Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hay còn được gọi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là người đứng đầu Văn phòng Chính phủ. Đồng thời là thành viên của Chính phủ Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý bộ máy giúp việc cho Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam.
Lịch sử
Văn phòng Chính phủ tiền thân là Văn phòng Chủ tịch Chính phủ được thành lập ngày 28/08/1945, trụ sở ban đầu được đặt ở 12 Ngô Quyền (Bắc Bộ Phủ trước đây). Văn phòng Chủ tịch Chính phủ có nhiệm vụ là cơ quan tham mưu cho Chính phủ với nhiệm vụ soạn thảo trình Chủ tịch Chính phủ bàn hành các văn bản. Đứng đầu Văn phòng Chủ tịch Chính phủ là hàm Thứ trưởng, Phạm Ngọc Thạch giữ chức vụ đầu tiên.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra, Chính phủ rời văn phòng về Việt Bắc, trong giai đoạn này Văn phòng Chủ tịch Chính phủ mang nhiều mật danh khác nhau Trung đội 555, Ban Thông tin tháng Tám, Ban Kiểm lâm 13, Ban Kiểm tra 12,... Đứng đầu Văn phòng trong giai đoạn này là Chánh Văn phòng, hoặc Tổng thư ký.
Từ 1954-1980, Văn phòng Chủ tịch Chính phủ được đổi tên thành Văn phòng Phủ Thủ tướng, đứng đầu là Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, sau này là Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng.
Từ 1981-1987, có 2 chức vụ gần giống nhau là Bộ trưởng, Tổng Thư ký Hội đồng Bộ trưởng (tương đương với Bộ trưởng Phủ Thủ tướng cũ) và Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng. Trong hầu hết thời gian, 2 chức vụ này do 1 người kiêm nhiệm. Đến năm 1987 thì sáp nhập 2 chức vụ này làm một là Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng.
Từ 1980-1992, Văn phòng Phủ Thủ tướng được đổi tên Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, đứng đầu là Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng và Tổng Thư ký Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng.
Từ 1992-nay, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng được đổi tên thành Văn phòng Chính phủ, đứng đầu là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Quyền hạn và nhiệm vụ
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có quyền hạn và nhiệm vụ sau:
Là người đứng đầu Văn phòng Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về mọi mặt hoạt động của Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được quy định.
Trực tiếp quản lý, lãnh đạo, điều hành hoạt động của toàn bộ cơ quan Văn phòng Chính phủ.
Phân công công việc cho các Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phân cấp, ủy quyền cho thủ trưởng các đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ thực hiện một số công việc cụ thể theo quy định của pháp luật.
Phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan, tổ chức để xử lý các vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Chính phủ.
Ký các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Chủ nhiệm.
Thực hiện những công việc được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao hoặc ủy quyền.
Trực tiếp xử lý hoặc phân công Phó Chủ nhiệm khác xử lý công việc đã phân công cho Phó Chủ nhiệm khi vắng mặt.
Điều kiện trở thành Bộ trưởng
Một công dân của Việt Nam từ 35 tuổi hoặc cao hơn có thể trở thành một ứng viên Bộ trưởng. Ứng viên Bộ trưởng phải đủ những điều kiện sau đây:
Là Đại biểu Quốc hội;
Là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam;
Có quốc tịch Việt Nam;
Đã phục vụ trong ngành từ 5 năm trở lên;
Có thể bắt buộc từng nắm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ hoặc phải là Ủy viên Trung ương Đảng.