Quân cảnh Việt Nam Cộng hòa

Binh chủng Quân cảnh
Việt Nam Cộng hòa
Hiệu kỳ
Hoạt động1959 - 1975
Quốc gia Việt Nam Cộng hòa
Phục vụ Quân lực Việt Nam Cộng hòa
Quân chủngQuân thường trực
Phân loạiCảnh sát Quân sự
Bộ phận củaBộ Tổng Tham mưu
Khẩu hiệuKỷ luật - Nghiêm minh
Các tư lệnh
Chỉ huy
nổi tiếng
- Nguyễn Ngọc Thiệt
- Nguyễn Chấn Á
- Nguyễn Hữu Phước
- Nguyễn Văn Kinh
Huy hiệu
Phù hiệu

Quân cảnh (1959 - 1975) là một Binh chủng trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Binh chủng này được thành lập để thừa hành và thực thi quân luật của quân đội, duy trì quân phong quân kỷ trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Lịch sử hình thành

Binh chủng Quân cảnh là biến thân của ngành Cảnh sát Quân sự được hình thành từ thời Quân đội Liên hiệp Pháp tiếp đến thời kỳ Quân đội Quốc gia. Chính thức thành lập vào năm 1959 dưới nền Đệ nhất Cộng hòa của Chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Tổ chức của Quân cảnh gồm:
A. Quân cảnh Hành quân
B. Quân cảnh Tư pháp (Tiền thân là Hiến binh)

Nhiệm vụ của Quân cảnh Hành quân

  • 1. Duy trì quân phong quân kỷ trong Quân đội:
    Thi hành kỷ luật và điều chỉnh tác phong đối với các quân nhân từ sĩ quan, hạ sĩ quan đến binh sĩ trong tất cả các đơn vị từ hậu phương cho đến tiền tuyến trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa, đồng thời phối hợp với đơn vị (cấp Đại đội) Quân cảnh và Kiểm soát của các quân binh chủng như: Hải quân (ĐĐ 201), Không quân (ĐĐ 203), Nhảy dù (ĐĐ 204), Thủy quân Lục chiến (ĐĐ 202), Biệt động quân (Ks Bđq), Thiết giáp binh, Pháo binh, Công binh v.v... và các tiểu khu (Địa phương quân và Nghĩa quân). Các quân trường và trung tâm huấn luyện Quốc gia để thi hành quân luật. Các quân trường lớn như Trường Sĩ quan Võ bị Đà Lạt, Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, Trường Hạ sĩ quan Đồng Đế, Quân trường Quang Trung, Quân trường Dục Mỹ v.v... đều có các phân đội Quân cảnh của binh chủng Quân cảnh.
  • 2. Hộ tống và hướng dẫn lưu thông các đoàn quân xa:
    Chuyển quân, tiếp vận và các công vụ khác v.v...
  • 3. Điều hành các đồn Quân cảnh:
    Đặt các Trạm kiểm soát để kiểm tra quân nhân.
  • 4. Điều hành các trại giam tù binh:
    Các trại giam lớn như: Chí Hòa, Côn Đảo, Phú Quốc. Ngoài ra, còn những trại giam nhỏ ở 4 quân khu và trại giam tù binh ở Qui Nhơn v.v...
  • 5. Điều hành các trại quân kỷ:
    Các quân lao của 4 quân khu: Đà Nẵng (quân khu 1), Nha Trang (quân khu 2), Gò Vấp (quân khu 3), Cần Thơ (quân khu 4). Các trại tạm giam: Trại Nguyễn Văn Sâm (Bình Chánh, Gia Định), Quân vụ thị trấn (Sài Gòn), quân trấn ở các Biệt khu, Đặc khu và các trại tạm giam ở các quân khu, tiểu khu, chi khu trên toàn quốc. Các trại chuyển tiếp quân nhân hồi ngũ ở 4 đơn vị Quản trị trung ương thuộc 4 quân khu.
  • 6. Áp giải quân nhân:
    Các quân nhân phạm pháp hình sự, các quân nhân đào ngũ hoặc vi phạm kỷ luật đến quân lao, tòa án mặt trận quân sự và di lý đến trại giam sau khi những thành phần này đã thụ án.
  • 7. Áp giải tù binh:
    Các tù binh từ tiền tuyến về hậu cứ và đến các trại giam
  • 8. Bảo vệ an ninh cơ sở Quân đội.

Nhiệm vụ của Quân cảnh Tư pháp

  • 1. Điều tra và thụ lý các vi phạm quân luật quân đội.
  • 2. Hỗ trợ các toà án Quân sự mặt trận:
    Gồm các tòa án mặt trận trung ương (Sài Gòn), tòa án mặt trận của 4 quân khu. Ngoài ra còn những tòa án mặt trận lưu động trên toàn quốc.
  • 3. Phụ giúp Nha Quân pháp:
    Thiết lập hồ sơ các vụ phạm pháp.
    Điều tra tư pháp và truy tố các vi phạm hình luật liên quan đến quân đội.
  • 4. Điều hành các đơn vị Quân cảnh Tư pháp:
    Những năm đầu thập niên 1960 ngành Hiến binh Quốc gia do Thiếu tá Lê Nguyên Phu[1] làm Chỉ huy trưởng. Trụ sở đặt tại đường Gia Long, trước mặt Bộ Quốc phòng. Khi được lệnh giải tán, một số nhân sự Hiến binh chuyển qua Quân cảnh, một số chuyển qua Tổng nha Cảnh sát Quốc gia.

Năm 1974, một số Tiểu đoàn Quân cảnh được chuyển sang đơn vị tác chiến để thành lập Liên đoàn 8 Biệt động quân.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, cũng như tất cả các đơn vị trong Quân lực, khi nghe Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh hạ vũ khí ngừng chiến đấu, họ đã tự động tan hàng và rã ngũ.

Chỉ huy trưởng qua các thời kỳ

Stt Họ và Tên Cấp bậc Tại chức Chú thích
1
Nguyễn Công Khanh[2]
Võ bị Địa phương
Nam Việt Vũng Tàu[3]
Trung tá[4]
1959-1963
Thăng cấp Đại tá năm 1960. Sau là Trưởng phòng Điều nghiên thuộc Bộ Quốc phòng.
2
Nguyễn Ngọc Thiệt[5]
Võ bị Đà Lạt K5
Thiếu tá
1963-1965
Chỉ huy trưởng lần thứ nhất
3
Nguyễn Hiếu Trung[6]
Võ khoa Thủ Đức K4
Đại tá
1965-1968
Sau là Đại tá chuyển qua Phòng Tổng thanh tra Quân lực bộ TTM.
4
Nguyễn Ngọc Thiệt
1968-1972
Chỉ huy trưởng lần thứ hai
5
Nguyễn Chấn Á
Thiếu tướng
1972
Sau giữ chức vụ Cố vẩn Tổng cục Chiến tranh Chính trị
6
Nguyễn Hữu Phước[7]
Võ bị Đà Lạt K5
Đại tá
1972-1973
Sau là phó Giám đốc Nha An ninh Quân đội
7
Nguyễn Văn Kinh[8]
Võ khoa Thủ đức K5
1973-1975

Chú thích

  1. ^ Sau cùng là Đại tá Giám đốc Nha Quân Pháp, giải ngũ năm 1965
  2. ^ Đại tá Nguyễn Công khanh, sinh năm 1930 tại Hải Dương.
  3. ^ Xuất thân từ Trường Sĩ quan.
  4. ^ Cấp bậc khi nhậm chức
  5. ^ Đại tá Nguyễn Ngọc Thiệt, sinh năm 1928
  6. ^ Đại tá Nguyễn Hiếu Trung, sinh năm 1932 tại Gia Định.
  7. ^ Đại tá Nguyễn Hữu Phước, sinh năm 1925 tại Kiến Hòa.
  8. ^ Đại tá Nguyễn Văn Kinh sinh năm 1935 tại Cần Thơ

Tham khảo

  • Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy (2011). Lược sử Quân lực Việt Nam Cộng hòa.