Lưu Diên Đông thân thiết với cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vì cả hai cùng tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa và có thời gian cùng hoạt động trong Đoàn Thanh niên Cộng sản.[1]
Tiểu sử
Thân thế
Lưu Diên Đông là người Hán sinh ngày 22 tháng 11 năm 1945 ở Hoài An, tỉnh Giang Tô, nay thuộc Sở Châu, Giang Tô, nguyên quán ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô. Cha của bà là ông Lưu Nhuệ Long, từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và đóng vai trò then chốt trong những năm đầu của kỷ nguyên Cộng sản tại Trung Quốc.[1]
Tháng 7 năm 1964, Lưu Diên Đông gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tháng 3 năm 1970, sau khi tốt nghiệp đại học, Lưu Diên Đông bắt đầu tham gia công tác làm công nhân, kỹ thuật viên cho nhà máy hóa chất công nghiệp Khai Bình ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc. Năm 1972, bà chuyển đến làm công nhân cho nhà máy thực nghiệm hóa chất công nghiệp Bắc Kinh và được cử là Bí thư Chi bộ Đảng phân xưởng hợp thành, Ủy viên Đảng ủy nhà máy, Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Chính trị nhà máy.
Năm 1980, Lưu Diên Đông chuyển công tác làm cán bộ Ban Tổ chức Thành ủy Bắc Kinh. Năm 1981, bà được bổ nhiệm làm Phó Bí thư Khu ủy Triều Dương, Bắc Kinh. Tháng 12 năm 1982, bà chuyển sang công tác tại Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc giữ cương vị Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc. Tháng 4 năm 1983, bà được bổ nhiệm làm Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc kiêm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên toàn quốc Trung Quốc. Tháng 4 năm 1985, bà được cử làm Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên toàn quốc Trung Quốc. Tháng 5 năm 1988, bà được bổ nhiệm giữ chức Bí thư Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên toàn quốc Trung Quốc.
Lưu Diên Đông đã kết hôn và có một con gái.[1] Ngày 13 tháng 4 năm 2009, Đại học Stony Brook đã trao cho bà Lưu Diên Đông học vị tiến sĩ luật học danh dự.
Trong cuộc sống bà Lưu Diên Đông luôn xây dựng cho mình hình ảnh của một lãnh đạo thận trọng, khiêm tốn và gần gũi với người dân.[4]