Tên đệm thứ tư của cô là Josephine, được đặt theo tên của tổ mẫu của cô là Josephine xứ Leuchtenberg - cháu gái của Napoleon I và Hoàng hậu Joséphine - vợ của vị vua đầu tiên của Thụy Điển.
Từ 1985-1989, Vương nữ Madeleine bắt đầu nhập học ở trường mẫu giáo Västerled Parish. Mùa thu năm 1989, cô theo học tại trường tiểu học Smedslättsskolan ở Bromma. Lên trung học, Vương nữ theo học tại trường trung học cơ sở Carlssons và trung học phổ thông Enskilda Gymnasiet ở Stockholm. Cô tốt nghiệp trung học năm 2001.[4]
Mùa thu năm 2001, Vương nữ chuyển sang sống ở Luân Đôn, Anh để tiện cho việc học tiếng Anh.[3] Mùa xuân năm 2002, cô đăng ký tham gia lớp học Giới thiệu về lịch sử Thụy Điển. Cũng trong năm này, Vương nữ còn tham gia khóa học để lấy bằng lái xe.[3] Tháng 1 năm 2003, Vương nữ nộp đơn vào ngành Lịch sử mỹ thuật của trường Đại học Stockholm. Cô đã lấy 60 tín chỉ học thuật Thụy Điển chỉ trong vòng 2 học kỳ. Mùa thu năm 2004, Vương nữ Madeleine bắt đầu khóa học về Dân tộc học cũng tại Đại học Stockholm. Cô có thể nói lưu loát tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Thụy Điển và đang học thêm tiếng Pháp. Cô tốt nghiệp Đại học ngày 23 tháng 1 năm 2006 với tấm Bằng Cử nhân Xã hội học ngành lịch sử nghệ thuật, dân tộc học và lịch sử hiện đại. Năm 2007, cô học thêm ngành Tâm lý trẻ em cũng tại Đại học Stockholm.
Công việc từ thiện
Vương nữ Madeleine là người bảo trợ của tổ chức từ thiện Min Stora Dag. Cô đồng thời cũng là hội viên của các tổ chức khác như Europa Nostra, Carl Johan-League và Câu lạc bộ đua thuyền máy Hoàng gia.[5] Năm 2006, cô làm thực tập sinh 6 tháng cho UNICEF và Dịch vụ Bảo vệ Trẻ em ở thành phố New York, Mỹ.[4]
Nhiệm vụ Vương thất
Vương nữ Madeleine đã đảm nhận trọng trách đại diện cho vua cha và người dân Thụy Điển trong nhiều sự kiện trong nước và quốc tế. Cô đã từng đại diện Hoàng gia tham gia lễ chào mừng Quốc khánh Thụy Điển, sinh nhật của Đức Vua và Thái nữ của Thụy Điển, lễ trao giải Nobel, dạ hội và nhiều buổi gặp mặt với các thành viên Hoàng gia khác trên thế giới.[6] Vương nữ cũng từng đại diện cho Thụy Điển tham dự buổi lễ khánh thành Phòng tranh mới của Thụy Điển vào ngày 5 tháng 6 năm 2011 tại Bảo tàng Lịch sử Mỹ-Thụy Điển ở Philadelphia, Pennsylvania.
Đời tư
Ngày 11 tháng 8 năm 2009, Vương nữ Madeleine đã tuyên bố lễ đính hôn của mình với bạn trai quen từ năm 2002 - luật sư Jonas Bergström.[7][8] Vương nữ đã nói trong buổi phỏng vấn rằng họ đã đính hôn với nhau vào đầu tháng 6 năm 2009 ở Capri. Một bữa tối đã được tổ chức vào ngày đính hôn ở Cung điện Solliden trên đảo Öland. Sau khi kết hôn, Bergström sẽ mang tước hiệu Công tước xứ Hälsingland và Gästrikland.
Lễ cưới lúc đầu được dự định sẽ tổ chức vào nửa cuối năm 2010 nhưng bị hoãn lại do phải chuẩn bị lễ cưới cho chị của cô, Thái nữ Victoria vào tháng 6 năm 2010. Mặc kệ những tin đồn tan vỡ, Vương hậu Silvia vẫn tuyên bố rằng mối quan hệ của cặp đôi vẫn rất tốt và mọi thứ đều ổn.[9] Tuy nhiên, vào ngày 24 tháng 4 năm 2010, Vương gia Thụy Điển đã công bố rằng cặp đôi đã chia tay và lễ cưới của họ sẽ không bao giờ được diễn ra.[10]
Sau khi kết thúc mối tình với Bergström, Vương nữ chuyển sang sống ở thành phố New York. Tại đây, cô làm việc cho Quỹ Nhi đồng Thế giới - tổ chức mà mẹ của cô là đồng sáng lập. Ngày 25 tháng 10 năm 2012, Vương gia Thụy Điển thông báo lễ đính hôn giữa cô và nhà tài chính Christopher O'Neill.[11]
Ngày 23 tháng 12 năm 2012, gia đình Hoàng gia thông báo lễ cưới của Vương nữ Madeleine và Christopher O'Neill sẽ được diễn ra vào ngày 8 tháng 6 năm 2013 tại Nhà thờ Cung điện Hoàng gia ở Stockholm, Thụy Điển.[12] Thành viên của nhiều gia đình Hoàng gia trên thế giới đã đến tham dự lễ cưới. Vương nữ Madeleine xuất hiện lộng lẫy với chiếc váy cưới Haute couture của nhà thiết kế lừng danh Valentino.[13]
Năm 2008, Vương nữ đứng thứ 12 trong danh sách 20 thành viên Vương thất trẻ hấp dẫn nhất của tạp chí Forbes.[15]
Năm 2010, cô đứng thứ 3 trong danh sách 10 thành viên Vương thất trẻ hấp dẫn nhất của trang web PopCrunch.[16]
Năm 2011, Vương nữ Madeleine đứng thứ 7 trong danh sách Thành viên Vương thất đẹp nhất từ trước đến nay của tạp chí BeautifulPeople.com. Cô cũng nằm trong danh sách Thành viên Vương thất nữ hấp dẫn nhất của tạp chí CEOWORLD.[17]
Tước vị và tước hiệu
10 tháng 6 năm 1982 - nay:Her Royal Highness Vương nữ Madeleine của Thụy Điển, Nữ Công tước xứ Hälsingland và Gästrikland.
^(tiếng Anh)Julian (ngày 29 tháng 4 năm 2010). “10 Hottest Young Royals of 2010”. PopCrunch. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 17 tháng 5 năm 2014.