Số đội được gia tăng từ 16 lên 24 tại giải đấu năm 2015. Do đó, FIFA công bố số suất chi tiết của mỗi liên đoàn khu vực vào ngày 11 tháng 6 năm 2012 như sau:[1]
Tổng cộng 134 quốc gia thành viên của FIFA (không tính Canada) tham gia các giải đấu vòng loại. Ngoài ra còn có hai quốc gia không thuộc FIFA góp mặt tại giải đấu của khu vực CONCACAF. Bốn đội tuyển châu Phi bỏ cuộc trước giải.
(28 đội tranh 3 hoặc 4 suất, chủ nhà Canada vượt qua vòng loại với tư cách chủ nhà)
Giống như những kỳ World Cup trước, Cúp vàng nữ CONCACAF đóng vai trò vòng loại. Tổng cộng 30 đội tham dự vòng loại của giải vô địch CONCACAF, trong đó Martinique và Guadeloupe không đủ tư cách thi đấu tại vòng chung kết World Cup do chỉ là thành viên của CONCACAF mà không phải là FIFA. Do đó, có tổng số 28 đội thực tế dự tranh ba suất trực tiếp cộng suất tranh vé vớt với đại diện của CONMEBOL, đội tuyển Ecuador. Canada không tham dự do là chủ nhà của World Cup.
Vòng chung kết của giải diễn ra ở Mỹ từ 15 tới 26 tháng 10 năm 2014.[3]Hoa Kỳ và México được đặc cách không phải đá vòng loại. Costa Rica, Guatemala của khu vực Trung Mỹ; Haiti, Jamaica, Martinique và Trinidad và Tobago của khu vực Caribe là các đội giành quyền thi đấu tại Mỹ. Hai đội đá trận chung kết và đội đứng thứ ba sẽ vào thẳng vòng chung kết World Cup 2015. Đội hạng tư sẽ đá với đội hạng ba khu vực CONMEBOL để tranh suất còn lại. Vào ngày 5 tháng 9 CONCACAF thông báo rằng nếu Martinique xếp ở một trong hai vị trí đầu bảng, họ vẫn sẽ không thể được phép đá bán kết và đội thứ ba cùng bảng sẽ thế chân họ.[4][5]
Giống như kỳ World Cup trước, Cúp bóng đá nữ châu Á vẫn đóng vai trò vòng loại. Tổng cộng 20 đội tuyển cạnh tranh cho năm tấm vé chính thức.
Vòng chung kết do Việt Nam làm chủ nhà từ 14 tới 25 tháng 5 năm 2014, gồm tám đội, bốn trong số đó – Úc, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc – không phải đá vòng loại nhờ thứ hạng của họ tại Cúp bóng đá nữ châu Á 2010, trong khi bốn đội còn lại được xác định thông qua vòng loại.[6]CHDCND Triều Tiên bị cấm thi đấu do các trường hợp dính doping tại Giải bóng đá nữ vô địch thế giới 2011.[7]
Có tổng cộng 46 đội tuyển của UEFA tham gia vòng loại. Tám đội xếp hạng thấp nhất xem tham gia vòng sơ loại và được phân làm hai bảng, mỗi bảng bốn đội, thi đấu theo thể thức vòng tròn một lượt từ ngày 4 tới ngày 9 tháng 4 năm 2013, lần lượt tại Malta và Litva. Hai đội nhất mỗi bảng tiến vào vòng đấu chính.
Vòng đấu bảng chính diễn ra theo thể thức vòng tròn hai lượt từ 20 tháng 9 năm 2013 tới 17 tháng 9 năm 2014. Cả bảy đội nhất bảng giành vé trực tiếp tới Canada, trong khi đó bốn đội nhì bảng có thành tích đối đầu tốt nhất trước các đội thứ nhất, ba, bốn và năm trong bảng của mình sẽ tiến vào vòng play-off để tranh suất còn lại.
Các trận play-off thi đấu theo thể thức loại trực tiếp sân nhà sân khách vào các ngày 25/26 và 29/30 tháng 10 (bán kết), 22/23 và 26/27 tháng 11 năm 2014 (chung kết).
Đức, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Na Uy, Anh và Pháp giành quyền tới vòng chung kết Cúp Thế giới. Ý, Scotland, Hà Lan và Ukraina tiến vào vòng play-off.
Giống như kỳ World Cup trước, Cúp bóng đá nữ châu Đại Dương đóng vai trò vòng loại. Chỉ có bốn đội tuyển dự giải tại Papua New Guinea từ 25 tới 29 tháng 10 năm 2014.[8] Đội vô địch New Zealand giành quyền tới World Cup.
Giống như kỳ World Cup trước, Giải vô địch bóng đá nữ châu Phi vẫn đóng vai trò vòng loại. Vòng loại chứng kiến con số kỷ lục 25 đội tuyển của CAF tham gia (26 nếu tính cả chủ nhà Namibia). Tuy nhiên bốn đội bỏ cuộc trước khi cuộc chơi bắt đầu.
Bảy đội vượt qua vòng loại và chủ nhà tham gia giải đấu ở Namibia từ 11 tới 25 tháng 10 năm 2014. Ba đội đứng đầu sẽ giành quyền tới Canada.
Giống như những kỳ World Cup trước, Giải vô địch bóng đá nữ Nam Mỹ đóng vai trò vòng loại. Cả 10 quốc gia khu vực CONMEBOL tham gia thi đấu tại giải, diễn ra tại Ecuador từ 11 tới 28 tháng 9 năm 2014. Hai đội đứng đầu giai đoạn hai sẽ vào thẳng World Cup, trong khi đó đội thứ ba sẽ đấ trận tranh vé vớt với dội hạng bốn khu vực CONCACAF để tranh suất còn lại.
Trận play-off diễn ra giữa Trinidad và Tobago, đội hạng bốn Bắc, Trung Mỹ và Caribe (CONCACAF), và Ecuador, đội hạng ba Nam Mỹ (CONMEBOL). Lễ bốc thăm xếp lịch thi đấu diễn ra tại Zürich vào ngày 22 tháng 7 năm 2014.[9] Ecuador tổ chức trận lượt đi ngày 8 tháng 11 năm 2014, còn Trinidad và Tobago là chủ nhà của trận lượt về vào ngày 2 tháng 12 năm 2014.[10]