Ném đĩa (tiếng Anh: discus hoặc discus throw) là một nội dung điền kinh trong đó vận động viên ném một chiếc đĩa hình tròn sao cho có quãng đường bay xa hơn đối thủ của mình. Đây là một môn thể thao cổ đại và được mô tả qua bức tượng nổi tiếng vào thế kỷ thứ 5 TCN của Myron, Discobolus hay Diskobólos (tiếng Việt: Lực sĩ ném đĩa). Mặc dù không nằm trong nội dung năm môn phối hợp hiện đại, đây lại là một trong năm phần thi của năm môn phối hợp Hy Lạp cổ đại, môn thi đấu có niên đại từ năm 708 TCN.[1]
Lịch sử
Ném đĩa là một phần thủ tục của hầu hết các cuộc hội ngộ điền kinh ở mọi cấp độ và là môn thể thao có tính biểu tượng của Thế vận hội. Cuộc thi của nam nằm trong Thế vận hội Mùa hè kể từ kỳ đại hội đầu tiên năm 1896. Hình ảnh các vận động viên ném đĩa trở thành hình ảnh trang trí cho quảng cáo của các kỳ Thế vận hội đầu tiên, ví dụ như các con tem gây quỹ cho kỳ đại hội 1896 và áp phích chính của Thế vận hội Mùa hè 1920 và 1948.
Môn ném đĩa được khởi phát trở lại ở Magdeburg, Đức nhờ Christian Georg Kohlrausch và các học trò của ông vào thập niên 1870. Các tác phẩm của ông về ném đĩa và các kỹ thuật ném thời kỳ đầu đã được xuất bản từ năm 1880.
Vận động viên hiện đại đầu tiên có tư thế ném đĩa cùng lúc xoay toàn bộ thân người là František Janda-Suk của Čechy (nay là Cộng hòa Séc). Ông sáng tạo ra kĩ thuật này khi nghiên cứu tư thế của bức tượng Discobolus (người ném đĩa) nổi tiếng. Chỉ một năm sau khi phát triển kĩ thuật này ông đã giành được huy chương bạc Thế vận hội năm 1900.
Nội dung của nữ được bổ sung vào chương trình tại Thế vận hội Mùa hè 1928, mặc dù phụ nữ đã thi đấu ném đĩa tại một số cấp độ quốc gia và khu vực từ trước đó.
Mô tả
Chiếc đĩa (discus), đối tượng được ném, là một đĩa nặng lồi hai bên. Đối với nội dung của nam đĩa có khối lượng 2 kilôgam (4,4 lb) cùng đường kính 0,219 – 0,221 m. Đối với nữ lần lượt là 1 kilôgam (2,2 lb) và 0,180 – 0,182 m.
Theo luật của IAAF, các vận động viên nam thiếu niên (16–17 tuổi) ném đĩa nặng 1,5 kilôgam (3,3 lb), nam trẻ (18–19 tuổi) ném đĩa đặc biệt nặng 1,75 kilôgam (3,9 lb), còn các vận động viên nữ ở các nhóm tuổi trên ném đĩa nặng 1 kg.
Trong thi đấu quốc tế, các vận động nam trưởng thành tuổi từ 20 tới 49 ném đĩa 2 kg. Đĩa 1,5 kilôgam (3,3 lb) dành cho lứa tuổi 50–59, trong khi lứa tuổi 60 trở lên dùng đĩa 1 kilôgam (2,2 lb). Các nữ vận động viên trưởng thành dưới 74 tuổi ném đĩa 1 kilôgam (2,2 lb) còn từ tuổi 75 trở về sau là đĩa nặng 0,75 kilôgam (1,7 lb).
Hai mặt của một chiếc đĩa thông thường làm từ chất dẻo, gỗ, sợi thủy tinh, sợi cacbon hoặc kim loại, với vành và lõi bằng kim loại để đạt trọng lượng mong muốn. Vành phải trơn tru bằng phẳng, không bị lởm chởm và không có chỗ để ngón tay. Một chiếc đĩa có vành nặng hơn tạo ra mômen động lượng lớn hơn ở cùng tốc độ quay, do đó bay ổn định hơn nhưng lại khó ném hơn. Tuy vậy nếu ném đúng cách thì đĩa có vành nặng hơn sẽ ném xa hơn. Đôi khi người ta cũng dùng đĩa cao su rắn.
Khi thực hiện cú ném, vận động viên đứng ở một vòng tròn đường kính 2.5 m (8 ft 21⁄4 in), thụt vào 20 mm trong một bệ bê tông. Khi chuẩn bị ném, người ném thường quay lưng lại với hướng ném. Người đó sau đó xoay ngược chiều kim đồng hồ (đối với người thuận tay phải) khoảng một vòng rưỡi trong vòng tròn để lấy đà rồi thả tay ra khỏi đĩa. Chiếc đĩa phải đáp xuống khu vực hình quạt có góc ở tâm là 34,92 độ. Luật thi đấu của ném đĩa giống gần như hoàn toàn với luật của đẩy tạ, ngoại trừ vòng tròn lớn hơn, không có tấm chặn và không có luật liên quan tới cách ném.
Trọng tài đo khoảng cách từ rìa ngoài vòng tròn tới điểm tiếp đất và các khoảng cách tính theo mét sẽ được làm tròn tới số thập phân thứ hai. Cú ném xa nhất của vận động viên trong số các cú ném cho phép, thường là ba tới sáu lần, sẽ là kết quả cuối cùng của người đó. Người nào có cú ném đúng luật xa nhất là người chiến thắng. Nếu có kết quả hòa thì sẽ so sánh tiếp kết quả xem ai có cú ném tốt thứ hai xa hơn.
Cử động cơ bản là cử động ngang vai thuận tay. Chiếc đĩa sẽ tách ra khỏi ngón trỏ hoặc ngón giữa của bàn tay ném. Đĩa sẽ xoay thuận chiều kim đồng hồ khi nhìn từ trên xuống đối với người thuận tay phải, và ngược chiều kim đồng hồ đối với người thuận tay trái. Cùng với việc đạt động lượng tối đa khi ném đĩa, tầm xa của cú ném cũng được quyết định bởi quỹ đạo mà người ném tạo ra, cũng như hoạt động khí động học của chiếc đĩa. Nói chung cú ném ngược chiều gió vừa phải sẽ đạt khoảng cách tối đa. Một chiếc đĩa xoay nhanh hơn tạo ra tính ổn định hồi chuyển lớn hơn. Kĩ thuật ném đĩa không dễ để nắm bắt và cần nhiều kinh nghiệm nên các vận động viên ném đĩa hàng đầu thường ở độ tuổi 30 trở lên.