Không kích Doolittle

Không kích Doolittle
Một phần của Mặt trận Thái Bình Dương thuộc Chiến tranh thế giới thứ hai

Một chiếc B-25 đang cất cánh từ tàu sân bay Hornet thực hiện cuộc không kích
Thời gian18 tháng 4 năm 1942
Địa điểm
Kết quả Cuộc tấn công đầu tiên vào Chính quốc Nhật Bản
Chiến thắng về tuyên truyền cho Hoa Kỳ
Không có ý nghĩa đáng kể về chiến thuật hay chiến lược
Tham chiến
 Hoa Kỳ
 Trung Quốc
 Nhật Bản
Chỉ huy và lãnh đạo
James H. Doolittle Higashikuni Naruhiko
Lực lượng
16 B-25 Mitchell, 80 thành viên đội bay (52 sĩ quan, 28 hạ sĩ quan và binh sĩ) Không rõ lực lượng đồn trú và phòng thủ chính quốc
Thương vong và tổn thất
3 tử trận
8 tù binh chiến tranh (4 chết khi bị giam giữ: 3 bị xử tử, 1 do bệnh tật)
15 chiếc B-25
Khoảng 50 người chết, 400 bị thương
Không kích Doolittle trên bản đồ Pacific Ocean
Không kích Doolittle
Vị trí trong Nhật Bản
Trung tá Không quân Jimmy Doolittle (thứ hai từ bên trái) và đội bay của ông chụp ảnh trước một chiếc B-25 trên sàn đáp tàu sân bay USS Hornet

Cuộc Không kích Doolittle vào ngày 18 tháng 4 năm 1942 là cuộc không kích đầu tiên được Hoa Kỳ thực hiện nhắm vào đảo chính quốc Nhật Bản (Honshu) trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Nó đã chứng minh rằng Nhật Bản mong manh trước các cuộc không kích của Mỹ, và là một mưu chước để người Mỹ trả thù cho việc Nhật Bản bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng vào ngày 7 tháng 12 năm 1941. Cuộc không kích được vạch kế hoạch và được dẫn đầu bởi Trung tá Không quân James "Jimmy" Doolittle. Doolittle sau này đã kể lại trong quyển tự truyện của ông rằng cuộc không kích được dự định khiến cho người Nhật nghi ngờ những nhà lãnh đạo của họ và cũng để xốc dậy tinh thần của người Mỹ:

Người dân Nhật đã được bảo rằng đất nước họ là bất khả xâm phạm... Một cuộc tấn công ngay chính hòn đảo nhà sẽ gây hoang mang trong tư tưởng của người dân Nhật và gieo rắc ngờ vực về sự tin cậy nơi những nhà lãnh đạo của họ.
Một lý do thứ hai, có tầm quan trọng tương đương, là khía cạnh tâm lý của cuộc tấn công này... người Mỹ đang rất cần một cú khích lệ tinh thần sau vụ Trân Châu Cảng.[1]

Mười sáu máy bay ném bom tầm trung B-25B Mitchell của Không lực Lục quân Hoa Kỳ đã được phóng lên từ tàu sân bay Hornet của Hải quân Hoa Kỳ vốn đã tiến sâu vào vùng biển Tây Thái Bình Dương. Kế hoạch dự định cho chúng ném bom các mục tiêu quân sự tại Nhật Bản rồi tiếp tục bay về hướng Tây để hạ cánh xuống Trung Quốc, vì không thể hạ cánh một máy bay ném bom tầm trung trên chiếc Hornet. Tất cả mọi máy bay tham gia vụ ném bom này đều bị mất, và 11 thành viên của các đội bay đã tử trận hay bị bắt, và nhiều người trong số họ đã bị các đơn vị Lục quân Đế quốc Nhật Bản tại Trung Quốc giết hại. Một trong số những chiếc B-25 đã hạ cánh trên phần đất Viễn Đông của Liên Bang Xô Viết tại Vladivostok, nơi nó bị tịch thu và đội bay bị giam giữ trong hơn một năm. Toàn bộ thành viên của mười ba đội bay, và tất cả ngoại trừ một người của đội thứ mười bốn, đã có thể quay trở về Hoa Kỳ hay gia nhập các lực lượng Hoa Kỳ đang hoạt động ở nước ngoài.[2][3] Cuộc không kích chỉ gây ra những thiệt hại vật chất không đáng kể cho phía Nhật Bản, nhưng nó thành công trong khía cạnh tâm lý đối với người dân Mỹ, và gieo rắc sự hoài nghi về khả năng của những nhà lãnh đạo quân sự Nhật Bản. Nó đã khiến cho Nhật Bản phải rút lực lượng tàu sân bay hùng mạnh khỏi Ấn Độ Dương để bảo vệ chính quốc; và nó cũng góp phần thúc đẩy Đô đốc Yamamoto Isoroku đi đến quyết định tấn công Midway, một trận đánh đã chuyển thành một thất bại có tính quyết định của Hải quân Đế quốc Nhật Bản gần đảo Midway tại Trung Thái Bình Dương.

Đã có đến khoảng 250.000 thường dân Trung Quốc bị thảm sát bởi Quân đội Nhật Bản tại phía Đông Trung Quốc trong các hành động trả thù.

Nguồn gốc

Cuộc không kích được khởi đầu từ một mong muốn của Tổng thống Franklin D. Roosevelt, bày tỏ cùng Hội đồng Tham mưu Liên quân trong một buổi họp tại Nhà Trắng vào ngày 21 tháng 12 năm 1941, rằng Nhật Bản cần phải bị ném bom càng sớm càng tốt để nâng cao tinh thần của công chúng sau thảm họa tại Trân Châu Cảng.[4]

Ý tưởng thực hiện cuộc không kích đến từ Đại tá Hải quân Francis Low, Trợ lý Tham mưu trưởng về Chiến tranh Chống tàu ngầm. Ông đã báo cáo lên Đô đốc Ernest J. King vào ngày 10 tháng 1 năm 1942, những suy nghĩ của mình là những chiếc máy bay ném bom hai động cơ của Lục quân có thể phóng thành công từ một tàu sân bay sau nhiều quan sát tại một sân bay hải quân ở Norfolk, Virginia, nơi đường băng được kẻ những vạch sơn giới hạn mô phỏng sàn đáp của một tàu sân bay dùng trong thực tập hạ cánh.[5] Sau đó nó được vạch kế hoạch và lãnh đạo bởi Doolittle, một nhà hàng không dân sự và là kỹ sư hàng không nổi tiếng trước chiến tranh.

Những yêu cầu về một chiếc máy bay có tầm bay xa 3.900 km (2.400 dặm) cùng một tải trọng bom 900 kg (2.000 pound) đã đưa đến việc chọn lựa kiểu máy bay North American B-25B Mitchell để thực hiện nhiệm vụ này. Các kiểu máy bay ném bom tầm trung B-26 Marauder, B-18 BoloB-23 Dragon cũng đã được xem xét đến,[6] nhưng chiếc B-26 mắc phải những đặc tính cất cánh đáng nghi ngờ, còn sải cánh của B-23 lớn gần gấp rưỡi so với B-25, làm giảm bớt số lượng máy bay có thể mang theo trên một tàu sân bay cũng như bộc lộ những nguy cơ cho đảo cấu trúc thượng tầng chỉ huy của con tàu. Kiểu B-18, một trong hai kiểu cuối cùng được Doolittle xem xét, cũng bị loại bỏ cùng lý do đó.[7]

Cho đến lúc đó, chiếc B-25 chưa từng được thử nghiệm trong chiến đấu,[8] nhưng các thử nghiệm sau đó cùng với B-25 cho thấy chúng có thể đáp ứng những yêu cầu của nhiệm vụ. Báo cáo đầu tiên về kế hoạch của Doolittle đề nghị rằng những chiếc máy bay ném bom có thể hạ cánh xuống Vladivostok, và rút ngắn được quãng đường bay đến 960 km (600 dặm), trên cơ sở sẽ chuyển những chiếc B-25 cho Liên Xô theo Chương trình Cho thuê-Cho mượn.[9] Tuy nhiên, các cuộc thương lượng với Liên Xô, lúc đó còn chưa ở trong tình trạng chiến tranh với Nhật Bản, không mang lại kết quả.[10]

Huấn luyện

Trung tá Doolittle gắn một huy chương hữu nghị Nhật lên một quả bom để "hoàn trả" lại cho chủ nhân gốc.

Khi kế hoạch đã xác định B-25 là kiểu máy bay tốt nhất đáp ứng các đòi hỏi đặt ra cho nhiệm vụ này, hai chiếc đã được chất lên sàn đáp của chiếc tàu sân bay Hornet tại Norfolk, Virginia, và sau đó đã cất cánh từ sàn đáp không chút khó khăn vào ngày 3 tháng 2 năm 1942.[11] Cuộc không kích ngay lập tức được phê duyệt và Liên đội Ném bom (tầm trung) 17 được chọn để cung cấp các đội bay từ những người tình nguyện. Liên đội 17 đã là liên đội ném bom đầu tiên được trang bị B-25, khi cả bốn phi đội của nó được nhận kiểu máy bay ném bom tầm trung mới vào tháng 9 năm 1941. Không chỉ là liên đội ném bom tầm trung đầu tiên của Không lực Lục quân Hoa Kỳ, Liên đội 17 vào mùa Xuân năm 1942 còn có những đội bay B-25 có kinh nghiệm nhất. Sự phân công đầu tiên dành cho Liên đội tiếp theo sau việc Hoa Kỳ tham chiến là được điều về Không lực 8.[12]

Vào lúc đó, Liên đội 17 đang thực hiện các chuyến bay tuần tra chống tàu ngầm từ căn cứ ở Pendleton, Oregon; họ lập tức được di chuyển băng ngang lục địa đến Căn cứ Không lực Lục quân Lexington County tại Columbia, Nam Carolina, danh nghĩa bên ngoài là tiến hành các chuyến tuần tra tương tự tại bờ Đông Hoa Kỳ, nhưng trong thực tế là nhằm chuẩn bị để chống lại Nhật Bản. Liên đội được chính thức chuyển đến Colombia vào ngày 9 tháng 2, nơi các đội bay chiến đấu được đề nghị một cơ hội tình nguyện tham gia một nhiệm vụ "cực kỳ nguy hiểm" chưa được xác định. Ngày 17 tháng 2 nhóm được cho tách khỏi Không lực 8.

Kế hoạch ban đầu đề xuất có 20 máy bay tham gia làm nhiệm vụ,[13] nên 24 máy bay ném bom trong số những chiếc B-25B Mitchell của Liên đội được chuyển đến Trung tâm cải tiến của Mid-Continent Airlines tại Minneapolis, Minnesota. Công việc cải biến bao gồm:

  • Tháo bỏ tháp súng bên dưới bụng
  • Trang bị những bộ làm tan băng và chất giải nhiệt chống đông
  • Bổ sung những tấm thép hướng gió trên thân chung quanh tháp súng bên trên
  • Tháo bỏ hệ thống liên lạc radio (một biện pháp tiết giảm nhiên liệu)
  • Trang bị thêm ba thùng nhiên liệu phụ và các trụ đỡ bên trong khoang chứa bom, lối đi và khu vực tháp súng dưới bụng nhằm tăng trữ lượng nhiên liệu từ 2.445 lên 4.319 lít (646 – 1.141 gallon)
  • Các nòng súng giả được gắn trên chóp đuôi
  • Thay thế các bộ ngắm ném bom Norden bằng kính ngắm đơn giản, theo đề nghị của Đại úy phi công C. Ross Greening biệt danh "Mark Twain".[12]
  • Hai máy bay ném bom còn được trang bị máy ảnh để ghi lại kết quả của cuộc ném bom.[10]

24 đội bay được chọn đã nhận những chiếc máy bay được cải biến tại Minneapolis rồi bay đến Căn cứ Không quân Eglin tại Florida vào ngày 1 tháng 3 năm 1942. Tại đây các đội bay được cho luyện tập khẩn trương trong ba tuần, cất cánh từ sàn đáp mô phỏng của một tàu sân bay, luyện tập bay tầm thấp và bay đêm, ném bom tầm thấp và định vị bay sát mặt nước. Đại úy Hải quân Henry Miller đã giám sát công việc huấn luyện cất cánh và đã tháp tùng các đội bay đến địa điểm xuất phát. Do các nỗ lực của mình, Đại úy Miller được xem là một thành viên danh dự của đội Raider.[14] Trung tá Doolittle đã viết trong bản báo cáo sau chiến dịch là việc huấn luyện đã đạt được trình độ hoạt động cho dù có nhiều ngày không thể cất cánh được do mưa và sương mù. Một máy bay bị hư hại nặng do tai nạn khi cất cánh và một chiếc khác bị loại khỏi nhiệm vụ khi bánh đáp mũi bị rung lắc mà không kịp sửa chữa.[10]

Vào ngày 25 tháng 3, 22 chiếc B-25 còn lại cất cánh từ Eglin để đi đến sân bay McClellan, California. Chúng đi đến Tổng kho Không quân Sacramento hai ngày sau đó thực hiện những cải biến sau cùng. Sau đó có tổng cộng 16 chiếc B-25 được cho bay đến Căn cứ Không lực Hải quân Alameda, California, vào ngày 31 tháng 3. Mười lăm chiếc sẽ nằm trong lực lượng tiến hành chiến dịch, còn chiếc thứ 16, do sự thỏa thuận vào phút cuối với Hải quân, sẽ được cho nhét lên sàn đáp rồi cho cất cánh không lâu sau khi khởi hành từ San Francisco nhằm phản hồi thông tin cho các phi công Lục quân về những đặc tính cất cánh. Tuy nhiên, vào lúc cuối cùng chiếc máy bay ném bom thứ 16 cũng được cho tham gia vào vụ không kích.

Những chiếc máy bay tham gia

16 máy bay đã tham gia, theo thứ tự cất cánh, bao gồm:[15]

Số hiệu Tên lóng Phi đội Mục tiêu Phi công Số phận
40-2344 34 Tokyo Trung tá James H. Doolittle bị rơi phía Bắc Chu Châu, Trung Quốc
40-2292 37 Tokyo Trung úy Travis Hoover bị rơi ở Ninh Ba, Trung Quốc
40-2270 Whiskey Pete 95 Tokyo Trung úy Robert M. Gray bị rơi Đông Nam Chu Châu, Trung Quốc
40-2282 95 Tokyo Trung úy Everett W. Holstrom bị rơi Đông Nam Thượng Nhiêu, Trung Quốc
40-2283 95 Tokyo Đại úy David M. Jones bị rơi Tây Nam Chu Châu, Trung Quốc
40-2298 The Green Hornet 95 Tokyo Trung úy Dean E. Hallmark rơi ngoài biển Ôn Châu, Trung Quốc
40-2261 The Ruptured Duck 95 Tokyo Trung úy Ted W. Lawson rơi ngoài biển Thường Thục, Trung Quốc
40-2242 95 Tokyo Đại úy Edward J. York bị bắt giữ tại Primorsky Krai, Liên Xô
40-2303 Whirling Dervish 34 Tokyo Trung úy Harold F. Watson bị rơi phía Nam Nam Xương, Trung Quốc
40-2250 89 Tokyo Trung úy Richard O. Joyce bị rơi Đông Bắc Chu Châu, Trung Quốc
40-2249 Hari Kari-er 89 Yokohama Đại úy C. Ross Greening bị rơi Đông Bắc Chu Châu, Trung Quốc
40-2278 Fickle Finger of Fate 37 Yokohama Trung úy William M. Bower bị rơi Đông Bắc Chu Châu, Trung Quốc
40-2247 The Avenger 37 Yokosuka Trung úy Edgar E. McElroy bị rơi Bắc Nam Xương, Trung Quốc
40-2297 89 Nagoya Thiếu tá John A. Hilger bị rơi Đông Nam Thượng Nhiêu, Trung Quốc
40-2267 TNT 89 Kobe Trung úy Donald G. Smith rơi ngoài biển Thường Thục, Trung Quốc
40-2268 Bat Out of Hell 34 Nagoya Trung úy William G. Farrow bị rơi phía Nam Ninh Ba, Trung Quốc

Nhiệm vụ

Những chiếc B-25B bên trên USS Hornet trên đường đến Nhật Bản

Ngày 1 tháng 4, 16 chiếc máy bay được cải tiến, đội bay năm người mỗi chiếc cùng các nhân viên kỹ thuật Không lực với tổng cộng 71 sĩ quan cùng 130 hạ sĩ quan và binh sĩ,[13] được cho chất lên tàu sân bay Hornet tại Alameda. Mỗi máy bay mang theo bốn quả bom 225 kg (500 lb) được chế tạo đặc biệt cho nhiệm vụ này: ba trong số đó là bom nổ công phá cao và một quả là bom cháy, vốn là những ống cháy dài được bó lại để có thể chứa trong khoang chứa bom, nhưng được thiết kế để được tách ra sau khi thả và phân tán trên một khu vực rộng. Có năm quả bom được đính kèm những huy chương "hữu nghị", là phần thưởng mà Chính phủ Nhật từng trao tặng cho quân nhân Mỹ trước chiến tranh.[16] Vũ khí trang bị cho những chiếc máy bay ném bom được giảm bớt hầu có thể giảm trọng lượng, và nhờ đó gia tăng tầm bay xa. Mỗi chiếc máy bay ném bom được phóng lên với hai súng máy 12,7 mm (0,50 caliber) bố trí trong tháp súng bên trên và một súng máy hạng nhẹ 7.62 mm (0,30 caliber) trước mũi. Một nòng súng giả được gắn ở chóp đuôi, dự định để làm nản lòng những cuộc tấn công của máy bay Nhật từ phía sau, mà sau này được ghi nhận trong báo cáo của Doolittle là đặc biệt có hiệu quả.[10] Những chiếc máy bay được cho dồn lại và cột chắc chắn vào sàn tàu của Hornet theo thứ tự được dự định sẽ phóng lên.

Với mệnh lệnh cầm trên tay, Đại tá Hải quân Marc A. Mitscher, thuyền trưởng USS Hornet, đang trao đổi với Trung tá James Doolittle.

Hornet và Lực lượng Đặc nhiệm 18 rời cảng Alameda lúc 10 giờ 00 ngày 2 tháng 4 và vài ngày sau đó đã gặp gỡ Lực lượng Đặc nhiệm 16, dưới quyền chỉ huy của Phó Đô đốc William F. Halsey, Jr., bao gồm tàu sân bay Enterprise cùng các tàu tuần dươngtàu khu trục hộ tống cho nó giữa Thái Bình Dương về phía Bắc Hawaii. Máy bay tiêm kích và máy bay trinh sát của Enterprise yểm trợ trên không cho toàn thể lực lượng đặc nhiệm trong trường hợp có một cuộc tấn công của Nhật Bản, vì toàn bộ máy bay tiêm kích của Hornet được chứa bên dưới hầm tàu nhường chỗ cho những chiếc B-25 sử dụng sàn đáp bên trên. Lực lượng phối hợp bao gồm hai tàu sân bay, ba tàu tuần dương hạng nặng, một tàu tuần dương hạng nhẹ, tám tàu khu trục và hai tàu chở dầu hạm đội. Các con tàu hộ tống Salt Lake City, Northampton, Vincennes, Nashville, Balch, Fanning, Benham, Ellet, Gwin, Meredith, Grayson, Monssen, CimarronSabine sau đó di chuyển với sự in lặng vô tuyến tuyệt đối. Trưa ngày 17 tháng 4 các tàu chở dầu chậm chạp tiếp nhiên liệu cho lực lượng đặc nhiệm, rồi cùng với các tàu khu trục rút lui về hướng Đông, trong khi các tàu sân bay và tàu tuần dương băng nhanh về hướng Tây với tốc độ 37 km/h (20 knot), đến điểm dự định xuất phát trong vùng biển do đối phương kiểm soát về phía Tây Nhật Bản.[17]

Chiếc B-25 của Doolittle đang cất cánh từ sàn đáp của USS Hornet, bắt đầu nhiệm vụ của họ đến Nhật Bản.

Lúc 7 giờ 38 phút sáng 18 tháng 4, khi lực lượng đặc nhiệm còn cách Nhật Bản khoảng 1.050 km (650 dặm), nó bị một tàu tuần tra Nhật Bản trông thấy và gửi một bức điện cảnh báo tấn công về chính quốc.[18] Chiếc Dai-23 Nittō Maru là một tàu tuần tra tải trọng 70 tấn, được chỉ huy bởi một hạ sĩ quan vốn đã tự sát thay vì để bị bắt khi con tàu bị đánh chìm. Năm trong số mười một thành viên thủy thủ đoàn còn sống sót khi họ được chiếc tàu tuần dương hạng nhẹ Nashville vớt lên.[19] Cho dù con tàu bị hỏng nặng và bị đánh chìm bởi hải pháo của Nashville,[20] do lo ngại về khả năng Nhật Bản sẽ được báo động bởi thông tin từ chiếc tàu tuần tra; Doolittle hội ý với Thuyền trưởng của Hornet, Đại tá Marc Mitscher, và quyết định tung ra những chiếc B-25 ngay lập tức, 10 giờ sớm hơn và cách xa Nhật Bản hơn 270 km (170 dặm) so với kế hoạch.[21] Sau khi sắp xếp lại để có chỗ khởi động và làm nóng động cơ, máy bay của Doolittle chỉ có khoảng đường băng để cất cánh dài 142 m (467 ft).[22] Cho dù trong thực tế chưa có phi công B-25 nào, kể cả Doolittle, từng cất cánh từ một tàu sân bay trước đó, tất cả 16 chiếc máy bay đều cất cánh an toàn từ 8 giờ 20 phút đến 9 giờ 19 phút. Chiếc B-25 thứ 16 chỉ được đưa theo như để dự trữ, được dự tính bay kèm theo như một nền tảng trinh sát và chụp ảnh, nhưng khi yếu tố bất ngờ bị thử thách, Doolittle quyết định sử dụng tất cả 16 chiếc máy bay vào nhiệm vụ tấn công.[23] Đây là lần duy nhất trong lịch sử mà máy bay ném bom của Không lực Lục quân Hoa Kỳ được phóng từ một tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ trong một phi vụ chiến đấu.

Những chiếc B-25 bắt đầu bay về phía Nhật Bản, hầu hết theo nhóm từ hai đến bốn chiếc trước khi tách ra từng chiếc một ở độ cao ngay bên trên mặt sóng biển nhằm tránh bị phát hiện.[24] Những chiếc máy bay bắt đầu đến bên trên bầu trời Nhật Bản vào lúc giữa trưa (giờ Tokyo, sáu giờ sau khi phóng lên), và đã ném bom xuống 10 mục tiêu quân sự và công nghiệp tại Tokyo, hai tại Yokohama, cùng Yokosuka, Nagoya, KobeOsaka mỗi nơi một mục tiêu. Cho dù một số chiếc B-25 phải chịu đựng hỏa lực phòng không hạng nhẹ và một ít máy bay tiêm kích bên trên bầu trời Nhật Bản, không có chiếc máy bay ném bom nào bị bắn rơi, và chỉ có chiếc B-25 của Trung úy Richard O. Joyce bị hư hại nhẹ do hỏa lực phòng không.[22] Máy bay số 4 do Trung úy Everett W. Holstrom điều khiển buộc phải phóng bỏ các quả bom trước khi đến được mục tiêu khi bị máy bay tiêm kích đối phương tấn công do tháp súng của nó gặp trục trặc không thể vận hành.[25]

Sau đó 15 trong số 16 máy bay tiếp tục bay về hướng Tây Nam dọc theo bờ biển phía Nam Nhật Bản và vượt qua biển Đông Trung Quốc hướng về phía Đông Trung Quốc, nơi nhiều sân bay tại tỉnh Chiết Giang được dự định sẵn sàng để dẫn đường cho họ nhờ vào các cột mốc dẫn đường hàng không, hạ cánh và được tiếp nhiên liệu trước khi tiếp tục bay đến Trùng Khánh, thủ đô thời chiến của Trung Quốc dưới quyền Quốc Dân Đảng.[13] Căn cứ chủ yếu đặt tại Chu Châu, hướng mà mọi chiếc máy bay được dẫn đường để đến đó; tuy nhiên Halsey đã không gửi bất kỳ tín hiệu nào báo trước theo kế hoạch, rõ ràng là vì mối đe dọa có thể xảy ra đối với lực lượng đặc nhiệm. Một chiếc B-25, thiếu hụt nhiên liệu nghiêm trọng, đã quyết định bay về phía lục địa nước Nga ở gần hơn về phía Tây Bắc.

Các đội bay đối mặt với vô số thử thách không thể lường trước trong chặng bay đến Trung Quốc: bóng đêm ập đến, nhiên liệu sắp cạn và thời tiết xấu đi rõ rệt. Không ai đã có thể tiếp tục bay đến được Trung Quốc nếu như không có một cơn gió mạnh ngẫu nhiên phía đuôi khi họ vừa rời khỏi mục tiêu, giúp gia tăng tốc độ bay thêm được 46 km/h (25 knot) trong vòng bảy giờ.[26] Do hậu quả của những vấn đề này, các đội bay ý thức rằng họ không thể nào bay đến được các căn cứ được dự tính tại Trung Quốc, chỉ cho họ cơ hội lựa chọn nhảy dù lên vùng đất phía Đông Trung Quốc hoặc đáp xuống dọc theo bờ biển Trung Quốc.[10][27] Mười lăm chiếc máy bay đã bay đến được bờ biển Trung Quốc sau 13 giờ bay và đã rơi khi hạ cánh hoặc nhảy dù; một đội bay đã đi đến khu vực Viễn Đông nước Nga, và đã hạ cánh ở địa điểm cách Vladivostok 65 km (40 dặm) về phía Bắc, nơi chiếc B-25 của họ bị tịch thu và đội bay bị bắt giữ trước khi họ tìm cách thoát được qua ngã Iran vào năm 1943.[2][3] Đây là phi vụ chiến đấu dài nhất từng được kiểu máy bay ném bom tầm trung B-25 Mitchell thực hiện, với khoảng cách trung bình 3.600 km (2.250 dặm).

Doolittle và các đội bay của mình, sau khi nhảy dù an toàn xuống Trung Quốc, đã nhận được sự giúp đỡ của binh lính và thường dân Trung Hoa, cũng như của John Birch, một nhà truyền giáo người Mỹ tại Trung Quốc. Giống như tất cả những người tham gia phi vụ, Doolittle cũng đã phải nhảy dù thoát ra nhưng may mắn rơi xuống một đống phân trong một ruộng lúa gần Cù Châu, nên đã cứu được mắt cá chân của mình từng bị chấn thương trước đây. Doolittle cho rằng phi vụ này đã thất bại thảm hại vì những chiếc máy bay đã bị mất, và ông cho rằng mình sẽ bị đưa ra toà án binh khi trở về nhà.[28] Doolittle sau đó đề nghị Birch bí mật tiếp xúc với Đội Phi Hổ (Flying Tigers) của Tướng Claire Chennault.

Diễn biến tiếp theo

Số phận các thành viên đội bay mất tích

Trung tá James H. Doolittle (giữa) cùng các thành viên trong đội bay của mình cùng các sĩ quan Trung Quốc sau cuộc tấn công. Trung úy Richard Cole, đứng ngay bên phải Doolittle, hiện còn sống và từng tham dự cuộc Họp mặt Raider 2008.

Sau cuộc Không kích Doolittle, hầu hết các đội bay B-25 đã hạ cánh xuống Trung Quốc sau đó, và được an toàn là nhờ sự giúp đỡ của binh lính và thường dân Trung Hoa. Tuy nhiên, những người Trung Hoa tốt bụng giúp đỡ họ đã phải trả một giá đắt vì đã che chở những người Mỹ. Lục quân Nhật Bản đã bắt đầu Chiến dịch Chiết Giang-Giang Tây để hăm dọa người Trung Quốc vì đã giúp đỡ các phi công Hoa Kỳ. Quân Nhật đã giết hại đến khoảng 250.000 thường dân Trung Hoa trong khi truy lùng người của Doolittle.[29][30] Đội bay của hai máy bay với tổng cộng mười người đã không nhận được tin tức nào: bao gồm đội của Hallmark (chiếc thứ sáu) và của Farrow (chiếc cuối cùng). Vào ngày 15 tháng 8 năm 1942, thông qua Tổng Lãnh sự Thụy Sĩ tại Thượng Hải, người Mỹ được tin tám thành viên của các đội bay bị mất tích là tù nhân tại trụ sở cảnh sát của Nhật Bản tại thành phố này (hai thành viên khác tử nạn khi rơi máy bay). Ngày 19 tháng 10 năm 1942, Nhật Bản thông báo họ đã xét xử tám người và kết án tử hình, nhưng nhiều người trong số họ được giảm án còn chung thân; không có tên tuổi hay chi tiết nào khác được đưa ra trong tin tức được tường thuật qua phát thanh. Bộ máy tuyên truyền Nhật Bản chế nhạo cuộc không kích, gọi nó là "Cuộc không kích chẳng-làm-được-gì", và khoe khoang là nhiều chiếc B-25 đã bị bắn rơi. Trong thực tế, không có chiếc nào bị mất do các hoạt động thù địch.

Sau chiến tranh, toàn bộ câu chuyện về hai đội bay bị mất tích đã được làm sáng tỏ trong một tòa án xét xử tội phạm chiến tranh tại Thượng Hải. Phiên tòa được mở vào tháng 2 năm 1946 để xét xử bốn sĩ quan Nhật Bản vì đã ngược đãi tám thành viên đội bay bị bắt giữ. Hai thành viên còn thiếu, Trung sĩ William J. Dieter và Hạ sĩ Donald E. Fitzmaurice đã thiệt mạng khi chiếc B-25 của họ rơi ngoài khơi bờ biển Trung Quốc. Tám người còn lại, các trung úy Dean E. Hallmark, Robert J. Meder, Chase Nielsen, William G. Farrow, Robert L. Hite và George Barr cùng các hạ sĩ Corporals Harold A. Spatz và Jacob DeShazer bị bắt. Ngoài việc bị đánh đập và bị bỏ đói, những người này còn mắc phải chứng tiêu chảyphù thũng do hậu quả của tình trạng sống tồi tệ mà họ bị đối xử. Vào ngày 28 tháng 8 năm 1942, các phi công Hallmark và Farrow cùng xạ thủ súng máy Spatz bị người Nhật đưa ra xét xử giả mạo, cho dù họ không được biết về hình phạt dành cho họ. Ngày 14 tháng 10 năm 1942, ba người này được thông báo là họ sẽ bị xử tử vào ngày hôm sau. Lúc 16 giờ 30 phút ngày 15 tháng 10 năm 1942, họ được xe tải đưa đến Nghĩa trang Công cộng Số 1 ở ngoại vi thành phố Thượng Hải và bị xử bắn bởi một đội hành quyết.

Năm người còn lại tiếp tục bị giam giữ trong trại tập trung quân sự với chế độ ăn đói khát, và tình hình sức khỏe của họ sa sút nghiêm trọng. Đến tháng 4 năm 1943, họ được chuyển đến Nam Kinh, nơi mà vào ngày 1 tháng 12 năm 1943, Meder mất. Bốn người còn lại Nielsen, Hite, Barr và DeShazer cuối cùng nhận được sự chăm sóc có cải thiện đội chút từ những người giam giữ, và được cho một bản Kinh Thánh cùng một số ít sách vở khác. Họ đã sống sót cho đến khi được giải thoát bởi lực lượng Mỹ vào tháng 8 năm 1945. Bốn sĩ quan Nhật Bản bị xét xử tội ác chiến tranh đối với tám thành viên Doolittle đều bị xem là có tội: ba người bị kết án lao động khổ sai trong năm năm trong khi người thứ tư bị kết án chín năm. DeShazer sau cùng trở thành một nhà truyền đạo và quay trở lại Nhật Bản vào năm 1948, nơi ông hoạt động với tư cách này trong hơn 30 năm.

Trong nhóm này, hiện nay chỉ có Hite còn sống. Barr chết vì đột quỵ năm 1967, Nielsen mất năm 2007 và Jacob DeShazer qua đời ngày 15 tháng 3 năm 2008.

Một thành viên Doolittle khác bị mất trong nhiệm vụ này. Hạ sĩ Leland D. Faktor (thợ máy/xạ thủ trong đội bay của Gray) thiệt mạng khi tìm cách nhảy dù ra khỏi máy bay, ông là người duy nhất trong đội bay của mình tử trận.

Những phục vụ tiếp theo

Liền ngay sau trận không kích, Doolittle nói với các thành viên khác là ông tin với việc mất toàn bộ 16 chiếc máy bay, kèm với việc thiệt hại tương đối nhẹ mà chúng đã gây ra đối với các mục tiêu, cuộc tấn công này được xem là một thất bại và ông sẽ bị đưa ra tòa án quân sự một khi quay trở về được Hoa Kỳ. Thay vì vậy, cuộc không kích đã củng cố tinh thần cho người dân Mỹ đến mức Doolittle được Tổng thống Franklin D. Roosevelt trao tặng Huân chương Danh dự, và được thăng hàm vượt cấp từ Trung tá lên Chuẩn tướng, bỏ qua cấp Đại tá. Khi vị tướng vừa được thăng chức Doolittle đi thăm các cơ sở vừa được mở rộng của sân bay Eglin vào tháng 7 năm 1942 cùng với Đại tá Chỉ huy trưởng Grandison Gardner, tờ báo địa phương Okaloosa News-Journal, tại Crestview, Florida, trong khi đưa tin về sự hiện diện của ông, đã không hề đề cập đến việc huấn luyện tại Eglin lúc đó còn đang được giữ bí mật. Ông tiếp tục lãnh đạo Không lực 12 tại Bắc Phi, Không lực 15 tại khu vực Địa Trung Hải và Không lực 8 tại châu Âu trong ba năm tiếp theo sau.

Ngoài phần thưởng Huân chương Danh dự của Doolittle, Hạ sĩ David J. Thatcher (thợ máy/xạ thủ trong đội bay của Lawson) và Trung úy Thomas R. White (xạ thủ trong đội bay của Smith) được trao tặng Ngôi sao Bạc do nỗ lực của họ giúp đỡ những thành viên bị thương trong đội bay của Trung úy Lawson trốn thoát khỏi lực lượng Nhật Bản tại Trung Quốc. Tất cả 80 Raider được tặng thưởng Huân chương Chữ thập bay Dũng cảm và mỗi người trong số những người tử trận hay bị thương do cuộc không kích còn được tặng thưởng huy chương Trái tim Tím. Thêm vào đó, mỗi thành viên Doolittle Raider còn nhận được một phần thưởng của Chính phủ Trung Quốc.

Hai mươi tám thành viên đội bay ở lại tham gia các hoạt động bay tại Chiến trường Trung Hoa-Miến Điện-Ấn Độ, đa số trong hơn một năm, và có năm người tử trận. Mười chín thành viên đã tham chiến tại Bắc Phi trước khi quay trở về Hoa Kỳ, với bốn người bị giết và bốn người trở thành tù binh. Chín thành viên đã phục vụ tại Mặt trận Tây Âu, và một người đã tử trận. Tổng cộng có 12 người sống sót đã chết khi chiến đấu trong vòng 15 tháng sau cuộc không kích. Hai người còn sống được cho xuất ngũ khỏi lực lượng Không quân vào năm 1944 do những vết thương trầm trọng của họ.[2]

Liên đội Ném bom 17, đơn vị mà các thành viên Doolittle Raider được tuyển chọn, được nhận các đội bay bổ sung thay thế và được chuyển đến Căn cứ Không quân Barksdale vào tháng 6 năm 1942, nơi nó được chuyển sang một kiểu máy bay ném bom tầm trung khác là B-26 Marauder. Đến tháng 11 năm 1942 nó được bố trí ra nước ngoài đến Bắc Phi, nơi nó hoạt động tại Mặt trận Địa Trung Hải trong thành phần của Không lực 12 cho đến hết cuộc chiến tranh.

Chiến dịch Chiết Giang-Giang Tây

Vì hầu hết những chiếc B-25 trong cuộc Không kích Doolittle đã hạ cánh dọc theo bờ biển phía Đông Trung Quốc, và các phi công Mỹ đã nhận được sự giúp đỡ quan trọng của người dân quê nơi khu vực này để trốn thoát, phản ứng của quân Nhật chống lại người Trung Hoa đặc biệt gay gắt. Mọi sân bay trong phạm vi khu vực 20.000 dặm vuông nơi các phi công hạ cánh đều bị đào xới, chiến tranh vi trùng được đem ra sử dụng đối với thường dân và ước lượng có khoảng một phần tư triệu người dân thường đã bị giết.[31] Cuộc thảm sát trả đũa của quân Nhật thường được biết đến như Chiến dịch Chiết Giang-Giang Tây.

Ảnh hưởng

So sánh với hậu quả khủng khiếp của các cuộc ném bom do những chiếc B-29 Superfortress gây ra sau này, cuộc không kích Doolittle chỉ gây ra ít thiệt hại vật chất, và tất cả chúng đều được sửa chữa nhanh chóng. Tám mục tiêu chính và năm mục tiêu phụ đã bị đánh trúng. Tại Tokyo, các mục tiêu bao gồm một kho dầu, một nhà máy thép và nhiều nhà máy phát điện. Tại Yokosuka, ít nhất một quả bom từ chiếc B-25 do Trung úy Edgar E. McElroy điều khiển đã đánh trúng chiếc tàu sân bay Nhật sắp hoàn thành Ryūhō,[22] làm trì hoãn việc hạ thủy nó cho đến tháng 11. Sáu trường học và một bệnh viện quân đội bị vô ý đánh trúng. Người Nhật cho rằng hai chiếc máy bay mà đội bay bị bắt đã tấn công các mục tiêu đó.[32]

Cho dù những thiệt hại gây ra chỉ là tối thiểu, tinh thần của người dân Mỹ bay vọt khi tin tức về cuộc không kích được công bố. Đang phải chịu đựng nỗi đau sau cuộc tấn công Trân Châu Cảng cùng việc Nhật Bản xâm chiếm các vùng lãnh thổ, cuộc không kích này có vai trò quan trọng đối với công chúng Mỹ để họ biết rằng một đòn giáng trả quân sự đã được tiến hành thành công.[33]

Cuộc không kích cũng mang đến một hậu quả chiến lược, cho dù không được biết đến ngay vào lúc đó: Nó đã khiến Bộ chỉ huy Tối cao Nhật ra lệnh triệu hồi một số đơn vị chiến đấu của Hải quân Nhật về bảo vệ chính quốc Nhật Bản. Lực lượng đặc nhiệm tàu sân bay chủ lực, với năm tàu sân bay nhanh hạm đội cùng những máy bay hải quân tốt nhất và những đội bay giỏi nhất, dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Chuichi Nagumo, đã gây ra những tổn thất to lớn cho Hải quân Hoàng gia Anh và tàu buôn thương mại trong cuộc không kích Ấn Độ Dương, tiến xa về phía Tây đến tận Ceylon để không kích các tàu bè Anh Quốc cùng các sân bay của Không quân Hoàng gia Anh tại đây. Sau cuộc Không kích Doolittle, lực lượng của Nagumo nhận được lệnh quay trở về Nhật Bản, giải tỏa mọi áp lực đang đè nặng Hải quân Hoàng gia tại Ấn Độ Dương.

Hải quân Đế quốc Nhật Bản cũng đã phải chịu một trách nhiệm đặc biệt vì đã để cho một lực lượng tàu sân bay Mỹ tiếp cận các đảo chính quốc Nhật Bản theo một cách gần giống như Hạm đội Nhật đã làm tại Hawaii vào tháng 12 năm 1941, và cũng thoát được tương tự mà không bị thiệt hại.[34] Một thực tế là việc sử dụng những chiếc máy bay ném bom hai động cơ tương đối lớn đặt căn cứ trên đất liền thực hiện việc không kích đã gây ra sự lẫn lộn nơi giới chỉ huy cao cấp của Hải quân Nhật về nguồn gốc của cuộc không kích. Sự lẫn lộn này cùng với kết luận rằng Nhật Bản tỏ ra mong manh đối với nguy cơ không kích đã củng cố cho quyết tâm của Đô đốc Yamamoto muốn chiếm lấy đảo Midway, mà việc tiến hành chúng đã đưa đến thất bại quyết định của Hải quân Nhật trong trận Midway.[35][36]

"Kế hoạch hy vọng sẽ gây được tổn hại cả về mặt vật chất lẫn khía cạnh tâm lý. Hư hại vật chất sẽ phá hủy được những mục tiêu cụ thể gây ra sự xáo trộn và làm chậm trễ việc sản xuất. Các hậu quả tâm lý được hy vọng sẽ triệu hồi các phương tiện chiến đấu tại các chiến trường khác về phòng thủ quê nhà, và do đó làm giảm nhẹ áp lực trên các mặt trận đó, tạo một cảm giác lo sợ phức tạp tại Nhật Bản, cải thiện mối quan hệ với các Đồng Minh, và một phản ứng thuận lợi của người dân Mỹ." — Tướng James H. Doolittle, 9 tháng 7 năm 1942[10][37]

Sau chiến tranh

Cựu chiến binh Lục quân thời Thế Chiến II George A. McCalpin (phải) đang trao đổi với Trung tá Richard E. Cole (ngồi) về người cháu họ của mình là một thành viên Raider, Trung sĩ William 'Billy Jack' Dieter, trong buổi họp mặt lần thứ 66 tổ chức tại Trường Đại học Texas ở Dallas vào tháng 4 năm 2008.

Các thành viên của cuộc không kích Doolittle (gọi là những Raider) tổ chức một cuộc họp mặt hội ngộ hằng năm bắt đầu vào cuối những năm 1940. Cao trào của buổi hội ngộ là một nghi lễ trang trọng và riêng tư, nơi những Raider còn sống được gọi tên, rồi cùng nhau nâng cốc tưởng nhớ những đồng đội Raider đã qua đời những năm trước đó. Những chiếc ly bạc được khắc đặc biệt, mỗi chiếc dành cho từng người trong số 80 Raider, được sử dụng cho cuộc nâng ly này. Ly của những người đã qua đời được úp lại. Để mỗi thành viên có thể được nhận biết là còn sống hay đã qua đời, tên của họ được khắc hai lần trên ly bạc, ở mặt ngửa và mặt úp. Khi chỉ còn lại có hai Raider, họ sẽ cùng nhau uống lần cuối cùng chai rượu cognac Hennessy sản xuất năm 1896 vốn đã đi kèm theo những chiếc ly bạc trong mỗi cuộc họp mặt Raider kể từ năm 1960. Đời rượu này được chọn vì đó chính là năm sinh của Jimmy Doolittle. Chai cognac và các ly bạc được giữ tại Học viện Không quân Hoa Kỳ để được trưng bày tại Sảnh Arnold, trung tâm xã hội của học viên mới. Từ ngày 19 tháng 4 năm 2006, địa điểm lưu niệm được chuyển đến Bảo tàng Quốc gia Không quân Hoa Kỳ.[38]

Cho đến tháng 6 năm 2010, có bảy thành viên Raider còn sống.[39][40] Chỉ có tám người có thể tham dự cuộc họp mặt lần thứ 64 tại Dayton, Ohio, vào tháng 4 năm 2006; bảy người tham gia lần thứ 65 năm 2007 tại San Antonio, Texas; sáu người tham gia lần thứ 66 năm 2008 tại Dallas, Texas; và bốn người tham dự lần thứ 67 năm 2009 tại Columbia, Nam Carolina. Các Raider tổ chức lần gặp gỡ thứ 68 của họ tại Bảo tàng Quốc gia Không quân Hoa Kỳ tại Dayton, Ohio; chỉ có Cole, Griffin, Hite và Thatcher là những người còn đủ khỏe để tham dự.[41]

Có thêm bảy người khác, như là Đại úy Miller và Đại tá Carroll V. Glines, sử gia chuyên về các Raider, được xem là những thành viên danh dự do những nỗ lực đáng trân trọng của họ cho nhiệm vụ này.[42]

Những người còn sống

Tính đến tháng 1 năm 2011, những Raider còn sống bao gồm:

  • Đại tá Richard E. Cole, phi công phụ chiếc số #1
  • Thiếu tá Thomas C. Griffin, hoa tiêu chiếc số #9
  • Trung tá Robert L. Hite, phi công phụ chiếc số #16
  • Thiếu tá Edward Joseph Saylor, thợ máy chiếc số #15
  • Trung sĩ David J. Thatcher, xạ thủ chiếc số #7

Đến tháng 1 năm 2011, vẫn còn 5 Raider còn sống.[39][43] [44] Phi công tham gia cuộc không kích còn sống cuối cùng là Bill Bower, mất ngày 10 tháng 1 năm 2011 ở tuổi 93 tại Boulder, Colorado.[45]

Di sản

Hải quân Hoa Kỳ đã đặt tên cho một trong những tàu sân bay thuộc lớp Essex của họ cái tên địa danh tưởng tượng USS Shangri-La (CV-38), có liên hệ rõ ràng đến cuộc Không kích Doolittle. Tổng thống Franklin D. Roosevelt khi trả lời câu hỏi của một nhà báo đã nói rằng cuộc không kích xuất phát từ "Shangri-La", tên đặt cho một xứ sở tưởng tượng vô cùng hạnh phúc có sự trường sinh bất tử trong dãy núi HimalayaJames Hilton nói đến trong cuốn tiểu thuyết Lost Horizon.[46][47]

Trưng bày Không kích Doolittle

Gian trưng bày Không kích Doolittle tại Bảo tàng Quốc gia Không quân Hoa Kỳ. Tấm vải bạt che động cơ nhằm giấu đi điểm khác biệt về ống xả của động cơ trên phiên bản 'D' vốn khác với phiên bản 'B' được sử dụng trong cuộc không kích.

Gian trưng bày rộng rãi nhằm ghi nhớ cuộc Không kích Doolittle ấn tượng nhất có thể thấy tại Bảo tàng Quốc gia Không quân Hoa Kỳ tại Căn cứ Không quân Wright-PattersonDayton, Ohio. Tâm điểm của cuộc trưng bày này là một chiếc B-25 hầu như mới, được sơn và vẽ ký hiệu như là chiếc máy bay của Doolittle (cho dù đây chỉ là phiên bản trinh sát hình ảnh F-10D của kiểu B-25D). Chiếc máy bay ném bom, được hãng North American Aviation trao tặng cho các Raider vào năm 1958, được trưng bày trên phông nền mô phỏng lại sàn đáp của tàu sân bay USS Hornet; được làm như thật với những hình sáp mặc quần áo chung quanh chiếc máy bay, bao gồm chính Doolittle, Đại tá Hải quân Marc Mitscher, thuyền trưởng USS Hornet, cùng các nhân viên kỹ thuật Lục quân và Hải quân đang nạp bom đạn cho chiếc máy bay. Tại đây còn trưng bày các ly bạc mà các Raider sử dụng trong mỗi lần họp mặt hàng năm; các mảnh quần áo bay cùng các vật dụng cá nhân, một chiếc dù mà một Raider đã dùng khi nhảy dù tại Trung Quốc; cùng ảnh chụp nhóm của toàn thể 16 đội bay. Nhiều hiện vật lý thú khác cũng có trong bộ sưu tập này.

Những chiếc ly bạc của các Raider

Một mảnh vỡ của một trong những chiếc máy bay bị rơi cùng những huy chương trao tặng cho Doolittle được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Hàng không và Không gian Smithsonian tại Washington, D.C.

Bảo tàng Hàng không Thái Bình Dương vừa mới được mở trên đảo Ford, Oahu, Hawaii có một gian triển lãm năm 1942, mà trung tâm là một chiếc B-25 được phục chế, mang ký hiệu của chiếc "The Ruptured Duck" từng được sử dụng trong cuộc không kích Doolittle.[48]

Bảo tàng của Commemorative Air Force tại San Marcos, Texas trưng bày tấm giáp bảo vệ ghế ngồi của phi công trên chiếc B-25 mà Doolittle bay trong cuộc không kích.

Tái hiện cuộc Không kích Doolittle

Chiếc B-25 "Heavenly Body" được phục chế thời Thế Chiến II đang cất cánh từ sàn đáp của tàu sân bay USS Ranger

Ngày 21 tháng 4 năm 1992, hòa cùng với các lễ hội khác nhằm kỷ niệm 50 năm Chiến tranh Thế giới thứ hai, tàu sân bay Ranger đã tham gia tái hiện nhằm tưởng niệm cuộc Không kích Doolittle xuống Tokyo, Nhật Bản.

Hai máy bay ném bom B-25 thời Thế Chiến II đã được cho chất lên tàu cùng với hơn 1.500 vị khách, cùng các phương tiện truyền thông đất nước và thế giới, để chứng kiến hai chiếc máy bay cũ lăn bánh và cất cánh khỏi sàn đáp của chiếc Ranger.

Văn hóa đại chúng

Cuộc không kích Doolittle là đề tài chính của bộ phim Thirty Seconds over Tokyo thực hiện năm 1944. Nó được dựa trên quyển sách cùng tên của Đại úy phi công Ted W. Lawson, một Raider trong nhóm Doolittle, đã bị mất một chân cùng nhiều thương tích nghiêm trọng khác sau khi máy bay của ông rơi dọc theo bờ biển Trung Quốc. Spencer Tracy đã đóng vai Doolittle và Van Johnson thể hiện Lawson. Cuốn phim được xem đã mô tả lại cuộc không kích khá chính xác và không thêm thắt, được các Raider nói chung chấp nhận. Các cảnh quay trong phim sau này được sử dụng lại trong những đoạn mở đầu của phim Midway và trong loạt phim truyền hình War and Remembrance.

Cuộc không kích cũng đã gây niềm cảm hứng cho hai cuốn phim khác. Bombardier của hãng RKO năm 1943 có sự tham gia của Randolph ScottPat O'Brien. Cao trào của cuốn phim là một cuộc tấn công xuống Nhật Bản do một nhóm máy bay ném bom B-17 Flying Fortress thực hiện. The Purple Heart thực hiện 1944 do Dana Andrews đóng là một câu chuyện hư cấu về một tòa án quân sự Nhật Bản xét xử các phi công Mỹ bị bắt giữ sau cuộc Không kích Doolittle.

Bộ phim Pearl Harbor năm 2001, với Alec Baldwin đóng vai Doolittle, trình bày một cuộc ném bom bị hư cấu nặng nề. Nội dung cuốn phim trình bày không chính xác việc lập kế hoạch, bản thân cuộc không kích và diễn biến tiếp theo, cho là đã gây hậu quả tàn phá nghiêm trọng cho cả một khu công nghiệp. Thêm nữa, nó còn bao gồm một trận đánh hoàn toàn hư cấu xảy ra giữa binh lính Nhật tại Trung Quốc và các phi công Mỹ, đưa đến cái chết của nhiều người của cả hai bên, và việc giải cứu của binh lính Trung Quốc.

Một cuốn phim hư cấu khác có liên quan đến cuộc không kích cũng từng được thực hiện vào năm 1943, Destination Tokyo có sự tham gia của Cary Grant, nói về một chiếc tàu ngầm hư cấu USS Copperfin. Nhiệm vụ của chiếc tàu ngầm là xâm nhập vào vịnh Tokyo và cho đổ bộ một nhóm lên bờ thu thập thông tin thời tiết cần thiết cho cuộc không kích Doolittle. Cuốn phim cho rằng cuộc không kích sẽ không được tung ra cho đến khi nhận được những thông tin được cập nhật sau cùng, tuy nhiên mọi báo cáo sau đó cho biết nó đã thực hiện mà không có thời gian để thông tin thời tiết do việc đụng độ với con tàu tuần tra đối phương.[10]

Nhiều quyển sách đã viết về đề tài cuộc Không kích Doolittle sau chiến tranh. Quyển Doolittle's Tokyo Raiders của C.V. Glines kể lại toàn bộ chi tiết về cuộc không kích, bao gồm kinh nghiệm riêng của mỗi đội bay B-25. Guests of the Kremlin là quyển sách mà Phi công phụ Bob Emmens mô tả lại cuộc phiêu lưu của đội bay mình như những con tin tại Nga sau khi hạ cánh trên đất nước này sau cuộc không kích. Quyển Four Came Home cũng của C.V. Glines kể lại câu chuyện của Nielsen, Hite, Barr, và DeShazer, những Raider bị giam giữ tại trại tù binh chiến tranh trong hơn ba năm. The First Heroes của tác giả Craig Nelson đi vào chi tiết những sự kiện dẫn đến cuộc không kích và diễn tiến tiếp theo của mọi phi công và gia đình của họ.

Một cuốn băng VHS có liên quan, với những đoạn quay đương thời về Doolittle và những sự chuẩn bị cho chuyến bay cùng việc phóng lên những chiếc B-25, đã xuất hiện trong DeShazer, câu chuyện về nhà truyền giáo-Trung sĩ Jake DeShazer của chiếc B-25 thứ 16, chiếc cuối cùng được phóng lên từ Hornet. Cuốn băng được quay dựa trên quyển sách The Amazing Story of Sergeant Jacob De Shazer: The Doolittle Raider Who Turned Missionary của tác giả C. Hoyt Watson. Vào đoạn cuối của cả cuốn băng lẫn trong quyển sách, sau chiến tranh DeShazer đã gặp gỡ Mitsuo Fuchida, vị chỉ huy và là phi công dẫn đầu của cuộc tấn công Trân Châu Cảng.

Nhóm nhạc rock Pere Ubu đã thu âm bài hát "Thirty Seconds Over Tokyo" vào tháng 9 năm 1975. Nó được phát hành lần đầu tiên dưới dạng dĩa đơn của Hearpen Records, chung với bài "Heart of Darkness"; và sau đó được tiếp tục phát hành dưới những album khác. David Thomas, trưởng nhóm Pere Ubu, công nhận là bài hát chịu ảnh hưởng từ cuộc không kích của Jimmy Doolittle.

Tham khảo

Chú thích

  1. ^ Doolittle and Glines 1991, trang 1–2.
  2. ^ a b c Eighty Brave Men Doolittle Tokyo Raiders, Memorial site of Richard O. Joyce. Truy cập: 17 tháng 2 năm 2008.
  3. ^ a b Glines 1998, trang 166–168.
  4. ^ Glines 1998, trang 10.
  5. ^ Glines 1998, trang 13.
  6. ^ Glines 1998, trang 19.
  7. ^ Glines 1998, trang 19–20.
  8. ^ Martin, Adrian R., and Stephenson, Larry W. (2008). Operation Plum: The Ill-fated 27th Bombardment Group and the Fight For the Western Pacific. Texas A&M University Press. ISBN 1-60344-019-4, trang 174 & 182–183. Phi vụ ném bom đầu tiên được thực hiện bởi kiểu máy bay B-25 chỉ diễn ra trước cuộc không kích Doolittle 12 ngày. Vào ngày 6 tháng 4 năm 1942, sáu chiếc Mitchell thuộc Liên đội Ném bom 3 đã tiến hành ném bom Gasmata, New Britain, rồi được tiếp nối trong các ngày 1213 tháng 4 bằng các phi vụ nhắm vào thành phố CebuDavao tại Philippine. Liên đội Ném bom 3 đã tập trung mười chiếc Mitchell qua ngã Darwin, Australia đến Mindanao cho nhiệm vụ sau này.
  9. ^ Glines 1998, trang 27, sao chép lại bản báo cáo.
  10. ^ a b c d e f g General Doolittle's report on raid, 9 tháng 7 năm 1942, Hyper War. Truy cập: 19 tháng 6 năm 2007.
  11. ^ Glines 1998, trang 22.
  12. ^ a b Craven and Cate 1948, trang 439.
  13. ^ a b c Craven and Cate 1948, trang 440.
  14. ^ Doolittle Tokyo Raiders, Memorial site of Richard O. Joyce
  15. ^ Doolittle Raiders Memorial site of R. O. Joyce
  16. ^ Coletta 1993, trang 73–86.
  17. ^ Glines 1998, trang 63.
  18. ^ Chun, 2006, trang 45.
  19. ^ Glines 1998 trang 71.
  20. ^ Theo tác giả Glines 1998, trang 70, mệnh lệnh cho chiếc Nashville nổ súng chỉ được đưa ra lúc 7 giờ 52 phút. Biển động mạnh khiến cho việc bắn trúng con tàu tuần tra Nhật trở nên khó khăn ngay cả với hỏa lực bắn nhanh, và nó chỉ bị đánh chìm lúc 8 giờ 23 phút.
  21. ^ Theo tác giả Glines: Doolittle cất cánh đầu tiên khi còn cách Tokyo 610 dặm, trong khi Farrow là người cuối cùng khi còn cách 600 dặm.
  22. ^ a b c Craven and Cate 1948, trang 442.
  23. ^ Watson 1950, trang 17.
  24. ^ Watson 1950, trang 20.
  25. ^ Glines 1998, trang 94.
  26. ^ Glines 1998, trang 81, 91.
  27. ^ Báo cáo sau chiến dịch của Doolittle đề cập đến việc người ta nghe thấy tiếng động cơ của một số máy bay B-25 bên trên các căn cứ này, nhưng vì người Trung Hoa không được báo trước về cuộc tấn công, họ cho đó là một cuộc không kích của quân Nhật.
  28. ^ Doolittle and Glines 1991, trang 12.
  29. ^ The Perilous Fight (PBS)
  30. ^ Nelson 2002, trang 226–228.
  31. ^ Chang 1997, trang 189
  32. ^ Shepherd, Joel. "USS Enterprise CV-6 The Most Decorated Ship of the Second World War." cv6.org. Truy cập: 19 tháng 4 năm 2010.
  33. ^ Glines 1998, trang 219.
  34. ^ Glines 1998, trang 60 – 62, cho biết: Thông qua một lượng nhỏ những thông điệp vô tuyến trao đổi giữa Halsey và Mitscher mà họ thu được, Hải quân Nhật biết rằng lực lượng đặc nhiệm tàu sân bay Mỹ đang có mặt tại khu vực Tây Thái Bình Dương và có thể tấn công Nhật Bản.
  35. ^ Glines 1998, trang 218.
  36. ^ Prange et al. 1982, trang 22–26.
  37. ^ Glines 1998, trang 215–216.
  38. ^ " 'Doolittle Goblets' Find New Home." Department of Defense News. Truy cập: 24 tháng 4 năm 2010.
  39. ^ a b "Surviving Doolittle Tokyo Raiders." doolittleraider.com. Truy cập: 28 tháng 11 năm 2008.
  40. ^ "Obituary of Col. James H. Macia Jr." Tucson Daily Star, Truy cập: 3 tháng 1 năm 2010.
  41. ^ Nolan, John. "Doolittle raiders share memories, sign autographs." Lưu trữ 2010-07-30 tại Wayback Machine Dayton Daily News, 17 tháng 4 năm 2010.
  42. ^ Joyce, Todd. "80 Brave Men: The Doolittle Tokyo Raiders Roster." The Doolittle Tokyo Raiders, 10 tháng 12 năm 2008. Truy cập: 12 tháng 5 năm 2009.
  43. ^ "Obituary of Col. James H. Macia Jr." Tucson Daily Star, Retrieved: 3 tháng 1 năm 2010.
  44. ^ Bounds, Amy. "Boulder WWII hero Bill Bower dies at 93." Daily Camera, 11 tháng 1 năm 2011.
  45. ^ Shapiro, T. Rees, "Last Surviving Bomber Pilot Of WWII Doolittle Raid", Washington Post, 16 tháng 1 năm 2011, trang C7.
  46. ^ “U.S.S. Shangri-La, A Short History”. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 9 năm 2007. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2010.
  47. ^ "He Flew From 'Shangri-La' to Bomb Tokyo." Lưu trữ 2010-06-06 tại Wayback Machine The War Illustrated, 6 tháng 8 năm 1943.
  48. ^ “Pacific Aviation Museum”. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 12 năm 2009. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2010.

Thư mục

  • Chang, Iris. The Rape of Nanking. New York: Basic Books, 1997. ISBN 0-465-06835-9.
  • Chun, Clayton K.S. The Doolittle Raid 1942: America's First Strike Back at Japan (Campaign: 16). Botley, Oxford, UK: Osprey, 2006. ISBN 1084176-918-5.
  • Coletta, Paolo. "Launching the Doolittle Raid on Japan, 18 tháng 4 năm 1942". The Pacific Historical Review, Vol. 63, No. 1, tháng 2 năm 1993.
  • Craven, Lieutenant Colonel Wesley Frank and Major James Lea Cate, series editors. "Drawing the Battle Line in the Pacific", Army Air Forces in World War II, Vol. I: Plans and Early Operations, tháng 1 năm 1939 to tháng 8 năm 1942. Chicago: University f Chicago Press, 1948.
  • Doolittle, James H. and Carroll V. Glines. I Could Never Be So Lucky Again: An Autobiography. New York: Bantam Books, 1991. ISBN 0-553-58464-2.
  • Emmens, Robert G. Guests of the Kremlin. San Rafael, CA: Ishi Press International, 2007. ISBN 0-923891-81-1.
  • Glines, Carroll V. The Doolittle Raid: America's Daring First Strike Against Japan. New York: Orion Books, 1988. ISBN 0-88740-347-6
  • ———— Doolittle's Tokyo Raiders. New York: Van Nostrand Reinhold, 1968, 1981.
  • ———— Four Came Home. New York: Van Nostrad Reinhold, 1966, 1981.
  • Glover, Charles E. "Jimmy Doolittle's One Moment in Time." The Palm Beach Post, 18 tháng 4 năm 1992.
  • Hasley, Edward. "War Stories: Heroism in the Pacific". 18 tháng 2 năm 1996.
  • Hayostek, Cindy. "Exploits of a Doolittle Raider". thehistorynet.com, 21 tháng 7 năm 1998. Truy cập: 10 tháng 3 năm 2008.
  • Lawson, Ted W. and Robert Considine, ed.Thirty Seconds Over Tokyo. New York: Random House, Inc., 1943.
  • Nelson, Craig. The First Heroes: The Extraordinary Story of the Doolittle Raid—America's First World War II Victory. London: Penguin Press, 2002. ISBN 978-0-14-200341-1.
  • Oxford, Edward. "Against All Odds: B-25 Bombers Strike Japan in 1942." American History Illustrated, March–April 1992.
  • Prange, Gordon W., Donald M. Goldstein and Katherine V. Dillon. Miracle at Midway. New York: McGraw-Hill, 1982. ISBN 0-07-050672-8.
  • Watson, Charles Hoyt. DeShazer: The Doolittle Raider Who Turned Missionary. Winona Lake, Indiana: The Light and Life Press, 1950.

Liên kết ngoài