Nữ Quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng hòa

Đoàn Nữ quân nhân
Việt Nam Cộng hòa
Kỳ hiệu
Hoạt động1952 - 1975
Quốc gia Việt Nam Cộng hòa
Phục vụ Quân lực Việt Nam Cộng hòa
Quân chủngBán quân sự
Phân loạiĐơn vị Yểm trợ
Bộ phận của Bộ Tổng Tham mưu
Khẩu hiệuPhụng sự - Danh dự
Nữ nhi còn khoác chiến y - Nam nhi há dễ kém chi hồng quần
Các tư lệnh
Chỉ huy
nổi tiếng
- Nguyễn Thị Hằng
- Trần Cẩm Hương
- Lưu Thị Huỳnh Mai
Trường Nữ Quân nhân

Thanh nữ Cộng hòa Việt Nam Cộng hòa đã hiện diện từ thời còn Quân đội Liên hiệp Pháp. Ban đầu chỉ là một nhân số nhỏ thuộc diện công chức bán quân sự. Sau này do nhu cầu cần thiết đã nâng lên thành Đoàn và trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Bộ phận cao nhất của Đoàn là Bộ Chỉ huy, đứng đầu là một nữ sĩ quan cao cấp. Đoàn có nhiệm vụ điều hành và phân bổ những nhân sự của mình đến hầu hết các đơn vị trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Lịch sử hình thành

Trong thời kỳ đầu, người nữ quân nhân được gọi là nữ Trợ tá hay nữ Phụ tá khi Quân đội Quốc gia Việt Nam còn nằm trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp. Giai đoạn Chính quyền Quốc gia lớn mạnh, quân đội trưởng thành cũng là lúc Ngành nữ Trợ tá chính thức được thành lập từ năm 1952.

Ngày 5 tháng 1 năm 1965, ngành nữ Trợ tá được đổi tên thành Đoàn nữ quân nhân và chính thức thành lập theo sắc lệnh số 003/QT/SL, trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu. Cơ sở của Đoàn được đặt ở đường Nguyễn Văn Thoại (nay là đường Lý Thường Kiệt), bên cạnh là trường đào tạo nữ quân nhân. Đoàn trưởng đầu tiên kiêm Chỉ huy trưởng trường Huấn luyện là Thiếu tá Trần Cẩm Hương.

Đoàn Nữ quân nhân cũng đã lớn mạnh chung với bước phát triển của Quân lực. Tuy quân số khiêm tốn khoảng 6.000 người so với nam quân nhân. Nữ quân nhân tuỳ theo trình độ văn hóa, tình nguyện gia nhập để theo học các khóa sĩ quan, hạ sĩ quan hay binh sĩ tại Trường nữ quân nhân và các Quân trường chuyên môn.

Huấn luyện

Trung tâm Huấn luyện đảm nhận việc tuyển mộ phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, tình nguyên gia nhập quân đội và huấn luyện căn bản quân sự như về tổ chức quân đội, cơ bản thao diễn v.v... Nhiệm vụ nữ quân nhân là không tác chiến nên chỉ được học ít giờ làm quen với vũ khí do Trung tâm Huấn luyện Quang Trung đảm nhiệm.

Qua năm 1966, việc tuyển mộ do các Trung tâm tuyển mộ phụ trách và chuyển nữ tân binh đến Trường nữ quân nhân để trang bị và thụ huấn quân sự. Sau phần căn bản quân sự, tuỳ nhu cầu quân số do Bộ Tổng Tham mưu ấn định, khóa sinh tốt nghiệp sẽ được thụ huấn chuyên môn tại các trường Tổng Quản trị, Quân y, Hành chánh Tài chánh, Quân nhu, Xã hội v.v...

Nữ quân nhân được tuyển theo bằng cấp: Trung học Đệ nhất cấp, Tú tài 1 được huấn luyện trở thành hạ sĩ quan[1] trong quân đội, cho đến năm sau mới có khóa sĩ quan đầu tiên từ những hạ sĩ quan có bằng Tú tài hoặc tuyển mộ mới.

Năm 1967, Văn phòng Trưởng đoàn được chuyển về Bộ Tổng Tham mưu trực thuộc Văn phòng Tham mưu phó Nhân viên. Còn Trường nữ quân nhân trực thuộc Tổng cục Quân huấn.

Qua năm 1968, lệnh tăng quân số cho phép tuyển mộ thêm nữ quân nhân hàng binh sĩ. Do đó, thí sinh chỉ cần biết đọc biết viết, đầy đủ sức khoẻ là được nhận tại các Trung tâm tuyển mộ và được chuyển về Trường nữ quân nhân để thụ huấn. Thời gian huấn luyện quân sự cũng được rút ngắn chỉ còn 1 tháng thay vì như trước là 6 tuần (Ưu tiên nhận các quả phụ tử sĩ).

Trường nữ quân nhân huấn luyện trong 10 năm các khóa căn bản quân sự cho binh sĩ, hạ sĩ quan. Riêng về sĩ quan thì được 7 khóa tốt nghiệp, khóa thứ 8 đang thụ huấn nửa chừng thì xảy ra biến cố 1975.

Nữ quân nhân được phân bổ phục vụ hầu hết các Quân, Binh chủng và Cảnh sát Quốc gia, trong nhiệm vụ Tham mưu, Thư ký, Đả tự (Đánh máy chữ), Tài xế, Quân y, Xã hội, Truyền tin, Quản trị, Kiếm soát và Giáo viên các Trường trung học và tiểu học quân đội...

Sĩ quan nữ quân nhân có khoảng 600 người (Kể cả cấp Chuẩn uý). Có người đã thăng lên cấp tá, cao nhất là Đại tá Trần Cẩm Hương.

Ngoài ra, Trường nữ quân nhân còn huấn luyện các khóa sau:
-Một khóa hạ sĩ quan cho nguyên là nữ Phụ tá trước vốn chưa qua khóa căn bản quân sự nào kể từ ngày nhập ngũ.
-Bốn khóa căn bản sĩ quan cho nữ điều dưỡng Không quân do Bộ Tư lệnh Không quân gửi đến.
-Hai khóa căn bản sĩ quan cho nữ sĩ quan Cảnh sát do Bộ Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia gửi đến.

Tác phong

Về quân phục của nữ quân nhân từ năm 1969 về sau là màu xanh da trời. Lễ phục màu trắng đồng kiểu với quân phục nhưng tay áo dài 3/4. Quân phục nỉ xanh thẫm cho các vùng lạnh. Lễ phục khi xuất ngoại vẫn là Worsted Kaki.

Tất cả nữ quân nhân được phát áo len dài mặc ngoài quân phục khi trời lạnh. Mũ giống như mũ chiêu đãi viên hàng không (Bỏ kiểu cũ là mũ Calo).

Thời gian thụ huấn, mặc quân phục tác chiến, mũ vải và giầy vải đen có cổ. Cuối tuần xuất trại được mặc thường phục. Mỗi khóa sinh ngoài 2 bộ quân phục tác chiến khi thụ huấn, được cấp may 2 bộ quân phục xanh và một đôi giầy đen cao gót 5 cm để làm việc sau khi ra trường về đơn vị, sẽ được đo may cấp đổi theo định kỳ và để tóc ngắn chấm cổ áo.

Đoàn nữ quân nhân cũng được huấn luyện ở hải ngoại. Một số sĩ quan được đưa đi học tại Hoa Kỳ, Các trường Lục quân Fort Mc Clellen, Alabama cho khóa căn bản sĩ quan nữ quân nhân, khóa sĩ quan cao cấp cũng tại đây. Khóa Dân sự vụ tại Fort Gordon, Georgia. Khóa Chiến tranh Chính trị tại Fort Bragg, North Carolina. Các khóa về Nhân viên, Tuyển mộ, Tổng Quản trị tại Fort Benjamin Harrison, Indiana.

Riêng 4 khóa nữ Điều dưỡng Không quân sau khi tốt nghiệp căn bản sĩ quan tại trường, được Bộ Tư lệnh Không quân gửi đi du học nghiệp vụ tại Texas, Hoa Kỳ

Đoàn cũng đã có 5 hạ sĩ quan Thông dịch viên được đưa sang trường nữ quân nhân Hoa Kỳ thụ huấn căn bản sĩ quan, khi về nước được thăng cấp Chuẩn uý (Trước khi khóa 1 sĩ quan nữ quân nhân tốt nghiệp)

Về tổ chức của Đoàn Nữ quân nhân

- Một văn phòng Trưởng đoàn (Tại văn phòng Tham mưu phó Nhân viên trong Bộ Tổng Tham mưu).
- Trường Nữ quân nhân (Thuộc Tổng cục Quân huấn).
- 4 văn phòng Phân đoàn trưởng (Thuộc các Bộ Tư lệnh Quân đoàn).
- 2 văn phòng Phân đoàn trưởng Hải quân, Không quân (Thuộc Bộ Tư lệnh các Quân chủng).
- Các Văn phòng Chi đoàn trưởng (Thuộc Bộ chỉ huy Tiểu khu và các Quân, Binh chủng).

Nữ quân nhân thuộc quân số các đơn vị đang phục vụ, đặt dưới sự giám sát về quân phong, quân kỷ của Chi đoàn trưởng, Phân đoàn trưởng liên hệ.

Trong quá trình phục vụ, các nữ quân nhân cũng đã có những hy sinh và thương tật khi làm những nhiệm vụ trợ tá ngoài tiền tuyến và những công việc xã hội ở những địa phương mất an ninh.

Đoàn nữ quân nhân đã đồng hành cùng Quân lực Việt Nam Cộng hòa trong công cuộc chung là bảo vệ tự do cho đồng bào, cho Tổ quốc và đã chấm dứt nhiệm vụ vào cuối tháng 4 năm 1975.

BCH Đoàn Nữ Quân nhân tháng 4 năm 1975

Stt Họ và Tên Cấp bậc Chức vụ Chú thích
1
Lưu Thị Huỳnh Mai
Trung tá
Trưởng đoàn
Nguyên là Phân đoàn trưởng tại Trung ương. Sau 75 định cư tại Hoa Kỳ
2
Nguyễn Thị Hạnh Nhơn[2]
Phó trưởng đoàn
Tù cải tạo, định cư Hoa Kỳ diện H.O
3
Nguyễn Thị Hoa
Đại úy
Phân đoàn trưởng
Không quân
Tù cải tạo, định cư Hoa Kỳ diện H.O
4
Trần Thị Tươi
Phân đoàn trưởng
Hải quân
5
Nguyễn Thị Thu Cúc
Phân đoàn trưởng
Quân đoàn I
Tù cải tạo, định cư Hoa Kỳ diện H.O
6
Huỳnh Thị Quang
Phân đoàn trưởng
Quân đoàn II
7
Nguyễn Thị Bích Phượng
Phân đoàn trưởng
Quân đoàn III
Sau 75, được bảo lãnh định cư tại Hoa Kỳ
8
Phạm Nguyệt Quỳ
Phân đoàn trưởng
Quân đoàn IV
Sau 75, định cư Hoa Kỳ
9
Hồ Thị Vẻ
Trung tá
Chỉ huy trưởng
Trường Nữ Quân nhân
Tù cải tạo, định cư Hoa Kỳ diện H.O

Sau 1975, đa số các Sĩ quan Nữ Quân nhân từ cấp uý đến cấp tá cũng bị giam cầm trong các trại tù cải tạo và một số đã mãi mãi nằm lại nơi rừng thiêng nước độc.

Đoàn trưởng qua các thời kỳ

Stt Họ và Tên Cấp bậc Tại chức Chú thích
1
Nguyễn Thị Hằng
Thiếu tá[3]
Trước 1965
Khi Đoàn còn tên gọi "Nữ Trợ tá". Sau giải ngũ ở cấp Trung tá
2
Trần Cẩm Hương[4]
1965-1975
Giải ngũ vào tháng 1/1975 ở cấp Đại tá. Bị tù 10 năm, được trả tự do năm 1985, mất năm 1987 tại TP. Hồ Chí Minh
3
Lưu Thị Huỳnh Mai
Trung tá
1/1975-4/1975
Đoàn trưởng sau cùng

Danh sách sĩ quan cấp Tá và Đại úy

TT Họ và Tên[5] Cấp bậc Chú thích TT Họ và Tên Cấp bậc Chú thích
1
Trần Cẩm Hương
Đại tá
17
Đỗ Thị Bút
Đại úy
2
Hồ Thị Vẻ[6]
Trung tá
18
Huỳnh Thị Ánh Nguyệt
3
Lưu Thị Huỳnh Mai
19
Huỳnh Thị Quang
4
Nguyễn Thị Hằng
20
Lê Thị Ngọc Ánh
5
Nguyễn Thị Hạnh Nhân
21
Nguyễn Thị Thu Cúc
6
Bàng Kim Linh
Thiếu tá
22
Nguyễn Thị Hoa
7
Cao Mỹ Duyên
23
Nguyễn Thị Kim Liên
8
Cao Mỵ Nhân
24
Nguyễn Thị Vân
9
Lê Thị Nuôi
25
Phạm Thị Kim Dung
10
Lê Kim Sa
26
Phạm Thị Tuyết Hoa
11
Nguyễn Thị Bích Phượng
27
Phạm Thị Kim Hoàng
12
Nguyễn Thanh Thủy[7]
28
Phạm Thị Nguyệt Quỳ
13
Trần Bích Nga
29
Trần Kim Huệ
14
Trần Thị Tâm
30
Trần Thị Tươi
15
Nguyễn Thị Điện
31
Vũ Thị Bích Huyền
16
Trần Thị Huy Lễ

Chú thích

  1. ^ Ra trường được mang cấp bậc Trung sĩ
  2. ^ Nữ Trung tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn sinh năm 1927 tại Huế. Nhập ngũ năm 1950, năm 1952 tốt nghiệp trường Sĩ quan Nữ Trợ tá Xã hội
  3. ^ Cấp bậc khi nhậm chức
  4. ^ Nữ Đại tá Trần Cẩm Hương sinh năm 1926 tại Cần Thơ. Nhập ngũ năm 1950, năm 1952 tốt nghiệp trường Sĩ quan Nữ Trợ tá Xã Hội
  5. ^ Chưa đầy đủ.
  6. ^ Nữ Trung tá Hồ Thị Vẻ. Nhập ngũ năm 1950, năm 1952 tốt nghiệp trường Sĩ quan Trợ tá Xã hội.
  7. ^ Nữ Thiếu tá Nguyễn Thanh Thủy sinh năm 1943 tại Mỹ Tho, năm 1966 gia nhập CSQG và tốt nghiệp khóa Biên tập viên năm 1967. Nguyên Biệt đội trưởng Biệt đội Thiên Nga Cảnh sát Đặc biệt thuộc Bộ Tư lệnh CSQG VNCH.

Tham khảo

  • Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy (2011) Lược sử Quân lực Việt Nam Cộng hòa.