Kiso (tàu tuần dương Nhật)

Tàu tuần dương Kiso vào năm 1942, sơn màu ngụy trang Bắc Cực để hoạt động trong chiến dịch Aleut
Lịch sử
Nhật Bản
Đặt tên theo sông Kiso, Honshū
Đặt hàng 1917
Xưởng đóng tàu Xưởng hải quân Sasebo
Đặt lườn 10 tháng 8 năm 1918
Hạ thủy 10 tháng 2 năm 1920
Hoạt động 29 tháng 1 năm 1921 [1]
Xóa đăng bạ 20 tháng 12 năm 1944
Số phận Bị đánh chìm ngày 13 tháng 11 năm 1944 ngoài khơi Cavite, Philippines ở tọa độ 14°35′B 120°50′Đ / 14,583°B 120,833°Đ / 14.583; 120.833
Đặc điểm khái quát
Lớp tàu Lớp tàu tuần dương Kuma
Trọng tải choán nước 5.100 tấn (tiêu chuẩn)
Chiều dài
  • 158,6 m (520 ft 4 in) (mực nước)
  • 162,1 m (531 ft 10 in) (chung)
Sườn ngang 14,2 m (46 ft 7 in)
Mớn nước 4,8 m (15 ft 9 in) tiêu chuẩn
Động cơ đẩy
  • 4 × turbine hộp số Gihon
  • 12 × nồi hơi (10 × đốt dầu, 2 × đốt than)
  • 4 × trục
  • công suất 90.000 mã lực (67 MW)
Tốc độ 66,7 km/h (36 knot)
Tầm xa
  • 9.250 km ở tốc độ 26 km/h
  • (5.000 hải lý ở tốc độ 14 knot)
Thủy thủ đoàn 450
Vũ khí
  • 7 × pháo 140 mm (5,5 inch)/50-caliber
  • 2 × pháo phòng không 80 mm (3,2 inch)/40-caliber
  • 8 × ống phóng ngư lôi 533 mm (21 inch)
  • 48 × mìn sâu
Bọc giáp
  • đai giáp: 60 mm (2,5 inch)
  • sàn tàu: 30 mm (1,2 inch)
Máy bay mang theo 1 × thủy phi cơ Kawanishi E7K1 "Alf"
Hệ thống phóng máy bay 1 × máy phóng

Kiso (tiếng Nhật: 木曽) là một tàu tuần dương hạng nhẹ của Hải quân Đế quốc Nhật Bản, là chiếc thứ năm và là chiếc cuối cùng trong lớp Kuma class, và đã từng hoạt động trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tên của nó được đặt theo sông Kiso tại miền Trung Honshū, Nhật Bản.

Thiết kế và chế tạo

Kiso là chiếc thứ năm cũng là chiếc cuối cùng trong lớp tàu tuần dương hạng nhẹ Kuma. Giống như những con tàu chị em với nó, Kiso được dự định hoạt động như một tàu tuần tiễu tầm xa tốc độ cao hoặc như một tàu chỉ huy các hải đội tàu khu trục hoặc tàu ngầm.

Kiso được hoàn tất vào ngày 4 tháng 5 năm 1921 tại xưởng tàu của hãng Mitsubishi Heavy IndustriesNagasaki. Ngay sau khi hoàn tất, Kiso được trang bị các bề mặt phẳng phía trước mũi và phía sau, cùng một bệ xoay phóng thủy phi cơ phía sau đuôi tàu dùng cho các mục đích thử nghiệm.

Lịch sử hoạt động

Các hoạt động ban đầu

Thoạt tiên Kiso được giao nhiệm vụ hỗ trợ cho cuộc đổ bộ binh lính Nhật tại Siberia trong vụ Can thiệp Siberi chống lại Hồng quân Bolshevik. Sau đó, nó đặt căn cứ tại cảng Arthur, và tuần tra dọc theo bờ biển Trung Quốc giữa Nhượng địa Quan ĐôngThanh Đảo, Trung Quốc.

Ngày 17 tháng 4 năm 1939, Kiso đã bắn 21 phát súng chào theo nghi lễ khi chiếc tàu tuần dương Mỹ USS Astoria cập cảng Yokohama mang theo di hài của Hiroshi Saito, Đại sứ Nhật Bản tại Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, vốn đã từ trần đang khi đảm nhiệm chức vụ tại Washington D.C..

Các hoạt động tại vùng biển phía Bắc

Ngày 10 tháng 11 năm 1941, Kiso được phân về Hải đội Tuần dương 21 thuộc Hạm đội 5 dưới quyền chỉ huy của Phó Đô đốc Boshiro Hosogaya, và được sơn màu ngụy trang Bắc Cực để hoạt động tại các vùng biển phía Bắc. Vào lúc xảy ra cuộc tấn công Trân Châu Cảng, Kiso đang tuần tra tại quần đảo Kuril, và sau khi bị những hư hại nghiêm trọng trên thân tàu do thời tiết khắc nghiệt, nó bị buộc phải quay về Yokosuka vào cuối năm đó. Từ tháng 1 đến cuối tháng 4 năm 1942, Kiso tiếp nối các cuộc tuần tra được phân công tại vùng biển phía Bắc cùng với con tàu chị em Tama.

Trong tháng 4, sau cuộc Không kích Doolittle, Kiso là một trong số những tàu chiến Nhật được gửi đi săn đuổi không thành công Lực lượng Đặc nhiệm 16 Hải quân Hoa Kỳ bao gồm các tàu sân bay USS HornetUSS Enterprise. Các khẩu pháo chính của Kiso sau đó đã đánh chìm các tàu tuần tra Số 26 Nanshin MaruSố 1 Iwate Maru sau khi những chiếc trên bị đánh hỏng bởi máy bay xuất phát từ Enterprise trong cuộc không kích này.

Vào tháng 5 năm 1942, Kiso tháp tùng chiếc tàu chở thủy phi cơ được cải biến Kimikawa Maru trong một chuyến đi trinh sát đến KiskaAdak thuộc quần đảo Aleut. Nhiệm vụ Adak được hoàn thành, nhưng Kiska bị ngăn trở bởi thời tiết. Vào cuối tháng 5 năm 1942, Kiso nằm trong thành phần tham gia Trận chiến quần đảo Aleut, trong "Chiến dịch AL" nhằm chiếm đóng Attu và Kiska. Lực lượng tấn công đã đổ bộ binh lính lên Kiska vào ngày 7 tháng 6 năm 1942 dưới sự yểm trợ của Kiso. Sang ngày 10 tháng 6 năm 1942, đang khi ở ngoài khơi Kiska, Kiso cùng nhiều tàu khác và một số ít tàu khu trục đã bị một đội hình sáu chiếc máy bay ném bom hạng nặng B-24 Liberator tấn công, nhưng Kiso không bị thiệt hại. Tương tự, vào ngày 14 tháng 6 năm 1942, Kiso lại bị một chiếc thủy phi cơ PBY Catalina tấn công với những phát suýt trúng. Kiso an toàn quay trở về vịnh Mutsu vào ngày 24 tháng 6 năm 1942.

Ngày 28 tháng 6 năm 1942, KisoTama tham gia đoàn tàu vận tải tăng cường lực lượng thứ hai đến Kiska, rồi sau đó tuần tra tại khu vực Tây Nam Kiska đề phòng một cuộc phản công của lực lượng Mỹ, và quay trở về Yokosuka vào ngày 16 tháng 7 năm 1942. Từ ngày 16 tháng 7 đến ngày 2 tháng 8 năm 1942, sau khi được tái trang bị tại Yokosuka, Kiso quay trở lại phía Bắc tiếp tục tuần tra chung quanh Kiska, và hỗ trợ cho cuộc chuyển quân từ Attu đến Kiska vào ngày 20 tháng 8 năm 1942, quay trở về Ominato vào ngày 18 tháng 9 năm 1942. Kiso tiếp tục một loạt các nhiệm vụ tuần tra và tiếp tế đến các quần đảo Kurile và Aleut từ tháng 10 năm 1942 đến cuối tháng 3 năm 1943.

Ngày 28 tháng 3 năm 1943, Phó Đô đốc Shiro Kawase tiếp nhận quyền chỉ huy Hạm đội 5. Kiso được gửi vào ụ tàu vào ngày 4 tháng 4 năm 1943 cho một đợt tái trang bị lớn, trong đó các đèn pha tìm kiếm 900 mm được thay thế bằng ba chiếc Kiểu 96 1100 mm; Hai khẩu pháo phòng không Kiểu 96 25 mm nòng đôi được bổ sung bên mạn ngay trên các ống phóng ngư lôi phía sau. Nó còn được trang bị radar dò tìm trên không Kiểu 21.

Vào ngày 11 tháng 5 năm 1943, Kiso được gửi cùng với các tàu khu trục HatsushimoWakaba để hộ tống chiếc Kimikawa Maru vận chuyển tám chiếc thủy phi cơ trinh sát Mitsubishi F1M2 ("Pete") Kiểu 0 và hai chiếc thủy phi cơ tiêm kích Nakajima A6M2-N ("Rufe") thuộc Liên đội 452 Kaigun Kokutai đến Attu. Tuy nhiên, lực lượng Mỹ đã tấn công và tái chiếm được Attu cùng ngày hôm đó, nên nhiệm vụ bị hủy bỏ. Thay vào đó Kiso được gửi vào ngày 21 tháng 5 năm 1943 để giúp đỡ cho việc triệt thoái lực lượng Nhật Bản khỏi đảo Kiska. Sau nhiều nỗ lực bất thành do thời tiết xấu, Kiso đã xoay xở rút lui thành công 1.189 binh lính khỏi Kiska vào ngày 29 tháng 7 năm 1943. Nó tiếp tục tuần tra tại vùng biển này cho đến cuối tháng 8.

Các hoạt động tại vùng biển phía Nam

Ngày 15 tháng 9 năm 1943, Kiso được điều về phía Nam, nhận nhiệm vụ chuyên chở binh lính từ Ponape thuộc quần đảo Caroline đến Truk, đến nơi vào ngày 23 tháng 9 năm 1943 rồi quay về đến Kure vào ngày 4 tháng 10 năm 1943.

Cũng vậy, vào ngày 12 tháng 10 năm 1943, KisoTama nhận lên tàu binh lính tại Thượng Hải. Kiso thaót được một cuộc tấn công của tàu ngầm Grayback tại biển Đông Trung Quốc, và đi đến Truk an toàn vào ngày 18 tháng 10 năm 1943. Tại Truk, Kiso được giao nhiệm vụ tiếp tục vận chuyển binh lính xa hơn đến tận Rabaul thuộc New Britain. Ngày 21 tháng 10 năm 1943, khi ở cách mũi St. George 53 dặm, những chiếc tàu tuần dương bị các máy bay ném bom Bristol Beaufort thuộc Không quân Hoàng gia Australia xuất phát từ Guadalcanal tấn công. Kiso trúng phải một quả bom 250-lb, và hư hại đủ nghiêm trọng đến mức nó bị buộc phải quay về Maizuru, Kyoto để sửa chữa. Khi về đến Maizuru vào ngày 10 tháng 11 năm 1943, Kiso còn được cải biến khi hai khẩu pháo 140 mm được tháo dỡ thay thế bằng một khẩu đội 127 mm nòng đôi, cũng như bổ sung thêm ba khẩu đội phòng không Kiểu 96 25 mm ba nòng và sáu khẩu nòng đơn, nâng tổng số nòng pháo lên 19 (3x3, 2x2, 6x1).

Sau khi công việc cải tiến hoàn tất vào ngày 3 tháng 3 năm 1944, Kiso một lần nữa được gửi lên phía Bắc tiếp nối các nhiệm vụ tuần tra trong ba tháng tiếp theo sau. Ngày 30 tháng 6 năm 1944, KisoTama được gửi từ Yokosuka cùng lực lượng lục quân tăng cường đến quần đảo Ogasawara, rồi quay trở về vào ngày 3 tháng 7 năm 1944. Sau đó Kiso được giữ lại khu vực vùng biển Nội Địa từ ngày 10 tháng 8 năm 1944 cho các nhiệm vụ phòng thủ và huấn luyện.

Cùng với việc lực lượng Đồng Minh đổ bộ lên Leyte bắt đầu từ ngày 20 tháng 10 năm 1944, Kiso được lệnh hướng về phía Nam, nhưng nó vẫn còn đang ở lại Kure chất lên tàu đạn dược tiếp tế cho lực lượng của Phó Đô đốc Kurita vào lúc xảy ra trận chiến ngoài khơi Samar vào ngày 25 tháng 10 năm 1944. Sau khi rời Sasebo, Nagasaki cùng với tàu sân bay Junyo và các tàu khu trục Uzuki, YuzukiAkikaze của Hải đội Khu trục 30, Kiso bị tàu ngầm Mỹ Pintado phát hiện cách 160 dặm về phía Tây mũi Bolinao, Luzon, Philippines. Chiếc USS Pintado được tháp tùng bởi các tàu ngầm JallaoAtule, và đang phối hợp hoạt cùng các tàu ngầm Haddock, HalibutTuna. Pintado đã bắn toàn bộ sáu ngư lôi phía mũi về phía hạm đội Nhật, nhưng một trong những chiếc tàu khu trục đã hy sinh tiến ra cản đường những quả ngư lôi, bảo vế cho tàu sân bay và tàu khu trục.

Đạn pháo dành cho lực lượng của Đô đốc Kurita được chất dỡ vào ngày 8 tháng 11 năm 1944. Sau đó Kiso cùng với Junyo, các tàu tuần dương Tone, HaguroAshigara, các tàu khu trục UzukiYuzuki của Hải đội Khu trục 30 được dự định đi theo các thiết giáp hạm Yamato, KongoNagato, tàu tuần dương hạng nhẹ Yahagi cùng các tàu khu trục Hamakaze, IsokazeYukikaze của Hải đội Khu trục 17 quay trở về Nhật Bản. Tuy nhiên sau đó lại quyết định cho Kiso, Junyo, Tone và Hải đội Khu trục 30 được tách ra và hướng đến Manila. Kiso trở thành soái hạm của Hạm đội 5 thay thế cho chiếc Abukuma.

Ngày 13 tháng 11 năm 1944, do mối đe dọa về cuộc không kích của các tàu sân bay Mỹ xuống Luzon, Kiso được lệnh quay trở về Brunei chiều tối hôm đó chở theo Phó Đô đốc Kiyohide Shima. Tuy nhiên, trước khi nó khởi hành đi Brunei, chiếc tàu tuần dương bị hơn 350 máy bay của Lực lượng Đặc nhiệm 38 tấn công, bao gồm các tàu sân bay Hornet, MontereyCowpens của Đội Đặc nhiệm 38.1, Essex, TiconderogaLangley của Đội Đặc nhiệm 38.3 cùng EnterpriseSan Jacinto của Đội Đặc nhiệm 38.4. Ba quả bom đã đánh trúng Kiso bên mạn phải, một quả trước mũi, một quả gần phòng nồi hơi và một quả gần tháp pháo phía sau. Kiso bị chìm tại vùng biển nước nông cách Cavite tám dặm về phía Tây ở tọa độ 14°35′B 120°50′Đ / 14,583°B 120,833°Đ / 14.583; 120.833. Thuyền trưởng Imamura và 103 thủy thủ sống sót, nhưng 715 người còn lại chết cùng tàu.

Kiso được rút khỏi danh sách Đăng bạ Hải quân vào ngày 20 tháng 3 năm 1945.

Sau chiến tranh, xác tàu đắm của nó được hãng Nippon Salvage Company trục vớt vào ngày 15 tháng 12 năm 1955, và được kéo về cảng Manila để tháo dỡ.

Danh sách thuyền trưởng

Tham khảo

Chú thích

  1. ^ Lacroix, Japanese Cruisers, p. 794.

Thư mục

  • Brown, David (1990). Warship Losses of World War Two. Naval Institute Press. ISBN 1-55750-914-X.
  • D'Albas, Andrieu (1965). Death of a Navy: Japanese Naval Action in World War II. Devin-Adair Pub. ISBN 0-8159-5302-X.
  • Dull, Paul S. (1978). A Battle History of the Imperial Japanese Navy, 1941-1945. Naval Institute Press. ISBN 0-87021-097-1.
  • Evans, David (1979). Kaigun: Strategy, Tactics, and Technology in the Imperial Japanese Navy, 1887-1941. Naval Institute Press. ISBN 0-87021-192-7.
  • Howarth, Stephen (1983). The Fighting Ships of the Rising Sun: The drama of the Imperial Japanese Navy, 1895-1945. Atheneum. ISBN 0-68911-402-8.
  • Jentsura, Hansgeorg (1976). Warships of the Imperial Japanese Navy, 1869-1945. Naval Institute Press. ISBN 0-87021-893-X.
  • Lacroix, Eric (1984). Japanese Cruisers of the Pacific War. Linton Wells. Naval Institute Press. ISBN 0-87021-093-9.
  • Lorelli, John A (1997). Battle of the Komandorski Islands, tháng 3 năm 1943'. Naval Institute Press. ISBN 0-87021-311-3.
  • Whitley, M.J. (1995). Cruisers of World War Two: An International Encyclopedia. Naval Institute Press. ISBN 1-55750-141-6.

Liên kết ngoài

Xem thêm