Tuyển nữ Thái Lan ít nhiều thống trị khu vực với 4 lần vô địch AFF Cup và 5 lần vô địch SEA Games. Họ cũng hai lần liên tiếp giành quyền chơi vòng chung kết giải vô địch bóng đá nữ thế giới với lần đầu tiên là vào năm 2015.[2]
Đại diện nữ của Thái Lan từng đăng quang giải vô địch bóng đá nữ châu Á năm 1983 và cho đến nay đó là lần duy nhất một đội bóng cấp quốc gia của Thái Lan vô địch một giải đấu châu lục.[3][4]
Nói về quyết định nhận lời mời của Chủ tịch FAT Worawi Makudi để trở thành trưởng đoàn bóng đá nữ, nữ doanh nhân Nualphan Lamsam lúc đó cho biết mình không phải cầu thủ, cũng không có nhiều kiến thức về bóng đá nên tỏ ra khá do dự. Tuy nhiên, khi gặp các cầu thủ nữ, bà thấy có cảm tình và quyết định nhận trách nhiệm mới. Theo ước tính của truyền thông Thái Lan, trong 6 năm từ 2009 đến 2015, thời điểm tuyển nữ Thái Lan lần đầu tham dự World Cup, nữ tỷ phú sinh năm 1966 đã đầu tư khoảng 100 triệu bạt nhằm nâng tầm đội nhà. Không chỉ đầu tư tiền của, Lamsam còn là con người ân cần, chu đáo và dành nhiều thời gian quan tâm tới đời sống tinh thần các cầu thủ. Những cầu thủ nữ Thái Lan sau khi giải nghệ cũng được bà thu xếp công ăn, việc làm để giúp họ cũng như nhiều cầu thủ khác có thể yên tâm cống hiến cho đội tuyển. Với sự tận tâm và chu đáo của mình, Lamsam được các cầu thủ gọi với cái tên thật mật là "Madam Pang".[6] Kết thúc hành trình tại World Cup 2019, "Madam Pang" đã tuyên bố chia tay đội tuyển Thái Lan sau 12 năm gắn bó.[cần dẫn nguồn]
Thành tích
Đội tuyển nữ Thái Lan đã thi đấu quốc tế từ những năm 1970, nhưng cho đến sau trận gặp Đài Loan tháng 10 năm 1981 thì những trận đấu trước đó không có trong danh mục theo dõi của FIFA.[7]
Cấp thế giới
Lần đầu tham dự vòng chung kết World Cup vào năm 2015, Thái Lan suýt vượt qua vòng bảng khi đứng thứ ba với ba điểm sau chiến thắng Bờ Biển Ngà 3–2 cùng hai trận thúc thủ trước Đức và Na Uy, tuy nhiên, họ lại kém đội ở bảng D là Thụy Điển về chỉ số xếp hạng đội đứng thứ ba. Lần thứ hai tham dự vào năm 2019, đội không có kết quả tốt như lần đầu, bị loại mà không có được điểm nào và còn thua Hoa Kỳ trận mở màn với tỷ số đậm kỷ lục của giải đấu này là 0–13 cũng như để thua Chile, đối thủ kém mình 5 bậc trên bảng xếp hạng FIFA khi ấy.[8]
Là một thế lực của bóng đá nữ châu Á vào những năm tiên khởi, Thái Lan đoạt ngôi á quân cả ba lần đầu tiên dự giải vô địch châu Á trước khi chính thức xưng vương ngay trên sân nhà Băng Cốc tại giải đấu mà họ đăng cai năm 1983 với chiến thắng 3–0 trước Ấn Độ. Hầu hết những vòng chung kết châu lục các năm sau đó Thái Lan đều góp mặt nhưng không vượt qua được vòng bảng cho tới kỳ Asian Cup 2014, giải đấu mà họ đánh bại chủ nhà Việt Nam trong trận đấu tranh hạng năm cũng là trận tranh tấm vé dự World Cup 2015.[9] Sau chiến tích đó, Hiệp hội bóng đá Thái Lan thông báo muốn đầu tư thêm cho việc xây dựng "thế hệ vàng đầu tiên" của bóng đá nữ Thái Lan, những nữ cầu thủ vốn không được dư luận Thái quan tâm như những đồng nghiệp nam.[10]