Sử thông (chữ Hán: 史通) là tác phẩm sử học Trung Quốc do nhà sử học Lưu Tri Kỷ thời nhà Đường biên soạn. Tác phẩm nhấn mạnh về phương pháp biên soạn lịch sử của các sử gia trên cơ sở tổng kết những công trình sử học trước thời Đường của tác giả.
Tác giả
Tác giả Sử thông là Lưu Tri Kỷ, đỗ tiến sĩ năm 680. Ông làm quan thời nữ hoàng Võ Tắc Thiên. Do tính tình ông quá thẳng thắn và nóng nảy nên hay mất lòng quan trên. Vì vậy suốt 19 năm ông không được thăng chức[1].
Năm 699, Lưu Tri Kỷ được điều về Tràng An tham gia biên soạn công trình "Tam giáo châu anh". Sau đó, ông bất mãn và cáo quan về quê, tự soạn bộ Sử thông nổi tiếng để lại cho đời sau.
Năm 710, Sử thông hoàn thành, danh tiếng của ông càng nổi. Ông lại được mời ra làm quan. Thời Đường Huyền Tông, ông được phong làm Tán kị thường thị. Ông qua đời năm 721, thọ 61 tuổi.
Kết cấu
Sử thông có tổng cộng 20 quyển, chia thành 2 phần: nội thiên và ngoại thiên, mỗi phần 10 quyển.
Nội thiên của Sử thông gồm có 39 thiên, ngoại thiên gồm 13 thiên, tổng cộng là 52 thiên. Trong số các thiên này, có 3 thiên "thể thống", "Phì mậu", "trì trương" thuộc phần nội thiên đã bị thất lạc vào thời Tống, hiện nay chỉ còn 49 thiên. Ngoài ra, thiên "Tự lục" chính là mục lục của Sử thông.
Nội thiên
|
Quyển |
Các thiên
|
1 |
Lục gia
|
2 |
Nhị thể, Tái ngôn, Bản kỷ, Thế gia, Liệt truyện
|
3 |
Biểu lịch, Thư chí
|
4 |
Luận tán, Tự lệ, Đề mục, Đoạn hạn, Biên thứ, Xưng vị
|
5 |
Thái soạn, Tái văn, Bổ chú, Nhân tập, Ấp lý
|
6 |
Ngôn ngữ, Phù từ, Tự sự
|
7 |
Phẩm tảo, Trực thư, Khúc bút, Giám thức, Thám trách
|
8 |
Mạc nghĩ, Thư sự, Nhân vật
|
9 |
Hạch tài, Tự truyện, Phiền tỉnh
|
10 |
Tạp thuật, Biện chức, Tự tự, ba thiên Thể thống, Phì mậu và Trì trương bị thất truyền
|
Ngoại thiên
|
Quyển |
Các thiên
|
11 |
Sử quan kiến trí
|
12 |
Cổ kim chính sử
|
13 |
Nghi cổ
|
14 |
Hoặc kinh, Thân tả
|
15 |
Điểm phồn
|
16 |
Tạp thuyết thượng
|
17 |
Tạp thuyết trung
|
18 |
Tạp thuyết hạ
|
19 |
Hán thư ngũ hành chí thác ngộ, Hán thư ngũ hành chí tạp bác
|
20 |
Ám hoặc, Ngỗ thời
|
Nội dung
Nguồn gốc sử học
Sử thông đề cập tới nguồn gốc sử học cũng như chế độ sử gia qua các triều đại. Phần đầu Nội thiên gồm 2 thiên "Lục gia" và "Nhị thể" tổng kết lịch sử cổ đại Trung Quốc theo những sử liệu và thể loại thư tịch lịch sử trước thời Đường.
Lưu Tri Kỷ chia lịch sử Trung Hoa cổ đại thành 6 nhà (lục gia): Thượng thư gia, Xuân Thu gia, Tả truyện gia, Quốc ngữ gia, Sử ký gia, Hán thư gia. Lưu Tri Kỷ đảo lộn trật tự thời gian và nguồn gốc của truyện ký, đó chính là lý do lý giải cho việc ông tôn sùng truyện ký sử theo từng giai đoạn ngắt quãng. Trong "Sử quan kiến chí", "Biện chức", "Ngỗ thời", ông đã thuật lại chế độ sử quan trải qua các đời và biến động, chức trách từng thời kỳ; đồng thời ông đã phản ánh những mặt mạnh, yếu và hiện tượng tiêu cực trong giới sử quan nhà Đường[2].
Phương pháp biên soạn sử
Đây là nội dung chủ yếu của Sử thông, bao gồm các thể biên soạn, phương pháp biên soạn, thu thập sử liệu. Theo Lưu Tri Kỷ, "Bản kỷ" thì chỉ nhắc đến biên niên sự kiện; thể loại này chỉ nên chú trọng vào những việc trọng đại quốc gia mà không nên chú ý tới những việc vụn vặt.
Sử thông phản đối hình thức lịch biểu vì nó trùng lắp với sử truyện và nên bỏ bớt những phần như thiên văn, nghệ văn, ngũ hành mà thêm vào đô ấp,vạn vật, thị tộc. Lưu Tri Kỷ còn phê phán hình thức luận tán trong các công trình lịch sử và cho rằng không nên lạm dụng hình thức này[3].
Về phương pháp biên soạn lịch sử, Sử thông đề cập nhiều nội dung, phạm vi rất rộng, gồm: trần thuật, mô phỏng, ngừng ngắt, thư pháp, nhân vật, biên tập thứ tự, tên gọi, tỉnh lược. Lưu Tri Kỷ cho rằng người viết chính sử phải tập trung trần thuật sự kiện lịch sử, lấy những điểm súc tích, ngắn gọn, tối kỵ soạn lan man. Người giỏi viết sử chỉ cần 1 câu mà khái quát được cả sự kiện, dùng 1 đoạn mà thâu tóm được một quãng thời gian mà không bỏ sót[3]
Lưu Tri Kỷ phản đối đưa văn vào sử, ông ủng hộ quan điểm ngôn ngữ viết sử phải tiến hóa phù hợp với thời đại, không nên bắt chước theo khuôn mẫu đời trước. Ông cho rằng chỉ có làm như vậy mới tránh được lịch sử kim cổ bất phân và phản đối mạnh mẽ việc dùng ngôn ngữ, cách nói của người xưa để nói chuyện thời nay để người đọc dễ tiếp nhận. Quan điểm này của ông được xem là có giá trị nghiên cứu thực tiễn đối với cách làm sử hiện nay[4].
Vấn đề thu thập và phân loại, sàng lọc sử liệu cũng được Lưu Tri Kỷ đề cập trong thiên "Thái soạn". Nội dung lưu ý người soạn sử cần có sự sưu tầm tư liệu đa chiều, không chỉ lấy từ sách cổ mà còn nên lắng nghe quần chúng nhân dân khi viết về một sự kiện lịch sử. Vì các nguồn tài liệu có thể phủ định nhau, trái ngược nhau, đòi hỏi người viết sử biết lọc lấy những gì có giá trị thực sự; với các sử liệu sai sự thật nên gạt bỏ vì có thể gây nguy hại với nhận thức của con người[5].
Văn hiến học
Sử thông chia cách làm sử trước thời Đường làm hai loại: chính sử và tạp sử. Chính sử chỉ các loại kinh, truyện thời Tiên Tần, thể sử kỷ truyện, biên niên sử và các công trình lịch sử do các sử quan nhà Đường biên tập. Tạp sử gồm 10 thể loại như thiên ký, tiểu lục, dật sự, tỏa ngôn, gia sử, biệt truyện, tạp kỷ, địa lý thư, đô ấp bạ, quận thư.
Sử thông đã tổng kết toàn diện lịch sử Trung Quốc cổ đại và đưa ra lý luận sử học một cách hệ thống và đầy đủ. Tác phẩm này trở thành công trình nghiên cứu sử học công phu, đồ sộ và có giá trị[6].
Tư tưởng
Sử thông có 3 tư tưởng đột phá trong thời phong kiến Trung Quốc[6]:
- Phản đối thuyết túc mệnh luận của lịch sử, cho rằng bất cứ triều đại nào hưng thịnh hay suy vong, bất cứ con người nào thành công hay thất bại đều do chính bản thân mình chứ không phải do trời quyết định. Lưu Tri Kỷ khẳng định điều này trong "Tạp thuyết".
- Phản đối quan điểm lịch sử chính thống lấy thành bại luận anh hùng, trong 2 thiên "Xưng vị" và "Biên thứ".
- Phản đối tư tưởng Đại Hán của người Trung Quốc, phản đối coi Trung Quốc là trung tâm thiên hạ còn các dân tộc xung quanh chỉ là man di mọi rợ. Ông là người có tinh thần nghiên cứu khoa học, dám sửa chữa các sự kiện lịch sử nếu thấy người xưa ghi chép không chính xác, dám đặt câu hỏi nghi ngờ, phủ nhận những giá trị tuyệt đối.
Các sử gia đời sau có nhiều người thu nhận ý kiến từ Lưu Tri Kỷ, tiếp tục phát triển và nâng cao trình độ nghiên cứu sử học Trung Quốc[7].
Xem thêm
Tham khảo
- Nguyễn Thanh Hà (2009), Mười nhà sử học nổi tiếng Trung Quốc, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin
Chú thích
- ^ Nguyễn Thanh Hà, sách đã dẫn, tr 42
- ^ Nguyễn Thanh Hà, sách đã dẫn, tr 48
- ^ a b Nguyễn Thanh Hà, sách đã dẫn, tr 49
- ^ Nguyễn Thanh Hà, sách đã dẫn, tr 50
- ^ Nguyễn Thanh Hà, sách đã dẫn, tr 51
- ^ a b Nguyễn Thanh Hà, sách đã dẫn, tr 52
- ^ Nguyễn Thanh Hà, sách đã dẫn, tr 53