Vương Tự Dụng (tiếng Trung: 王自用; bính âm: Wáng Zìyòng, ? – 1633), người Tuy Đức (có thuyết là Nghi Xuyên), Thiểm Tây, còn có tên là Vương Hòa Thượng, xước hiệu là Tử Kim Lương, một trong những thủ lĩnh đầu tiên của phong trào khởi nghĩa nông dân cuối đời Minh.
Quá trình hoạt động
Năm Sùng Trinh đầu tiên (1628), ông cùng bọn "Hỗn thiên vương" khởi nghĩa, về sau gia nhập nghĩa quân Vương Gia Dận. Năm thứ 4 (1631), Gia Dận bị hại, Tự Dụng được đề cử làm minh chủ, hoạt động ở một dải bắc bộ Hà Nam. Năm thứ 6 (1633), nghĩa quân giao tranh với quan quân ở Vũ An, ông bị thương, trốn vào trong núi rồi mất [1][2][3]. Tàn dư nghĩa quân hơn 2 vạn người theo về với Lý Tự Thành.
^Ngô Vĩ Nghiệp, sách đã dẫn, quyển 1 chép: Tháng 5 năm Sùng Trinh thứ 6, Đặng Kỷ đánh giặc ở núi Thiện Dương thuộc Tế Nguyên, bắn chết "Tử kim lương". Ngờ là Vương Tự Dụng bệnh chết, bộ hạ tan rã đi theo người khác
^Đái Lạp, Ngô Thù, sách đã dẫn, quyển 6 chép: Tháng 4 năm Sùng Trinh thứ 6, "Tử kim lương" chết ở Tế Nguyên, đảng của hắn về với "Sấm tướng". Sau Tả Lương Ngọc bắt được một tên đầu mục của giặc, nói rằng ("Tử kim lương") bệnh chết, bọn giặc hậu táng hắn ở trong núi. Bấy giờ các tướng đều nói sàm rằng chết do bị cung tên hoặc súng điểu thương bắn trúng
^Trịnh Thiên Đĩnh, Tôn Việt, sách đã dẫn, chép: Binh bộ nhận được tin báo tiệp truyền miệng từ Sơn Tây, ngày 14 tháng 12 năm Sùng Trinh thứ 5, Đô tưHạ Nhân Long nhân đêm tối tập kích nghĩa quân ở đồn Quan Trang, huyện Dực Thành, "Tử kim lương" trên tay trúng 4 mũi tên, dưới hầu trúng 1 mũi, trọng thương bỏ trốn