Trung Sơn (chữ Hán: 中山; bính âm: Zhōngshān) là thành phố địa cấp thị của tỉnh Quảng Đông.
Diện tích: 1.800 km², dân số năm 2006 là 2,5 triệu người, GDP 1.036 tỷ nhân dân tệ.
Lịch sử
Ban đầu thành phố này là một huyện tên gọi là Hương Sơn (香山) và sau đó được đổi tên để vinh danh Tôn Trung Sơn (hay còn được gọi bằng tên khác là Tôn Dật Tiên) - người được nhiều người cho là quốc phụ của Trung Quốc ngày nay. Tôn Trung Sơn sinh ra tại thôn Thúy Hanh (ngày nay là một phần của trấn Nam Lãng nằm bên ngoài trung tâm của Trung Sơn). Trước khi đổi tên, huyện là một phần của Việt Hải Đạo (粵海道).
Trung Sơn có nhiều công viên cây xanh, các đại lộ rộng rãi và nhiều tượng đài. Các điểm tham quan nổi tiếng có:
Tôn Văn Tây Lộ trong khu phố cố của Trung Sơn, một phố đi bộ với nhiều cửa hàng với kiểu kiến trúc thời thuộc địa theo phong cách cảng buôn (treaty port). Một vài tòa nhà trong số này được xây dựng vào thập niên 1920. Tại khắp thành phố có thể thấy rõ tháp Phụ Phong Văn Bút 7 tầng hình bát giác, được xây dựng vào năm 1608, tọa lạc trên một ngọn đồi tại công viên Trung Sơn, giáp với đầu phía tây của Tôn Văn Tây Lộ ngay tại phía bắc. Một tòa nhà tưởng niệm Tôn Trung Sơn nằm ngay cạnh tháp này.
Công viên kỷ niệm Tôn Văn, tọa lạc tại phía nam đường Hưng Trung, là nơi đặt bức tượng đồng lớn nhất của Tôn Dật Tiên trên thế giới.
Các đơn vị hành chính
Trung Sơn là một thành phố thuộc tỉnh (địa cấp thị) với đặc điểm phân chia hành chính không giống các thành phố khác là không có các đơn vị cấp huyện. Chính quyền thành phố quản lý 18 trấn, 6 nhai đạo biện sự xứ (phó khu/quận) và 1 khu phát triển:
6 nhai đạo: Thạch Kỳ (石岐), Đông Khu (东区), Trung Sơn Cảng (中山港), Tây Khu (西区), Nam Khu (南区), Ngũ Quế Sơn (五桂山).
Trung Sơn, cùng với Đông Hoản, Nam Hải và Thuận Đức được mệnh danh là Tứ tiểu hổ ở Quảng Đông. Vị trí gần Hồng Kông và Ma Cao là một lợi thế phát triển kinh tế, đặc biệt là chế tạo.