Tiêm chủng có thể bảo vệ con người khỏi 25 tác nhân truyền nhiễm hoặc bệnh khác nhau, từ trẻ sơ sinh đến tuổi già, bao gồm bạch hầu, sởi, ho gà, bại liệt, uốn ván và COVID-19. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính tiêm chủng chủ động có thể ngăn chặn 2 - 3 triệu ca tử vong mỗi năm. Tuy nhiên, 22,6 triệu trẻ sơ sinh trên toàn thế giới vẫn đang thiếu các loại vắc-xin cơ bản, chủ yếu ở các nước đang phát triển.[1] Tỷ lệ bao phủ tiêm chủng không đầy đủ thường do nguồn lực hạn chế, cạnh tranh ưu tiên y tế, quản lý hệ thống y tế còn kém và giám sát không đầy đủ. Mục tiêu của Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới là nâng cao nhận thức của cộng đồng về cách tiêm chủng cứu sống con người, và hỗ trợ mọi người ở khắp mọi nơi có được các loại vắc-xin cần thiết để chống lại những căn bệnh nguy hiểm cho bản thân và con cái của họ.
Trước đây, các hoạt động của Tuần lễ tiêm chủng được tổ chức vào các ngày khác nhau ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới được tổ chức đồng loạt lần đầu tiên vào năm 2012, với sự tham gia của hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.[4][5]
Chủ đề
Mỗi năm Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới tập trung vào một chủ đề. Các chủ đề qua từng năm bao gồm:[6][7]
2021: "Vắc xin đưa chúng ta đến gần hơn" (Vaccines bring us closer)[8]
2020: "Vắc xin hoạt động cho tất cả mọi người" (Vaccines Work for All)
2018 & 2019: "Cùng nhau được bảo vệ: Vắc xin hoạt động!" (Protected Together: Vaccines Work!)
2017: "Vắc xin hoạt động" (Vaccines Work)
2015 & 2016: "Thu hẹp khoảng cách tiêm chủng" (Close the immunization gap)
2014: "Bạn có cập nhật không?" (Are you up-to-date?)
2013: "Bảo vệ thế giới của bạn - hãy tiêm chủng" (Protect your world – get vaccinated)