Azerbaijan là quốc gia ở vùng Kavkaz, điểm cầu nối giữa châu Âu và Tây Á. Địa lý Azerbaijan có ba đặc điểm chính: Biển Caspi tạo thành ranh giới tự nhiên ở phía đông; dãy núi Đại Kavkaz ở phía bắc; trong khi trung tâm đất nước là vùng đất bằng rộng lớn.[1] Tổng diện tích đất liền của Azerbaijan là 86.600 km vuông, ít hơn 1% diện tích đất liền của Liên Xô cũ. Trong số ba quốc gia ngoại Kavkaz, Azerbaijan là nước có diện tích đất liền lớn nhất. Azerbaijan có hai đơn vị hành chính đặc biệt là Cộng hòa tự trị Nakhchivan – bị Armenia ngăn cách với phần còn lại của đất nước, và Khu tự trị Nagorno-Karabakh, nằm hoàn toàn trong Azerbaijan. Nagorno-Karabakh hiện là vùng lãnh thổ đang tranh chấp với Armenia.
Azerbaijan tọa lạc ở phía nam dãy Kavkaz. Nước này giáp biển Caspi về phía đông, Gruzia và Nga về phía bắc, Iran về phía nam, và Armenia về phía tây nam và tây.[1] Một phần Nakhchivan giáp với Thổ Nhĩ Kỳ về phía tây bắc. Baku là thủ đô của Azerbaijan. Đây đồng thời là bến cảng lớn nhất trên biển Caspi và từ lâu đã trở thành trung tâm của ngành công nghiệp dầu mỏ Azerbaijan.[2][3]
Lãnh thổ và biên giới
Diện tích
Tổng: 86.600 km² – hạng: 113
Đất: 82.629 km²
Nước: 3.971 km²
Ghi chú: Bao gồm cả Cộng hòa tự trị Nakhchivan và khu Nagorno-Karabakh; Xô viết tối cao Azerbaijan vào ngày 26 tháng 11 năm 1991 đã hủy bỏ quyền tự trị của Nagorno-Karabakh.
Giáp với: Armenia (với lãnh thổ chính Azerbaijan) 566 km, Armenia (với lãnh thổ tách rời Nakhchivan) 221 km, Gruzia 428 km, Iran (với lãnh thổ chính Azerbaijan) 432 km, Iran (với lãnh thổ tách rời Nakhchivan) 700 km, Nga 338 km, Thổ Nhĩ Kỳ 17 km
Đường bờ biển
Gần như nội lục, nhưng có bờ dài 713 km với Biển Caspi.
Yêu sách biển
Không
Địa hình
vùng đất bằng rộng lớn (phần lớn nằm dưới mực nước biển) với dãy Đại Kavkaz ở phía bắc, vùng núi cao ở phía tây
Độ cao cực trị
Điểm thấp nhất: Biển Caspi –28 m
Điểm cao nhất: Bazarduzu Dagi 4.485 m (nằm trên biên giới với Nga)
Điểm cao nhất nằm hoàn toàn trong lãnh thổ Azerbaijan: Shah Dagi 4.243 m