Sau sự kiện Giải phóng miền Nam ngày 30 tháng 4 năm 1975, lữ đoàn lại được chỉ huy quân chủng giao nhiệm vụ chặn, chốt, gác tại các điểm khai thác dầu khí; vận chuyển những chuyến hàng chi viện cho Trường Sa; vận chuyển hàng hóa - phát triển kinh tế biển.
Bến tàu không số K15
Bến tàu không số K15 nằm dưới chân đồi Nghinh Phong, nơi xuất phát của những đoàn tàu không số vận tải hàng hóa chi viện cho miền Nam của quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến tranh kháng chiến chống Mỹ; di tích lịch sử quốc gia, một trong những thắng cảnh của khu du lịch Đồ Sơn, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng.
Ngày 8 tháng 4 năm 1962, chuyến tàu gỗ trinh sát không số đầu tiên chở 30 tấn vũ khí và mang chỉ thị của Trung ương về mở đường vận tải chiến lược trên biển do đồng chí Bông Văn Dĩa lãnh đạo xuất bến. Ngày 16 tháng 10 cùng năm, khi tàu không số đầu tiên cập bến Thành Tự tại Vàm Lũng, Cà Mau đã khai sinh ra đường Hồ Chí Minh trên biển, một huyết mạch giao thông vô cùng quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Trong suốt cuộc Chiến tranh Việt Nam, đã có gần 100 chiếc thuyền không số với 168 chuyến hành trình vượt sóng vận chuyển được hơn 150.000 tấn vũ khí, trang thiết bị, hàng chục ngàn lượt cán bộ từ Miền Bắc Việt Nam vào chiến trường Miền Nam Việt Nam; phá hủy hơn 4.000 quả thủy lôi, đánh trả hơn 30 lần tàu địch bao vây và hơn 1.200 lần máy bay tập kích, bắn rơi 5 chiếc máy bay, bắn cháy nhiều tàu chiến của địch.
Hiện nay, tại khu di tích còn một số nền móng kho hàng, bể nước.
Để tưởng nhớ những chiến công và sự hy sinh của những thủy thủ tàu không số, thành phố Hải Phòng xây dựng Tượng đài kỷ niệm đường Hồ Chí Minh trên biển ngay cạnh di tích Bến tàu K15.
Đoàn tàu Không số
Trong Chiến tranh Việt Nam, đơn vị đã sử dụng các tàu vận tải cỡ nhỏ để thâm nhập vào miền Nam. Mặc dù có số hiệu đầy đủ, song để giữ bí mật, các tàu này không sơn số hiệu lên thân tàu. Vì thế, những con tàu này được biết đến với tên gọi chung là Đoàn tàu Không số.
Tàu 54 thuộc Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 125. Vào tháng 9 năm 1970, tàu chở 70 tấn vũ khí, xuất phát tại Cảng K35Hải Phòng đi Rạch Gốc, Cà Mau. Chỉ huy của tàu bao gồm Thuyền trưởng Hai Đặng, Chính trị viên Hai Hiệu và hai phó thuyền trưởng là Chử Thái Bình và Đồng Xuân Chế. Tuy nhiều lần rơi vào tình thế nguy hiểm, tàu 54 an toàn trở về sau hơn một tháng hành trình.
Tàu 56
Trong Chiến tranh Việt Nam, Đoàn 125 HQ đã tổ chức 3 chuyến tàu cặp bến thành công, vận chuyển 109 tấn vũ khí, kịp thời trang bị cho quân dân các tỉnh miền Đông, Khu 6 tham gia các chiến dịch, chiến thắng ở trận Bình Giã, Đồng Xoài, Dầu Tiếng, Bầu Bàng
Tàu 69
Tàu 69 là tàu sắt trọng tải 100 tấn, do Thuyền trưởng Nguyễn Hữu Phước chỉ huy. Trước tháng 4 năm 1966, tàu đã đi được 7 chuyến vận chuyển thành công vũ khí vào Nam. Chuyến thứ tám khởi hành ngày 21 tháng 4 năm 1966 tại Đồ Sơn, chở 61 tấn hàng. Đến đêm 28 tháng 4, tàu đã cập bến Vàm Lũng và giao hàng xong. Trước khi tàu trở lại miền Bắc, phải kiểm tra mọi yếu tố về kỹ thuật, thì chân vịt của tàu bị hỏng nặng. Sau 1 tuần lễ, tàu được sửa xong và hạ thủy chuẩn bị ra Bắc. Nhưng lúc này lại xảy ra một vụ việc: Tàu 100 chuẩn bị vào bến thì bị lộ, bị phong tỏa, tàu buộc phải cho nổ để phi tang. Vụ đó làm cho tàu Hải quân Việt Nam Cộng hòa tập trung quanh bến để theo dõi. Tàu 69 phải nằm 6 tháng trong rừng đước, đến ngày 30 tháng 6 năm 1966 mới có thể rời bến. 9 giờ tối ngày 31 tháng 12, tàu bị một tàu Việt Nam Cộng hòa phát hiện. Tàu đó tiến thẳng về phía Tàu 69. Đến 9 giờ 30 phút tối, thấy không thể lẩn trốn, Thuyền trưởng Nguyễn Hữu Phước quyết định chiến đấu. Hai bên bắn nhau dữ dội. 0 giờ 20 phút ngày 1 tháng 1 năm 1967, khi tàu vào đến cửa Vàm Lũng thì 5 tàu Việt Nam Cộng hòa đã rút lui. Tàu 69 cập bến với 121 lỗ thủng trên thành tàu. 6 giờ sáng ngày 1 tháng 1, đài phát thanh Việt Nam Cộng hòa thông báo vào lúc 23 giờ ngày hôm trước đã bắn chìm một tàu chở vũ khí của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tàu 69 nằm lại trong rừng đước Cà Mau cho đến ngày kết thúc chiến tranh.[3]
Tàu 100
Tàu 100 với 17 thủy thủ, do Thuyền trưởng Lê Minh Sơn và Chính trị viên Nguyễn Hữu Tương chỉ huy, rời bến Bính Động đêm 24 tháng 4 năm 1966, chở theo 62,605 tấn vũ khí tới Cà Mau. Sau 6 ngày đi suôn sẻ, ngày thứ bảy tàu gặp một máy bay khu trục của Mỹ và bị đeo bám. Sau một tuần vòng vo trên hải phận quốc tế, đến ngày 9 tháng 5 tàu quyết định đột phá vào bờ thì bị phát hiện. Tàu USCGC Point Grey của Mỹ ập tới. Hai bên giao tranh dữ dội. Trận đánh kéo dài đến ngày 11 tháng 5, quân miền Nam cho máy bay giội bom thẳng vào Tàu 100 khiến tàu phát nổ.[3]
Tàu 187 gồm 18 thủy thủ, do Thuyền trưởng Phan Văn Xá và Chính trị viên Hồ Đức Thắng chỉ huy, rời bến ngày 11 tháng 6 năm 1966. Ngày 19 tháng 6, trên lộ trình ngoài hải phận quốc tế, tàu đã bị máy bay trinh sát của Mỹ phát hiện. Hải quân Hoa Kỳ điều đến 3 tàu USS John A. Bole (DD-755), USS Haverfield (DE-393), USS Tortuga (LSD-26). Hải quân Việt Nam Cộng hòa điều 4 tàu là HQ-225, HQ-227, HQ-231, HQ-238 thuộc Duyên đoàn 35 và Giang đoàn 23. Tàu 187 lao nhanh về phía bờ biển Trà Vinh, nhưng cách bờ chừng 300 m thì bị mắc cạn. Thuyền trưởng ra lệnh cho toàn bộ thủy thủ đoàn gấp rút rời tàu lên bờ, sau đó ra lệnh hủy tàu. Nhưng bộc phá không nổ. Tàu quân miền Nam tràn tới bắt sống được tàu 187 và toàn bộ 62,6 tấn hàng. 1 thủy thủ của tàu bị thương và bị bắt, 17 người còn lại chạy thoát vào rừng và gia nhập Đoàn 962.[3]
Tàu là con tàu chở vũ khí cho chiến dịch xuân mậu thân năm 1968, tàu xuất phát vào đêm 27 tháng 2 năm 1968 tiếp tế cho vùng Hòn Hèo (Khánh Hòa). Lúc đó có 4 tàu nhận nhiệm vụ chở vũ khí là tàu 165, 235, 56 và 43. Chỉ có tàu 56 đi về được.
Trên tàu có 20 thành viên: thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh, chính trị viên Nguyễn Tương, thuyền phó là Đoàn Văn Nhi và Võ Tá Từ, máy trưởng Ngô Văn Thứ, máy hai Trần Lộc, thợ máy Vũ Long An và Nguyễn Minh Hải, thợ điện Lê Duy Mai, báo vụ Phạm Trường An và Doãn Quang Ruyện, ra đa Trần Thọ Thuyết, thủy thủ Nguyễn văn Phong, Đào Quang Ty, Hà Minh Thật, cơ yếu: Nguyễn Văn Dũng, y tá Hoàng Văn Hòa, lái tàu Mai Văn Khung, Lâm Quang Tuyến.
Tàu đi đến đêm 29 tháng 2, khi vào hải phận Khánh Hòa thì bị 3 tàu chiến bao vây là tàu Ngọc Hồi, tàu HQ12, tàu HQ617 bao vây, muốn bắt sống tàu 235. Tàu 235 cố gắng thoát khỏi vòng vây nhưng thất bại. Thuyền trưởng Vinh cho nổ tàu với 100 kg thuốc nổ.
Khoảng 2 giờ 30 phút ngày 1 tháng 3, một cột lửa bùng lên chia tàu thành làm 2 phần, 1 phần chìm, còn 1 phần văng lên núi.
9 thủy thủ sống sót lên bờ trong đó Thuyền trưởng Vinh và thợ máy Thứ chiến đấu cầm chân để đồng đội rút lui và cuối cùng hi sinh. 7 người còn lại gồm có Nhi, Mai, Thật, Phong, Khung, Tuyến và An dìu nhau đi vào khu vực Hòn Hèo. Khi đi tìm nguồn nước, Khung không may bị bắt (đến năm 1975 mới được trả tự do) trong khi Thuyền phó Nhi hi sinh. 5 người còn lại chờ đến ngày thứ 13 thì gặp được du kích địa phương, và tới tháng 6 năm 1968, họ hành quân vượt Trường Sơn trở về Bắc.
Tàu 649
Tàu 673
Tàu 675
Tàu 143
Tàu 41 (Tàu 671)
Tàu vận tải quân sự HQ-671 vốn là tàu C-41, hay tàu 641 có trọng tải 50 tấn, do Trung Quốc sản xuất năm 1962, viện trợ cho Việt Nam năm 1964. Tàu được biên chế về Đoàn 125 (trước là Đoàn 759) với nhiệm vụ vận chuyển hàng chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Tàu có chiều dài 31,5m, rộng 5,8m, chiều cao từ đáy đến đỉnh cột cờ 11,7m.
Tàu đã từng tham gia chiến dịch vận tải VT5 (1968 - 1969) với hàng chục chuyến, góp phần chuyển hàng nghìn tấn vũ khí hàng hóa từ cảng Hải Phòng vào cảng Gianh (Quảng Bình) để Đoàn 559 tiếp tục vận chuyển theo đường Trường Sơn chi viện chiến trường miền Nam.
Từ tháng 2/1970 đến tháng 7/1971, tàu chờ 4 chuyến hàng vào chiến trường Nam Bộ. nhưng 3 chuyến phải hủy, quay lại giữa chừng do đối phương ngăn chặn, đeo bám. Chỉ có chuyến ngày 30/4/1970 là thành công, tàu được ngụy trang với số hiệu RS-05 đi theo tuyến mới, đưa được 58 tấn vũ khí, hàng hóa vào cập Hang Hố (Cà Mau) an toàn.
Tháng 7/1971, Tàu C-41 đổi số hiệu thành 671. Từ cuối năm 1971-1974, tàu làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, hàng hóa và bộ đội vào cảng Đồng Hới (Quảng Bình) và cảng Cửa Việt (Quảng Trị) để chuyển tiếp vào chiến trường miền Nam phục vụ cho Chiến dịch Xuân - Hè 1972.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tàu làm nhiệm vụ vận tải chi viện cho các đơn vị đóng quân ở quần đảo Trường Sa. Tháng 10/1978, Tàu nhận lệnh đi tìm kiếm 7 cán bộ chiến sĩ của đảo Phan Vinh bị sóng nước làm trôi dạt trong khi đang làm nhiệm vụ. Sau 8 ngày đêm kiên trì “cày đi xới lại” trên một vùng biển rộng lớn, vượt qua sóng to, gió lớn, tàu đã tìm được cả 7 đồng chí và đưa về đơn vị an toàn.
Năm 1980, Tàu 641 được mang số hiệu HQ-671 và năm 1982, được biên chế về Hải đội 413 Vùng 4 Hải quân, làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu và vận chuyển hậu cần phục vụ các đơn vị trong Quân chủng Hải quân.
Đầu năm 1988, Tàu làm nhiệm vụ trực bảo vệ đảo Đá Lớn. Cán bộ chiến sĩ Tàu HQ-671 không quản ngại hy sinh, bình tĩnh, dũng cảm, vững vàng vượt qua những khó khăn, gian khổ, sóng gió và sự bao vây khiêu khích của các tàu chiến Trung Quốc, cho tàu lao thẳng vào sát mép đảo, sẵn sàng làm bia chủ quyền, góp phần cùng đơn vị giữ vững đảo Đá Lớn. Sau đó, Tàu tiếp tục thực hiện nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho xây dựng và bảo vệ quần đảo Trường Sa.
Ngay sau sự kiện Trung Quốc bắn cháy và làm chìm 3 tàu vận tải của ta ở khu vực các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao (ngày 14/3/1988), mặc dù bị tàu của đối phương ngăn chặn, uy hiếp, song cán bộ chiến sĩ Tàu HQ-671 vẫn kiên quyết, kiên trì và dũng cảm, không sợ hy sinh, kịp thời có mặt ở khu vực xảy ra chiến sự để làm nhiệm vụ tìm kiếm, cấp cứu các cán bộ, chiến sĩ của ta bị nạn đưa về nơi an toàn. Sau hai ngày tìm kiếm, Tàu đã cứu được 41 đồng chí và 3 liệt sĩ đưa về đất liền.
Năm 2002, Tàu HQ-671 được biên chế về Hải đội 384 Cục Hậu cần Hải quân. Ngày 20/9/2011, nhân kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển, Tàu HQ-671 được đưa từ Hải đội 384 về trưng bày tại Bảo tàng Hải quân. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận Tàu HQ-671 là bảo vật quốc gia.[4]