Quân ủy Trung ương có trách nhiệm phối hợp và hướng dẫn các cấp uỷ trực thuộc Trung ương thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về quân sự, quốc phòng. Quân uỷ Trung ương trực tiếp lãnh đạo xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh toàn diện, xây dựng các tổ chức đảng trong quân đội trong sạch, vững mạnh. Thông qua các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, Quân uỷ Trung ương bảo đảm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội.
Quân ủy Trung ương thực hiện chế độ quyết định tập thể đối với vấn đề lớn như chủ trương, chương trình, kế hoạch thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các biện pháp xây dựng quân đội, quyết định các vấn đề về công tác cán bộ trong quân đội. Quân uỷ Trung ương chỉ đạo Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và thông qua Tổng cục Chính trị chỉ đạo các Đảng bộ và hệ thống chính uỷ, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị nhằm xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức.[1][2]
Lịch sử
Để lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt lực lượng vũ trang nhân dân, tháng 1 năm 1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định thành lập Trung ương Quân ủy.[3]
Tên gọi qua các thời kỳ:
• Tháng 1 năm 1946, thành lập Trung ương Quân ủy.[3]
• Tháng 10 năm 1948, bãi bỏ Trung ương Quân ủy. Thành lập Tổng Chính ủy
• Tháng 1 năm 1961 đổi tên thành Quân ủy Trung ương
• Ngày 15-12-1982, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 07/NQ-TW Về việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, thực hiện chế độ một người chỉ huy trong quân đội, trong đó quy định: bỏ hệ thống cấp ủy đảng từ Quân ủy Trung ương đến cấp trên cơ sở; thành lập Hội đồng quân sự và Hội đồng chính trị
• Ngày 04-7-1985, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 27/NQ-TW Về việc khôi phục lại hệ thống tổ chức đảng trong toàn quân từ Đảng ủy Quân sự Trung ương[5] đến cơ sở
• Năm 2011, đổi tên thành Quân ủy Trung ương[6][7][8]
Hiện nay, đứng đầu Quân ủy Trung ương là Bí thư Quân ủy Trung ương do Tổng Bí thư kiêm nhiệm. Phó Bí thư Quân ủy Trung ương do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm nhiệm;
Ngày 17/6/2021, tại trụ sở Bộ Quốc phòng đã diễn ra Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ nhất khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tại phiên họp, ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư, đã công bố quyết định của Bộ Chính trị, khóa XIII chỉ định các nhân sự tham gia Quân ủy Trung ương, nhiệm kỳ 2020–2025 gồm 25 người.[12]
Ngày 10/5/2016, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, đã diễn ra lễ công bố Quyết định số 186-QĐ/TW ngày 29/4/2016 của Bộ Chính trị chỉ định Quân ủy Trung ương, Thường vụ Quân ủy Trung ương và các chức danh Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, nhiệm kỳ 2015-2020. Theo Quyết định này, Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2015–2020 gồm 23 thành viên; ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư giữ chức Bí thư Quân ủy Trung ương; Đại tướng Ngô Xuân Lịch giữ chức Phó Bí thư Quân ủy Trung ương.
Bộ Quốc phòng và Quân ủy Trung ương là hai cơ quan khác nhau về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế lãnh đạo trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Bộ Quốc phòng là cơ quan quản lí nhà nước về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, tham mưu cho Nhà nước và Chính phủ về các vấn đề quân sự, quốc phòng. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam là người chỉ huy cao nhất trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Dân quân tự vệ. Quân ủy Trung ương là cơ quan lãnh đạo mọi mặt trong Quân đội nhân dân Việt Nam của Đảng Cộng sản Việt Nam, có nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương Đảng những vấn đề về đường lối, nhiệm vụ quân sự và quốc phòng. Quân ủy Trung ương thực hiện sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Tổng Bí thư kiêm là Bí thư Quân ủy Trung ương, Bí thư Quân ủy Trung ương là người lãnh đạo cao nhất Quân đội nhân dân Việt Nam trên thực tế (de facto).
Vì vậy, có thể nói Quân ủy Trung ương là cơ quan lãnh đạo về mặt chính trị, đảng, trong khi Bộ Quốc phòng là cơ quan lãnh đạo về mặt quản lí nhà nước, hành chính, quân sự.