Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam
Tên viết tắtDGMV
Thành lập2/10/1945
Giải tán01/01/2023
LoạiCơ quan nhà nước
Vị thế pháp lýĐã ngừng hoạt động
Mục đíchThực thi pháp luật về địa chất và khoáng sản trong phạm vi cả nước
Trụ sở chínhSố 6 phố Phạm Ngũ Lão, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm
Vị trí
Vùng phục vụ
Việt Nam
Ngôn ngữ chính
Tiếng Việt
Chủ quản
Bộ Tài nguyên và Môi trường
Trang webdgmv.gov.vn

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (tiếng Anh: General Department of Geology and Minerals of Viet Nam, viết tắt DGMV) (Đã ngừng hoạt động từ ngày 01/01/2023) là cơ quan trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về địa chấtkhoáng sản trong phạm vi cả nước; quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục theo quy định của pháp luật.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ ấu tổ chức của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam được quy định tại Quyết định số 48/2017/QĐ-TTg ngày 12/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Lịch sử hình thành và phát triển[1]

Trải qua hơn 60 năm, cho đến nay, Ngành Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã trưởng thành và phát triển với nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau với cơ cấu tổ chức, tên gọi khác nhau. Có thể tóm tắt quá trình lịch sử của Ngành như sau:

Năm 1946: Nha Khoáng chất và Kỹ nghệ thuộc Bộ Quốc dân Kinh tế (sau ngày 26/11/1946 Bộ Quốc dân Kinh tế đổi tên thành Bộ Kinh tế).

Năm 1955: Sở Địa chấtCục Khai khoáng thuộc Bộ Công thương.

Năm 1957: Cục Địa chất thuộc Bộ Công nghiệp.

Năm 1960: Thành lập Tổng cục Địa chất trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).

Năm 1987: Tổng Cục Mỏ và Địa chất trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) được thành lập trên cở sở Tổng cục Địa chất.

Năm 1990: Tổng Cục Mỏ và Địa chất giải thể, thành lập Cục Địa chất Việt Nam, chuyển Cục Quản lý Tài nguyên khoáng sản Nhà nước trực thuộc Bộ Công nghiệp nặng.

Năm 1996: Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trực thuộc Bộ Công nghiệp được thành lập trên cở sở hợp nhất Cục Địa chất Việt Nam và Cục Quản lý Tài nguyên Khoáng sản Nhà nước.

Năm 2002: Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường được thành lập bởi Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ,[2] chức năng quản lý nhà nước về Địa chất, Khoáng sản chuyển từ Bộ Công nghiệp sang Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó ngày 27/12/2002 Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chính thức được chuyển từ Bộ Công nghiệp sang Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ngày 21/5/2010: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 718/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 về lấy ngày 2 tháng 10Ngày Truyền thống của ngành Địa chất Việt Nam.[3]

Tháng 7/2011: Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam được nâng cấp thành Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam bởi Quyết định số 26/2011/QĐ-TTg ngày 4/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ.[4]

Từ 01/01/2023: Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam được tách ra thành Cục Địa chất Việt NamCục Khoáng sản Việt Nam.

Nhiệm vụ và quyền hạn

Theo Điều 2, Quyết định số 48/2017/QĐ-TTg ngày 12/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có nhiệm vụ, quyền hạn chính:

  1. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch điều tra cơ bản địa chất và khoáng sản.
  2. Tham gia ý kiến bằng văn bản về quy hoạch khoáng sản và các quy hoạch khác có liên quan do các bộ, ngành, địa phương xây dựng.
  3. Khoanh định, công bố loại khoáng sản, vị trí, tọa độ, diện tích điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thuộc diện khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
  4. Khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường; khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; khu vực điều tra, đánh giá khoáng sản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổ chức khoanh định khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; khu vực có khoáng sản độc hại.
  5. Có ý kiến bằng văn bản về khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; theo dõi, kiểm tra việc khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
  • Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về:
  1. Công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.
  2. Kinh tế địa chất và khoáng sản.
  3. Kiểm soát hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và kiểm soát hoạt động khoáng sản.
  4. Thông tin, dữ liệu địa chất và khoáng sản.
  5. Các loại giấy phép thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục.
  • Về hợp tác quốc tế:
  1. Tham gia đàm phán các điều ước, thỏa thuận quốc tế về địa chất và khoáng sản; tổ chức thực hiện các điều ước, thỏa thuận quốc tế về địa chất và khoáng sản theo phân công hoặc ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
  2. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình, đề án, dự án hợp tác quốc tế, diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế về địa chất và khoáng sản sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
  3. Giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối quốc gia tham gia Ủy ban Điều phối các Chương trình khoa học Địa chất khu vực Đông và Đông Nam Á (CCOP), Ủy ban Quốc gia Việt Nam về Chương trình Khoa học Địa chất Quốc tế (IGCP),
  • Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phân công.

Cơ cấu tổ chức

(Theo Điều 3, Quyết định số 48/2017/QĐ-TTg ngày 12/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ)

Các đơn vị giúp việc Tổng cục trưởng

  • Văn phòng Tổng cục
  • Vụ Địa chất
  • Vụ Khoáng sản
  • Vụ Chính sách và Pháp chế
  • Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế
  • Vụ Kế hoạch - Tài chính
  • Vụ Tổ chức cán bộ
  • Cục Kinh tế Địa chất và Khoáng sản
  • Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc
  • Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Trung
  • Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Nam

Các đơn vị sự nghiệp công lập

Xuất bản

Tạp chí Địa chất là tạp chí chuyên ngành, ra đời năm 1961[5]. Ban đầu là Nội san Địa chất, xuất bản định kỳ mỗi tháng một số. Đến số 8 (tháng 4/1962) nội san đổi thành "Tập san Địa chất" xuất bản định kỳ mỗi tháng một số và được phát hành rộng rãi.

Từ số 172 (tháng 1/1986), Tập san được đổi tên là "Tạp chí Địa chất" xuất bản định kỳ 2 tháng một số. Từ năm 1993, Tạp chí xuất bản loạt B bằng tiếng Anh "Journal of Geology" với số lượng một năm 2 số. Các tạp chí đều chưa có tiếng tăm trong làng tạp chí thế giới [6].

Tham khảo

  1. ^ “Lịch sử hình thành và phát triển Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam”.
  2. ^ “Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ”.
  3. ^ “Quyết định số 718/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ”.
  4. ^ “Quyết định số 26/2011/QĐ-TTg ngày 4/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ”.
  5. ^ Tạp chí Địa chất tròn 50 tuổi. Trung tâm Thông tin Lưu trữ địa chất, 2011. Truy cập 28/11/2015.
  6. ^ SCImago Journal Ranking: Journal of Geology (Vietnam) - Không thấy.

Liên kết ngoài