Lý Nhiệm (chữ Hán: 李任, ? – 1427), hay Lý Nhậm, Lý Nhâm, người huyện Vĩnh Khang [1], tướng lĩnh nhà Minh, tự sát khi nghĩa quân Lam Sơn đánh hạ thành Xương Giang [2] tại Việt Nam.
Sự nghiệp
Lý Nhiệm ban đầu làm Yên Sơn vệ chỉ huy thiêm sự, theo Minh Thành Tổ nổi binh cướp ngôi, nhờ đó dần làm đến Đô chỉ huy đồng tri.
Năm 1426, Nhiệm sang Việt Nam, giữ thành Xương Giang. Xương Giang là vị trí chiến lược yếu hại, nên nghĩa quân Lam Sơn ra sức đánh thành, sai tướng Minh đầu hàng là Đô đốc Thái Phúc đến gọi Nhiệm ra hàng. Nhiệm ở trên thành mắng: Mày làm đại tướng, không thể giết giặc, lại còn theo giặc, heo chó không thèm ăn thịt mày, rồi nổ pháo bắn, Thái Phúc bỏ đi.
Nghĩa quân Lam Sơn tập hợp voi chiến và công cụ đến vây đánh. Nhiệm cùng chỉ huy Cố Phúc soái kỵ binh ra thành tập kích, đốt những công cụ ấy. Nghĩa quân lại đắp núi đất, từ đấy bắn tên vào thành, rồi đào địa đạo tìm cách xâm nhập. Nhiệm, Phúc bày nhiều cách chống giữ, tử thủ hơn 9 tháng, trước sau trải qua 30 trận. Lê Lợi nghe tin viện quân nhà Minh của Liễu Thăng sắp đến, bèn cử Trần Nguyên Hãn làm chỉ huy, cùng với Lê Sát, Lý Triện, Nguyễn Lý, tăng thêm lực lượng công thành.[3]
Trần Nguyên Hãn phá được thành, Lý Nhiệm, Cố Phúc cho quân Minh tử thủ đến cùng khiến cho dân chúng nhiều người chết. Sử nhà Minh lại ghi rằng Nhiệm, Phúc về sau ba lần đẩy lui nghĩa quân, phải đến khi nghĩa quân xua voi chiến vào thành, Nhiệm, Phúc không địch nổi, tự cắt cổ. Nội quan Phùng Trí, chỉ huy Lưu Thuận đều tự thắt cổ. Trong thành có tới vài ngàn người chết suốt quá trình vây hãm[4].
Giao Chỉ Bố chính sứ Dặc Khiêm đem việc tâu lên, Minh Tuyên Tông nghe xong thì than thở, tặng Nhiệm làm Đô đốc đồng tri, cho con cháu thừa tập.
Tham khảo
- Minh sử quyển 154, liệt truyện 42 – Lý Nhiệm truyện
- Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), bản in Nội Các Quan Bản, mộc bản khắc năm Chánh Hòa thứ 18 (1697), bản dịch Quốc ngữ của Viện Khoa Học Xã hội Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa Học Xã hội, Hà Nội, 1993
Chú thích
- ^ Nay là Vĩnh Khang, Chiết Giang
- ^ Nay là vùng đất giáp ranh giữa xã Xương Giang và một số xã của huyện Lạng Giang, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang
- ^ ĐVSKTT, tlđd – Bản kỷ quyển X, Kỷ nhà Lê, Thái Tổ Cao Hoàng Đế: Đinh Mùi, [1427], (Minh Tuyên Đức năm thứ 2)... Tháng 9, ngày mồng 8, bọn Thái úy Trần Hãn, Tư mã Lê Sát, thiếu úy Lê Triện, Lê Lý đánh lấy được thành Xương Giang. Khi ấy, viên chỉ huy nhà Minh là Kim Dận cho là thành này nằm ngay trên đường về của quân Minh, nên cùng với tên quan mới bổ đến là Lý Nhậm liều chết cố thủ. Trải qua hơn 6 tháng trời cầm cự với các quân Khoái Châu, Lạng Giang, chúng vừa đánh vừa giữ, khiến quan quân không thể lên được thành. Vua sai bọn Hãn đắp đất, mở đường đánh nhau với giặc, dùng câu liêm, giáo dài, nỏ cứng, tên lửa, súng lửa, bốn mặt đánh vào, thành cuối cùng bị hạ. Bọn Dân, Nhậm đều tự sát. Đem ngọc lụa và con gái bắt được của giặc ban hết cho quân sĩ. Tổng binh Vương Thông được tin, làm hai bài văn tế. Được hơn 10 ngày thì viện binh giặc tới nơi, nhưng thành đã bị hạ.
- ^ Minh sử, tlđd và Minh sử quyển 321, liệt truyện 209 – Ngoại quốc 2: An Nam truyện đều chép là thành vỡ vào tháng 4 ÂL năm Tuyên Đức thứ 2 (1427)