Tần Khai là người nước Yên. Vào trước thế kỷ 3 TCN, Tần Khai bị đưa sang Đông Hồ làm con tin. Ở đây, Khai chiếm được sự tin tưởng của người Hồ, từ đó thăm dò quân sự, am hiểu dân tình, phong tục tập quán của Đông Hồ.[1]
Năm 313 TCN, Yên Chiêu vương lên ngôi, nghe lời vương sư Quách Ngỗi, dựng đài Hoàng Kim, chiêu hiền đãi sĩ. Hào kiệt các nơi như Nhạc Nghị, Trâu Diễn, Kịch Tân sôi nổi theo về.[2] Tần Khai từ Đông Hồ trốn về Yên, được Chiêu vương phong làm tướng quân.[1]
Tần Khai nhờ công lao mà được tôn xưng là Hiền tướng (賢將), không rõ hậu sự ra sao. Cháu của Tần Khai là Tần Vũ Dương về sau theo Kinh Kha hành thích Tần Thủy Hoàng.[1]
Khảo cổ
Năm 2000, Cục di sản Trung Quốc tiến hành khai quật ở thôn Trượng Tử, gần sông Đại Lăng, thuộc huyện Kiến Xương, thành phố Hồ Lô Đảo, tỉnh Liêu Ninh[4] đã phát hiện ra một ngôi mộ ốp đá quách gỗ, có chứa các cổ vật gồm đoản kiếm bằng đồng và đoản kiếm kiểu Yên, được xem là di vật của Tần Khai.[5]
Năm 2003, Công viên Ngũ Lý Hà ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh cho dựng tượng đồng Tần Khai. Quảng trường quanh tượng đài được gọi là Quảng trường Tần Khai.[6]
Trong văn hóa
Tiểu thuyết Đông Chu liệt quốc chí không nhắc đến Tần Khai cũng như chiến tích khai cương khuếch thổ của ông.
Trong tiểu thuyết Đại Tần đế quốc, Tần Khai xuất hiện nhiều hơn, có tham gia cuộc chiến phạt Tề. Đến khi Nhạc Nghị bị ly gián, quân tâm mất kết, Tần Khai vẫn dẫn dắt quân đội rút lui thành công, tránh bị Điền Đan tiêu diệt.