Nó đã phục vụ cho đến khi Thế Chiến II kết thúc, rồi tiếp tục hoạt động trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên và sau đó, cho đến khi xuất biên chế vào năm 1959. Nó được huy động trở lại để phục vụ từ năm 1961 (?) đến năm 1969 và được xếp lại lớp như là chiếc LPR-124. Con tàu cuối cùng bị bán để tháo dỡ vào năm 1975. Horace A. Bass được tặng thưởng danh hiệu Đơn vị Tuyên dương Hải quân cùng hai Ngôi sao Chiến trận do thành tích phục vụ trong Thế Chiến II, và thêm sáu Ngôi sao Chiến trận khác khi hoạt động tại Triều Tiên.
Thiết kế của lớp Crosley dựa trên việc cải biến lớp tàu hộ tống khu trụcRudderow. Cấu trúc thượng tầng con tàu được mở rộng, đồng thời tháo dỡ bớt vũ khí trang bị để lấy chỗ bố trí nơi nghỉ cho 162 binh lính được vận chuyển cùng khoảng 40 tấn trang bị. Hệ thống động lực tương tự như với các lớp Buckley và Rudderow; là kiểu động cơ turbine-điện General Electric, cung cấp điện năng cho mô-tơ điện để dẫn động hai trục chân vịt.[2][3]
Dàn vũ khí được giữ lại bao gồm một khẩu pháo 5 inch (130 mm)/38 cal bố trí một phía trước mũi; ba khẩu đội pháo phòng không Bofors 40 mm nòng đôi và sáu pháo phòng không Oerlikon 20 mm; vũ khí chống ngầm gồm hai đường ray Mk. 9 để thả mìn sâu.[4][5] Thủy thủ đoàn đầy đủ bao gồm 15 sĩ quan và 168 thủy thủ; và con tàu được bố trí tiện nghi để vận chuyển 12 sĩ quan cùng 150 binh lính đổ bộ.[4]
Trước khi chế tạo, Horace A. Bass được xếp lại lớp như một tàu vận chuyển cao tốc vào ngày 17 tháng 7, 1944, đổi từ ký hiệu lườn DE-691 sang APD-124. Nó được đặt lườn tại xưởng tàu của hãng Bethlehem Steel Corp. ở Quincy, Massachusetts vào ngày 3 tháng 8, 1944, được hạ thủy vào ngày 12 tháng 9, 1944, được đỡ đầu bởi bà Horace A. Bass Jr., vợ góa của Thiếu úy Bass. Con tàu nhập biên chế cùng Hải quân Hoa Kỳ vào ngày 21 tháng 12, 1944 dưới quyền chỉ huy của Hạm trưởng, Thiếu tá Hải quân Frederick W. Kuhn.[1][6][7]
Horace A. Bass đi đến chiến trường kịp lúc để tham gia đánh trả các đợt không kích ác liệt của máy bay Kamikaze đối phương, được ghi công đã bắn hạ ít nhất một máy bay đối phương. Sau đó nó đảm trách vai trò tuần tra tại các trạm cột mốc radar nhằm cảnh báo sớm các đợt không kích của đối phương. Nó lên đường vào ngày 10 tháng 4 hộ tống một đoàn tàu vận tải đi sang Guam, và trong chặng quay trở về, lúc 18 giờ 04 phút ngày 25 tháng 4, tại vị trí cách 165 nmi (306 km) về phía Tây Nam Okino-Daito Jima, nó phát hiện một mục tiêu tàu ngầm đối phương qua sonar. Sau nhiều lượt tấn công bằng mìn sâu, nó đã đánh chìm tàu ngầm RO-109 tại tọa độ 21°58′B129°38′Đ / 21,967°B 129,633°Đ / 21.967; 129.633 lúc 19 giờ 00.[1][8]
Quay trở lại Okinawa vào ngày 26 tháng 4, Horace A. Bass tiếp nối vai trò tuần tra tại các trạm cột mốc radar, xen kẻ với các chuyến hộ tống vận tải đến Saipan và Guam. Cho dù Okinawa đã được bình định vào giữa tháng 6, các cuộc không kích của đôi phương vẫn tiếp diễn, nên con tàu phải tiếp tục tuần tra phòng không và chống tàu ngầm nhằm bảo vệ tàu bè ngoài khơi Okinawa. Sáng sớm ngày 30 tháng 7, nó đang tuần tra tại trạm canh phòng khi một máy bay tấn công tự sát Kamikaze bay thấp đã đâm bổ vào con tàu, đâm xuyên qua cấu trúc thượng tầng trước khi rơi xuống biển cạnh tàu; quả bom mang theo kích nổ dưới nước bên mạn tàu, khiến chiếc tàu vận chuyển cao tốc hư hại đáng kể và chịu đựng 14 thương vong. Horace A. Bass nhanh chóng được sửa chưa, tiếp tục ở lại vùng biển Okinawa cho đến ngày 14 tháng 8.[1]
Về đến San Francisco, California vào ngày 7 tháng 2, Horace A. Bass được đại tu tại Xưởng hải quân Mare Island, Vallejo, California từ ngày 11 tháng 2 đến ngày 10 tháng 4, rồi hoạt động huấn luyện tại khu vực San Diego. Nó lên đường vào ngày 27 tháng 1, 1947 để đi sang Viễn Đông, nơi nó tham gia các nỗ lực nhằm ổn định tình hình trong bối cảnh cuộc Nội chiến Trung Quốc. Đi đến Thanh Đảo vào ngày 5 tháng 3, nó hoạt động như một tàu căn cứ tại đây cho đến khi lên đường quay trở về San Diego vào ngày 30 tháng 7. Nó tiếp nối các hoạt động huấn luyện tại vùng biển ngoài khơi California.[1]
Sang đầu năm 1948, Horace A. Bass hoạt động ngoài khơi bờ biển Mexico, rồi lên đường vào ngày 16 tháng 6 để đi sang Trung Quốc. Nó lại hoạt động như một tàu căn cứ tại Hong Kong và Thanh Đảo, xen kẻ với các chuyến đi đến quần đảo Marshall và Guam. Khi phe Cộng sản chiếm ưu thế trong cuộc nội chiến, chiếc tàu chiến đã trợ giúp vào việc di tản kiều dân nhiều nước rời khỏi Nam Kinh vào tháng 11, rồi rời vùng biển Trung Quốc vào ngày 1 tháng 12 để quay trở về Hoa Kỳ, về đến San Diego vào ngày 21 tháng 12, nơi con tàu được sửa chữa và huấn luyện.[1]
Sau đợt thực hành huấn luyện tại San Diego và một cuộc diễn tập đổ bộ quy mô lớn tại khu vực Hawaii, Horace A. Bass rời Trân Châu Cảng vào ngày 14 tháng 11, 1949 cho một đợt hoạt động khác tại Trung Quốc. Đi đến Hong Kong vào ngày 30 tháng 11, nó ở lại vùng biển Trung Quốc và các nước Đông Nam Á nhằm bảo vệ quyền lợi của công dân Hoa Kỳ trong khu vực cho đến giữa năm 1950. Con tàu quay trở về San Diego vào ngày 12 tháng 6.[1]
Chiến tranh Triều Tiên
Sau khi cuộc Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ vào ngày 25 tháng 6, 1950, Horace A. Bass được huy động sang khu vực Tây Thái Bình Dương để hỗ trợ cho hoạt động tác chiến của lực lượng Liên Hiệp Quốc tại đây. Nó lên đường vào ngày 14 tháng 7, đi đến ngoài khơi Triều Tiên vào ngày 2 tháng 8 với binh lính thuộc Sư đoàn 2 Thủy quân Lục chiến. Các Đội phá hoại dưới nước (UDT: Underwater Demolition Team) và Trinh sát Thủy quân Lục chiến được phối thuộc cùng con tàu khi nó hoạt động dọc theo bờ biển phía Đông bán đảo Triều Tiên để đánh phá các tuyến đường tiếp vận đối phương. Từ ngày 11 đến ngày 17 tháng 8, nó thực hiện ba cuộc đột kích, phá hủy ba đường hầm và hai cầu, đồng thời bắn phá bờ biển bằng hải pháo vào ban ngày.[1]
Khi lực lượng Liên Hiệp Quốc chuẩn bị chuyển sang giai đoạn phản công, Horace A. Bass đã góp phần trong cuộc đổ bộ bất ngờ lên Incheon. Các đội trinh sát được phối thuộc của nó đã trinh sát các bãi đổ bộ từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 8, rồi khởi hành từ Pusan vào ngày 12 tháng 9 để tham gia cuộc đổ bộ chính diễn ra vào ngày 15 tháng 9. Khi lực lượng Liên Hiệp Quốc tiếp tục tấn công lên phía Bắc, con tàu quay trở lại hoạt động đánh phá dọc bờ biển, vận chuyển lực lượng Commando Hải quân Hoàng gia tung ra hai đợt đột kích vào cầu và hầm gần Sŏngjin từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 10. Đến cuối tháng 10, nó đi đến Wŏnsan để làm nhiệm vụ dọn sạch cảng này chuẩn bị cho một cuộc đổ bộ khác, hỗ trợ cho hoạt động của một đội tàu quét mìn tại đây. Trong ba tháng tiếp theo con tàu làm nhiệm vụ khảo sát bờ biển trước khi lên đường vào ngày 28 tháng 1, 1951 để quay trở về Hoa Kỳ.[1]
Lên đường vào ngày 24 tháng 9, 1951 để quay trở lại vùng chiến sự Triều Tiên, sau khi ghé qua Yokosuka, Horace A. Bass tiếp nối nhiệm vụ bắn phá bờ biển và đánh phá dọc bờ biển Bắc Triều Tiên. Nó đã đưa các đội đổ bộ Hoa Kỳ, Anh và Hàn Quốc tiến hành 14 cuộc đột kích nhằm ngăn chặn con đường tiếp vận đối phương trước khi hoàn tất nhiệm vụ tại Triều Tiên vào ngày 3 tháng 7, 1952. Sau hành trình đi ngang qua Yokosuka, nó về đến San Diego vào ngày 20 tháng 7. Con tàu hoạt động tại vùng bờ biển California trong một năm tiếp theo, trước khi lại lên đường vào ngày 15 tháng 7, 1953 cho lượt phục vụ thứ ba tại Triều Tiên; tuy nhiên các bên tham chiến đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn lúc con tàu còn đang trên đường đi.[1]
1953 - 1969
Sau khi đi đến Yokosuka vào ngày 3 tháng 8, Horace A. Bass trở thành soái hạm của hải đội đổ bộ và tham gia nhiều đợt huấn luyện đổ bộ tại Nhật Bản, cũng như ba lượt khảo sát thủy văn và hai đợt phá hủy chớng ngại vật dọc theo bờ biển Triều Tiên, vào lúc thỏa thuận ngừng bắn đã có hiệu lực. Con tàu viếng thăm nhiều cảng Viễn Đông trước khi rời Yokosuka vào ngày 5 tháng 4, 1954 để quay trở về Hoa Kỳ. Nó quay trở lại hoạt động huấn luyện và bảo trì thường lệ trong thời bình tại vùng bờ Tây, cho đến khi lên đường vào ngày 23 tháng 10 để đi sang Viễn Đông.[1]
^Rivet, Eric; Stenzel, Michael. “Classes of Destroyer Escorts”. History of Destroyer Escorts. Destroyer Escort Historical Museum. Truy cập ngày 12 tháng 5 năm 2022.
^Hackett, Bob; Kingsepp, Sander. “IJN Submarine RO-109 - Tabular Record of Movement”. Imperial Japanese Navy Page. |url= trống hay bị thiếu (trợ giúp); |ngày truy cập= cần |url= (trợ giúp)