
  200. ^ Thành Lộc (10 tháng 9 năm 2024). “VFF và tuyển Việt Nam ủng hộ 400 triệu đồng khắc phục thiệt hại của bão Yagi”. Báo điện tử VTC. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 9 năm 2024. Truy cập 30 tháng 12 năm 2024.
  201. ^ Hoàng Vân (14 tháng 9 năm 2024). “Ghi nhận thêm 14 nạn nhân tử vong do bão số 3 và hoàn lưu bão”. Báo Tin Tức. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2024.
  202. ^ Hương Chi (14 tháng 9 năm 2024). “Hướng về đồng bào nơi bão lũ: Từ những câu chuyện nghẹn ngào đến nghĩa đồng bào ấm áp”. Báo điện tử VTV. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2024.
  203. ^ Gia Linh (15 tháng 9 năm 2024). “Nhìn lại toàn cảnh trận bão lũ tàn khốc”. Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2024.
  204. ^ Trần Tuấn Anh (13 tháng 9 năm 2024). 'Những câu chuyện về tình người trong bão lũ trên Tuổi Trẻ sẽ đi vào trang giáo án của tôi'. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2024.
  205. ^ Ngân An (17 tháng 9 năm 2024). “MC Đại Nghĩa đến Làng Nủ trao tiền cho bà con, Vũ Thu Phương hầu đồng”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  206. ^ Vĩnh Hà (23 tháng 12 năm 2024). “Thầy Khang đi gặp các 'cháu nội' ở Làng Nủ”. Tuổi Trẻ. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  207. ^ Mai Hà (10 tháng 9 năm 2024). “Thủ tướng biểu dương Quảng Ninh, Hải Phòng nhường 200 tỉ tiền hỗ trợ thiệt hại”. Thanh Niên. Bản gốc lưu trữ 10 tháng 9 năm 2024. Truy cập 30 tháng 12 năm 2024.
  208. ^ Viết Tuân (10 tháng 9 năm 2024). “Hải Phòng, Quảng Ninh nhường 200 tỷ đồng cho địa phương khác khắc phục hậu quả bão Yagi”. VnExpress. Bản gốc lưu trữ 11 tháng 9 năm 2024. Truy cập 30 tháng 12 năm 2024.
  209. ^ Thùy Dung (12 tháng 9 năm 2024). “Australia viện trợ nhân đạo 3 triệu AUD cho Việt Nam ứng phó với bão số 3”. Báo điện tử Chính phủ. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2024.
  210. ^ Thành Đạt (11 tháng 9 năm 2024). “Mỹ hỗ trợ 1 triệu USD giúp Việt Nam ứng phó sau bão Yagi”. Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2024.
  211. ^ Thanh Hiền; Duy Linh (12 tháng 9 năm 2024). “Hàn Quốc hỗ trợ 2 triệu USD cho nạn nhân bão Yagi, ASEAN sẵn sàng góp sức”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2024.
  212. ^ Hiếu Phương (17 tháng 9 năm 2024). “Vương quốc Anh hỗ trợ 1 triệu bảng Anh giúp Việt Nam khắc phục hậu quả bão Yagi”. Tạp chí Kinh tế và Dự báo. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 22 tháng 9 năm 2024.
  213. ^ Trần Thường (12 tháng 9 năm 2024). “VN flood recovery boosted by $2mil from South Korea, emergency aid from Japan”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2024.
  214. ^ “UN humanitarian affairs body provides 2 million USD to Vietnamese storm victims”. Vietnam+ (VietnamPlus) (bằng tiếng Anh). 21 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 21 tháng 9 năm 2024.
  215. ^ Watkins, Devin (12 tháng 9 năm 2024). “Pope Francis prays for typhoon victims in Vietnam - Vatican News”. Vatican News (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 11 tháng 10 năm 2024.
  216. ^ “Argentina extends condolences to Vietnam over loses caused by Typhoon Yagi”. Vietnam+ (VietnamPlus) (bằng tiếng Anh). 13 tháng 9 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 12 năm 2024. Truy cập ngày 20 tháng 9 năm 2024.
  217. ^ “Lao leaders extend sympathy to Vietnam over losses caused by typhoon Yagi”. Vietnam+ (VietnamPlus) (bằng tiếng Anh). 9 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 20 tháng 9 năm 2024.
  218. ^ X. Mai (29 tháng 9 năm 2024). “Bắc cầu phao thay thế cầu Phong Châu bị sập”. Báo Công An Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 6 tháng 1 năm 2025.
  219. ^ Chí Tuệ (29 tháng 9 năm 2024). “Hoàn thành lắp cầu phao Phong Châu trong 90 phút”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 6 tháng 1 năm 2025.
  220. ^ Đức Hoàng (29 tháng 9 năm 2024). “Hình hài cầu phao Phong Châu sau 90 phút lắp đặt”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 6 tháng 1 năm 2025.
  221. ^ Thế Kha (30 tháng 9 năm 2024). “6h sáng nay cầu phao Phong Châu bắt đầu hoạt động”. Báo Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 6 tháng 1 năm 2025.
  222. ^ Đức Hoàng (30 tháng 9 năm 2024). “Ngày đầu tiên người dân đi qua cầu phao Phong Châu”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 6 tháng 1 năm 2025.
  223. ^ Trần Thường (15 tháng 11 năm 2024). “Bổ sung 800 tỷ đồng cho Bộ Giao thông vận tải để xây cầu Phong Châu mới”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 6 tháng 1 năm 2025.
  224. ^ Phạm Đông (15 tháng 11 năm 2024). “Bổ sung 800 tỉ đồng để xây cầu Phong Châu mới”. Báo Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 6 tháng 1 năm 2025.
  225. ^ Phi Long; Trần Tuấn (14 tháng 12 năm 2024). “Bắt đầu phá dỡ phần còn lại của cầu Phong Châu sau khi bị sập”. Báo điện tử VOV. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập 6 tháng 1 năm 2025.
  226. ^ Trần Long (21 tháng 12 năm 2024). “Phát lệnh triển khai khởi công cầu Phong Châu mới”. Báo điện tử Chính phủ. Bản gốc lưu trữ 27 tháng 12 năm 2024. Truy cập 27 tháng 12 năm 2024.
  227. ^ Thành Chung (15 tháng 9 năm 2024). “Nạn nhân vụ lũ quét Làng Nủ: 66 người chết và mất tích”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2024.
  228. ^ Trần Thanh (21 tháng 9 năm 2024). “Khởi công tái thiết Làng Nủ và thôn Kho Vàng sau trận lũ quét lịch sử”. Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 9 năm 2024. Truy cập 6 tháng 1 năm 2025.
  229. ^ Hoàng Phương (22 tháng 12 năm 2024). “Khánh thành khu tái định cư Làng Nủ”. VnExpress. Bản gốc lưu trữ 22 tháng 12 năm 2024. Truy cập 27 tháng 12 năm 2024.
  230. ^ Thế Đoàn (15 tháng 9 năm 2024). “Bão số 3 khiến 2.253 người thương vong, thiệt hại 40 nghìn tỷ đồng”. Báo Tin Tức. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 9 năm 2024. Truy cập 6 tháng 1 năm 2025.
  231. ^ Nhật Anh (15 tháng 9 năm 2024). “Yên Bái nỗ lực vượt lên nỗi đau sau siêu bão Yagi”. Báo Đại biểu Nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2024.
  232. ^ Viết Tuân (15 tháng 9 năm 2024). “Thủ tướng bật khóc khi nói về mất mát do bão Yagi gây ra”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2024.
  233. ^ Phạm Tiếp (15 tháng 9 năm 2024). “Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sáu điểm tựa Việt Nam giúp vượt qua mọi khó khăn, gian nan, thử thách”. Báo Tin Tức. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2024.
  234. ^ “Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Chương trình 'Điểm tựa Việt Nam'. Báo Tin Tức. 15 tháng 9 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2024.
  235. ^ Phong Nam (18 tháng 9 năm 2024). “Lan tỏa nghĩa cử cao đẹp về tình đoàn kết, sẻ chia”. Báo Đại biểu Nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 9 năm 2024. Truy cập 6 tháng 1 năm 2025.
  236. ^ “Tự hào dân tộc Việt Nam: 'Cuồng phong' bão số 3 qua đi, tình người còn mãi”. Báo Pháp Luật TPHCM. 27 tháng 9 năm 2024. Truy cập 6 tháng 1 năm 2025.
  237. ^ Viết Tuân (15 tháng 9 năm 2024). “Thủ tướng bật khóc khi nói về mất mát do bão Yagi gây ra”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2024.
  238. ^ Mai Hà (28 tháng 9 năm 2024). “Thủ tướng: Sau bão Yagi miền Trung, miền Nam làm bù cho miền Bắc”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 12 năm 2024. Truy cập 6 tháng 1 năm 2025.
  239. ^ a b “Nghị quyết số 143/NQ-CP khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3”. Báo điện tử Chính phủ. 18 tháng 9 năm 2024. Lưu trữ bản gốc 30 tháng 12 năm 2024. Truy cập ngày 18 tháng 9 năm 2024.
  240. ^ “Thông cáo báo chí tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2024”. Tổng cục Thống kê. 6 tháng 1 năm 2025. Lưu trữ bản gốc 19 tháng 1 năm 2025. Truy cập 6 tháng 1 năm 2025.
  241. ^ Nguyễn Lê (6 tháng 1 năm 2025). “GDP năm 2024 tăng 7,09%, vượt mục tiêu đề ra”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc 6 tháng 1 năm 2025. Truy cập 6 tháng 1 năm 2025.
  242. ^ Tô Hội (15 tháng 9 năm 2024). “Nhìn lại cơn bão số 3 với những con số ám ảnh”. Báo Sức khỏe và Đời sống. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 10 năm 2024. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2024.
  243. ^ An Khang (10 tháng 9 năm 2024). “Điểm dị thường khiến bão Yagi mạnh nhất trong 30 năm”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2024.
  244. ^ Nhiều tác giả (7 tháng 9 năm 2024). “Trực tiếp diễn biến siêu bão Yagi”. VnExpress. Bản gốc lưu trữ 30 tháng 12 năm 2024. Truy cập 27 tháng 12 năm 2024.
  245. ^ “Trực tiếp Bão số 3 Yagi đổ bộ vào Quảng Ninh - Hải Phòng”. VietNamNet. Bản gốc lưu trữ 7 tháng 10 năm 2024. Truy cập 27 tháng 12 năm 2024.
  246. ^ “Bản tin dự báo khí hậu thời hạn tháng từ 11 tháng 9 đến 10 tháng 10 năm 2024” (PDF). Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. Bản gốc (PDF) lưu trữ 27 tháng 12 năm 2024. Truy cập 27 tháng 12 năm 2024.
  247. ^ Lê Văn Thành (người ký) (22 tháng 4 năm 2021). “Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai” (PDF). Chính phủ Việt Nam. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 7 tháng 9 năm 2024. Truy cập 27 tháng 12 năm 2024.
  248. ^ Tổng cục KTTV Việt Nam (bản báo cáo cũ) (tháng 10 năm 2024). “Member Report Socialist Republic of Viet Nam - ESCAP/WMO Typhoon Committee 19th Integrated Workshop - Shanghai, China - 19 - 22 November 2024” (PDF). Ủy ban Bão Châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP/WMO Typhoon Committee), Hội thảo tích hợp lần thứ 19 năm 2024. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 14 tháng 11 năm 2024. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2024.. Website Hội thảo Lưu trữ 2024-11-14 tại Wayback Machine
  249. ^ Hải Đăng (31 tháng 12 năm 2024). “Tổng kết 2024: Thời tiết - thủy văn Việt Nam khốc liệt và dị thường”. Báo Công lý. Bản gốc lưu trữ 2 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
  250. ^ Nhiều tác giả (18 tháng 12 năm 2024). “Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025”. Tổng cục Khí tượng thủy văn Việt Nam. Bản gốc lưu trữ 27 tháng 12 năm 2024. Truy cập 27 tháng 12 năm 2024.
  251. ^ Thắng Trung (18 tháng 12 năm 2024). “Việt Nam có khả năng đối mặt với nắng nóng khốc liệt trong năm 2025”. Chính sách và cuộc sống - Thông tấn xã Việt Nam. Bản gốc lưu trữ 27 tháng 12 năm 2024. Truy cập 27 tháng 12 năm 2024.
  252. ^ Ngọc An (28 tháng 9 năm 2024). “Thủ tướng nói về sai số trong dự báo bão cấp 17 và phương án cho thủy điện Thác Bà”. Tuổi Trẻ. Bản gốc lưu trữ 1 tháng 10 năm 2024. Truy cập 27 tháng 12 năm 2024.
  253. ^ Nguyễn Giang (15 tháng 9 năm 2024). “Đừng lấy nỗi đau của đồng bào để "phông bạt". Diễn Đàn Doanh Nghiệp. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2024.
  254. ^ Thùy Trang (13 tháng 9 năm 2024). “Hàng loạt người nổi tiếng, TikToker bị chỉ trích vì "phông bạt" sau vụ sao kê”. Báo Kinh tế đô thị. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2024.
  255. ^ Tấn Đăng (13 tháng 9 năm 2024). “Phông bạt mùa bão lũ”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2024.
  256. ^ Lê Chi (19 tháng 9 năm 2024). “Bị phát hiện 'phông bạt' tiền từ thiện: Người xin lỗi, kẻ 'ở ẩn' né dư luận”. Báo điện tử VTC. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2024.
  257. ^ T.Thủy (13 tháng 9 năm 2024). “Mạng xã hội tranh cãi về công cụ "check VAR" tiền ủng hộ từ thiện”. Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2024.
  258. ^ Lưu Quý (13 tháng 9 năm 2024). “Tin giả hoành hành trong bão lũ”. VnExpress. Bản gốc lưu trữ 17 tháng 9 năm 2024. Truy cập 21 tháng 1 năm 2025.
  259. ^ Sơn Bách (12 tháng 9 năm 2024). “Tràn lan tin giả trong bão số 3, người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo”. Báo Nhân Dân. Bản gốc lưu trữ 14 tháng 9 năm 2024. Truy cập 21 tháng 1 năm 2025.
  260. ^ Minh An (15 tháng 9 năm 2024). "Phông bạt" từ thiện mùa mưa lũ: xử lý nghiêm vi phạm”. Báo Kinh tế đô thị. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2024.
  261. ^ Nguyên Hoàng (14 tháng 9 năm 2024). “Mạnh tay xử lý tin giả xuất hiện tràn lan trong bão số 3”. Báo Nhân Dân. Bản gốc lưu trữ 14 tháng 9 năm 2024. Truy cập 21 tháng 1 năm 2025.
  262. ^ Thanh Hằng. “Siêu bão hạ gục hàng loạt cây xanh, lộ cách trồng cây gây nhiều tranh cãi”. Viettimes. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2024.
  263. ^ Minh Khôi (9 tháng 9 năm 2024). “Tranh cãi lý do khiến cây đổ nhiều trong bão”. Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 10 năm 2024. Truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2024.

Đọc thêm