Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (hay đơn giản là Sân Mỹ Đình) là một sân vận động đa năng ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam. Sân có sức chứa 40.192 chỗ ngồi và là trung tâm của Khu liên hợp thể thao quốc gia Việt Nam. Sân chính thức được khánh thành vào tháng 9 năm 2003 và là địa điểm chính của Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2003 vào cuối năm đó, bao gồm tổ chức lễ khai mạc, bế mạc cũng như các nội dung thi đấu môn điền kinh và các trận đấu môn bóng đá nam.[3] Đây là sân nhà chính của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam từ năm 2003. Từ năm 2024 Thể Công – Viettel đã thuê sân này làm sân nhà tại Giải bóng đá Vô địch Quốc gia 2024–25. Sân thường tổ chức các trận thi đấu hoặc giao hữu quốc tế khi có đội tuyển tham gia.
Nằm cách trung tâm Hà Nội 10 km về phía tây bắc, đây là sân vận động có sức chứa lớn nhất trong cả nước. Sân được xây dựng với chi phí 1.300 tỷ đồng (~53 triệu USD, tỷ giá năm 2003).[1][2] Mái che cong bao phủ các khán đài ở phía đông và phía tây của sân vận động, che phủ cho một nửa số ghế. Bên cạnh sân vận động có hai sân tập bóng đá, cung cấp cơ sở vật chất tập luyện cho các đội bóng.[3]
Với sự phát triển của bóng đá và kinh tế tại Việt Nam, sân Mỹ Đình giai đoạn gần đây đã hứng chịu tâm điểm chỉ trích của các cổ động viên Việt Nam và nước ngoài với việc chất lượng mặt sân và cơ sở vật chất xung quanh bị phản ánh là xuống cấp, gây ra nhiều sự cố khi tổ chức các trận bóng đá.[4]
Lịch sử
Ý tưởng về một sân vận động quốc gia mới ở Việt Nam đã được đưa ra vào năm 1998, khi chính phủ tiến hành nghiên cứu khả năng xây dựng một khu liên hợp thể thao quốc gia mới.[5] Vào tháng 7 năm 2000, Thủ tướng Việt NamPhan Văn Khải đã phê duyệt dự án xây dựng sân vận động ở trung tâm của Khu liên hợp thể thao quốc gia Việt Nam để chuẩn bị cho việc tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2003. Bốn công ty, cụ thể là Hanoi International Group (HISG - Trung Quốc), Philipp Holzmann (Đức), Bouygues (Pháp) và Lemna-Keystone (Hoa Kỳ), đã tham gia đấu thầu xây dựng sân vận động. Quá trình này đã gây tranh cãi do vi phạm các yêu cầu kỹ thuật và tài chính trong hồ sơ đấu thầu của HISG và Holzmann[6] (Holzmann thậm chí đã nộp đơn xin phá sản trước đó vào năm 1999)[7], các cáo buộc tham nhũng đối với khoản tài trợ của Bouygues, cũng như phía Lemna-Keystone nghi ngờ sự minh bạch trong việc đưa ra quyết định của hội đồng chấm thầu.[8][9] Cuối cùng, HISG đã thắng thầu và ký hợp đồng cam kết vào ngày 14 tháng 8 năm 2001.[10]
Công việc xây dựng sân vận động được bắt đầu vào năm 2002. Trong giai đoạn xây dựng, sân được gọi là Sân vận động Trung tâm. Sân đã hoàn thiện về mặt kiến trúc vào tháng 6 năm 2003. Vào tháng 8 năm 2003, sân vận động được đặt tên chính thức là Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, lấy theo tên của khu vực xã mà sân vận động này được xây dựng ở đó. Sân được khánh thành vào ngày 2 tháng 9 năm 2003, trùng với ngày Quốc khánh của Việt Nam.[11]
Bên trong sân vận động
Khán đài sân vận động Mỹ Đình
Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình có 4 khán đài. Các khán đài A và B (tương ứng là khán đài phía đông và phía tây) được che phủ bởi mái che nặng 2.300 tấn ở mỗi khán đài. Hai khán đài này cao hai tầng và cao 25,8 m (85 ft), trong khi khán đài C và D (tương ứng là khán đài phía nam và phía bắc) cao một tầng và cao 8,4 m (28 ft). Tổng cộng, sân vận động này có sức chứa 40.192 chỗ ngồi, bao gồm 450 ghế VIP và 160 ghế cho các nhà báo.[3]
Mặt sân
Mặt sân cỏ có kích thước 105 x 68 m, bao quanh là đường chạy điền kinh 8 làn và các cơ sở thể thao khác.[3]
Vòng loại bóng đá nam Thế vận hội Mùa hè 2012 khu vực châu Á (vòng play-off).[28] Ba đội đứng thứ hai của các bảng đấu ở vòng ba đã thi đấu vòng tròn một lượt tại một địa điểm trung lập vào ngày 25, 27 và 29 tháng 3 năm 2012. Việt Nam đã được Ủy ban thi đấu AFC chọn làm địa điểm trung lập, với các trận đấu diễn ra tại sân vận động Mỹ Đình của Hà Nội.
Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình đã tổ chức nhiều sự kiện giải trí.[37]Mỹ Tâm là ca sĩ Việt Nam đầu tiên và duy nhất tổ chức buổi diễn trực tiếp tại đây với sức chứa hơn 10.000 khán giả cho liveshowNgày ấy & bây giờ (2004) và hơn 30.000 khán giả cho liveshow Tri âm (2022).[38]
Vào ngày 27 tháng 3 năm 2010, một buổi hòa nhạc của MTV Exit đã được tổ chức tại đây, trong đó có sự góp mặt của nhóm nhạc nam Hàn Quốc Super Junior, ca sĩ người Úc Kate Miller-Heidke cùng với nhiều ca sĩ Việt Nam. Vào ngày 26 tháng 3 năm 2011, nhóm nhạc nam Mỹ Backstreet Boys đã biểu diễn tại đây như một phần của chuyến lưu diễn This Is Us Tour của nhóm.[39] Vào ngày 1 tháng 10 năm 2011, nhóm nhạc nam Ireland Westlife đã biểu diễn tại đây trong khuôn khổ chuyến lưu diễn Gravity Tour của nhóm; khoảng 11.000 người đã tham dự buổi hòa nhạc.[40] Sân vận động cũng là điểm khởi đầu của chương trình Cuộc đua kỳ thú 2012.[41] Vào ngày 26 tháng 5 năm 2012, MTV Exit đã tổ chức một buổi hòa nhạc tại sân vận động với sự góp mặt của ban nhạc pop punk Canada Simple Plan nhằm nâng cao nhận thức về nạn buôn người và nô lệ hiện đại.[42]
Sân vận động cũng là nơi tổ chức nhiều buổi hòa nhạc K-pop. Đây là nơi diễn ra buổi hòa nhạc đặc biệt Music Core của MBC vào ngày 8 tháng 12 năm 2012,[43]Music Bank World Tour của KBS vào ngày 28 tháng 3 năm 2015.[44]
Vào ngày 29 và 30 tháng 7 năm 2023, nhóm nhạc Blackpink tổ chức hai buổi diễn trong khuôn khổ chuyến lưu diễn Born Pink World Tour với 67.443 khán giả tham dự và đạt doanh thu $13.660.064.
Khoảng 11 giờ 40 phút (UTC+7:00) ngày 6 tháng 10 năm 2010 xảy ra vụ nổ tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. Nguyên nhân được xác nhận bắt nguồn từ hai container chứa pháo hoa nổ do sơ suất khi lắp đặt trận địa pháo;[58][59] đây là buổi tổng duyệt cho chương trình Đêm hội văn hóa nghệ thuật kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội dự kiến tổ chức chính thức vào ngày 10 tháng 10 năm 2010.[60][61] Hậu quả khiến bốn nạn nhân tử vong (2 người Đức, 1 người Singapore, 1 người Việt Nam)[62] và ba nạn nhân bị thương, các nạn nhân bao gồm người Đức và người Singapore cùng người Việt.[63][64][65]
Lee Gaskin, phóng viên thể thao Australia, đăng trên trang cá nhân Twitter sau trận Việt Nam - Australia tại vòng loại thứ ba World Cup 2022[66]
Từ nửa cuối năm 2021, dư luận đã có nhiều chỉ trích liên quan đến chất lượng sân cỏ và cơ sở vật chất của sân vận động. Làn sóng chỉ trích bắt đầu vào đầu tháng 9 năm 2021, khi tuyển Việt Nam tiếp đón Australia tại vòng loại thứ ba World Cup 2022; truyền thông và người hâm mộ Australia thời điểm đó đã so sánh mặt sân Mỹ Đình với "bãi cỏ chăn bò".[66] Theo Lao Động, mặt cỏ sân Mỹ Đình đã không hề được thay mới trong gần 10 năm, chủ yếu vẫn là chăm sóc trên nền đất cũ và loại cỏ cũ, nên chỉ cần thời tiết thay đổi bất thường là lập tức có vấn đề về thẩm mỹ và chất lượng.[5] Ngoài ra, một số khu vực và phòng chức năng tại sân Mỹ Đình đã xuống cấp nghiêm trọng do thời gian dài không được sửa chữa. Để lý giải sự xuống cấp này, vấn đề nguồn kinh phí đã được các bên liên quan đặt ra.[67] Sau khi Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) yêu cầu cải thiện mặt sân Mỹ Đình và các phòng chức năng, sân vận động đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam cải tạo lớn để tổ chức các trận đấu tiếp theo tại vòng loại World Cup và cũng để chuẩn bị cho Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2021 vào tháng 5 năm 2022.[9]
Trước SEA Games 31, Chính phủ cấp cho Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hơn 400 tỉ đồng để sửa chữa Khu liên hợp thể thao quốc gia. Dù vậy, việc thay mặt cỏ sân Mỹ Đình đã không được tiến hành.[68] Đến trước trận tranh hạng ba và chung kết môn bóng đá nam SEA Games 31, mặt cỏ sân Mỹ Đình tiếp tục bị hư hại nghiêm trọng do hệ quả của việc lắp đặt sân khấu cho lễ khai mạc SEA Games mới tổ chức trước đó, khiến cỏ bị héo úa và chết khá nhiều.[69]
Sự cố trận giao hữu giữa Việt Nam và Borussia Dortmund
Vào ngày 30 tháng 11 năm 2022, trong trận đấu giao hữu giữa Việt Nam và Borussia Dortmund, tại phút thứ 86 của trận đấu, xà ngang khung thành của phía Dortmund đã bị bật ra khiến trận đấu bị gián đoạn 5 phút. Ngoài ra, trong thời gian nghỉ giữa hai hiệp, khu vực kỹ thuật của hai đội bóng và khu vực trọng tài bàn đã bị gió thổi đổ rất nhiều lần.[70]
AFF Cup 2022
Tại thời điểm này, chất lượng sân Mỹ Đình đã trở nên xuống cấp trầm trọng. Tình trạng của sân đấu được các trang báo trong nước mô tả là "nóng hơn cả tuyển Việt Nam", "hình ảnh xấu xí"[71], "nhếch nhác"[72], "sân đất nện", "như đá bóng ngoài ruộng".[73]
Trước khi AFF Cup 2022 diễn ra, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã ký hợp đồng với Khu liên hợp thể thao quốc gia để thuê sân Mỹ Đình làm sân nhà của đội tuyển Việt Nam. Giá thuê sân cho mỗi trận đấu của tuyển Việt Nam là 800 triệu đồng, nhiều nhất trong lịch sử của sân vận động này. Tuy vậy, mặt cỏ của sân vận động được mô tả là già, úa, xấu. Ghế bạc màu, ố bẩn do toàn bộ 40.000 ghế ngồi được lắp đặt từ năm 2003 chưa thay lần nào. Ngoài ra, theo Cục Thuế Hà Nội, cho đến năm 2023, Khu liên hợp thể thao quốc gia nợ 855 tỉ đồng tiền thuế.[68]
Lý giải hiện tượng này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, ông Đặng Hà Việt cho biết,[74] nguyên nhân không phải do thiếu kinh phí mà vì "quên bảo dưỡng". Theo ông Việt, việc bảo dưỡng và chăm sóc trong một tháng qua vẫn được tiến hành đều đặn nhưng thời tiết Hà Nội khắc nghiệt, nắng ít làm cho mặt cỏ không xanh như mong đợi. Hơn nữa, AFC đã đánh giá mặt sân Mỹ Đình vẫn đủ điều kiện để thi đấu. Tuy vậy, việc lý giải mặt sân xuống cấp do thời tiết bị nhiều cổ động viên cho là không có cơ sở, bởi trước đó khi đội tuyển Việt Nam tiếp đón Trung Quốc tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 hồi đầu năm, mặt cỏ của sân Mỹ Đình vẫn rất đẹp và xanh.[75] Điều này cho thấy mặt cỏ của Mỹ Đình hiện tại bị xuống cấp là vì không được chăm sóc kỹ càng. Tình trạng nhếch nhác tại sân vận động đã trở thành tâm điểm chỉ trích của các cổ động viên Việt Nam và nước ngoài.[4]
Ngày 4 tháng 1 năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến tình trạng của sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Ông nhấn mạnh và đặt câu hỏi về việc không khai thác được sân vận động mà chỉ trông chờ vào tiền nhà nước.[76]
Phương châm của toàn ngành là Quyết liệt hành động, Khát vọng cống hiến, chúng ta đã thực hiện được gần 2 năm rồi. Toàn ngành đã có những tiến bộ, sự thay đổi rõ rệt như Lãnh đạo Đảng và Nhân dân ghi nhận. Thế nhưng, thi thoảng ở một số bộ phận, lĩnh vực tôi vẫn cảm thấy sự quyết liệt đó chưa được thực hiện thường xuyên. Bằng chứng là câu chuyện tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. Kế hoạch tổ chức AFF Cup đã có từ trước chứ có phải đột xuất đâu, sao vẫn để những việc như vậy xảy ra?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu cuối buổi sáng ngày 6 tháng 1 năm 2023[77]
Để xử lý tình trạng xuống cấp trước trận Việt Nam gặp Indonesia (thi đấu ngày 9 tháng 1), tối ngày 6 tháng 1, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Hùng yêu cầu hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh chỉ đạo lực lượng Đoàn thanh niên, sinh viên nhà trường tổ chức hoạt động tình nguyện để hỗ trợ làm vệ sinh môi trường cảnh quan cho sân Mỹ Đình.[77][78]