Vương hậu Claude sinh ra ở Romorantin-Lanthenay[1], con gái cả của Quốc vương Louis XII của Pháp, một quân chủ của nhà Valois. Mẹ bà là Anne, Nữ Công tước xứ Bretagne - hậu duệ và là người thừa kế của các Công tước sở hữu Công quốc Bretagne. Bà được đặt tên theo Thánh Claudius xứ Besançon, một vị Thánh Công giáo mà mẹ bà tôn sùng. Qua hai cuộc hôn nhân, 14 lần mang thai, Nữ Công tước Anne chỉ có hai người con gái trưởng thành, Claude, và một người con gái út, Renée của Pháp.
Vì Vương hậu Anna không có con trai, vị trí Trữ quân của Công quốc Bretagne đặt lên vai Claude. Trong khi đó, ngai vàng Pháp chỉ có thể truyền cho nam giới thông qua Luật lệ Salic. Dù đã kết hôn liên tiếp với 2 vị Vua của Pháp, Anne vẫn quyết giữ Bretagne độc lập khỏi Pháp, và với sự giúp đỡ của Hồng y Georges d'Amboise, bà thực hiện kế hoạch này thông qua hôn nhân của con gái. Trong khi ấy, Pierre de Rohan-Gié, Lãnh chúa Rohan, lại ủng hộ ý tưởng cưới Claude cho Francis, Công tước xứ Valois, nhằm liên kết Bretagne và ngai vàng Pháp vĩnh viễn.
Năm 1501, ở Lyon đã diễn ra một hội nghị liên hôn giữa Claude và Carlos của Tây Ban Nha - con trai của Công tước Philippe xứ Bourgogne và Nữ vương Juana I của Castilla. Bản nghị định này gồm sự đảm bảo quyền lợi của Charles trong tương lai khi cưới Claude: sở hữu quyền cai trị Bretagne, trong khi Charles chắc chắn sẽ thừa kế Castilla, Aragón và các vùng lãnh thổ Bourgogne từ cha mẹ mình. Đến năm 1504, Hòa ước Blois diễn ra, khiến Claude được thừa hưởng một lượng lớn của hồi môn khổng lồ, nếu Vua Louis XII qua đời mà không có con trai: bên cạnh Bretagne, Claude còn thừa hưởng hai Công quốc Milan và Bourgogne, cùng hai Bá quốc là Blois và Asti, và cuối cùng là một lượng lớn lãnh thổ của Cộng hòa Genova.
Đến năm 1505, Vua Louis XII đột ngột hủy hôn và quyết định cưới Claude cho Francis, Công tước xứ Valois. Nhận thấy tâm nguyện của mình có khả năng tiêu tan, Vương hậu Anna đã hết sức bất mãn với Lãnh chúa Rohan, và cật lực liên kết buộc tội ông ta về mưu phản trước Hội đồng nước Pháp.
Vương hậu nước Pháp
Năm 1514, ngày 9 tháng 1, Vương hậu Anna qua đời, Claude trở thành Nữ Công tước mới của Bretagne. Sang ngày 18 tháng 5 năm ấy, Claude cưới Francois tại Saint-Germain-en-Laye. Với sự liên hôn này, Bretagne được đảm bảo thuộc quyền lực ảnh hưởng của Pháp, nếu vị Vương hậu mới là Vương nữ Mary Tudor của Anh không sinh ra người thừa kế nào. Ngày 1 tháng 1 năm 1515, Vua Louis XII băng hà mà không có người thừa kế. Francis trở thành Quốc vương, còn Claude trở thành Vương hậu. Đây là lần thứ 3 mà một Nữ Công tước xứ Bretagne trở thành Vương hậu nước Pháp, trước đó 2 lần đều là mẹ của bà, Anne.
Trở thành Vương hậu khi chỉ mới 14 tuổi, Claude chịu sự giáo dục của mẹ chồng, Louise xứ Savoy cùng chị chồng là Marguerite xứ Angoulême. Dù là Nữ Công tước của Bretagne, Claude chưa bao giờ thực sự cai trị Bretagne, và bà ủy quyền cai trị ấy cho chồng mình. Trái với em gái Renée, Claude chưa hề tỏ ra thích thú việc thừa kế di sản là Công quốc Bretagne từ mẹ mình, bà cũng không đam mê gây ảnh hưởng chính trị, mà chỉ chuyên tâm vào học vấn tôn giáo và các quy tắc xã giao[2].
Dưới thời kỳ làm Vương hậu, Claude thu dưỡng rất nhiều thiếu nữ quý tộc Châu Âu thụ hưởng sự bảo hộ của mình, và một số trong ấy đều trở thành các nhân vật nổi tiếng. Sau khi Francis trở thành Quốc vương, Anne Boleyn từ nước Anh qua Pháp đã gia nhập đoàn tùy tùng của Claude, trở thành một trong các Thị tùng của Vương hậu và thường giúp Vương hậu phiên dịch mỗi khi có sứ giả của nước Anh đến trình diện bà. Diane de Poitiers, một Thị tùng khác trong hàng ngũ Thị nữ của Claude, về sau trở thành một nhân vật nổi tiếng của triều đình Pháp, khi trở thành tình nhân của con trai bà, Vua Henry II.
Về vấn đề tình nhân, Vua Francis cũng có rất nhiều người phụ nữ ngoài hôn thú, song của nhà vua lẫn các tình nhân luôn thận trọng và tỏ vẻ kính phục trước Claude. Việc bà liên tiếp sinh hạ (trung bình mỗi năm 1 lần) đã khiến vóc dáng của bà bị tàn phá dữ dội. Khi chỉ hơn 20 tuổi, bà đã bị thừa cân hậu sinh sản, chứng lác mắt xuất hiện, thể trạng của bà cũng có dấu hiệu vẹo cột sống. Hình dáng xấu xí của bà thường xuyên bị đem chế giễu trong triều, dĩ nhiên là cực kỳ kín kẽ. Mẹ chồng bà, Phu nhân Louise, cũng tỏ ra khá xem thường người con dâu và hay lợi dụng sự nhẫn nhịn cùng lòng thương người của Claude mà hành hạ[3].
Cái chết
Năm 1524, ngày 20 tháng 7, Vương hậu Claude qua đời ở Lâu đài Blois, khi chỉ mới 24 tuổi. Nguyên nhân cái chết của bà gây khá nhiều nghi vấn. Một số cho rằng bà đã kiệt quệ vì liên tục sinh nở, một số thì cho rằng bà bị bệnh lao di truyền từ mẹ mình, trong khi ấy không ít người tin rằng bà đã bị lây bệnh giang mai từ chồng bà, Vua Francis, sau một thời gian nhà vua ăn chơi đàn dúm với đủ loại phụ nữ[4][5].
Tôi phải nói đến Đức bà Claude của Pháp, một quý phu nhân tốt bụng và đầy lòng khoan dung. Bà luôn hiền dịu với tất cả mọi người, cũng như chưa bao giờ tỏ ra cáu gắt với bất kỳ người hầu hay triều thần nào, bất kể là trong hay ngoài các cơ quan phục vụ mình. Bà được yêu quý bởi Đức vua Louis và Đức bà Anne, song thân của bà, và ba luôn là người con gái hiếu thảo với cha mẹ mình. Sau khi nhà vua [Louis] lấy được vị trí Công tước xứ Milan, trước toàn thể Hội đồng Paris, ông đã ban cho con gái mình hai Công quốc tráng lệ và giàu có nhất thế giới Công giáo, Milan và Bretagne, một từ cha và một từ mẹ của bà. Thật là một người phụ nữ thừa kế một di sản chưa từng có trong lịch sử! Và cả hai quốc gia đẹp đẽ này đều sáp nhập vào Vương quốc Pháp của chúng ta.
Sau cái chết của bà, Công quốc Bretagne được kế thừa bởi con trai cả của bà, Francis, người đang là Dauphin nước Pháp, với sự giám hộ của cha mình là Vua Francis. Thế nhưng Dauphin Francis cũng qua đời sớm, để lại Công quốc Bretagne cho con trai thứ hai của Claude, Henry, người sau này cũng trở thành Quốc vương của Pháp, tức Henry II của Pháp. Claude qua đời, Vua Francis liền tái hôn và càng thêm nhiều tình nhân. Có tin đồn cái chết của ông vào nhiều năm sau đó là do bệnh giang mai.
^Jirí Louda and Michael MacLagan: Lines of Succession: Heraldry of the Royal Families of Europe, 2nd edition (London, U.K.: Little, Brown and Company, 1999), table 67.
^Ernest Wickersheimer, Danielle Jacquart: Dictionnaire biographique des médecins en France au Moyen Âge (1979), t. 1, pp. 161–162.
^ abOrnato, Monique (2001). Répertoire de personnages apparentés à la couronne de France aux XIVe et XVe siècles [Directory of characters related to the crown of France in the 14th and 15th centuries]. Publications de la Sorbonne. tr. 145.