Nguyễn Lê Khánh Hằng

Nguyễn Lê Khánh Hằng
Sinh13 tháng 4, 1977 (47 tuổi)
Quốc tịch Việt Nam
Học vịTiến sĩ khoa học
Trường lớpTrường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội
Giải thưởngGiải thưởng Tạ Quang Bửu
Giải thưởng Kovalevskaya
Sự nghiệp khoa học
NgànhVi sinh vật học
Nơi công tácViện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
Luận án

Nguyễn Lê Khánh Hằng (sinh ngày 13 tháng 4 năm 1977) là một phó giáo sư, tiến sĩ người Việt Nam. Bà là Phó trưởng Khoa Virus của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đồng thời là thành viên của Hội đồng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương từ năm 2019.[1]

Cuộc đời và sự nghiệp

Từ khi còn là sinh viên, tôi đã bị cuốn hút bởi thế giới virus và ngạc nhiên vì những sinh vật nhỏ bé như vậy có thể trở thành mối nguy hại lớn cho con người. Ngay sau khi tốt nghiệp, tôi được nhận vào Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Tôi không nghĩ còn nơi nào phù hợp hơn để phát triển sự nghiệp nghiên cứu virus vì đây là một trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam nơi tôi có cơ hội làm việc các chuyên gia đầu ngành – những người luôn tận tâm hướng dẫn, chia sẻ kiến ​​thức cho thế hệ đi sau và khuyến khích chúng tôi nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề.

—Nguyễn Lê Khánh Hằng– trả lời phỏng vấn Ngân hàng Thế giới về con đường trở thành nhà virus học[2]

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Vi sinh vật thuộc khoa Sinh học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nguyễn Lê Khánh Hằng đến làm việc tại Phòng thí nghiệm Virus Hô hấp của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Bước ngoặt cuộc đời bà đến vào cuối năm 2003, khi bà cùng đồng nghiệp phát hiện ra một trường hợp nhiễm virus cúm A/H5N1. Kể từ thời điểm đó, bà bắt đầu tập trung vào việc nghiên cứu về các loại virus cúm A lây từ gia cầm sang người.[3]

Năm 2005, Hằng và đồng nghiệp cùng nhóm nghiên cứu của trường Đại học Tokyo, Nhật Bản phát hiện ra trường hợp bệnh nhân cúm A/H5N1 kháng thuốc Oseltamivir. Phát hiện này được đăng trên tạp chí Nature vào tháng 10 cùng năm.[3][4] Năm 2017, bà công bố công trình Epidemiology of Influenza in Hanoi, Vietnam, from 2001 to 2003 đăng trên tập san Journal of Infection.[3][5]

Năm 2017, Nguyễn Lê Khánh Hằng xuất bản đề tài khoa học Virus cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1, mối tương tác giữa người và động vật trong giai đoạn 2003–2010 dựa trên 7 năm nghiên cứu về sự tiến hóa, phả hệ và phân tử của virus cúm A/H5N1 và những đột biến của loại virus này ở người. Nghiên cứu được công bố trên tập san khoa học The Journal of Infectious Diseases của Hoa Kỳ.[6][7]

Năm 2018, bà được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước trao tặng danh hiệu phó giáo sư.[8] Giữa năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, bà được chỉ định làm Phó đội trưởng Đội xét nghiệm COVID-19 và điều động vào Đà Nẵng thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm.[9]

Thành tựu

Năm 2019, Nguyễn Lê Khánh Hằng được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu về những đóng góp của bà trong lĩnh vực y sinh. Bà là nhà khoa học nữ đầu tiên đoạt giải thưởng này.[10][11] Bà cũng là một trong chín nhà khoa học nữ thuộc Phòng Thí nghiệm Cúm, Khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương được trao bằng khen của Bộ Y tế và Giải thưởng Kovalevskaya vì thành tích phân lập thành công virus SARS-CoV 2.[12][13]

Một số công trình đã xuất bản

Việt Nam

  • Nguyễn Lê Khánh Hằng, Lê Thị Thanh, Trần Thị Mai Hưng, Lương Minh Tân, Phạm Thị Thu Hằng, Lê Thị Quỳnh Mai (2015). “Tỷ lệ lưu hành kháng thể kháng vi rút cúm A/H5N1, A/H7N9 của người buôn bán, nuôi và giết mổ gia cầm, thủy cầm ở miền Bắc Việt Nam, 2014”. Tạp chí Y học dự phòng (ấn bản thứ 25). 8 (168): 39. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 7 năm 2020. Truy cập ngày 20 tháng 2 năm 2021.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  • Nguyễn Lê Khánh Hằng, Lê Thị Quỳnh Mai (2015). “Đặc điểm vi rút cúm A/H5N1 và A/H5N6 trên gia cầm tại Việt Nam, 2012-2015”. Tạp chí Y học dự phòng (ấn bản thứ 26). 10 (183): 126. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 12 năm 2019. Truy cập ngày 20 tháng 2 năm 2021.
  • Nguyễn Lê Khánh Hằng (2016). “Đánh giá xét nghiệm nhanh ALSONIC®Flu chẩn đoán nhiễm vi rút cúm”. Tạp chí Y học dự phòng (ấn bản thứ 26). 15 (188): 82. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 4 năm 2020. Truy cập ngày 20 tháng 2 năm 2021.

Quốc tế

Tham khảo

  1. ^ Nguyễn Lê Khánh Hằng (14 tháng 5 năm 2020). “Lý lịch khoa học” (PDF). Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 20 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2021.
  2. ^ “Phụ nữ Dẫn đường – Nguyễn Lê Khánh Hằng”. Ngân hàng Thế giới. 3 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2021.
  3. ^ a b c “PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng: "Theo dấu" tiến hóa virus cúm”. Tia Sáng. 20 tháng 4 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2021.
  4. ^ Nhiều tác giả (ngày 14 tháng 10 năm 2015). “Avian flu: isolation of drug-resistant H5N1 virus”. Nature. 437 (1108). doi:10.1038/4371108a. PMID 16228009.
  5. ^ Nguyễn Lê Khánh Hằng và đồng nghiệp (ngày 12 tháng 1 năm 2007). “Epidemiology of influenza in Hanoi, Vietnam, from 2001 to 2003”. Journal of Infection. doi:10.1016/j.jinf.2006.12.001. PMID 17222912.
  6. ^ Phan Minh (16 tháng 4 năm 2019). “Nữ 'thám tử' người Việt lần vết sự lây nhiễm của virus cúm A”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2021.
  7. ^ Nguyễn Lê Khánh Hằng và đồng nghiệp (ngày 15 tháng 9 năm 2017). “Highly Pathogenic Avian Influenza A(H5N1) Viruses at the Animal–Human Interface in Vietnam, 2003–2010”. The Journal of Infectious Diseases. 216 (4): S529–S538. doi:10.1093/infdis/jix003. PMID 28934457.
  8. ^ “Danh sách nữ nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2017” (PDF). Hội đồng Giáo sư Nhà nước. 5 tháng 3 năm 2018. tr. 9. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 13 tháng 7 năm 2019. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2021 – qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
  9. ^ Lê Bảo & Phạm Minh Thùy (4 tháng 8 năm 2020). “Chuyện chưa kể về những "chiến binh" truy lùng Covid -19”. Công Luận. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2021.
  10. ^ Minh Sơn (18 tháng 5 năm 2019). “Lần đầu tiên một nhà khoa học nữ nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu”. VietnamPlus. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 6 năm 2020. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2021.
  11. ^ Nguyễn Hoài (6 tháng 5 năm 2019). “Lần đầu tiên, một nhà khoa học nữ nhận giải Tạ Quang Bửu”. Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2021.
  12. ^ Trần Hằng (12 tháng 2 năm 2020). “Khen thưởng thành tích nuôi cấy và phân lập thành công virus Corona”. Công an nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 2 năm 2020. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2021.
  13. ^ Phạm Hiệp & Thúy Huyền (6 tháng 3 năm 2020). “Thành tích đáng nể của 9 "nữ tướng" ngày đêm "làm bạn" với virus”. Sức khỏe Đời sống. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 7 năm 2020. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2021.