Midway (lớp tàu sân bay)

Tàu sân bay USS Midway (CV-41) trước khi được nâng cấp SCB-110
Khái quát lớp tàu
Tên gọi Lớp sân bay USS Midway
Bên khai thác Hoa Kỳ Hải quân Hoa Kỳ
Lớp trước Essex
Lớp sau Forrestal
Hoàn thành 3
Nghỉ hưu 3
Tháo dỡ 2
Giữ lại Midway (CV-41)
Đặc điểm khái quát
Kiểu tàu Tàu sân bay
Trọng tải choán nước 45.000 tấn (tiêu chuẩn)
Chiều dài 295 m (968 ft)
Sườn ngang 34,4 m (113 ft)
Mớn nước 10 m (33 ft)
Động cơ đẩy
  • Turbine hơi nước
  • công suất 212.000 mã lực (158 MW)
Tốc độ 61 km/h (33 knot)
Tầm xa 4.104
Vũ khí
Bọc giáp
  • đai giáp: 193 mm (7,6 inch)
  • sàn đáp: 89 mm (3,5 inch)
Máy bay mang theo
  • cho đến 130 (Thế Chiến II),
  • 45-55 (những năm 1980)

Lớp tàu sân bay Midway của Hải quân Hoa Kỳ là một trong những thiết kế tàu sân bay có thời gian phục vụ lâu nhất trong lịch sử. Được đưa ra hoạt động lần đầu tiên vào cuối năm 1945, chiếc dẫn đầu của lớp, Midway (CV-41) chỉ được cho ngừng hoạt động vào năm 1992, không lâu sau khi đã tham gia chiến đấu trong cuộc Chiến tranh vùng vịnh.

Nguồn gốc và thiết kế

Lớp tàu CVB-41 (lúc đó còn chưa được đặt tên) ban đầu được nghĩ ra vào năm 1940 như một nghiên cứu thiết kế nhằm xác định ảnh hưởng của một sàn đáp được bọc thép trên một tàu sân bay có kích cỡ tương đương với lớp Essex. Các kết quả tính toán cho thấy sẽ ảnh hưởng lớn đến tầm cỡ của lực lượng không quân được bố trí, khi số lượng máy bay có thể hoạt động chỉ là 45, so với 90–100 chiếc trên một tàu sân bay hạm đội tiêu chuẩn thuộc lớp Essex. Kết quả là, xu hướng thiết kế đi theo hướng một tàu sân bay lớn hơn có thể hỗ trợ cả một sàn đáp bọc thép và một lực lượng không quân lớn. Không giống như những tàu sân bay của Hải quân Hoàng gia Anh, trong đó sàn đáp bọc thép là một phần của cấu trúc thân tàu, lớp Midway giữ lại thiết kế "sàn tàu chắc" ở mức sàn chứa máy bay, trong khi sàn đáp bọc thép chỉ là một phần của cấu trúc thượng tầng. Các biện pháp giảm trọng lượng cần thiết cho một sàn đáp bọc thép được thực hiện bằng cách tháo bỏ một khẩu đội pháo 203 mm (8 inch) có cỡ nòng kiểu tàu tuần dương, và giới hạn số khẩu đội phòng không 127 mm (5 inch) từ nòng đôi thành nòng đơn. Chúng là những tàu sân bay cuối cùng của Hải quân Mỹ được thiết kế như vậy; kích cỡ khổng lồ của lớp siêu hàng không mẫu hạm Forrestal đòi hỏi lớp sàn tàu chắc phải được thiết kế ở mức độ sàn đáp.

Thiết kế tàu sân bay mới là những con tàu rất lớn, với khả năng mang được nhiều máy bay hơn mọi tàu sân bay khác trong hạm đội Mỹ (nhiều hơn 30–40 máy bay so với lớp Essex). Trong cấu hình ban đầu, lớp Midway dự định sẽ có một lực lượng máy bay lên đến 130 chiếc. Điều không may là, người ta nhanh chóng nhận ra là quá nhiều máy bay sẽ ở bên ngoài khả năng kiểm soát và chỉ huy hiệu quả của một con tàu.

Trong khi kiểu tàu sân bay mới có đặc tính bảo vệ tuyệt vời và một lực lượng không quân phối thuộc lớn chưa từng thấy, chúng cũng có nhiều tính chất không được mong đợi. Bên trong tàu khá chật hẹp; chỗ trống sẵn có thường rất ít. Khi di chuyển trong vùng biển động, con tàu bị tràn nhiều nước, điều này chỉ được làm giảm nhẹ một phần sau khi được trang bị một mũi tàu kín chống bão khi được trang bị nâng cấp SCB-110/110A; và bị tắc nghẽn nút cổ chai ảnh hưởng đến hoạt động cất cánh và hạ cánh.

Lịch sử hoạt động

Không có chiếc nào trong lớp Midway tham gia Chiến tranh Triều Tiên, chúng chủ yếu được bố trí tại Đại Tây DươngĐịa Trung Hải. Trong những năm 1950, cả ba chiếc trong lớp đều trải qua chương trình hiện đại hóa SCB-110, bổ sung thêm một sàn đáp chéo góc, máy phóng thủy lực, hệ thống gương hỗ trợ hạ cánh và các cải tiến khác giúp cho chúng có thể hoạt động cùng thế hệ máy bay phản lực mới lớn và nặng nề.

Cả ba chiếc trong lớp Midway đều từng được bố trí để tham gia Chiến tranh Việt Nam. Coral Sea được bố trí đến vịnh Bắc Bộ sáu lần, Midway được bố trí ba lần và Franklin D. Roosevelt một lần trước khi quay trở lại khu vực Địa Trung Hải.

Vào cuối những năm 1960, Midway trải qua một chương trình tái cấu trúc và hiện đại hóa vốn rất tốn kém và bị tranh cãi đến mức chúng không được lặp lại trên các con tàu khác. Trong những năm 1970, Franklin D. RooseveltCoral Sea bắt đầu biểu hiện sự già cỗi. Chúng giữ lại những chiếc máy bay tiêm kích F-4 Phantom II trong các liên đội không quân vì quá nhỏ không thể sử dụng những chiếc máy bay tiêm kích bảo vệ hạm đội mới F-14 Tomcat hoặc máy bay phản lực S-3 Viking chống tàu ngầm. Vào năm 1977, Franklin D. Roosevelt được cho ngừng hoạt động. Trong đợt bố trí cuối cùng, Roosevelt nhận lên tàu những chiếc AV-8 Harrier để trắc nghiệm khái niệm bao gồm những chiếc máy bay cất cánh thẳng đứng VSTOL trong liên đội máy bay của tàu sân bay.

Coral Sea được cứu khỏi số phận cho ngừng hoạt động sắp đến nơi do việc Ronald Reagan được bầu làm Tổng thống vào năm 1980. Đề nghị của Reagan về một kế hoạch Hải quân 600 tàu chiến mang sức sống mới cho các con tàu còn lại. Coral Sea được trải qua các đợt tái trang bị rộng rãi nhằm khắc phục tình trạng kém của con tàu. Khi những chiếc máy bay tiêm kích mới F/A-18 Hornet được đưa ra hoạt động vào giữa những năm 1980, Hải quân Mỹ nhanh chóng bố trí chúng trên MidwayCoral Sea nhằm thay thế những chiếc F-4 già cỗi. Một đợt tái trang bị cho Midway vào năm 1986 trang bị các bầu hai bên thân tàu nhằm mở rộng thêm khoảng trống. Trong khi mục tiêu này đạt được, chúng lại đưa đến tình trạng lật nghiêng nhanh nguy hiểm ngăn trở Midway không thể hoạt động không quân khi biển động. Do đó các bầu hai bên này không được lặp lại trên Coral Sea.

Thời đại của Reagan không thể kéo dài vĩnh viễn. Vào năm 1990, sau khi Liên Xô sụp đổ, Coral Sea vốn được đặt cho biệt danh "Ageless Warrior" (chiến binh không già cỗi), được cho ngừng hoạt động. Midway còn một cuộc chiến cuối cùng để tham gia, khi nó là một trong số sáu tàu sân bay được Mỹ bố trí chống lại Iraq trong cuộc Chiến tranh vùng vịnh. Vài tháng sau khi chiến tranh kết thúc, chiếc cuối cùng của lớp ngừng hoạt động cùng Hải quân Mỹ.

Coral Sea được tháo dỡ một cách chậm chạp tại Baltimore vì những vấn đề về pháp lý và môi trường liên tục trì hoãn số phận của nó. Nó có thể là chiếc tàu chiến lớn cuối cùng được tháo dỡ tại Bắc Mỹ. Những chiếc tàu sân bay khác như AmericaOriskany đã được đánh chìm một cách có chủ đích để tạo thành các dãy san hô nhân tạo, và đây có thể sẽ là số phận của những con tàu tiếp theo. Midway trải qua 5 năm trong "hạm đội bỏ xó" tại Bremerton, Washington trước khi được cứu bởi một nhóm bảo tàng. Con tàu giờ đây được mở cho công chúng tham quan như một tàu bảo tàng tại San Diego, California.

Các đặc tính chung

Như được chế tạo (thập niên 1940)

Franklin D. Roosevelt (CV-42)
  • Lượng rẽ nước: 45.000 tấn (tiêu chuẩn)
  • Chiều dài: 295 m (968 ft)
  • Mạn thuyền: 34,4 m (113 ft) mực nước
  • Tầm nước: 10 m (33 ft) tối đa
  • Lực đẩy: Turbine hơi nước; công suất 212.000 mã lực (158 MW); bốn trục
  • Tốc độ: 61 km/h (33 knot)
  • Vũ khí: 18 × pháo 127 mm (5 inch)/54 caliber Mark 16; 21 × khẩu đội bốn nòng Bofors 40 mm; 28 × pháo Oerlikon 20 mm
  • Máy bay: 130 (lý thuyết), 100 (thực tế)

USS Coral Sea, khi nghỉ hưu (1991)

Coral Sea (CV-43)
  • Lượng rẽ nước: 65.200 tấn (đầy tải)
  • Chiều dài: 305,7 m (1003 ft)
  • Mạn thuyền: 72 m (236 ft)
  • Tầm nước: 10,7 m (35 ft)
  • Lực đẩy: Turbine hơi nước; công suất 212.000 mã lực (158 MW); bốn trục
  • Tốc độ: 61 km/h (33 knot)
  • Vũ khí: 2 × Phalanx CIWS Mark 71
  • Máy bay: 65

USS Midway, khi nghỉ hưu (1992)

  • Lượng rẽ nước: 69.873 tấn (đầy tải tiêu chuẩn)
  • Chiều dài: 297,5 m (976 ft)
  • Mạn thuyền: 80,3 m (263 ft 6 in) sàn đáp
  • Tầm nước: 10,7 m (35 ft)
  • Lực đẩy: Turbine hơi nước; công suất 212.000 mã lực (158 MW); bốn trục
  • Tốc độ: 61 km/h (33 knot)
  • Vũ khí: 2 × dàn phóng 8 ống tên lửa Sea Sparrow; 2 × Phalanx CIWS Mark 71
  • Máy bay: 75

Xem thêm

Tham khảo